Tác giả Phạm Đức Nhì
BÀN VỀ CHỮ “BUÔNG” CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
TRONG
“ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI”
Vài
Lời Phi Lộ
Từ bài viết Hiểu Đúng Nghĩa Câu Hát Của Trịnh Công Sơn Như
Thế Nào? của giáo sư Hoàng Đằng đã dẫn đến một cuộc trao đổi văn học nho nhỏ
khá lý thú. Mỗi người một cách hiểu, một cách dẫn giải khác nhau. Mỗi người một
“tấm lòng”, nhất định không chịu “Để Gió Cuốn Đi”. Và thế là chỉ cần một câu
nói vô tình của người này “đụng chạm” đến “tấm lòng” của người khác, cuộc trao
đổi văn học nho nhỏ đã biến thành một cuộc tranh luận nảy lửa. Có người mải mê
ham vui đã ít nhiều bị “văng miểng”.
Độc giả có thể đọc bài viết của giáo sư Hoàng Đằng theo link
dưới đây:
https://vannghequangtri.blogspot.com/2018/11/hieu-ung-nghia-cau-hat-cua-trinh-cong.html
Cô giáo Vân Anh ở Đà Nẵng, bạn Facebook, đứng ngoài theo dõi
cuộc tranh luận, nhắn tin cho tôi (đại ý): “Nếu
có dịp viết về Trịnh Công Sơn, anh viết mở rộng một tý để em được học hỏi
thêm.” Tôi nghĩ rằng, muốn hiểu một chữ, để chắc ăn, nên hiểu nó trong
khung cảnh một câu, có khi cả đoạn. Hiểu một câu hát, muốn khỏi bị lầm, phải hiểu
câu hát ấy trong khung cảnh của cả bản nhạc. Đọc kỹ lại các ý kiến tranh cãi thấy
mọi người chỉ nhắm vào, xoáy vào một câu hát nên đôi khi, theo tôi, hơi bị “lệch”
với ẩn ý của tác giả. Nhân có lời yêu cầu của cô giáo, tôi nảy ra ý định bàn rộng
ra một tý để mọi người thấy được bức tranh toàn cảnh của bản nhạc.
Vì thế, xin phép những độc giả khác cho tôi được tặng bài viết
này cho cô giáo Vân Anh.
Với tôi, đây là đề tài quen thuộc, lại nhân dịp lễ nên rảnh
rỗi hơn khi viết những bài khác. Vì thế, cũng có chút tự tin khi đem bài viết
trình làng. Nhưng dù tự tin đến mức nào đi nữa, đây cũng chỉ là quan điểm của
riêng cá nhân mình. Rất sẵn sàng và vui vẻ đón nhận ý kiến phê bình từ những
góc nhìn khác.
Để Gió Cuốn Đi
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi
Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông
Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian
Những khi chiều tới cần có một tiếng cười
Để ngậm ngùi theo lá bay
Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi
Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình
Chỉ lặng nhìn không nói năng
Để buốt trái tim, để buốt trái tim
Trong trái tim con chim đau nằm yên
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu
Một sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hót tan trong trời gió lên
Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai
(Trịnh Công Sơn, 1973)
Theo tôi, ca từ của bản nhạc có thể chia làm 4 đoạn:
1/
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi
Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông
Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian
Tôi hiểu “tấm lòng” ở đây là tâm ý tốt lành, cao thượng,
hành xử nhân ái, vị tha … (theo cách đánh giá của chính người có “tấm lòng” đó)
Ai tôn vinh hoặc có
thiện cảm với “tấm lòng” đó sẽ là bạn hoặc đồng minh. Người nào coi thường hoặc
xúc phạm đến “tấm lòng” ta sẽ bị coi là kẻ xa lạ, thậm chí kẻ thù. Sự yêu mến,
thù ghét phát sinh từ đó sẽ làm ta mờ mắt, nhìn cảnh vật, cuộc đời quanh ta sai
lạc.
Thương nhau củ ấu cũng tròn
Ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông
(Ca dao Việt Nam)
Không phải là nếu không để gió cuốn “tấm lòng” đi thì mây sẽ
không qua dòng sông và ngày sẽ không lên hoặc đêm sẽ không xuống - thời gian sẽ
ngừng trôi. Thật ra, vũ trụ vẫn vận hành, lẽ vô thường vẫn chi phối vạn vật –
nghĩa là mây vẫn qua dòng sông, ngày vẫn lên, đêm vẫn xuống như thường lệ.
Nhưng vì nếu gió không cuốn “tấm lòng” đi thì nó sẽ phủ mờ
tâm trí ta, che mắt ta, khiến ta dù chưa bị đưa vào nhà thương Chợ Quán, chỉ số
IQ rất cao, mắt vẫn mở to, nhưng lại suy nghĩ, hành xử như một gã ngu ngơ khờ
khạo, không thấy, không biết hoặc thấy biết một cách sai lạc những sự vật, sự
việc hiển nhiên ở quanh ta.
Để chứng tỏ mình là người có “tấm lòng” lớn, là dân điệu nghệ
trong tình yêu – khi đã yêu là yêu hết lòng nên xa người yêu là nhớ thương khôn
xiết - một anh người Hoa nào đó đã phát biểu:
Nhất nhật bất kiến như tam thu hề
(Một ngày không gặp dài bằng 3 năm)
Thế đấy! Vũ trụ vẫn vận hành, thời gian vẫn qua đi, qua đi đều
đặn, nhưng dưới mắt những người muốn biểu lộ “tấm lòng” thì hình như nó đang ngừng
trôi hoặc trôi rất chậm - chậm đến cả ngàn lần.
Lúc đó, theo Trịnh Công Sơn thì:
Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian
Sự quảng bá “một tấm lòng” – tâm ý tốt lành, thanh thản,
cách hành xử nhân ái, vị tha, cao thượng - của chính mình thoạt nhìn tưởng chừng
như một việc làm cần thiết, có lợi cho nhân quần, xã hội. Thực tế đã chứng tỏ
ngược lại. Muôn ngàn trường hợp vì muốn loan truyền, bảo vệ tiếng tốt cho mình
và gia đình, con người đã phải gian dối, lừa đảo, nhiều khi còn phạm cả những tội
ác to lớn. Lắm khi vì hám danh, “tấm lòng” ít lại xít ra nhiều, không có “tấm lòng”
cũng tìm cách mua hoặc tạo “tấm lòng giả” để lên mặt, lấy le với đời.
Biết bao nhiêu những nhà lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo quốc
gia, chính trị gia - để giữ bí mật, bảo vệ “tấm lòng giả” của mình - đã lừa phỉnh
giáo dân, dối gạt dân tộc. Không ít trường hợp đã xuống tay tạo vô vàn tội ác.
“Tấm lòng” do đó, với người chính trực, nhiều khi lại là
gánh nặng cho bản tâm.
Đoạn đầu của bản nhạc có thể hiểu như sau: Mỗi người đều có
một “tấm lòng”, một niềm tự hào (thực sự hay giả tạo) về nhân cách của mình.
Hãy “để gió cuốn đi” cho tâm thanh thản. Nếu không, chính “tấm lòng” đó sẽ là
khởi điểm của vạn lời dối gian, của muôn ngàn tâm sở bất thiện.
2/
Những khi chiều tới cần có một tiếng cười
Để ngậm ngùi theo lá bay
Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi
Cuộc đời cũng có lúc hạnh phúc, tâm trạng vui vẻ, và dĩ
nhiên, cũng cần có tiếng cười. Nhưng cũng không nên cố bám giữ hoặc nuối tiếc
tâm trạng hạnh phúc, tiếng cười vui vẻ đó làm gì. Hãy để nước cuốn trôi.
3/
Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình
Chỉ lặng nhìn không nói năng
Để buốt trái tim, để buốt trái tim
Trong trái tim con chim đau nằm yên
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu
Một sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hót tan trong trời gió lên
Đến tuổi biết suy nghĩ và có cảm xúc ai chẳng sở hữu một (hoặc
vài) “con chim đau, mang vết thương sâu” nằm đâu đó trong tim. Đừng ôm ấp chú
chim tội nghiệp ấy như một “thú đau thương”. Hãy mở cửa trái tim để chim bay đi
cho nhẹ lòng, cho tâm hồn thanh thản.
Đến đây, qua 3 đoạn nhạc, TCS đã thể hiện chữ “buông” ở 3 trạng
thái tâm:
a/ Với “tấm
lòng”: Hãy “để gió cuốn đi”
b/ Với hạnh phúc
(tiếng cười): Hãy để nước cuốn trôi.
c/ Với khổ đau, bất
hạnh: Hãy mở cửa trái tim để “con chim đau, mang vết thương sâu” bay đi.
4/
Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai
Để hiểu rõ đoạn kết có lẽ cần nhìn “tấm lòng” kỹ lưỡng hơn
chút nữa.
Có hai loại “tấm lòng”.
1/ “Tấm lòng” hướng ngoại: Là “tấm lòng” của ta dưới con mắt
người đời (reputation: tiếng tăm). Người xây dựng tấm lòng theo lối hướng ngoại
rất chú ý đến dư luận. Mỗi hành xử đều ra sức chiều ý, lấy lòng người đời để được
tiếng tốt. Đây là loại tấm lòng giả, xây trên cát, rất dễ sụp đổ. “Tấm lòng” loại
này sẽ sản sinh ra “cái tôi văn hóa” – cái tôi để sống với xã hội.
2/ “Tấm lòng” hướng nội: Là “tấm lòng” thật của chính ta. Mỗi
suy nghĩ, mỗi hành xử đều tuân theo mệnh lệnh của trái tim, bất cần dư luận người
đời, bất cần thiên hạ. Đây là loại “tấm lòng” TCS muốn muốn đề cập. Chính “tấm
lòng” này sẽ sản sinh ra “cái tôi đích thực”.
Trịnh Công Sơn sử dụng đoạn kết của bản nhạc để dẫn độc giả
đến một “tấm lòng” rộng hơn, sâu hơn. Theo ông, dù là “cái tôi văn hóa” hay
“cái tôi đích thực” cũng là bản ngã, cũng là hình bóng của chính ta. Hãy cứ yêu
đời và vui sống dù cái bản ngã đó đã “vắng bóng”, đã được “gió cuốn đi”. Có thể nói Trịnh Công Sơn - với một trí tuệ
sáng suốt khác thường - mới khoảng trên 30 tuổi (1973), đã thả tầm mắt của mình
đến tận trạng thái vô ngã của cái tâm con người.
Lỗi
Kỹ Thuật
1/
Nghe rồi đọc kỹ phần đầu của câu hát:
“Những khi chiều tới cần có một tiếng cười”
trong tôi bỗng nẩy ra 2 câu hỏi:
a/ Tại sao phải
chiều tới mới cần một tiếng cười? Nếu ở thời điểm khác trong ngày mà bụng vui,
miệng muốn cười thì sao? Chẳng lẽ phải bụm miệng lại chờ đến khi chiều tới?
b/ Nếu chiều tới
mà bụng không vui, miệng không muốn cười thì sao? Chẳng lẽ tự nhiên lại ngửa cổ
cười kha kha kha cho những người quanh ta tưởng ta điên?
Dĩ nhiên, người nghe nhạc hiểu biết rồi cũng nhận ra ý tác
giả. Nhưng một tác phẩm nghệ thuật mà câu văn không thể “vẹn cả đôi đường” (cả
nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) thì uổng quá.
Rồi còn phần sau:
để ngậm ngùi theo lá bay
Rồi nước cuốn trôi. Rồi nước cuốn trôi.
trong đó “ngậm ngùi” có nghĩa là buồn và thương xót âm thầm
lặng lẽ.
Nói đến chữ “buông” mà “buồn và thương xót âm thầm lặng lẽ”
khi tiếng cười bị “nước cuốn trôi” thì làm sao “buông” được?
Hai chữ “ngậm ngùi” đã làm câu nhạc dở hẳn đi.
2/
Cấu trúc của dòng nhạc và ca từ không song song, đồng bộ
Độc giả thử cùng tôi nghe câu nhạc ở đoạn đầu:
“Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi”.
Và ở đoạn 2:
“Rồi nước cuốn trôi. Rồi nước cuốn trôi”.
Hai câu nhạc có âm và nhịp điệu hoàn toàn giống nhau. Về ý
thì cùng nói đến chữ “buông”. Câu ở đoạn đầu nói đến sự buông bỏ “tấm lòng”; hiểu
rộng ra là nhân cách hay bản ngã. Câu ở đoạn 2 nói đến sự buông bỏ tiếng cười,
nghĩa là niềm vui hay hạnh phúc.
Ấn tượng về sự buông bỏ đang bắt rễ thì ở đoạn 3, cũng câu
nhạc có âm và nhịp điệu đó, thay vì nói đến sự buông bỏ nỗi khổ đau, niềm bất hạnh
- chẳng hạn như:
“Để chim bay đi. Để chim bay đi” (Tôi chỉ nói ý; nếu muốn hợp
với âm điệu của câu nhạc phải tìm nhóm chữ khác) để có hiệu ứng cảm xúc của sự lập đi, lập lại nhiều lần một
ý tưởng thì lại bị dùng để diễn tả chính nỗi khổ đau, một ý hoàn toàn khác:
“Để buốt trái tim. Để buốt trái tim”.
Còn sự buông bỏ nỗi khổ đau thì phải chờ đến cuối đoạn – câu
nhạc có âm và nhịp điệu khác hẳn:
“Một sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hót tan trong trời gió lên”
Cách diễn đạt như vậy làm người nghe nhạc và người đọc ca từ
khó “bắt” được ẩn ý của tác giả. Mà nếu nhờ đọc kỹ và “bắt” được ẩn ý đó thì ấn
tượng cũng không được sâu sắc.
Hơn nữa, trong đoạn đầu có phần sau khá dài nói đến cái lợi
của việc “để gió cuốn đi” (2 câu đầu) và hậu quả của sự cố chấp, nuối tiếc,
không dám hoặc không có khả năng buông bỏ (2 câu sau):
Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mêng mông
Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian
Cho nên đoạn 3, vì không cần lập lại cái ý đó nữa, sẽ có một
đoạn nhạc trống, không có ca từ.
Ý chính của đoạn 3 chỉ còn là: “Nếu có con chim bị thương nằm
đâu đó trong tim, hãy để nó bay đi cho nhẹ lòng, cho tâm hồn thanh thản” (24 chữ).
Vì thừa nhạc nên Trịnh Công Sơn phải thêm 31 chữ nữa (tổng cộng 55 chữ) trong
ca từ để lấp chỗ trống. Chính vì thế đoạn nhạc này có nhiều chữ, nhiều câu nếu
không “vô tích sự”, thí dụ như:
Chỉ lặng nhìn, không nói năng
thì cũng chỉ đóng vai “thợ vịn”, đóng góp rất ít cho đoạn nhạc.
Chỉ
Có Lý – Chưa Có Sự
Một điểm yếu nữa của Trịnh Công Sơn trong Để Gió Cuốn Đi là
mặc dù được diễn tả bằng ngôn ngữ thơ ảo diệu, hình tượng gợi cảm, thông điệp về
chữ “buông” của ông đến từ bộ óc chứ không phải con tim. Nói khác đi, nó là sản
phẩm của lý trí. Theo tôi, ông đã hiểu, đã ngộ, đã “thấy”một cách sâu sắc, đến
ngọn đến ngành nguyên nhân nỗi khổ tâm của con người. Tuy nhiên, thông điệp của
ông, theo ngôn ngữ thơ, chỉ có ý mà chưa có trải nghiệm; theo ngôn ngữ thiền, chỉ
có lý mà thiếu sự - ông chưa đưa tâm của mình vào khung cảnh bản nhạc để thực
chứng ý tưởng về chữ “buông” của mình.
Kết
Luận
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
(Bùi Giáng)
Miên trường, theo tự điển Phật Học có nghĩa là dài lâu, vĩnh
cửu. Đó là 2 câu thơ – như một lời chào – Bùi Thi Sĩ muốn gởi đến những người bạn
đã “thấy”, đã ngộ được chữ “buông”. Lúc ấy, họ đã bỏ sau lưng những tháng năm
dài mê muội, chấp giữ, tiếc nuối, để thấy phía trước là một mùa xuân bất tận –
tâm nhẹ nhàng, thanh tịnh. Với một trí tuệ như thế, một cái tâm như thế, tuy bến
bờ giải thoát cũng còn một khoảng cách nữa, nhưng không phải là đã nắm chắc
trong tay chiếc chìa khóa có thể mở cánh cổng bước vào những đoạn đời an lạc để
thanh thản vui sống hay sao?
Nếu có ai đó trong số độc giả “thấy” được điều này chắc sẽ
nhớ đến Trịnh Công Sơn, ngưỡng mộ và cảm mến một nhạc sĩ tài hoa, có cái nhìn sắc
bén, chạm đến được chỗ sâu kín nhất của tâm hồn con người. Nhưng nhớ, ngưỡng mộ
và cảm mến một chút vậy thôi. Sau đó, chắc rồi cũng như tôi, sẽ lại “để gió cuốn
đi”.
Texas, ngày 28 tháng 12 năm 2018
PHẠM ĐỨC NHÌ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ