Tác giả Nguyễn Đức Tùng
DƯƠNG TƯỜNG, BẢN NHÁP CHIỀU TƠ LIỄU
Nguyễn Đức Tùng
Trong khi chúng ta quay đi, thế giới thay đổi. Những
liên kết nhảy vọt trong thơ Dương Tường tạo ra các ảo ảnh. Đó là chuyển động nhanh
từ một hình ảnh này đến hình ảnh khác; hai hình ảnh, rời nhau, và khoảng cách
giữa chúng, tập hợp ba ấy tạo ra nội dung mới và ý tưởng mới.
Vẽ
nhăng trên tường ở Paris
Ngớ
ngẩn thăng hoa
Thơ
ca cứt đái
Âu
yếm đầu đường xó chợ
Vẽ
nhăng trên tường ở Paris
Tình
sử khoác vỏ ngoài tục tĩu
(Bản dịch của Phạm Toàn)
Trong một bài thơ của Dương Tường, có sự chuyển động
phức tạp, từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai và ngược lại, từ
hiện thực đến ảnh trong gương và ngược lại, và cuối cùng tác giả lăm le vượt
qua biên giới giữa lời và ngoài lời. Thơ Dương Tường là một cố gắng, đối với
nghĩa thì đi ra ngoài nghĩa đến chữ, tức đến âm, và đối với chữ, thì đi ra
ngoài chữ, hay ngoài lời, tới cái không lời.
Tôi
đâu chọn
rì
rào
mái
đầu thương
ngày
r
ụ
n
g
dòng
đau
trôi
một mùa xác ve sầu
Ngày r hay ngày (rụng) là một cố gắng phi lời. Dương
Tường đặt cược đời mình vào đó, sự vượt qua. Thơ ông không phải để đọc lớn. Mặc dù là một thứ thơ
âm bồi, như tác giả tự gọi, tức nặng về âm thanh, con âm chứ không phải con chữ,
thơ ấy không dùng để đọc lớn. Bạn chỉ nên đọc thầm hay đọc trong im lặng.
Âm thanh của thơ vang lên trong im lặng. Khả năng cắt
rời hiện thực và liên kết chúng lại đòi hỏi tài năng ngôn ngữ lẫn hội họa, mà tôi
tin ông có hai thứ ấy. Hiện thực tuy thường xuyên dịch chuyển nhưng không biến
mất, chúng để lại ảnh trong gương, nơi đánh dấu sự trở lại. Đó là cách nói khác
để mô tả sự lơ đãng có chủ đích. Lơ đãng chọn lọc.
Les
graffiti de Paris
j'en
cueuille par ci et par là
c'est
comme des tulipes écloses
dans
la fange
je
les mets au vert
et
en hume le bouquet
Những
hình vẽ nhăng trên tường ở Paris
ta
lượm đây một đóa kia một đóa
như
tuy-lip nở trong bùn
nâng
niu chăm chút
vục
mặt hít hà
(Bản dịch của Phạm Toàn)
Bởi tình yêu và sự thương xót. Bởi lòng can đảm. Sự tỉnh
thức của Dương Tường sáng sủa và mạnh mẽ. Hãy coi:
Je
me nourris
De
l'amer de l'amour
Tôi
nuôi sống mình
Bằng
chất đắng tình yêu
(Bản dịch của tác giả)
Chữ l'amer, l'amour chơi chữ, rất khó dịch. Tính riêng
tư trong thơ Dương Tường cao, sự trầm tư, hình ảnh chắt lọc, làm cho thơ ấy
thành một thứ để ngẫm đi ngẫm lại, đôi khi trong một số bài thơ ngắn đó là các
thứ cây cảnh bonsai. Hoặc Haiku. Có thể đời sống nơi Dương Tường viết, từ những
năm trẻ tuổi, là một xã hội thiếu tự do đến mức mà sự khôn ngoan và sự hèn nhát
thực ra là một, và nhà thơ yêu quý tự do không thể không phản kháng. Như thế,
trong văn chương, sự hài hước và phóng túng, các hình thức vô thức của phản
kháng, cần thiết hơn bao giờ hết. Dương Tường giữ trong thơ những huyền thoại,
ông nuôi dưỡng chúng, làm cho chúng lớn lên, ngày ngày, lặng lẽ, gần như cô độc,
nên nhiều người không biết. Tôi có cảm giác rằng ngay cả một số những người gần
gũi không phải bao giờ cũng chia sẻ những quan tâm đặc biệt của Dương Tường. Một
người dễ mến, giao thiệp rộng, đa tài, can đảm trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, thấy như vậy
là đúng về Dương Tường, nhưng không đủ. Tôi không biết rõ đằng sau những tính
cách ấy là gì nhưng có cảm giác về một hiện diện khác, mơ hồ, mong manh, sầu muộn.
Một thứ triết lý ngoài lời cần được chiếu rọi vào thơ chăng. Nếu bạn từng có một
tâm trạng như nỗi buồn, cuộc chia ly, sự thất vọng, một điều gì bạn chẳng muốn
nói ra, bạn đọc thầm một câu như thế này:
Bỗng
nông nổi chiều tình si giáng thứ
Đối với những người đang tự hài lòng với mình, câu thơ
ấy có vẻ không đáng chú ý.
Nhưng đọc nó, trong tâm trí tôi thường hiện ra buổi
chiều xế nắng, ngõ hẻm dài sâu yên tĩnh, phía sau những quán tạp hóa bán trà, đường
đen, thuốc bắc, những gánh hàng xén, những cô hàng xén, trong một căn nhà khá rộng,
khi tôi bước vào, Dương Tường ngồi đó, chờ sau chiếc bàn nhỏ, thấp, ấm trà nguội,
hộp thuốc lá, đón tôi, đến một mình. Không gian của Dương Tường rộng và huyền ảo.
Câu thơ trên đây đúng đến nỗi không thể thay được một chữ nào. Cũng như:
Bản
nháp chiều tơ liễu
Chỉ có ai lang thang bên hồ, nhìn mặt nước cau lại tang
thương liễu rủ, mới đọc thế. Chúng ta là những bản nháp của lịch sử. Những bản
nháp của tình yêu của hoài niệm. Một bài thơ khác.
Thôi
lạy
mẹ
kiếp
phù sinh
mea
culpa
tôi
đã đánh hỏng đời mình
Đánh hỏng một đời mà nhẹ như không.
Nhiều người biết mấy câu thơ ấy, thật ra không phải là
đoạn thơ xuất sắc, nhưng chúng xuất hiện như lời kinh, hay tuyên ngôn, hay cứu
chuộc. Đó là sự cầu nguyện xuyên qua bài hát, sự đối diện ở cuối đường, quay
nhìn lại. Thay vì chỉ ghi nhớ, kí ức của Dương Tường phản chiếu kinh nghiệm,
suy tưởng, là một hồi ức suy tưởng, giúp tác giả và người đọc dối diện với tình
cảnh không lui bước được: sự tổng kết đời mình trước cái chết. Cuộc đời Dương
Tường cũng như bài thơ dài, gồm nhiều câu ngắn, nhiều chỗ ngắt dòng kì lạ, bất
ngờ, chuyển giọng. Bài thơ của ông như hành trình, mỗi lần đọc một lần thay đổi.
Được viết từ một nơi chốn mà người đọc chưa đặt chân tới, không phải vì từ ngữ
của ông quá lạ hay quá mới, mà vì chúng đã được làm thay đổi.
Tôi
mư ư ưa
Chữ mưa như thế chỉ có ở ông. Một trong những nhà thơ
dành nhiều suy tư cho chữ và nghĩa, cho chữ và âm, cho lời và ngoài lời. Trong
thơ Việt Nam, ngay từ những năm 60, và ngay cả hiện nay, đó là một trường hợp
hiếm hoi, quý báu.
When
it happens you are not there
O
you beyond numbers
Beyond
recollection
Passed
on from breath to breath
Given
again
From
day to day from age
To
age
Charged
with knowledge
Knowing
nothing
(To
the Words, W.S. Merwin)
Khi
điều ấy xảy ra bạn không ở đó
Ồ
bạn ta bên kia những con số
Đằng
sau kí ức
Truyền
từ hơi thở này đến hơi thở khác
Ngày
này sang ngày khác thời đại này
Sang
thời đại khác
Đầy
ắp kiến thức
Mà
chẳng biết chi
Gần đây có dịp đọc lại Dương Tường, cả trong thơ lẫn dịch
tiểu thuyết, tôi thấy những tác phẩm của ông là một tự làm trẻ lại, là lời ca
ngợi đối với hoang vắng, thiếu sót, lời nhắc nhở đối với lầm lỗi và lãng quên của
Hà Nội, một đời người, của một đất nước. Nếu cần tìm một nhà thơ có tính duy mỹ
cực điểm mà vẫn lăn lộn trần thế, tôi nghĩ Dương Tường. Đó là người có cái nhìn
viễn kiến ngay trong thời buổi bị kiểm soát, đàn áp, vượt lên khỏi hoàn cảnh của
mình, của Hà nội nền nếp và chật hẹp, suy nghĩ xa, như một người đi qua hoang
tàn của lịch sử, tìm kiếm hơi thở của đời sống mới. Dương Tường là một trong những
tâm hồn nghệ sĩ tự do nhất mà tôi được biết, về mặt xã hội là người sống trung
thành với lập trường của mình, về mặt cá nhân là một người phóng khoáng không
câu thúc, người trí thức được đào tạo từ thời tiền chiến dưới những ảnh hưởng tốt
đẹp của văn minh Pháp, ngày nay tất không còn thấy. Giữa những bề bộn đời sống
ông thường trở lại với mẩu kết quả xét nghiệm đã bị vò nát.
Ở
đây tất cả đều tủn mủn
Chỉ
riêng khổ đau là hoành tráng
Sự căng thẳng của xã hội hôm nay, áp lực của thời
gian, sự giả dối, sự ganh đua, dẫn đến tâm trạng lo âu, xao xuyến, bồn chồn ở những
người trẻ và ở tất cả chúng ta. Mỗi cá nhân bị xé nhỏ thành nhiều mảnh, bị giằng
xé bởi quá khứ và tương lai, các mâu thuẫn bên trong dân tộc, ảnh hưởng của cuộc
nội chiến Nam Bắc hai mươi năm, còn lâu dài chia cắt chúng ta. Thơ Dương Tường hầu
hết ở thể tự do, nhưng tính âm nhạc cao, chuyển hướng bất ngờ, cách gieo vần rộng,
một số ý tưởng đẹp và mới, nhưng không hoàn toàn táo bạo, nổi loạn, đập vỡ.
Khác với Trần Dần, chẳng hạn.
Tôi
vẫn mưa hằng hà
nhật
nguyệt
có
hy vọng nào đợi chờ nào khổ đau
nào
khắc khoải nào mê muội nào
không
đẫm
jọt
mưa
tôi?
Thơ trữ tình Dương Tường nói về tình yêu, mất mát, hy
vọng, trong điệu thức suy tưởng. Niềm ao ước của ông là mang lãng quên trở lại
với ý thức, tuổi trẻ yêu dấu ra khỏi bóng tối. Thơ ông là khúc bi ca hướng tới
vĩnh cửu, giữ cho cái chết được ở lại giữa chúng ta, làm cho những gì không còn
sẽ được sống lại. Giá trị của thơ ông trước hết không phải ở tu từ, mặc dù đó
là thơ nặng về "chữ", mà ở khả năng tư duy, sự phán xét, sự tiên
đoán, là thái độ của một trí thức giữa thời kì băng hoại giá trị. Mặc dù mới, và
không cổ điển, chúng vẫn thể hiện tính liên tục như tấm vải dệt bền bỉ, không đứt
đoạn. Khả năng của nhà thơ là kết hợp những thể thơ cũ giàu âm điệu và khuynh
hướng văn xuôi hóa, cụ thể hóa, thơ thị giác. Khả năng dùng chữ của ông là độc
đáo với kĩ thuật lập lại, kĩ thuật song song. Đó cũng là một trong những nhà
thơ đòi hỏi lối đọc liên văn bản, với nhiều tham chiếu.
Đường kí ức ngàn-lẻ-một nẻo miên man
đâu cũng mê
cung tôi đi chân rớm máu tươi
những kỉ niệm hoang vu
và chới với những
hoang tưởng man
dại thậm chí hun hút rợn
chiều psychedelic nhầy nhụa đàn bà
Dương Tường là người nội tâm nhưng sẵn sàng xuất hiện
nơi công cộng, cởi mở, hai khía cạnh ấy đều có thể được quan sát. Dương Tường viết
thơ tình cho đám đông nhưng thơ ấy không thể đọc trước đám đông mà chỉ nên đọc
trong phòng vắng. Một người giỏi ngoại ngữ, đọc sách nhiều, nhưng có tâm hồn
đông phương, sẽ sinh ra một loại thơ phảng phát thơ Haiku Nhật Bản, ngắn gọn,
nhiều hình ảnh, chú trọng về mô tả, ghi nhận. Trong thơ ông, chỉ đôi khi mới thấy
phần cảm xúc nổi lên. Mặc dù có khuynh hướng duy mỹ, thơ ấy cần được đọc dưới
góc nhìn lịch sử- văn hóa.
“Thị trấn bê bết tựa sạp hàng thịt/
anh góp vào đổ nát hai cái răng cửa/ Tảng sáng/ trận địa pháo/ lạc vào một con
ngan bị thương”
Mặc dù chịu ảnh hưởng của phương
Tây, có lẽ truyền thống đông phương ấy đã làm Dương Tường đến gần hơn với truyền
thống thơ truyền khẩu, một loại thơ trước chữ. Thơ ngoài chữ. Từ thơ ngoài chữ
mà thành thơ ngoài lời, có thể chỉ là một bước. Trong sự chuyển tiếp ấy, có thể
nhận thấy đặc tính của các điển tích, các giai thoại, sự tham chiếu, hay những
mảnh nhỏ của chúng. Đọc Dương Tường vì vậy bao giờ cũng là một lối đọc liên văn
bản của một người có trình độ hiểu biết cao hơn trung bình.
bởi
lẽ mình với cậu
chưa hề biết nhau
nên mình đến
bởi lẽ cậu bỏ lại mẹ cha cùng
người hôn ước
và mình cũng từng giã biệt vợ con
nên mình đến
bởi lẽ tình yêu mạnh hơn thù hận
và có thể bắc cầu qua mọi đại dưng
nên mình đến
bởi lẽ cậu không trở lại
còn mình đã có ngày về
nên mình đến
chưa hề biết nhau
nên mình đến
bởi lẽ cậu bỏ lại mẹ cha cùng
người hôn ước
và mình cũng từng giã biệt vợ con
nên mình đến
bởi lẽ tình yêu mạnh hơn thù hận
và có thể bắc cầu qua mọi đại dưng
nên mình đến
bởi lẽ cậu không trở lại
còn mình đã có ngày về
nên mình đến
(Bài 1967)
Một số bài thơ của ông gần với kí
họa, với phác thảo, hơn là gần với hội họa, vì tính chất không hoàn tất của nó,
một cách cố ý, vì tính chất gãy vỡ, vì sự xác định đường biên giới hơn là bản
thân màu sắc. Tôi nghĩ đọc Dương Tường cần một trường thẩm mĩ riêng, tuy không
hoàn toàn khác với trường thẩm mỹ chúng ta dùng cho các nhà thơ cùng thời của
ông, trong nhóm nhân văn giai phẩm, nhưng cũng không phải đồng nhất. Sự tồn tại
của một người không làm biến mất sự tồn tại của một người khác, nhưng sự tồn tại
ấy được tăng cường bởi sự chú ý, sự dấn thân, sẽ tạm thời làm biến mất trong
trí nhớ sự hiện hữu của người khác. Đó là ý nghĩa của câu thơ sau đây:
Những hình vẽ nhăng trên tường Paris
ta lượm đây một đóa kia một đóa
như tuy-lip nở trong bùn
nâng niu chăm chút
vục mặt hít hà
Vẽ nhăng trên tường ở Paris
ngớ ngẩn thăng hoa
thơ ca cứt đái
âu yếm đường xó chợ
Vẽ nhăng trên tường ở Paris
tình sử khoác vỏ ngoài tục tĩu
thơm mùi nồng cống rãnh
và đôi khi vang vọng xa lắc những thiên đường đã mất
Vẽ nhăng trên tường ở Paris
ta lạ gì đâu
bàn tay này từng vẽ thế
Có thể nhờ thế mà, trong những
giai đoạn đen tối nhất của thơ ca, sống một cách khó khăn dưới những nghi ngờ,
Dương Tường đã không để cho nỗi buồn rầu và sự đông đặc đánh bại mình. Lòng tin
yêu ấy, sự say mê sống có phần ngây thơ ấy, là những búp hoa trên cành trong rừng
thơ ca tiếng Việt, mỗi khi chúng ta bất chợt đi qua, ngoái lại.
Thơ Dương Tường
nhiều tiểu sử nhưng không nhiều hoài niệm. Đó là một loại thơ ở thì hiện tại,
trong sáng, nhẫn nhục, đầy niềm tin vào sự sống. Một ngôn ngữ nhiều cảm xúc
nhưng không quá mẫn cảm. Kẻ đã sống qua nhiều thời kỳ, đôi khi dưới đáy, nhưng
không làm nhân chứng, mà chỉ là kẻ ghi nhận bên lề của cuốn sách lịch sử đau
thương của dân tộc. Điều gì đúng thật đối với trần gian cũng đúng với thiên đường.
Serenade 1
Những ngón tay mưa
dương cầm trên mái
những ngón tay mưa
kéo dài tai quái
một nỗi nhớ vô hình
nhạt nhòe đường xanh
đêm lập thể
Những ngón tay mưa
truồi theo phố lạnh
màu nâu cảm tính
đường parabole tư duy
điệp khúc u hoài
những chuyến tàu đi
Những ngón tay mưa
trời sao bạc
tím mộng Schercherazade
đêm ngàn-lẻ-hai
Một điều gì đó trong chúng ta một
hôm thức dậy, như đứa trẻ vươn vai hít thở khí trời. Sự có mặt của yếu tố siêu
thực, và cả sự thần bí, bí nhiệm, chứng tỏ loại thơ nặng về lời ấy là một loại
thơ có nhiều ý nghĩa. Ngôn ngữ tạo ra sức hấp dẫn lớn nhất trong thơ Dương Tường
nhưng bên dưới những chữ, có một điều gì khác nữa, có người gọi là nội dung có
người gọi là ý nghĩa, nội dung kí hiệu, bởi vì thực ra tác giả nếm trải một đời
sống hoàn toàn hiện thực, đi qua những vui buồn thật, cái tốt và cái xấu cụ thể,
sự cao thượng và lỗi lầm có thể nhìn thấy, trong đôi mắt tinh anh của ông. Niềm
vui thú cao nhất trong thơ Dương Tường là được sống, yêu đời, khao khát sống. Thơ
ông không có gì liên quan đến (những) cuộc cách mạng hay kháng chiến mà có lúc ông
đã từng dự phần và có lẽ chưa hề thách thức giá trị của chúng. Ai cũng biết chúng ta bị phản bội, những giấc mơ bị
phản bội, ai cũng biết thế giới đầy đau thương và lầm lẫn, ai cũng biết chúng
ta sẽ hạnh phúc hơn nếu có tự do. Nhưng Dương Tường không phải là nhà tranh đấu,
ông thực sự là một nghệ sĩ từ trong ra ngoài. Một nghệ sĩ thực sự trước hết phải
ca hát. Và nói như Bertolt Brecht, trong thời kỳ đen tối, con người vẫn hát, và
hát về những điều đen tối. Chúng ta cũng có thể thêm rằng, Dương Tường còn hát
cả về tình yêu trong những điều đen tối. Vì vậy thơ ông sẽ còn được nhắc đến
như một trong những cánh cửa sau của ngôn ngữ Việt Nam, nửa thành công nửa thất
bại, không hứa hẹn một điều gì. Sự quyến rũ chết người ấy làm nên năng lượng của
sự sống. Dương Tường là một phần của năng lượng ấy, đạm bạc và rực rỡ, chán chường
nhưng không mệt mỏi, dịu dàng nhưng có sức xuyên thấu qua những ngăn cách giữa
người Việt và người Việt, giữa người Việt và thế giới, giữa thơ ca bên trong và
bên ngoài ngôn ngữ. Thơ ngoài lời, theo cách gọi của Dương Tường, có những nguồn
gốc khác nhau, nhưng chính nhà thơ cho rằng nguồn gốc ấy có lẽ bắt đầu từ
Apollinaire với các bài thơ thị giác mà Châu Diên đặt tên là thư đồ thi. Cũng
theo Châu Diên ở Việt Nam chi có ba nhà thơ làm thơ ngoài lời là Trần Dần,
Dương Tường, phần nào Đặng Đình Hưng. Tập thơ Đàn của Dương Tường là tiêu biểu
cho khuynh hướng này. Là một người yêu mến chữ, tất nhiên ông không xa lạ gì với
phép tu từ, nhưng các bài thơ của ông phương pháp ấy được ẩn kín.
Đêm đầu tiên tân hôn lại
vợ anh giảng
những chưa biết trong
tình yêu
Sự thú vị trong mạch đi của bài
này nằm ở ý tưởng bất ngờ, một hình thức chơi chữ sang trọng. Những thú chưa biết
trong tình yêu thì có nhiều, một người đàn ông tha hồ tưởng tượng. Mà dừng lại ở
đó cũng được. Như ông lại viết:
những chưa biết trong
tình yêu
bằng không nói
người đàn bà ít mồ hôi
ba năm chờ
Hài hước trở thành trữ tình. Một
người làm thơ đọc đến đây sẽ tự hỏi, thế rồi bài thơ sẽ kết thúc như thế nào?
Nhiều người, nhất là những người mới viết sẽ kết thúc bằng tình yêu đôi lứa, bằng
tình dục, bằng sự hồi tưởng về ba năm gió mưa đâu đó. Dương Tường kết thúc thế
này:
cười vô lối
cửa sổ sóng sánh tiếng
huýt sáo một người
đi chơi đêm
Như thế là từ năm 1966, ngay
trong chiến tranh, trong sự vây khổn, đày đọa, có một nhà thơ đã bình thản đi rất
xa trên con dường cách tân ngôn ngữ, dùng phép sắp xếp mới của ngôn ngữ mà góp
phần hình thành các ứng xử văn hóa mới và trang nhã.
Ba mươi hai năm
Ba mươi hai lối chân đưa
lầm lũi
thời gian như một cái nhìn
vàng
vàng
Tôi vẫn phi-tôi
vẫn lạc lối hoài trong một im lặng
trầm
trầm
đa giác
Đôi khi ý nghĩa của chúng triển nở
gần như vô hạn. Ngôn ngữ của ông không bí hiểm như trong một số nhà thơ cùng thời,
nhưng sự khó hiểu nằm ở trường hợp khác. Là sự chọn lựa lối vào, trường thẩm mĩ,
hệ thống tham chiếu và xa hơn, hoàn cảnh văn hóa. Bài thơ thường là cảnh vật cụ
thể, những tình huống, thậm chí chỉ một xúc động thoáng qua, hay một tuyên bố,
nhưng bài thơ không dừng lại ở đó mà có sức lan tỏa ngầm. Có một nhạc điệu thì
thầm, sâu ngân nga dịu dàng bên dưới những câu thơ ngắn, tiết kiệm của Dương Tường.
Chính vì thế mà sự diễn giải bằng văn xuôi các bài thơ, kể cả thơ cụ thể, thơ
thị giác, nơi sự pha lẫn giữa hội họa và thơ ca là dụng ý của người viết, sự diễn
giải ấy phức tạp, thậm chí không làm được.
ngã tư
cột đèn
ô kính
những ngón tay mưa
xập xòe kỷ niệm
Trong thơ Dương Tường không có lịch
sử, vì lịch sử được tái tạo mỗi ngày trên trang giấy, hóa thành hiện đại, toàn
bộ lịch sử là sự có mặt hôm nay. Thơ Dương Tường dung chứa một thứ huyền thoại
kín đáo, thỉnh thoảng tương tác giữa hiện thực và huyền thoại tạo ra câu thơ
chói lòa, gần hoang tưởng, hay giấc mơ.
Ai giảng giùm tôi liên
quan đường gân lá bồ đề rụng trên vai gày Phật Tổ Như Lai với gập
ghềnh Đồi Sọ
Golgotha Chúa Jêxu nhục hình
đinh câu
rút
đường tràn mang
án sống tôi bụi thơ và tự
chẩn bệnh cho
mình
Liên văn bản trong thơ Dương Tường là đặt câu hỏi. Đó
là sự tìm kiếm những khả năng khác nhau trong cùng một hoàn cảnh, những chọn lựa
khác nhau trước một thử thách. Là một
người trí thức sống qua những thời gian đen tối thời kỳ Nhân văn Giai phẩm, và
ngay cả sau này, một người bị đặt ra ngoài lề xã hội, hay gần như vậy, ông sống
và hành xử như một tiếng nói lương tri. Dương Tường có lẽ không phải là người
có đức tin tôn giáo, nhưng thơ ông bàng bạc cảm xúc bí nhiệm, không khí thánh
kinh.
mở
những đại dương
trùng trùng
sóng
mồ vĩnh cửu ôm
ấp trong lòng sâu vĩnh cửu
triệu triệu
vong linh ngư dân thủy thủ
nạn
nhân đắm
tàu thám hiểm gia đi tìm đất mới
hải tặc thuyền nhân
ôi rong rêu bất tận cứ thế
ngàn vạn năm đại thiên
di exode tổng đại
thiên di tiếp nối
thiên di tiếp nối
nước biển xanh
bao nhiêu tỉ lệ phần trăm máu?
Một
loại thơ trữ tình nhiều vui sướng lặng lẽ, sự hỗn hợp của một truyền thống thơ
ca tiền chiến và không khí đương thời. Tình yêu và cảm giác bao dung, khoan
hòa, như thể cái đẹp có thể làm ra sự thật, như một bông hoa có thể tạo ra một
mái nhà. Sự lập đi lập lại một số chữ, một số đoạn không phải là điều mới mẻ
trong thơ, nhưng ở Dương Tường trở thành những giai điệu, những nốt nhạc, thánh
thót, đôi khi huyền ảo. Thơ là hành động, nhưng đó là một trạng thái hành động
mang tính thưởng thức, ghi nhận, kí gởi hơn là mang tính thay đổi.
những bản thảo en soufffrance
những dự án bay
nằm đáy hộc tủ
những mộng mơ
ngày một teo tắt lại
Nhà thơ là một trong những người không tin tưởng vào
các định chế tinh thần đã được thiết lập. Đó là ý thức tự do mạnh mẽ, là sự phản
kháng dịu dàng nhưng sẽ không thay đổi. Nếu so sánh với những người bạn nổi tiếng
như Lê Đạt hay Hoàng Cầm, thì Dương Tường lặng lẽ hơn, kín đáo hơn, nhưng ý thức
nổi loạn xem ra bền bỉ không kém.
Mư ư ưa
Mùa v-
ắ-
n-
g
trắng
ắ-
n-
g
trắng
(Mea Culpa)
Dương Tường có nhiều bài thơ viết bằng tiếng Pháp được
dịch ra bằng tiếng Việt bởi chính tác giả hay một số người khác như Phạm Toàn,
Đặng Tiến, Châu Diên, Ngô Tự Lập. Trong tập "Thơ Dương Tường", gần
như là một tuyển tập đầy đủ và quan trọng nhất gồm bốn phần không kể phần phụ lục:
- Tôi đứng về phe nước mắt
- Le soir est tout soupirs
- At the Vietnam wall
- Thơ thị giác
Đủ thấy sự đa diện của Dương Tường. Một trong những
người còn lại sau cùng của thế hệ mình, sống qua thời kháng chiến chống Pháp,
thời kỳ chiến tranh ở miền Bắc, thời kỳ sau 1975 khi hòa bình lập lại, Dương Tường là thứ còn lại của ký ức
chúng ta, sâu lắng, trong trẻo và trang nhã. Một chất giọng trầm tư nhưng vui sướng,
đôi lúc gần như ca ngợi và lập lại nhiều lần một số giai điệu, những nốt nhạc,
sự tiếp xúc đơn giản đối với hiện thực dung chứa nhiều khả năng diễn dịch dành
cho người đọc. Bi kịch, bóng tối, tội ác của một hệ thống, sự đày đọa con người,
cái chết, sự cứu rỗi của tình yêu và tha thứ, đó là những gì làm nên ngôn ngữ
và âm nhạc Dương Tường.
Cái dằm khổ vẫn mắc trong lìm lịm
ba
ba
mươi hai lớp thịt tháng năm
Văn chương là phương cách từ bỏ sự chú ý, trở nên
buông thả, bao quát, thân mật. Bài thơ của Dương Tường thường ngắn như một loại
thơ thiền kiểu mới, hay Haiku, là giây phút tỉnh thức, khung cửa sổ nhìn vào thực
tại mới. Sự tỉnh thức đối với vấn nạn của kiếp người, sức mạnh và sự yếu đuối của
họ, sự vô tội và tội ác của nó. Một nhà thơ tài năng bao giờ cũng làm nổi bật
được một số quan niệm của mình trong một bài thơ ngắn, hoặc về nghệ thuật hoặc
về cuộc đời, tất nhiên không phải như một bài giảng luân lý. Một bài thơ của
Dương Tường cũng mang lại quan niệm, nhưng chúng nhiều hơn một, rải rác nhưng
không rời rạc, bao gồm những chuyển tiếp, được chiếu sáng bởi ngạc nhiên. Nhà
thơ Hoa Kỳ Pound từng nói: Thơ là một thứ tin tức bao giờ cũng vẫn là tin tức
(mới). Thơ Dương Tường thoạt nhìn không mục đích, không chủ đề, chính ra là những
giây phút cần thiết. Thơ ông là sự cần thiết. Những câu thơ ngắn di chuyển với
tốc độ nhanh, sức hấp dẫn không hẳn nằm ở sự quyến rũ của chữ như trong trường
hợp Trần Dần hay Hoàng Cầm mà nằm ở chức năng của chúng. Điều kỳ lạ là trong
khi Dương Tường có xu hướng về lời, gần duy mỹ, thì nhiều bài thơ của ông có
thông điệp. Đó không phải là một thứ thông điệp rõ và bất biến. Chúng thay đổi
theo người đọc và lần đọc khác nhau.
Em
đi
môi
mọng
đùi
mọng
vú
ấm
tim
trống
đầu
trống
Em
đi - nhớt đêm
Em
đi - mưa xiên
Em
đi - trời nghiêng
Em
- đời bỏ quên
Một trong những bài thơ đặc trưng của Dương Tường. Môi
mọng là một chữ thông thường, thậm chí hơi sáo. Nhưng đùi mọng là chuyện khác,
chữ không có trong tiếng Việt, nhưng hình như sẽ đứng.
Em
đi - nhớt đêm
Có phải là nhớt trên đường chảy lênh láng? Hay nhớt
trên người. Xuyên qua cuộc đời dài, với nhiều hoạt động nghệ thuật, làm thơ, dịch
thuật, vẽ tranh, bè bạn, Dương Tường trở đi trở lại với khung cảnh phố xá, mưa,
đô thị, mùa thu, với thiên nhiên, những đề tài cũ được lật tung trở lại với bút
pháp mới, đó là những đặc trưng của chủ nghĩa hiện đại trong thơ Dương Tường. Một
ngôn ngữ không chuẩn bị, có tính tán gẫu cao, tính đời thường, tính bất chợt, sự
hài hước tinh tế khó nhận ra.
Em
đi
ngực
nhụy
rớm
hương
Thân xác chúng ta không chỉ là thân xác, nó còn là nơi
kết tụ những đầu mối. Hiện diện thường xuyên sự tìm kiếm, sự nghĩ ngợi, một
tình yêu với đời sống thuần khiết, đến mức các thứ khác phải bị bỏ lại. Cái gì
bị bỏ lại? Trước hết là thói dung tục, tính bầy đàn, cuối cùng là sự tủn ngủn đời
thường, các thứ ấy là tiêu biểu của một không gian địa lý chính trị cụ thể, một
nửa đất nước, thu nhỏ xét về mặt số lượng, nhưng về văn hóa có thể là một dân tộc.
Riêng biệt. Bạn đọc lại:
Ở
đây tất cả đều tủn mủn
Chỉ
riêng khổ đau là hoành tráng
Dương Tường đôi khi trong sáng đôi khi tối tăm. Một
trong những quyền năng của nghệ thuật là khả năng tự bộc lộ những kinh nghiệm của
chúng đối với người đọc, một lần, hai lần, nhiều lần, tùy theo kinh nghiệm của
người đọc và độ dung chứa của ngôn ngữ. Độ nén của ngôn ngữ là tài năng của mỗi
nhà thơ. Sự phát hiện có tính sáng tạo, sự ngạc nhiên, là cảm xúc thú vị mà người
đọc tìm gặp ở Dương Tường. Ngạc nhiên là gì? Là bước nhảy vọt.
Giọt
sao dềnh vũng nhớ
Khuya
em về mưa mi mineur
Âm nhạc siêu hình nhưng vẫn ý thức bàng bạc. Trong tuổi
trẻ của Dương Tường có một phần của nước Pháp, một phần của châu Âu. Tôi chưa từng
thấy ai hỏi ông đã khi nào ngờ vực con đường mà ông đã đi theo. Tôi nghĩ là
không.
Vẽ
nhăng trên tường ở Paris
ta
lạ gì đâu
Bàn
tay này từng vẽ thế
Tại sao có những sự vật chỉ hiện ra trong khoảnh khắc
lại có thể có ý nghĩa đến thế với tâm hồn. Những bước nhảy trong thơ Dương Tường
giải phóng ký ức ra khỏi ràng buộc, ra khỏi các tiền quan niệm. Sự tập
trung chú ý làm sâu sắc thêm nỗi ngạc nhiên từ cuộc đời, trước vẻ đẹp của tình
yêu. Thật ra có vẻ như Dương Tường không phải là người đi tìm kiếm, ông chỉ là
người nhìn thấy.
Những chân trời những chân trời
xa những
chân trời mờ
mịt những chân trời lung linh
những chân trời
vẫy gọi (sao không nói tay
trời?) những chân trời ảo những chân trời
hứa hẹn
những chân trời cạm bẫy những
chân trời hi
vọng những chân trời lừa mị
Vẻ đẹp của văn chương khác với vẻ đẹp của đời sống;
chúng có liên hệ với nhau nhưng không phải là mối quan hệ mật thiết ràng buộc.
Mối quan hệ ấy đầy những ngạc nhiên. Ngay cả vật tầm thường bé mọn, những điều
tưởng đã cũ, dưới cái nhìn mới bỗng sáng lên như hiện tượng mới.
Chợ
ái ân
Loang
lổ
Đèn
đường
Đó không những là mô tả những cô gái giang hồ, mà còn
là ánh đèn đường, là bức tranh hội họa vẽ cảnh đêm Hà Nội, tôi ít thấy bức
tranh nào giản dị mà sắc màu nổi bật thế, một loại tranh đen trắng bởi nét cọ mảnh,
tàn nhẫn.
Mủ
đêm
Là sự làm đầy bức tranh bằng động tác bất ngờ, liên tưởng
kì bí. Thơ ngoài lời, là thơ cụ thể, thơ thị giác, thơ tạo hình. Đây là một
hình thức nghệ thuật khá lâu đời ở phương Tây nhưng khá mới mẻ ở Việt nam, ngay
cả vào những năm đầu của thế kỷ 21 khi tôi viết những dòng này. Sự tiếp nhận của
công chúng đối với thơ ngoài lời là dè dặt và hạn chế. Cũng như Đặng Đình Hưng,
Trần Dần, nhà thơ Dương Tường là người chăm chú biểu đạt, đã để lại những vết
chân đẹp, như những thứ gì chưa hoàn thiện, tìm đường. Đọc và nhìn thơ ngoài lời
của Dương Tường để cảm nhận được đời sống của ông gần hơn, sâu hơn. Nỗi siêu
hình bàng bạc.
Cây
ngoài kia bắt đầu trút lá
ta
nên trút theo chăng?
vòm
lá ta: những cuộc tình hoang phế
ta
vẫn một mực mang như tấm áo sờn
dùng
dằng không nỡ dứt
e
hồn ta xây xước lõa lồ
ngoài
kia cây đang trút lá
ta
cùng trút theo chăng?
Dương Tường quan tâm đến mối quan hệ giữa truyền thống
và làm mới, giữa các điển chế và tính độc đáo, sáng tạo. Thơ ông tách rời khỏi
truyền thống thơ Việt Nam, đi những bước lặng lẽ nhưng quả quyết thành một ngã rẽ.
Ngôn ngữ của chúng ta trước hết là ngôn ngữ được tạo ra bởi người đi trước và Dương Tường không tránh khỏi
điều ấy.
Chiều
se sẽ hương
Vườn
se sẽ sương
Ở trong một bài thơ ngắn, được in ở trang bìa sau cùng
của tập thơ do Nhã Nam in mới nhất, năm 2017. Thật ra đó không phải là bài thơ quá
mới.
Anh
ở xa về mắt dâng lũ
một
ánh buồn
Đêm
đầu tiên tân hôn lại
vợ
anh giảng
những
chưa biết trong
tình
yêu
bằng
không nói
Người
đàn bà hít mồ hôi
ba
năm chờ
cười
vô lối
Cửa
sổ sóng sánh tiếng
huýt
sáo một người
đi
chơi đêm
(1966)
Mới thật là một bài thơ mới. Rất độc đáo, đặc biệt được
viết vào những năm 60, mặc dù tất nhiên không được xuất bản vào thời ấy, bài
thơ nén lại qua thời gian, chờ đợi. Một bài kì lạ, đẫm tình dục, lóng lánh,
lãng mạn, mà dũng mãnh như thơ G. Lorca.
Thơ không nhằm phản ảnh hiện thực. Nhà thơ tạo ra một
hiện tượng mới. Thơ bao giờ cũng là tiếp diễn một nền thơ trước, là chuyển ngữ
một ngôn ngữ. Tuy hiện tượng lo lắng về ảnh hưởng của người khác là điều có thật,
đó không hề là nỗi ám ảnh lớn của các nhà thơ Việt Nam theo truyền thống Đông phương.
Trong những nhà thơ cùng thời, chúng ta có thể tìm thấy dấu vết của thơ những
người đi trước, nhưng ở Dương Tường ấn tượng ấy không rõ ràng. Thơ ông ít có tiền
lệ.
Hồ
môi thơ lã chã âm xưa
Bản
nháp chiều tơ liễu
Đưa
mưa
Thơ ca nói cho cùng là sự đối thoại, giữa người viết
và người đọc, giữa người viết và người nhìn, giữa người chơi đàn và người nghe.
Thể thơ, các quy ước vần điệu có lẽ đã ám ảnh Dương Tường khá nhiều, kẻ đi tìm
một thế giới khác, thật ra là để liên kết con người vào những hiện thực tiềm ẩn,
bị che lấp, một thứ tiền hiện thực, mang chúng ta trở lại với nguyên mẫu, cội
nguồn.
Tôi
đâu tròn
rì
rào
mái
đầu thương
ngày
r
ụ
n
g
dòng
đau
trôi
một mùa xác ve sầu
Thơ ca là nghi lễ.
Thơ trữ tình thoạt nhiên là thơ được hát như bài hát. Là
lời được nói lên, hát lên, không phải chữ. Thơ trước hết ở ngoài chữ, trước chữ.
Những người làm thơ đều có kinh nghiệm rằng khi viết họ không ngồi đếm số chữ
trong một câu, và một hai câu đầu tiên sẽ dẫn đường cho nhạc điệu. Như vậy có một
hệ thống kí mã về âm thanh ở ngay câu đầu tiên.
À
côtê de moi
Bên
cạnh anh
Như thể chỉ có thể là:
ta
place vide
chỗ
em nằm trống không
place
òu jamais tu ne viens t'allonger
chỗ
em không bao giờ nằm
Thơ tình mơ hồ, nhẹ nhõm, bát ngát , như có như không,
không đau đớn, không dằn vặt, nhưng lâng lâng như không khí mùa thu Hà nội,
tươi mới, thanh cao. Tác động nếu có của thơ ấy trước hết là từ sự đối lập giữa
một bên là các quy ước vần điệu và một bên là câu thơ vượt khỏi sự chờ đợi, làm
bất ngờ người đọc.
Kỉ
niệm zi căn
vào
tâm
thất
Chữ z trong zi căn sẽ chia người đọc làm hai loại: những
người thích nó và những người rất không thích nó. Thật ra chẳng có bài thơ tự
do nào là hoàn toàn tự do, với nghĩa là tác giả tự do chọn lựa. Có lẽ chỉ trừ
câu đầu tiên, mọi thứ tiếp theo của câu thơ tự mình đi theo quy luật của chúng.
Tôi có ấn tượng rằng Dương Tường chịu ảnh hưởng của các nhà thơ Phương Đông, Nhật
Bản, trong việc tiết kiệm chữ và say mê theo đuổi hình ảnh. Có thể gọi đó là một
trường phái hình ảnh sâu mà các tác giả như William Carlos Williams trước đây có
nhắc tới. Các câu thơ của ông ngắn, kích thước không đều, các chữ được lựa chọn
cẩn thận mặc dù không phải khi nào cũng chuẩn xác hay "đắt". Đọc ông,
tôi nghĩ rằng tác giả tập trung, rất chú ý các câu thơ. Câu thơ là một đơn vị đặc
biệt, có thể xem là một trong những quan tâm lớn của Dương Tường. Chính vì thế
mà đến một lúc nào đó ông buộc phải vượt qua khỏi nó. Như một người suốt ngày
ngồi đăm đăm nhìn vào một cánh cửa, thế nào cũng có lúc vượt qua nó.
Thơ Dương Tường là thách thức đối với các nhà phê
bình. Sau này, một số bài thơ của ông có lẽ sẽ không còn đứng được với thời
gian, một số thể nghiệm có thể trở nên lỗi thời, nhưng một số bài thơ khác,
cũng như toàn bộ cách tiếp cận của Dương Tường đối với ngôn ngữ, là một trường
hợp điển hình, giúp người đọc thơ sống cuộc đời của họ một cách ý thức, hiểu biết
sâu xa hơn về đau khổ và tình yêu, giúp họ nhìn thấy hoặc hình dung một số điều
ở bên ngoài giới hạn của lịch sử, của lời.
Chờ em đường dương cầm sim
vằng vặc nụ dương cầm trinh
Trinh là tên riêng của người bạn đời.
vằng vặc nụ dương cầm trinh
Trinh là tên riêng của người bạn đời.
Dương Tường quan tâm đến thế sự, mặc dù ông không biến
nó thành đề tài. Chất thế sự ấy bàng bạc như âm nhạc hậu cảnh (background
music). Có một khả năng, một thời điểm
khi luân lí, chính trị, thế sự gặp gỡ thơ ca, nhưng đó là thời điểm đầy những
xáo trộn, của các giá trị. Thơ là biểu hiện ở mức cao nhất động lực của hiện thực.
Trong tình yêu đó là lửa, trong các đề tài xã hội là lưỡi dao sắc, trong thơ trữ
tình là lời tự tình thân mật, riêng tư. Thơ Dương Tường nói về thiên nhiên, không
phải một thiên nhiên thuần phác như trong thơ tiền chiến, mà mang dấu ấn của
con người. Thiên nhiên trong thơ ông là tấm gương phản chiếu những giấc mơ
không thành, những số phận bị đe dọa, những tình yêu lầm lỗi, không ngớt trở
nên cao thượng.
Gửi
lại em
gửi
lại em tất cả
Kể
cả con âm đầu trót thụ tinh thơ
Riêng
đêm em xòa bóng nốt ruồi
24
quầng
Anh
giữ
Nghệ thuật là rời bỏ sự chú tâm đối với chi tiết thân
cận, vốn làm cho con người bị cuốn hút vào hiện hữu của chúng, giúp họ thoát ra
và trở thành tự do. Cố gắng của Dương Tường không những để vượt qua giới hạn của
ngôn ngữ mà còn để mở cánh cửa trong một bài thơ, những cửa sổ của hội họa và
âm nhạc, của nhận thức. Bài thơ có nhiều nhánh, nhiều ngả đường. Thơ của ông ngắn,
nhỏ bé, mỏng mảnh, là những kí ức qua nhiều năm tháng, là phần tinh khiết của dân
tộc, một lớp người, của khổ đau và vàng son kí ức, của sự tự hào nhầm lẫn và sự
nhầm lẫn tự hào.
Đau
sao yêu được mình đau
Đau
sao yêu chẳng đủ đầy
Bài thơ là lời cầu nguyện. Đọc thơ Dương Tường đôi khi
cần đọc như kinh cầu. Chúng ta yêu nhau, chúng ta đau khổ, tan tác, võ vàng.
Chúng ta tin, vì không tin thì không sống được. Bài thơ như giấc mơ: đôi khi
người ta phải sống như giấc mơ. Thơ Dương Tường không phải là thơ triết lý, tất
cả những nhà thơ bạn ông cùng thời kỳ, như Trần Dần, như Hoàng Cầm, Lê Đạt đều ít
khi làm thơ triết lý. Ngôn ngữ của họ nặng về hình ảnh, nặng về mô tả. Ở Dương
Tường là sự chắt lọc hình ảnh. Mặc dù thế những phát hiện trong thơ có tính nhận
thức là đặc điểm của thơ Dương Tường. Đọc lại một bài thơ của ông bao giờ cũng
gặp cảm giác gặp cái mới lạ, nhờ cách tổ chức hình ảnh, ngôn ngữ tưởng như cũ
mà mới, cách nói giản dị và buông thả, không chuẩn bị, không giải thích. Sự hài
hước trong thơ khó nhận thấy, tinh tế, thấp thoáng, gần như không có chủ đích.
Tiệc
liên hoan tôi lấy phần
một
gói buồn trémolo
Niềm vui thời mới lớn tỏa bóng mát kín đáo. Nỗi ám ảnh
của thời tiết, mùa, người tình, tất nhiên đó không phải là những đề tài riêng của
một mình Dương Tường. Nhưng ông chuyên chú nhiều vào một không gian đặc thù, nửa
lãng mạn, nửa hiện đại. Tác giả nhân cách hóa những sự vật tầm thường, nhân
chúng lên bằng tình yêu đặc biệt, như một người sống giữa và cảm thông với cây
cối và đồ vật. Rất khó để trích một bài thơ của ông trong một hai câu vì mỗi
bài thơ gần như một toàn thể. Từ vựng và văn phạm của Dương Tường ngắn gọn, các
ngắt câu có chủ ý. Ông chỉ nhắc rất thoáng qua những quãng đời thực của mình, sự
nghèo khổ, sự đàn áp, tù tội, sự nghi ngờ, hãm hại. Ông là người nghệ sĩ, hẳn
nhiên, nhưng đằng sau thái độ sống ấy là sự minh triết sâu xa, một quan niệm sống
đồng hành quan niệm văn chương. Sống như một trí thức, không hoàn toàn là một
người phản kháng, nhưng nhẫn nhục, chịu đựng, vượt qua và không bao giờ đầu
hàng. Bên trong vẻ dịu dàng là ngọn lửa của sự sống hết mình, tính cam kết mạnh
mẽ đối với những lý tưởng riêng. Khác với một số người cùng thời, Chế Lan Viên
ngoài Bắc chẳng hạn, ông ít nhắc đến cái to tát, cái lý tưởng. Họa hoằn lắm, mới
có câu mang tính khái quát.
Tuy thế, có những
lúc Dương Tường không thành công và không phải là mình:
Tôi hé một con mắt-vú-bò
qua kẽ nghiêng phòng
hoá-nghiệm-tổng-hợp tím cong cong
hoá-nghiệm-tổng-hợp tím cong cong
ngấn
ngực thời gian
Hay chịu ảnh hưởng
rõ ràng của người khác:
Tôi đến em
tôi ái tình từ đầu
móng tay
chân sợi tóc
tôi
Lũy thừa yêu
Lũy thừa nhớ
Lũy thừa đau
xin nhập hộ không
đăng ký đuôi mắt
dài
dài
phố sao em bối rối
Là một tuyên bố, cái nhìn cận cảnh đối với sự vật, hay
là cái nhìn đối với cuộc đời?
lụa len
phố nêm
mà im
thèm
men
nhá nhem
lối khói
lá khói
Boheme
Boong
Boong
chuông em
lá khói
thèm em
thềm êm
đường đêm
tràn im
khuya thêm
rộng thêm
mùi thêm
buồn thêm
sao em
phi lí
ngực rằm
phi lí
đồng trinh
phi lí
kèm đen
tình đen
tình điên
pòm pem
mưa đêm
Thơ hội họa trong thơ ngoài lời của
Dương Tường có thể xem là một hình thức của thơ cụ thể. Thật ra trên thế giới
cũng chưa bao giờ và ở nơi nào, hình thức mới này của thơ ca, dù xuất hiện đã
lâu, lại nhận được sự tán đồng hoàn toàn của dư luận và các nhà phê bình. Cũng
như mối quan hệ giữa thơ có vần và thơ tự do, mối quan hệ giữa thơ cụ thể và thơ
thông thường cũng có những ranh giới khá mơ hồ. Thơ vượt ra ngoài vần điệu, thơ
tự do giúp người đọc sống chính đời sống của cá nhân mình, một đời sống không
khuôn thước, đầy hơi thở của hiện tại, trực tiếp, khỏe mạnh, sâu xa. Đẩy thơ tự
do đến tận cùng biên giới của ngôn ngữ, và cuối cùng vượt qua chúng, cực đoan
hóa sự phóng túng, là nguồn gốc của thơ ngoài lời. Đó là một cố gắng khó khăn,
tuy chưa chắc đã mang lại những tác phẩm lớn, là giữ vai trò làm người mở đường,
người báo hiệu các thành công và thất bại của thơ ca. Nhà thơ giúp nối kết trở
lại con người và nguồn cội của mình. Đó là một cố gắng chống lại sự trừu tượng
hóa, sự văn minh hóa, sự văn hóa hóa, tìm về nguyên thủy.
Cửa sổ sóng sánh tiếng
huýt sáo một người
đi chơi đêm
Sự thật thơ ca là một sự thật có
tính tượng trưng, do đó sự tìm kiếm nó không thể dựa trên những phương pháp
thông thường. Sự thật thơ ca nằm ở tính chất kì bí. Tuy Dương Tường là một người
vượt ra khuôn phép, chính ông lại yêu mến các nghi lễ. Nghi lễ là hình thức của
tình yêu và của sự mất mát, của cái chết. Bởi vì thơ ca không thể tách rời khỏi
nhạc điệu, thơ ngoài lời khác với thơ cụ thể ở chỗ nó nhấn mạnh đến tính chất
âm nhạc của thơ ca, ngoài tính chất hội họa. Tất nhiên âm nhạc ấy không được thực
hiện bằng các nhạc cụ như đàn hay trống, nó phải được thông qua các hình ảnh.
Có điều đây là những hình ảnh gợi ý, không phải các chân dung.
Tôi đến em
tôi ái tình từ đầu móng tay
chân sợi tóc
Đọc thơ Dương Tường, cả loại
thông thường và thơ cụ thể hoặc ngoài lời, cần đọc như một hệ thống gợi ý. Vì vậy
các điển tích, các dẫn chiếu, sự đọc liên văn bản, là bắt buộc phải có khi đọc
Dương Tường. Đọc thơ tự do cần một sự chú ý rất cao đối với các hình thức biểu
hiện. Tôi cần giải thích thêm điểm này: đối với một bài thơ năm chữ hay bảy chữ
hay lục bát, bạn chú ý thưởng thức ngôn ngữ của chúng nhưng không chú ý lắm số
chữ trong câu, cách hiệp vần, vì hiển nhiên chúng nằm sẵn ở đó. Đối với bài thơ
tự do, số chữ bằng nhau trong một câu, sự xuống dòng, sự hiệp vần vẫn xảy ra.
Chúng ta nói về thơ tự do để nói
về một điều khác, có lẽ đến tận cùng biên giới của thơ tự do sẽ gặp một thứ thơ
ngoài lời chăng? Tôi không biết, nhưng tôi tin rằng, mỗi người đọc nên tự tìm
cho mình con đường riêng bằng cách gõ cánh cửa của ngôn ngữ.
Không ai cứu
tôi
tất
cả bận lâm chung
để
mặc tôi bơ vơ
với
sống
Người đọc chú ý đến các tình huống
đặc biệt trong giọng thơ ấy: sự tan vỡ, sự nguy hiểm, cái chết, sự đói khát,
tuyệt vọng. Ở Dương Tường hình như có một cảm giác bồi hồi tưởng
nhớ những người cùng thời đã khuất, nhưng không hẳn là cảm giác thấy mình có lỗi
của kẻ sống sót sau một tai họa (survivor's guilt), mặc dù ông thực sự là một kẻ
sống sót.
Bên cạnh anh
Chỗ em nằm trống không
Chỗ em không bao giờ nằm
À côté de moi
Ta place vide
Place où jamis tu ne viens t'allonger
(bản dịch của tác giả)
Dương Tường ao ước được ghi trên
mộ chí của mình câu sau đây: "Tôi đứng
về phe nước mắt." Câu ấy, mặc dù hơi nữ tính, tiêu biểu cho hành trình
thơ ca của ông, ý thức về tha nhân và xã hội, lập trường của một người nói tiếng
nói của nhân dân, một nghệ sĩ có tư cách, nhà trí thức lên tiếng trước tội ác
và những lầm lỗi có tính hệ thống, có thể gọi là thái độ bất khuất trước bạo lực.
Nhưng con đường thơ ca ấy còn một phía khác, của một tâm hồn nghệ sĩ cùng cực,
yêu cái đẹp lạ thường. Vì yêu cái đẹp mà ông đành có lỗi với thế gian?
mea culpa
ai vỗ về hòn đá khóc
Nhiều người cho rằng những đổi mới
như của Trần Dần và Dương Tường là sự phá vỡ ngôn ngữ. Điều ấy có thể đúng
nhưng chưa đủ. Những người yêu thiên nhiên, biết lắng nghe những tiếng nói bên
ngoài con người, lắng nghe cảm xúc của trái đất, không những sẽ biết:
chiều se sẽ hương
Vườn se sẽ sương
Đường se sẽ quạnh
Trời se sẽ lạnh
Người se sẽ buồn
Đường gió mát hơi thu. Mà còn biết
một thứ ngôn ngữ khác, tôi nghĩ là nối kết trực tiếp hơn, vào với thiên nhiên.
Ai đi
ròng ròng
anatomy
Và những :"Đèn rem, đùi ren, lụa len, ngực rằm"...
Là những nối kết hạ ý thức. Vì vậy
thi pháp con âm của Dương Tường, theo cách nói của ông, là sự liên kết giữa thơ
ca và nguồn cội, mang chúng ta trở lại với tuổi thơ của con người. Trong ý
nghĩa ấy, thơ Dương Tường mang thân xác vào quê hương, mang mùa thu vào phố xá,
âm nhạc vào hội họa. Trong thơ, ông trở thành một tấm gương, trở thành nỗi ao ước
của con người chống lại nghịch cảnh, vượt qua tình trạng bị vây hãm bởi các hệ
tư tưởng xã hội lỗi thời, đầy bạo động, trở lại với tinh thần phóng túng phục
hưng. Thơ Dương Tường vừa trong sáng với ý tưởng rõ ràng, nhiều thi tứ hơn nhiều
người tưởng, vừa đầy rẫy những cấu trúc mờ, gãy, tái phối trí, các câu dài ngắn
bất thường, buông, đôi khi ngân nga như nhạc. Sự khác biệt, thậm chí xung đột ấy,
vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của thơ Dương Tường. Thật ra một người như ông
không có chọn lựa nào khác. Ông viết ít, các bài thơ ngắn, nhưng sự phức tạp là
lớn lao và có lẽ chưa được nhìn thấy. Dương Tường tách mình ra khỏi truyền thống
lãng mạn tiền chiến, xếp mình bên cạnh những người cùng thời như Đặng Đình Hưng,
nhưng với một lối nói mới, nhỏ nhẹ mà cứng cỏi, bình thản mà lâu bền. Thơ ông
là niềm vui sướng được sống, là hoài niệm về cái đẹp, không hẳn là hoàn toàn biến
mất, là tiếng nói lương tâm giữa một thời đại đổ vỡ, là sự làm mới trong khi trở
lại, là sự trở lại để làm mới. Vì vậy thơ Dương Tường dù được biết từ năm 1960
trong hoàn cảnh lẻ loi, mất tự do, hay được viết gần đây, giữa rộn ràng những
người bạn trẻ tuổi của ông, yêu mến nhà thơ, vây quanh ông như tôi đã thấy, vây
quanh ông như chính người vợ và cuộc đời kia, giọng thơ ấy vẫn sống động ở thì
hiện tại và vẫn còn trẻ mãi.
Dương Tường làm việc
miệt mài vào những năm lớn tuổi, ở người khác là không viết được nữa, như thể
cuộc đời ấy chưa bao giờ, không bao giờ kết thúc, lúc nào phía trước cũng có một
trang sách mở chờ ông. Sau tất cả những năm gian khổ đã đi qua, những chặng đường
vui đã bỏ lại, sau những sách đã viết, những tranh đã vẽ, những lời đã không
nói, ông vẫn nghĩ:
Tôi
còn ván chơi cuối kỉ xập
xình
beat rock disco sốt cuồng
Một tâm hồn trẻ trung, náo nức, mở cửa tự do cho những
tình yêu mới, mà sự từng trải không dập tắt. Tuy
vậy, đôi khi bạn cũng tìm thấy trong thơ ông sự trống rỗng, và ở trong cõi trống
rỗng ấy vang lên tiếng nói của im lặng.
Chiều
buông
đầy
những
thở
dài
Tình trạng vắng lặng, mênh mông ấy
là sự vô phân biệt, là lối đồng nhất giữa chủ thể và đối tượng, giữa con người
và xã hội. Giữa sự đề kháng quyết liệt và bao dung tha thứ.
Sự từ bỏ của Dương Tường và sự trở lại.
Nguyễn Đức Tùng
(Trong
chuỗi bài Đọc Thơ, bài 14)
Chú thích:
Tài liệu tham khảo:
Dương Tường, Thơ, NXB Hội nhà văn 2017
Louise Gluck, American Originality, NXB FSG 2017
Robert Hass, What Light Can Do, NXB Ecco 2012
Helen Vendler, Part of Nature, Part of Us, NXB Harvard
University Press, 1980
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ