Trang

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

PHẠM NGỌC THÁI VÀ MỘT KIỆT TÁC THƠ TÌNH - Nguyễn Thị Xuân


 
                       Tác giả Nguyễn Thị Xuân


       PHẠM NGỌC THÁI VÀ MỘT KIỆT TÁC THƠ TÌNH
                                                                          Nguyễn Thị Xuân

        Có lẽ đã qua hơn nửa thế kỷ, từ khi trên thi đàn Việt xuất hiện bài thơ tình nổi tiếng: "Hai sắc hoa ti-gôn" của một nữ sĩ ẩn danh, gọi tắt là T.T.KH - Đến nay, lại mới có một áng thơ tình của một nhà thơ đương đại, trong giới văn chương rất quen biết, đó là Phạm Ngọc Thái ! Thơ ca của anh trên văn đàn cũng được nhiều độc giả ngưỡng mộ.
      "Anh vẫn về theo dòng lệ em tiếc nuối" mà anh mới cho ra đời trên các trang mạng Việt, đã được đông đảo bạn đọc đón nhận và ca ngợi. Nói một cách công minh: với những ai yêu thích thơ ca, kể cả người khó tính nhất cũng phải khen. Là một nhà giáo làm công tác văn chương, vì quá yêu thích bài thơ tình này - Tôi xin được mang chút kiến thức văn học để luận bình bản tình ca, với độ hay tôi đánh giá là một thiên kiệt tác thơ tình !
     Thiên tình ca "Anh vẫn về theo dòng lệ em tiếc nuối" được chia thành chín đoạn, cả thảy ba mươi sáu câu. Tức là, một bài thơ khá dài. Cảm xúc thơ dồn dập chảy trào ra trong trái tim thi nhân, được bắt đầu bằng lời thổ lộ của người tình gái qua ước muốn của nàng. Đọc thơ ta tưởng cứ như là câu chuyện tình đêm khuya, thường phát trên Đài tiếng nói Việt Nam:

                    Em nói với tôi rằng... "muốn có một đứa con"

     Trong tình yêu của người đàn bà, mong muốn có một đứa con... là ước nguyện máu thịt với cả cuộc đời.
     Ở trong bài "Hai sắc hoa ti-gôn" nữ sĩ T.T.KH cũng từng mô tả hình ảnh của người tình trong mộng, một thưở xa xưa đã bộc lộ tình cảm yêu thương với mình, rằng:

                   Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
                   Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
                   Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ,
                   Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”

      Còn trong bài "Anh sẽ về theo dòng lệ em tiếc nuối": Đó không phải chỉ là tâm tình, khát vọng của ái nữ khi nàng mong muốn có một đứa con kỉ niệm mối tình chung của hai người, mà cũng đã hòa trong dòng lệ yêu thương của chàng. Ta nghe, nhà thơ bộc bạch niềm tâm tư sâu kín ấy:

                    Dù xa cách nhớ nhau trong hoài niệm
                    Năm tháng dáng hình em hiển hiện
                    Phía chân trời thắp sáng lửa tim tôi !

     Nàng đã trở thành ngọn lửa để sưởi ấm trái tim chàng. Đây là mối tình của buổi "chiều cuộc đời", và lại phải sống cách xa nhau - Như tác giả viết:

                    Gặp em muộn rồi, bóng xế hoàng hôn
                    Tóc cũng bạc đôi phần
                                           dẫu tim còn khao khát

     Và anh thổ lộ:

                    Người thục nữ tôi yêu
                                      những năm cuối cuộc đời
                    Cho tới lúc nấm mồ anh xanh cỏ
                    Em hãy thắp nén hương lòng tưởng nhớ
                    Để hồn anh siêu thoát dưới trời âm.

     Câu chuyện tình có vẻ lâm ly. Anh yêu nàng mãn đời, mãn kiếp, cho tới khi chỉ còn là một nấm mồ xanh cỏ - Chà, thơ thật là đẫm lệ ! Tình đời của dòng thơ này chảy ra thấm đẫm máu tim và chất chứa tính nhân văn... trở thành một câu chuyện tình không khác gì truyền thuyết. Với một nhà thơ dành cả cuộc đời để sáng tác thi ca như anh - Tôi thiết nghĩ, không mong ước gì hơn thế nữa ! Thiết tưởng, bất cứ nhà thơ nào cũng phải ao ước mình sáng tác được một bài thơ như vậy. Ngẫm rằng, họ thương yêu nhau không chỉ đến bạc đầu, mà hóa thành kiếp khác vẫn còn yêu:

                    Ngày anh khuất chắc làm em thổn thức
                    Nước mắt tràn trên nấm mộ thương yêu...

     Sợ người yêu khi đó sẽ tủi lòng vì phải sống trên đời này một mình, chàng còn an ủi và dặn dò:

                    Thì đời này - em ạ, có trớ trêu
                    Nhưng ta đã bên nhau sưởi ấm mùa đông rét
                    Anh hôn lên đôi môi em
                                               như một vầng trăng khuyết
                    Thấy cả bầu trời du ngoạn cõi hồn xanh.

     Cái hình ảnh đôi môi của người yêu như một vầng trăng khuyết, trong thi ca xưa nay, tôi chưa từng thấy ai ví thế ! Một hình ảnh mỹ học thật cao siêu. Mang hình ảnh trời đất để ví với đôi môi của người yêu, đẹp một cách tuyệt vời ! Lại nữa, anh hôn lên đôi môi nàng... thấy cả bầu trời du ngoạn ở trong hồn. Thơ thăng hoa tới tột đỉnh, hình tượng cao đẹp mà vẫn đời.
     Ở trong bài thơ "Người đàn bà trắng" - Tôi đã thấy nhà thơ Phạm Ngọc Thái, từng đem hình ảnh trời đất để tả người yêu rất hay:

                    Chiếc mũ trắng mềm em đội bầu trời
                    Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc
                    Đôi mắt em đong những áng mây
                    Người đàn bà trắng !

     Còn khi anh nói về "cái ấy" của nàng:

                    Chùm trinh em hát: Đấy chỗ thiên thai !
                    Người đàn bà ai mà định nghĩa ?

     Đại văn hào Lép Tôn - xtôi từng nói về người đàn bà, đại ý thế này: Người đàn bà không thể định nghĩa, mà chỉ có sự tìm tòi... tìm tòi và tìm tòi mãi... - Phải chăng Người muốn nói về sự bí hiểm, đến mức kỳ diệu và vĩ đại của "cái ấy" đàn bà !?
     Rồi, cũng trong bài thơ "Người đàn bà trắng", Phạm Ngọc Thái đã kết:
                    Người đàn bà ngậm cả vầng trăng

     Nhà phê bình, nghiên cứu văn học thuộc Viên "Ngôn ngữ và Văn hóa dân gian" Trần Tứ Đức, bình phẩm về hình tượng câu thơ "... ngậm cả vầng trăng" như sau:
-   Đây là một câu thơ siêu thực, chứa đầy trầm tích đã được thăng hoa. Một thiên tạo vĩ đại đang nép trong tấm thân người đàn bà, hay chính nàng là một vầng trăng ? Cái vầng trăng ấy của nàng, nó cứ nguyên thủy như hang động thời tiền sử lại huyền bí như thánh linh...
     "vầng trăng" là nguyệt, mà "nguyệt" chính là "cái ấy" - Đấy, nhà thơ đã mô tả về cái của người đàn bà như thế !
     Trong đời thi ca Phạm Ngọc Thái, bài thơ "Người đàn bà trắng" đã rất có danh tiếng trên văn đàn và được đánh giá cao ! Song, theo nhận định của tôi: Thiên tình ca "Anh vẫn về theo dòng lệ em tiếc nuối", còn có thể hay hơn, hấp dẫn hơn... chinh phục trái tim đời. Độ hay trong tính nghệ thuật thi ca của mỗi bài khác nhau, nhưng chí ít đều đạt là hai tình thơ tuyệt tác của nền văn học.
     Tôi nói về đoạn thơ thứ tư:

                   Lại bùng cháy trong thơ ngọn lửa trái tim
                   Ngọn lửa của tình yêu vĩnh diệt

     Giọt nước mắt của đàn bà có thể làm xiêu đổ anh hùng. Trong truyên Kiều: Khi Từ Hải chết đứng, hai mắt mở trừng trừng không nhắm lại được... phải đến lúc, Kiều đến ôm chàng mà than:  
                
                    Khóc rằng: "Trí dũng có thừa,
                    "Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này!
                    "Mặt nào trông thấy nhau đây?
                    "Thà liều sống thác một ngày với nhau!"
                    Dòng thu như dội cơn sầu,
                    Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.
                    Lạ thay oan khí tương triền!
                    Nàng vừa phục xuống Từ liền ngã ra.

     Còn trong thiên tình ca này, nhà thơ Phạm Ngọc Thái nói với nàng rằng:

                    Em đừng khóc cho lòng anh thêm tan nát
                    Có rời chốn dương trần, anh không chết đâu em !

                    Chỉ hóa kiếp mình tiếp cuộc trường sinh
                    Cùng thi ca,
                               anh sẽ sống muôn đời trong nhân thế
                    Vẫn khắc khoải quanh nàng vào nỗi nhớ
                    Với mối tình nồng thắm của em yêu !

     Chàng sống mãi với đời và trong tình yêu của nàng. Họ gắn bó rồi yêu nhau, cảm thông cuộc đời của nhau:

                    Anh thương em đời gặp cảnh bèo dâu
                    Em nhớ về anh sống kiếp chàng du mục
                    Thời trai trẻ phong trần qua chiến tranh loạn lạc
                    Khi tuổi già có vợ vẫn cô đơn !

     Chỉ 4 câu thơ thôi, mà tưởng như diễn giải cả một thiên tiểu thuyết. Trong thiên tình ca "Anh vẫn về theo dòng lệ em tiếc nuối, ta thấy thi nhân còn để lại những lời dặn dò, nhắn nhủ người yêu thật máu tim...
     Đọc đoạn thơ thứ bảy giống như một lời trăng trối, tôi bỗng liên tưởng tới những vần thơ nổi tiếng của thi hào Nga vĩ đại Pushkin, khi Người nhắn gửi tới người tình:

                    Nhưng nếu gặp ngày buồn rầu đau đớn
                    Em thầm thì hãy gọi tên lên
                    Và hãy tin còn đây kỷ niệm
                    Em vẫn còn sống giữa một trái tim.

     Hay thi nhân Hàn Mặc Tử, đã để lại những lời trăng trối cuối cùng cho người yêu:

                    Anh trút linh hồn giữa lúc đây
                    Gió sầu vô hạn nuối trong cây
                    Còn em sao chẳng hay chi cả
                    Xin để tang anh đến vạn ngày
                                      (Trút linh hồn)

      Thi nhân Phạm Ngọc Thái thì viết:

                    Nếu giây phút nào em lạc bến cô liêu !
                    Giọt lệ thơ rơi nhòa trang giấy trắng
                    Hãy tìm đến nấm mồ anh miền xa vắng
                    Rồi âm thầm một chút khóc cho nhau.

     Đọc đến những dòng thơ này, tôi đã khóc - Tưởng như, trên đời này cũng chỉ yêu nhau đến thế là cùng ! Đoạn thơ kết cũng thật là cảm động, một lần nữa thi nhân thổ lộ cõi lòng tha thiết trong buổi hoàng hôn của đời mình:

                    Anh tìm đến em
                                  lúc đã tàn úa mái đầu xanh
                    Yêu tha thiết mà cách ngăn thế giới
                    Anh vẫn về theo dòng lệ em tiếc nuối
                    Và yên lòng nơi nấm mộ ngàn thu...

     Dòng thơ đã đưa ta đi đến cõi vĩnh hằng của tình yêu ! Trong thơ hiện đại Việt Nam, tôi chưa từng được đọc bài thơ nào quyến rũ và hay như bài này. Tôi thiết nghĩ -  "Anh vẫn về theo dòng lệ em tiếc nuối" của thi nhân Phạm Ngọc Thái, xứng đáng là một thiên kiệt tác thơ tình bất hủ với ngàn năm văn hiến Thăng Long !

                                                         Hà Nội, đầu đông 2018
                                                            NGYỄN THỊ XUÂN
                                            GV văn Trường THPT Ba Đình, Hà Nội


        
                  Nhà thơ Phạm Ngọc Thái

ANH VẪN VỀ THEO DÒNG LỆ EM TIẾC NUỐI
                                                 
Em nói với tôi rằng... "muốn có một đứa con"
Dù xa cách nhớ nhau trong hoài niệm
Năm tháng dáng hình em hiển hiện
Phía chân trời thắp sáng lửa tim tôi !

Người thục nữ tôi yêu
                     những năm cuối cuộc đời
Cho tới lúc nấm mồ anh xanh cỏ
Em hãy thắp nén hương lòng tưởng nhớ
Để hồn anh siêu thoát dưới trời âm.

Gặp em muộn rồi, bóng xế hoàng hôn
Tóc cũng bạc đôi phần
                        dẫu tim còn khao khát
Ngày anh khuất chắc làm em thổn thức
Nước mắt tràn trên nấm mộ thương yêu...

Thì đời này - em ạ, có trớ trêu
Nhưng ta đã bên nhau sưởi ấm mùa đông rét
Anh hôn lên đôi môi em
                           như một vầng trăng khuyết
Thấy cả bầu trời du ngoạn cõi hồn xanh.

Lại bùng cháy trong thơ ngọn lửa trái tim
Ngọn lửa của tình yêu vĩnh diệt
Em đừng khóc cho lòng anh thêm tan nát
Có rời chốn dương trần, anh không chết đâu em !

Chỉ hóa kiếp mình tiếp cuộc trường sinh
Cùng thi ca,
          anh sẽ sống muôn đời trong nhân thế
Vẫn khắc khoải quanh nàng vào nỗi nhớ
Với mối tình nồng thắm của em yêu !

Nếu giây phút nào em lạc bến cô liêu !
Giọt lệ thơ rơi nhòa trang giấy trắng
Hãy tìm đến nấm mồ anh miền xa vắng
Rồi âm thầm một chút khóc cho nhau.

Anh thương em đời gặp cảnh bèo dâu
Em nhớ về anh sống kiếp chàng du mục
Thời trai trẻ phong trần qua chiến tranh loạn lạc
Khi tuổi già có vợ vẫn cô đơn !

Anh tìm đến em
                     lúc đã tàn úa mái đầu xanh
Yêu tha thiết mà cách ngăn thế giới
Anh vẫn về theo dòng lệ em tiếc nuối
Và yên lòng nơi nấm mộ ngàn thu...

                      PHẠM NGỌC THÁI
                    Chiều thu năm Mậu Tuất
                           Hà Nội, 6.9.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ