Chúng tôi xin giới thiệu một bài viết mới
của thầy Trần Kiêm Đoàn mà thầy vừa gửi qua email
TRÊN
ĐƯỜNG BỤI PHẤN
Trần Kiêm Đoàn
Bình luận về một bài viết rất chi là “sư phạm chơn
ngôn” của thầy Lê Duy Đoàn, một đóng góp văn chương kỷ niệm 45 năm Đại Học Sư
Phạm Huế, dưới nhan đề “Sư Phạm - một con
đường”, thầy Đoàn Ứng Viên bèn ra thơ… nóng hổi:
rằng
hay thì thật là hay
không
hay sao lại đỗ ngay sư...phàm
bây
chừ con cháu càm ràm
phải
chi không học chắc làm quan to
(Đoàn Ứng Viên. Email: Vào 13:52 Ngày 01 tháng 4 năm
2013)
Sư Phạm Đại Học Huế
- Một cảnh trại Hè, khóa Phan Châu Trinh 1970
Nhân gian có thể khác nhau về nhiều mặt, nhiều dáng,
nhiều vẻ nhưng lại rất giống nhau tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây về hình ảnh
và cuộc sống của nghề dạy học. Đó là bất cứ ở đâu và vào thời kỳ nào thì người
làm nghề thầy giáo đều nghèo. Người ta có thể dùng chữ hoa mỹ như thanh bạch, đạm
bạc, khiêm tốn, tri túc… đầy hào sảng để nâng dấu chân người thầy lên một
chút nhưng chẳng ai nâng được bục giảng
thành bệ, thành đài; và cũng chẳng ai hoán chuyển được cái thanh bần thành trọc
phú. Thôi thì thôi nhé! “Đã mang lấy
nghiệp vào thân…” thì cứ rứa mà an phận lên đường. Dẫu cho Con Đường Bụi Phấn
êm đềm hay gian nan là thế.
Ngày xưa, thuở trời đất chưa “nổi cơn gió bụi” thì chọn
nghề dạy học là chọn một lối sống an nhiên, bình thản, ngày lại ngày sống đạm bạc
yên thân. Quá lắm thì cũng “tiến vi quan, thối vi sư” là cùng. Đường vào sư phạm
thì có vô số môn phái, môn đồ. Mỗi thầy, mỗi cô đều có sự bắt đầu và kết thúc
dòng đời sư phạm của mình theo một hoàn cảnh và kiểu cách riêng, nhưng vẫn có một
lối đi chung chung theo quy ước xã hội, tuy đã vàng phai nhưng vẫn còn thấp
thoáng dư vang một thời Quân Sư Phụ. Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam và hoàn cảnh
đất nước đổi thay từ sau năm 1975, nghề dạy học đã bị lay động tận gốc rể. Thầy
cô giáo cũng phải cựa quậy, đôi khi đến mức quyền biến, để sống còn trong mỗi
hoàn cảnh đổi thay.
Riêng bản thân tôi, đường vào sư phạm mở ngõ như một
ngã rẽ tình cờ. Tôi đậu tú tài ban toán, theo học dự bị Văn khoa trước khi thi
đỗ vào Y khoa. Nhưng con đường làm thầy lang Tây khép lại khi ông anh đầu tử trận,
nguồn tài trợ không còn. Tôi thi vào sự phạm ban Việt Hán và đỗ đầu trong số 11
sinh viên được tuyển chọn; ra trường đứng thứ nhì sau Trần Hoài là thủ khoa
toàn khóa Phan Châu Trinh 1970.
Có lẽ so với các bạn cùng lớp Đại học Sư phạm Huế, tôi
là gã gian nan nhất đã bước đi trên con đường bụi phấn gập ghềnh suốt 43 năm –
có chăng không duyên thì cũng nghiệp – kể từ khi bắt đầu dạy trường Phan Sào
Nam năm 1967 nơi Quê Mẹ và kết thúc nghề dạy học ở trường Lutheran Pacific University
năm 2010 ở Xứ Người.
Trên
đường bụi phấn ban mai
Năm đầu tiên vào Đại học Sư phạm Huế, tôi đã bắt đầu
đi dạy giờ ở các trường tư. Trường đầu tiên nơi tôi bắt đầu làm nghề thầy giáo
là trường Phan Sào Nam ởTây Lộc, Huế khi thầy Lâm Toại làm hiệu trưởng. Thầy Toại
và thầy Vinh đã đích thân ghé nhà mời tôi dạy môn Anh văn. Năm sau, tôi cũng dạy
Anh văn ở trường Bán Công Huế do thầy Nguyễn Đăng Ngọc, chánh thanh tra học
chánh giới thiệu với thầy Âu Đức Tài đang làm hiệu trưởng. Nhưng chính thức bước
vào nghề dạy học là khi tôi tốt nghiệp ĐHSP và chọn ra dạy học ở trường Nguyễn
Hoàng Quảng Trị.
Gia đình sống ở Huế, ra Quảng Trị dạy là sự lựa chọn
phổ biến nhất của các giáo sinh gốc Huế vừa tốt nghiệp có ưu tiên cao nhất nhì
theo vị thứ tốt nghiệp. Hàng tuần, tôi dồn hết giờ dạy trong vòng 4 ngày rồi
vào Huế với gia đình 3 ngày. Có lẽ con đường bụi phấn “dễ sợ” nhất của tôi kể từ
thời đó và cho đến bây giờ là mỗi sớm thứ Hai phải xuất phát từ Huế khi trời mờ
sáng để ra tới Quảng Trị cho kịp giờ sáng thứ Hai chào cờ toàn trường. Trên quốc
lộ 1, con đường duy nhất từ Huế ra Quảng Trị dài 60 km thì đoạn đường đáng kinh
hoàng là từ Văn Xá ra tới Mỹ Chánh. Trên đường, thường xuyên có những bẫy chết
bất ngờ do du kích hay bộ đội đào đường chôn mìn lúc ban đêm, xe đò vượt qua
trúng mìn nổ là tan xác pháo.
Tôi đã có khá nhiều bài viết về sinh hoạt xã hội và
giáo dục trong suốt 5 năm dạy học tại trường Nguyễn Hoàng. Tôi đến với Quảng Trị
trong một giai đoạn có nhiều biến động nhất của xứ nầy. Chỉ trong vòng 5 năm mà
trường Nguyễn Hoàng dời tới 4 địa điểm khác nhau: Nguyễn Hoàng còn gốc ở Quảng
Trị (1971). Nguyễn Hoàng Non Nước và Nguyễn Hoàng Hòa Khánh (1972-1973) khi di
tản vào Đà Nẵng. Nguyễn Hoàng Hải Lăng (1974 khi hồi cư). Và, Nguyễn Hoàng mất
tên (1975) nhưng lạ một điều là tình đồng môn và quan hệ Thầy Trò Nguyễn Hoàng
thì thắm đượm hơn cả khi trường còn hiện hữu.
Trên
đường bụi phấn ban trưa
Tôi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Huế và được bổ ra dạy tại
trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị năm 1970. “Mùa Hè đỏ lửa” năm 1972, tôi
cùng với đoàn người chạy loạn vượt qua Cầu Dài trên “đại lộ Kinh Hoàng” vào Đà
Nẵng. Nơi trại tạm cư, tôi dạy học tại một trong hai nhánh trường Nguyễn Hoàng:
Nhánh phía Bắc mượn tạm nhà kho của quân đội Mỹ tại Hòa Khánh. Nhánh phía Nam tạm
cư ở vùng Non Nước. Năm 1973, hồi cư về vùng đồi cát Hải Lăng, Quảng Trị. Năm
1975, chạy loạn vào Đà Nẵng lần thứ hai và bị kẹt cùng với hàng vạn đồng bào Huế,
Quảng Trị trên đường di tản vào phía Nam.
Khi cả Huế và Đà Nẵng hoàn toàn rơi vào sự kiểm soát của
quân đội miền Bắc vào cuối tháng 3 năm 1975, mọi hy vọng di tản về Nam hoàn
toàn tiêu tan. Giữa lúc đó, gia đình chúng tôi lại phải đối diện với một hoàn cảnh
khó khăn riêng: Vợ tôi sắp sinh. Bệnh viện hộ sinh đã khám định kỳ và được chọn
làm nơi sinh cho cháu bé tương lai là “Nhà thương Cô Lành” gần cửa Đông Ba, Huế.
Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải tức tốc ra Huế. Ngày trở lại
Huế, thành phố vẫn còn vắng vẻ. Bộ đội canh gác trên đường và các cửa thành xen
lẫn với người dân từ vùng quê lên hay từ Đà Nẵng ra gánh gồng trở về nhà cũ.
Đang đi trên đường Lê Lợi gần Morin, tôi gặp Trần Kiên Nhẫn, bạn thân học cùng
lớp từ thời ở trường Quốc Học. Nhẫn vui mừng la toáng lên:
“Gặp
mi, tau mừng quá. Mi là Cơ sở Cách mạng!”
Thật tình trong ngữ cảnh lúc đó, tôi chỉ hiểu được
nhóm chữ “Cách mạng”, nhưng mù tịt
không biết “Cơ sở” là gì trong một
trào lưu chính trị tạm gọi là…Cách mạng.
Tôi hỏi Nhẫn:
“Tao
là cơ sở Cách mạng à?! Nhưng cơ sở cách mạng là chi?”
Nhẫn giải thích:
“Cơ
sở Cách Mạng là người có công với Cách mạng.”
Tôi hỏi lại:
“Thiệt
tình tao chưa hiểu chi cả. Mi nói tao nghe, tau đã làm chi mà có công với cách
mạng?”
Nhẫn có vẻ hơi bối rối, giải thích mơ hồ rằng:
“Thì
mi biết tụi tao là người có tham gia vào hội Liên hiệp Thanh niên, Sinh viên, Học
sinh Giải phóng mà không tố cáo với nhà cầm quyền Ngụy…”
Tôi thật tình chia sẻ:
“Tụi
mình là bạn học chơi thân với nhau nhưng mi biết tính tao là thằng cóc cần để ý
đứa nào làm chi. Đó là chuyện riêng của mỗi đứa, mắc chi lại kéo tao vào.”
Nhẫn nói, giọng có vẻ quyền lực:
“Thôi
thì cứ rứa cái đã. Chuyện đã qua cho qua. Nhưng trong tình hình hiện chừ, mi muốn
làm cái chi?”
Nghĩ đến mấy đứa con dại và vợ sắp sinh, tôi hăng hái
nói lên sự mong muốn của mình:
“Tau
muốn đi dạy học ở Huế. Ra Quảng Trị xa quá. Tao có sự vụ lệnh thuyên chuyển về
Huế rồi, nhưng chưa kịp trình thì chạy loạn.”
Nhẫn nói dễ dàng:
“Tưởng
làm chi chớ như mi mà vẫn còn muốn tiếp tục xin đi dạy học lúc nầy thì dễ ợt. Tụi
đi dạy có công với Cách mạng bỏ dạy đi làm ở các ủy ban hết. Mi chưa tới 30 tuổi,
thanh niên “trắng” (nghĩa là không đi lính), lại là dân giáo sư đệ nhị cấp thì
ưa trường nào tao xin cho. Nhưng phải là đoàn viên đoàn Thanh niên mới được.”
Tuy chưa hề biết đoàn Thanh niên là đoàn thể gì, nhưng
bất cứ phương tiện nào giúp cho tôi một chỗ dạy học ở Huế để giúp vợ nuôi con
trong hoàn cảnh mới đều là cái phao để vớ. Tôi đồng ý theo sự dẫn dắt của Nhẫn.
Nhẫn đưa tôi lên văn phòng Thành Đoàn Huế. Đó là một nhà lầu cũ nằm gần bờ sông
An Cựu. Nhẫn dắt tôi vào gặp ông Lê Phương Thảo là trưởng Thành Đoàn lúc bấy giờ.
Sau một thủ tục gia nhập ngắn, ông Thảo đưa tôi một tờ giấy quyết định và nói:
- Bây giờ anh là đoàn viên đoàn thanh niên Lao Động.
Tôi quyết định đưa anh về phụ trách Đoàn Thanh niên trường Nguyễn Tri Phương.
Từ khi đi lang thang tình cờ gặp bạn Nhẫn đến khi cầm
quyết định về trường Nguyễn Tri Phương Huế chưa đầy hai tiếng đồng hồ. Tôi cảm
thấy hơi lo lắng vì không biết phải làm gì với chức vụ “hoạnh tài” mới toanh mà trước đó vài giờ tôi chưa bao giờ nghĩ tới.
Cầm tờ quyết định về trường mới, tôi chạy xe Honda một
mạch tới trường Nguyễn Tri Phương. Nơi đây, đã có một nhóm điều hành trường gọi
là ban Giám Hiệu: Trưởng ban là anh Dương Văn Lộc, người Vỹ Dạ. Anh Lộc là một
thầy giáo đệ nhất cấp của trường NTP. Sau đó, tôi được biết thêm anh ta là một
trung úy “Ngụy” biệt phái trước 1975
nhưng lại là “Cơ sở Cách mạng”. Phó
ban là anh Nguyễn Văn Tám, cũng là một thiếu úy “Ngụy” biệt phái và đồng thời là một giáo sư đệ nhất cấp cũ của của
trường nầy. Tôi được anh Lộc giao làm phó ban Giám hiệu lo về giáo vụ và phụ
trách đoàn Thanh niên của nhà trường. Vốn là một cựu liên đoàn trưởng Gia đình
Phật tử nên tôi đã quen với công tác hoạt động thanh niên. Đoàn Thanh niên trường
Nguyễn Tri Phương có chừng 50 em học sinh gồm cả ba cấp lớp: 10,11 và 12. Hầu hết
còn ở mức độ “thanh niên yêu nước” chứ
chưa được vào đoàn Thanh niên. Sinh hoạt chính của Đoàn Thanh niên trong thời
gian nầy là giúp nhà trường là xếp đặt lại trật tự bàn ghế và thiết bị trong
các phòng, các lớp đang trở nên quá lộn xộn, hư hại và nhếch nhác sau một thời
gian dài ngưng hoạt động.
Sự vướng mắc tâm lý thường xuyên ám ảnh tôi kể từ ngày
về trường Nguyễn Tri Phương là tình trạng man khai “có công với Cách mạng”. Thật bụng, tôi chỉ mong được tiếp tục đi dạy
học như một thầy giáo bình thường ở Huế mà thôi. Bỗng đâu cái mũ “cơ sở Cách mạng” do thằng bạn thân lúc
cao hứng chụp đại lên đầu tôi trong một hoàn cảnh tranh tối tranh sáng và giữa
một thời điểm mà việc luận công, hành tội không rõ ràng và tùy tiện. Tôi đành
ngậm bồ hòn làm thầy giáo… Cách mạng, không còn lối rút lui.
Bức tường “nhà
giáo… Cách mạng” trở thành cái hố ngăn cách cá nhân tôi và đồng nghiệp. Tôi
đã tình cờ bị xô lên ngựa thì phải ôm chặt bờm cho khỏi ngã. Bỗng dưng sáng mai
ngủ dậy, trước mắt những Thầy Cô giáo hàng tiền bối cây đa cổ thụ xứ Huế của
tôi đang trố mắt nhìn gã thầy giáo ăn sau chạy dọi như tôi đã “theo Cách Mạng (?!)” từ thuở nào mà nay
được tiến cử vào hàng ban Giám Hiệu. Trạng thái tâm lý “khủng hoảng lai lịch” (identity crisis) đã làm tôi cảm thấy mất hết
hứng thú và lòng tự hào của một giáo sư chưa đầy 30 tuổi, còn đầy lý tưởng. Dẫu
tôi có nói rằng, tôi không hề có công hay có tội hoặc duyên nợ gì với thế lực cầm
quyền mới cả thì cũng chẳng ai tin. Đối với thầy cô giáo miền Nam thì tôi là
người của chế độ mới. Đối với thầy cô giáo miền Bắc thì tôi là người của chế độ
cũ. Đối với thế lực lãnh đạo của trường là chi bộ Đảng thì tôi là kẻ đứng ngoài.
Với một thầy giáo trẻ có liêm sĩ tri thức và luân lý chức nghiệp mà phải đứng ở
vị thế “lửng lơ con cá vàng” như thế
quả là một tai họa cho lòng tự trọng và tự ái nghề nghiệp. Khi không thể tự xác
định mình là ai giữa một tập thể “quan
trên ngó xuống, người ta trông vào” như vậy, tôi cảm nhận được mình đang đi
vào một trạng thái khủng hoảng tâm lý.
Như ngày xưa Tú Xương nhìn lên bảng trượt thấy tên
mình thì bỗng phát sinh ra thứ tâm lý buông xuôi, bất chấp: “nhìn lên trên bảng thấy tên ông, ông tớp rượu
vào ông nói ngông…” tôi cũng đã trải qua những tháng ngày “lưu lạc trong chính mình” như thế. Tuy
tôi không “tớp rượu vào để nói ngông”
như tiền bối Tú Xương, nhưng khi nhận ra rằng, trong xã hội mới “Sư Phạm – (không phải) là một con đường” như
bạn Lê Duy Đoàn đồng môn, đồng khóa đã viết, tôi quá thất vọng. Thất vọng từ vụ
đổi tiền ngày 22-9 -1975 – như nhà báo Huy Đức ghi lại đôi dòng cảm xúc của tôi
trong tác phẩm “Bên Thắng Cuộc” vừa
xuất bản năm 2013 – đến những sinh hoạt “gây
dị ứng” của hệ thống giáo dục miền Bắc được áp dụng máy móc trong khung cảnh
miền Nam đã khiến tôi tự xét mình không “kham
nổi” vai trò thầy giáo và sinh
hoạt tuổi trẻ trong nhà trường kiểu mới. Cuối năm học 1975-1976 tôi đã gởi đơn
cho bí thư đoàn trường NTP Lê Huy Linh xin nghỉ sinh hoạt khỏi đoàn thanh niên.
Và ngày 30-8-1978, tôi và thầy Hồ Hữu Hạnh đã nhận giấy đuổi dạy ra khỏi trường
Đồng Khánh “về địa phương lao động sản xuất.”
Đấy là cái giá phải trả cho một thầy giáo chân lạc bước trên con đường bụi phấn
như tôi mà tai vẫn còn nghe văng vẳng lời những vị thầy xưa như đức Khổng Tử và
các hiền nhân một thời và mãi mãi: “Hòa
nhi bất đồng; tòng nhi bất đảng”.
Đã 35 năm qua nhưng tôi còn nhớ cảm giác “ớn lạnh” của một người thầy giáo bị đuổi
dạy trong cảnh dầu sôi lửa bỏng. Giữa một khung cảnh xã hội đương thời đầy hận
thù, chuyên quyền và đày ải mà bị hất chân ra khỏi môi trường sống bình thường
là đang tựa lưng trên cửa về Địa ngục…
Nếu có chăng một lời nhắn lại cho thế hệ sư phạm đàn
em thì đó sẽ là một lời tâm sự đơn giản nhưng thiết tha rằng, với bất cứ ai đã
chọn con đường dạy học thì nghề sư phạm là nguồn và nghề theo đuôi chính trị là
suối. Suối có thể len bước, lách mình để có một dòng chảy; nhưng nguồn thì
không. Thà để cho nguồn khô, suối cạn; nhưng đừng bao giờ đem suối bẩn lên làm
vẩn đục đầu nguồn.
Trên
đường bụi phấn ban chiều
Khi hình dung một người thầy giáo (chứ hãy khoan nói đến
cô giáo) có lẽ không có ai lại liên tưởng đến một người thầy ở trần, mặc quần
xà lỏn mà lên lớp dạy cả. Thế nhưng hình dáng không tin ấy lại có thật đối với
tôi. Tôi đã ở trần lên lớp trước ống kính của truyền thông quốc tế.
Tháng 7 năm 1982, chúng tôi vượt biển từ bãi biển Hải
Nhuận cách thành phố Huế chừng vài ba chục cây số. Sau 12 ngày đêm lăn lộn
trong cảnh mười phần chết, một phần sống với sóng gió của đại dương với 23 người
ép nhau nằm trong lòng chiếc ghe nan đan bằng tre; ngày nắng cháy da cháy thịt,
đêm lạnh như băng và những xóm làng cùng con người có chỗ nhân ái, có nơi thù
nghịch muốn ăn tươi nuốt sống… Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được đảo Chimawan,
ngoài khơi Hồng Kông trên mình chỉ còn độc nhất chiếc quần đùi và làn da cháy nắng,
dầm sương, đầm nước biển đen sì và dày cộm như cơm cháy. Đây nguyên là một trại
tù cấm cố (Closed Prison). Nay dành để tạm nhốt những người vượt biển tỵ nạn đến
đất Hồng Kông sau tháng 7-1982. Hơn hai nghìn trại viên vượt biển nhốt trong trại
phải sống theo đúng kỷ luật gắt gao của người tù cấm cố: Mỗi ngày điểm danh 3 lần.
Ăn, uống, tắm gội, ngủ, nghĩ, học, chơi… đều phải theo đúng thời biểu và kế hoạch
quy định. Không gian sinh hoạt không được vượt quá lằn ranh quy định. Trong
khung cảnh đó, tôi trở thành một thầy giáo dạy Anh văn bất đắc dĩ. Ngày đầu
tiên nhập trại, sự mong ước tha thiết nhất của tôi cũng như mọi người đồng cảnh
ngộ là làm sao gởi được một điện tín về cho cha mẹ, thân nhân: “Đã tới được… đâu đó còn sống!”
Khi đang mang niềm mong mõi cùng cực đó thì bỗng đâu
có một ông Mỹ mập từ đất liền Hồng Kông tới thăm trại. Sau nầy mới biết ông ta
là Sheldon Crutchfield, một nhà từ thiện của hội Tin Lành, có chân trong Cao Ủy
Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Tôi e dè tới gặp ông “Mỹ Mập” trong tầm mắt trông chừng của cảnh sát trại giam thường rất
khắt khe trong mọi sự tiếp xúc với khách viếng trại. Sheldon tỏ ra rất quan tâm
và thích thú khi nghe tôi nói tiếng Anh tương đối khá trôi chảy. Tôi nhanh
chóng vớ được một “hợp đồng song phương”
quá hấp dẫn hơn cả mơ ước, đó là ngay hôm sau, ông Mỹ Mập sẽ giúp tôi gởi một
điện tín về quê hương cho mẹ tôi với nội dung: “Con đã đến được Hồng Kông an toàn”. Đổi lại, tôi phải dạy lớp tiếng
Anh đầu tiên mà ông ta mở ở Trại Cấm cho bà con trại viên. Phòng ăn tập thể của
trại biến thành lớp học ngay sau bữa ăn sáng hôm sau. Khi chuẩn bị lên lớp lúc
9 giờ, tôi bỗng “khám phá” ra mình ở trần. Mấy ngày qua, với khí hậu nóng bức
và sân trại đầy người với đa số đàn ông đều không có áo như tôi. Sau những ngày
kinh hoàng vừa thoát chết trên biển cả, chẳng ai quan tâm đến chuyện quần áo,
trang sức bên ngoài. Ngó quanh, ngó quất người đồng cảnh ngộ thành quen thuộc.
Nhưng khi chuẩn bị lên lớp làm thầy giáo mới cảm thấy ngỡ ngàng với chính mình
khi ngó xuống tập sách trên tay và chiềc quần xà lỏn “phất phơ theo gió” của mình. Nhưng trong cảnh hết đường chọn lựa,
tôi làm sao đào cho ra một chiếc áo hay mượn của ai đây.
Khi tôi bước lên chiếc bàn thầy giáo, mình trần; tôi
nghe có tiếng xì xào biểu tỏ sự cảm thương hơn là khen chê, phê phán. Nhìn xuống
lớp học đông như phòng ăn với đủ thành phần và lứa tuổi, đa số đàn ông đều
không có áo như mình, nhưng mọi ánh mắt đều sáng lên vẻ nao nức muốn học thứ
ngôn ngữ giúp sống còn trên bước đường tương lai chưa định hướng của mình, tôi
xúc động đến nghẹn lời. Bỗng dưng tôi muốn khóc khi nghĩ đến ngày mình bị đuổi
dạy trên sân trường Đồng Khánh. Sau bốn năm dọc đường gió bụi, từ lao động Bình
Điền, lái xe Lam Huế - Bao Vinh, tới bán Chợ Trời Tây Lộc Huế, hôm nay bàn tay sần
sùi vì gian khổ của tôi được cầm lại viên phấn.
Mân mê viên phấn trắng trên tay, suy nghĩ một thoáng, tôi viết lên bảng
xanh chữ dạy đầu tiên trên xứ người: “Thank
you!” – Cám ơn – Xin cám ơn đời và cám ơn quê mẹ một thuở, quê người phút nầy
đã cho tôi niềm vui thiêng liêng của người thầy giáo trên bục giảng. Đó là trạng
thái tinh thần đầy cảm xúc như người người diễn viên trên sân khấu, như gã nghệ
sĩ trên đường sáng tạo. Tôi lại được đi trên Con Đường Bụi Phấn là thực hay mơ.
Hãy khóc đi hỡi quê hương yêu dấu…
Ba mươi năm định cư trên đất Mỹ, tuy cuộc sống không
kém phần cam go, nhưng tôi vẫn ráng hết sức mình để cho niềm vui, nỗi khao khát
và lòng tự hào của một người còn mong được bước đi trên Con Đường Bụi Phấn
không lụi tàn. Nhìn lại con đường dài hun hút độc hành hay đồng hành với những
mảnh đời sư phạm, bụi thời gian phủ mờ quá khứ, nhưng bụi phấn vẫn sáng lên niềm
tâm cảm long lanh của người thầy và lớp học. Trong tôi, tiếng giảng bài bị cắt
đứt thường xuyên bởi tiếng máy bay tải thương của sân bay dã chiến bên cạnh và
tiếng bom đạn chợt xa, chợt gần vọng lại trong những ngày đứng trên bục giảng
trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị vẫn còn là những vọng âm đầy âu lo nhưng cũng
chan chứa hạnh phúc của tuổi trẻ và ước mơ một ngày mai đẹp hơn. Bên tôi, tiếng
giảng bài có khi lạc đi và buồn buồn vì xa tiếng mẹ đẻ; nhưng vẫn có được nụ cười
dễ thương của thằng Bờm cầm được nắm xôi vì con đường sư phạm của đời mình
không bị không gian và thời gian cắt đứt khi còn đứng trên bục giảng của những
trường đại học Mỹ.
Con
Đường Bụi Phấn của tôi cũng gian nan chìm nổi như dòng sống
quê mình. Nhưng khi bể đã lặn, sóng đã êm tới thời hưu trí, tôi cũng có thể xoa
tay bắt chước người xưa nhìn thế hệ đàn em và nhìn lại chính mình để nói lời ân
tình mà kiêu bạt đầy cảm khái: “Kẻ sĩ làm
thầy trên bục giảng, gác kiếm về vườn phủi bụi cổ thư.”
Sacramento, trọng Xuân 2013
Trần Kiêm Đoàn
Nguồn: http://www.trankiemdoan.net/van/kysu-hoiuc/trenduongbuiphan.html
Lẽ ra làm thầy thì không làm chính trị gì cả.Nhưng bài viết trên của một người thầy PT nhận thấy LÀM THẦY thật là gian nan giữa buổi giao thời, nên thầy cũng phải "mất dạy"!
Trả lờiXóaBâng khuâng tôi với nghề thầy
XóaVới ngày xưa ấy nỗi này hanh hao
Bút ký của Trần Kim Đoàn thật xúc động.
Trả lờiXóaĐược sự đồng cảm của Hiền Mai chắc thầy Kiêm Đoàn cũng ... xúc động! w-)
XóaĐọc, hiểu được hoàn cảnh éo le của một trong những người thầy một thủa. Chua xót, cảm thông.
Trả lờiXóaA! Rhum cũng xuất thân từ Đại Học Sư Phạm Huế ra mà. Rứa thì sự đồng cảm càng cao hè!
XóaLàm Thầy
Trả lờiXóaLàm Thầy hăm hở chuyện Thụ Nhân
Xã hội lạc an Giáo Dục nâng
Thời thế đảo chao thân hụt mạng
Nguồn cơn xoáy trộn phận xoay phần
Mong cầu được nổi trong dòng chảy
Ước nguyện còn lưu giữa bụi trần
Cộng nghiệp cuốn theo cơn đại thủy
Cố bơi thở hít tận hư chân
Nha Trang,25.04.2013
Võ Sĩ Quý
Là một thầy giáo xuất thân từ trường Đại Học Sư Phạm, lại là "chuyên gia" thơ Đường Luật nên bác Võ Sĩ Quý chia sẻ bài viết bằng vần thơ thấm đẫm nhân tình, đọc mà ngậm ngùi lắm!
XóaNhững người thầy luôn gắn bó với nghiệp trồng cây trồng người luôn được trân trọng anh ạ ! Bởi BD nghĩ các anh các chị luôn đầy tâm huyết mới trụ vững trên bục giảng học đường, thật đáng nể và cảm phục
Trả lờiXóaChúc anh Thaydo ngày mới an lành, tâm huyết với các em học sinh thân yêu anh nhé ! (~_~)
[img] http://files.myopera.com/Dirk63/albums/2330421/good-morning-10.gif [/img]
XóaBuổi chiều an lành nhé!
[img]http://images.yume.vn/wall/20130425/thaydo09/source/1366886743_Evening2.jpg[/img]
Anh Đoàn ơi hỡi anh Đoàn
Trả lờiXóaGian nan cũng lắm, vinh quang cũng nhiều.
"Trên đường bụi phấn" liêu xiêu
"Nhường trà", "dán áo'...lắm điều đắng cay...
Bác Ksor_ke, à quên, thầy Nguyễn Viết Kế ơi, thầy là đồng môn Đại Học Sư Phạm Huế, nhưng có cùng chung khóa với thầy Đoàn không hè!
XóaChắc bác Ksor_ke nhắc tới bài thơ nói lái về nghề giáo như ri phải không hè: :D
Thầy giáo tháo giầy, tháo giáo án dán áo
Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương
Làm giáo chức, phải giứt cháo
Thảo chương, rồi để được ... thưởng chao
Nhường luôn hết cả nhà xe, nhè luôn hết cả xương
Nhường luôn miếng đất, nhất luôn cả miếng đường
Nhường tới tận rau, nhàu luôn tới tận xương
Nhường tới cái túi, nhúi ... tới cái tường
Lấy lương hưu, để lưu hương
Chúc bác vui nhiều hí! :-h
Mỗi lần ngồi đọc tự truyện của thầy Trần Kiêm Đoàn lòng mình vẫn thấy ngổn ngang trăm mối...Chuyện cũ cứ ùa về,nào làm cán bộ Đoàn,nào đi dạy học,nào vượt biên,nào ngồi tù...Nào chấp nhận,nào hối hận,bao nhiêu năm làm biết bao nghề để mưu sinh....rồi vẫn tiêng tiếc cái nghề dạy học thuở nào...Nhiều vui thầy Phú Đoan nhé!
Trả lờiXóaCám ơn Quỳnh Lý Đức đã chia sẻ sự đồng cảm của mình nhé! Chúc vui! :-h
XóaEm sang đọc bài, chúc anh tối vui vẻ ạ.
Trả lờiXóaBuổi chiều an lạc nhé!
XóaMình vừa tải hình tặng bạn nhưng ông BLOGSPOT dấu còm mất.
Bạn có vẻ là FAN của TKĐ. Ông ấy mới về Huế ăn Tết Quý Tỵ.
Trả lờiXóaMình không hẳn là fan của thầy Trần Kiêm Đoàn! Thầy Đoàn là giáo sư trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị từ năm 1971 - 1975; còn anh Nguyễn Khắc Phước, haovphong, mình, Thanh Cù Lần, Lê Thiên Minh Khoa,... và những bạn khác lại là học sinh trường Nguyễn Hoàng vào thời điểm từ năm 1971, 1972, 1973 (tùy theo từng người) trở về trước. Tuy không học thầy Đoàn một giờ học nào, nhưng trên tinh thần tôn sư trọng đạo, chúng tôi vẫn luôn kính trọng thầy, dù chánh kiến có thể chưa hẳn đã giống nhau. Mình đăng những bài có nội dung về quê hương Quảng Trị và trường trung học NH trên chuyên mục TRƯỜNG XƯA , THẦY BẠN CŨ hoặc QUÊ HƯƠNG, … của trang blogspot của mình.
Trả lờiXóaChúc vui!
Chúc anh những ngày nghỉ cuối tuần nhiều niềm vui
Trả lờiXóaCám ơn! Chúc bạn sẽ hưởng nhiều ân sũng Chúa ban nhé!
XóaĐây là bài mới nhất đây ạ, H loay hoay nãy giờ mới tìm thấy lối vào đấy ạ, Ngôi nhà của anh trang hoàng lộng lẫy quá thành ra H hoa mắt ...hì hì...Chúc thaydo những ngày nghỉ lễ thật vui.
Trả lờiXóaRất vui khi Mai Hương ghé thăm. Chúc những ngày nghỉ tha hồ vui !
XóaMới rồi, ông blogspot mới dấu một loạt còm do một bạn tải hình trong còm. Dù rất tiếc còm có nghĩa tình và hình tải thật đẹp, nhưng để khôi phục mười mấy còm khác chơi trò đang "anh hùng núp", mình đành lòng xóa còm đó. Thông cảm cho mình nhé!
Trả lờiXóaXin chép ra đây một đoạn trong bài "Qua trường cũ' của tôi viết cách đây mấy năm
Trả lờiXóaThuở ấy
chúng tôi đâu chỉ học chữ thầy
học cả dáng đi lời ăn tiếng nói bài giảng bên lề
học nét cười rạng rỡ
vết nhăn rạn vỡ mơ hồ
Không ai tạc tượng thầy đặt trên bệ đá
mà trong tim
nét chạm khắc vẫn còn nguyên
học thầy
chúng tôi không làm phó bản
mỗi đứa vào đời nét vẫn rất riêng
tôi
từng học làm thầy
đứng trên bục giảng
nhìn lại mình
thấy vẫn còn xa.
Cám ơn trang chủ
Cám ơn TKĐ.
Đoạn thơ hay lắm. Cám ơn sự đồng cảm và chia sẻ của bạn nhé! :-h
Xóa
XóaĐược thầy Đoàn Ứng Viên vào ghi cảm nhận mà chủ nhà này sơ ý và thất thố quá! Mong thầy thứ lỗi cho nhé! Chắc thầy đã trao đổi trực tiếp qua email với thầy Đoàn rồi chứ?
Chúc thầy và gia quyến thân tâm thường lạc.
hic... sao NM gui lien tiep may cai email qua cho ban deu bi yahoo tra ve Minh muon xin ban bai viet gioi thieu tap tho Noi Long Lua Ha cua thay Phan Phung Thach ma tim khong ra
Trả lờiXóaĐ/c Yahoo mail của mình (thaydo09), mình không thể nào đăng nhập được. Mình sẽ qua nhà bạn và ghi còm trả lời cụ thể nhé!
XóaChúc vui
Bạn vào entry BÀI THƠ LÀM KHI SAY RƯỢU ( mà bạn mới còm xong đó) , click vào dòng chữ PHAN PHỤNH THẠCH của NHÃN ngay phần cuối của entry thì tìm ra loại bài của tác giả PPT trong đó có bài LƯU BÚT MÙA HẠ.
XóaChúc vui! :-h
Thời đi học, mình được đọc va tâm đắc câu nói của Rabintanath Tagore "Tội ngủ và mơ thấy rằng đời chỉ toàn vui sướng, khi tỉnh giấc tội thấy đời là phụng sự và tôi biết rằng phụng sự là vui sướng" mình cũng như đoàn là huynh trưởng GĐPT - chọn nghề thầy làm môi trường thứ 2 để có thêm được niềm vui sướng khi phụng sự - cùng khóa Phan Chu Trinh 1970 nhưng ở ngành sử địa đệ nhất cấp - mình nằm trong BĐD/SVSP với Vĩnh Trung - Trần Hoài ...... và giất mình khi biết (sau 1975) mỗi thành viên trong BĐD đều có 1 thế đở chính trị sau lưng mà mình nào biết ....
Trả lờiXóaTốt nghiệp nhưng không được bổ dụng vì - chứng chỉ miễn dịch gia cảnh - đã trể hạn và bị chế tài đi l1nh - nhưng quyết không từ bỏ nghề - và rồi được hỗ trợ - cảm thông, mình được vào dạy giờ ở Nữ Thành Nội - GP. vướng lính ngụy - cũng đi học tập ... và mất dạy nên không cảm nhận được chặng đường đứng trên bục giảng như Đoàn sau GP ...
Đọc và cảm nhận với Đoàn về nhiều khía cạnh
Mình muốn hỏi và nhờ đoàn liên hệ xem các bạn đồng khóa xem ai còn lưu giữ - Tập san Tốt nghiệp khóa Phan Chu Trinh 1970 - thì photo bài "chốn dừng" gởi cho mình với
Thân ái
Nguyễn Văn Rạng
Tôi sẽ chuyển tiếp nội dung cảm nhận này của thầy Rạng đến thầy Trần Kiêm Đoàn. Nếu thầy có đ/c email chắc hẳn thầy Đoàn sẽ trao đổi trực tiếp với thầy. Chúc thầy và gia quyến luôn vui khoẻ!
XóaĐ/c email của thầy Trần Kiêm Đoàn : trankiemdoan@gmail
email của mình - ngvrang2gmail.com
XóaCó lẽ email của thầy Rạng là ngvrang@gmail.com mới đúng nhỉ!
XóaTôi cũng ghi không đầy đủ đ/c emai của thầy Đoàn trong recom ở trên. Xin ghi lại cho chính xác hơn.
Đ/c email của thầy Trần Kiêm Đoàn : trankiemdoan@gmail.com.
Tôi đã chuyển nội dung còm trước của thầy Rạng cho thầy Kiêm Đoàn, nhưng chưa thấy hồi âm. Chúc vui
Xin cám ơn Phu Đoan đã làm gạch nội giữa những người anh em lâu ngày không gặp.
XóaRạng ơi,
Mình vừa về Huế ăn Tết qua. Gặp bạn bè cũ ai cũng nhắc đến Rạng như một điển hình của người Thầy giáo thời loan ly. Nghĩa là "Sĩ kiêm bách nghệ" vì từ trường ĐHSP, đến quân đội, trại tù, xã hội... nơi đâu Rạng cũng để lại sự quý mến của bạn bè thâh hữu mặc dù vì thời thế Rạng phải lao đao làm nhiều nghề, nhưng ở tư thế nào thì vẫn rất khí khái giữ vững tinh thần kẻ sĩ.
Vì từ 1970 đến nay, mình phải di chuyển quá nhiều nơi nên những hình ảnh và tài lieu báo chí cũ không còn. Tuy tay không nhưng lòng mình vẫn không quên tinh thần bài "chốn dừng" mang nặng tâm tình của bạn.
Cám ơn Rạng đã liên lạc với mình. Mong ngày hội ngô không xa.
Thân quý,
Trần Kiêm Đoàn
Rất hân hạnh được thầy Trần Kiêm Đoàn - tác giả của bài viết ghé thăm và ghi cảm nhận. Chúc thầy thân tâm an lạc!
Xóa