Trang

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

THƯ ĐỖ TƯ NGHĨA GỬI ĐOÀN ĐỨC, BẠN ĐỒNG MÔN TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG 1960-1967


      


THƯ ĐỖ TƯ NGHĨA GỬI ĐOÀN ĐỨC, 
BẠN ĐỒNG MÔN TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG 1960-1967

Dalat, 30.9. 2017
Đức ơi,
Nhớ xưa, cô Nhã gọi Đoàn Đức, Nguyễn Thắng và Đỗ Tư Nghĩa là “Tam anh Vườn  Đào xứ Quảng.”
Thuở ấy, chúng mình chưa có lần nào “uống máu ăn thề” theo kiểu người xưa, đúng không? Chỉ nhớ, thời trung học, chúng mình luôn ngồi bàn đầu – mình ngồi giữa Đức và Nguyễn Thẳng. Hiếm khi rời nhau. Chỉ biết, vắng nhau thì nhớ.
Nhà Đức ở làng Thạch Hãn, um tùm cây lá vây quanh. Mình vẫn thường đến đó. Có anh Đoàn Liên, Đoàn Minh... Lúc ấy, hình như còn song thân của Đức. Có cô cháu gái Đoàn Thị Hoa, vẫn còn bé xíu. Ngày đó, Đức và mình đều thích nhạc của Trúc Phương. Đức thích Mưa nửa đêm, Chiều cuối tuần... Còn mình thì thích Con đường mang tên em, Ai cho tôi tình yêu...
Nhà Nguyễn Thắng ở tận phía cầu ga, gần bệnh viện Quảng Trị. Thắng có hai cậu em trai, là Nguyễn Thái, Nguyễn Lang, và một người anh, mình đã quên tên. Một chị gái tật nguyền, nhưng có khuôn mặt xinh đẹp, hồng nhan bạc mệnh. Nhớ ca khúc "Một bàn tay" của Phạm Duy, mà Thắng vẫn thường ôm đàn và hát. “Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người / Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời / Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái / Nhạc ru tiếng khóc trần ai...

Đức ơi, không rõ tại sao hồi đó chúng mình thân thiết với nhau như vậy? Mình gặp Thắng từ lớp ba, trường Nam tiểu học. Đức, mới gặp từ năm Đệ Thất. Có phải đó là “duyên tiền kiếp” không nhỉ?
Suốt bao nhiêu năm bên nhau, chúng mình đã nói với nhau những gì, đã cùng đi với nhau trên những con đường nào, mình đã không còn nhớ.  Chỉ còn đọng lại một nỗi thân thương, một cảm giác êm đềm, ấm áp.
Có lần, mình đã viết, “nếu Huế là thành phố của một thời lãng mạn, B’lao là nơi tôi chập chững bước vào đời, thì Quảng Trị là nơi tôi đã sống một tuổi thơ êm ái.”
Cái tuổi thơ êm ái đó, gắn liền với cái tên Nguyễn Hoàng và Quảng Trị.
Cuốn sách của Đức nói về trường Nguyễn Hoàng, về các cô Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Thanh; các thầy Trần Thương Bá, Trương Ngọc Hội, Lê Mậu Tâm, Hồ Sỹ Châm, và Hary Carkin.
Trong số đó, thì thầy Hary Carkin, mình không rõ – vì năm Đệ Nhất C mình không còn là học sinh của trường nữa. Mình chỉ học dự thính duy nhất môn Triết của thầy Lê Mậu Tâm. Mình cũng không có “duyên” với thầy Hồ Sỹ Châm, nên mình không có nhiều kỷ niệm với Thầy như Đức.
Trừ hai thầy đó ra, thì số còn lại, mình nhớ khá rõ: Cô Nhã, thầy Bá, cô Thanh, thầy Tâm, thầy Hội.
Cô Nhã, thầy Bá, và thầy Tâm, bây giờ đã thành người thiên cổ
Theo cảm nhận của mình, thì cô Nhã và thầy Bá, là hai người đã dành cho mình nhiều ưu ái nhất.
Khoảng năm 1999, mình đã liên lạc được với thầy Bá. Đã tâm sự một đôi lần với Thầy qua thư tín. Một đôi lần nghe giọng nói ấm áp của Thầy trên phone. Không ngờ Thầy ra đi sớm thế. Mình đã có bài viết về Thầy đăng trên Nguyễn Hoàng-Chân dung & Kỷ niệm, do Võ Thị Quỳnh chủ biên – nên ở đây mình không nhắc lại. Mình chỉ nói gọn: Thầy là một trong những hình ảnh đẹp nhất trong số các thầy cô của mình thuở đó.
(Nhờ cuốn sách của Đức, mà mình biết thêm về quãng đời của Thầy ở quân trường, và những “hệ lụy trần gian” của Thầy sau 75. Chi tiết về “cái áo gối” của chị Ngọc Lan, rất “hấp dẫn,” mình cũng chưa hề biết).
Còn cô Nhã, thì thỉnh thoảng mình vẫn gặp Cô – mỗi lần Cô vào Dalat thăm cô con gái. Những lần đó, mình thường sang thăm Cô, và dùng bữa trưa với Cô. Gần đây – chỉ vài tháng trước khi Cô ra đi – Cô đã gửi quà cho mình. Khi Cô nằm viện, mình đã kịp gửi cho Cô xem bài viết ngắn của mình về Cô. May mắn thay, hình như Cô đã đọc. Vài ngày sau đó thì Cô qua đời.
(Chi tiết “Tam anh Vườn đào xứ Quảng, nhờ Đức và Thắng nhắc lại, mình mới nhớ).
Khi anh Võ Văn Cẩm gọi điện báo tin Cô ra đi, thì mình đang ở Saigon chữa bệnh. Mình bàng hoàng, nhưng im lặng, không có biểu hiện gì. Sau đó, khi Nguyễn Thắng lại báo tin, thì mình đã bật khóc. Mình không hiểu, do đâu mà cô dành tình cảm ưu ái cho “Tam anh Vườn đào xứ Quảng.”              
Thầy Lê Mậu Tâm là người giản dị, cởi mở, chân thật và độ lượng, với nụ cười hiền hòa. Bài giảng của Thầy rất dễ hiểu, có hệ thống. Mình có kỷ niệm rất đáng nhớ với Thầy. Năm Đệ Nhất C, mình chỉ học (dự thính) duy nhất các giờ Triết của Thầy. Mình nghỉ học ở trường, là vì nhiều lý do sâu xa, chứ không phải chỉ vì “buồn tình” đâu Đức ạ. Năm Đệ Nhất C đó, là năm rất cô đơn của đời mình – vì mình đã tự quyết định nghỉ học, tuy rất nhớ trường, nhớ lớp.
Sau này, khi còn là sinh viên Triết ở Đại học Văn khoa Huế, mình đã có dịp làm “giáo sư,” mặc áo veston chỉnh tề lên lớp thay cho Thầy vài tháng – ở một lớp Đệ Nhất C nào đó. Khoảng thời gian đó, hình như sức khỏe Thầy không được tốt.
Đọc cuốn sách của Đức, mình biết thêm quãng đời của Thầy sau năm 1972, và quãng đời gian truân ở Đạ Tẻ trước khi Thầy rời cõi tạm: trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đớn lòng!
Nhân đây, chúng mình hãy thắp một nén tâm hương, để tưởng nhớ hương linh của cô Nguyễn Thị Nhã, thầy Trần Thương Bá, và thầy Lê Mậu Tâm, nhé Đức. Cầu mong cô Nhã và hai Thầy đang ở trong một cảnh giới bình an nào đó.
Còn thầy Hội, thì mình không rõ hiện nay Thầy đang ở đâu... Thầy có còn trên đất nước Việt Nam? Thầy có còn ở trần gian này, hay đã đi về một cảnh giới nào khác? Đã quá lâu, mình không có tin tức nào về Thầy. Thầy là một khuôn mặt hết sức “độc đáo.” Nhờ cuốn sách của Đức, mà mình mới nhớ lại chuyện “bắn hoa hồng muộn,” một kỷ niệm rất thú vị.  Và nhiều chi tiết khác, xung quanh con người và phong cách giảng dạy của Thầy.
Trong số 7 thầy cô mà Đức nói đến, thì chỉ còn cô Thanh và thầy Châm là vẫn còn lưu lại cõi tạm này.
Thuở ấy, mình không học với thầy Châm ở lớp Đệ Nhất C, nên đã bỏ mất rất nhiều kỷ niệm mà Đức đã có. Không ai giảng cho mình những điều thâm thúy trong các bài thơ, bài văn trong sách giáo khoa La vie en Amérique. Những cái đó, mình đều phải tự học.
Mới đây, nhờ đọc cuốn sách HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO của Đức, và bài viết của Thầy Châm về cuốn sách đó,  mình mới biết Thầy là một người có kiến thức uyên thâm, một tâm hồn sâu lắng. Mình đã viết về một số thầy cô, nhưng không có bài nào viết về Thầy. Bởi vì, cái năm Đệ Nhất C ấy, mình đã không được học với Thầy, do vậy, không rõ lắm về Thầy. Hôm rồi, nói chuyện với Thầy một lát qua điện thoại, mình rất cảm động, không ngờ rằng Thầy đã âm thầm dành cho mình một tình cảm ưu ái. Xin gửi đến Thầy lời cảm tạ. Hình như Thầy đã ở khoảng tuổi 80. Rất mong có ngày được hàn huyên với Thầy.
Riêng cô Thanh, thì mình khó mà quên Cô được – bởi vì thuở đó, Cô trẻ đẹp, dịu hiền và nói tiếng Pháp rất hay. Ngày ấy, mình vẫn thường thấy Cô đi qua con đường làng Thạch Hãn, những sáng Chúa nhật, Cô đi lễ nhà thờ.
Về câu chuyện  “vớ vẩn” xung quanh “je t’aime,” – mà Quang và Đức hay nhắc lại – thì thú thật, mình không còn nhớ gì. Nhưng quả thật, đó là một kỷ niệm rất thú vị của thời áo trắng. Mới đây, khi dịch Life of Tolstoy (Đời Tolstoy) của Romain Rolland – qua bản Anh ngữ của Bernard Miall – mình có đối chiếu với nguyên tác Vie de Tolstoi, tiếng Pháp. Với khả năng tiếng Pháp sinh ngữ 2, mà cơ bản vẫn hiểu được nguyên tác – thì một phần lớn cũng nhờ cô Thanh trẻ đẹp dịu hiền của chúng ta ngày ấy!
Lần mình về Saigon chữa bệnh, chưa tiện đến thăm Cô, nhưng Cô đã nhiều lần gọi điện thăm mình. Qua giọng nói của Cô, mình cảm nhận một tình cảm thân thương khó lòng diễn tả. Xin cảm tạ tấm lòng trìu mến của cô.
Bây giờ tuy đã ở tuổi “xưa nay hiếm” rồi, nhưng mỗi lần hồi tưởng lại, vẫn thấy như thể mình được hóa thân trở lại thành cậu bé của những ngày thơ ấu đó.
Có một cô từng là nữ sinh trường Nguyễn Hoàng, tên là Nguyễn Thị Thu, được biết đến như là “ca sỹ Thu Vàng.” Mới đây, mình đã nghe cô hát NHỮNG NGÀY THƠ MỘNG của Hoàng Thi Thơ.  “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua?/Tìm đâu những ngày xinh như mộng?/ Tìm đâu những ngày thơ?/ Tìm đâu những chiều mơ?/ Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?”
Bài hát ấy, mỗi lần nghe lại, đều khiến tâm hồn mình xúc động.  Những ngày thơ mộng ấy, đã qua đi theo thời gian, nhưng dư âm dường như vẫn ngân vang hoài trong ký ức.
Ngày ấy, có Nguyễn Hoàng, có Quảng Trị. Có dòng sông Thạch Hãn, có những con đường Quang Trung, Trần Cao Vân, Trần Hưng Đạo, Gia Long... Có những người thân, có thầy cô và bạn hữu. Có những “sợi tơ tình” giăng mắc, mỏng như tơ, mơ hồ như mây như khói, nhưng cũng đẹp lung linh như những hạt sương mai.
Mình vẫn thầm tri ân tất cả những gì đã góp phần làm nên cái tuổi thơ êm ái đó của mình.
Thời gian là một dòng sông không trở lại. “There is a river/ A river of no Return”– như ca từ một khúc hát mà thầy Lê Văn Sét đã có lần hát cho chúng mình nghe. Mặc dầu vậy, cơ hồ như dòng sông ấy vẫn thường trở lại trong hồi ức, trong những cuốn sách như HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO của Đức, có phải thế không?

                                                                                  Thân mến!
                                                                                Đỗ Tư Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ