Tác giả Hoàng Đằng
GÓP
PHẦN DỰNG TIỂU SỬ NHÀ THƠ PHẠM VĂN BÌNH (1940 – 2018)
Hoàng Đằng
Nhà thơ Phạm Văn Bình - người quê tôi – đã qua đời
ngày 22/7/2018. Đông Hà – quê tôi – có nhiều người làm thơ. Mà không riêng gì
quê tôi, trên cả nước Việt Nam, nơi nào cũng vậy; Việt Nam là “cường quốc thơ”
mà!
Tôi không có may mắn và điều kiện đọc nhiều, nên không
biết trong số người làm thơ ở quê tôi những ai có tác phẩm hay; chỉ biết anh Phạm Văn Bình từng nổi tiếng về thơ trong
thập kỷ 1960 và thập kỷ 1970, đặc biệt, anh có 2 bài thơ được nhạc sĩ tài hoa
Phạm Duy phổ nhạc: Đó là bài “Chuyện Tình Buồn” và “Mười Hai Tháng Anh Đi”; và
có lẽ với hai bài thơ này, anh sẽ lưu danh thiên cổ.
Sau này, sự nghiệp của anh đã có tác phẩm của anh làm
chứng; còn cuộc đời của anh chắc sẽ ít người biết rõ. Vì vậy, là người đồng
hương với anh, tôi muốn góp phần dựng lại tiểu sử của anh qua tìm hiểu những mảnh
đời, chặng đời của anh mà người Đông Hà và một số thân nhân của anh biết kẻo rồi
thời gian có thể xoá mất.
Võ Văn Cẩm – bạn đồng khoá 24/SQTB Thủ Đức với Phạm
Văn Bình – cho biết là năm 1942; tờ Cáo Phó khi anh mất của gia đình bên Mỹ ghi
1939; một thân nhân của anh ở Việt Nam cho biết anh tuổi Canh Thìn (1940). Tôi
nghĩ năm 1942 là năm khai lại để học hành; anh học ở nhiều nơi, nhiều trường cả
bậc Tiểu Học lẫn bậc Trung Học: ở Huế, ở Đông Hà, ở Đà Nẵng, ở tỉnh lỵ Quảng Trị.
Còn Cáo Phó ghi năm 1939 là do cách tính; anh mất năm nay (2018), thọ 79 tuổi;
theo cách tính của phương Tây, anh phải sinh năm 1939, còn theo cách tính của
người Việt Nam là năm 1940. Thế nên, theo tôi, Phạm Văn Bình sinh năm 1940 – tuổi
Canh Thìn.
Thi
sĩ Phạm Văn Bình
*
Về quê quán và dòng dõi
Phạm Văn Bình sinh ra ở Đông Hà; nhưng quê gốc Bát
Sơn, Lương Điền, Thừa Thiên (nay là xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên
– Huế).
Vào thập kỷ 1920, thuở thanh niên, thân phụ anh, cụ Phạm
Tề, ra làm công nhân xây dựng cầu Quảng Trị, kết duyên với một thôn nữ làng Như
Lệ (nay là thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị). Rồi ông bà ra lập nghiệp ở
thị trấn Đông Hà, mở một quán cơm ở ga Đông Hà vào lúc mà tại Đông Hà, việc
giao thương Bắc - Nam, việc giao thương miền Trung Việt Nam - Lào nhộn nhịp.
Trong thập kỷ 1930, cụ Phạm Tề kết hôn thêm với bà
Hoàng thị Căn (1909 – 1984), còn có tên thường gọi là Hoàng thị Cháu, một thôn
nữ làng Điếu Ngao (nay là phường 2 – TP. Đông Hà). Phạm Văn Bình là con bà
Hoàng thị Căn.
Phạm Văn Bình có người anh đầu cùng cha khác mẹ – con
của mẹ làng Như Lệ - tên Phạm Ga hoạt động cho Việt Minh, từng giữ chức chủ tịch
Uỷ Ban Hành Chánh Kháng Chiến khu vực Đông Hà, rồi Chánh Văn Phòng Uỷ Ban Hành
Chánh Kháng Chiến tỉnh Quảng Trị. Khi kháng chiến chống Pháp bùng lên, Phạm Ga
được điều động ra Việt Bắc và, sau đó, đã mất trên đường công tác ở tỉnh Cao Bằng.
Phạm Văn Bình còn có người anh cùng mẹ cùng cha tên Phạm Vinh tập kết ra Bắc;
Phạm Vinh học âm nhạc, chuyên ngành về đàn violon, trong chiến tranh, trở lại
miền Nam, công tác ở đoàn Văn Công Quân Khu 5, hiện đã nghỉ hưu.
Ở chế độ miền Nam thời đó, ngoài bản thân là sĩ quan,
Phạm Văn Bình còn có em trai cùng cha cùng mẹ tên Phạm Như Trị cũng là sĩ quan
quân đội Cộng Hoà, nay định cư ở Mỹ theo diện HO.
Về bên ngoại – phía mẹ của Phạm Văn Bình - ở làng Điếu
Ngao, các cậu các dì đều theo Việt Minh.
Dòng dõi của Phạm Văn Bình như thế đã góp phần tạo tứ
thơ của anh.
*
Về con đường đến với thơ của Phạm Văn Bình
Phạm Văn Bình có năng khiếu và đam mê văn nghệ từ nhỏ.
Tuy nhiên, điều đó chỉ bạn bè biết chứ “người ngoài” chưa biết.
Sau khi hoàn tất bậc Trung Học – có bằng Tú Tài II, Phạm
Văn Bình về quê, dạy Việt Văn tại trường Trung Học Bán Công Đông Hà từ 1963;
anh đứng trên bục giảng từ 1963 đến 1966 – năm mà anh phải rời bụi phấn để thi
hành lệnh động viên của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Trong thời gian dạy ở
quê nhà, anh có cộng tác với Đài Truyền Thanh Quân đội ở Đông Hà và gởi thơ
đăng ở báo Lập Trường.
Xin mở ngoặc để giới thiệu đôi nét về báo Lập Trường:
Phong trào Phật Giáo bùng lên chống chính quyền tổng
thống Ngô Đình Diệm bị cáo buộc phân biệt đối xử tôn giáo bùng lên ở Huế từ
tháng 5 năm 1963; phong trào được nhiều giới trong xã hội ủng hộ, trong đó có một
số không nhỏ các giáo sư Đại Học Huế; sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ
tháng 11 năm 1963, cả miền Nam lâm vào cảnh xáo trộn nhiều mặt, đặc biệt là về
chính trị. Năm 1964, báo Lập Trường do một nhóm giáo sư Đại Học Huế chủ trương
ra đời; ban điều hành báo gồm GS Tôn Thất Hanh, khoa trưởng Đại Học Khoa Học,
làm chủ nhiệm, GS Lê Tuyên giảng dạy tại Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa
làm chủ bút và GS Cao Huy Thuần giảng dạy ở Đại Học Luật Khoa làm thư ký toà soạn.
Lập Trường là tuần báo Chính Trị - Văn Hoá – Xã Hội; báo bày tỏ thái độ chống đối
chiến tranh, chống đối cách điều hành đất nước của chế độ Việt Nam Cộng Hoà, chống
đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam; Phạm Văn Bình gởi thơ vào và được
đăng với tần suất khá dày; điều đó chứng tỏ tứ thơ của Phạm Văn Bình đã hoà nhập
vào lập trường của báo; chủ bút chọn bài là GS Lê Tuyên - người có cách nhìn,
cách lý giải mới các tác phẩm văn học cổ Việt Nam bằng cách đem triết học hiện sinh rọi vào. Nhờ
báo Lập Trường, Phạm Văn Bình được giới thơ văn biết đến càng ngày càng nhiều.
Thành thử, có thể trước đó Phạm Văn Bình đã có làm thơ, nhưng chính báo Lập Trường
đã nâng cánh cho thơ của anh.
Nhờ vai trò cộng tác viên đài Truyền Thanh Quân Đội Đông
Hà và tiếng tăm về thơ qua báo Lập Trường, Phạm Văn Bình thi hành lệnh động
viên, thụ huấn xong ở quân trường, được bổ nhiệm làm sĩ quan tâm lý chiến của
sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến. Khi đã làm việc ở Sài Gòn, Phạm Văn Bình có cơ hội
quen biết với giới văn nghệ sĩ, thơ anh xuất hiện trên các tạp chí, được đánh
giá cao, được Phạm Duy chọn phổ nhạc; nhờ thế, anh có chân trên thi đàn.
*
Người phụ nữ trong bài thơ “Chuyện Tình Buồn” là ai?
Trong văn học, tác giả ký tên T.T.KH của bài thơ “Hai
Sắc Hoa Ti-Gôn” nổi tiếng hơn 80 năm qua vẫn còn là nghi án – giới nghiên cứu
văn học đã đoán nhiều tên, nhưng chưa chắc chắn một tên nào. Từ đó, tôi lo
tương lai có người muốn biết thật sự tên người phụ nữ trong bài thơ “Chuyện
Tình Buồn” sẽ gặp khó khăn, trong khi hiện giờ bà con và người thân quen quê gốc
Đông Hà thì biết rõ, nhưng không ai chịu lên tiếng hoặc không có điều kiện lên
tiếng. Tôi xin phép lên tiếng thay.
Không biết mối tình giữa Phạm Văn Bình và người phụ nữ
này chớm nở từ lúc nào, nhưng mối tình này vỡ lỡ giữa thập kỷ 1960:
Năm
năm rồi không gặp,
Từ
khi em lấy chồng,
Anh
dặm trường mê mải,
Đời
chia hai nhánh sông …
Phạm Văn Bình “dặm trường mê mải” từ năm 1966 – năm
thi hành lệnh động viên vào lính.
Nhà Phạm Văn Bình và nhà người phụ nữ cùng ở trong con
hẻm đường Phan Bội Châu thị trấn Đông Hà. Người phụ nữ này có một người anh – bạn
thân cùng trang lứa với Phạm Văn Bình. Qua lại giao du, thấy người phụ nữ này
có nhan sắc, có học vấn (cô này không học ở Đông Hà mà học ở Trung Học Bán Công
Huế), lại biết trang điểm, ăn diện bắt mắt, Phạm Văn Bình vừa ý, đem lòng yêu
đương. Hai người yêu nhau; người Đông Hà thấy mối tình của họ “da diết” lắm,
ngay cả Phạm Văn Bình cũng thổ lộ:
Những
thư tình ngây dại,
Những
vai mềm, môi ngoan,
Những
hẹn hò cuống quýt …
Không ai ngờ mối tình ấy tan vỡ. Người trong cuộc bảo
rằng do hai người khác biệt về tôn giáo: gia đình Phạm Văn Bình theo Phật Giáo,
gia đình người phụ nữ này theo Thiên Chúa Giáo. Thôi, chúng ta cứ tin như vậy,
chứ trên đời, không thiếu gì người khác tôn giáo kết hôn với nhau; về sống với
nhau, hoặc vợ theo tôn giáo của chồng, hoặc chồng theo tôn giáo của vợ, hoặc,
cùng lắm, mỗi người cứ giữ tôn giáo của mình.
Người phụ nữ này “sang ngang”, lấy một người chồng đồng
đạo; ông chồng là sĩ quan quân y, trước đó, tốt nghiệp cán sự y tế, bị động
viên vào quân đội; hai vợ chồng có 4 người con (?). Rủi! Ông chồng tử trận, Phạm
Văn Bình viết trong thơ: “Anh một đời giong ruỗi; em tay bế tay bồng” là vậy.
Việc bất thành trong mối tình giữa Phạm Văn Bình và
người phụ nữ này không biết do gia đình bên nào gây ra; nhưng trong thơ và
trong đời thực, Phạm Văn Bình ôm nỗi đau cho riêng mình mà không một lời oán hận:
Ngày
nhà em pháo nổ,
Anh
cuộn mình trong chăn,
Như
con sâu làm tổ
Trong
trái vải cô đơn.
Ngày
nhà em pháo nổ,
Tâm
hồn anh nhuốm máu,
Ôi
nhát chém hư vô,
Ôi
nhát chém hư vô.
……………………
Năm
năm rồi trở lại,
Một
màu tang ngút trời,
THƯƠNG
người em năm cũ,
THƯƠNG
goá phụ bên song.
Và sau này, mỗi lần có dịp, Phạm Văn Bình vẫn ghé thăm
gia đình người phụ nữ này. Ngay trong lễ tang Phạm Văn Bình vừa rồi, người bà
con của Phạm Văn Bình cho tôi xem một bức ảnh chụp chung 3 người con của Phạm
Văn Bình với một người con gái của người
phụ nữ này. Tình của Phạm Văn Bình và người phụ nữ này đã vượt lên sự nhỏ nhen
của hờn ghen để thăng hoa. Đẹp quá! Đúng là “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”.
Xin
tiết lộ:
Người phụ nữ này có tên là Nguyễn thị Tuý sinh năm 1945, nguyên là một cư dân
Đông Hà, hiện giờ còn sống và định cư bên Mỹ.
*
Về tạng người và lối sống
Phạm Văn Bình có gien văn nghệ từ gia đình; như trên
đã nói Phạm Văn Bình có ông anh ruột hoạt động trong lãnh vực âm nhạc.
Phạm Văn Bình không đua đòi theo thiên hạ về bề ngoài,
anh thích ca hát vui chơi, không quan tâm đến của cải vật chất. Từ khi ra trại
cải tạo cho đến khi đi Mỹ theo diện HO, thời gian dài cả 10 năm, thế mà không
thấy anh làm gì để mưu sinh, trong khi những người gặp hoàn cảnh như anh phải
làm bất cứ gì để giúp nuôi sống gia đình: xe thồ, xe kéo, bán nước chè, làm
thuê … Anh rong chơi không phải với bạn bè cùng lứa - vì không có - mà với bạn
bè ít tuổi hơn anh nhiều; anh gặp họ trong các quán cà phê, trong những tiệc cưới,
ca hát vui nhộn cùng họ, nhiều khi quá chén, cũng say sưa.
Nghe nói anh uống cà phê không phải trả tiền theo lần
mà có bao nhiêu trong túi anh giao cho chủ quán, hàng ngày anh tới uống khi nào
chủ quán tính là số tiền hết thì báo cho anh biết.
Thời gian anh chuẩn bị đi Mỹ, nhiều phụ nữ muốn đem
tình và tiền ra để “quá giang”, anh từ chối, chắc anh quá ngán ngẩm rồi!
Khi qua Mỹ, với tuổi đời ngấp nghé 55, anh cũng không
chạy vạy kiếm công ăn việc làm như thiên hạ, anh sống với người con trai trưởng
của anh trong sự bảo bọc của cả 3 đứa con và tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ.
Xin mở ngoặc để nói đôi điều về gia đình anh. Sau khi
mối tình với Nguyễn thị Tuý không thành, anh lập gia đình với một cô học trò trẻ,
đẹp của anh tại trường Trung Học Bán Công Đông Hà. Vợ chồng sinh được 3 con. Do
hoàn cảnh nghiệt ngã sau năm 1975, vợ chồng cũng không sống với nhau trọn đời.
Người vợ đem ba con qua Mỹ trước, anh qua sau, và được sự quan tâm chu đáo của
cả ba con.
Phạm Văn Bình có lối sống và tạng người khác đời như
thế, cộng thêm sống trong bầu không khí gia đình và đất nước mà thân thích kẻ Bắc
người Nam, anh luôn mang tâm trạng buồn đau – buồn đau cho đất nước tang
thương, cho tình người tan vỡ vì chiến tranh. Dù là một sĩ quan (cấp bậc cuối
cùng đại uý) tâm lý chiến, thay vì kích động hận thù để tuyên truyền cho phe
ta, chống phe địch, anh không làm thế; bằng chứng là trong bài thơ “Hành Trình
Thuỷ Quân Lục Chiến” (tên khác: “Mười Hai Tháng Anh Đi”) - dài 58 câu - chỉ nói
lên nỗi đau, niềm khắc khoải, tình yêu lỡ làng do chiến tranh mà người lính cảm
nhận khi đi qua đất nước điêu tàn.
Sau thời gian dài khổ cực trong trại cải tạo, được trở
về sống trong cộng đồng, nhà không, vợ nỏ có, anh cũng không một lời oán thán
ai:
Trở
về nhà cũ, nhà thay chủ.
Em
đâu? – Đã bỏ chốn thiên đường.
Sang
sông, em nỡ lên thuyền khác.
Thôi
nhớ làm gì? “Chinh phụ ngâm” …
(Trích
từ bài thơ “Đầu Xuân Khai Kiếm”)
Tóm lại, Phạm Văn Bình là nhà thơ nhân văn.
*
* *
Tôi viết bài này với ý nghĩa tích cực; tôi đã hỏi
thông tin từ nhiều người: bà con của Phạm Văn Bình có, những người Đông Hà thân
quen với Phạm Văn Bình có. Tôi đã đối chiếu, đánh giá thông tin từ nhiều nguồn,
cố gắng để có những thông tin chân thật.
Hy vọng bài viết này sẽ làm cho Phạm Văn Bình vui nơi
chín suối và góp phần hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về nhà thơ Phạm Văn
Bình sau này.
Hoàng Đằng
30/7/2018 (18/6/Mậu Tuất)
Hay và chân thật. cám ơn thầy. nên đăng lại trên face.
Trả lờiXóaCảm ơn bạn!
XóaDạ thưa thầy HOÀNG ĐẰNG đúng như thầy góp phần dựng tiểu sử nhà thơ Phạm Văn Bình : chị TUÝ em của anh RY con bác thợ làm nồi ở kế bên trường tiểu học Đông Hà trước năm 1972 - và bài thơ CHUYỆN TÌNH BUỒN - do PHẠM DUY PHỔ NHẠC em thuộc nằm lòng và hát nghêu ngao thường ngày
Trả lờiXóaNăm 1973 vào Láng Gòn Bình Tuy lập nghiệp, chị Tuý còn gọi là Túy Ry - người tình cũ của thầy Bình thường kêu em em hát cho chị ấy nghe !
Và hai câu thơ thứ 14- 15 l là :
Ôi nhắp chén hư vô
Ôi nhắp chén hư vô
Đúng nghĩa là nhắp chén hư vô, nhưng tiếng địa phương QUẢNG TRỊ là NHẮP CHÉN chứ không phải là NHÁT CHÉM hư vô đâu thưa thầy !
Thật tội nghiệp cho thầy BÌNH ngày người yêu đi lấy chồng pháo đỏ rượu hồng, người ta nhắp RƯỢU thầy PHẠM VĂN BÌNH nhấp môi khô !
Sau thầy lấy vợ là cô THANH học cùng một lớp với em con gái của ông bà THUẬN LỪ bán vựa mắm và cá kho chợ ĐÔNG HÀ cho nên thầy mới lấy bút danh là THANH BÌNH.
Cảm ơn Hoàng Đằng có bài viết hay. Biết thêm về Phạm Văn Bình
Trả lờiXóaTôi mến mộ tài năng và tính nghệ sĩ của Binh, vào những lúc khó khăn, anh em chúng tôi vẫn từng bên nhau đếm từng giọt cafe ở con đường nhỏ, hay ổ mì bẻ làm đôi vào buổi chiều nhạt nắng, và chính lúc đó tính nghệ sĩ dâng trào, cái u uẩn phát khởi đặc biệt nghe được một ai đó cát lên tiếng hát chạm đến trái tim mình. Một hôm gặp Bình ở nhà Kim Chưởng tại Thị Nghè, tôi chở Bình một vòng rồi vào cafe con hẻm ở Đakao, hai đứa khuya mới về, leo lên gác ba nhà tôi với một đêm không ngủ. Chính đêm ấy cũng là đêm chia biệt. Những giọt nước mắt của Bình ướt đẫm phong thư tôi trao. Và chính đêm ấy tôi biết nhiều về bài "Chuyện tình buồn " tôi không muốn chạm đến trái tim rướm máu của bạn mình. Binh đọc cho tôi nghe hơn 2 lần. Vốn văn chương ít ỏi, khi nghe "nhắp chén hư vô" tôi nghe lù mù, là lạ, tôi nhắc Bình đọc lai, tôi lẩm bẩm: “Hư vô? Nhắp chén?” Tôi không hiểu. Tôi có đọc đâu đó "nhát chém hư vô " tôi nói với Bình. Bình ngẫm nghĩ rồi nói: hay, hay. Thật ra tôi lù mù văn chương chữ nghĩa không bàn cãi gì thêm. Nay có nhiều ý kiến về " Nhắp (nhấp) chén hư vô hay nhát chém hư vô" tôi thiên về “nhát chém hư vô”
Trả lờiXóaTôi nghĩ có thể ban đầu nhà thơ Phạm Văn Bình viết NHẮP CHÉN HƯ VÔ, nhưng sau đó chỉnh sửa lại thành NHÁT CHÉM HƯ VÔ và đến nay cụm từ này đã định hình trong THƠ, NHẠC mà chúng ta đã biết
NHẮP CHÉN HƯ VÔ hay NHÁT CHÉM HƯ VÔ đều có nghĩa riêng của nó cả.
NHẮP CHÉN HƯ VÔ, nhấm nháp nỗi buồn, lòng trống rỗng, tuyệt vọng, hư vô. Cái chén đó là rượu đấy, là nước mắt đấy, là khối tình tuyệt vọng đấy, là khoảng không mênh mông đấy...
NHÁT CHÉM HƯ VÔ như không như có, vô thanh vô sắc... không là kiếm sắc, không là dao nhọn mà lòng nhuốm máu...
Nhiều người (trong đó có tôi) thích cụm từ NHÁT CHÉM HƯ VÔ. Nhưng, một số người không thích cụm từ NHẮP CHÉN HƯ VÔ và cho rằng có thêm chữ "ÔI" nằm ở phía trước cụm từ này làm nó vô nghĩa hoặc miễn cưỡng, gượng ép. Theo tôi, vẫn hợp lý vì:
ÔI ! Nhắp chén hư vô…
Dùng tán thán từ "ÔI" và dấu chấm than, cụm động từ "Nhắp chén hư vô" với từ Nhắp (hoặc Nhấp) viết hoa.
ÔI, THAN ÔI, THƯƠNG ÔI... Và ta đang điếng người, đang tê tái vì chén thương đau đang nhấp...
HAY VO CÙNG !
Trả lờiXóaThơ Phạm văn Bình là “Nhắp chén hư vô”, Phù Thuỷ Âm Nhạc PHẠM DUY phổ nhạc sửa lại là “Nhát chém hư vô” đến tác giả bài thơ cũng phải kêu lên “hay hay”, mà công nhận “nhát chép” nghe độc đến rợn người
Trả lờiXóaNhà thơ Phạm Văn Bình chép tay bài thơ CHUYỆN TÌNH BUỒN tặng bạn. Câu thơ anh chép tay là “nhát chém hư vô”. Đây là thủ bút của nhà thơ Phạm Văn Bình do anh Hoàng Gia Độ gửi cho Bâng Khuâng
Trả lờiXóahttps://1.bp.blogspot.com/-fFb0Isy7ml4/XQmb_abhKXI/AAAAAAAAMRY/cFhqLhDTKMo8HZzoNSIebdToqKgUIp1rwCLcBGAs/s640/Th%25C6%25A1%2BPh%25E1%25BA%25A1m%2BV%25C4%2583n%2BB%25C3%25ACnh%2B%25289%2529.jpg
- Bản nhạc “Chuyện Tình Buồn” Phạm Duy phổ nhạc, do chính nhà thơ Phạm Văn Bình ca và đệm đàn, anh hát “nhát chém hư vô” (có giải thích về câu thơ “cuộn mình trong chăn”). Video clip do anh Lê Đình Bì gửi cho Bâng Khuâng
Trả lờiXóahttp://www.youtube.com/watch?v=ju6UqsX7d2I