Trang

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

NHÂN VẬT TÀO THÁO - Thái Quốc Mưu


             
                        Tác giả Thái Quốc Mưu


                NHÂN VẬT TÀO THÁO
                                       Thái Quốc Mưu

Tào Tháo, tự Mạnh Đức, tên tục A Man, tự Cát Lợi. Sanh 155 sau tây lịch, tại huyện Tiêu, nước Bái trong gia đình giàu có. Từ bé là người rất thông minh, ít để ý đến việc nhỏ, tính tình phóng khoáng, thích giao du,… rất ham đọc sách, đặc biệt là binh thư, là người biết quyền biến, nhiều mưu lược. Ông mất ngày 15 tháng 3 năm 220, tại Lạc Dương, Hà Nam, thọ 66 tuổi.
Trong Bách Khoa Toàn Thư viết: “Tào Tháo vốn xuất thân trong gia đình bình thường, không có tiếng tăm…” Người viết về Tào Tháo trong bộ Bách Khoa Toàn Thư, không tra cứu kỹ, viết câu trên đây hoàn toàn sai sự thật!
Thực tế, theo Tam Quốc Chí của Trần Thọ, Tào Tháo vốn dòng dõi Tào Tham, Tướng quốc của nhà Hán. Tào Tham sinh Tào Đằng.  Tào Đằng, một Thái giám có thế lực trong triều đình Đông Hán, lần lượt phục vụ 5 đời Hoàng Đế: Hán An Đế, Hán Thuận Đế, Hán Xung Đế, Hán Chất Đế và Hán Hoàn Đế. Do công lao trải 5 đời, ông được phong chức Trung Thường Thị Đại Trường Thu Phí Đình Hầu.
Tào Tung tên thật Hạ Hầu Tung, sau khi làm con nuôi của Tào Đằng bèn đổi sang họ Tào. Tào Tháo còn có 1 người em trai, bị thất lạc từ nhỏ.

Năm 178, Hán Linh Đế nghe lời Đổng Thái Hậu cho áp dụng chính sách mua bán quan chức. Chức Tam công bán 10 triệu, tước hầu bán 5 triệu. Tào Tung (tức Hạ Hầu Trung) thân phụ Tào Tháo đã bỏ tiền ra mua chức Thái Úy trong dịp nầy.
Nhờ “chính sách” mua quan bán chức, bọn cơ hội chủ nghĩa, bọn trọc phú, có cơ hội vào chốn quan lại. Sau khi mua được chức quan, chúng tha hồ bốc lột, cướp đoạt tài sản của dân lành hầu mau lấy lại vốn. Và, trong số ấy có nhiều tên ngu dốt, thất học. Cho nên, đôi khi cần giải đáp cho dân, chúng buông ra những câu trả lời chỉ làm trò cười cho trăm họ.
Thể chế chính trị thời Hán Linh Đế là một thể chế chính trị tồi tệ nhất trong mọi thời đại trên thế giới.

***
Bộ Tôn Tử Binh Pháp, còn được gọi là Binh Pháp Ngô Tôn Tử, là sách chiến lược, chiến thuật nguyên tác bằng chữ Hán do Tôn Vũ soạn thảo vào thời Xuân Thu, trước Công nguyên 512 năm.
Do có hai bộ Binh Pháp Tôn Tử với hai tác giả cùng một tên, người đời sau gọi Binh Pháp Tôn Tử của TÔN VŨ bằng Binh Pháp NGÔ TÔN TỬ, còn Binh Pháp Tôn Tử của TÔN TẪN được gọi là Binh Pháp TỀ TÔN TỬ hầu tránh nhầm lẫn giữa hai người cùng họ Tôn (Tôn Vũ và Tôn Tẫn) đồng thời để phân biệt hai bộ binh pháp hoàn tòan khác nhau. Người ta phân định như vậy, bởi, Tôn Vũ xuất thân từ nước Ngô, còn Tôn Tẫn xuất thân từ nước Tề.

Bộ Tôn Tử Binh Pháp trong bài nầy, chỉ đề cập Binh Pháp của NGÔ Tôn Tử.
Bộ Binh Pháp của Ngô Tôn Tử ngoài Tào Tháo chú giải, còn có Mạnh Thị, Nhà Lương, Lý Thuyên Nhà Đường, Đỗ Mục, Trần Hạo, Giả Lâm, Mai Nhiêu Thần Nhà Tống, Vương Triết, Hà Diên Tích và Trương Dư cùng chú giải. Nhưng bản  chú giải của Tào Tháo hay nhất, có giá trị nhất. Như vậy cho ta thấy kiến thức văn học và binh pháp của Tào Tháo hơn hẳn những học giả, sứ quân, lãnh chúa, chư hầu cùng thời.
Hiện nay, cả thế giới sử dụng, dịch thuật đều căn cứ vào bộ Binh Thư Tôn Tử của Tôn Vũ, qua sự chú giải của Tào Tháo.
Tào Tháo còn viết bộ “Binh Thư Tào Mạnh Đức”, nhưng đã thất truyền.
Ngoài tài năng chính trị, quân sự tột đỉnh, Tào Tháo còn có tài biên khảo, chú giải xuất sắc và là nhà thơ nổi tiếng thời Văn Học Kiến An.

            
                                  Tào Tháo

Trên lãnh vực văn chương, ba cha con ông được người đương thời gọi là Tam Tào, gồm: Tào Tháo, Tào Phi (Tào Phi, tự Tử Hoàn, 187-29 tháng 6 năm 226. Sau khi tiếm ngôi Nhà Hậu Hán xưng Tào Ngụy Văn Đế, vị vua đầu tiên của Tào Ngụy).

Tào Thực, 192-232, tên tự là Tử Kiến, khi mất thụy là Trần Tư Vương.
Tam Tào (Tháo, Phi, Thực), là những tên tuổi lớn trong Kiến An Thập Nhất Tài Danh. Một nền văn học phát sinh vào thời Hán mạt được gọi chung là Kiến An Phong Cốt.
Trong những bài thơ như Độ Quan San - Vượt Quan San, Tào Tháo phản đối những ông vua làm khổ dân, bắt dân đi phu đóng thuế nặng. Bài Đối Tửu, ông hy vọng có những ông vua hiền sáng suốt cảm thông với những nỗi đau của dân chúng thời loạn Đông Hán.
Bài Cảo Lý Hành (Bài hành theo điệu Cảo Lý) có nội dung cho người đọc thấy một hình ảnh thu nhỏ sinh động của hiện thực với thảm cảnh chiến tranh, chiến trường phơi xương trắng, ruộng đồng hoang vắng.
Bài Giới Lộ Hành với bài Cảo Lý Hành miêu tả cảnh hoang tàng của Lạc Dương sau khi bị Đổng Trác đốt phá, thể hiện một niềm bi ai. Tất cả đều được truyền khắp dân gian. Người người thán phục. Bài Thu Hồ Hành thể hiện tình cảm ưu hoài, sầu thảm còn biểu hiện rõ rệt nỗi buồn hữu hạn và kẻ anh hùng nào, cuối cùng rồi cũng về với cát bụi.
Qua các bài thơ trên của Tào Tháo, đủ minh chứng cho các thế hệ sau biết ông vốn là người nặng tình với đất nước, dân tộc. Ông phản đối bọn vua tôi trong triều đình chỉ biết hưởng lạc thú lúc thanh bình, khi đất nước hỗn loạn thì thu mình vào trôn ốc. Vua chúa thì bất tài, u minh, bọn quan lại hèn nhát, tham ô, trục lợi, co đầu rút cổ với giặc, đàn áp dân lành. Quan chức địa phương tha hồ cướp đọat đất đai, tài sản của người dân.
Thơ Tào Tháo chịu ảnh hưởng Nhạc phủ đời Hán nhưng thể hiện cá tính sáng tạo, khí vận của ông trầm hùng… rất rõ rệt nên được coi là lão tướng đất U Yên.
Những bài thơ hay nhất của ông sử dụng lời lẽ thuần phác, chân chất, ít khi dùng từ hoa mỹ, hình ảnh thơ rõ ràng và giọng thơ bi tráng, hùng hồn, của kẻ đối diện với bóng xế đường chiều mà chưa đạt thành chí cả, làm vỡ tan ước vọng của mình khiến độc giả cảm thấy phấn chấn như được cổ vũ khích lệ.
Điều nầy chứng minh, thơ sử dụng ngôn ngữ bình dân dễ đi sâu vào lòng người. Ngôn ngữ bình dân hoàn toàn khác xa với loại thơ dùng ngôn ngữ chắt lọc, cầu kỳ, đó là loại thơ cố ôm đầu tìm chữ nghĩa mới lạ, với mục đích muốn khoe cho độc giả thấy, biết “ta đây là kẻ giàu vốn liếng ngữ vựng”.
Loại ngôn ngữ “ghép chữ thành thơ” nầy, khi bài thơ đến tay độc giả, họ đọc... Nhưng, chẳng biết tác giả muốn nói cái gì? Gởi gắm điều gì đến họ?
Thi hào Lý Bạch, để lại đời câu, (đại ý): “Làm thơ để tự mình đọc hay để cất vào hộc tủ, làm thế nào cũng được! Còn làm thơ muốn gởi gắm đến bạn đọc, phải làm thế nào để người đọc hiểu nhà thơ nói gì, gởi gắm điều gì đến họ”.
Đánh giá thơ của Tào Tháo, Học giả Nguyễn Hiến Lê viết:  “Tào Tháo dụng binh giỏi mà văn thơ cũng hay. Bài Đoản Ca Hành (bài hát ngắn) của ông, lời cực kỳ bi tráng. Từ thời Xuân Thu tới đây, ta mới gặp một bài thơ tứ ngôn cảm khái như vậy.”
Học giả Nguyễn Hiến Lê đã chứng minh, Tào Tháo ngoài một nhà quân sự đại tài, còn là một tinh hoa văn học.
Với nhận định của Học giả Nguyễn Hiến Lê, ta có thể kết luận, Tào Tháo là một nhà chánh trị kiệt xuất, hết lòng lo cho dân cho đất nước, và là một nhà thơ lớn trong thiên hạ. Nhưng, ông bị La Quán Trung vì tình hoài Hán uốn cong ngòi bút đã bôi bác, bóp méo cuộc đời Tào Tháo, để rồi từ một người hết lòng vì dân, vì đất nước trở thành kẻ gian hùng, phản nghịch.
Trong Trung Hoa Thư Quán, Liêm Phô, viết: “Tào Tháo đã từng là thần tử năng nổ tích cực, đã từng bất chấp nguy cơ bị giáng chức để dâng sớ tâu bày điều hay lẽ phải, bảo vệ người ngay chính, ngăn cản kẻ xấu. Chỉ tiếc là mọi nỗ lực can gián đều thất bại. Hoạn quan tiếp tục lộng hành, việc cải cách bị ngăn chặn, thậm chí Hán đế còn tuyên bố: “Kẻ nào tấu trình về việc sửa sang chính trị tại các châu huyện mà không hiệu nghiệm, khiến dân chúng phao ngôn nhảm nhí đều bị bãi miễn chức vụ”. Phản ứng của triều đình đã làm Tào Tháo thất vọng. Tam Quốc Chí mô tả Tào Tháo: “Biết không thể khuông phò một triều đại mà vua là kẻ bất tài, bất minh, còn quần thần toàn là lũ sâu dân mọt nước, nên, ông chẳng dâng lời can gián nữa. Không lâu sau, dù được thăng làm Thái thú Đông quận, ông bèn từ chối, “cáo bệnh về quê”.
Học giả Dịch Quân Tả, người Trung Quốc, cho rằng: “Ông (Tào Tháo) là người có tài cao, hùng khí. Đời ông là một cuộc chiến đấu trường kỳ, nên văn chương của ông cũng từ đó mà ra. Những bài hay nhất như Khổ Hàn Hành, cũng là tác phẩm viết trong hoàn cảnh chiến đấu. Bài Đoản Ca Hành, sáng tác ngay trong đêm xảy ra trận Xích Bích.”
Còn trong Dị Đồng Tạp Ngữ, viết: “Tào Tháo tài giỏi hơn người, khó ai có thể hại, ông tinh thông sử sách, lại giỏi về binh pháp”. Chỉ việc Tào Tháo luận giải về Binh Pháp Tôn Tử cũng cho ta thấy lời nhận định trên đây rất chính xác.
Điều đáng chú ý là, Tào Tháo muốn dùng tài hùng biện của mình và muốn đưa chính trị vào văn học, cho nên, ông sáng tác nhiều bài thơ tứ ngôn. Thế nhưng, văn học luôn diễn biến theo từng thời kỳ của từng thời đại để tiến lên. Tức là phải đi vào giai đoạn ngũ ngôn và thất ngôn… Người sáng tác cần phải chạy theo trào lưu mới để hội  nhập.
Cuối thời Đông Hán 23-220, Tào Tháo là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất. Ông là người đặt nền móng cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, để Tào Phi, con ông, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông được Tào Phi truy tôn là Thái Tổ Vũ Hoàng Đế.
Trên trận địa, khi Tào Tháo điều binh khiển tướng đều khiến kẻ địch phải kiêng dè, run sợ. Trong văn học ông là người xuất chúng. Tào Tháo chính là người văn võ song toàn.

***
La Quán Trung, tự Bản, tên chữ là Quán Trung, 1330-1400, biệt hiệu là "Hồ Hải Tản Nhân" người Thái Nguyên (có thuyết cho rằng ông là người Lư Lăng, Tiền Đường, Đông Nguyên). Ông sinh vào cuối đời Nguyên, mất vào đầu đời Minh, ước chừng vào khoảng năm 1300 đến năm 1400 giữa thời thống trị của Nguyên Thuận Đế, tức Thỏa Hồn Thiết Mộc Nhĩ và Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Có thuyết nói rõ rằng ông sinh năm 1328 và mất năm 1398. Ban đầu, La Quán Trung là tác giả bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa nổi tiếng. Nhưng, sau đó qua nhiều lần được nhiều học giả - nhất là Mao Tôn Cương - chỉnh sửa cho đúng với chánh sử. Để rồi, bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, trở thành bộ tiểu thuyết của nhiều tác giả.
Tộc họ La (Quán Trung), qua nhiều thế hệ, vốn dòng quý tộc triều Hán, tổ tiên ông vốn chịu nhiều ân sủng của Hán trào, nên, khi viết bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung dựa vào bộ chánh sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ rồi hư cấu, thêm thắt vào truyện. Đa số người đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa không biết điều đó, họ thường dựa vào bộ tiểu thuyết ấy mà đánh giá các nhân vật lịch sử một cách máy móc, sai lầm.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung biểu lộ rõ rệt tinh thần hoài Hán diệt Tào, viết không trung thực về Tào Tháo. Do ảnh hưởng từ bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, dân gian coi Tào Tháo như là một tay gian hùng, phản nghịch, biến Tào Tháo trở thành kẻ vô liêm sỉ, nham hiểm, tàn bạo... Thực tế, Tào Tháo là người có kiến thức uyên bác, một học giả uyên thâm, một nhà thơ vượt bực, nhà quân sự đại tài, và là một nhà chánh trị lỗi lạc, giàu lòng nhân ái. Ông biên soạn, chú giải bộ Tôn Tử Binh Pháp (của Tôn Vũ), vượt xa tất cả những học giả khác cùng chú giải bộ sách nầy!
La Quán Trung, kẻ cầm bút bất lương, thuộc loại bồi bút chỉ nhắm mắt, tung hô, ca tụng một triều đại mục rã, thối nát. Hắn đã thay đen đổi trắng, lộng giả thành chân, nặng tình hoài Hán... với mục đích diệt Tào, làm sai lệch lịch sử... đã dẫn đạo, chỉ đường sai trái,... biến người giàu mưu lược, chánh trị lỗi lạc, tinh thông binh pháp, có tài văn thơ, biết nghĩ đến nỗi đau, sự khốn khó của người dân, ,... trở thành kẻ có tội... trong ý đồ điều khiển, đầu độc tư duy cho hậu thế, khiến cho đời sau nghĩ sai lầm về nhân vật lịch sử Tào Tháo.
Trong một xã hội, kẻ cầm bút bất lương, vì đồng tiền, danh vọng,... bán rẻ lương tâm cho những chế độ chánh trị thối nát không ít! Do đó, giới cầm bút lương thiện, chân chính, cần có tinh thần dũng cảm dám phê phán, chỉ ra, nói thẳng những điều sai trái, vạch rõ những sai lầm của băng nhóm, phe phái. triều đại, ... để mọi người biết được, thấy rõ mà đứng lên!
Những cây viết có lương tâm, dũng cảm đứng thẳng với lòng chân chính qua ngòi bút trung thực, chắc chắn họ sẽ bị những kẻ cùng thời vì lợi lộc cá nhân, băng nhóm, đoàn thể, phe phái, triều đại... cấu kết nhau phản công, nhục mạ, đè bẹp... Nhưng, cho dù bưng bít, bao che, dối gạt thế nào, chúng chỉ có thể gian dối người đương thời, không sao dối gạt được hậu thế! Còn lịch sử chẳng dung thứ bất cứ kẻ nào bưng bít, dối trá, phản bội quê hương, dân tộc.
La Quán Trung tác giả bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa,y là một trong những kẻ bất lương ấy, bởi hắn ta dùng văn học, xuyên tạc, bóp méo lịch sử... Thật đáng khinh!
Đường đời luôn có hai mặt, nẻo chính, đường tà luôn đi song song bên nhau, không thể gặp nhau ở cuối đường. Không vì thế mà những người có tâm hồn trong sáng, có tinh thần vì xã hội, đất nước, dân tộc, vì lòng lương thiện lại chùn chân, lùi bước... Tất nhiên họ vẫn đứng thẳng, hiên ngang tiến lên vì nhiệm vụ cao cả của mình. Đáng tiếc, cùng thời với La Quán Trung, không ai làm được điều đó!
***
Thời Hán mạt, Hán Hiến Đế, tục danh Lưu Hiệp, tự Bá Hòa, 181-21 đến 4-234, tại vị 189-25 đến 11-220, Hoàng Đế thứ 14 của Nhà Đông Hán, là ông vua cuối cùng của Hán trào. Hắn là kẻ bất tài, nhu nhược,... Chư hầu nổi loạn, dân lành bị đàn áp dã man. Bọn quan lại thì hống hách, tham ô, hối lộ,… Để thủ lợi cho cá nhân, băng đảng,... chúng thẳng tay cướp giật đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của người dân cách trắng trợn... dân chúng nghèo đói, trẻ thơ trong hoàn cảnh nghèo khó không tiền, đành chịu thất học, chịu đói khổ hằng ngày...
Các chư hầu, lãnh chúa có quyền lực trong tay đều nổi dậy hùng cứ một phương, muốn soán ngôi Nhà Hán. Tào Tháo, là một trong những kẻ ấy, nhưng thay vì mưu đồ cướp ngôi, Tháo ra sức bảo vệ ngay vàng cho Hán Hiến Đế - dù đây chỉ là thủ đoạn chánh trị “dưới một người để trên trăm họ”.
Còn Hán Hiến Đế vốn kẻ bất tài, cho mua quan bán chức.. Bởi thế, Tào Tháo mới ép vua phong mình làm Ngụy Vương để có danh chánh ngôn thuận đánh dẹp các nước chư hầu nổi loạn. Ý đồ dựa vào đế chế để giữ lấy quyền lực và Tháo đã thành công.
Trong sự nghiệp của mình, tuy gặt hái nhiều thắng lợi, nhưng, Tào Tháo cũng gặp không ít thất bại. Ngồi nhìn tuổi tác ngày càng cao mà chí lớn chưa thỏa. Khoảng năm 208 - Kiến An thứ 13, trước đêm xuất trận Xích Bích, ông viết Đoản Ca Hành (bài Hành Ca ngắn), nói lên ý chí của mình. Một trong các tác phẩm nổi tiếng của ông.
Trong Đoản Ca Hành, ông để lộ nỗi buồn, “như sương buổi sớm, ngày qua ngày thấy khổ nhiều hơn” khiến bài thơ mang âm điệu u uất, bi quan. Và tâm nguyện cùng ý chí của ông, “Ta giống như Chu công tiếp đãi hiền tài / Thiên hạ sẽ quy thuận về ta.”
Bọn hủ Nho chịu ảnh hưởng nền giáo dục ngu dân của Khổng Tử nên mê muội, ngu dốt nhắm mắt phục vụ đế quyền một cách máy móc, cúi đầu làm kẻ ngu trung, đã kết án Tào Tháo là kẻ phản nghịch, gian hùng. Nhưng trong bộ chánh sử Tam Quốc Chí, Trần Thọ chép: “Tào Tháo là người “cơ trí nhạy bén, ứng biến, chơi bời phóng đãng”.
Thường, những kẻ chơi bời phóng đãng tính tình luôn hào sảng, phóng khoáng, khác xa với những kẻ ngụy quân tử luôn giả nhân, giả nghĩa, giả hình,… một dạ, hai thưa, dùng miệng lưỡi bên ngoài để che giấu bản chất ti tiện, đê hèn bên trong. Đặc biệt, bọn nầy nhờ vào thời cuộc mà phất lên, chúng ra sức tô điểm những gì chúng có hôm nay để đánh bóng bản thân cho cái  quá khứ thấp kém ngày trước. Chỉ cần nhìn cử chỉ, kiểu cách ngô nghê, giọng cười tự mãn, lời nói nửa quê mùa, nửa chợ búa,... thì ta biết ngay chân tướng của chúng xuất thân từ đâu?
Năm 1957 khi Quách Hóa Nhược viết về Binh pháp Tôn Tử dẫn lời Đỗ Mục cho rằng: “Binh pháp Tôn Tử có 82 bài, và 9 quyển hình vẽ. Cộng với cuốn “Ngô Việt Xuân Thu” ghi chép các câu hỏi và trả lời của Tôn Vũ với vua Ngô. Truyền đến đời Tam Quốc, được Tào Tháo chọn lựa, gọt giũa, chắt lọc, biên tập và chú thích, bỏ chỗ thừa, chép những phần tinh túy và xếp thành 13 thiên, tức là cuốn Tôn Tử Binh Pháp lưu truyền đến ngày nay.”
Quách Hóa Nhược còn khẳng định: “Trong chú giải bộ Binh Thư Tôn Tử, Tào Tháo giữ lại đúng nội dung chủ yếu của Tôn Tử Binh Pháp, đó là một cống hiến không thể lu mờ.”
Những đối thủ của Tào Tháo như Lưu Bị, Viên Thuật, Tôn Quyền, Khổng Minh… đều thua xa ông trên nhiều lãnh vực: Kiến thức, văn học, quân sự, chánh trị, dụng người, quyền biến, nổi bật nhất là lãnh vực văn chương và chiến lược... Tào Tháo thật xứng đáng được gọi là một con người giàu năng lực trên nhiều lãnh vực.
Lâu nay, nhiều nhà phê bình chỉ dựa vào bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung mà không đối chiếu với bộ chính sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ, đã đánh giá Tào Tháo một cách sai lầm cố ý, trong khi, cả đời Tào Tháo chưa hề có những hành vi tàn độc như Lý Thế Dân đời Đường, giết anh ruột, em ruột và ngay cả các cháu ruột của y để chiếm ngôi vua. Hoặc, tồi tệ như Tùy Dạng Đế Dương Quảng đầu độc chính cha ruột của y là Tùy Văn Đế Dương Kiên, để cướp ngôi hoàng đế.
Tháng 4 năm 1972, hai cuốn sách Tôn Tử Binh Pháp của Tôn Vũ và Tôn Tử Binh Pháp của Tôn Tẫn đồng thời tìm thấy trong một ngôi mộ cổ từ thời nhà Hán ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Tháng 7 năm 1978, cuốn Tôn Tử Binh Pháp cũng được tìm thấy trong một ngôi nhà ở Thanh Hải, Trung Quốc. Những ngộ nhận về cuốn Tôn Tử Binh Pháp kéo dài mấy trăm năm, mãi đến bấy giờ mới được làm sáng tỏ. Trước đó, sai lầm ở chỗ, bộ Binh Pháp Tôn Tử một bên cho rằng của Tôn Vũ, một bên cho là của Tôn Tẫn. Sau khám phá trên, người ta mới vỡ lẽ có hai bộ Binh Pháp Tôn Tử của hai tác giả cùng tên Binh Pháp Tôn Tử và cùng một tên tác giả Tôn Tử. Một sự trùng hợp có một không hai trong nền văn học. Trước tháng 4 năm 1972, bản Tôn Tử Binh Pháp được lưu truyền cho là cổ nhất, là bản khắc đời Tống.Trần Thọ, tác giả bộ Chánh sử Tam Quốc Chí, đã đánh giá Tào Tháo như sau: “Cuối thời Hán, thiên hạ đại loạn, anh hùng hào kiệt cùng nổi dậy, mà Viên Thiệu như hổ vồ bốn châu, mạnh mẽ chẳng ai chống nổi. Thái Tổ Tào Tháo tính kế bày mưu, đánh dẹp trong nước, tỏ phép hay của Thân, Thương, bày kế lạ của Hàn, Bạch, chọn dùng người hiền tùy vào tài năng, quyền biến ngang dọc, không hiềm thù chuyện cũ, rút cuộc nắm giữ mệnh vua, dựng nên nghiệp lớn, riêng Thái Tổ có mưu lược sáng suốt hơn cả. Có thể nói là người khác thường, xứng đáng vào bậc hào kiệt hơn đời vậy!”
Đánh giá về tài năng chính trị của Tào Tháo, nhà nghiên cứu Tào Hồng Toại viết: “Tào Tháo là nhà chính trị kiệt xuất thời phong kiến, xứng đáng được gọi bằng hai chữ anh hùng, về tính cách nhiều mặt thể hiện ra bằng sự tàn nhẫn hoặc đôi khi thiếu tính nhân ái. Bởi vậy, người đời cho đó chính là sự bổ sung hiệu quả cho tính chất của nhà chính trị như ông.”
“Trong hoạt động chính trị, Tào Tháo đã vận dụng khá nhiều tư tưởng Pháp gia, đề cao tài trí, coi trọng năng lực mà không quá quan tâm đến đạo đức, phẩm chất của người được sử dụng. Đây là một liều thuốc rất công hiệu, có hiệu quả vô cùng lớn lao trong việc cai quản, sửa đổi cục diện lỏng lẻo...”
Từ thời Đông Hán trở về trước. “Tào Tháo hùng tài đại lược, dũng cảm mưu trí hơn người nhưng cũng là người đa nghi, mưu lược và tàn nhẫn... Trong tranh giành quyền lực, ông đã dung hợp được 3 sách lược Pháp - Thuật - Thế, đồng thời có thể vận dụng linh hoạt, hay thay đổi. Đây là tính cách đặc trưng... Chính vì tính cách con người Tào Tháo rất nhiều mặt nên đời sau cũng có những đánh giá về ông rất khác nhau.” Lời nhận xét của Tào Hồng Toại trên đây hoàn toàn không chính xác, bởi Tào Hồng Toại chỉ nhìn vào góc cạnh của nền đạo đức Khổng Tử, mà không xét về thời điểm xã hội, chánh trị của Hán trào khi mạt vận rối loạn như thế nào?
Làm chánh trị mà không đa mưu túc kế, không lừa lọc đối phương, không giết người khi cần phải giết, thì chẳng khác nào đưa dây thòng lọng cho kẻ thù tròng vào cổ mình lôi đi.
Việc Tào Tháo giết Dương Tu, chỉ vì Dương Tu ỷ tài cao, biết rộng,… nhưng tự cao, tự đại, hợm mình, kiêu ngạo,…  Trong chốn quan trường Tào Tháo với Dương Bưu (141-225), là hai đại thần cuối thời Đông Hán có nhiều bất đồng, nhưng ông vẫn tin dùng con trai của Dương Bưu là Dương Tu. Tào Tháo cho Dương Tu hầu cận trong phủ, thường xuyên cho ở bên cạnh, kể cả khi ở trong kinh thành cũng như lúc xuất quân. Như vậy, Tào Tháo đối đãi với Dương Tu đúng theo câu nói nổi tiếng của ông “Dùng người thì phải tin, đã không tin thì không dùng”.
Dương Tu, người có đủ tài trí, phục vụ dưới trướng Tào Tháo. Song, bản chất kiêu ngạo, cậy tài văn chương, chữ nghĩa nên về sau chuốc họa vào thân.
Cụ thể, một lần Tào Tháo sau khi đi thăm vườn cảnh của phủ mới xây, khi đến cái cổng bèn lấy bút viết lên cổng chữ "HOẠT", Dương Tu trông thấy, tự ý sai thợ phá cái cổng để làm RỘNG hơn. Tào Tháo thấy vậy tức giận hỏi, Dương Tu mới đáp làm theo lệnh ông. Lại nói với Tào Tháo chữ “HOẠT” nghĩa là “HẸP”, nên cho phá để làm lại cái cổng cho RỘNG hơn.
Cho dù Dương Tu đoán được ý của Tào Tháo chê cổng HẸP, nhưng đáng lẽ y phải thỉnh ý Tào Tháo trước khi phá cổng mới đúng. Dương Tu đã không làm điều sơ đẳng ấy lại chuyên quyền tự ra lệnh phá cổng làm lại. Điều nầy minh chứng Dương Tu là kẻ không biết tôn trọng người chủ của hắn ta.
Đoạn trên, dịch giả Phan Kế Bính dịch Tam Quốc Diễn Nghĩa năm 1909, và được Bùi Kỷ, một nhà Nho uyên bác, hiệu đính rất kỹ bằng cách đem nguyên bản tiếng Trung mới nhất ra đối chiếu và do Nhân Dân Văn Học Xã ở Bắc Kinh xuất bản năm 1958. Đây là bản dịch được cho là hay nhất từ trước đến nay – đã mượn lời của Dương Tu giải thích chữ “HOẠT” viết trên cổng, có nghĩa là: “Tào Tháo chê CỔNG HẸP phải làm RỘNG hơn”. Giải thích của dịch giả Phan kế Bính và hiệu đính của “học giả uyên bác” Bùi Kỷ dẫn trên. Hoàn toàn SAI!
“Dương Đức Tổ (Dương Tu) giữ chức Chủ bạ cho Ngụy Vũ Đế, bấy giờ Ngụy Vũ đế cho làm “Tướng Quốc Môn”, khi dàn dựng rui kèo thì Ngụy Vũ Đế tới coi, sai người viết chữ “HOẠT” trên cổng rồi đi ngay”. (Ngụy Vũ Đế tức Táo Tháo).
Dương Tu thấy chữ “HOẠT” thì ra lệnh phá bỏ giàn cổng đang dựng. Phá xong, lại nói: “Chữ “HOẠT” nằm trong chữ “MÔN” là chữ “KHÓAT”, chữ Khoát nghĩa là RỘNG, ý của Đại vương chính là, không vừa ý cái cổng HẸP", phải làm RỘNG hơn.” (Tham khảo: Thế Thuyết Tân Ngữ, thiên Tiệp ngộ thiên thứ 11).
Do dịch giả Phan Kế Bính, dịch Tam Quốc Diễn Nghĩa, nói Tào Tháo chê cổng HẸP, nên phá để làm cổng RỘNG hơn! Việc dịch sai lầm đó khiến bạn đọc nghĩ SAI theo! Đúng là, ý Tào Tháo chê cái cổng RỘNG phải làm HẸP lại.
Thế Thuyết Tân Ngữ là một tập Bút ký rất nổi tiếng ghi chép những nhân vật và giai thoại thú vị trong 2 triều Ngụy (220-265), Tấn (265-420), tác giả là Lưu Nghĩa Khánh (403-444) người triều Lưu Tống (420-479).
* Dương Đức Tổ, “Đức Tổ” là tên tự của Dương Tu (175- 219).
Thời Hán các cơ quan ở Trung Ương cũng như ở các cấp Quận, Huyện đều thiết lập chức “Chủ bạ”, là chức danh coi về Văn thư và điều hành công việc thư từ (gởi công văn đi và nhận văn thư đến trong một Cơ quan (như Ban Văn Thư ngày nay).
Lần khác, Tào Tháo đem binh ra chặn Lưu Bị, nhưng bị đánh thua mấy trận đành phải cắm trại cố thủ. Thời gian trôi qua, không thay đổi được tình hình chiến trường đâm ra chán chường, có ý muốn rút quân nhưng lại ngại xấu hổ trước ba quân, tướng sĩ.
Một tối, tướng Hạ Hầu Đôn vào trướng Tào Tháo xin mật khẩu ban đêm cho doanh trại, Tào Tháo đang ăn canh chân gà, trong khi Tháo đang ngậm gân gà, nên ngần ngừ một lúc rồi nói: “Kê cân” = Gân gà (ăn không được, bỏ thì tiếc).
Hạ Hầu Đôn thấy khẩu lệnh nầy lạ lùng quá nên thắc mắc bèn đem hỏi Dương Tu. Dương Tu cười lớn rồi bảo Hạ Hầu Đôn hạ lệnh cho binh lính chuẩn bị gói ghém đồ đạc, chỉ nội trong 3 ngày nữa Tào Tháo sẽ hạ lệnh rút quân.
Đêm hôm ấy, Tào Tháo tuần hành thấy quân sĩ ở các doanh trại đều lo thu dọn hành trang chuẩn bị rút quân. Tào Tháo hỏi vì sao? Tất cả đều đáp Dương Tu truyền lệnh chuẩn bị hành trang để quay về. Tào Tháo tức giận, truyền dẫn Dương Tu chém đầu về tội, “Phao tin đồn nhãm. Làm rối loạn lòng quân”.
Tháo giết Dương Tu rất chánh đáng. Còn Khổng Minh giết Trần Thức chỉ vì bại trận, không gì ngu xuẩn bằng?
Cách hành xử của Dương Tu đưa hắn ta vào cái chết thật đáng đời. Thử hỏi, trong khi điều binh đánh giặc, có vị tướng lãnh nào tha thứ cho kẻ phao tin đồn nhảm, làm rối loạn quân ngũ? Cái chết của Dương Tu đáp ứng đúng với hành vi ngu xuẩn, kiêu ngạo và thói hợm mình của y. Tào Tháo giết Dương Tu rất đúng! Rất chính xác!
Việc Tào Tháo giết Chu Bất Nghi, một thiếu nên 17 tuổi nhưng tài cao, học rộng,… là một kỳ tài nhưng kiêu ngạo ngất trời và đã dám từ hôn không nhận làm rể Tào Tháo.
Khi Tào Phi biết được ý định của cha mình muốn giết Chu Bất Nghi, bèn hết lời can gián thì được Ngụy Vương Tào Tháo thẳng thắn trả lời: “Kẻ này không phải người mà con có khả năng kiểm soát”. Lúc ấy Tào Phi mới nhận ra sự đáng sợ của Chu Bất Nghi.
Khi một kẻ tài năng vượt bực mà nằm trong guồng máy của ta, nhưng đầu óc kẻ ấy ở ngoài tầm tay ta, nếu ta không giết trước thì cái họa sẽ đến sau. Làm chính trị là phi đạo đức, giết người là mang tội với Đất Trời. Nhưng giết người để bảo vệ nghiệp lớn cho con mình, thử hỏi ai không hành xử như Tào Tháo?
Lại lần khác, do không đủ lương thực cấp cho quân sĩ, Tào Tháo bèn mật sai Vương Hậu làm cái đấu đong gạo nhỏ lại để đong ít số gạo hầu kéo dài thời gian… Nhưng, sau đó Tháo đổ tội cho Vương Hậu tham ô, làm thất thoát lương thực rồi truyền lệnh chém đầu để trấn an quân sĩ. Tào Tháo tự biết mình vì muốn ổn định lòng quân mà phải giết oan Vương Hậu, bèn chuộc lỗi bằng cách trợ cấp gia đình vợ con Vương Hậu suốt đời.  Việc giết Vương Hậu, một quan chức coi việc quân lương, có phần bá đạo, nhưng nếu không giết thì binh lính có thể nổi loạn, không thể lường trước hậu quả sẽ xảy ra. Trong cái bá đạo của Tào Tháo, hiển hiện lòng lương thiện, lòng nhân hậu của ông mà ai cũng cảm thấy được. Vì nhu cầu, trong hoàn cảnh đó, buộc ta phải làm như vậy, như vậy… Để bù đắp lại, Tháo đã thể hiện được tấm lòng của bậc trí giả biết hành xử cách vương đạo.
Cái hay của Tào Tháo dám làm, dám nhận trách nhiệm, thấy sai dám sửa sai. Tào Tháo hơn những kẻ khác cả cái đầu. Khác xa với loại người biết sai không dám sửa, biết làm như thế sẽ trái lòng dân, phản bội Tổ Quốc, lại còn đàn áp, tù đày, tàn sát người dân lương thiện đấu tranh vì sự sống còn của Quốc Gia Dân Tộc. Nhục nào hơn? Ác nào bằng? Vậy mà vì quyền lực, vì lợi lộc riêng tư họ cứ làm, vẫn làm…
Tào Tháo giết Dương Tu để giữ nghiêm quân lệnh. Giết Chu Bất Nghi để bảo vệ cơ đồ, nghiệp lớn cho con của mình về sau. Giết Vương Hậu để ổn định lòng quân sĩ. Trong hoàn cảnh của Tào Tháo có lẽ ai cũng hành xử như ông thôi?
Cách cư xử với thuộc cấp, Tào Tháo hơn Khổng Minh như trời với vực. Khổng Minh giết Trần Thức và Mã Tốc chỉ vì thua trận. Nhưng không dám giết Quan công (chữ “công”, người viết không viết hoa. Bởi chữ “công” ở đây có nghĩa là ông. Quan công nghĩa là “ông họ Quan”) để mất Kinh Châu, trong khi Kinh Châu - một điểm chiến lược tối quan trọng của Lưu Bị. Chứng tỏ cho ta thấy Khổng Minh thị uy và đè bẹp người cô thế, kẻ dưới quyền, nhưng, kiêng dè kẻ có thế lực (Quan công dựa vào thế lực của Lưu Bị nên Khổng Minh không dám giết). Trong khi việc thua trận của hai tướng Trần Thức và Mã Tốc không ảnh hưởng quan trọng bằng Quan công để mất Kinh Châu.
Khi phá tan đại quân của Viên Thiệu ở Quan Độ, cách xử sự của Tào Tháo như dưới đây cho ta thấy ông vô cùng khôn ngoan, sáng suốt. Đúng là cách hành xử giàu tính nhân bản. Chứng minh cho hậu thế thấy Tào Tháo chính là nhà chánh trị kiệt xuất.
Khi bại trận, Viên Thiệu hoảng sợ thu tàn quân vội vã chạy qua sông Hoàng Hà. Tất cả công văn giấy tờ đều bỏ lại hết. Quân binh của Tào Tháo kéo đến tịch thu được tất cả công văn giấy tờ đó. Ông nghe thuộc hạ báo lên, trong những giấy tờ ấy có tên tuổi những thuộc cấp của Tào Ngụy, phản bội Tháo làm tay sai cho Viên Thiệu.
Những thuộc hạ thân tín của Tào Tháo tìm ra tên tuổi của từng người và đề nghị Tháo cho bắt hết để trị tội. Tào Tháo không chịu, lại còn truyền lệnh đốt sạch những giấy tờ ấy. Mọi người ngạc nhiên, không đợi họ hỏi, Tào Tháo liền nói: “Khi ta yếu, Thiệu mạnh, chính bản thân ta còn chưa tự lo cho mình được, huống chi người khác. Họ muốn tư thông với Thiệu chẳng qua là muốn tìm đường sống mà thôi. Chẳng có tội gì mà ta phải xét xử!”
Cách xử sự khôn ngoan, độ lượng của Tào Tháo khiến cho người thời đó và muôn ngàn đời sau tôn phục! Những kẻ manh tâm phản bội ông vô cùng hối hận và cảm kích. Từ đó, họ một dạ trung thành, sống chết với Tào Tháo.
Đọc bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung - một kẻ nặng tình hoài Hán - nhưng họ La chưa cho ta thấy nhân vật nào khác khôn ngoan, độ lượng như Tào Tháo. Kể cả Lưu Bị được cho là kể nhân từ; Khổng Minh được tặng là kẻ đa mưu túc kế cũng không sao bằng Tào Tháo.
Về tài quân sự của Tào Tháo, Mao Tôn Cương, nhà phê bình tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, dù có thành kiến không tốt với Tào Tháo cũng thừa nhận: “Việc binh của Tôn Quyền do Đại Đô Đốc quyết đoán. Việc quân của Lưu Huyền Đức do quân sư quyết đoán. Chỉ có Tào Tháo là tự tay nắm quyền hành quân, một mình quyết đoán. Tuy rằng có các mưu sĩ giúp mưu, bày kế, nhưng phần quyết định cuối cùng bao giờ cũng do Tháo.
Tào Tháo tỏ ra xuất sắc hơn hẳn bề tôi. Thế thì Lưu Bị, Tôn Quyền không thể ví được với Tháo vậy. Cứ xem mỗi lần Tháo dự định mật kế, ban đầu các tướng đều không hiểu, sau khi thành công, các tướng mới thán phục.”
Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) một thiên tài quân sự Trung Hoa, đã đề trên mộ phần của Tháo, câu: “Nhất tướng chi trí hữu dư. Lương nhiên! Lương nhiên” (Dịch: Tào Tháo (là) một tướng trí dũng có dư! Giỏi thay! Giỏi thay!)
Khen như thế thật chính xác!
Năm 216, Tào Tháo lùi hẳn về Bắc củng cố thế lực rồi dâng biểu ép vua phải phong mình là Ngụy Vương để có danh chánh ngôn thuận, hầu đủ uy quyền trấn áp Đông Ngô. Có tướng hỏi sao ông không lập quốc và xưng đế?
Tào Tháo nói: “Trải qua bao năm chiến chinh hy vọng giữ vững giang sơn bờ cõi Nhà Hán. Nay được làm đến chức Ngụy Vương, đã mãn nguyện lắm rồi, nếu có thì chỉ mong được như Chu Văn Vương ngày xưa thôi chứ nào dám mơ ước danh vị đế vương?”. Tào Tháo khôn ngoan trong nhận xét, không muốn mình mang tiếng phản nghịch Nhà Hán. Nhưng, hậu ý lại dọn sẵn đường cho con cháu ông sau nầy dựng nghiệp đế.
Tào Tháo có cặp mắt tinh tường và biết cách dùng người mà Lưu Bị, Tôn Quyền không thể sánh ngang vai. Bởi thế, hào kiệt, anh tài trong thiên hạ đều hội tụ về với Tào Tháo không sao kể xiết.
Những Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Tào Nhân, Tào Hồng, Tuân Úc, Tuân Du, Trình Dục, Quách Gia, Lưu Hoa, Giả Hủ, Mãn Sủng, Mao Giới, Hứa Du, Chung Dao, Điển Vi, Hứa Chử, Lý Điển, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Liêu, Trương Cáp, Từ Hoảng... Với lực lượng hùng hậu đó giúp Tào Tháo lúc nào cũng ở thế thượng phong, khiến Lưu Bị, Tôn Quyền luôn lo lắng, kinh sợ. ngày đêm mất ngủ.
Trong trận Uyển Thành, Tào Tháo mất người con cả là Tào Ngang, một người cháu tên Tào An Dân và tướng Điển Vi; nhưng khi nhớ tới trận nầy, ông khóc Điển Vi nhiều hơn cả. Cho dù, điều nầy có thể là thủ đoạn chính trị.

Ở trận Quan Độ, khi Hứa Du bỏ Viên Thiệu sang hàng Tào, ông không kịp xỏ giày, đi chân đất ra đón. Hành động nầy cho ta hai cách nhìn, có thể do ái mộ thật tâm và cũng có thể là nghệ thuật chiêu dụ của kẻ làm chánh trị.
Đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, những nhân vật như Lưu Bị, Tôn Quyền, Khổng Minh, Viên Thiệu... không ai có đầy bản lĩnh trên phương diện dùng người, biết chiêu dụng người xuất sắc như Tào Tháo.
Bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa bản đầy đủ từ đời nhà Minh trở đi (bản của Mao Tôn Cương) có xu hướng tâng bốc Lưu Bị của nước Thục, quá đề cao Gia Cát Lượng mà quên đi công lao Tào Tháo trong vai trò chính qua việc ngăn chặn cục diện đại loạn cuối thời Đông Hán.
Tào Tháo đã dồn nhiều tâm huyết vào đó, ông tuyển chọn nhân tài, chiêu đãi kẻ hiền sĩ, thậm chí phải làm nhiều việc tàn bạo như chèn ép vua Hiến Đế, giết thái y Cát Bình, treo cổ Đổng Quý Phi đang mang “long thai”, đánh Phục Hoàng Hậu đến chết... Có điều, ta nên xét sự việc để xem sự tàn bạo đó vào thời điểm ấy đúng, sai!
Các hành vi dã man, ác độc đó, chỉ xảy ra trong hành trình đạt đến mục đích thực hiện mưu đồ chính trị. Làm chính trị, không ai là kẻ lương thiện. Lâu nay dân gian chỉ trích Tào Tháo, chẳng qua là do ảnh hưởng từ ngòi bút không trung thực của La Quán Trung trong Tam Quốc Diễn Nghĩa mà ra.
Những người kính trọng Tào Tháo, như Kiều Huyền, Hứa Thiệu,... Kiều Huyền vốn làm quan đến Thái úy, là bạn vong niên với Tào Tháo đã nói: “Thiên hạ tất loạn, không có người đủ tài cái thế thì không trị được. Người dẹp an được thiên hạ tất là anh vậy!”
Chẳng biết vì sao khi nói xong lời đó, Kiều Huyền bèn dặn bảo vợ con, rồi gởi gắm vợ con lại cho TàoTháo giúp trông nom rồi lặng lẽ ra đi…? Còn Hứa Thiệu, tên chữ là Tử Tương, người Nhữ Nam, vốn là danh sĩ, là nhà bình luận nổi tiếng đương thời. Ai được Hứa Thiệu bình luận thì tức khắc nổi tiếng.
Tào Tháo cũng đến xin Hứa Thiệu bình cho một câu, nhưng Hứa Thiệu không chịu dù Tháo nài nĩ hết mức. Sau đó, nhân lúc Hứa Thiệu ra ngoài, Tào Tháo lấy đao ra dí vào bụng Hứa Thiệu bức bách Hứa Thiệu, buộc phải có lời nhận xét về ông. Hứa Thiệu cả cười liền đánh giá Tào Tháo là, “năng thần (quan giỏi) thời trị và gian hùng thời loạn”. Nhận định của Hứa Thiệu rất tuyệt vời!
Tào Tháo nghe xong cất giọng cười sảng khoái rồi bỏ đi.

Dịch Trung Thiên, người Trường Sa, Hồ Nam, năm 1981 tốt nghiệp đại học Vũ Hán, sau khi đạt được học vị Thạc sĩ Văn Học - bao gồm tất cả các bộ môn văn học và nghệ thuật - Khác với Thạc sĩ, Tiến sĩ Văn Chương, chỉ chuyên về một bộ môn nhất định - được giữ lại trường giảng dạy, hiện nay ông là Giáo sư Học viện Nhân văn Đại học Hạ Môn.

Dịch Trung Thiên dành nhiều năm nghiên cứu văn học, mỹ học, tâm lý học, nhân loại học, lịch sử học... trong bộ Nhân vật nổi tiếng đời Hán, viết, “Hứa Thiệu đã thấy được Tào Tháo, là nhân vật có hai mặt của thời bình và thời loạn”.
Còn muốn trở thành năng thần trị lý hay gian hùng trong lúc thiên hạ nhiễu loạn cho thấy Tào Tháo là người biết chọn thời cơ mà xử sự công việc. Trên phương diện nầy cho ta thấy được, Tào Tháo là người đầy bản lãnh biết áp dụng từng hoàn cảnh, thời cơ mà thi thố tài năng, rất xứng hợp bản chất của một Nhà Chính Trị.
Vả lại, còn phải xem vào thời đại sống và nguyện vọng chủ quan của Tào Tháo. Tào Tháo sống vào thời đại loạn, phải sử dụng mưu lược thích hợp cho từng hoàn cảnh, bị đánh giá là kẻ gian hùng đó là lẽ tất nhiên. Thời loạn lạc, ai là kẻ chẳng lợi dụng thời cơ để xưng bá, xưng hùng?
Nhận định về Tào Tháo, Mao Trạch Đông viết: “Tào Tháo thống trị miền Bắc Trung Quốc, sáng lập nước Ngụy, ông đã cải cách nhiều hủ hóa trong triều Đông Hán, áp chế cường hào, phát triển sản xuất, thực hiện chế độ quân điền, đôn đốc khai hoang, cho thực thi pháp chế, đề xướng tiết kiệm, biến một xã hội đã bị phá vỡ nghiêm trọng bắt đầu đi vào ổn định, khôi phục và phát triển.

Ngần ấy, chẳng lẽ không đủ để khẳng định, chẳng lẽ không phải là tài cán phi thường hay sao?”  -  (Mao Trạch Đông).

Tham khảo có trích đoạn:
- Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung.
- Sữ Ký Tư Mã Thiên.
- Tam Quốc Chí của Trần Thọ.
- Trung Hoa Thư Quán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ