LA GI ĐẤT CỦA NGƯỜI TỨ XỨ
Lần theo bước chân của Tư nghiệp Nguyễn Thông khi nhận
chức Doanh điền sứ Bình Thuận (1877) đã lặn lội tận cùng núi cao hiểm trở từ
phía tây Bình Thuận qua hướng bắc Biên Hòa, hết lòng với công việc của nhà quy
hoạch. Những địa danh có từ trước đó sống lại trên trang sớ dâng vua
"Nghĩ thỉnh thượng du đồn khẩn sự nghi sớ" (sớ xin lập đồn điền
khai khẩn vùng thượng du). Khi đề xuất mở tuyến đường nối biển với vùng cao,
Nguyễn Thông có nói đến các địa danh như La Di thuộc Hàm Tân và ước lượng
quãng đường dài tính bằng đêm xe trâu đi. Rồi ở vùng lân cận đã có Bác Dã (Đồng
Kho), Lạc Hải (Biển Lạc) thuộc Tánh Linh và Cao Cương (La Ngư), Thiển Môn (Cửa
Cạn) thuộc Hàm Thuận Nam, Hàm Tân có Canh Man (Sông Phan ?)…Tất nhiên có những
cơ sở từ sử liệu Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán nhà Nguyễn (1802-
1845) mà Nguyễn Thông tiếp tục trong quá trình khảo sát thực địa.
Cũng có người liên hệ một số địa danh trong
tỉnh như La Gàn, La Dạ, La Ngâu, La Ngà… với La Gi rồi suy diễn đây là đất
thiên di của người Chăm hay người dân tộc miền núi? Ngoài cảnh quan Hòn Bà (đảo
Thiên Y) có tượng đá A- Diễn-Bà gọi là đền thờ Bà Chúa Ngọc mang gốc gác tín
ngưỡng và truyền thuyết của người Chăm. Còn cả một vùng đất rộng chỉ cách bờ
biển không đầy mười cây số thì có vài nhóm sắc tộc thiểu số miền núi Rắclây,
Kơho, Châuro… và người Chăm định cư ở Lạc Tánh, Sông Phan, Suối Kiết, Hiệp
Nhơn, Phò Trì… Cộng đồng cư dân La Gi chỉ hình thành khi có hệ thống dịch trạm
được thiết lập ở Tam Tân (Thuận Trình), Hàm Thắng (Thuận Phương) và Phước Lộc
(Thuận Phước) nằm bên hữu ngạn cửa sông La Di. Các dịch trạm ở La Gi đều chiếm
vị trí cửa biển. Do đó có ba khu vực dân cư lâu đời nhất là Tam Tân, La Gi, Hàm
Thắng. Từ đó nhà truyền đạo Công giáo Huỳnh Công Ẩn đã đến lập họ đạo ở Tân Lý
(1885) rồi sau đó là Cù Mi (từ địa danh Chăm là Pumi) - Hàm Thắng (1887). Thuở
ấy đất đai phía nam Bình Thuận nằm lấn sâu vào địa bàn Bà Rịa hiện nay, kể từ
ngày 7-11-1905 toàn quyền Đông Dương quyết định đem phần đất này gọi là Khánh
Sơn và 3 xã của người thiểu số Hùng Nhơn, Nhu Lâm, Thừa Tích (tức Bàu Lâm, Bưng
Riềng, Bông Trang, Hòa Hiệp, Hòa Bình, Hòa Hội…thuộc huyện Xuyên Mộc ngày nay)
nhập vào tỉnh Bà Rịa với cớ không thu được thuế cho chính phủ Nam triều nhưng
trong sâu xa là gặp sự chống đối mạnh của nghĩa quân chống Pháp.
Đất
đai Hàm Tân thì rộng nhưng dân cư chỉ phát triển theo các cửa sông và từ sau
cách mạng tháng 8/1945 mới định hình một vùng căn cứ kháng chiến chống Pháp.
Không có gì lạ khi cư dân với cuộc sống chỉ dựa vào nghề biển trong điều
kiện ghe thuyền quá thô sơ mà biển lại mênh mông, sinh mạng con người trở nên
bé bỏng với bao thảm họa nhưng kề cạnh đất đai trù phú rồi gắn bó cho cuộc sống
nông nghiệp sau này.
Lập huyện Hàm Tân
Thời
phong kiến, những người có tầm nhìn xa khi đến đây lập nghiệp, bằng sức lực,
quyền thế, tiền của mở rộng thêm phần "điền thổ" của mình rồi quy tụ
bà con họ tộc. Có trường hợp mua chức làng để thống trị dân đinh xiêu tán. La
Gi ban đầu chỉ là tên gọi một đồn binh có lính xích hậu canh gác ở cửa tấn La
Di. Nơi này có đặt dịch trạm (Thuận Phước) mà con sông đó không biết từ bao giờ
lại đổi thành sông Dinh (theo người Chăm, sông Dinh là Karaung-tìng và con sông
nào chảy qua khu đông cư dân thường gọi sông Dinh), phát nguồn từ núi Ông (Tánh
Linh) dài trên 100km, nhưng chảy ngang địa bàn Tánh Linh, Hàm Tân- La Gi dài
khoảng 46 km, là con sông lớn nhất phía nam tỉnh. Liên quan đến địa danh Phước
Lộc, có tư liệu cho rằng xuất hiện từ thời Tả quân Lê Văn Duyệt trong cuộc phò
vương đức Thế tổ Gia Long. Khi Hàm Tân là một đơn vị hành chánh cơ sở (làng)
thuộc tổng Đức Thắng (Hàm Thuận) và đến
năm Bính Thìn 1916 thành lập huyện mới, có 2 tổng: tổng Phong Điền (có các
làng Phong Điền, Hiệp Nghĩa, Tam Tân, Tân Lý) và tổng Phước Thắng (có các làng
Phước Lộc, Hàm Tân, Phò Trì, Hàm Thắng,Thắng Hải). Huyện đường đặt trên phần
đất làng Hàm Tân nên trở thành tên huyện. Trên những giấy tờ đất đai và con dấu
dưới thời Pháp thuộc, đến năm 1945 còn ghi chữ đầu của: làng (V-Village) Hàm
Tân, tổng (C-Canton) Phước Thắng, huyện (H…) Hàm Tân, tỉnh (P-Province) Bình
Thuận (trong các từ điển Việt-Pháp trước 1975 (của Đào Đăng Vỹ, Thanh Nghị), từ
Huyện không dịch- vẫn là Huyen).
Về địa
danh hành chánh Hàm Tân nếu hiểu theo từ Hán -Việt thì có 7 từ Hàm là chứa
đựng, bao bọc, cái khớp miệng, cấp bậc v.v…không thể kết hợp với thành tố sau
(tức Tân là mới) để tạo nên địa danh Hàm Tân. Cho nên có giải thích vì huyện
Hàm Tân là một phần đất của phủ Hàm Thuận tách ra (nhiều làng xã bắt đầu bằng
chữ Hàm) và chữ Hàm của Hàm Thuận xuất phát là một từ của Chăm, là Hamu (ruộng)
bởi Hàm Thuận là vùng ruộng có đông người Chăm sinh sống. Theo đó, địa danh Hàm
Tân có từ chữ Hàm (hamu), ở đây được kết hợp với từ Hán- Việt là Tân.
Nói đến
địa danh xưa, cũng tại Sớ xin lập đồn điền của Nguyễn Thông có đề cập đến xã
Cao Cương, tổng Bình Tuy, theo mô tả ở vào khu vực thượng nguồn La Ngà, giáp Đồng
Nai (bản đồ Bình Thuận 1910, Địa bạ-NĐĐ) thuộc phủ Phước Long thống hạt. Điều
đáng ngạc nhiên hơn là từng có địa danh Bình Tuy trước khi Ngô Đình Diệm cầm
quyền dưới thời Mỹ chiếm đóng miền Nam đã ký sắc lệnh số 143/NV ngày 26/10/1956
thành lập tỉnh Bình Tuy gồm một phần đất của Bình Thuận, Long Khánh và Lâm
Đồng… nhưng có người giải thích tỉnh Bình Tuy là ghép bởi 2 tỉnh Bình Thuận và
Phước Tuy thì không phù hợp. Thực ra địa danh Phước Tuy (phủ Phước Tuy có dưới
thời Minh Mạng thứ 18-1837) cũng là đơn vị hành chánh cấp tỉnh được thành lập
cùng lúc với tỉnh Bình Tuy. Phải chăng Bình Tuy có từ một địa danh xa xưa được
sử dụng lại? Có thể nhầm lẫn đơn vị hành chính từ huyện ra phủ do biên dịch vì tổ
chức hành chánh xưa- trước năm 1910, dưới phủ là huyện, tổng, làng. Cũng dễ tạo
ra sự phân vân bởi hiện nay cách viết địa danh theo suy diễn hoặc cố ý làm mới
như Tà Cú thành Tà Kóu, Tà Dôn viết Tà Zôn, Bà Đặng ra Tà Đặng, Kô Kiều hóa Cầu
Kiều…
Đọc và viết La Di
hay La Gi
Địa danh La Di, Hàm Tân đã có từ trước khi triều đình nhà Nguyễn đổi dinh Bình
Thuận thành tỉnh gồm 2 phủ Hàm Thuận, Ninh Thuận và 4 huyện. Lúc ấy Hàm Tân chỉ
là một làng thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Định rồi Tuy Lý (đổi từ huyện Tuy
Định 1854), thuộc phủ Hàm Thuận. Sau đó, năm Thành Thái thứ 13 (1901) trích 2
tổng Cam Thang, Ngân Chử và một phần đất Tuy Lý để lập huyện Tánh Linh. Tại một
dụ số của Duy Tân và được toàn quyền Pháp chuẩn y ngày 3.5.1916 thành lập Trung
kỳ tách ra một tỉnh là Lâm Viên và lập thêm một số huyện mới, trong đó có Hàm
Tân trên phần đất còn lại của Tuy Lý. Điều này cũng phù hợp qua ký ức của những
người cùng thời và trên các văn tự hiếm hoi.
Thời gian có tác động
khá lớn đến diện mạo đời sống xã hội và làm thay đổi một số địa danh do yêu cầu
tổ chức hành chánh. Như Hàm Tân có lúc chỉ còn mấy xã vùng ven vào thời chế độ
cũ. La Gi nằm trong xã châu thành Phước Hội. Sau giải phóng 1975, La Gi chia
làm 2 xã Hoà Lợi, Thọ Lộc nhập lại thành xã Tân Hoà rồi lên thị trấn La Gi.
Cũng như làng Tam Tân lại mang tên Tân Tiến dù là một địa danh vừa lâu đời, vừa
có những dấu ấn lịch sử đáng trân trọng. Gần đây, những nhà nghiên cứu tâm
huyết đều tán đồng việc trở lại địa danh xưa khi đặt tên công trình, tên đường,
tên thôn xã… dù là địa danh đó nghe có vẻ quê mùa, chân chất. Như Duồng, Tà
Mon, Ngã Hai, Sông Mao, Suối Nhum… lại có giá trị lịch sử và sâu nặng trong
tình cảm của con người ở đó. Với xu hướng cách tân, ý tưởng "phả hệ"
cho bộ máy hành chánh mà đặt tên xã đồng nhất một chữ đầu như Tân, Hàm, Thuận,
Tiến, Hiệp… tuy có cái hay nhưng cũng bất cập về mặt lịch sử. Thực ra Tam Tân
là tập hợp 3 làng Tân Quý, Tân Hải và Tân Hoàng (còn gọi là Tân Ngươn) trải dài
theo hữu ngạn sông Maly. Từ xa xưa nơi ấy có đồn binh trong bối cảnh hoang sơ
qua câu thơ:
Phong táp sơn yêu truyền pháo hưởng
Triều
phiên hải giác trợ bề thanh.
Tạm dịch
:
Gió giật sườn non rền tựa súng
Sóng
dồi góc biển trống dồn vang.
Rõ ràng từ La Di cũng không thể là từ Hán
Việt hoá, nếu liên hệ các địa danh trong tỉnh như La Gàn, La Dạ, La Giang, La
Ngâu, La Ngà… và ở tỉnh Ninh Thuận, ngày xưa cũng có con sông La Gi tức Sông
Pha (Krông Pha) thì nghĩ đến những địa danh này có nguồn gốc của dân tộc miền
núi hoặc Chăm. Theo người Chăm cũng có địa danh Ladik, có thể là La Di? Nhưng
vì sao từ Di lại trở thành Gi, ở Phù Cát (Bình Định) có một làng biển cũng có
tên Đề Gi, xưa thuộc huyện Phù Ly. Trước năm 1975 có cuốn sách với tựa
"Nguồn gốc Mã Lai" của nhà văn Bình Nguyên Lộc đề cập đến địa danh La
Gi và đã suy luận nhưng không mấy thuyết phục "có lẽ là Sagi đánh nhau với
Sanla, tức lại còn đánh nhau với Chân Lạp" và ông viết "từ câu Camy
La gi lì cá y, từ riêng của Chăm (đàn bà mà còn là đàn ông). "La
Gi" có nghĩa lại còn, mà vùng đất này xưa là của Phù Nam, rồi của Chăm. Cả
hai dân tộc đều nói tiếng Mã Lai đợt nhì".
Rất nhiều địa danh không thể nào xác định
được nguồn gốc dân tộc, ý nghĩa thực vì không theo một nguyên tắc nào cả, mà
đây là trường hợp thuộc qui luật biến đổi qua nhiều hình thức ngữ âm, từ một
tên gọi địa phương rồi được chuyển hoá thành địa danh hành chánh. Nhưng với
nhiều căn cứ có thể xác định các địa danh trên đất Bình Thuận hầu như chịu ảnh
hưởng từ địa danh Chăm (Địa bạ-Nguyễn Đình Đầu). Do đó rất dễ nhầm lẫn nếu chỉ
căn cứ hình thức ngữ âm và chính tả hiện tại để diễn giải, suy luận. Trong đó,
địa danh La Gi không nằm trong nguyên tắc phân loại thông thường, cũng không
theo tiêu chí tự nhiên.
PHAN CHÍNH
Thân chúc quý bạn cùng thân quyến năm mới Mậu Tuất 2018 an khanh hạnh phúc !
Trả lờiXóahttp://4.bp.blogspot.com/-EXcyVKnlwAA/VOQsuEUpRBI/AAAAAAAADNE/n9J4F7ZhsvQ/s1600/Movehjk.gif