Nguồn:
https://xuandienhannom.blogspot.com/2018/10/70-nam-tay-tien-va-quang-oi-lan-cua-nha.html
Quang Dũng và bút tích bài thơ Tây Tiến
70
NĂM “TÂY TIẾN”
VÀ
QUÃNG ĐỜI LẬN ĐẬN CỦA QUANG DŨNG
Hôm nay tròn 30 năm ngày nhà thơ Quang Dũng qua đời đồng
thời cũng là 70 năm bài thơ Tây Tiến ra đời. Xin viết đôi dòng thay cho nén
nhang thơm để tưởng nhớ nhà thơ mang trong mình dòng máu lãng du vào loại bậc
nhất trong thi đàn đất Việt thế kỷ XX, người con của mảnh đất Đan Phượng, xứ
Đoài quê tôi.
Ngày ấy hồi đầu những năm 70 thế kỷ trước, cha tôi làm
thương nghiệp trên phố huyện (thị trấn Phùng) thỉnh thoảng những kỳ nghỉ hè ông
cho tôi sang Phùng đến khu làm việc kiêm chỗ ở. Căn phòng hai cha con ở đầu nhà
căn nhà lớn (nền nhà rất cao, đi từ dưới sân lên nhà bằng ba bậc tam cấp) nằm
bên cạnh con ngòi sát dãy nhà kế đường vào chợ Phùng, có cửa sổ mở hướng tây
nhìn ra phía bãi dâu và tận tít xa là đỉnh núi Ba Vì nổi bật trên bầu trời
xanh, mây trắng. Nhiều đêm tiếng còi vào ca ba từ nhà máy đường Tam Hiệp bên Quốc
Oai vọng về làm thức giấc, tôi ngẩn ngơ hàng giờ bên khung cửa sổ ngắm nhìn ánh
trăng bàng bạc trải dài nương dâu và lặng người nghe tiếng sáo diều ai chơi
khuya đang réo rắt trong đêm.
Nghe cha kể lại thì khu nhà đó của cụ Tổng Phùng, vừa
là nhà ở vừa là cửa hàng bán gạo muối. Sau khi cụ Tổng và gia đình di cư vào
Nam năm 1954 thì chính quyền trưng thu và giao cho Cửa hàng nông sản thực phẩm
Đan Phượng quản lý. Sau này lớn lên tìm hiểu qua các cụ cao niên ở đây mới biết
là nhà thơ Quang Dũng, tác giả của những bài thơ nổi tiếng như Tây Tiến, Đôi mắt
người Sơn Tây, Đôi bờ… chính là con cụ Tổng Phùng. Và đây chính căn buồng ngày
xưa ông đã ở. Có lẽ từ căn buồng này, từ khuôn cửa sổ này đã khiến con tim, vần
thơ của ông mang đậm hình ảnh núi Ba Vì, mây trắng xứ Đoài và tiếng sáo diều
đêm khuya khoắt. Dấu tích nhà xưa giờ đây không còn nữa, có còn lại chăng chỉ mỗi
cánh đồng xưa nhưng màu xanh bãi dâu được thay bằng màu xanh cánh đồng ngô bạt
ngàn của Viện nghiên cứu ngô mà thôi.
2. Đôi dòng sơ lược
Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu, sau này
vì thiếu tuổi đi học, phải mượn tên của người anh họ là Bùi Đình Diệm, ông sinh
năm Tân Dậu 1921 tại làng Phượng Trì, tổng Đại Phùng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà
Đông (nay là Hà Nội). Cụ thân sinh của ông tên là Bùi Đình Khuê trước làm Chánh
tổng tổng Đại Phùng. Vì cụ thuộc lớp nho học nên dân trong vùng còn hay gọi là
cụ Tú Khuê. Cụ đã mất từ năm 1942.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945 với nhiệt huyết yêu nước
của tuổi thanh niên mới lớn còn bồng bột, Quang Dũng tham gia Việt Nam Quốc dân
Đảng với mục đích để đánh Tây. Ông từng làm thư ký cho Nhất Linh Nguyễn Tường
Tam, một trong những chủ soái của Tự lực Văn Đoàn và là lãnh tụ của Việt Nam Quốc
dân Đảng. Sau đó được cử sang Trung Quốc hoạt động, trong thời gian ở Quảng
Châu, ông đã theo học và tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố nổi tiếng của
Trung Quốc. Tại trường này ông đã gặp và quen với Hoàng Sâm, người mà ba năm
sau là Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền
thân của QĐND Việt Nam) và được phong Thiếu tướng đợt đầu tiên năm 1948.
Năm 1945 Quang Dũng tốt nghiệp Ban Trung học của trường
Thăng Long, nhận rõ bản chất cũng như không kỳ vọng gì ở Việt Nam Quốc dân Đảng
ông rời khỏi Đảng này và đi dạy học tư ở Sơn Tây kiếm sống. Khi Hoàng Sâm chỉ
huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tiến về Sơn Tây để bảo vệ chính
quyền mới thành lập ở khu vực Tây – Tây Bắc Hà Nội thì gặp lại Quang Dũng. Với
sự vận động của Hoàng Sâm vào ngày 19 tháng 8 năm 1945, ông đã bỏ tất cả để gia
nhập quân đội. Hoàng Sâm giới thiệu và tiến cử Quang Dũng với Võ Nguyên Giáp là
người đồng chí, người đồng hương của mình. Vai trò đầu tiên của ông là phóng
viên tiền phương của báo Chiến Đấu.
Đến năm 1947, ông được gửi đi học ở trường bổ túc
trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khóa học, ông được điều về làm đại đội trưởng
trong tiểu đoàn 212, thuộc trung đoàn 52 Tây Tiến. Ông đã tham dự chiến dịch
Tây Tiến đợt hai, mở đường qua Tây Bắc. Chính trong chiến dịch Tây Tiến này,
Quang Dũng và những người con yêu của đất nước, đủ thành phần, hầu hết là thanh
niên học sinh người Hà Nội, đã trải qua những tháng ngày cực kỳ gian khổ và
cũng tràn đầy tính cách hào hùng, bi tráng, quyết liệt. “Tây Tiến” ra đời trong
hoàn cảnh đó.
3.Quãng đời lận
đận, khốn khó
Dù ông tham gia nhiều trận, nhiều chiến dịch, tham gia
đoàn quân Tây Tiến, thế mà ông vẫn cứ giữ mãi chức cao nhất là đại đội trưởng.
Cho dù là một người có học thức, đa tài. Cho dù ông có tốt nghiệp trường quân sự
Hoàng Phố nhưng với xuất thân là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, là “con
Chánh Tổng” nên ông luôn luôn bị nghi ngờ, không được tin dùng. Ông giải ngũ
năm 1951.
Sau 1954, khi về Hà Nội, ai cũng vẫn được bố trí công
tác, riêng Quang Dũng thì bị Tố Hữu ghen ghét về tài làm thơ, không cho làm bất
cứ một công tác nào cả. Tố Hữu ra lệnh cho ông Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Hội
Văn Nghệ VN, cho các đàn em viết báo, mở một chiến dịch phê phán thơ Quang
Dũng. Họ liên tiếp viết nhiều bài phê bình thơ Quang Dũng. Những hình ảnh chân
thực, bi hùng của đoàn quân Tây Tiến bị mổ xẻ, bị phê bình tơi bời. Bài thơ Tây
Tiến ngày đó luôn được xem như một dẫn chứng để phê phán khuynh hướng tiểu tư sản
trong thơ kháng chiến. Người ta bảo thơ ông lãng mạn, đồi trụy, tiểu tư sản,
đang trong lúc toàn dân sôi sục đánh giặc Pháp thì lại làm thơ tơ tưởng về những
cô gái Hà Nội dáng kiều thơm làm chao đảo và nhụt chí khí chiến đấu của toàn
dân, toàn quân.
“Mắt
trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Trong Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm của một số văn nghệ
sĩ và trí thức sống ở miền Bắc những năm 1955-1958, mặc dù ông không tham gia
gì trong vụ này, nhưng ông vẫn bị gửi đi chỉnh huấn sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm.
Bị cô lập vì cách hiểu, áp đặt quan điểm chính trị thô thiển của những con người
thuộc chế độ độc Đảng không chấp nhận đa nguyên, Quang Dũng lặng lẽ “chìm xuồng”
dành lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật.
Bài thơ “Tây tiến” nổi tiếng của ông trở thành nỗi oan
gia không chỉ cho ông mà cho cả gia đình ông. Con gái nhà thơ, chị Bùi Phương Hạ
làm cô giáo thì ra trường không được vào biên chế, phải chấp nhận rời bỏ thủ đô
xung phong vào khu kinh tế mới Hà Nội tại Nam Ban (Lâm Đồng) xa xôi đến ba năm
mới được vào biên chế. Thương con còn trẻ, vất vả nơi “rừng thiêng, nước độc”,
ông cũng lặn lội vào để chăm sóc cho con. Còn con trai cả nhạc sĩ Bùi Quang
Vĩnh cũng phải phiêu bạt lên công tác tại Thái Nguyên.
Cuộc đời của ông lận đận cho đến ngày qua đời trong
đói khổ, bệnh tật tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Lúc ấy những đồng nghiệp của
ông tại báo Văn Nghệ, Nhà xuất bản Văn học đồng lòng đề nghị Tổng Thư ký Hội
nhà văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi đưa ông vào bệnh viện Việt – Xô để đủ phương
tiện chạy chữa nhưng “cấp trên” không đồng ý. Anh em đều biết là ông Tố Hữu
không chấp thuận.
4. “Nỗi sợ” dai dẳng suốt cuộc đời.
Ở miền Bắc, từ sau 1954 thơ của ông bị phê bình trên
báo chí vì mang hơi hướng “tiểu tư sản”, thiếu tính chiến đấu nên cấm lưu hành
còn ở miền Nam thì được xuất bản, ngâm thơ, phổ nhạc, lưu truyền rộng rãi và được
rất nhiều người yêu thích. Chất hào sảng, lãng mạn đậm nét chinh chiến phong trần
trong “Tây Tiến” đã chiếm lĩnh bền sâu trong muôn tâm hồn đồng điệu, vượt qua
thời gian, vượt qua giới tuyến, xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý và thể chế do người
đời phân định. Cho đến tận bây giờ, có lẽ đây là bài thơ duy nhất của người
lính Cộng sản miền Bắc được ngay cả những người lính Cộng hòa miền Nam cũng yêu
thích chép lại trong sổ tay.
Giáo sư Hoàng Như Mai kể lại: “Sau giải phóng, tôi vào
Sài Gòn giảng bài, có đọc sách báo cũ. Gặp anh giữa phố Hà Nội, tôi bô bô: Này
ông Quang Dũng, Sài Gòn họ ca tụng ông ghê lắm, có đến mấy đặc san về ông. Anh
vội xua tay nói khẽ: “Thôi xin ông, ông đừng nói với ai nhé”.
Ngay cả bạn bè thân thiết hay bạn đọc ngưỡng mộ, yêu
thơ ông muốn xin bút tích của ông làm kỷ niệm thì ông đều cười trừ và dứt khoát
từ chối.
Nhà
thơ Quang Dũng và con gái Bùi Phương Hạ (áo đỏ, bìa phải) tại ngôi trường Mẫu
giáo Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng.
Năm cuối đời 1988, khi thấy bài thơ “Đôi mắt người Sơn
Tây” của mình (được nhạc sỹ Phạm Đình Chương phổ nhạc) lần đầu tiên phát trên
Paris by night, một video ca nhạc hải ngoại, cũng khiến nhà thơ lo lắng mất ăn
mất ngủ mấy ngày liền.
Tất cả nguyên nhân “nỗi sợ” trên thì rất nhiều người đã
biết nhưng có một nguyên nhân khác mà ông vẫn nén chặt trong lòng mà rất ít người
biết ngoài ông và Tố Hữu. Tố Hữu được biết là do Cục 2 cung cấp thông tin cho
lãnh đạo cấp chiến lược. Đó là ông có người em trai nắm trọng trách trong Quân
đội Việt Nam Cộng hòa ở bên kia “chiến tuyến”. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân tới
tận cuối đời mà ông vẫn bị “đì”.
3. Về người em trai ở bên kia “chiến tuyến”.
Nhà thơ Quang Dũng có một người em trai tên là Bùi
Đình Đạm sinh năm 1926.
Năm 1946, ông Bùi Đình Đạm tốt nghiệp Tú tài toàn phần
chương trình Pháp tại Hà Nội. Sau đó, ông được tuyển dụng làm công chức tại Hà
Đông. Năm 1948, thi hành lệnh động viên, ông phải nhập ngũ vào Quân đội Liên hiệp
Pháp và theo học khóa 1 Bảo Đại tại trường Võ bị Huế. Chức vụ cuối cùng trong
Quân đội Liên hiệp Pháp là Tham mưu trưởng trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức với cấp
bậc Thiếu tá.
Sau khi Việt Nam Cộng hòa ra đời (ngày 26/10/1955),
ông chuyển sang phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ông được thăng chức dần dần
trong những năm sau đó, lên tới Đại tá, Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh năm 1962 và
được thăng cấp bậc thiếu tướng (2 sao) năm 1970. Vào năm 1973, ông được cử giữ
chức Tổng Giám đốc Tổng Nha Nhân lực Bộ Quốc Phòng và giữ chức này cho đến hết tháng
4/1975.
Sau khi ngày 30/4/1975, ông cùng gia đình di tản sang
ra khỏi Việt Nam và định cư tại San Jose, California (Hoa Kỳ) và ở đó cho đến
ngày qua đời (năm 2009).
Ông Đạm rất hiếu học, mặc dù với nhiều trọng trách
trong Quân đội nhưng ông vẫn tiếp tục trau dồi thêm văn hóa và kiến thức. Ông từng
đi du học nghành Quản Trị tại Pháp những năm1950-1952. Ông từng tốt nghiệp cử
nhân văn khoa Viện Đại học Sài Gòn năm 1970. Năm 1983, ông tốt nghiệp Cao học
Xã hội (MSW) tại Viện Đại học San Jose, California, Hoa Kỳ. Ông đã viết và xuất
bản tác phẩm “Những áng văn hay” với bút danh Đan Phượng.
Bài thơ Tây Tiến cũng như thân phận tác giả đã nếm đủ
nỗi thăng trầm thế sự, hơn 40 năm bị cho là “có vấn đề” người ta đã cố ý “nhấn
chìm” nó đi, tưởng nó đã đi vào quên lãng nhưng Tây Tiến vẫn vượt qua sức cản
phá của thời gian, đã trở thành bất tử, có chỗ đứng vĩnh viễn trong lòng người
thưởng ngoạn. Bài thơ Tây Tiến hôm nay đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường
rồi được khắc vào bia đá, bia tưởng niệm các liệt sỹ và ghi chiến tích Trung
đoàn 52 Tây Tiến dựng ở Mai Châu (Hòa Bình).
Tới năm 2001, ông mới được truy tặng Giải thưởng Nhà
nước về văn học nghệ thuật. Đây là phần
thưởng tinh thần, là điều an ủi lớn nhất cho vong linh của nhà thơ xứ Đoài nơi
chín suối.
14/10/2018
Hoàng Tuấn Minh
Bài viết hay. Nên sửa lại một số ko chính xác:
Trả lờiXóaTrường Hoàng Phố đã đóng cửa những năm hết giai đoạn Quốc Cộng hợp tác nên Quang Dũng không thể học ơ đó! Vì lúc đó QD mới vài tuổi thôi!
Đài tưởng niệm trung đoàn 52 không ơ Mai Châu, Hoà Bình mà ơ Mộc Châu , Sơn La.
Tôi có đọc nhiều về Quang Dũng, có tham gia nhiều đợt "Tây Tiến" với con cháu các chiến sĩ Tây Tiến. Đồng thời cũng gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh, cô Bùi Phương Thảo, con gái út của nhà thơ. Trong tất cả các tài liệu, không có ai nói Quang Dũng tốt nghiệp trường Hoàng Phố. Việc tham gia Quốc dân đảng thì có. Và với nhiều lí do khác nữa, nên Quang Dũng không thăng tiến trên con đường binh nghiệp. Có lẽ tác giả quá nhấn mạnh đến việc ông Tố Hữu trù Quang Dũng, "ghét vì tài làm thơ", như vậy là thiếu công bằng và không chính xác. Thời ấu trĩ người ta phê phán Quang Dũng để tỏ rõ lập trường giai cấp là chuyện... thường ngày ở huyện. Nên nhớ rằng thời 1955, có nhà thơ như Hoàng Yến còn phê "tơi bời" tập thơ " Việt Bắc" của Tố Hữu. Lúc đó ông Tố Hữu không "oai" như sau này đâu!
Trả lờiXóaDù sao cũng cám ơn tác giả về thông tin người em trai của nhà thơ!