Trang

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

CÔ NGUYỄN THỊ NHÃ, GIÁO SƯ DẠY VIỆT VĂN TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG - Đoàn Đức


         

CÔ NGUYỄN THỊ NHà
(Dạy Việt Văn lớp Đệ Lục 2 (Lớp 7) và Đệ Tứ 2 (Lớp 9), NK 1961-1964 - Chủ nhiệm lớp Đệ Tứ 2)

Cô giáo thời Đệ Nhất Cấp tôi quý mến nhất là cô Nguyễn Thị Nhã, là người chú tâm huấn luyện học sinh giỏi luật thơ và trở thành người biết phê bình văn học. Năm Đệ Lục, khi dạy thơ Bà Huyện Thanh Quan cô giảng luật thơ Đường Thất ngôn bát cú rất kỹ, cô nói thể thơ gồm bảy chữ tám câu, luật trắc vần bằng và luật bằng vần bằng. Thứ tự câu gồm : Phá đề, thừa đề, thực, luận và kết. Về niêm thì chữ thứ hai câu một niêm với chữ thứ hai câu tám, câu hai niêm với câu ba, câu bốn niêm với năm và câu sáu niêm với bảy, và cùng thanh bằng hay trắc. Về đối thì chỉ đối ở hai câu thực và hai câu luận. Khi đối thì danh từ đối với danh từ, động từ với động từ, trạng từ đối với trạng từ; từ Việt đối vời từ Việt, từ Hán đối với từ Hán; và còn phải đối ý nữa :

     Gác mái ngư ông về viễn phố.
     Gõ sừng mục tử lại cô thôn
           (Chiều Hôm Nhớ Nhà)

Về luật bằng trắc trong câu thơ thì: “Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”. Chú ý luật “quân bình tam phân”, nếu ở giữa chữ thứ tư là bằng thì ở hai đầu chữ thứ hai và sáu là trắc; và ngược lại. Từ đó ta ráp các chữ trắc hay bằng vào là đúng luật thơ của một bài Đường thi. Vần bằng gồm không dấu và dấu huyền. Vần trắc gồm các chữ dấu sắc, hỏi, ngã, nặng. Về vần thì các câu một hai bốn sáu tám vần với nhau. Nhưng thường là vần thanh bằng. Để học sinh khi đi thi chắc chắn làm trúng bài, cách dễ nhất là thuộc lòng hai bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Luật trắc vần bằng thì thuộc bài Qua Đèo Ngang Tức Cảnh Luật bằng vần bằng thì thuộc bài Chiều Hôm Nhớ Nhà.

Đến bây giờ học sinh có học với cô đều nắm vững luật thơ. Về cách đối cô cũng có đề cập: Không chỉ trên dưới đối nhau mà còn đối liên châu nữa, nghĩa là câu trên đối với câu dưới như thường lệ mà còn đối ngang ngay trong một câu và đối chéo với nhau nữa. Loại đối nầy chỉ ứng dụng trong các câu đối hay là các bài phú :

     Chi chi ngũ bách niên tiền, bích thủy thanh sơn hà xứ tại.
     Tại tại tam thiên giới ngoại, đào hoa lưu thủy cánh hà chi.

     Đi đi đâu năm trăm năm trước, nước biếc non xanh ở chỗ nào, 
     Ở ở ngoài cõi ba ngàn thế giới, hoa đào nước chảy lại đi đâu.

Lên lớp Đệ Tứ cô dạy Truyện Kiều, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương; tôi chỉ nhớ cô giảng Kiều có khác với sách Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim:

Bản Bùi Kỷ :

     Cảo thơm lần giở trước đèn, 
     “Phong tình cổ lục” còn truyền sử xanh.

Và chú giải “Phong tình cổ lục” là bộ sách xưa nói về chuyện phong tình. Theo cô Nhã, có bản khác viết:

     Cảo thơm lần giở trước đèn, 
     Phong tình có lúc còn truyền sử xanh

Nghĩa là phong tình chỉ là một chuyện tầm thường, nhưng có lúc vẫn được truyền theo sử xanh.
Câu khác của bản Bùi Kỷ:

     Thâm nghiêm kín cổng cao tường
     Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.

Theo Cô, bản của Tản Đà đúng hơn :

     Thâm nghiêm kín cống cao tường, 
     Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.

Như thế mới cân xứng và hợp ý vì:
Kín cống hợp ý với cạn dòng lá thắm, theo điển tích thả lá đề thơ của Vu Hựu. Cao tường hợp ý với vế dưới dứt đường chim xanh.

Và một câu khác là :

     Một hai nghiêng nước nghiêng thành
     Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

Tất cả các bản Kiều, từ Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Bùi Khánh Diễn… cho đến bây giờ Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong Thả Một Bè Lau đều giảng: Về sắc đẹp chỉ có một mình Kiều, về tài năng thì có thể có một người thứ hai. Cô Nhã giảng trái lại: Sắc “đành đòi một” thì có thể có một người theo kịp, còn tài “đành họa hai” thì họa đâu mà có người thứ hai, nghĩa là chỉ có một mình Thúy Kiều. Về người đẹp bên Tàu có Tây Thi, Bao Tự, Ly Cơ, Điêu Thuyền. Còn tài như Kiều chưa thấy có người xuất hiện trong lịch sử. Hãy nghe:

     Thông minh vốn sẵn tư trời, 
     Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
     Cung thương làu bậc ngũ âm, 
     Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
     Khúc nhà tay lựa nên chương, 
     Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.

Tài của Kiều đến quan phủ cũng phải thốt lên :

     Khen rằng: “Giá đáng Thịnh Đường, 
     Tài nầy sắc ấy nghìn vàng chưa cân.”

Ngay cả Hoạn Thư cũng phải khen :

     Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài

Và Đạm Tiên cũng phải công nhận :

     Ví đem vào tập đoạn trường, 
     Thì treo giải nhất chi nhường cho ai.

Như vậy Thúy Kiều đi đến đâu cũng được đề cập đến tài, và người ta phục tài của nàng hơn là sắc. Tôi hoàn toàn ủng hộ lý luận của cô Nhã, nhà phê bình không thể cứ đi trên lối mòn, mà phải đứng trên vai ông khổng lồ để thấy xa hơn.

Về hình thức, cô nói lục bát là thể thơ Việt Nam, được sử dụng nhiều trong ca dao. Có lục bát chính thể và biến thể. Lục bát chính thể dùng trong văn chương bác học như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai. Còn lục bát biến thể chỉ xuất hiện trong ca dao hay thơ mới :

     Thân em như cái sập vàng, 
     Anh như manh chiếu rách giữa đàng bỏ quên.
     Lạy trời cho gió cả lên, 
     Cho manh chiếu rách trải lên trên sập vàng.

Còn tiết tấu của lục bát luôn là nhịp hai, tuy nhiên trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã biến đổi tiết tấu một số câu lục thành nhịp ba tạo nên diễn tiến nhịp điệu để diễn tả nỗi lòng, cảm xúc, hình ảnh độc đáo hay tình huống đặc biệt cho một câu hay một đoạn, nhờ vậy mà nó tôn vinh không những cho tiết tấu mà còn cho ý nghĩa của câu bát nữa:

Tả vẻ đẹp chị em Kiều:

     Mai cốt cách, tuyết tinh thần.
     Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười

Tả hình ảnh bóng ma Đạm Tiên:

     Sương in mặt, tuyết pha thân
     Sen vàng lãng đãng như gần như xa

Nhấn mạnh lời thuyết phục của Hoạn Thư :

     Thiếp dù vụng, chẳng hay suy
     Đã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười

 Kiều ai oán trả lời Hồ Tôn Hiến:

     Còn chi nữa, cánh hoa tàn
     Tơ lòng đã dứt dây đàn tiểu lân

Nếu đọc theo nhịp hai thì những câu thơ nầy trở nên vô nghĩa, hoặc phải đổi dấu chính tả.

Cô Nhã rất có cảm tình với ba đứa: Đức, Thắng và Nghĩa, vì chúng tôi không những chăm chỉ học những gì cô giảng mà còn phát huy những gì cô dạy trong luận văn hay bài phân tích phê bình. Tình cảm của cô chia đều cho ba đứa bằng nhau; vì thế đến mùa hè lớp Đệ Tứ cô đổi về Huế dạy, trước khi đi cô tặng ba đứa ba bức hình chân dung của cô mới chụp, phía sau đề một câu như nhau, chỉ đổi thứ tự tên mà thôi :“Cô thân tặng Đức Thắng Nghĩa, tam anh Vườn Đào xứ Quảng”. Có lẽ cô muốn chứng tỏ là không thiên vị người nào cả trong ba đứa, nhưng tình cảm làm sao cân đo đong đếm được, xin cám ơn cô!

Viết về cô Nhã, tôi xin nhường cho nhiều người khác nữa cùng khối lớp. Ngay trong lớp Đệ Tứ hai cũng thế, như Nguyễn Văn Phụ hay nhà báo Văn Chương là những người giỏi văn và viết hay, mà ngày xưa cô mua áo sơ mi rồi nhờ Đỗ Tư Nghĩa chuyển tặng để khen thưởng.

Về mặt tập làm văn thì Đỗ Tư Nghĩa là người số một, bất kỳ bài luận nào cũng được cô cho điểm mười sáu trên hai mươi là điểm tuyệt đối của môn văn thời bấy giờ. (Nếu đi thi Tú Tài thì điểm số nầy phải đưa ra Hội đồng Giám khảo mới được công nhận, vì môn văn không phải là môn toán hay lý hóa).

Về mặt học giỏi toàn diện, Nguyễn Thắng là người số một, ngay cả môn vẽ mà cũng 18 điểm, đứng nhất hàng tháng với điểm số trung bình 16 trên 20, luôn hơn người đứng nhì hai điểm số. Thắng giao tình với cô từ lúc học Đệ Nhất Cấp cho đến bây giờ. Thắng yêu kính, chăm sóc cô như là God Mother. Tôi tự xếp mình thứ ba, trong ba đứa mà thôi.

Cô ơi! Để viết về phẩm hạnh và tài năng của cô đầy đủ, em phải nhường cho Thắng và Nghĩa là hai người có thẩm quyền hơn, hay ít nhất là vợ em Thanh Nhàn, học trò cưng của cô đoạt giải thưởng Trưng Trắc về văn của nữ học sinh toàn tỉnh mà cô là một trong ba giám khảo chấm năm 1960-1961, hoặc chị Nguyễn Thị Điều là người cô thương rất nhiều, vì gia đình chị di cư từ Bắc vào Quảng Trị từ năm 1954. Lúc chấm bài của chị viết, làm đề luận tả quê hương nơi mình sinh ra, cô phê là “Tứ văn dồi dào, tràn đầy cảm xúc, và toát lên một nỗi buồn viễn xứ” vì chị đã:

Đất níu chân đi, gió cản áo bay về, 
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống.
Tưởng như đây là phút cuối cùng
Dăng dối lại mỗi lùm cây hốc đá
Mỗi căn vườn gốc vả cây sung.

Ôi đất Bắc quên làm sao được, 
Quên sao nơi ấm lạnh ngọt bùi.

Trần Dần – Nhất Định Thắng

Vậy xin cô đừng trách em viết ngắn về cô, dù còn nhớ nhiều mà không kể hết. Cũng như Lý Bạch lên Lầu Hoàng Hạc muốn đề thơ mà thấy bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu trước mặt nên không đề được, phải tìm đến Phượng Hoàng Đài ở Kim Lăng mới làm được bài thơ Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài, nhưng không nổi tiếng bằng bài thơ của Thôi Hiệu. Em cũng thế, có thể viết nhiều bất tận về cô, nhưng vì trước mắt có hai cái bóng to lớn là Đỗ Tư Nghĩa và Nguyễn Thắng nên run sợ mà quên hết rồi.
Cô nay tuy già yếu nhưng luôn hạnh phúc nhờ sự chăm sóc tận tình của thầy và các con (tất cả đều là bác sĩ, kỹ sư giỏi). Những người con của cô dù ở xa, nhưng những khi cô trở trời se gió, lập tức trở về bên cạnh cô để an ủi, chăm sóc. Vợ chồng tôi có may mắn gặp được cô hằng năm mỗi khi về thăm quê Quảng Trị. Những khi cô ốm đau, chúng tôi luôn được biết tin nhờ có bạn Nguyễn Thắng. Nhiều lần ngồi bên cạnh cô, nắm bàn tay, rồi nhìn cô, tôi cảm thấy trong mắt cô, chúng tôi vẫn chỉ là những đứa học trò nhỏ hồi học lớp Tứ 2 (lớp 9) thuở nào.

                                                                          Đoàn Đức
                                                              Viết xong ngày 17/01/2017

***
Viết xong bài này, tôi đọc qua điện thoại để xin ý kiến cô. Cô yêu cầu tôi in bài ra giấy rồi gởi cho cô. Vừa nhận được thư của tôi thì cô bị xuất huyết bao tử, phải cấp cứu tại bệnh viện Trung Ương Huế; nhưng không cầm máu được phải chuyển qua bệnh viện trường Đại học Y Dược là nơi có máy đặc trị mới giúp Cô qua cơn nguy kịch. Hồi đó tưởng cô qua đời vì cơn bạo bệnh này. May thay sau 15 ngày, cô tỉnh lại và khỏe hơn. Khi chuyển qua phòng hồi sức, cô hỏi người con gái đầu: “Bài viết của Đức đâu, đưa cho mẹ đọc.” Thấy cô còn yếu, nhưng không dám cãi lời, con cô bèn ngồi bên cạnh đọc cho cô nghe. Cô rất vui sau khi nghe xong. Đúng dịp này tôi cũng về Quảng Trị, được tin cô đã khỏe lại và xuất viện nên khi vào Huế tôi cùng Nguyễn Thắng đến thăm cô. Trông cô xanh xao vì mất máu nhiều. Tôi tặng cô tập bài viết đã chỉnh sửa và hộp sâm Cao ly. Cô cầm tay tôi, yếu ớt nói: “Bài của em cô nghe đọc rồi và lúc khỏe cô có đọc vài bận. Cô cảm ơn em luôn nhớ cô trong ký ức, đó chính là sâm mà em đã tặng cho cô rồi.” Cùng Nguyễn Thắng nhìn cô, tôi xúc động trả lời: “Em cảm ơn cô đã dạy dỗ và thương ba đứa chúng em. Dù cô đau nặng, em có niềm tin là cô sẽ khỏe lại để đọc bài viết của em, và may mắn thay em được như nguyện. Nhưng từ nay chấm bài cô nhớ cho em nhiều điểm hơn Thắng và Nghĩa.” Cô mỉm cười khi nghe tôi vòi vĩnh như thuở còn là cậu học trò ngày xưa…
Tôi vào Sài gòn được hai tuần, thì con gái của cô cũng vừa trở lại Đà Lạt và báo cho vợ tôi biết là cô đã khỏe rồi. Nhưng hôm sau, ngày 24/04/2017 anh Võ Cẩm (vợ anh gọi cô là dì ruột) cho tôi hay là anh phải bay ra Huế để chuẩn bị hậu sự, vì cô quá yếu. Chiều ngày 26/04/2017, Nguyễn Thắng đến thăm cô, ra về lúc 17 giờ; thì đến 18 giờ 15 phút, anh Cẩm báo tin Cô đã qua đời một cách nhẹ nhàng. Thắng rất bất ngờ khi nhận điện thoại tôi báo tin cô mất! Đỗ Tư Nghĩa òa khóc lớn khi Thắng báo hung tín. Lê Mậu Minh thì lặng người đi vì vô cùng xúc động!
Đám tang của cô được tổ chức rất lớn. Các thầy cô cũ và cựu học sinh Nguyễn Hoàng báo tin cô từ trần trên các trang mạng. Mọi người trong ngoài nước đều gởi lời phân ưu đến gia đình.
Cô dù hưởng thọ 82 tuổi, nhưng ra đi trong niềm thương tiếc của gia đình, bà con, thân hữu, đồng nghiệp và học trò. Tôi tin rằng ở chốn vĩnh hằng, hương hồn cô rất mãn nguyện với tấm lòng hiếu thảo của con cháu và tình thương chân thật của những học trò đã thụ giáo với cô dưới mái trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị.

                                                                                         Đoàn Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ