Tác giả Phan Quỳ
HỒI
ỨC MIÊN MAN
Phan Quỳ
Quê mình ở bên nầy dòng sông Thạch Hãn, bên kia là
làng Như lệ. Làng mình là An Đôn. Ngôi làng hiền hòa dọc theo vùng đất ven sông
và có bãi cát vàng trồng bắp nếp và khoai có mùi thơm ngon rất lạ, hầu như ai
cũng thích. Thời đó trước năm 1972, mình còn nhỏ, đi học ở lớp của nhà thờ với
các soeur, sau đó chuyển sang trường nữ rồi vào trung học Nguyễn Hoàng.
Nhà mình đông lắm. Ông nội có hai bà là hai chị em ruột
(hồi đó lạ nhỉ) và có được mười lăm
người con, mười nữ và năm nam (chao ôi là
nhiều). Dù nhỏ mình vẫn nhớ hình ảnh các bà O của mình da đẹp, tóc đen dày
và thật là dài, nhưng hầu như đều phận mỏng và lắm truân chuyên. Bác và các chú
cũng đẹp. Bác làm Khuông hội trưởng, dáng người cao lớn, khuôn mặt chữ điền, đội
khăn đóng áo dài, trông thật uy nghi mỗi khi mình theo bác vào lễ Phật. Chú thì
làm công chức của sở công chánh. Mình nhớ lúc nào sang chơi cũng thấy chú dùng
một mâm cơm riêng ở nhà trên, thím và các em ở nhà dưới. Nhà ngăn nắp, nề nếp
và bày biện đẹp mắt, không như nhà mình vì ba mẹ đều làm nông. Ba mình bảo ngày
xưa bác và chú học giỏi thì cứ tiếp tục còn ba thì làm ruộng để có thêm lúa gạo
cho cả nhà (!)
O thứ hai của mình cũng có ba người con gái tên là Hường,
Liên và Huế. Ai cũng duyên dáng và khéo tay. Mỗi người mỗi vẻ nhưng thật ưa
nhìn. Chú thứ ba thì có hai em trai và năm em gái luôn: Hương, Lan, Huệ, Hồng
và Lệ. Hương xinh nhất nhà và là bà xã của đại úy Lê Ngưu, trưởng ban quân trấn
thời ấy. Dượng Ngưu thường đi xe jeep mui trần, người to cao phong độ và có
súng lục giắt ngang hông trông thật oai vệ. Quân lính sợ lắm vì nghe đâu dượng
hay phạt nặng những ai vi phạm kỷ luật. Mỗi lần Ngưu qua nhà mình chơi chào ba
mẹ mình xong là quay sang mình và nói “chị Gái” (mình ở nhà tên là Gái), giọng
rền vang và thêm nhìn dáng dấp dượng ấy là mình ôm cột nhà mà khóc vì sợ. Mọi
người an ủi dỗ dành nhưng mình cứ khóc hoài… dượng Ngưu cười và đi ra. Bây giờ
hai ông bà định cư ở Mỹ, mỗi lần về nhắc lại chuyện xưa đều thấy thật buồn cười.
Mà hình như cái số mình là vậy, nhát gan và cứ thường hay khóc, vui, buồn, cảm
động, tủi thân đều làm mình không kìm được nước mắt, có lẽ vì vậy nên cuộc đời
cứ buồn buồn trong tâm…
Mình nghe kể rằng có mấy vị trung úy, thiếu úy dưới
trướng của đại úy Ngưu có việc gì vào nhà đều mong được nhìn phu nhân của đại
úy một lần. Khuôn mặt trái xoan, làn da trắng mịn, đôi mắt to màu nâu thăm thẳm
như cuốn hút người đối diện, thêm nữa là giọng nói của Hương cũng thật là lạ,
êm êm và nhẹ nhàng. Mình còn nhỏ lắm mà cứ muốn nhìn mãi không thôi. Còn em Huệ
nữa, em học lớp mười và luôn mang robe trắng, tóc cắt ngắn rất tây. Em ấy ôm
nghiêng cặp sách đi bộ từ bên làng qua trường học mà vẫn mang giày cao gót. Ơi
là xinh và bao chàng ngơ ngẩn… Lúc ấy Hồng và Lệ chỉ trạc tuổi mình nhưng cũng
đã dễ thương lắm rồi với sống mũi cao và khuôn miệng nhỏ, hơi móm một tí, trông
thật duyên với lúm đồng tiền hạt gạo. Con của bác, chú và các O đều xinh đẹp nổi
tiếng thời ấy… chỉ có nhà mình là thường thường bậc trung vậy. Ba mình người tầm
thước, sống chân chất và phúc hậu, ba có hàm răng đều và đẹp nên nụ cười rất
tươi. Chị gái và anh trai mình được thừa hưởng ở ba nét đó nên cũng tàm tạm,
riêng mình thì quá tệ…
Ba có những suy nghĩ và cách hành xử thật hay. Ba ăn
xong một trái bắp, còn lại cái mình thường gọi là cùi (hay cồi ) đó, nó đều tăm
tắp như vừa được lấy dao gọt, còn cái cùi bắp của mình thì ôi thôi như là chuột
gặm… Ba nói coi con tề, con gái ăn uống kiểu chi lạ…cái chi cũng phải tập con ạ,
lời ăn tiếng nói, dù công việc, dù cách ăn uống đều phải chu đáo, hãy quan tâm
đến người khác và tận tâm tận lực… mình cố gắng đến mấy thì cũng chẳng thể nào
được như ba… có rỗ khoai hay sắn luộc đặt trên bàn, ba nói đã cầm củ nào lên là
dùng củ đó, không nên bỏ xưống lại, con bỏ xuống tức là mình chê, sao lại để
cho người khác thứ mình không muốn chứ…
Những điều tưởng chừng như đơn giản nho nhỏ ấy trong đời
cứ nằm sâu trong tâm thức mình và mình đã cố làm theo những lời ba dạy…
Mình có chị gái, nho nhỏ xinh xinh, chị làm nghề may.
Hằng ngày sau giờ học mình cứ quanh quẩn để nhặt vải vụn may áo quần cho một loạt
búp bê của mình, thôi thì đủ kiểu và cũng thích nghe chị hát, những bài bolero
mùi mẫn thời đó và rồi mình dần thuộc và cũng ngêu ngao suốt ngày… Thành phố buồn lắm tơ vương, cơn gió chiều lạnh
buốt tâm hồn… dù mình chẳng hiểu chi mấy. Có nhiều anh sỹ quan mặc đồ lính ủi
thẳng tắp, đẹp trai, ghé vô nhà chơi, véo má mình một cái, (mình cố nhớ anh nào đó véo đau để hôm sau mình thấy là tránh, mình chỉ
thích có anh đó lúc nào cũng chỉ vuốt nhẹ cái tóc mình, thật dịu dàng và đáng mến...)
rồi thì anh chuyện vãn với chị, mình thấy chị cứ cười cười. Họ nói bao điều,
mình cố lắng nghe và cũng chẳng hiểu gì…
Mình cũng có các anh trai. Mẹ mình chắp nối với ba và
gian nan lắm lắm mới có mình nên các anh lớn hơn nhiều và đều thương mình. Hôm
tháng tư năm 72 chiến sự xảy ra, mẹ mình bị mảnh đạn găm ở lưng, mình bị thương
ở đầu, máu chảy nhiều lắm mình khóc thét, anh cõng mình trên lung và dắt mẹ chạy
đi trong làn mưa đạn để qua bịnh viện và năn nỉ bác sĩ cứu giúp vì lúc ấy hoảng
loạn lắm. Hình ảnh ấy mãi mãi trong tim mình.
Anh kế thì rất đẹp trai và nhiều cô theo mê mẩn. Lúc
nào anh ấy cũng cười cười để khoe hàm răng trắng bóng và duyên duyên. Anh chú ý
ăn mặc và có gu thẩm mỹ nên lúc nào cũng mua đồ đẹp cho mình mỗi khi có tiền rồi
nói mình mặc vào để anh ngắm ngắm…
Tuổi thơ của mình cứ vậy mà trôi đi. Rồi thì bao vật đổi
sao dời, bao thăng trầm thế sự và giờ nầy mình đã là lão bà bà với những hoài
niệm thiết tha và có lúc thật đau xót trong lòng. Những người thân yêu nhất của
mình đã lần lượt ra đi. Cách đây mấy năm O của mình ở Huế bịnh nặng, mình vào
thăm. Buổi trưa mình hơi mệt nên ngủ quên bên O, lúc mở mắt ra mình thấy O vẫn
ngồi. Mình hoảng lên, “răng O không ngủ một
tí.” O nói O sợ ngủ quên rồi con ra O không thấy con nữa. Mình ôm lấy O mà
khóc mãi … thương ơi máu thịt của mình…
Rồi mình còn một O cuối cùng cũng đã 95 tuổi, thôi thì
cũng là trường thọ nhưng sao lòng vẫn muốn O còn mãi. Lúc nào O thấy mệt trong
người, O nói với mấy em rằng nhắn con Quỳ vô thăm kẻo tau chết… Hôm tiễn O về
thế giới an lạc, mình đọc lời cảm tạ quý chư tăng và đạo hữu mà nghẹn ngào nức
nở mãi không thôi. Một đời hồng nhan bạc phận, lận đận nuôi con một mình mà O
lúc nào cũng bao dung và tràn đầy tình cảm.
Thế là những mất mát cứ vậy mà đi qua đời mình. Cha mẹ
rồi các bác các chú và các O rồi chị gái nữa. Mình nhớ hôm mình đậu đại học chị
cầm tay mà nói em cố gắng học giỏi để kiếm một nghề mà sống, đừng làm nông vất
vả lắm em. Chị nghèo và đông con nhưng lúc nào cũng nghĩ về mình. Giờ ở bên kia
chị có được vui và nhớ em không chị ơi???
Các con mình vẫn bảo đó là quy luật. Mình cùng hiểu vậy
nhưng mình sợ lắm hai từ chia ly. Mình sợ những người thương mến mình phải ra
đi. Hai con gái mình thì mạnh mẽ hơn nhiều. Chúng ít khóc và biết kìm nén nỗi
đau. Mình thì quá sức mềm yếu và sống mãi với nỗi nhớ thương chưa bao giờ vơi cạn.
Bây giờ mùa bắp lại về, nhìn trái bắp mình lại nhớ.
Mình vẫn không có được cái cùi bắp nhẵn nhụi như ba và bao điều mình đã không
làm được như lòng mẹ mong muốn. Mình phải làm sao bây giờ. Khi viết những dòng
nầy mình lại khóc, sao lúc nào mình cũng chỉ biết khóc thôi…
Phan Quỳ
Mình vừa được bạn bè cho biết:
Trả lờiXóa“Trước khi sang Pháp, Phạm Công Thiện đã lập gia đình với bà Hoàng Thị Sen (người vợ Quảng Trị do gia đình ông Phạm Công Thiện ra cưới hỏi đàng hoàng). Họ đã có với nhau 2 con gái: Phạm Hoàng Thụy Mi và Phạm Hoàng Thiện Uyên, cả 2 cô này đều đang sống ở Brisbane Australia.”