TUỔI
THƠ AI CŨNG CÓ NHỮNG NỖI NIỀM
Ngô Hương Thủy
Tôi là con cuối trong gia đình có bảy anh chị em, là nải
chuối cặn còi của một buồng chuối. Có lẽ chính vì vậy mà từ nhỏ tôi đã mang thể
trạng ốm yếu, còm nhom. Bù lại tôi đã có sự ưu ái của mẹ đối với đứa con út ít.
Mỗi lần mẹ đi chợ về, bao giờ trong giỏ cũng có một phần
quà cho riêng tôi. Khi thì vài cái kẹo ú, một khúc mía tím, một củ khoai
lang…Khi nào mẹ quên, tôi ngồi trên ngạch cửa nhà bếp, rên ư ử cho đến khi mẹ
không chịu nổi phải cắn cho tôi một cục đường đen kho cá.
Khi ba tôi đổi lên làm việc tại trường Nguyễn Hoàng,
nhà tôi từ Sãi chuyễn về đường Hồ Đắc Hanh, xóm Ba Cây Dừa thì mẹ tôi bắt đầu
lâm trọng bệnh. Vào Sài gòn chữa bệnh, trong thư gởi ra cho các con, bao giờ mẹ
tôi cũng dặn mỗi ngày đi chợ nhớ mua cho tôi một đồng quà. Nhưng các chị lúc nhớ
lúc không, tôi cũng không dám làm nũng và khi mẹ tôi mất thì chuyện quà bánh hầu
như không ai còn nhớ. Kinh tế nhà tôi cũng không còn như xưa.
Thi đậu đệ thất Nguyễn Hoàng tôi được xếp vào lớp thất
4 theo Alphabet. Lớp tôi ngẫu nhiên sao phần lớn toàn dân vùng quê Quy Thiện, Hải
Lăng, Long Hưng, Đại Nại…với những cái tên mộc mạc như Văn Thiểu, Nguyễn Trữ,
Mai Thu, Trần Thị Tịnh, Văn Thị Tuấn, Nguyễn Thị Sâm, Lê Thị Thí, Lê Thị
Thơ… cho nên tôi cũng không mặc cảm chi lắm.
Là “con Thầy” nhưng tôi cũng chỉ có hai cái áo đầm
thay đổi. Mùa Đông có thêm cái áo dạ của chị Hà để lại, hai cùi tay đã sờn. Đàn
ông vốn vô tâm, ba tôi còn phải trả nợ khi mẹ mắc bệnh. Còn nhỏ nhưng ý thức được
điều này tôi nào dám đòi hỏi gì thêm
Ba tôi “gà trống nuôi con” với một gánh nặng trên vai.
Chị đầu của tôi đi lấy chồng xa, anh trai trưởng đậu Y khoa nhưng biết học hành
tốn kém nên năm thứ hai đã bỏ nửa chừng để thi vào Biên Tập Viên Cảnh sát, chị
kế thi vào Sư phạm Quy Nhơn, mỗi tháng ba tôi cũng phải gởi tiền chu cấp. Bên cạnh
đó anh chị em tôi còn phải đi học nên tôi cũng chẳng dám so bì. Sách vở cũng là
“thừa kế” của các anh chị.
Đối diện nhà tôi là nhà của chú Phan làm ở Ty Tiểu học
Vụ Quảng Trị. Hai nhà thân thiết như hai anh em. Chị em tôi hay qua nhà chơi trốn
tìm, ù mọi, nhảy dây với con chú là Châu, Bê Chị, Bê Em… Thỉnh thoảng chui qua
vườn Ông Đề hái trộm mít cám, trứng gà, ổi xanh… chấm muối ớt ăn chát xít. Sau
này chú Phan phụ trách phần phân phối học liệu - tương tự thiết bị trường học -
do Mỹ viện trợ cho giáo dục miền Nam nên kinh tế khá giả hẳn lên.
Một buổi chiều, tôi đang chơi cùng các con chú ở cái hầm
bao cát thì chú thím đi mua sắm ở cửa hàng Quang Tạo trên Ga về. Thím lôi ra ba
cái áo đầm voan hai lớp trắng xóa, trước ngực áo có thêu một đóa hoa hồng đỏ thẩm,
gọi các con lại mặc thử. Nhìn Châu, Bê Chị, Bê Em xúng xính trong ba cái áo đầm
mới mặt mày rạng rỡ tôi mới ý thức được mùa Xuân sắp về và chẳng bao giờ tôi hy
vọng mình có một cái áo như thế. Như đọc được sự thèm thuồng trong mắt tôi,
thím Phan nói một câu: “Về nói Bác mua
cho một cái áo như ri mặc Tết”. Một niềm tủi thân trào lên cuồn cuộn như
sóng, tôi nuốt ực bỏ chạy về nhà không muốn cho ai nhìn thấy những giọt nước mắt
mình sắp chảy ra. Tôi không muốn ai thương hại mình!
Tôi biết mình là một đứa trẻ nhạy cảm. Điều nay do
hoàn cảnh riêng của gia đình. Tôi ghét cay đắng - nếu không nói là căm thù- những
người bà con đến thăm, ôm tôi vào lòng và hỏi “Con có nhớ Mẹ không?”. Tôi cho đây là một câu hỏi ác nhất trần đời.
Mãi cho đến bây giờ, khi xem những phóng sự trên TV, nghe những người đi làm
công tác thiện nguyện hỏi các em bé mồ côi câu này, tôi vẫn cho đây là một câu
hỏi xúc phạm nhất.
Trong gia đình tôi cũng là một đứa mê văn và đọc nhiều.
Mới lớp tư, tôi đã đọc báo Dân Nguyện của ba, Phụ nữ diễn đàn của mẹ; lớp ba
tôi đọc bộ Bàn tay máu của Phi Long từ nhà chú hàng xóm Lê Bôi dưới Sãi. Lớp đệ
lục tôi thuộc gần hết Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tôi cám ơn một người anh, bạn
học của anh trai tôi - Ngô Mậu Hùng- ở đường Duy Tân, Phường Đệ Tứ là anh Hoàng
Ý. Nhà anh là một căn nhà tranh trong hẻm nhỏ nhưng cơ man là những cuốn sách
có giá trị. Hầu như anh chỉ cho riêng tôi mượn những cuốn sách được bao bọc bằng
nilon trắng muốt, những tập san Văn quý báu, những tiểu thuyết của Camus, F.
Sagan… dù tôi mới học đệ thất, đệ lục và anh hơn tôi đến mười tuổi. Anh đã mở
ra cho tôi một thế giới văn chương, một thế giới huyền hoặc và đẹp, tâm hồn
tôi càng trở nên nhạy cảm hơn. Sau này nghe anh đi Thủ Đức và tôi không còn gặp
anh nữa nhưng muôn đời tôi biết ơn anh. Tôi cầu mong anh có một cuộc sống bình
an, hạnh phúc như những cuốn sách hay mà anh cho tôi mượn.
Có lần tôi đã bày tỏ ước vọng của mình với bà chị thứ
hai: “Khi nào em giàu , em sẽ mua một cái
tủ lạnh; mua cam , nho, táo…bỏ vào ăn , ăn, ăn và mua thật nhiều sách để đọc ,
đọc, đọc”. Ôi, cái ước mơ nghèo nàn và tội nghiệp của tôi chỉ là chừng đấy!
Từ khi hiểu mình không thể có điều mình muốn nếu không
có tiền, không có nghề nghiệp tôi đã có ý thức “Thoát nghèo”. Thoát bằng cách
nào đây? Chỉ có học và học. Nhưng khổ nỗi, tôi dốt toán kinh hồn, chỉ khá Văn
và ngoại ngữ. Và tôi chọn ban C. Cái ban có rất nhiều bạn giỏi và cũng có rất
nhiều bạn amateur.
Tôi cũng là một đứa con gái ít nhan sắc. Có lẽ vì thế
mà khi có dịp về Đalat tôi đã tìm cô Lệ Khánh để xem cô có phải “Em là gái trời
bắt xấu” như nhan đề tập thơ của cô ta không? Nhưng cô ta không xấu lắm và tôi
mất sự đồng cảm với người cùng cảnh ngộ.
Tôi đi học một mình, lủi thủi trên con đường Hồ Đắc
Hanh. Và điều tôi sợ nhất là đi ngang nhà của một người tên Thành, đối diện nhà
Đại úy Huyền, ba của chị Trần Thị Sáo, anh Trần văn Hảo. Có lẽ cái mặt tôi như
nhà văn Tô Hoài miêu tả “cái mặt của một
người đàn ông không đẹp trai”nên cái tay ấy dù đã ở vào tuổi dậy thì mà cứ
nhè vào tôi để bắn dây thun. Có khi tôi đã có ý đi nép phía bên kia đường thì hắn
ta như đã chực sẵn để ném đá và nếu ném không trúng thì hắn buột ra câu chửi : “Đồ con ông Lạng ”. Hắn là một sự ám ảnh
kinh hoàng và cũng là một nỗi căm thù của tôi trong quá khứ!
Tôi học giỏi Văn, hay được làm chemise trong các kỳ
thi lục cá nguyệt và được các thầy cô chú ý. Năm lớp Đệ lục, thầy Trần Mạnh Liệu
tặng cho tôi hai cuốn sách. Một là Bình luận Văn chương của Thẩm Thệ Hà và hai
là cuốn Tâm Hồn Cao Thượng của Ed. De Amicis bản dịch của Hà Mai Anh. Và tôi đã
đồng nhất tay Thành ấy với nhân vật Frantie, một học trò hư, vô lễ trong
sách. Than ôi, để chống lại những trò ném đá, bắn dây thun của hắn tôi đã áp dụng
“Phép thắng lợi tinh thần của A.Q”
trong truyện Lỗ Tấn. Mỗi lần đi ngang bị hắn trêu chọc tôi đã chửi trong đầu “Mày là thằng Frantie, mày là thằng Frantie”
và cảm thấy hả hê! Tội nghiệp A.Q và tội nghiệp cho tôi!
Tôi đã tưởng mình đạt được niềm ước ao trong quá khứ
khi thi đậu Đại học sư phạm để trở thành một giáo sư đệ nhị cấp nhưng bước ngoặt
lịch sử đã tan tành giấc mơ. Tôi trở thành một giáo viên cấp ba miền núi bơ phờ
với cơm áo gạo tiền, với những bài giảng hô khẩu hiệu “Ta thắng địch thua, ta tốt địch xấu, ta chính nghĩa địch phi nghĩa”.
Thôi rồi cái mộng văn chương!
Những ẩn ức quá khứ vẫn sống lại trong tôi hằng đêm
nhưng tôi ít khi bày tỏ với ai. Tôi chỉ biết làm và tránh cho con tôi những điều
mình đã phải chịu đựng trong một tuổi thơ bất hạnh và một khoảng dài thời gian
khắc nghiệt đấu tranh để tồn tại và vươn lên.
Mấy ngày qua, tôi nghiền ngẫm hồi ký của anh Đào Dân về
“Cái tên của tôi” và nhận ra rằng có
nhiều người còn vất vả hơn mình, khổ cực hơn mình, bị “áp bức” hơn mình và đáng nói nhất là cũng “Đồng bệnh tương lân” khi áp dụng “Phép thắng lợi tinh thần của A.Q” trong cuộc sống. Câu chửi của anh Đào Dân : “Tổ cha tụi bây. Bây đập tau chẳng bằng bây
đập cha bây” cũng như câu chửi thầm của tôi với tay Thành “Mày là thằng Fantie” vậy thôi. Phục ông
Lỗ Tấn quá. Và chợt nghiệm ra, phải chăng tay Thành đã từng bị Ba tôi quất vào
mông mấy hèo khi đi kiểm tra bảng tên và hắn đã trả thù tôi bằng cách ném đá, bắn
thun vào “con ông Lạng” chính là một
phép thắng lợi tinh thần??? Thì cũng tội nghiệp cho anh ta vậy!
Ai cũng có những “phép
thắng lợi tinh thần” và đó là điều tôi muốn chia sẻ cùng các bạn nhân đọc
bài của anh Đào Dân, bạn của anh trai tôi.
Ngô Hương Thủy
Trả lờiXóahttps://www.dutule.com/images/file/a15M_Cye0wgBAINP/lekhanh-content.jpg
EM LÀ GÁI TRỜI BẮT XẤU
Chiều chúa nhật đợi chờ anh mãi mãi
Sao trễ giờ cho chua xót anh ơi
Hẹn hò chi ? Chừ lỡ dở cả rồi
Tình mới chớm đã vội vàng lịm tắt
Tôi yêu anh nhưng hoài hoài thắc mắc
Liệu người ta đáp trả lại hay không
Đến bao giờ dẫm được xác pháo hồng
Áo cưới đỏ cười vui cô dâu mới
Anh hẹn đúng hai giờ anh sẽ tới
Nhưng sao chừ trời đã tối... anh đâu
Mưa hôm nay êm như tiếng mưa ngâu
Anh lỗi hẹn nên chiều buồn rứa đó
Tôi gục mặt khóc thầm bên cửa sổ
Mà cô đơn trời hỡi vẫn cô đơn
Nơi xa xôi, anh có biết tôi buồn
Anh có biết tôi cười mắt ngấn lệ
Anh lỗi hẹn hay là anh đến trễ
Cho chiều nay đường phố lạnh mưa thu
Và đêm nay thành-thị ướt sương mù
Người con gái gục đầu thương mệnh bạc
Chuyện thủy-chung biết lấy gì đổi chác
Khi tôi nghèo, bằng cấp trắng bàn tay
Sao yêu anh cho đau khổ thế này
Thà câm nín như ngày xưa anh nhỉ ?
Vì Thượng-Đế đày tôi làm Thi-Sĩ
Nên tâm tình trào ngọn bút thành thơ
Dâng riêng anh anh nhận lấy, hững hờ
Tôi hổ thẹn bực mình đem đăng báo
Thiên hạ đọc bảo nhau rằng tôi láo
Đẹp như tiên vờ nói xấu vô duyên
Buồn không anh ? Một số kiếp truân chuyên
Làm con gái không bạc vàng nhan sắc
Tôi yêu anh nhưng hoài hoài thắc mắc
Người ta sao ? Không nói chuyện ân tình
Hẹn hò rồi còn nỡ để một mình
Tôi đứng đợi suốt chiều mưa chúa nhật
Lần sau nhé bận gì anh cứ khất
Xin sẵn sàng đứng đợi vạn mùa đông
Bạn bè đi qua trao vội thiếp hồng
Tôi vẫn mặc để chờ anh trọn kiếp
Lệ Khánh
1965