Trang

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

NHÀ THƠ PHẠM VĂN BÌNH ĐÃ VỀ MIỀN MIÊN VIỄN

Vô cùng thương tiếc nhà thơ PHẠM VĂN BÌNH - tác giả 2 bài thơ CHUYỆN TÌNH BUỒN và MƯỜI HAI THÁNG ANH ĐI, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc - đã vĩnh viễn từ giã thân quyến và bằng hữu ngày 22 tháng 7 năm 2018 tại miền Nam California, Hoa Kỳ


Thi sĩ Phạm Văn Bình
- Sinh năm 1939
- Sinh trưởng ở Đông Hà, Quảng Trị
- Quê nội: Truồi, Phú Lộc, Thừa Thiên.
- Từng trải qua tuổi thơ rất gian nan khổ nhọc nhưng vẫn quyết chí học hành.
- Từng theo học:Thánh Tâm, Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, Quốc Học, Đại học Văn Khoa, Huế.
- Từng giảng dạy Việt Văn và Sử Địa ở trường trung học Bán Công Đông Hà.
- Cựu SVSQ/Thủ Đức, khóa 24/TB
- Cựu Sĩ Quan Tâm Lý Chiến kiêm Phóng Viên Chiến Trường của Sư Đoàn TQLC/VNCH.
Có thơ văn đăng trên tạp chí Khởi Hành, Văn, Bách Khoa, Ngàn Khơi, Tuổi Ngọc, Tiền Tuyến, Chiến Sĩ Cộng Hòa và Tiền Phong.

Đã xuất bản:

- Lối Xưa Thiên Đường (Tuyển tập truyện ngắn) Tuổi Ngọc xuất bản
- Dòng Sông Trước Mặt (Tuyển tập truyện ngắn), viết chung với Song Linh, Huỳnh Văn Phú và Trần Ngọc Toàn.
- Chiến Ca Mùa Hè (Tuyển tập thơ) viết chung với Phạm Lê Phan.

Tất cả các bài của tác giả Phạm Văn Bình được biết: 

Mưa Xuân - Thơ mới hiện đại VN - Dec 28, 2017
Cúc Hoàng Hoa - Thơ mới hiện đại VN - Dec 25, 2017
12 Tháng Anh Đi - Thơ mới hiện đại VN - Dec 13, 2017
Chuyện Tình Buồn - Thơ mới hiện đại VN - Dec 11, 2017
Chèo Nửa Vầng Trăng - Thơ mới hiện đại VN - Dec 11, 2017
Hoa Đào - Thơ mới hiện đại VN - Jul 03, 2017
Đầu Xuân Khai Kiếm - Thơ mới hiện đại VN - Jun 28, 2017


       


Lúc thiếu thời ông có một người yêu, nhưng hai người không cưới nhau được vì sự khác biệt tôn giáo nên phải chia tay. Từ mối tình này, ông viết bài thơ “Chuyện Tình Buồn” nổi tiếng, đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Thi phẩm CHUYỆN TÌNH BUỒN
(Thi sĩ Phạm Văn Bình)

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Đời chia hai nhánh sông

Những thư tình ngây dại
Những vai mềm, môi ngoan
Những hẹn hò cuống quýt
Trên lối xưa thiên đàng
Thôi cũng đành chôn kín
Dưới đáy huyệt thời gian

Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn
Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh nhuốm máu
Ôi nhát chém hư vô
Ôi nhát chém hư vô

Năm năm rồi đi biệt
Anh chẳng về lối xưa
Sân giáo đường cỏ mọc
Gác chuông nằm chơ vơ
Chúa buồn trên thánh giá
Mắt nhạt nhoà mưa qua
Trên cánh buồm ký ức
Sóng thời gian lô xô

Ngồi bâng khuâng nhớ biển
Bên bãi đời quạnh hiu
Anh mang hồn thuỷ thủ
Cùng năm tháng phiêu du

Anh một đời rong ruổi
Em tay bế tay bồng
Chiều hắt hiu xóm đạo
Hồi chuông giáo đường vang

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Bao kỷ niệm chôn kín
Dường như đã lãng quên

Năm năm rồi trở lại
Một màu tang ngút trời
Thương người em năm cũ
Đêm goá phụ bên song


Nhạc phẩm CHUYỆN TÌNH BUỒN
(Nhạc sĩ Phạm Duy)

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Ðời chia như nhánh sông
Phong thư tình ngây dại
Và môi vai rất mềm
Những hẹn hò cuống quýt
Trên lối xưa thiên đàng.

Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn
Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh nhuốm máu
Ôi nhát chém hư vô
Ôi nhát chém hư vô…

Năm năm rồi đi biệt
Ðường xưa chưa lối về
Trong đìu hiu gió cuốn
Nằm chơ vơ gác chuông
Năm năm rồi cách biệt
Cỏ hoang sân giáo đường
Chúa buồn trên thánh giá
Mắt nhạt nhoà mưa qua.

Ngồi bâng khuâng nhớ biển
Bên bãi đời quạnh hiu
Anh như hồn thủy thủ
Cùng năm tháng phiêu du
Anh một đời rong ruổi
Em tay bế tay bồng
Chiều hắt hiu xóm đạo
Hồi chuông giáo đường vang.

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Bao kỷ niệm chôn kín
Dường như đã lắng quên
Năm năm rồi trở lại
Một mầu tang ngút trời
Thương người em năm cũ
Thương góa phụ bên song…

 
           


Thi phẩm MƯỜI HAI THÁNG ANH ĐI
(Thi sĩ Phạm Văn Bình)

Tháng Giêng xuôi quân ra xứ Huế
Cố đô hoang vu, gạch ngói điêu tàn
Bãi học sân trường chiều em vắng bóng
Tóc thề thơ ngây đã quấn vội khăn tang

Tháng Hai về trấn giữ ven đô
Chong mắt hỏa châu, ghì súng giữ cầu
Gió thoảng ngạt ngào về hơi rượu mạnh
Qua màn sương đêm, lơi lả ánh đèn màu !!!

Ba lô lên vai tới miền Tây đô
Quê hương em xanh, xanh rợp bóng dừa
Đêm ngủ bìa rừng thèm làn môi ấm
Ngọt trái sầu riêng vườn đã sang mùa

Bây giờ trời mây rủ nhau vào Hạ
Mẹ, em chắc bận, cùng đi lễ chùa
Chắp tay em nguyện cầu cho chiến sĩ
Góc bể chân trời, sáng nắng chiều mưa

Tháng Năm trở về theo vì sao biếc
Em dấu yêu chắc phượng thắm sân trường
Ngày xưa đó trao nhau tờ lưu bút
Bây giờ gói quà, phong thư ấp ủ yêu thương

Tháng Sáu, em ơi! Anh vẫn miệt mài
Muốn về thăm em nhưng bận hành quân
Đừng khóc em yêu như ve sầu mùa Hạ
Xa thì xa nhưng vẫn không quên

Sang Thu mưa ngâu nước mù bay mau
Ô hay lòng ta sao bỗng rưng sầu
Tráng sĩ xưa hề vượt cầu xưa ấy
Đầu sông cuối sông làm sao thấy nhau?

Bây giờ còn đâu huyền thoại
Hằng Nga của em bé thơ
Tất cả bầu trời thơ ấu
Ai làm tháng Tám cằn khô

Tháng Chín quân ta về Cửu Long
Trái vú sữa căng như mạch sống mẹ hiền
Anh đi cho đồng thêm xanh trái thêm ngọt
Chiến công này xin gởi tặng em!

Về Cà Mâu anh viết vội thơ
Nhớ quá em yêu! Ngày tháng đợi chờ
“Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội”
Anh lính áo rằn yêu em gái ngây thơ

Trời đã lạnh rồi mùa Đông đan áo
Gởi ra chiến trường sưởi ấm hơi nhau
Anh biết mùa này rộn ràng áo cưới
Chuyện chúng mình, em nhé đợi năm sau

Hoa mai nở đầy, em đang chờ đợi
Mười hai tháng rồi dài ước mơ say
Nhớ má cho hồng, nhớ môi cho ngọt
Vui đón giao thừa tay ấm trong tay.

                              Phạm Văn Bình

 Nhạc phẩm MƯỜI HAI THÁNG ANH ĐI
(Nhạc sĩ Phạm Duy)

Tháng Giêng xuôi quân ra Huế
Cố đô hoang vu điêu tàn
Bãi học chiều em vắng bóng
Tóc thề đã quấn khăn tang

Tháng Hai về trấn ven đô
Chong mắt hỏa châu giữ cầu
Gió thoảng vào hơi rượu mạnh
Qua làn sương ánh đèn màu

Ba-lô lên vai tới miền Tây Ðô
Quê hương em xanh xanh ngợp bóng dừa
Ðêm ngủ bìa rừng thèm làn môi ấm
Ngọt trái sầu riêng nay lúc giao mùa

Bây giờ trời mây vào Hạ
Mẹ em bận đi lễ chùa
Em cầu nguyện cho chiến sĩ …
Chiến trường sớm nắng chiều mưa

Tháng năm theo vì sao biếc
Hoa phượng nở quanh sân trường
Ngày xưa những tờ nhung nhớ
Bây giờ phong thư gói quà

Tháng Sáu anh vẫn miệt mài
Hành quân chưa về thăm em
Ðừng khóc ve sầu mùa Hạ
Ta thì xa vẫn chưa quên

Sang Thu mưa ngâu
Nước mù bay mau
Ô hay ta sao
Trong lòng vẫn sầu
Tráng sĩ chưa về
Vườn sau sông ấy
Người đứng đầu sông
Người cuối sông này

Bây giờ còn đâu huyền thoại
Hằng Nga của em bé thơ
Tất cả bầu trời thơ ấy…
Ai làm tháng Tám cằn khô

Tháng Chín ta về Cửu Long
Vú sữa căng , lòng mẹ hiền
Anh đi cho đồng quê thắm
Tặng em này chiến công đầu

Về Cà Mâu
Một sớm Thu
Gởi cho em
Lời gió thương mây
Lời chim nhớ rừng
Lời ta chờ nhau

Cuối năm mùa đông đan áo
Cuối năm trời gió lạnh về
Thiên hạ đua may áo cưới
Ta thì hẹn đến năm sau

Hoa mai nở đầy
Em đang chờ đợi
Mười hai tháng dài
Dài ước mơ say
Nhớ má cho hồng
Nhớ môi cho ngọt
Anh về cùng em
Vui đón giao thừa
                 

       

3 nhận xét:

  1. https://www.facebook.com/profile.php?id=100022464137350&fref=ufi

    PHẠM VĂN BÌNH VÀ TÔI
    Năm 1966 có lệnh động viên toàn lực. Tôi, Phạm văn Bình, thầy Nguyên Sa Trần Bích Lan, Nguyễn kim Linh (Giám đốc nha khảo thí) Võ Bình (Thiếu sinh Quân, chồng Thược CHSNH) vào chung Đại đội, khóa 24 SQTĐ. Khi ra trường Tôi và Phạm văn Bình có tên trong danh sách binh chủng TQLC còn Võ Bình vào LLĐB. Sợ quá tôi nhờ thầy Trần Bich Lan và ba của Mai Hải Triều (về Nha Động Viên) là Thượng Nghị Sĩ xin rút ra khỏi TQLC qua Bộ Binh. (Mình không có ô dù). Bình được vào phòng Tâm lý Chiến với Đại Úy Chánh, Bình có văn thơ đăng khá nhiều và được Phạm Duy phổ nhạc nên tên tuổi khá nổi vào thời ấy. Bình sinh năm 1942 học NH 1956 sau đó vào Huế. Binh đã dạy học ở Đông Hà Cam Lộ. Tôi thua Binh 1 tuổi. Tôi, Trần Thâm và Hoàng Xiển học cùng lớp nhưng Xiển đậu vào NH còn tôi và Thâm vào lớp đầu tiên của trường Bán công Đông hà.
    Năm 1968 Tôi được biệt phái về Bộ CCB Sài gòn (có Kim Loan, Nguyễn văn Thưởng "Chu vương Miện") nhiều lần gặp Bình. Vốn là nghệ sĩ lè phè, lính Tâm lý Chiến TQLC nên PV Binh đi khắp 4 vùng chiến thuật. Năm sau tôi ra khỏi lính tiếp tục việc học. Đầu năm 1973 tôi làm cho Navinaco company phụ trách miền Trung. Sau 1975 là những ngày tháng tủi nhục, đau khổ và cơ hàn nhất của Binh khi đi cải tạo về, quê nhà chẫng còn ai, vợ con ly tán, lúc này Binh mới thấm thía câu nói của bạn bè "Vợ đẹp là vợ người ta", không còn nơi để quay về, anh bỏ xứ lang thang ở SG, anh cam phận mà chẳng trách ai. Gặp Binh vài lần trước khi Bình đi HO. Thời đó ai cũng nghèo, trước lúc chia tay tôi chỉ có món quà nhỏ cho Bình. Từ đó không gặp lại, Tôi thông cảm và thương Binh lắm. Tôi hỏi thăm và biết Binh có cuộc sống vất vả, đau khổ và lây lất ở quê người. Nghĩ về Binh mà xót thương cho thằng bạn không may mắn, tài năng bạc phận. Tôi không hiểu, Bình có vợ con bên đó mà? .Rất cám ơn Hồng, Phiệt cho thông tin. Không biết có còn gặp lại Bình? Mô Phật. Lạy Chúa cho Binh bình yên thôi. Đã tận lực mà mà còn đi xe lăn trời ơi là trời
    Võ văn Cẩm

    Trả lờiXóa
  2. ĐÔI ĐIỀU TƯỞNG NIỆM ANH PHẠM VĂN BÌNH
    Hay tin anh Phạm Văn Bình đã qua đời hôm 22/7/2018 tại Mỹ. Dù lúc sống, anh và tôi không giao tiếp với nhau bởi lẽ anh thuộc lớp đàn anh của tôi; tin anh mất vẫn làm tôi có cái gì đó xốn xang trong lòng.
    Anh Phạm Văn Bình vào dạy ở trung học Bán Công Đông Hà khoảng 1963 và nghỉ dạy thi hành lệnh tổng động viên năm 1966.
    Anh làm thơ từ lúc nào tôi không biết, nhưng năm 1965, báo Lập Trường do nhóm giáo sư Đại Học Huế (BS Lê Khắc Quyến: chủ nhiệm; GS Lê Tuyên: chủ bút; GS Cao Huy Thuần: thư ký toà soạn) ra đời, thơ anh gởi đến và được đăng với tần suất khá cao. Anh bắt đầu nổi tiếng về thơ từ dạo ấy; sau này, binh nghiệp đưa anh vào Sài Gòn, thơ anh xuất hiện trên báo chí và anh trở thành nhà thơ được nhiều người biết đến, ngay đến bây giờ và cả trong tương lai.
    Anh có tài về văn chương, nhưng đường đời không êm như thơ. Sau 1975, anh vất vả, thậm chí không có một nơi chốn như gia đình để quay về. Hình như, ở Đông Hà - quê anh, anh chỉ còn một bà chị để lui tới.
    Khoảng trong thập kỷ 1980, có một lần, anh gặp tôi khi tôi đang chăn dắt con trâu hợp tác xã mà tôi nhận nuôi để kiếm thêm công điểm, anh nói với tôi:
    -Đ. có không, cho mình 10 đồng, vì đang có việc cần.
    "Việc cần" của anh lúc ấy có thể là ly rượu, có thể là một cuốc xe ôm về nhà kẻo trời đang quá nắng và biết đâu, có thể là gói xôi để lót dạ khi bụng quá đói. Thế mà trong túi tôi không một đồng..
    Lời phân trần từ chối anh đã đi theo tôi từ ấy đến nay, anh Bình ơi!
    Viết đến đây, tôi phải dừng. Nước mắt đang chảy. Thôi xin đốt nén hương lòng vọng bái anh!
    25/7/2018
    (13/6/Mậu Tuất)

    Trả lờiXóa

  3. ĐIẾU VĂN HỘI ÁI HỮU ĐỒNG HƯƠNG QUẢNG TRỊ NAM CALI KHÓC PHẠM VĂN BÌNH

    Hỡi ôi!
    Cơ tạo hoá xoay vần biến đổi
    Kiếp nhân sinh gió thổi mây bay
    Mới hôm qua đó ai hay
    Hôm nay đành phải chia tay anh rồi
    Cảnh biệt ly bồi hồi tấc dạ
    Cả đồng hương buồn bả tiếc thương
    Một tài hoa của quê hương
    Đã lìa đất mẹ lên đường vân du..,

    Nhớ Anh xưa!
    Thuở thiếu thời gặp cơn quốc biến
    Phải tòng quân dâng hiến đời trai
    Bao năm chinh chiến miệt mài
    Tử sinh trận mạc chẳng nài tiếc thân
    Anh là dân Thủy Quân Lục Chiến
    Hành quân hoài biền biệt không về
    Duyên tình cô gái cùng quê
    Trớ trêu ngang trái não nề thế nhân
    “Chuyện Tình Buồn” đã thành bất tử
    Với cung bậc ngôn ngữ âm thanh
    Đồng hương xin được vinh danh
    Phạm Văn Bình-tên anh-sáng ngời...

    Than ôi!
    Anh Bình hỡi! Đôi dòng vĩnh biệt
    Cả đồng hương đau xiết vô vàn
    Tiếc thương lòng dạ bàng hoàng
    Đứng bên linh cửu nghiêm trang cúi đầu
    Giờ tiễn biệt nguyện cầu Phật Tổ
    Tiếp dẫn anh đến chổ an bình
    Xin anh trút bỏ sự tình
    Linh hồn siêu thoát cung nghinh Phật Đài
    Đồng kính Bái
    Thay mặt Hội Đồng Hương Quảng Trị Nam CA xin chân tình chia sẻ nỗi mất mát đau thương này cùng tang quyến.
    Hội Trưởng

    Trả lờiXóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ