Trang

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

ĐẶC TRƯNG TÍNH CÁCH CON NGƯỜI LA GI, BÌNH THUẬN - Phan Chính

   
           

           ĐẶC TRƯNG TÍNH CÁCH CON NGƯỜI LA GI

           Ở một đô thị nhỏ như La Gi, quanh quẩn chỉ mấy con đường không khó để gặp mặt nhau tình cờ rồi trở thành thân thiết. Con Sông Dinh từ tiền kiếp là một phần đời sống thiên nhiên của thị xã này, nay khép nép giữa đôi bờ vườn cây xanh, những chòm dừa luống tuổi rồi trườn mình ra đến biển. Đâu đó, bóng chiều phai nắng làm mơ màng màu nước sông trôi để thức tiếng chim bìm bịp gọi cơn nước lên. Như một yếu tố quyết định của người xưa khi tụ hội quần cư, mở đất lập nghiệp là dựa vào một dòng sông để trên bến dưới thuyền và trải đất đón phù sa bồi đắp. Nghề biển cũng thuận, làm nông cũng trù phú. 

          Địa bàn thị xã La Gi ngày nay khi ấy nằm trong đơn vị hành chánh huyện Hàm Tân phía nam Bình Thuận, đã có hai địa danh cư dân sớm nhất là làng Tam Tân bên dòng Sông Phan/Maly (Tân Hải) và làng Phước Lộc (hữu ngạn cửa Sông Dinh). Theo đó, dưới thời nhà Nguyễn lập ra dịch trạm Thuận Phước (Phước Lộc) và Thuận Trình (Tam Tân) nằm trong hệ thống liên lạc bưu chính bấy giờ. Gốc gác lưu dân đặt chân sớm nhất ở đây là người vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng giữa thế kỷ 18, cùng một số nhóm dân từ Phan Thiết vào lập nghiệp bằng nghề biển. Có tính qui mô về tổ chức hơn là các xứ đạo Thiên Chúa giáo Tân Lý (1885), Hàm Thắng/ Cù My (1887). Đến khi Pháp chiếm lục tỉnh thì có một số dân vùng lân cận đến đây lánh nạn, lập nghiệp. Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, La Gi- Hàm Tân là vùng căn cứ kháng chiến đã tiếp nhận dân lánh cư từ Hàm Thuận, Phan Thiết vào và từ Xuyên Mộc- Bà Rịa ra chọn đây làm đất “tỵ địa” nhưng cũng chỉ tập trung ở các cửa sông và đồng ruộng ven biển. Qua lịch sử hình thành đơn vị hành chánh tỉnh Phước Tuy từ Biên Hoà- Đồng Nai cho thấy mối quan hệ về cư dân rất rõ.Tại vùng đất La Gi xưa có địa danh Phước Lộc, nơi này có dịch trạm Thuận Phước. Nhưng xa xưa từ khi có huyện Tuy Định (1832) phía nam tỉnh Bình Thuận, đã có tên Phước Lộc phường thuộc Đức Thắng tổng (sau năm 1916 thuộc tổng Phước Thắng), tiếp giáp vùng đất trấn Biên Hoà. Nếu coi địa danh là “tấm bia lịch sử văn hoá của một vùng đất” theo PGS.TS Lê Trung Hoa thì có thể thấy, điều đặc biệt các địa danh xưa ở vùng đất đông nam bộ có rất nhiều địa danh với chữ Phước/ đứng đầu như Phước Tuy (Phước Bửu, Phước An, Phước Lễ, Phước Long, Phước Hải, Phước Tứ, Phước Hưng…) nay thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu. Cho nên cái chất “đông nam bộ” trong cộng đồng dân cư thuở đầu ở La Gi khá đậm nét trong tập quán, tính cách, nghề nghiệp và ngữ âm… của người dân bản địa. 
          Đến sau ngày có hiệp định đình chiến Genève 1954, thì làn sóng nhập cư của dân di cư Nghệ An, rồi các thời kỳ sau này dân miền Quảng Nam, Quảng Ngãi và QuảngTrị lần lượt vào theo chiến lược “dồn dân” của chính quyền Sài Gòn, sống bằng nghề nông là chính. Trong quá trình phát triển nghề biển, xuất hiện mới từng nhóm dân từ Bình Định đi theo họ hàng, nghề nghiệp.
          Từ những yếu tố cư dân tụ nghĩa như vậy cho nên địa phương La Gi rất khó tìm thấy nét đặc trưng về diện mạo nhân văn ở đây. Bởi lẽ trong sâu xa của mỗi con người, đặc biệt là người miền Trung dẫu tha phương từ thuở nhỏ, rồi sinh ra thế hệ con cháu vẫn còn thấm đậm tính cách “đất lề quê thói” trong phong tục, phong ngữ và thái độ ứng xử. Trong văn hóa thờ cúng, nghi lễ giỗ chạp, cưới hỏi, ma chay…tuy có hòa nhập với thời đại một chút nhưng cũng lấy cái cốt cách, gia phong để làm chuẩn mực, biểu thị lòng hiếu đễ, tôn kính.
          Từ năm 1955 đợt di cư gốc quê Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Thanh Dạ, Tân Yên (Nghệ Tĩnh)… theo đạo Công giáo đến La Gi, ban đầu chỉ có 32 hộ, rồi từ các trại tạm cư ở Sài Gòn nhanh chóng  hình thành các xứ đạo Vinh Thanh, Vinh Tân, Thanh Xuân, Tân Lập, Tân Tạo, Phước An. Làng biển Phước Lộc, Tân Long với tỷ lệ dân quê Bình Định khá đông vẫn còn nặng cái giọng “nẫu” của Phú Yên nghe cưng cứng nhưng lại thật thà, chân chất. Ở mỗi địa bàn đông dân cư cùng quê mới cảm nhận được cái nét riêng trong sinh hoạt, giao tiếp đó cho thấy một điều là thời gian không có ý nghĩa gì chi phối được phong cách tiềm ẩn trong đời sống, tập quán của họ. Qua thời gian, từ sự pha trộn, hài hoà trong mối quan hệ sinh hoạt xã hội đã làm nên đặc trưng cho người La Gi với giọng nói mang một chút âm sắc miền Trung, một lơ lớ ngữ âm Nam bộ nên nghe chậm rãi, nhẹ nhàng và truyền cảm. Nếu đem nhận xét của nhà thơ Xuân Diệu: “Giọng Thanh Hóa là giọng miền Bắc phai đi/ Giọng Phan Thiết là giọng miền Nam sắp sửa” thì không có sự tương đồng với người La Gi bởi ở đây là một vùng đất mới, đã hình thành một diện mạo văn hóa khá phong phú phong phú và đa dạng.
          Qua giọng nói cũng có thể nhận ra tính khí con người đứng đầu sóng ngọn gió của vùng miền.Dù trong nhà hay ngoài quán tiệm người vùng biển vẫn thoải mái nói năng bởi cứ sợ người đối diện không kịp nghe do tiếng sóng gió ùa vào. Người Nghệ Tĩnh sống ở nơi được coi là có một nền văn hóa thống nhất. Có thể khá đầy đủ qua lời học giả Đặng Thai Mai: “Can đảm đến sơ xuất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tần tiện đến cá gỗ”. Từ đó họ mới có được phẩm chất về ý chí, bản lĩnh, thẳng thắn và giàu lý tưởng. Có dịp ghé qua phường Phước Lộc gần như người gốc Bình Định chiếm phần đông. Hỏi ra vùng biển Đề Gi ngoài quê cũng có địa thế tương tự như ở đất này. Thừa hưởng khí phách anh hùng Tây Sơn- Nguyễn Huệ, say mê nghệ thuật hát bội nên lễ hội cầu ngư, vía Bà hàng năm trở thành ngày hội lớn của ngư dân vùng biển La Gi. Không lẫn đâu được, người Quảng Trị ở xóm Gio Linh, Mũi Đá (Tân Phước) chỉ là một phần của cộng đồng cư dân Tân Hà, Sơn Mỹ nhập cư ồ ạt từ năm 1972 và bất cứ cơ quan, doanh nghiệp nào ở địa phương cũng có thể bắt gặp qua giọng nói còn nặng phong thổ của miền đất quanh năm khô khốc, bão giông. Có lẽ vậy mà người Quảng Trị dù nay đến đời con, đời cháu vẫn còn quen ăn cay, món kho đạm bạc, ưa tranh luận nhưng rất chịu nhẫn nhịn, ai cũng phải nể phục về ý chí vượt khó, công danh bằng con đường học hành. Thoáng qua, khó mà phân biệt đâu là giọng Quảng Ngãi với Quảng Nam. Nhưng trong quan hệ thân tình sẽ dễ thấy ở người Núi Ấn- Sông Trà, lời nói “mía ngọt đường nhiều”, không chịu thua ai, trọng hình thức, chi li, cơ cực vẫn lạc quan. Có một phần gần với tính cách Quảng Nam là tinh thần hiếu học, đề cao lễ nghĩa và rất sính thi ca. Đợi dịp là có ngay vài câu hoặc cả bài cất trong bụng dạ tự bao giờ đem ra bộc bạch. Cho nên có người chọc vui: “Quảng Nam núi phủ mây mờ/ Kinh doanh thì ít làm thơ thì nhiều”. Nói thế chứ không ít người thành đạt, giàu có ở La Gi là dân gốc xứ Quảng.
           Nay tất cả đã trở thành người con của đất La Gi, giản dị, khiêm tốn cho nên rất khó thấy được cái nét riêng cho một địa phương đúng nghĩa, trừ cách phát âm về địa danh La Gi (la di/ zi) để phân biệt với khách xa mới đến, chỉ gọi La Gi là “la-ghi”, nghe lạc lõng! Đặc điểm khác, có lẽ người La Gi đã chắt lọc, tập họp được những đức tính, lối sống có giá trị nhân văn của dân nhập cư khắp các vùng miền và thừa hưởng một môi trường thiên nhiên hào phóng nên có tính hào hiệp, thương người, cởi mở, cả tin, không so đo hơn thiệt, coi trọng thủy chung…Bản sắc văn hóa, tính cách con người La Gi ngày xưa thường biểu lộ niềm tự hào truyền thống “Ngũ Quảng lưu dân”, thì nay không còn ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội nữa, bởi qua các thời kỳ cư dân tứ xứ đến đây với thái độ chọn lựađất lành chim đậu”, thật sự đã dung hợp được một diện mạo mới của La Gi, bổ sung cho nhau từ những giá trị tính cách vùng miền. Đó là đặc trưng văn hóa của một La Gi ngày nay, hội nhập và sinh động.

                                                                              Phan Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ