Trang

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

CHÙM THƠ NGUYỄN ĐỨC SƠN NĂM 1992

Nguyễn Đức Sơn sinh năm 1937 tại làng Dư Khánh, Ninh Chữ tỉnh Bình Thuận. Khởi đầu sự nghiệp văn nghệ bằng bút danh Sao Trên Rừng ở các tạp chí Sáng Tạo, Văn Nghệ… tại miền Nam từ các năm 1959-1960, ông không chỉ nổi tiếng với tập thơ đầu tay “Những bài tình đầu” gồm 3 phân khúc: Bọt nước, Hoa cô độc (1965), Lời ru (1966) như một thi sĩ kỳ dị, mà còn được chú ý với các tập truyện ngắn đặc sắc như Cát bụi mệt mỏi (1968), Cái chuồng khỉ (1969), Xóm chuồng ngựa (1971)…
Năm 1972, Nguyễn Đức Sơn lọt vào top 5 khi tuần báo Khởi Hành (do nhà văn Viên Linh làm Thư ký tòa soạn) tổ chức chọn tìm tác giả yêu thích nhất. Ông cũng được đánh giá là một trong 3 “kỳ nhân văn nghệ” (bên cạnh Bùi Giáng và Phạm Công Thiện)  và là một trong “tứ trụ thi ca” của miền Nam (bên cạnh Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên). Hiện ông sống tại Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng, và nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh “Sơn núi”.

     
                    Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn


        TÂM SỰ VỚI MỘT ĐẢNG VIÊN GỐC CHÙA

Nay về thành phố tình cờ
Cố nhân gặp lại sững sờ bể dâu
Anh vô chùa được bao lâu
Thì theo cách mạng nhiệm mầu dắt ra
Hai lần bái biệt cửa nhà
Thoát ly mấy kiểu chắc là khác nhau
Tay sờ mái tóc trắng phau
Có khi nào ngấm cái đau dữ dằn
Vợ con thừa thãi cái ăn
Cám ơn một chút trán nhăn riêng mình

                                                 12/1992


TÂM SỰ VỚI MỘT ĐẢNG VIÊN TRÍ THỨC 
 MUỐN RA KHỎI ĐẢNG

Anh đi cách mạng bao năm
Từ rừng đến phố dao găm chưa xài
Vẫn chưa dứt điểm sòng bài
Khiến thân ê ẩm khuya dài đau sao
Cứ yêu tha thiết đồng bào
Tuy nhiên hễ thấy máu trào thì ngưng

                                             12/1992


TRÊN SÂN THƯỢNG NHÀ HÀNG ĐẶC SẢN

Cố nhân này cố nhân ơi!
Sợ gì bội thực cuối đời đấu tranh
Yêu cầu nhậu tiếp đi anh
Mặc tôi ngồi ngó trời xanh ngập ngừng…
Ngày xưa từ chối vô bưng
Tôi đi lỡ thẳng cái lưng quen rồi
Thơ văn không kỵ chảo nồi
Cám ơn gặp gỡ bồi hồi bắt tay
May mà còn có chiều nay
Bánh mì tôi gặm, mây bay anh nhìn

                                       12/1992


THĂM BẠN LÀ CÔNG NHÂN NGHÈO DỌN NHÀ

Xe ba gác đã đến rồi
Mau mau bàn ghế, chảo nồi chất lên
Vợ chồng được mấy tấm phên
Những đêm hạnh phúc nhà bên khó dòm
Giờ này còn cãi om sòm
Nhựa nhôm cũng món tiền còm mang theo
Đừng quên cái khoản cứt heo
Gửi về quê giúp ruộng nghèo đói phân.

                                             12/1992


GẶP GỠ TRƯỚC NHÀ THƯƠNG TỪ DŨ

Chị đi khám sản phải không?
Anh đâu sao dáng chị trông lạc loài
Bao năm thai trứng nạo hoài
Năm nay đừng nhé … thai ngoài tử cung
Họ nghi tàn bạo lạ lùng
Oan khiên tội lắm anh hùng bạn tôi

                                          12/1992


GẶP GỠ TẠI NHÀ MỘT ĐẢNG VIÊN NGÀY CHỦ NHẬT

Sáng nay chủ nhật đông vui
Bạn bè quen biết tới lui rề rà
Bao cao su vứt đầy nhà
Trẻ con lượm thổi, con gà lôi đi
Chưa kịp quét, miễn xầm xì
Gia đình cách mạng thôi thì tự nhiên
Con gái đầu khá ngoan hiền
Nguýt xong cha mẹ dọn liền vườn sau
Cháu ơi! thông cảm cho mau
Không gì bù lỗ nỗi đau làm người
Khách quan phân tích tiếng cười
Chú tin chắc chắn đười ươi khác rồi
Một bàn rượu ngoại chờ thôi
Rửa tay vô bếp, đồ mồi dọn lên.

               Nguyễn Đức Sơn
        12/1992, Phương Bối, VN

2 nhận xét:

  1. Mời đọc thêm bài viết này:

    http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/201607/gap-lai-sao-tren-rung-687491/

    Trả lờiXóa
  2. Trích đoạn:

    Nhiều thân hữu của Nguyễn Đức Sơn kể lại: Trước năm 1975 Nguyễn Đức Sơn mưu sinh bằng nghề dạy kèm ngoại ngữ, ở trong chùa Tây Tạng, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nhà thơ yêu say đắm cô Nguyễn Thị Phượng, cháu của sư trụ trì chùa. Phượng là cháu mồ côi đẹp như đầm lai, nên bạn bè thường gọi là Phượng lai….
    Trong một lần, Nguyễn Đức Sơn tỏ tình Phượng bằng cách đứng bên cái giếng trong sân chùa, nói rằng, nếu Phượng cự tuyệt thì anh ta sẽ nhảy xuống giếng… Thế là không lâu sau đó, Nguyễn Đức Sơn làm đám cưới với cô Phượng. Hôn lễ diễn ra tại chùa Tây Tạng với sự chứng kiến của vài người bạn văn nghệ như: Phạm Công Thiện, Bửu Ý…
    Đến năm 1979, Nguyễn Đức Sơn dẫn vợ con lên đồi Phương Bối, Lâm Đồng mưu sinh bằng việc làm nương làm rẫy. Hàng ngày ông thồ đống củi gần 10 cây số đến chợ làng bán để nuôi đàn con nheo nhóc cùng người vợ ốm yếu. Gia đình ông ăn chay trường, các con ông hầu như đều tu tại gia, trong các am thất trên núi. Vào giai đoạn đói khát, một người con trai của ông hái trúng nấm độc, ăn và chết, gây cho ông một cú sốc.
    Giữa cảnh sống cùng cực ấy, có lần chị Phượng đổ bệnh, suýt qua đời. Nhà văn Đào Hiếu trong bút ký “Người đàn bà trên đồi cỏ” có đoạn viết: “Nguyễn Đức Sơn lấy cái mền cột túm hai đầu, luồn một cành cây vào giữa. Cùng với Nguyễn Đức Vân, hai cha con cáng mẹ băng rừng ra phố. Vừa chạy vừa khóc. Gai tre và cành cây cào xước mặt. Máu lẫn với nước mắt. Nhưng trời vẫn còn thương cha con chàng thi sĩ ngông cuồng. Phượng đã tỉnh lại”. Ba hôm sau Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn lên ghé bệnh viện Bảo Lộc. Sơn Núi hỏi:
    - Mày lên đây làm gì?

    Sơn nhạc sĩ đáp:
    - Thăm Phượng. Sao nỡ hành hạ người ta đến vậy?
    “Sơn núi” bỏ đi. Trịnh Công Sơn ở lại với các con của Phượng. Có lẽ hôm đó là một ngày của năm 1982. Tôi không biết và các con của Phượng cũng không biết chính xác là ngày và tháng nào. Trịnh Công Sơn đã tặng cho gia đình Nguyễn Đức Sơn một số tiền khá lớn. Nó đã cứu Phượng và giành giựt Phượng khỏi tay tử thần”.

    Giờ đây, trước mặt chúng tôi, chị Phượng tuổi đã trên dưới 70, nhưng vẫn chưa phai nhạt vẻ đẹp dịu dàng sang trọng. Chị hơi rụt rè, nhưng vẫn trả lời hầu hết câu hỏi tò mò của khách. Chị cho biết, Phương Bối Am xưa kia là vùng đồi rộng. Tại đây thầy Nhất Hạnh đã xây một thiền thất để tu tập. Khi cả gia đình chị đến đây (1979), ngôi nhà bị sập, cả vùng đồi tan hoang, chỉ còn lại cái bể cạn lớn, khô nước, trơ bốn vách tường xi măng với mái tranh, vách ván. Đó thành chỗ ở của hai vợ chồng cùng chín đứa con, bảy trai hai gái: Thạch, Vân, Thảo, Thủy, Không, Lão, Yên, Phương Bối, Tiểu Khê... Hồi bọn trẻ lớn lên quá khó khăn, nên tất cả đều lần lượt được gửi vào nương náu nơi cửa chùa. Thạch đã có cuộc sống riêng và cắt đứt liên hệ với gia đình. Thảo mất từ sớm. Vân cơ hội sang Pháp tu học nhưng từ chối, quay về để gom bốn người em trai, nuôi ăn học dưới một mái nhà tại chân Phương Bối, trong đó Thủy đang theo học cao cấp Phật học tại Sài Gòn. Yên, Không, Lão rời chùa về nhà tu tại gia.

    Chúng tôi chia tay Nguyễn Đức Sơn khi hoàng hôn đang dần buông trên không gian buồn bã của đồi Phương Bối. Trong một thoáng giây, sau những câu nói bông lơn, bỡn cợt, bỗng nhà thơ lặng lẽ đến lạ lùng. Tôi chợt nhớ ra, trong số những người cùng ông có tên thuộc các nhóm “kỳ nhân” và “tứ trụ” của văn học miền Nam, chỉ duy nhất mình ông còn sống. Và có lẽ vì thế, ông vẫn mãi là ngôi sao trên rừng lẻ loi phiêu dạt giữa đồi Phương Bối như ông từng viết thời trai trẻ: “Một đêm sao ở trên rừng/ Đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian/ Hồn tôi cây cối liên hoan/ Rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ/ Tuổi vàng suối mộng trời thơ/ Lớn lên tôi chết trên bờ hư không”.

    TRẦN TRUNG SÁNG

    Trả lờiXóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ