NGỒI RU VÕNG TÌNH
Thôi ta phiền muộn lắm rồi
Đừng lay ta dậy mộng đầu xa xôi
Đừng môi đừng mắt gọi mời
Vòng tay ngày đó rã rời nỗi đau
Bèo mây gặp gỡ đời nhau
Gió lên con nước trôi mau cuối trời
Tình vui phút chốc tình rờI
Ngỡ ngàng bao nỗi cuộc cờ thế gian
Ta về xếp lại ngổn ngang
Tạ ơn ai dẫu còn mang mối sầu
Ta ngồi lặng giữa đêm thâu
Trời không tháng bảy mưa ngâu sụt sùi
Tạ ơn ai lần nữa thôi
Thiên thu giọt lệ đắng môi giả từ
Bóng ta lẫn bóng sương mù
Cánh hoa nở muộn ngồi ru võng tình…
Lara Ngo
Nguyễn Hùng Dũng
BÌNH THƠ CỦA NGUYỄN HÙNG DŨNG
Lara Ngo
Tên thật: Ngô Ái Loan
Bút hiệu: Mầu Hoa Khế
Định cư: Hoa Kỳ
Nguyến quán: Làng Đại Hào, Triệu Đại, Triệu Phong, Quảng Trị
Tình cờ tôi được vinh hạnh làm quen với Lara Ngô, mối vinh hạnh này, nhờ vào một người bạn năm ni đã bát tuần, cựu học sinh trường Providence Huế, đã phổ nhạc bài thơ Ngồi Ru Võng Tình của Lara Ngo. Trong một buổi gặp mặt của các đồng môn Providence tại lữ quán 13, ven sông Saigon, vào mùa xuân Đinh Dậu 2017, sau khi làm đúp 2 ly whisky, nghệ sĩ kèn clarinet, cao hứng khe khẻ hát bài Ngồi Ru Võng Tình do chính anh sáng tác…Tôi nghe mà ngẫm nghĩ thưởng thức từng ca từ, từng câu nhạc, mà xúc cảm lâng lâng đến thế. Sau đó, anh Đặng Nho mới hé bí mật cho tôi biết rằng tác giả bài thơ đó là Lara Ngo.
Và theo dòng thời gian trên Face book, chúng tôi đã kết bạn với nhau, tôi không ngờ ngoài thi phẩm Ngồi Ru Võng Tình, Lara Ngo còn rất nhiều sáng tác thi ca khác, trên cả 100 bài thơ xuất hiện lần lượt...và thậm chí còn biết thêm Lara là nhà viết kịch, viết truyện ngắn trữ tình lãng mạn...
Khi nói đến những nhà thơ nữ người Việt ở nước ngoài, tôi được biết nhà thơ Huệ Thu, người Dalat, nhưng gốc Huế đã từng lay động bao tâm hồn yêu thơ, nếu như thơ Huệ Thu giản dị, chân thành như một đóa dã quỳ Dalat... nhưng vẫn sâu lắng, hùng vĩ... tuy giữa dâu bể đời thường nhưng phảng phất hồn tráng sĩ lồng lộng; thơ Huệ Thu đọc hoài không chán vì Hụệ Thu làm thơ giữa mộng và thực, phảng phất hương thầm của dĩ vãng nhưng không quên hiện tại, trong thơ Huệ Thu có hơi hướm đường thi, vì Huệ Thu am tường và say mê Lý Bạch, Thôi Hiệu, Trương Kế... Dù thơ Huệ Thu bảng lảng một làn sương khói quê hương dù quan san ngàn dặm... nhưng không làm người đọc yếm thế... mà như cùng nhắc nhau hoài niệm về một đường xưa để cùng nhau đi tới chân thiện mỹ nơi cõi thiền định. Hãy xem một khổ thơ ngẫu nhiên của Huệ Thu, trích trong bài "Nơi Về Phương Đông"và Bài ca tiễn người"
"Ở đó bình minh giống ngọn cờ
Trải dài Hy Mã tuyết như mơ
Quê hương không thấy còn biên giới
Chỉ có lòng vui, ta với thơ!
Ở đó không còn câu hỏi nữa
Hoàng hôn đã hóa lá cây rừng
Màn vương khép chặt đời băng giá
Ta ngắm hình ta, thấy dửng dưng !..."
(Trích trong Nơi về phương Đông)
"Uống chén rượu hoàng hoa không dễ kiếm,
Ðọc bài thơ Hoàng Hạc líu lo cười.
Muốn cùng em đi dạo khắp muôn nơi,
Vào thiền viện nghe hồi chuông đổ muộn.
Nghe sương sớm trên cành cây gió cuốn,
Chợt nhớ ra: mình đang ở Trung Hoa.
Sao văn chương toàn những chữ thiết tha,
Mà thù hận vẫn đầy trong sử sách ? "
(Trích trong Bài ca tiễn người)
Xin mời vào trang Sài Môn thi đàn để thưởng thức thơ nữ sĩ Huệ Thu.
Nay tôi lại tình cờ được làm quen với một nữ thi nhân khác: Lara Ngo, nguyên quán làng Đại Hào, Triệu Đại, Triệu Phong, Quảng Trị. Thơ của Lara Ngo hoàn toàn khác hẳn của Huệ Thu, không mãnh liệt, không bi tráng, không tràng thiên dữ dội... Nhưng ẩn chứa những đợt sóng ngầm nội tâm nhẹ nhàng mà sâu lắng, êm ả mà ray rứt, lặng lẽ mà lay động...
Thôi ta phiền muộn lắm rồi
Đừng lay ta dậy mộng đầu xa xôi
Đừng môi đừng mắt gọi mời
Vòng tay ngày đó rã rời nỗi đau
Dường như trong khổ thơ đầu tiên, Lara Ngo đã giải thích bút danh Lara của mình, nàng y tá Lara, người tình của bác sĩ Zhivago, mà những ai thuộc thế hệ đi trước, đều biết rõ chuyện tình lãng mạn này qua bộ phim kinh điển: Bác sĩ Zhivago là một phim của Anh được sản xuất năm 1965 do David Lean đạo diễn và hai đại minh tinh màn bạc Omar Sharif và Julie Christie, dựa theo truyện nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nga Boris Pasternak. Cuốn tiểu thuyết đã được Hàn lâm viện Thụy Điển trao giải Nobel về văn học năm 1958. Nói về một mối tình của một bác sĩ đã vợ con, với hồn thơ lai láng, và một cô y tá xinh đẹp lãng mạn mà ông gặp gỡ như một định mệnh oái oăm với những giằng co éo le tình cảm, phim trình bày theo lối kể chuyện xen kẽ nhau hai cảnh đời của Yuri và Lara cho đến khi hai người yêu nhau và xa nhau mãi mãi... Cái kết cục của câu chuyện tình tuy không có hậu, nhưng vẫn được mọi người ái mộ... vì một lẽ thường tình, khán giả vô hình chung như thấy được bi kịch của tình yêu tuyệt vọng này ở đâu đó trong một phần của đời mình...
Dường như Ngô Ái Loan đã mặc định ghép cái tên Lara vào để an định cho số phận tiên thiên của mình, tôi chỉ đoán mờ đoán mịt vậy thôi, ắt cũng vì nội dung của hầu hết các tập thơ của Lara Ngo đều muốn nói như vậy.
Những người yêu nhau không sống được cùng nhau, dẫu biết rằng mong manh vẫn thường hẹn kiếp sau. Nàng y tá Lara và Bác sĩ Zhivago là những người tình lạc nhau từ kiếp trước, tìm thấy nhau trong kiếp này và rồi phải khóc trong thinh lặng vì xa nhau. Đọc Bác sĩ Zhivago lại càng thêm tin rằng hãy yêu nhau hơn nếu có thể. Đừng hò hẹn lần lữa, đừng chờ, đừng lay, đừng môi, đừng mắt... Lara Ngo đã dụng từ đơn như môi, như mắt... mà bao hàm nghĩa kép, làm cho người đọc hiểu ngay ý của mình, có phải các bậc túc nho cho rằng đó là "Ý tại ngôn ngoại"
Bèo mây gặp gỡ đời nhau
Gió lên con nước trôi mau cuối trời
Tình vui phút chốc tình rời
Ngỡ ngàng bao nỗi cuộc cờ thế gian
Nếu như Lara Ngo gieo từ mây đi trước bèo e nghe hợp lý hơn vì mây ở trên cao, cũng như gió cũng ở trên cao, mà bèo và con nước ở phía dưới, nhưng thôi, ở đây dụng ý bèo mây... là tan là hợp, hợp rồi tan như con nước trôi mau cuối trời, không thể nào quay lại chốn cũ nữa rồi, cuộc tình đó cũng đành phải theo quy luật đó, nhưng độc giả sẽ thắc mắc rằng chỉ là quy luật của phạm trù tự nhiên, hà cớ gì mà phải áp dụng cho con người, hãy hỏi ngay chính Lara Ngo, vì không ai hiểu được, ngộ được bằng Lara Ngo, tôi xin trả lời, e suốt kiếp này Lara Ngo sẽ không bao giờ trả lời... mà chôn chặt cho tới khi xuống tuyền đài?
Ta về xếp lại ngổn ngang
Tạ ơn ai dẫu còn mang mối sầu
Ta ngồi lặng giữa đêm thâu
Trời không tháng bảy mưa ngâu sụt sùi
Theo thiển ý của người bình, đây chính là tứ thơ hay nhất, đỉnh nhất của Ngồi Ru Võng Tình, thôi thì sau những ngang trái, dang dở, sau những cuộc cờ... nào rối nào rắm, nào ưu, nào sầu... nhưng ai ai cũng cần phải sống như nàng y tá xinh đẹp huyền thoại Lara cũng phải đi tiếp cho tới cuối chân trời. Nên phải xếp lại ngổn ngang, xếp lại mớ bòng bong như một nồi canh hẹ... Nhưng không phải bằng một thứ hận tình, hận người... mà bằng tấm chân tình tạ ơn người đó... dù đã vô tình hay hữu ý đem đến một mối sầu khôn tả... để rồi người trong cuộc phải ngậm ngùi, phải sụt sùi trong khuya, trong cô đơn và cả tĩnh lặng.
Tạ ơn ai lần nữa thôi
Thiên thu giọt lệ đắng môi giả từ
Bóng ta lẫn bóng sương mù
Cánh hoa nở muộn ngồi ru võng tình…
Vậy là hết rồi, không còn chi níu kéo lại rồi... kiếp này hay thiên thu đều đưa ta trở về hiện tại, gác hết mọi ưu, mọi phiền, mọi môi, mọi mắt... và chỉ còn trong tâm tưởng, trong ký ức, để ta ngồi giữa thế gian này, giữa cõi ta bà này, còn lại một mình ta và chỉ một mình ta thôi...để miên man, để bâng khuâng nhớ lại những ngày đã qua.
Trở lại chuyện tình bác sĩ Zhivago: Nỗi nhớ mong chính là cây thập giá đè nặng trên vai Zhivago. Chín năm sau, anh ngã vật xuống mặt đường lát đá và chết trong nỗi hoài nhớ Lara đến tuyệt vọng. Nhiều năm sau Lara biệt tích và chết trong một trung tâm lao động trong thời gian bị lưu đày. Zhivago chết vì con người ta không thể sống như một con lắc với hai điểm nhớ mong tận cùng tuyệt vọng; Lara chết trong cô đơn, không có người đàn ông nào của nàng bên cạnh. Không ai ân hận, không ai trách cứ gì nhau, và dường như người đọc cũng tin rằng không có gì đổ vỡ. Tất cả chỉ là sự tình cờ của số phận và cuộc đời thỉnh thoảng vẫn cay nghiệt thế. Ta biết để có thể bao dung hơn, vậy thôi.
Cám ơn Lara Ngo không vì những vần thơ hay, du dương, êm dịu... mà là những vần thơ có linh hồn, có nội tâm... và dù có phải rằng Lara Ngo có mang một số phận hy hữu như nàng y tá Lara xinh đẹp, với cuộc đời đầy nghiệt ngã, bi lụy tận cùng... hay không? Nhưng Lara Ngo vẫn "Xếp lại ngổn ngang" để lại cho đời những tứ thơ đẹp, cảm xúc và đời thực...Ví như một ngôi sao mờ nhạt, xa xôi, đơn độc trên vòm thiên hà rộng lớn, bao la... Nhưng đã thành vì sao lung linh, rực rỡ trên thi đàn của hôm nay và của ngàn sau.
Chỉ là những lời tản mạn, cảm khái về một tứ thơ mới, chứ không hề dám bình thơ trước mặt bàn dân thiên hạ, thôi thì xin được "Mua vui cũng được một vài trống canh"
Bà Rịa Vũng Tàu ngày 9 tháng 3 năm 2017
Nguyễn Hùng Dũng
............
Mời các bạn hữu nghe bài Ngồi Ru Võng Tình qua tiếng hát của ca sĩ Diệu Hiền
https://app.box.com/s/he4yfoe7warz1j7ffuigfikql545k5if .
Xem thêm thơ của Lara Ngo
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=944309069007658&set=a.675358772569357.1073741875.100002857214041&type=3&theater
Những trích đoạn:
Màu nắng
Nhớ quá đi thôi một người đi
Thương màu áo trận buổi phân ly
Yêu đôi vai gánh đầy sương gió
Tung lướt trời mây chẳng hạn kỳ
Dòng thời gian
Ta sẽ nhủ thầm trong nước mắt
Hãy ngủ đi ngày tháng sẽ phôi pha
Nỗi muộn phiền trong bóng chiều hiu hắt
Bóng người xưa rồi cũng sẽ nhạt nhòa
Dấu yêu
Tóc em xanh như dòng Thạch Hãn
môi em cười nghiêng cả Cổ Thành xưa
em trong ta ngan ngát một mùa thơ
giấu nỗi buồn đằng sau đôi mắt biếc
Quay lưng
Người nói đi dẫu một lời giả dối
Ta lắng nghe như thể một tín đồ
Tim mù lòa buớc tình đi lạc lối
Bên người thôi ta mặc cả mơ hồ
Rồi bỗng dưng bão nổi lên cuồng nộ
Phút yêu thương như hơi thở quỳnh hương
Dang đôi cánh rũ dần trong đêm tối
Chỉ sớm mai thôi... mất dấu thiên đường !!!
Lệ nơi phi trường
bàn tay chừ chới với
tay ngày buồn trong tay
rã rời bàn tay vẫy
thế giới sầu là đây
Nếu có được
Vàng tháng chín mầu tương tư rung tiếng
Gọi thầm thì cho cây lá xôn xao
Dấu tình xưa năm tháng vẫy tay chào
Con phố nhỏ chưa qua mùa giông bão !
Chỉ là thế thôi
Cũng đã từng yêu từng khổ đau
Rã tan, tan rã chuyện ngày sau
Hạnh phúc hai từ như huyển mộng
Nước vẫn buồn trôi dưới chân cầu
Với nhau muộn màng
Đưa tay níu chút muộn màng
Ta e kinh động bàng hoàng cỏ cây
Ta e vần vũ trời mây
Người ơi tình đã héo gầy trong tay
Mai chị về
Mai chị về, cho em nhắn gửi
Mạch sầu đâu dễ gì khôn khuây
Đường về quê cũ chừ hiu quạnh
Mang nhớ nhung đầy mây trong mây
Quê hương nắng cháy khô đồng cạn
Sỏi đá quen chân những kiếp nghèo
Sông trở đêm sâu lời than vãn
Hóa tiếng ru buồn theo gió theo
Người em sầu mộng
Ngày xưa hai nhà mái lợp tranh
Cách cây khế chín nặng trĩu cành
Một dậu mồng tơi màu tim tím
Đan nhẹ tơ vàng giăng mỏng manh
Màu tháng giêng
Trên đôi má Ba hai dòng lệ chảy
Bất hiếu bao năm lòng dạ héo gầy
Một nén hương trầm hiển linh về thấy
Triệu Phong, Đại Hào núm ruột là đây
Saigon từ bước chân đi
Sài Gòn chừ quá xa xăm
Trần Quang Diệu cũng biệt tăm lối về
Nửa đời trắng xóa tóc thề
Nửa đời khát vọng ê chề niềm đau
Chiêm bao
Đêm qua tôi khóc nữa rồi
lệ tuôn chảy mãi trên môi mắt sầu
mình tôi đếm bước canh thâu
tóc mây chừ đã nhạt mầu yêu thương
kề vai nồng thuở yêu đương
Phụ Nhau
Hai bóng lưng ngược hướng đi
Hai bàn tay đã thôi ghì lấy nhau
Hai đôi môi nhợt nhạt màu
Hai con mắt chung nỗi đau một đời
Kiếp nào có yêu nhau
Em ngu ngơ nên cứ mãi kiếm tìm
Gần hết cuộc đời mà lòng mãi kiên trinh
Gần hết cuộc đời với đau đớn riêng mình
Tình yêu ấy... kiếp lai sinh hạnh ngộ...
La Thụy là gái giả trai
Trả lờiXóaPhù Đoan cũng khoái giả trai một lèo .
Bên kia có Nguyễn Lân Rũng
Trả lờiXóaBên nầy cũng có Nguyễn Hùng Rũng lạ chưa ?
Mời quý bạn click chuột vào dòng chữ BẤM VÀO ĐÂY ở hàng chữ cuối cùng bên dưới để xem rõ anh chàng tâm thần biến thái ductam3475@gmail.com (cũng là thanhyh2013)
Xóabị blogtiengviet tống cổ như thế nào nhé!
BẤM VÀO ĐÂY