Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

THỦY CHUNG TÌNH BẠN SAU LINH CỮU, HAY "NGHĨA TỬ LÀ NGHĨA TẬN" - Hồi ký của Lâm Bích Thủy

Cô  Lâm Bích Thủy, trưởng nữ của nhà thơ tiền chiến Yến Lan (một nhà thơ trong nhóm Bàn Thành Tứ Hữu) viết hồi ký về người cha kính yêu của mình.

           
                          Tác giả Lâm Bích Thủy


   THỦY CHUNG TÌNH BẠN SAU LINH CỮU
          HAY "NGHĨA TỬ LÀ NGHĨA TẬN"
  
 Hãy quên đi quá khứ để rồi lại nhớ về quá khứ hơn bao giờ hết! Chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng, nhưng không dễ làm người ta quên được những năm tháng ấy. Ngoài nhng mất mát về thể chất do chiến tranh để lại còn mt nỗi đau về tinh thần của những người trí thức có nhân cách và lương tri. Họ từ nhiều miền đất nước, trong đó có những người từ Miền Nam theo tiếng gọi của Đảng, Bác ra Bắc, nhưng người cùng thời chưa nhìn nhận ra chân giá trị đích thc của họ. Họ không có nỗi khổ nào hơn nỗi khổ là bị chính đồng nghiệp của mình gán cho tội phản động, chống Đảng rồi bị xã hội ruồng rẫy hàng chục năm trời!  


Anh rể (họ) của tôi, quê ở Bình Định, sau giải phóng, vào buổi giao thời, người như anh-làm y tá trong chế độ cũ; không thể sống được ở quê; năm 1976, anh đành vào lập nghiệp tại Long An. Anh yêu thơ, lúc nào có việc gì liên quan đến thơ, anh đều ghé vào bán đảo Thanh Đa hỏi thăm tin tức từ tôi.
Điều anh quan tâm lần này là: “Nghe đâu gia đình cụ Phan Khôi đi tìm mộ mà không thấy!

Không hiểu vì sao, cứ mỗi lần nghe đến tên Phan Khôi thì trong đầu tôi lại hiện về một quá khứ không lấy gì làm vui cho lắm. Hình ảnh tội nghiệp của  ông già người cao cao, gầy yếu, nước da men mét, râu tóc bạc phơ khắc khổ rõ dần. Lúc ấy, tôi còn nhỏ, đang học lớp 3 trong trường Học sinh Miền Nam ở Hải Phòng. Sở dỉ anh nhắc đến cụ Phan Khôi với tôi vì anh đã nghe người cùng giới nói nhiều về hành động dũng cảm của ba tôi đối với cụ  Đó là “Người bạn thơ độc nhất trên hàng trăm Văn nghệ sĩ ở Hà Nội trong thời NVGP, dám đi sau linh cữu để tiển cụ Phan Khôi về nơi an nghĩ cuối cùng vào một ngày đông giá lạnh ”

Nói lại chuyện này giờ đây thấy dễ dàng và quá bình thường, nhưng lúc bấy giờ, khi ai ai cũng lo sợ liên lụy đến người đang bị ban lãnh đạo giới tìm mọi cách vạch rõ chân tướng phản động và tư tưởng độc hại của ông đối với nền văn hóa của nước ta đang bước vào giai đoạn đầu trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu hồi đó, ai còn quan hệ thân hữu với cụ có nghĩa là theo phe với cụ thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc từng người tùy theo tội trạng nặng nhẹ.

 Và khi nhắc đến cụ, tôi lại thấy xót xa nơi con tim mình. Hình ảnh ba tôi-nhà thơ Yến Lan lầm lũi, trơ trọi sau linh cữu cụ Khôi ngày ấy nhiều người còn nhớ. Thế tại sao cái đều rất bình thường ấy lại gây xôn xao trong dư luận tại Hà Nội một thời như vậy
  
 Tập kết ra Bắc tháng 3 năm 1955, gia đình tôi được bố tri ở tầng hầm nhà 51 Trần Hưng Đạo cùng gia đình cụ Phan Khôi. Tầng trên có gia đình chú Chế Lan Viên, gia đình chú Đào Xuân Quí, chú Vương Linh và một số gia đình khác tôi không nhớ tên. Năm 1956, phải chuyển các gia đình nơi đây đi để lấy chỗ làm việc. Cùng chuyển về 73 phố Thuốc Bắc ngoài gia đình tôi còn có gia đình bác Vĩnh Maichú Vương Linh,  chú Hoàng Minh Châu v.v...

 Bức hình do chú Mịch Quang chụp trước khi đi tập kết:
Bên trái là nhà thơ trào phúng Nguyễn Đình, kế là Yến Lan, và chú Mịch Quang (giờ vẫn còn sống). Chú bé mặc váy là nhà thơ Lâm Huy Nhuận- em trai Lâm Bích Thủy – Lời chú thích ảnh của cô Lâm Bích Thủy

Nhà 73 phố Thuốc Bắc có chiều dài khỏang 50m, chiều ngang 5m. Suốt chiều dài người ta chừa một mét để làm lối đi chung, rồi ngăn bằng ván làm cho mỗi gia đình một gian để ở. Tầng dưới có 6 gia đình, trên gác có ba. Những căn hộ ở trên gác thì rộng rãi, biệt lập, có cầu thang riêng, không chung đụng với người xung quanh. Toàn bộ các hộ trong nhà đều dùng chung nhà tắm ở giữa, nhà bếp và nhà vệ sinh nằm ở cuối. Vì vậy, hàng ngày dù muốn hay không mọi người đều gặp nhau, khi thì nấu ăn, khi tắm giặc, vệ sinh v.v…

Gia đình tôi ở phía dưới, giữa 5 gia đình khác, kề vách là gia đình cụ Khôi. Phía ngoài cụ là chân cầu thang của hộ bà Cán, đến bể nước công cộng. Căn dành cho gia đình cụ là một cái buồng khép kín, rộng chừng 9m2, bằng 3/4 gian nhà tôi; có thể đây là nơi thờ cúng của chủ trước. Giữa nhà tôi và nhà cụ là bức vách có một cửa sổ nhỏ, to bằng bàn cờ tướng. Tôi thường ngồi cạnh cửa sổ nhà cụ giặt áo quần.

Ban đầu mới dọn về, sáng sáng, tôi thấy mọi người vào phòng cụ Khôi uống trà, bàn chuyện thời sự, bình luận những bài thơ vừa đăng báo; bọn trẻ chúng tôi chạy vô chạy ra nhà cụ để chơi với các anh, chị con cụ. Mọi người đều thân thiện, cởi mở. Thế rồi, dần dần tôi thấy có một điều gì đó, lung lắm! Các cô, các chú không xởi lởi như trước nữa. Trong cư xử tỏ ra dè dặt, dò xét, Nhà cụ Khôi cứ vắng dần bóng người lớn, lặng hẳn tiếng trẻ. Không khí trong ngôi nhà nặng nề, xét nét, xa lạ. Thấy lạ tôi hỏi má tôi “tại sao vậy?”. Bà kéo tôi ra chỗ vắng nói nhỏ như sợ có người nghe được: “Ông Khôi đang bị coi là người cầm đầu nhóm Nhân văn giai phẩm, con không nên vào nhà cụ, có người đang theo dõi nhà mình đấy.

Tôi không hiểu Nhân văn giai phẩm là tội gì, nặng đến mức nào mà ai cũng sợ liên lụy đến như thế. Tuy không nói ra nhưng ai cũng muốn chứng minh rằng mình như chưa hề có quan hệ thân mật với gia đình cụ Khôi. Họ tránh nhà cụ như thể nhà có bệnh dịch lây lan.

  Với những điều nghe và thấy, tôi không biết sẽ đối xử với mấy anh, chị con cụ như thế nào. Không lẽ hai nhà liền nhau một cửa sổ, cùng là học sinh Miền Nam, từng cùng nhau chơi đùa mà giờ lại tỏ ra chẳng quen biết hay sao? Dường như gia đình cụ hiểu được điều băn khoăn đó nên tế nhị lấy báo dán kín cửa sổ lại.
  Lâu lâu tôi thấy cụ ngang qua nhà, vẫn dáng người cao, nhưng gầy, yếu hơn trong bộ đồ tây màu vàng nhạt, tóc thì lơ thơ vài cộng bạc trắng ẩn sau chiếc mũ phớt màu nâu. Trên tay cụ giờ có thêm chiếc ba-toong, gặp ai cụ không nhìn, mắt hướng thẳng phía trước như chưa hề biết họ,
Như trước đây, tôi vẫn ngồi giặt bên bể nước. Tôi liếc nhìn cụ qua cửa sổ. Cụ ngồi trên giường, trầm ngâm, buồn buồn mắt nhìn đâu đâu, tôi thấy động lòng dù tôi chỉ là một đứa trẻ 12, 13 tuổi thôi, thương cụ quá chừng. Rồi một hôm, tôi nghe cụ ngâm bằng giọng Quảng Nam:

          Làm sao cũng chẳng làm sao
          dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi...
          Làm chi cũng chẳng làm chi
          Dẫu có điều gì cũng chẳng làm sao

Và cái gì đến nó đã đến. Vào một ngày cuối đông năm 1958 cụ lặng lẽ ra đi! Má tôi kể: “Nhà tập thể, linh cữu chỉ được để trong vòng 24 giờ. Sáng sớm hôm sau gia đình vội vả đưa cụ ra khỏi nhà. Tôi không được chứng kiến những gì xảy ra trong đám tang sáng hôm ấy. Nhưng điều tôi nghe được thật thảm: Chở linh cữu cụ là một chiếc xe thổ mộ có 2 con ngưa kéo bị che 2 bên mắt, khỏang 6 hoặc 7 người kể cả người đánh xe ngựa và ba tôi lặng lẽ, xa lạ giữa lòng Hà Nội. Nhưng điều để lại sau đám tang là sự dè bỉu và mỉa mai đối với ba tôi - nhà thơ Yến Lan mà người thời bấy giờ gọi là “thằng ”

 Nhiều năm sau, tôi vẫn còn nghe một người Hà Nội cùng cơ quan kể lại : Sáng hôm sau đó, ngòai phố, từng nhóm 3, 4 người ngồi ở gốc cây, ghế đá xì xào bàn tán về hành động của một tay nhà thơ: - “ Nghe nói ngoài gia đình còn có thằng cha nhà thơ nào đó dám cả gan đi sau xe tang tiễn lão Phan Khôi đến tận nơi an nghỉ…”  
 Giải thích điều này ba tôi nói: “Đó là đạo lý của người Việt Nam - Nghĩa tử là nghĩa tận”. Đúng thế, chẳng có ai ghen ghét hay căm thù người đã khuất, vì hòan cảnh, hồi đó, họ sợ liên lụy đến bản thân, sợ khó khăn cho cuộc sống của mình .

 Suốt những năm tháng sau này, tôi luôn muốn biết hậu về đời cụ. Một hôm, vào năm 2004 tôi đọc trên Tạp Chí Xưa & Nay với bài viết về Phan Khôi của tác giả Vương Trí Nhàn. Bài báo đã khẳng định về những đóng góp của cụ  “... Phan Khôi là học giả nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, triết học, ngôn ngữ, tôn giáo...Cụ viết văn, làm thơ, là dịch giả dịch Kinh Thánh đầu tiên ở Việt Nam. Lĩnh vực nào cụ cũng tạo nên được tên tuổi lớn. Cụ là tác giả bài thơ "Tình già" như bản tuyên ngôn và đặt nền móng cho trào lưu thơ mới ở Việt Nam. Cụ đi theo kháng chiến và là GS giảng dạy ở bậc đại học....” Đọc xong bài báo tôi thật sự mừng cho cụ và gia đình cụ biết nhường nào, mừng vì người ta đã hiểu và đánh giá cao tố chất ngọc trong cụ :

Đầu tháng 4 năm 2007 những người trong nhóm “Nhân văn giai phẳm” như ba tôi, nhà thơ Hòang Cầm, Lê Đạt, Trần Dần được nhận giải thưởng nhà nước. Điều đó đã khẳng định nhà nước Việt Nam đã nhận ra những sai lầm của mình đối với một số văn nghệ sĩ từng bị hàm oan, bị đối xử không công bằng hàng chục năm trời. Nhưng còn cụ Phan Khôi thì chỉ thấy thấp thoáng bóng cụ qua những vần thơ của thế hệ trẻ:

       Đứng trên cao khơi nguồn dòng sông
       Ra tới biển không thấy ông đâu cả
       ...
       Đỉnh núi mà không phải núi
       Vẫn ung dung lồng lộng giữa trời
       ...
       Đầu và tim học giả
       Vẫn đói sách Đông - Tây
       ...Ông là vỏ đạn
       Nhân văn nhét thuốc nổ vào
       ... Tắt một vì sao
      Tình già vẫn cháy

 Có một điều giờ đây tôi mới dám nói ra là có lần cụ tâm sự với ba tôi: “Tôi khổ tâm lắm chú Yến Lan, không ai hiểu tôi cả!”.
Với sự hiểu biết hạn hẹp và phiến diện khi biết về cụ Phan Khôi- “Cụ vì là người chính trực, không biết nịnh, tính thẳng thắn, bộc trực, thấy điều không phải thì nói ra, không nể nang ai nên –cái miệng làm khổ cái thân là vậy”
                                                                          Lâm Bích Thủy

8 nhận xét:

  1. http://image.blingee.com/images15/content/output/000/000/000/380/159996244_109257.gif

    Chúc anh vui ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn, chúc vui rạng rỡ!

      http://img1.123tagged.com/en/thursday/13.gif

      Xóa
  2. "Làm sao cũng chẳng làm sao...cũng chẳng làm sao"câu thơ cứ theo chúng tôi đi suốt thời choai choai.Nó làm cho chúng tôi vênh lắm,và luôn nuôi cái chí bất cần.Có lẽ bài thơ chỉ hay khi trà dư tửu lậu,chứ người lãnh đạo,làm chính trị,hay kinh tế thí nó là khắc tinh.Cụ Phan Khôi chết cũng vì cái hay, vạ miệng.Chấp nhận thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Em thăm Thầy Đồ, đọc và chia sẻ! Cuối tuần vui anh nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui khi Chu Ngọc ghé thăm. Ngày mới thanh thản nhé!

      http://pic100.picturetrail.com/VOL630/13252760/23805297/396873357.jpg

      Xóa
  4. Thăm anh nhé
    Chúc anh cuối tuần bình yên và niềm vui
    http://d.violet.vn/uploads/resources/document/0/743/446/Hoa1.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chiều vui nhiều NIỀM TIN nhé!

      http://petitsbonheursquotidiens.p.e.pic.centerblog.net/8a652546.gif

      Xóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ