"XẠ THU" NGHĨA LÀ GÌ ? -Vương Trung Hiếu
Hiện nay trên các trang mạng xã hội rộ lên từ "xạ thu", nhiều người thắc mắc
không hiểu từ này nghĩa là gì, có nguồn gốc từ đâu.
Xạ
thu
là từ mà sư Minh Tuệ đã nói trên đường đi khất thực ở Thái Lan, một từ thường
được hiểu là "lành thay, tốt
thay". Có khả năng xạ thu là âm Việt hóa của từ สาธุ
(saaR thooH) trong tiếng Thái Lan, một từ mà người Thái phát âm là sà thú, có
nguồn gốc từ tiếng Pali: sādhu.
Sādhu là thuật ngữ Phật giáo, có nghĩa phổ biến là "tốt, đức hạnh" hoặc tương tự
như tiếng "Amen" trong các tôn giáo Abraham (các tôn giáo độc thần thờ
Thượng đế với 3 nhánh lớn nhất là Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo)
hay tiếng "Svaha" (Sanskrit: स्वाहा))
mang ý nghĩa là vui mừng trong các câu chú Phật giáo, lẫn trong các nghi thức
"lửa" (yajnas) xuất phát từ kinh Veda.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sādhu là "từ không
thể dịch được", vì từ này có quá nhiều nghĩa. Song, tùy theo bối cảnh tôn
giáo và thế tục mà người ta có thể dịch và hiểu sādhu là "vâng, cảm ơn, làm tốt lắm, như vậy nhé, mọi việc sẽ tốt đẹp…".
Từ sādhu lại có nguồn gốc từ chữ साधु
(sādhu) trong tiếng Sanskrit - một từ đa nghĩa.
Xét về danh từ, sādhu là từ dùng cho nam giới, nghĩa
chính là thánh nhân; còn nữ thì dùng từ sādhvī (साध्वी),
nghĩa là người vợ trung thành; người nữ trong sạch hoặc đức hạnh. Sādhu còn có
nghĩa là nhà tu khổ hạnh, người ăn xin hoặc bất kỳ người thánh thiện nào trong Ấn
Độ giáo và Kỳ Na giáo đã từ bỏ cuộc sống trần tục.
Xét về tính từ và phó từ, sādhu trong tiếng Sanskrit
còn có nghĩa là "sẵn sàng, có thiện
chí, xuất thân tốt, thành công, khéo léo, thích hợp, tiên tri, đúng rồi, chính
nghĩa, thường xuyên, tinh khiết…". Thuật ngữ có liên quan chặt chẽ với
khái niệm "từ bỏ" những dục
vọng đời thường mà người xuất gia cần thực hiện để đạt được mục đích tâm linh.
Trong các nghi lễ tôn giáo, sādhu được dùng như câu mở
đầu trong những lời cầu nguyện trước hình ảnh Đức Phật hoặc trước các linh hồn
thần thánh (nats) ở Myanmar; các vị thần (devatas) trong Ấn Độ giáo hay thần bốn
mặt Brahma (đấng tối cao trong đạo Hindu)…
Đối
với Phật giáo, việc lặp lại ba lần từ sādhu tượng trưng cho Tam bảo (Phật,
Pháp, Tăng). Đôi khi phật tử lặp lại từ này lần thứ tư
với giọng điệu dài hơn và nhấn mạnh hơn, để tỏ lòng tôn kính những người có kỷ
luật nhất theo Bát chánh đạo (Sanskrit: आर्याष्टाङ्गमार्ग).
Trong Kinh Pháp Cú (câu 35), sādhu có nghĩa là điều tốt
đẹp. Trong Luật tạng (phần thứ hai của Tam Tạng), sādhu là từ cảm thán. Thuật
ngữ này còn là lời kết trong bài giảng tôn giáo. Các tăng ni, cư sĩ thường nói
3 lần từ sādhu sau lời cầu nguyện, đặc biệt là khi hành lễ trong Ashram
(Sanskrit: आश्रम) - một ẩn thất hoặc tu viện tại Ấn Độ.
Trong thế tục, thuật ngữ sādhu được sử dụng khá rộng
rãi. Đó có thể là từ mà quân sĩ hô lên, thể hiện sự tuân phục vua chúa; hoặc là
tiếng reo hò chiến thắng sau trận chiến; hay tiếng hoan hỉ trong các câu chuyện
Vệ Đà cổ đại, chẳng hạn như trong trường ca Bhagavad Gita (Sanskrit: भगवद् गीता).
Trên các trang mạng xã hội, cách viết Sādhu, sādhu,
sādhu gắn liền với biểu tượng cảm xúc ba bàn tay chắp lại đã trở thành những
bình luận phổ biến, như một cách thể hiện sự tôn kính và cảm xúc tích cực.
Xin nhắc lại, ở VN, xạ thu được hiểu là "lành thay, tốt thay", có khả
năng là âm Việt hóa của từ สาธุ (saaR thooH, sà
thú) trong tiếng Thái Lan - một từ tương ứng với từ "Amen" trong tiếng
Do Thái cổ. Song người Thái còn dùng từ สาธุการ
(saaR thooH gaanM, xà thú kan) cũng với nghĩa là "Amen".
Vương Trung Hiếu
Nguồn:
https://thanhnien.vn/lat-leo-chu-nghia-xa-thu-nghia-la-gi-185250307212026312.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ