KHOẢNH KHẮC 頃刻 – Ung Chu, Hán Việt thông dụng
Nhiều người nói các phương ngữ phía Nam thường viết
sai từ "khoảnh khắc" 頃刻 thành "khoảng
khắc". Trong các phương ngữ này, chúng phát âm trong ngữ lưu nghe khá
gần âm nhau và nhiều người liên kết ý nghĩa của nó với đơn vị "khoảng"
thông dụng.
"Khoảnh" 頃 nghĩa là chốc lát, vụt chốc, khoảng thời gian rất ngắn.
Ngoài ra nó cũng chính là đơn vị "khoảnh" dùng để đo diện tích đất
đai tương đương 100 "mẫu" 畝
Ngày xưa có đơn vị thời gian "khắc" 刻.
Người Việt có thành ngữ "đêm 5 canh,
ngày 6 khắc". Đêm tính từ giờ Tuất đến giờ Dần (tức nay là 19 giờ tối
đến 5 giờ sáng), ngày tính từ giờ Mẹo đến giờ Thân (tức nay là 5 giờ sáng đến
17 giờ chiều). Còn giờ Dậu (17 giờ đến 19 giờ) không phải ngày mà cũng không phải
đêm.
"Khắc" 刻 vốn nghĩa là dùng dao để khắc. Ngày xưa người ta làm "đồng hồ" 銅壺 (bình bằng đồng, còn gọi là "lậu hồ" 漏壺) đều khắc các mức để định giờ, nên "khắc" 刻 trở thành đơn vị đo thời gian (khoảng cách thời gian
giữa 2 vạch khắc).
Có nơi thì chia ngày đêm thành 100 khắc (hình dung lậu
hồ khắc 100 vạch), tức 1 khắc khoảng 14 phút rưỡi so với ngày nay. Về sau khi đổi
qua hệ 24 giờ, mỗi giờ 60 phút của phương Tây, khắc được tinh chỉnh thành 1/96
ngày, tức 15 phút tròn, đây là giá trị 1 "khắc"
刻 vẫn đang được dùng tại
Trung Quốc.
"Khắc" 刻 trong Hán ngữ được khái quát hoá để gọi chung chung
khoảng thời gian ngắn (cũng như "giây" và "phút" chỉ khoảng
thời gian ngắn), hoặc mới tức khắc, tức thì, tức thời. Do đó, "khoảnh khắc" 頃刻 nói về khoảng thời gian rất ngắn, chốc
lát.
--
"Khoáng" 曠 nghĩa là rộng rãi, trống trải (có khoảng cách, khoảng
trống), bỏ trống không. Ý nghĩa này được Việt hoá thành âm "thoáng" để
mô tả không gian trống trải không cản trở, hoặc dùng để mô tả sự phóng khoáng,
hoặc để nói về tư tưởng cởi mở, phóng khoáng: không gian thoáng, nét vẽ thoáng,
tư tưởng thoáng... "Khoảng"
và "quãng" là 2 âm Việt hoá
của "khoáng" 曠.
Khoảng thời gian rất ngắn cũng được gọi là "thoáng": thoáng thấy, một
thoáng... Âm Việt hoá này được vận dụng vào một số tổ hợp Hán-Việt: "khoáng đãng" 曠簜 -
"thoáng đãng", "khoáng đạt"
曠達 - "thoáng đạt", "thông thoáng" 通曠. Phát âm của "khoáng" và "thoáng"
nghe gần giống nhau, tạo điều kiện biến âm trong khẩu ngữ. Ngày xưa "khách thứa" cũng bị biến
thành "khách khứa".
Ung Chu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ