BUỔI ĐẦU CỦA NGÔI TRƯỜNG BA THẾ HỆ
Sau hiệp định
Genève năm 1954, khu căn cứ kháng chiến La Gi-Hàm Tân tuy là một quận lỵ thuộc
tỉnh Bình Thuận nhưng còn hoang sơ, đồng không mông quạnh, rừng già giáp với
xóm làng. Dân hồi cư tập trung ven sông Dinh và phần đất huyện đường Hàm Tân
ngày xưa. Cuối năm 1956, dưới chế độ VNCH tỉnh Bình Tuy chính thức thành lập
nhưng hơn một năm sau các cơ sở bộ máy mới xây dựng xong và đưa vào hoạt động,
trên khu vực đất trung tâm hành chánh thị xã La Gi ngày nay. Cùng lúc ngôi trường
Trung học Bình Tuy ra đời với niên khóa đầu tiên 1958-1959, đặc biệt là chỉ có
một lớp Đệ Thất duy nhất - tức lớp 6 bây giờ, gồm 31 học sinh vừa thi lấy bằng
Tiểu học được tuyển vào. Tuổi tác có người đã 15-16, vì đây là vùng đất vừa ra
trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ. Đây cũng là năm thi tốt nghiệp Tiểu học lần
đầu ở La Gi-Hàm Tân, trước đó phải ra Phan Thiết và các xã chỉ có trường sơ cấp
đến lớp Nhất mà thôi. Trường có 3 phòng học, sát với một trường Tiểu học liên
xã vì có xã không có trường do không đủ số học sinh. Xung quanh trường vẫn còn
những cụm rừng nguyên sinh, những gốc cây dầu lông đến hai vòng tay ôm và trước
mặt trường là một đầm nước mọc đầy cây tràm trổ hoa thơm ngát.
Tôi còn nhớ
mãi hình ảnh học sinh trung học tuy vẫn còn trong hoàn cảnh quê mùa, thiếu thốn
nhưng đến trường trang phục tươm tất, với nữ mặc áo dài trắng, nam sơ mi trắng
quần Tây xanh… Phần đông đều từ La Gi (tức
Phước Hội, Phước Lộc, Bình Tân) lên. Sau này giải quyết nhu cầu ăn buổi
trưa cho học sinh, nhà trường lập ra “Ngọ Phạn điếm” (một hình thức Căng-tin) và phương tiện bằng xe đạp hay xe lam ba
bánh chạy theo con đường sứ đất đá lởm chởm nối dài từ La Gi đến trường, là đường
Thống Nhất ngày nay. Có người hỏi sao gọi là trường Trung học được mà đầu vào lại
là lớp Đệ Thất, tức lớp 6 sau này? Theo chương trình giáo dục hồi đó cấp Trung
học gồm từ Đệ Thất đến Đệ Nhất (lớp 12), chia ra Trung học Đệ nhất cấp (từ lớp
6 đến lớp 9 rồi thi lấy bằng Trung học Đệ nhất cấp) và Trung học Đệ Nhị cấp (gồm
lớp Đệ Tam, Đệ Nhị -thi Tú Tài I xong mới được học lớp Đệ Nhất rồi thi Tú tài
2-toàn phần). Khoảng trước năm 1970, tỷ lệ thi lấy bằng Tú Tài I chỉ khoảng
15-30% và Tú tài 2 khoảng 40%, phải ra Phan Thiết hoặc Nha Trang. Thầy cô giáo
đứng lớp đều gọi là Giáo sư.Tiếng là một trường Trung học của tỉnh, nhưng quy
mô trường lớp chừng đó, có lẽ chỉ có ở tỉnh này. Tôi còn nhớ ông Ngô Văn
Minh,Trưởng ty Tiểu học Bình Tuy kiêm luôn chức Hiệu trưởng ngôi trường Trung học
cho đến 3 năm sau số lớp mở thêm mới thôi. Ngày nhận lớp có 2 thầy Đỗ Hữu Trụ,
Trịnh Văn Thụy mới chuyển đến. Tiếp đó có thêm cô Tâm và các thầy Phạm Huệ, Đỗ
Quốc Tưởng, Nguyễn Roan, Trần Văn Anh, Trần văn Thảo... Các thầy cô đều tốt
nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn. Một số thầy ở Tiểu học được rút lên như thầy Hồng
Châu,thầy Chiểu, thầy Đức… dạy các môn công dân giáo dục, nhạc họa, thể dục…
Khi lớp tôi lên đến lớp Đệ Tứ thì trường cũng nhận thêm lớp Đệ Tam từ nguồn học
sinh ở khu dinh điền của hai quận Hoài Đức, Tánh Linh và một số ở Phan Thiết
vào. Lúc này số học sinh trường Trung học tư thục Vinh Tân thành lập năm 1957,
không có mở Đệ Tam nên cũng chuyển lên đây.Từ đó số lượng lớp trường Trung học
Bình Tuy phải tăng để thu dung học sinh nên cơ sở phòng ốc xây dựng nới rộng
khu mới kề bên.
Chừng vài
năm sau, phương tiện đi lại nhiều và học sinh từ nơi xa đến đã trọ học ở khu
xóm nhà mái lá phía sau lưng trường. Học sinh quê Tân Thành, Tân Thuận gần hơn
nhưng hàng tuần nửa tháng phải về nhà lấy gạo, khoai để ăn học. Mẹ tôi nhận nấu
“cơm tháng” cho một số học sinh ở xa, trong đó có nhóm ở Phan Thiết, thuê
nguyên gian nhà lá buông của bà Hai Liên. Thời gian nghỉ học ở xa rảnh rang là
đá banh, tập võ, đọc sách báo văn nghệ nhưng toàn là của người lớn, nào tạp chí
Sáng tạo, Hiện đại, Bách Khoa,Văn hóa ngày nay… Ngoài luyện võ, Nguyễn Văn Hải
còn tự học Anh ngữ bằng tự điển.Tôi nhớ mãi những nhân vật rất cá tính mà sau
này cũng khá tiếng tăm trong hoạt động văn học nghệ thuật như Nguyễn Văn Hải (nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn),Cao Bá Minh (họa sĩ ở Mỹ), Trần Ngọc Minh (Trần Yên Thảo- nhà thơ, dịch giả văn học
Trung Hoa)…Tuổi đó mà đã có nhiều anh có thơ đăng trên các tạp chí ở Sài
Gòn như Phạm Năng Hóa, Trần Yên Thảo, Đông Thùy… Hoàn cảnh đa phần đều nghèo,
ít có gia đình cho con theo học bậc Trung học, hết Tiểu học là đi làm vì đã lớn
tuổi. Trong năm, tôi chỉ có 2 bộ quần áo đồng phục, vải quần kaki xanh và áo trắng
pô-lin mà má tôi phải “thiếu chịu” với tiệm may anh Hai Phong ở chợ Cũ. Nay
nghĩ lại mới thấy sự kỳ diệu trong điều kiện học hành bây giờ, nhưng lứa tuổi
tôi hồi đó thật hồn nhiên, không chút so đo.
Suốt chặng
đường 60 năm, có đến ba thế hệ đời cha mẹ, con, cháu… với biết bao kỷ niệm và sự
thay đổi kỳ diệu của ngôi trường này. Từ ngôi trường đầu tiên với tên gọi trường
Trung học Bình Tuy cũng là lứa tuổi hình thành tỉnh mới Bình Tuy, của một thời
kỳ lịch sử đất nước. Sau 1975 có một thời gian ngắn là trường Phổ thông cấp 3
Hàm Tân, rồi trường Phổ thông Trung học Hàm Tân và nay là trường Trung học phổ
thông Lý Thường Kiệt. Nhưng với thế hệ học trò của lớp học Đệ Thất đầu tiên của
ngôi trường ra đời một cách ngộ nghĩnh, mãi là một màu xanh mướt của cánh rừng
dầu nguyên sinh như còn phủ mát cả đời người.
PHAN CHÍNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ