Trang

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

MẶT HỒ ÊM Ả - Nguyễn Đức Tùng

                   (Thư gởi con trai nhân ngày tựu trường 2022)



Mùa hè đã qua, một mùa hè bận rộn. Chúc mừng con hoàn thành lớp cứu nạn của huấn luyện viên bơi lội thiếu niên. Chúng ta phải học cách tiếp xúc với nguy hiểm. Nhận ra nó, chọn cách ứng phó, học cách giúp đỡ người khác. Gặp nạn, có người bình tĩnh, có người không. Hầu hết là không.
 
Cảm giác nguy hiểm trong đời, chết đi sống lại, có lẽ con đã biết nhưng con sẽ quên. Vì ký ức cay đắng không tồn tại lâu. Một ngày hè nóng nực ta lái xe từ California về nhà, dọc xa lộ I-5. Bên trái là biển, vịnh nước dài nửa như hồ nửa như sông. Chiếc xe cà tàng, không có điều hòa không khí, thật nóng. Ta dừng xe ngồi nghỉ một lát, nhìn mặt nước êm ả. Sức hấp dẫn của nó không cưỡng được. Theo kinh nghiệm ta biết hồ nước khá sâu khi ra xa, mặc dù trong bờ cạn, cát chạy dài thoai thoải. Ta cởi quần áo, mặc quần sọt vốn không phải quần bơi, nhảy xuống. Dòng nước dịu dàng đưa đi. Thấy bên kia bờ những căn nhà nhỏ ẩn hiện trong rừng thông, ta bơi liền một mạch, dễ dàng. Cái hồ không rộng, dự định bơi qua phía bên kia, nơi có ngọn núi mà đường đi lên thật đẹp. Nhưng quá nửa đường, ta đổi ý vì không nhìn ra đường đi bộ vòng quanh, như thế khi về phải bơi ngược lại, đó là quãng đường khá xa. Chính vào lúc ta đột ngột quay người lại, đổi hướng, bơi về chỗ cũ, về chiếc xe hơi của mình, ta cảm thấy hai gót chân tê dại.
 
Nhìn lên bờ không có ai, cảm thấy lo sợ. Càng lo sợ, bắp chân càng tê cứng lại. Càng tê cứng, chúng càng đau, nhất là chân phải. Tay vẫn vận động được, khoát sóng nhưng hai chân bất động hoàn toàn. Khi bất động, chúng nặng lên trầm trọng. Hai chân trở thành gánh nặng của cơ thể, kéo xuống. Ta cố lấy bình tĩnh. Thả lỏng. Đổi cách bơi. Bơi ngửa. Bơi ếch. Để thả trôi tự nhiên, cố giữ cho người nổi trôi như một chiếc lá, nhớ lại tất cả những lời dạy của huấn luyện viên. Nhưng hai chân ta ngày càng nặng, càng tê, càng đau nhức. Cơn đau nhức khủng khiếp như bị tra tấn. Đúng ra khi bơi qua hồ, ta có thói quen đếm số lần sải tay để tính đường về, nhưng hôm ấy trời nóng quá sau một ngày lái xe mệt mỏi, thích thú với làn nước ta quên mất đếm. Ta đếm ngược lại. Biết mình chìm xuống. Nhìn lên bờ, cầu khẩn, tuyệt không có bóng người ở đó. Ta đoán phải bơi ba trăm sải tay trước khi đến được bờ. Kiệt sức. Chính hai bắp chân tê dại làm kiệt sức. Ngẩng đầu lên, nhìn thấy bờ hồ, bãi cát, những hòn đá rất đẹp mà thổ dân xếp chồng lên nhau. Nhìn ra xa thấy đường xe hơi chạy, chiếc xe màu mận chín của ta lấp loáng sau cành lá. Bắt đầu đuối. Ta biết rõ vậy. Hai chân như bị một con thủy quái vô hình cầm lấy kéo xuống, kéo từ từ nhưng chắc chắn, từng chân một. Sặc nước nhiều lần.
 
Cái chết đến chậm, nhưng chắc chắn.
Ta nhận ra trong một tích tắc sự sợ hãi của mình, khuôn mặt của nó.
Khuôn mặt của sợ hãi là lời kêu cứu đối với người khác.
Ta trở lại dòng sông thời trẻ. Những buổi chiều trốn nhà bơi qua thị xã, ăn kem, thuê truyện, coi phim cọp. Nhưng dòng sông ấy quen thuộc, nước không sâu, bơi dọc theo đò, có khi lại đứng trên cồn cát nổi dưới sông. Còn bây giờ là một cái hồ phẳng lặng nhưng lạnh lùng, sâu, bề ngoài dịu dàng mà bên trong cay nghiệt. Ta không muốn chết. Ta vừa bắt đầu cuộc đời ở Bắc Mỹ, còn nhiều việc phải làm trước mắt. Cuộc phỏng vấn. Kỳ thi. Sắp lên lương. Ta còn lời hứa. Có một người chờ ta ở đó sau hàng cây khuynh diệp vàng ngày trở lại. Ta có những cuốn sách đang đọc giữa chừng, có một bầy gà con trong xóm nhỏ. Tại sao vào lúc sắp chết lại nhớ đến bầy gà thì ta không biết. Nhìn thấy bờ hồ ngày càng khác, ngày càng mờ mịt, như ảo ảnh. Nhìn thấy tia nắng chiều rọi xuống nước như hơi sương. Ta nhắm mắt lại, từ biệt các bạn của ta.
 
Khi mở mắt, một bóng người hiện ra phía trên bờ, người ấy cũng vừa nhìn thấy ta đang chìm dần sau lớp sóng. Đó là một cậu bé chừng mười một mười hai tuổi, đội chiếc mũ rộng vành. Ta nhìn thấy cậu ta vung tay lên, cái cần câu trên tay, đang đi dọc theo bờ nước. Đứa bé nhìn thấy ta có vấn đề, nhưng có lẽ nó không phải là người có kinh nghiệm, không thể quyết đoán. Nó do dự đứng trên bờ, hoảng hốt, vung cần câu lên. Ta thấy rõ ràng nó muốn giúp đỡ, nhưng không biết ta cần sự giúp đỡ ấy hay không, nguy hiểm thế nào.
 
Ở dưới mặt nước bạn tưởng bạn có thể gọi to lên được. Ta cất tiếng gọi nhưng rõ ràng cậu bé không nghe, nó buông cần câu chạy dọc bờ nước về phía ta. Nhìn thấy chú bé chạy, ta quên mất sức nặng khó chịu của mình, cơn chuột rút, người trở nên nhẹ hơn, ta lấy lại sức mạnh từ khi nào không biết. Rồi ta bơi vượt lên, càng lúc càng thoăn thoắt, thằng bé đứng trên bờ đã cởi áo ra, định nhảy xuống, nhưng thấy ta bơi nhẹ nhàng đã bớt lo và dừng lại chờ. Ta bơi một mạch, bắp chân không còn tê, không đau nữa. Ta bơi nhanh đến nỗi khi chạm tay vào bờ đá lởm chởm rồi, chú bé, khuôn mặt của người da đỏ, mới vừa chạy bộ tới nơi. Ta bước lên khỏi mặt nước mặc bàn chân dẫm sỏi đau rát, ngạc nhiên thấy người nhẹ nhõm, hai chân trở lại bình thường, nhanh nhẹn. Sự xuất hiện của người khác khi bạn gặp hoạn nạn, chỉ cần sự xuất hiện ấy thôi, làm nỗi sợ hãi của bạn dịu xuống. Trước ý định cứu giúp của chú bé da đỏ, hay ta tin chắc rằng ý định ấy đang xảy ra, trước lòng tốt của đồng loại, sự nguy hiểm của ta không còn nữa, bệnh chuột rút biến mất. Ta lấy lại sức mạnh của mình, đôi chân lấy lại sự nhẹ nhõm hằng ngày của chúng, lòng tự tin của chúng, như khi một con người sắp bị số phận đánh ngã bỗng được người khác vực dậy từ trong tai nạn.
 
Tai nạn mà mùa hè qua con được huấn luyện để can thiệp là những tai nạn dưới mặt nước. Có những tai nạn khác nữa, khó thấy hơn, dưới những bề mặt dịu dàng hơn.
Tên của chú bé thổ dân là Aputik, nếu con muốn biết. Aputik có nghĩa là tuyết.
 
                                                                             Nguyễn Đức Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ