Trang

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

TÂM SỰ NGƯỜI Ở LẠI TRONG THƠ LÊ ĐÌNH HẠNH VÀ THẾ LỘC - Châu Thạch


           
           Nhà bình thơ Châu Thạch
 
         TÂM SỰ NGƯỜI Ở LẠI 
         TRONG THƠ LÊ ĐÌNH HẠNH VÀ THẾ LỘC
                                                                      Châu Thạch

Sau cuộc chiến dài 20 năm gây ra biết bao nhiêu tang tóc cho đất nước Việt Nam. Đến tháng 4 năm 1975, phe miền Nam thua, phe miền Bắc thắng. Những chiến binh của quân đội miền Nam, lính thì cải tạo ngắn ngày rồi trở lại đời thường sinh sống, quan thì từ giả vợ con lên núi cao cải tạo nhưng thực chất thì mang một kiếp sống tù binh, lao động khổ sai phá rừng để trồng trọt, đốn cây lấy gỗ trong điều kiện khó khăn, đói khổ. Có kẻ vài năm, có kẻ trên mười năm lao dịch khổ sai. Thế rồi đến một ngày họ được “phóng thích”  được trở về với gia đình. Một số trong họ khi trở về, đã theo chân những đoàn người vượt biên, vượt biển đào tẩu vượt thoát  rời bỏquê hương và may mắn được đặt chân đến đất người. Một số khác, hạnh phúc hơn, được sự thỏa thuân của hai phía cho họ rời bỏ quê hương hợp pháp, tái định cư ở nhiều miền  khác nhau bên trời Âu Mỹ. Xấu số hơn là những người ở lại, họ có cảm tưởng mình như những con chim ở trong lồng, dầu đó là lồng son.  Những con chim đó còn bị mang trên cổ mình chiếc vòng rất nặng, đó là cái  lý lịch ba đời: đời họ, đời con họ và đời cháu họ. Họ mừng cho bạn  được ra đi, như con chim tung cánh bay về miền đất hứa mà nó yêu thích, nhưng tất nhiên trong lòng  cũng có một nỗi buồn trĩu nặng. Họ cảm thấy xót xa bởi nhận thấy sự bất công làm đè nặng tâm hồn. Cùng một hòan cảnh, cùng một kiếp nạn mà người thì được ưu tiên, người thì bị bạc đãi. Lê Đình Hạnh và Thế Lộc là hai sĩ quan trong quân đội miền Nam bị ở lại. Họ là thi nhân. Họ có những bài thơ chất chứa tâm sự mà đọc nó, ta hiểu được phần nào những gì xảy ra trong lòng họ. Trước hết hãy đọc bài thơ “Vòng Đời” của Lê Đình Hạnh:



       Nhà thơ Lê Đình Hạnh

   VÒNG ĐỜI

   Người bỏ ta đi - ta bỏ người… ở lại
   Nỗi buồn riêng “thân ngựa đã xa bầy”
   Mây còn nhớ quay về thăm đỉnh núi
   Còn người… như là gió heo may

   Nhớ mà chi núi đồi đã khuất
   Tiếc mà chi một gánh bỏ bên đường
   Anh cuốn cờ - xếp giáo - buông cương
   Tôi đốt áo, tro tàn nay đã lạnh

   Sông ngày xưa chia thành trăm nhánh
   Người sông xưa vứt gánh mộng bên trời
   Một vòng đời có được mấy vòng chơi?!

Đối tượng của bài thơ là “Người”. Đọc thơ ta biết Người có thể là một chiến hữu nào đó thân thiết với anh năm xưa. “Người” cũng có thể ám chỉ cho tất cả các chiến hữu của quân đội Miền Nam đã bỏ anh ra đi trong dầu sôi lửa bỏng.
Bài thơ được nối tiếp bằng những câu thơ u uẩn, chất chứa nỗi bi quan cùng cực. Nhà thơ nói như bất cần, nói như bỏ hết nhưng thật ra không bỏ được một điều gì. Trong thâm tâm Lê Đình Hạnh biết bạn mình có lý do nên lời trách móc thật là nhẹ nhàng, cốt chỉ để bày tỏ tấm lòng thương nhớ của kẻ ở lại với người đi xa như trong thơ Tản Đà mà thôi: “Nước đi, đi mãi non còn trông theo”. Chữ “bỏ” trong thơ Lê Đình Hạnh chỉ để nhấn mạnh một sự hy sinh bắt buộc mà lòng đau dạ xót vô cùng. Sự “bỏ” đó cũng giống sự sang sông đầy đau khổ của chàng trai trong “Tống Biệt Hành”, thơ Thâm Tâm:

   “Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
   Mẹ thà coi như chiếc lá bay…
   Chị thà coi như là hạt bui…
   Em thà coi như hơi rượu cay!”

 Thật ra. Lê Đình Hạnh chỉ mượn cớ trách người, để khóc cho vơi những chất chứa trong lòng. Anh khóc cho sự “Cuốn cờ - Xếp giáo – Buông cương”. Anh khóc cho “Sông ngày xưa chia thành trăm nhánh / Người ngày xưa vứt gánh mộng bên trời”.
Bài thơ tuy ngắn, khổ cuối cùng chỉ có ba câu, ba câu thơ như cắt ngắn cuộc đời, như cắt ngang suy tư, lại có tác dụng kéo lê nỗi niềm của một kiếp sống triền miên trong u uẩn, dằn co  một triết lý sống đích thực với sự phi lý, vô nghĩa trong cõi đời nầy.

Nhà thơ Thế Lộc là bạn của Lê Đình Hạnh. Cảm kích bài thơ của bạn mình, anh sáng tác một bài thơ gần như họa theo, để gởi thêm vào đó những nỗi niềm nằm trong sâu thẳm của con tim mình:


               Nhà thơ Thế Lộc

    LỜI NGƯỜI Ở LẠI

    Người đã ra đi
    Ta ngậm ngùi ở lại
    Buồn chao ôi, chim Nhạn đã xa bầy
    Chim có lúc bay về thăm đỉnh núi
    Chuyện ngày xưa như áng mây trôi

    Nhớ mà chi, tiệc tàn rượu hết
    Tiếc mà chi áo trận bỏ bên đường
    Cung kiếm đời trai mã chiến buông cương
    Chiến bào đốt tro tàn nay đã lạnh

    “Sông ngày xưa chia làm trăm nhánh”
    “Người ngày xưa vứt gánh mộng bên trời”
    Ta một mình cố quận bỏ cuộc chơi
    Lòng trĩu nặng u hoài nghe ray rứt

    Người ra đi có bao giờ tỉnh thức !
    Một lần thôi, nhắc nhở chuyện ngày xưa
    Một lần thôi, như nắng sớm chiều mưa
    Như một chỗ để về Người hôm ấy
    … Sông vẫn chảy và trong ta vẫn vậy.

Có thể nói rằng hai tâm hồn Thế Lộc và Lê Đình Hạnh đồng điệu với nhau. Họ là tri kỷ nhau vì cùng mang chung một niềm đau, cùng chất chứa một tâm sự buồn vấn vương lê thê trong cuộc sống. Tuy thế họ vẫn có cái khác nhau.
Khác ở chỗ tiếng thơ của Lê Đình Hạnh nghẹn ngào còn tiếng thơ của Thế Lộc thì cố giữ lại niềm kiêu hãnh trong lòng. Lê Đình Hạnh muốn bỏ hẳn nhưng mà vẫn nhớ. Thế Lộc thì không muốn quên quá khứ mà muốn nhớ hoài. Khi nhà thơ hỏi “Người ra đi có bao giờ tỉnh thức / Một lần thôi,  nhắc nhớ chuyện ngày xưa/ Một lần thôi, như nắng sớm chiều mưa / Như một chỗ để về Người hôm ấy” là anh muốn nói với bạn mình kẻ chiến thắng lập những đài tưởng niệm để tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong của họ, còn ta,  kẻ thua cuộc không có quyền làm điều đó thì hãy lập những đài tưởng niệm trong tim mình để nhớ những đồng đội đã ngã xuống trên chiến địa, nghiã là chính anh muốn nhớ, không quên một thuở hào hùng, tuy rằng trên miệng anh vẫn nói “Nhớ mà chi, tiệc tàn rượu hết / Tiếc mà chi áo trận bỏ bên đường”.
Lê Đình Hạnh buồn cho người ra đi biền biệt như ngọn gió heo may một lần thổi qua rồi xa mãi. Còn Thế Lộc u hoài nhìn lại cuộc chiến đã đi qua mà buồn cho thân phận một đời người, nhà thơ nhìn lại quá khứ “trôi đi như áng mây”, cái quá khứ vàng son không quay về mà tương lai đổ vỡ, bóp nát  một đời người đang dằn xé ở trong lòng.
“Lời người ở lại” của Thế Lộc có đoạn kết tròn trịa. Điều đó chứng tỏ trong anh đã chiêm nghiệm và chấp nhận những gì đã đến và đã đi. Nhà thơ muốn giữ điều đó mãi mãi trong dòng sông ký ức của mình để làm một nỗi đau mà có khi, nỗi đau đó làm cho mình trường đời hơn, lớn hơn trong cuộc sống và tâm hồn.

Cuộc chiến đã qua lâu rồi. Chiến bào đốt ngày ấy thành tro tàn nay đã lạnh. Người ra đi ở nơi ưu ái, dễ dàng để viết tất cả những gì muốn viết. Người  ở lại dầu sao cũng phải cố sống hòa nhập, dấu kín tâm sự của mình vì còn sợ biết bao nhiêu hệ lụy. Cảm ơn đời, cảm ơn thời cuộc, nay người ở lại có thể thổ lộ ít nhiều tâm tư của mình mà không ngại mấy những hệ lụy lại đến tiếp trong đời.

Hai bài thơ và bài viết của Châu Thạch chỉ muốn gởi vào đời một chút tâm sự để người thắng cuộc, người thua cuộc, người ra đi hiểu thêm một chút về người ở lại, để thông cảm nhau, yêu thương nhau vì cùng chung dòng máu Lạc Hồng đang chảy luân lưu trong huyết quản.

                                                                               Châu Thạch              

2 nhận xét:

  1. DVD sang thăm nhà, chúc PĐ vui khỏe, an lành! :)

    https://dovaden2010.blogspot.com

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày mới vui thật nhiều bạn nhé!

      http://2.bp.blogspot.com/-dkk990DI798/TeNv1jBAI5I/AAAAAAAADA4/t2LTzPHPXf4/s1600/dayofweek-30.gif

      Xóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ