Trang

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

NHẠC SĨ TUẤN KHANH CỦA “CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG” BÂY GIỜ RA SAO” - Câu Chuyện Âm Nhạc



Tuấn Khanh tên khai sinh là Trần Trọng Ngọc. Ông sinh ngày 10-12-1933 tại Nam Định. Vào năm 1950, gia đình ông về Hà Nội. Lúc ấy, Tuấn Khanh đã 17 tuổi. Mê âm nhạc từ nhỏ, Tuấn Khanh được người anh cả là Trần Trọng Tuấn dạy chơi violin. Sau đó, học thầy Nguyễn Văn Diệp (vốn là học sinh trường "Pháp quốc Viễn đông âm nhạc viện" từ năm 1927). Từ thầy Diệp, Tuấn Khanh lại được học thầy người Pháp tên là De Haut. Khi thầy về Pháp thì Tuấn Khanh lại được giới thiệu học thầy Rits. Tuy học violin nhưng Tuấn Khanh lại có cả giọng hát bẩm sinh khá hay. Nhân kỳ thi giọng hát hay do Đài Pháp - Á tổ chức năm 1953, Tuấn Khanh (khi ấy vẫn tên là Trần Trọng Ngọc hay Trần Ngọc) đã đăng ký thi và đoạt giải nhì sau nữ ca sĩ Thanh Hằng (sau này là ca sĩ Lệ Hằng), "Tà áo xanh" của Đoàn Chuẩn và cũng là người tạo cảm hứng để Đoàn Chuẩn viết "Chiếc lá cuối cùng" của ông.
 
Câu chuyện đoạt á quân mà không phải là quán quân cuộc thi này được nhạc sĩ Tuấn Khanh kể lại như một chuyện vui mà ông mang theo suốt cuộc đời: 
"Tôi đâu ngờ vẻ đẹp của Thanh Hằng chỉ có mình mê. Hóa ra ông bạn Tu My - tác giả bài "Tan tác" nổi tiếng cũng mê. Tu My muốn chiều mỹ nhân nên hại tôi. Anh ta lên phòng âm thanh, lén kéo chân chiếc đèn điện từ ở tầng công suất vừa phải lên một chút khi tôi hát. Việc đó gây ra tiếng rè bất chợt. Vậy là tôi bị chấm điểm kém vì giám khảo nghe không rõ. Chánh chủ khảo cuộc thi là nhạc sĩ Thẩm Oánh, khi tôi vào Sài Gòn hát ở Đài Phát thanh Sài Gòn, ông ấy đã gặp tôi xin lỗi".
 
Điều ít biết về tác giả "Chiếc lá cuối cùng" là trong gia đình ông, ngoài ông làm nghề âm nhạc, còn có cô em út Diệu Thúy. Diệu Thúy đã là giọng đơn ca nổi tiếng từ thời niên thiếu khi cô hát ca khúc thiếu nhi "Lúa thu" của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Khi trưởng thành, học thanh nhạc rất giỏi và trở thành giảng viên thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
 
Sau Hiệp định Genève, có nhiều người Hà Nội di cư vào Sài Gòn. Mỗi người đều có một lý do riêng. Với Tuấn Khanh, lý do rất đơn giản: mê học violin thầy Rits nên theo thầy vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn, vừa học violin, Tuấn Khanh vừa đi hát để có tiền sinh sống và học tập. Với cái mác ca sĩ á quân cuộc thi Đài Pháp - Á, Tuấn Khanh kiếm đủ tiền để vừa sinh sống vừa học violin. Ở Sài Gòn dạo đó, ngoài các nhạc sĩ đã thành danh từ trước, nhiều nhạc sĩ trẻ xuất hiện. Nhờ thân quen với nhạc sĩ Y Vân, đồng niên (cùng sinh năm 1933), Tuấn Khanh được Y Vân vận động viết ca khúc. 
"Nói thật với chú, khi một mình bơ vơ ở đất Sài thành, tôi nhớ nhà lắm. Y Vân khuyến khích tôi nên viết ca khúc. Vậy là tôi đem nỗi nhớ ra để trang trải cảm xúc vào giai điệu. Cũng may, khi ấy tôi tham gia một ban nhạc ủng hộ các nhạc công nào có tác phẩm mới. Bài nào viết ra cũng được biểu diễn vài lần nên nhiều người nghe được. Họ thích là mình thành công rồi" - nhạc sĩ Tuấn Khanh nhớ lại.
 
Đến khi viết nhạc, ông ghép tên người anh là Trần Trọng Tuấn – là người đã khai tâm trong âm nhạc cho ông vào thuở ban đầu, cùng với tên Khanh, là tên con của ông Trần Trọng Tuấn, để thành tên Tuấn Khanh.
 
                                                                      Câu Chuyện Âm Nhạc 
*
Nguồn:
https://www.facebook.com/photo?fbid=528716976576847&set=a.135926755855873
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ