Trang

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

NGUYỄN BẮC SƠN, NGOÀI CHIẾN TRANH - Nguyễn Đức Tùng


                
                                   Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn


          NGUYỄN BẮC SƠN, NGOÀI CHIẾN TRANH

                                                                             Nguyễn Đức Tùng

Bạn thử sống một ngày nhàn rỗi: thật khó.
Nếu đau khổ gây ra bởi chiến tranh là hiển nhiên, thì nỗi vô vị của hòa bình khó hiểu hơn, khó được chấp nhận, khó diễn tả. Thơ sau chiến tranh của Nguyễn Bắc Sơn không gợi lên sự sầu muộn, căm phẫn, chỉ mô tả trạng thái của đời sống. Một ngày. Trạng thái nhàn rỗi. Trong khi một số nhà thơ tìm cách làm mới ngôn ngữ thì có người thăm dò tiềm thức, sống tận cùng thực tại. Nguyễn Bắc Sơn cũng lãng mạn hơn trước, nhưng đó là lãng mạn mới, hướng tới sự thật mới.
Tôi nghĩ niềm bi quan được bộc lộ thường trực trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, trong tập Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi, một tập thơ độc nhất vô nhị, nên được hiểu là những tín hiệu, và chúng thật ra chưa được đọc đúng mức. Sự nghi ngờ, tính hài hước, thái độ ngang tàng, không chỉ che khuất một tấm lòng nhân hậu, mà chúng còn chính là hình thức biểu hiện của tấm lòng ấy.

Tóc ơi ngươi cứ tha hồ mọc
Xanh tốt như mùa xuân thảo nguyên

Trong thơ, thỉnh thoảng gặp chữ phụ đặt trúng đích:

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
                            Nguyễn Bính  


Trước đó, những câu thơ có giá trị tiên đoán về chiến tranh Việt Nam, tôi nghĩ, là những câu này của Nguyễn Bắc Sơn:

Chiến tranh quá dài nên người quá khác
Không thể mừng vui khi tiếp rước hòa bình
Đêm đen quá dài nên người quá khác
Không thể nào tin sẽ có bình minh

Đọc thế thì biết tác giả chán ghét chiến tranh, nhưng không hẳn là người phản chiến, với cách hiểu về khái niệm này như ở người Mỹ phản chiến, đứng ngoài. Nhà thơ nói về sự vong thân của dân tộc sau binh lửa. Đó là một tiên đoán, nhưng tiên đoán chưa định hình. Như nhiều thanh niên miền Nam khác, Nguyễn Bắc Sơn không tình nguyện khi chọn binh nghiệp, ông chỉ bị động viên. Nhưng khi đã can dự, thì thực sự can dự. Một cách nhập cuộc bất đắc dĩ, và, nhưng, sâu sắc. Trong khi, từ vị thế khác, ở miền Bắc, nhà thơ Nguyễn Mỹ tự tin hơn:

Tôi không ngớt nghĩ về em và tôi thấy
Tôi phải đến ngay nơi đối mặt quân thù

Nếu nhà thơ đến được nơi muốn đến, anh sẽ gặp một kẻ địch lơ mơ kiểu này:

Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu

Giọng lười biếng. Chữ cắc cù đặt trúng đích: như trò chơi. Thế mà nó gieo xuống một chữ khác, mênh mông, chữ mùa thu. Ngoài thơ về chiến tranh, Nguyễn Bắc Sơn còn nhiều bài về bạn bè, gia đình, cá nhân.  Loại thứ hai, trữ tình thế sự, cũng chất ngang tàng, có vị khinh bạc, không được phổ biến bằng và trong sự đánh giá có những ý kiến khác biệt, thậm chí trái ngược (*). Thật ra ông cũng có những câu như :
Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt
Nhưng vì sao ta lại yêu em ?
Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột
Ta quàng xiên nên đã sa chân
Thơ ngông, hóa ra sáo và vụng.  Thật ra, hình ảnh trong thơ Nguyễn Bắc Sơn chọn lọc hơn thế. Chúng tự nhiên, mạnh mẽ, nam tính, giàu có, đẹp. Hình ảnh của ông không lạ, không mới, nhưng vị trí của chúng trong bài thơ, sự tổ chức của chúng, cách gọi tên chúng ra, chứ không phải tên gọi, toàn bộ những điều ấy là nghệ thuật ẩn dụ của Nguyễn Bắc Sơn. Một ngày nhàn rỗi là bài thơ viết sau chiến tranh, viết ngoài chiến tranh. Một cách giã từ quá khứ. Để làm gì?

Tháng Giêng có kẻ đi tìm cúc

Cúc là biểu tượng. Của mùa xuân, mùa thu, lên núi hái cúc, đồng cỏ, thanh bình. Julia Kristeva phân biệt giữa biểu tượng và dấu hiệu. Theo bà, trong quá trình suy đồi của xã hội, tan rã của văn hóa dân tộc, các biểu tượng chỉ còn đơn thuần là dấu hiệu.
Nhưng cõi đời không có Cúc hoa
Thanh bình đánh mất. Đọc thơ là đi tìm những ý nghĩa khác nhau của chữ nhưng không băn khoăn chọn lựa một nghĩa trong chúng. Nhà thơ tuân thủ khá nghiêm ngặt thể thơ cổ điển, bảy chữ. Trừ một khổ thơ, trong tất cả các khổ còn lại, câu thứ nhất và thứ ba không vần, câu thứ hai và thứ tư vần với nhau.
Nhịp 2/2/3 là chính, nhịp thơ Việt quen thuộc:

Tháng giêng/ ngồi quán/ quán thu phong

xen kẽ nhiều câu nhịp 3/ 2/ 2, mới:

Nhưng cõi đời/ không có/ cúc hoa

Sự xen kẽ của hai nhịp này là đặc biệt. Nguyễn Bắc Sơn có phong cách tươi, lạ, nhờ chữ và nhờ giọng điệu, nhất là các câu nhịp 3/ 2/ 2.

Những khuôn mặt/ những người/ xuân nữ

Nhịp 3/ 2/ 2 gây cảm giác ngạc nhiên.
Lời khoáng đạt, không căm hận. Ngay cả trong thơ viết về chiến tranh trước năm 1975, Nguyễn Bắc Sơn cũng thế: ngang tàng lính tráng nhưng không chống lại ai, chỉ chống lại số phận. Cũng khó phân biệt đâu là số phận chung đâu là số phận cá nhân. Mà số phận chung, nói cho cùng, là quan điểm lịch sử riêng của mỗi tác giả. Thơ trữ tình của ông biết kể chuyện, kể hay; trong bài thơ xuất hiện nhiều người, tác giả, bạn bè quen biết đâu đó, thôn xóm, gặp gỡ ngẫu nhiên, những chi tiết mơ hồ.
Cuộc đời mơ hồ.

Một Ngày Nhàn Rỗi

Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc
Vô tình ngang một quán cà-phê
Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn
Mải mê tán dóc chẳng cho về.

Về đâu, đâu cũng là đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ
Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ
Ba nghìn thế giới cũng chưa to.

Tháng giêng ngồi quán quán thu phong
Gió Nhạn Môn quan thổi chạnh lòng
Chuyện cũ nghe đau hồn tứ xứ
Thương Kiều Phong, nhớ tiếc Kiều Phong.

Bày ra một ván cờ thiên cổ
Thua trận nhà ngươi cứ trả tiền
Mẹ nó, tiền ta đi hớt tóc
Gặp ngày xúi quẩy thua như điên.

Tóc ơi ngươi cứ tha hồ mọc
Xanh tốt như mùa xuân thảo nguyên
Từ Hải nhờ râu nên mới quạo
Thua cờ tớ bỗng đẹp trai thêm.

Lạng quạng ra bờ sông ngó nước
Trên trời dưới đất gặp ông câu
Ta câu con đú, ngươi câu đẻn
Chung một tâm hồn tất gặp nhau.

Khi gã Yêu Ly đâm Khánh Kỵ
Là đâm chảy máu trái tim mình
Sông Mường Mán không dung hào kiệt
Muôn đời bóng núi đứng chênh vênh.

Tháng giêng có kẻ đi tìm cúc
Nhưng cõi đời không có Cúc Hoa
Thấy đám phù bình trên mặt nước
Biết mình đi lộn nẻo bao la.

Những khuôn mặt những người xuân nữ
Phiêu bồng vĩnh cửu lẫn phù du
Yêu rất khó vô tình cũng khó
Khách đa tình sợ nhất mùa thu.

Ghé thăm ông bạn trồng cây thuốc
Mời nhau một chén rượu trường sinh
Bát cơm tân khổ mười năm ấy
Câu chuyện năm năm khiến giật mình.

Nằm dưới gốc cây nhìn cánh bạc
Dường như mặt đất tiết mùi hương
Ngủ thẳng một lèo nay mới dậy
Dường như mình cũng mộng hoàng lương.

Dường như đứa trẻ nghìn năm trước
Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta
Khi về râu tóc còn nguyên vẹn
Một ngày loáng thoáng một ngày qua.

Bận rộn là sống cho kẻ khác. Nhàn rỗi là sống cho mình.
Trạng thái nhàn rỗi thường được hiểu là tình trạng không phải làm việc gì, không bị ràng buộc bởi một bổn phận nào, như trong định nghĩa của từ điển (**). Thật ra nhàn rỗi có hai nội dung: không phải làm việc, và những việc bạn làm trong thời gian không phải làm việc.
Bạn chơi. Tức là làm gì? Ba thứ: ăn uống, nghỉ ngơi, trò chuyện; thể thao, luyện tập; thưởng thức nghệ thuật, hoạt động tinh thần. Và lắng nghe.

Trong túi quần cậu học trò tiểu học
Có con dế than nồng nàn mùi đất ướt
Gáy lên đi ta
Gáy rung rinh làm rụng những lá me non
Gáy niềm vui tích tắc trong trái tim chàng

Người lính đêm qua đi kích về gác chân lên
Chiếc xe chở đầy những ổ mì vàng nóng hổi
Cười nụ cười đầu tiên trong ngày

Nhàn rỗi hiếm hoi của chiến tranh. Như thế thì nhàn cư không phải là con số không của đời sống, mà là khuôn mặt thứ hai của nó, không khéo là khuôn mặt quan trọng nhất. Sức khỏe tinh thần của xã hội. Tại sao? Vì đó là trạng thái không lo âu. Sự chống lại lo âu. Lo âu hay lo lắng được nhiều nhà văn và nhà triết học nhắc đến, nhưng được nghiên cứu sâu trong tâm lý học hiện đại. Lo âu là trạng thái tinh thần căng thẳng luôn luôn đi kèm với phản ứng thân xác do thần kinh tự động tăng hoạt như hồi hộp, tức ngực, vã mồ hôi, đắng miệng, bất lực. Lo âu làm giảm nhận thức và thay đổi sức cảm thụ tinh tế. Mặt khác lại làm triển nở hưng phấn sáng tạo, mở ra các liên kết có tính nhảy vọt và gián đoạn, như có thể thấy trong các tác phẩm siêu thực, hậu hiện đại. Tuy nhiên nếu không được chế ngự, lo âu sẽ phá vỡ nhận thức, làm suy kiệt sáng tạo. Vì vậy nhàn rỗi là phép cân bằng. Lo âu bắt nguồn từ xung đột vô thức ấu thời, hoang tưởng về nỗi sợ bị trừng phạt do các thèm muốn bản năng. Lớn lên trong môi trường khuyến khích sự lẩn trốn hơn là đối thoại, và phải sống trong phân vân, nghi ngại, không tin ai, tức là thường xuyên đối phó với tình huống không thể dự đoán, là hai điều kiện làm cho lo âu lớn lên. Vui chơi và nhàn rỗi làm trung hòa tác hại của lo âu, cũng như sự hài hước bông lơn hóa giải tính nghiêm túc của các học thuyết cứu đời tầm phào. Bài thơ Một Ngày cảnh có vẻ ở làng quê: lại càng thích hợp. Làng quê, chỗ trú ngụ của khách giang hồ, chốn lui về của tay bại trận. Và quán hớt tóc, đặc biệt hơn. Tụ tập kẻ nhàn tản, kẻ thất nghiệp, cựu chiến binh, nơi của tán gẫu, sách vở, hậu chấn thương,  chuyện viễn xứ bên Tây bên Tàu bên cây đàn ghita, chúng làm nên khí hậu văn hóa riêng. Giữa cảnh mơ hồ ấy, đánh cờ, hớt tóc, cạo râu, thấy cái tâm trạng của kẻ về từ chiến tranh hay từ một cuộc phiêu lưu đắm thuyền tơi tả khác.

Ghé thăm ông bạn trồng cây thuốc
Mời nhau một chén rượu trường sinh

Thơ Nguyễn Bắc Sơn có những liên kết mạnh, những tham chiếu gần như điển tích. Chén rượu trường sinh gợi giấc mơ xưa, lòng yêu đời, thất bại của con người trước định mệnh, sự bất lực trước bất công lịch sử, cái chết. Còn đây là thất bại nghệ thuật của lòng mẫn cảm lẽ ra không nên có trong thơ ông, ở bài khác:

Các con, thế nào ba cũng dọn nhà đi viễn xứ
Dù tình quê hương rất khó nguôi khuây
Nhưng nghĩ giòng sông đã nhơ, lòng người đã đục
Đâu có người thương tiếc đám mây bay

Chữ dùng của Nguyễn Bắc Sơn dễ dàng, có khi dễ dàng quá thành dễ dãi:

Khi gã Yêu Ly đâm Khánh Kỵ
Là đâm chảy máu trái tim mình

Tuy vậy:

Chuyện cũ nghe đau hồn tứ xứ
Thương Kiều Phong, nhớ tiếc Kiều Phong

Thì cũ mà không sáo, vì tác giả nói về tâm trạng của mình. Hai câu trước nói thay người khác. Thêm, chất giọng hai câu sau chân thành. Đây là bài thơ dài, vì vậy đến cuối, phải có một ngã rẽ, bước ngoặt, điểm dừng. Nhiều nhà thơ hiện nay không biết điều này. Nguyễn Bắc Sơn dừng như thế nào? Sự kết thúc là quan trọng trong nghệ thuật. Những bài ngắn như thơ haiku có thể xem là kết thúc một bài thơ dài hơn. Người thua bạc:
Gặp ngày xúi quẩy thua như điên
Sự thất bại thành công. Nguyễn Bắc Sơn là bậc thầy của nghệ thuật dùng khẩu ngữ.
Người câu con đú, ta câu đẻn
Nghe như tiếng chửi thề của kẻ giang hồ thất chí. Bài thơ như một bài hành hiện đại, nhưng ít tính phẫn uất. So với Nguyễn Bắc Sơn thì Nguyễn Bính rầu rĩ hơn:

Thuốc lào hút mãi người ra khói
Thơ đọc suông tình hết cả hay

Khẩu ngữ và từ địa phương không chỉ là thủ pháp tu từ mà còn là cố gắng có ý thức thoát khỏi sự tầm thường. Có hai tầm thường: một là của ngôn ngữ nên thơ, cũ, sáo, và hai, của ngôn ngữ thông tục dễ dãi. Nhàm sáo thì dễ buột miệng, tục càng dễ hơn. Thơ hiện nay được viết nhiều, không hay, vì vậy. Thực ra, đú và đẻn là gì? Đú là một loại rùa biển, gặp một số nơi ở miền Trung, như quê của Nguyễn Bắc Sơn, thịt ngon, người ta bắt được khi chúng lên bờ đẻ trứng. Đẻn là một loại rắn biển, hay thấy ở Quảng trị, Quảng bình. Ở Đồng hới, có lần tôi đã được mời một ly rượu huyết đẻn, nhưng chưa kịp uống. Hai chữ đú đẻn đi với nhau, nghe như đú đởn. Đó là nghệ thuật dùng chữ dung tục mà không tầm thường.
Thực ra, tình yêu đối với hoang dã, với thiên nhiên của Nguyễn Bắc Sơn ít được chú ý giữa những câu thơ về chiến tranh, về thế sự. Thế mà chúng bàng bạc khắp nơi, len lỏi mặn mà qua từng chi tiết.

Yêu rất khó vô tình cũng khó
Khách đa tình sợ nhất mùa thu

Một ngày nhàn rỗi là tấm gương phản chiếu giấc mơ thịnh trị, một thiên đàng. Mặt đất không có thiên đàng, nhưng con người không ngớt nghĩ về. Đó là cách chúng ta quên thất bại. Chúng ta không quên lịch sử và quá khứ, vinh và nhục của một quốc gia, nhưng chúng ta quên kinh nghiệm cá nhân. Một nhân vật của Borges, chàng Ireneo Funes trong truyện Funes the Memorious,  không thể quên được một thứ gì, đã phải sống khổ sở từng ngày những kinh nghiệm cá nhân trong dĩ vãng. Ngược lại, những mất mát nếu không được nhớ, và nhắc lại, sẽ tạo ra những mất mát tuyệt đối: đánh mất lòng tự trọng.

Dường như đứa trẻ nghìn năm trước
Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta

Hai chữ trẻ khác nhau. Tuyên ngôn của cái thuần phác đối với sự dung tục trong thời buổi của ông là một ý thức đề kháng văn hóa. Thời chiến, Nguyễn Bắc Sơn là người đi bên ngoài, ngang qua, tưởng không can dự mà can dự. Thế rồi ngoài chiến tranh, người ta có thể can dự ra sao?

Kỳ lạ nhỉ, giờ đây ta bỏ xứ
Theo trái phong du níu gió lên trời
Xin bái biệt cổ thành với nhà ga hoang không thiết lộ
Khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi

Hồi trước, ông đã từng mường tượng thế, nghi ngờ thế, tiên đoán thế. Nhờ lòng biết ơn của một người có số phận thua thiệt. Mặt bên trong của thái độ bất cần.

Nằm dưới gốc cây nhìn cánh bạc
Dường như mặt đất tiết mùi hương

Bận rộn là sống cùng người khác. Nhàn rỗi là sống với cái bóng của mình.
Thế giới mơ mộng không phải chỉ là giấc mơ, còn là nhu cầu. Trầm tư trước đau buồn, nhớ những hy sinh cần thiết và hy sinh vô ích, sống bên lề xã hội, không bi quan phẫn nộ, sống như mọi người mà đi lướt qua mọi người. Một ngày không việc gì làm, đụng đâu sống đó, đem tiền đi hớt tóc, thua cờ, mất tiền, không hớt được tóc, đánh một ván cờ, uống chén rượu, gặp dăm người bạn. Kim Thánh Thán nổi tiếng nếu biết đến thi sĩ nước Nam chắc cũng tủm tỉm cười, vì tương truyền trước lúc bị hành hình, ông còn viết thư cho con trai, dặn, dưa muối ăn với đậu vàng thì có vị như hồ đào.
Nguyễn Bắc Sơn yêu mến nỗi yên bình thôn dã, phủ lên chúng bằng không khí gần huyền thoại, chốn trú ẩn cuối cùng của một nền văn hóa bị tuyệt diệt, nỗi sầu cảm riêng tư, sự không biết và sự không được biết tới. Sự vắng mặt như sờ thấy được, như một sự vật. Giữa cuộc đời không thay đổi, một thứ không thời gian bốn chiều mất đi chiều thứ tư, không phải vì thời gian trôi chậm lại hay trôi nhanh hơn, mà vì không còn tác dụng lên những chiều kích khác. Cảm giác hành hương, sự thất lạc, sự trở về. Cuộc đời được đánh giá quá cao, tâm hồn được trân trọng quá mức, quá khứ đóng quá vội vàng, tất cả những thứ ấy đi lướt qua nhau loáng thoáng không theo một trật tự nào. Ngày tháng được xóc lên như những quân bài, xáo đi, trộn lại, được ném xuống ngẫu nhiên trên mặt bàn đá giá lạnh của vô thức.
Chúng nằm rải rác.
Sức mạnh của bài thơ là ở sự khiêm tốn, sự tình cờ tham dự, vì thi sĩ ở đời như một lời cầu nguyện.

Cái ngu đần của kẻ thông minh
cái đó chính là cái đó

Muốn tham dự, bạn phải từ bỏ cái đó của mình, hiến tặng chính mình cho tình yêu hoặc cho giấc mơ, không chia sẻ được. Chỉ có trong cảm giác dâng hiến, con người trở thành một với tạo vật, có khả năng nhận biết bài học của thành công và thất bại, của chiến tranh và hòa bình, như một trái cây chín tới, tự buông mình mà rụng xuống khi mùa tới, đất trời lộng lẫy. Và bạn nghe:


Nằm dưới gốc cây nhìn cánh bạc
Dường như mặt đất tiết mùi hương


Quá trình thăng hoa là hướng về cái cao cả, phép thăng tiến tinh thần. Một điều gì tựa như bùng vỡ, chuyển hóa, cảm giác ngỡ ngàng, đầy ánh sáng vị tha. Về mặt phân tâm học, thăng hoa là dịch chuyển các xúc cảm đối với một sự việc, khó được chấp nhận, trở thành một xúc cảm dễ được chấp nhận hơn, bởi xã hội hoặc bởi chủ thể, ví dụ hành vi nhân đạo hoặc sáng tạo. Vì sự dịch chuyển ấy có tính hướng thượng, thỏa mãn được siêu ngã, nên xung đột nội tâm được giải quyết lành mạnh. Thăng hoa là một ẩn dụ văn học.
Và là một trạng thái hoàn nguyên. Nguyễn Bắc Sơn kết thúc bài thơ với hình ảnh hài hước, bi tráng, dí dỏm, như một nhân vật kiếm hiệp nổi tiếng mãi trẻ mãi chơi của nhà văn Kim Dung, người có lẽ ông đọc nhiều.

Khi về râu tóc còn nguyên vẹn

Tâm tình ban sơ của thi sĩ, tấm lòng nhân hậu của người đi qua cuộc chiến tranh máu xương, nay còn gào thét, tâm tình ấy, tấm lòng ấy vẫn nguyên vẹn bên rìa cuộc đời như trong ngày mới lớn, râu tóc hãy tinh sương.

                                                                         Nguyễn Đức Tùng
                                                                       Mùa Giáng Sinh 2016
                                                                   (trong loạt bài Đọc Thơ)

Chú thích:

 (*) Nhà phê bình Đặng Tiến: "Tác phẩm Nguyễn Bắc Sơn, bên dưới những chứng từ lịch sử, là những bài thơ hay, trong lối văn “ thốn tâm thiên cổ ”."
(https://daohieu.wordpress.com/2015/08)
(*bis) Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc:
"Riêng tôi, tôi chỉ đánh giá cao Nguyễn Bắc Sơn ở những bài thơ viết về chiến tranh. Những bài thơ khác của ông, có thể gộp chung vào chủ đề "đời thường", từ những bài thơ viết cho bạn, cho vợ, cho đứa con mới chào đời hoặc cho chính mình đến những bài thơ bộc lộ những ngẫm nghĩ riêng tư về ý nghĩa cuộc đời, theo tôi, không có gì đặc sắc."
(http://www.voatiengviet.com/a/nha-tho-nguyen-bac-son/2912308.html)
(**) Đại từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn Hóa Thông Tin, 1999, p.1230, định nghĩa nhàn rỗi như sau:
1. Rỗi rãi, không vướng, không phải làm việc gì cả.
2. (Sức lao động, vốn liếng) chưa được huy động. 

1 nhận xét:

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ