Trang

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

SINH NHẬT THI HÀO NGUYỄN DU - Nguyên Lạc





     SINH NHẬT THI HÀO NGUYỄN DU

Hôm nay ngày 3 tháng 1 là ngày sinh của thi hào Nguyễn Du (1766).
Để tưởng niệm ngài, Nguyên Lạc tôi post lại vài bài thơ ngắn chữ Hán của ông và bản phóng dịch

I. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NGUYỄN DU
Sinh: 3 tháng 1, 1766, Bích Câu, Thăng Long.
Mất: 16 tháng 9, 1820 (54 tuổi) Huế.
Bút danh: Tố Như, Thanh Hiên, Hồng Sơn lạp hộ, Nam Hải điếu đồ.
Nguyễn Du đã để lại một di sản văn chương đồ sộ với những tác phẩm kiệt xuất, ở thể loại nào ông cũng đạt được sự hoàn thiện ở trình độ cổ điển.
Thơ chữ Hán: Nguyễn Du có 3 tập thơ: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, và Bắc hành tạp lục.
Thơ chữ Nôm: Nguyễn Du có hai kiệt tác Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) gồm 3254 câu thơ lục bát và Văn tế thập loại chúng sinh gồm 184 câu viết theo thể song thất lục bát.


II. PHÓNG DỊCH VÀI CÂU THƠ NGUYỄN DU

1.
Nguyên tác
Nhất sinh từ phú tri vô ích,
Mãn giá cầm thư đồ tự ngu.
(Mạn hứng - Nguyễn Du)

Phóng dịch:
Một đời thơ phú ích chi
Sách đàn đầy giá chắc gì là khôn?

2.
Nguyên tác
Phụ tọa nhàn song tửu nhãn khai
Lạc hoa vô số hạ thương đài
(Đối tửu - Nguyễn Du)

Phóng dịch:
Bên song im ngất cùng ly nhớ
Mắt lệ người nhìn lá thu rơi!

3.
Nguyên tác
Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu
(Thu chí 1 - Nguyễn Du)

Phóng dịch:
Cố hương còn có chờ người
Vầng trăng ngày cũ vẫn ngời bến xưa ?

4.
Nguyên tác
Cố quốc sơn hà khan lạc nhật,
Tha hương thân thế thác phù vân
(THU NHẬT KÝ HỨNG - Nguyễn Du)

Phóng dịch:
Quê hương ngút mắt chiều phương ấy
Chở hết mây ơi nỗi sầu này

5.

Nguyên tác
Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh
Mãn sàng trê vũ bất kham thinh
(TỐNG NHÂN - Nguyễn Du)

Phóng dịch:
Đêm thăm thẳm sầu riêng với bóng
Chiếu chăn nhầu mưa động thốn tâm

6.

Nguyên tác

Phu tọa nhàn song tửu nhãn khai
Lạc hoa vô số hạ thương đài
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi
             (Đối tửu - Nguyễn Du)

Phóng dịch:
Tựa song. mắt rượu. ngùi trông
Hoa rơi lả tả. phủ lòng thảm xanh !
Sống. không cạn chén trọn tình
Chết. ai tri kỷ rượu nghiêng rưới mồ ?

7.

KÝ MỘNG

Nguyên Lạc xin mạn phép dịch thoát bốn câu cuối (toàn bài 24 câu) gây cảm xúc nhất riêng mình,coi như niềm trân trọng và tưởng nhớ đến người xưa. Có gì các bậc cao nhân bỏ qua cho !

Nguyên tác
...
Mỹ nhân bất tương kiến
Nhu tình loạn như ti
Không ốc lậu tà nguyệt
Chiếu ngã đan thường y.
                 (Nguyễn Du)

Dịch thoát

GHI QUA MỘNG

Giai nhân. Người hỡi đâu rồi?
Tình sầu loạn mối. rối bời như tơ
Nhà không. xuyên ánh trăng mờ
Chiếu qua áo mỏng. thấu ta nỗi niềm !
                                   (Nguyên Lạc)

Ngày đầu năm mới 2019 Nguyên Lạc tôi kính nhớ đến ngài cùng lòng trân quý một thiên tài nước Việt thân yêu.

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

         Nguyên Lạc 01/2019
(cựu SV đại học Cần Thơ 68-72)
............
*
@. PHỤ LỤC

Truyện Kiều của Nguyễn Du còn có tên là Đoạn Trường Tân Thanh tức “Khúc Ca Mới Đứt Ruột”. Tôi xin dẫn chứng chuyện này để xác minh RẦU ĐỨT RUỘT/ BUỒN ĐỨT RUỘT là khả thi.
Có một chứng bệnh liên hệ mật thiết với “rầu thúi ruột”, “buồn đứt ruột”:

Thò tay mà ngứt ngọn ngò,
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ.

Thương yêu, thất tình, sầu đau đến độ “buồn đứt ruột”, buồn đến độ ruột đứt ra từng đoạn, từng khúc, từ Hán gọi là “đoạn trường”. Chứng buồn rầu đứt ruột này khởi sự từ chứng “rầu thúi ruột”. Chúng ta thường than thở là rầu thúi ruột, buồn thúi ruột, buồn nẫu ruột, buồn não lòng, buồn đứt ruột… Chứng này không những thấy trong văn chương bình dân ca dao tục ngữ mà con thấy trong văn chương bác học, đặc biệt nhất là trong truyện Kiều của Nguyễn Du, vì thế để nói hết ý, trong bài này tôi xin trích dẫn thêm truyện Kiều.

Não lòng thay, bấy hóa công,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha…
                              (Nguyễn Du - Kiều)

hay:

Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
                              (Nguyễn Du - Kiều)

Truyện Kiều của Nguyễn Du còn có tên là Đoạn Trường Tân Thanh tức “Khúc Ca Mới Đứt Ruột”. Có thật sự buồn đến nỗi ruột đứt ra từng đoạn từng khúc không? Xin thưa là có. Đứt ruột “đoạn trường” dựa vào sự thật là trong thiên nhiên có một loài khỉ có tình mẫu tử rất tuyệt vời. Khỉ mẹ rất yêu thương con. Vì một lý do gì đó, khỉ con bị chết mà còn thấy xác, khỉ mẹ ngồi ôm xác con cho tới khi xác con rữa thối. Các con khỉ khác trong bầy phải lén rình cướp lấy xác đem dấu đi. Nếu con bị bắt mất, khỉ mẹ ngồi ôm hai bầu sữa, buồn rầu, bỏ ăn, bỏ uống cho tới chết. Đem xác khỉ mẹ mổ bụng ra, thấy ruột khỉ mẹ đứt ra từng đoạn, từng khúc. Vì thế cho nên mới có câu “Buồn đứt ruột” hay đoạn trường là vậy.

"Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ" - BS Nguyễn Xuân Quang:
https://bacsinguyenxuanquang.wordpress.com/
...................
*
@. Mời đọc
DỊCH THOÁT THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU - Nguyên Lạc
http://www.art2all.net/…/nguyenlac_dichthoatthochuhancuangu…
Nguyên Lạc: DỊCH THOÁT THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU (1)
http://t-van.net/?p=33327
BÀI THƠ THU CHÍ CỦA NGUYỄN DU - Nguyên Lạc
http://www.art2all.net/…/nguyenlac_baithothuchicuanguyendu.…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ