Trang

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

NHÂN NĂM KỶ HỢI NÓI CHUYỆN VỀ HEO - Hoàng Đằng


     

        NHÂN NĂM KỶ HỢI NÓI CHUYỆN VỀ HEO 
                                                                              Hoàng Đằng

Năm tới (2019) là năm Kỷ Hợi theo Âm Lịch. Biểu tượng của năm Hợi là con heo. Nhiều người nói rằng ai sinh năm Hợi thì có số sướng; chắc ý họ muốn nói là khỏi làm gì hết, chỉ nằm mà được nuôi ăn như con heo.
Con heo ăn nhiều và muốn ăn nhiều bữa trong ngày. Do đó, người ta có phong tục dùng con heo bằng đất nung để bỏ tiền tiết kiệm, thể hiện mong muốn sự tiết kiệm liên tục, nhiều lần nhất trong ngày có thể được.
Tôi không tin người tuổi con heo thì sướng.
Con heo được nuôi ăn càng đầy đủ thì càng chóng lớn; mà lớn thì heo sẽ chóng bị giết lấy thịt; nghĩ thế thì những người tuổi Hợi nên có phần lo!!!.
Nhưng hãy xem lại … Trước khi nuôi trong chuồng để thành một gia súc, heo vốn là thú hoang trong rừng. Để tồn tại, heo phải chống chọi, cạnh tranh sinh tồn với các loài thú hoang khác, phải ngày đêm săn lùng, đào bới tìm thức ăn.
Thành thử, người tuổi Heo cũng như người tuổi Trâu, tuổi Cọp … phải “tay làm" thì hàm mới có nhai. Người nào đó tuổi Hợi mà giàu có, chức phận hơn người, cứ tin theo Phật Giáo, ấy là nhờ kiếp trước khéo tu.
Và coi chừng! Người có tiền tài nhiều, danh vọng cao chưa chắc đã hạnh phúc; "càng cao danh vọng càng dày gian nan"!!!

Heo là một trong các loài thú hoang, được con người thuần hoá, nuôi để lấy thịt và lấy phân.
Con người nuôi heo để lấy thịt vì thời gian nuôi tương đối ngắn (dưới một năm); thịt heo ngon - ngon từ da, vô lớp mỡ, lớp nạc đến cả xương - lại còn dễ chế biến - luộc, nướng, quay, kho, hầm, ram ... đều được; do đó, từ giới bình dân cho đến giới quyền quý, ai cũng chọn thịt heo làm món chủ đạo trong ba ngày Tết; "trong ba ngày Tết thịt treo trong nhà", "thịt mỡ. dưa hành, câu đối đỏ" ... Thịt trong mấy câu ấy là thịt heo. Xưa chưa có tủ lạnh, ở thôn quê, trước Tết, mỗi gia đình mua thịt heo, về luộc chín, treo lòng thòng dưới mái nhà, đó là cách bảo quản đơn giản; đến bữa, cắt một phần, thái nhỏ để cúng. Thịt heo có cách bảo quản đơn giản thế, nên thuận tiện cho mọi nhà khi trong Tết, chợ không họp.
Con người, khi bước vào đời sống định cư, phải trồng trọt để có ăn, mà trồng trọt thì cần có phân cho cây trồng phát triển; vì vậy, người ta phải nuôi heo; trong tất cả phân gia súc, phân heo tốt nhất, bón cây gì cũng tốt. Để có nhiều phân, chuồng heo lót rơm, lót bổi ... cho heo giẫm đạp, đái ỉa lên trên, ngấm vào. Chuồng heo kiểu ấy ít hôi, chứ chuồng lát bê-tông rồi giội bây giờ, nước thải xả ra môi trường, hôi lắm, ô nhiễm lắm! Mấy năm trước, tôi ở kế cận nhà có nuôi heo, mỗi lần nhà ấy giội chuồng, tôi phải bỏ nhà, chạy lánh nạn.
Ngày xưa, chưa có phân hoá học, phân chuồng quý lắm - phân giúp cây chóng lớn, giúp đất tơi xốp; cho nên, nhà thơ Tố Hữu mới có những vần thơ:
"Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá ... Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ" ...
Vậy mà hiện nay, nhiều trang trại nuôi hàng vạn con heo, không ai tận dụng nguồn phân, để chất thải ra ô nhiễm sông suối. Uổng dữ!

Mặc dù heo cung cấp thịt cho bữa ăn của con người, cung cấp phân cho con người trồng trọt, con heo vẫn thường bị con người chê là xấu - xấu cả hình dáng cả khuôn mặt, nhớp, ngu ...
Thật ra, heo xấu là do đánh giá của con người, chứ đối với các loài động vật khác, heo chưa chắc đã xấu; ngay dưới cái nhìn con người ngày nay, heo đã có dáng dấp đẹp, dễ thương, vì vậy, nhiều người đã chọn heo làm thú cưng, nuôi heo để vuốt ve, ôm ấp ... (tìm bài và hình trên mạng).
Heo phải nhớp vì do con người đày đoạ nó trong chuồng nuôi nhỏ quá, không cựa quậy được, thành thử ỉa đái lung tung; chứ chuồng rộng, heo "đi vệ sinh" có chỗ, nằm luôn chọn chỗ khô ráo. Bà Nguyễn thị Nga ở quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh nuôi con heo để vỗ về cho vui, nó rất sạch sẽ, đi vệ sinh đúng lúc, đúng nơi, nằm có chăn có chiếu (tìm xem trên mạng).
Heo là một động vật, lẽ dĩ nhiên, nó không khôn bằng con người, chứ so với các động vật khác, nó cũng không thua về trí khôn, biết đòi ăn khi đói, biết nghe tiếng động bước người đi để biết đó là chủ hay ai khác.
Heo chỉ có 2 tật đáng trách:
(1) Ăn thì cứ dũi mỏm xuống máng đẩy thức ăn văng ra ngoài khi thức ăn không vừa ý, táp bằm bặp khi gặp thức ăn ngon và khi ăn chung, con nào mạnh thì giành phần của những con khác...
(2) Động dục thì không biết nín, đặc biệt heo cái mỗi lần "rỡ" cắn phá chuồng trại, kêu la vang óc vang tai; khi "làm tình" thì sỗ sàng, không biết e dè; và cũng giống như các động vật khác, một con đực có thể "làm tình" với nhiều con cái, "làm" với tần suất dày, không biết mệt; chỉ khác với các loài khác, con heo đực vừa được hưởng lạc vừa được trả tiền (trước đây, chưa biết thụ tinh nhân tạo, nhiều gia đình nuôi "heo nọc" như một phương tiện mưu sinh).
Cảnh "làm tình" của heo rất khiêu dâm; thành thử, bên đông cũng như bên tây, hình tượng con heo chỉ sự dâm dục; vua Lê Tương Dực (1495 - 1516), đời Lê trị vì từ 1509 đến 1516, gian dâm với cung nhân các triều trước, bị sứ Tàu Phan Huy Tăng gán cho tên "Trư Vương" (vua heo); bên tây, có từ Film Cochon (phim heo) để chỉ những phim diễn xuất làm tình, lén lút chiếu để kích dục.

Tuy nhiên, hình như bây giờ, con người, về cái ăn, cũng đã giành giật, săn miếng ngon ... như heo; về "làm tình", cũng đã tìm những thực phẩm, những phương thuốc kích dục để được "phê" như heo.
Thôi, thế thì heo không có tính gì xấu, phải không các bạn?

                                                                            HOÀNG ĐẰNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ