BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

ĐÁNH THỨC CON - Thơ Nguyễn Trung Hiếu


          


ĐÁNH THỨC CON

Dậy đi con, Dậy ba dắt con đi
Đến Vân đồn. Đến Bắc Vân phong , Phú quốc.
Nhanh lên con kẻo không còn kịp
Ngày hôm nay người ta bấm nút
Quyết định cho thuê đất của tổ quốc mình
Con tôi vẫn ngái ngủ trong giường
"Người ta thuê chứ có phải mua đâu cha
Thuê rồi trả lại! "

99 năm sau ơi con khờ dại
Lúc đó con và cha xanh cỏ mấy đời.
Nhanh lên con sắp tới giờ bấm nút rồi.


Có thể những đặc khu kia láng giềng người ta đến ở
Và cư dân nói chuyện bằng hoa ngữ
Cha con mình đến đấy có được ko?
Con tôi vẫn uể oải trong màn

"Đặc khu là gì cha?"

Là nơi mà người ta đến đầu tư nhận nhiều ưu đãi
Là nơi mà tiền mọc ra chúng ta chỉ thò tay là hái.
Là chốn người ta cày để chia lãi cho mình.

Con tôi bật dậy thật nhanh
"Thật không cha. Có quốc gia nào mà ngu như rứa.
Mà làm ra tiền chia ta nhiều rứa ????"
"Sao người ta không làm đặc khu cho dân mình cha nhỉ??? "
Chỉ cho dân mình thuê thôi!???

Dậy đi con trời tảng sáng rồi.
Dậy để cha nói với con những điều cha suốt đêm cha không tài nào chợp mắt
Người ta dậy cha nền kinh tế việt nam nên bước lên bằng nội lực
Bằng mũi nhọn xoáy vào công nghiệp nặng con ơi
Bao nhiêu năm mà vẫn thế thôi
Ngành luyện kim ì ạch.
Bán dầu thô cho nước khác
Mua về xăng dầu đã lọc
Buồn ơi.

Dậy đi con. Mở bản đồ tổ quốc ra cha nói con này
Tổ quốc mình một dải
Bờ biển xanh xanh nối tiếp chân trời
Những quần đảo hoàng sa trường sa ở giữa biển khơi
Nước lạ ngang nhiên cướp của mình hơn phân nửa.
Người ta ngang nhiên kéo giàn khoan thăm dò dầu khí
Người ta dùng tàu đánh đuổi ngư dân
Người ta xây cả đường băng
Nếu Nối Trên bản đồ vào ba đặc khu
Như hình chân vạc

Tim cha như có ai bóp nghẹt
Đi thôi con đến thăm những mảnh đất
99 năm cho thuê
Rất có thể
Thành chỗ di dân
Người nước ngoài đông hơn cả việt nam
" sao không là một trăm năm hả cha"
Một trăm là số có ba chữ số
Nghe thấy kinh rồi
99 thôi con ơi

Cái này cha sẽ chỉ cho con thấy ở chiêu bài định giá
Của những nhà marketing
Dậy mà xem những chuyện nực cười
ông giáo dục nước mình vẫn luẩn quẩn trong vòng cải cách
Ông giao thông trưng tấm biển "thu giá" cho trạm bot
Ông giáo dục cũng chẳng vừa
Thay "học phí" bằng học giá liền sau
Cha một đời cúi cổ cày sâu
Con chữ cắn đôi chưa rành mà vẫn thấy gai con mắt
Mà thấy tim mình đau thắt
Người ta ngang nhiên nhân danh cho thế hệ hậu sinh mình.

                                                    Nguyễn Trung Hiếu

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

VÂN ĐỒN TRẦN KHÁNH DƯ BI CA - Thơ Trần Mạnh Hảo


          
                 Nhà thơ Trần Mạnh Hảo

VÂN ĐỒN TRẦN KHÁNH DƯ BI CA

Các ngươi bán Vân Đồn cho giặc ?
Coi như xóa sổ nhà Đông A ( * )
Hưng Đạo đại vương bị làm nhục ?
Vân Đồn Trần Khánh Dư bi ca…

Nhớ bảy trăm ba mươi năm trước
Ta từng chặn giặc ở Vân Đồn
Đánh đoàn tàu quân lương tan tác
Chôn vùi mười bảy vạn thạch lương

Đại tướng Thoát Hoan sợ vỡ mật
Không còn lương thực phải lui quân
Quân ta diệt giặc ở Vạn Kiếp
Hoàng thượng Nhân Tông kế xuất thần

Nhượng đảo Vân Đồn là kế chết
Giang sơn nỡ đổi lấy kim tiền ?
Các ngươi có phải loài bọ chét ?
Mãi quốc muôn đời nhục tổ tiên …

Ta – Trần Khánh Dư bảo cho biết :
Các người không được bán Vân Đồn
Hồn ta buồn quá thành bi khúc
Chết rồi ngươi chẳng đất nào chôn …

Sài Gòn 4-6-2018
Trần Mạnh Hảo

( * ) Chú thích : “Đông A” : nhà Trần.

  Bản đồ Vân Đồn


Chú thích ảnh : bản đồ quần đảo Vân Đồn – chìa khóa vịnh Bắc Bộ và chìa khóa mở vào Bắc Việt Nam . Ai chiếm được Vân Đồn sẽ khống chế, làm chủ được nước Việt Nam.

TÌNH XƯA, NHỚ - Thơ Tịnh Đàm


         
                   Nhà thơ Tịnh Đàm


TÌNH XƯA

Tôi về,
Chiếc bóng cùng đêm.
Chân quen bước chậm...
Nghe mềm lối trăng.
Tình xưa,
Người biết cho chăng ?
Trải bao tan hợp...
Cầm bằng như không !


NHỚ
(Gởi H.để nhớ miền sông nước)

Trà suông,
Một chén tôi dùng
Chén không tay rót...
Vui cùng bạn xưa.
Giờ này,
Bạn đã về chưa ?
Bến sông,
Đã rộn người đưa ...
Sang bờ !

TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn, TP. HCM)

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

EM LẠI TỰ DO – Video clip La Thụy ngâm thơ Chu Vương Miện


       

                         Thơ: Chu Vương Miện.
                         Giọng ngâm: La Thụy.
                         Video clip: Phú Đoàn





EM LẠI TỰ DO – CHU VƯƠNG MIỆN

Năm trăm anh đốt cho nàng
Còn năm trăm nữa giải oan lời thề
                                       (ca dao)

từ nay yên phận yên bề
nguyền xưa đã giải bùa mê đã trừ
đốt xong vàng mã khật khừ
đò ngang đò dọc tạ từ mấy nơi
năm trăm nữa trả cho người
thề nhăng hứa cuội cũng xuôi một đò
tổ cha câu hẹn câu hò
cây đa bến cộ con thò lò quay
một ngàn chẵn nắm trong tay
nửa này mang đốt nửa này mang cho
mai thì em lại tự do

                             Chu Vương Miện

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

LỜI MẸ TỔ QUỐC VIỆT NAM - Thơ Trần Mạnh Hảo


      

LỜI MẸ TỔ QUỐC VIỆT NAM

Mẹ khóc van các con đừng bán từng phần thân thể mẹ
Nhượng địa ngoại bang chín mươi chín năm trời
Máu thịt mẹ đây sao các con nỡ xẻ
Để chia phần như chia thịt chia xôi…

Mẹ bị xẻ từng phần bán cho Trung Quốc
Bốn nghìn năm xương máu mẹ ròng ròng
Mẹ đau cắt lòng, sông núi khóc
Bán từng phần đất mẹ thế là xong…

Sao nỡ bán mẹ mình lấy tiền xây biệt phủ ?
Lấy tỉ đô la gửi Thụy Sĩ ngân hàng
Mỗi cọng cỏ nhành cây đất này đều máu mủ
Nỡ lòng nào bán mẹ để giàu sang…

Miệng các con thề bồi yêu Tổ Quốc
Ôi những Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn…
Thiếu tiền quá đành cho thuê đất nước
Sợ con cháu sau này không còn đất mà chôn

Đừng mượn mẹ Việt Nam để yêu ngoại tệ
Sao lại đi cầm cố cả cha ông ?
Mẹ Việt Nam đã khóc bầm máu bể
Đừng bắt mẹ chít khăn tang đưa đám Tiên Rồng…

                                                 Trần Mạnh Hảo
                                              Sài Gòn,30-5-2018

MÙA THI, VIẾT CHO EM - Thơ La Thụy


          


MÙA THI – VIẾT CHO EM

Nhành phượng thắm chào em: mùa thi đến
Tiếng ve ran rộn rã gọi hè về
Các em yêu, vườn hồng đang chớm nụ
Ngoan chăm lên, hương dậy ngát trăm bề

Em yêu ạ! Ngày xanh đang dịu sáng
Sự biếng lười sẽ hủy lá nhành non
Dù vất vả, sách bài như đá tảng
Cứ kiên trì dần nhẹ chuyển mây bông

Gạo trắng đẹp chính nhờ xay xát kỹ
Sắt thép kia mài riết cũng thành kim
Này em hỡi! Chớ nản lòng em nhé
Ước mơ hồng rồi tung cánh như chim

Từng mái đầu nghiêng nghiêng trên  giấy trắng
Mắt xoe tròn ngời sáng tuổi thơ ngây
Nét mực tím trải đều đang múa lượn
Trán thiên thần nhíu khẽ- Dáng thơ bay

Ơi em yêu, chồi xanh ươm hy vọng
Thầy mải lặng chèo đẩy nhịp đò đưa
Dù buồn vui nhấp nhô từng vỗ sóng
Vẫn dịu lòng chở khách cập bờ mơ

                                   LA THỤY
                                  (23/3/1999)

CHẠY - Thơ Linh Đàn



                  Tác giả Linh Đàn

CHẠY

Mạ ơi chạy xuống hầm, tai mạ điếc u ơ rồi quờ quạng,
Ngồi dưới hầm thấy lổm nhổm rắn bò quanh,
Tiếng súng xa rồi tiếng súng gần,
Kéo mạ lên vừa khỏi miệng hầm thì pháo rớt ngay nóc nhà may thay không nổ,
Kéo mạ xuống hầm, rắn lại phùng mang, cóc thì lố nhố, hét lên rồi kéo mạ chạy lên thôi,
Ngó ngoài sân có mấy người bò la bò lết, vừa chạy vào ôm trẻ nhỏ khóc van.
Ngó sau vườn heo nhảy chuồng chạy râm ran, mấy con lớn đã chạy ra ngoài ngõ,
Ra đón đầu kẻo sợ mất heo, từng tia đạn từ cửa chùa bắn xuống
Rồi khiếp vía úp đầu bên bờ ruộng, đạn bay vèo vèo, tre cũng gảy ngang lưng
Khiếp vía chạy vào nhà, bò nó chạy lung tung, không người giữ bò ra ăn lúa vừa mới trổ

VONG QUỐC HÀNH - Thơ Kha Tiệm Ly


         
                              Nhà thơ Kha Tiệm Ly


VONG QUỐC HÀNH

Tháp cổ ngàn năm đứng gục đầu,
Lá rừng nhỏ lệ ngậm ngùi đau.
Oán than nhạc suối sầu vong quốc
Sông núi tang thương phủ một màu!

Mòn mỏi bước chân tìm quá khứ,
Hoàng thành đâu, cung điện nơi đâu?
Đâu chiến mã, đâu thớt voi xung trận,
Đâu giáo gươm loang loáng áp tinh cầu?
Đâu tiếng quân reo, lá rừng ào ào rụng,
Đâu trường giang voi uống nước đục ngầu?
Đâu minh chúa làm rụng rời quân Đại Việt,
Đâu hùng binh, đâu dũng tướng anh hào?

Tại vì đâu? Tại vì đâu?
Có phải Chế Củ đớn hèn đã dâng Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính,
Có phải Chế Mân mê mảnh yếm hồng mà đành nạp hết hai châu?
Hay tại các hôn quân hoang dâm vô độ,
Với những trận cười bên rượu ngon, gái đẹp suốt đêm thâu?
Để Đồ Bàn tan tành dưới vó câu Đại Việt,
Cho máu anh linh pha sông suối đỏ ngầu?
Để bốn vạn chiến binh thi hài không thủ cấp,
Cho mười vạn dân lành xương chất non cao?

Chiêm vương hỡi! Người ở đâu? Người ở đâu?
Bao cung phi, bao trận cười nghiêng ngã,
Còn có chăng ở dưới nấm mộ sầu?
Chế Bồng Nga, vị anh hùng dân tộc,
Nơi suối vàng người có ngậm hờn đau?
Bao dũng tướng, bao hùng binh oanh liệt,
Ngày ban sư máu giặc nhuộm nhung bào!
Thương Mỵ Ê vương phi tròn khí tiết,
Thà chết vinh nên mượn đáy sông sâu!

Dân Chiêm hỡi! Người về đâu? Người về đâu?
Thành quách huy hoàng thành bãi vắng,
Núi rừng hùng vĩ hóa hoang vu!
Lê bước mỏi mòn không định hướng,
Cỏ cây sau trước vẫn dàu dàu!
Chỉ một chốc mang thân người mất nước,
Mà ngàn thu tổ quốc, giống nòi đau!

                                       Kha Tiệm Ly

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

ĐẶC TRƯNG TÍNH CÁCH CON NGƯỜI LA GI, BÌNH THUẬN - Phan Chính

   
           

           ĐẶC TRƯNG TÍNH CÁCH CON NGƯỜI LA GI

           Ở một đô thị nhỏ như La Gi, quanh quẩn chỉ mấy con đường không khó để gặp mặt nhau tình cờ rồi trở thành thân thiết. Con Sông Dinh từ tiền kiếp là một phần đời sống thiên nhiên của thị xã này, nay khép nép giữa đôi bờ vườn cây xanh, những chòm dừa luống tuổi rồi trườn mình ra đến biển. Đâu đó, bóng chiều phai nắng làm mơ màng màu nước sông trôi để thức tiếng chim bìm bịp gọi cơn nước lên. Như một yếu tố quyết định của người xưa khi tụ hội quần cư, mở đất lập nghiệp là dựa vào một dòng sông để trên bến dưới thuyền và trải đất đón phù sa bồi đắp. Nghề biển cũng thuận, làm nông cũng trù phú. 

ĐẤT NƯỚC - ANH VÀ EM / Thơ Trần Mai Ngân



ĐẤT NƯỚC - ANH VÀ EM

Có những ngày Đất và Nước thật buồn...như hôm nay, như bây giờ...

Đất cằn khô không còn mầu mỡ
Những vạt rừng cây chết hoang vu
Thay màu xanh bằng vàng úa thiên thu
Để mất dấu hẹn hò nhau thăm thẳm

Con sông cạn lặng lờ mệt nhọc
Chảy về đâu, nguồn cội ai tìm
Biển chết rồi, không tiếng - lặng im
Và hò hẹn đã cong nỗi nhớ

Đất và Nước của ta muôn thuở
Cho mọi người, cho cả em- anh
Một tình yêu bất tận màu xanh
Của trời đất, của sông, của biển...

Xin nguyện cầu, ước xin linh hiển
Đất nước vui- đôi lứa lại kề
Để cùng nhau nối lại lời thề
Em và anh - Tình yêu đất nước.

                        Trần Mai Ngân

NÚT ẤN LỊCH SỬ - Thơ Lang Trương


         
                Nhà thơ Lang Trương


NÚT ẤN LỊCH SỬ

Tổ quốc lâm nguy !
Sơn Hà nguy biến !
Sóng ba đào trào ngược khí hờn căm.

Cắt thịt da mình nuôi hổ đói 99 năm
Ngày dân tộc bị diệt vong đang tới
Là kẻ sĩ, không lẽ khoanh tay ngồi đợi
Con cháu mình lầm lũi kiếp vong nô ?

Gương ông cha, áo vải cờ đào
20 vạn quân Thanh, chỉ 5 ngày quét sạch
Bản tuyên ngôn rành rành lưu sử sách
“ Nam quốc sơn hà nam đế cư ”.

Máu xương nào còn đỏ bản địa dư
Từng mảnh giang san xuống tay tùng xẻo
Những khuôn mặt mỡ màng, những tâm hồn dặt dẹo
Chẳng máu xương nào thỏa mãn dạ sài lang.

Hồn ta bay khắp đất Việt trời Nam
Đâu cũng thấy giống sài lang phương Bắc
Từng tấc đất xéo quằn trong tay giặc
Từng tấc đất tủi hờn thấm đỏ máu cha ông.

Mục Nam Quan đâu hỡi, có còn không ?
Lũ phản quốc muôn đời bia miệng thế
Hoàng Sa, Gạc Ma máu tràn dâng ngập bể
Sóng ba đào trào ngược khí hờn căm.

Có lẽ nào dâng đất mẹ 100 năm
Mở rộng cửa đón loài quỷ dữ
Có kẻ rắp ranh thành tội đồ lịch sử
Nỗi nhục này muôn kiếp chẳng phôi pha.

Hồn ta bay trên khắp nẻo sơn hà
Đâu cũng thấy những vết thương rỉ máu
Những mảnh đời tang thương, những ánh nhìn đau đáu
Về đâu ?
Hồn Lạc Việt về đâu ?

Cắt thịt mình sao lại không đau
Máu đã chảy, cả tấm thân quằn quại
Cá chết trắng bờ, xác trôi kín bãi
Giang sơn gấm vóc, còn không ?

Hồn ta bay theo tiếng gọi non sông
Tiếng gào thét không cam đời nô lệ
Một trăm năm, một ngàn năm sau hoặc lâu hơn thế
Nỗi nhục ngày này, muôn kiếp chẳng phôi pha.

                                                    Lang Trương

LỜI RIÊNG…TRONG TẬP SÁCH "ĐOÀN ĐỨC VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ THẦY CÔ CŨ" - Đoàn Đức, Lê Mậu Minh, Đào Văn Nhẫn, Đỗ Tư Nhơn, Tống Văn Thụy, Đỗ Tư Nghĩa, Nguyễn Thắng, Nguyễn Đình Hạnh, Hồ Trị, Trần Phong Dũng,Ngô Thị Hương Thủy,Nguyễn Lương Tuấn, Trần Quang Chu, Nguyễn Văn Trị, Võ Thị Quỳnh, Huỳnh Bá Huy, Trần Ngọc Hợp, Lê Mậu Trúc, Nguyễn Phụng Lương Nhi, Lê Duy Đoàn, Hoàng Văn Thắng, thầy Hồ Si ̃Châm


       

LỜI RIÊNG…TRONG TẬP SÁCH 
"ĐOÀN ĐỨC VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ THẦY CÔ CŨ"

Thoạt đầu Lê Mậu Minh khởi xướng và yêu cầu tất cả các bạn viết bài cho đặc san về khối lớp 1960-1967 của trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị và lấy tên là Hoa Bất Tử. Tôi lúng túng làm một bài thơ gởi cho Mậu Minh đăng, thì vợ tôi chê dở. Hai tháng vẫn không viết được một chữ nào, trong khi đó các bạn tôi đều viết xong để gởi đăng, tôi lo lắng vì đến hạn mà vẫn chưa xong. Bạn Nguyễn Thắng ở Huế cá với Nguyễn Đình Hạnh ở Đông Hà 10 triệu đồng rằng tôi viết không tới hai trang giấy A4. Đình Hạnh điện thoại nói với tôi: “Hồi xưa bạn học ban C văn chương, sinh ngữ mà nay không viết được chữ nào để Thắng cười à. Hãy giúp mình thắng cá độ đi”. Tôi liền ngồi viết một mạch về thầy Trần Thương Bá, được 34 trang viết tay A4. Ban biên tập gồm Lê Mậu Minh, Nguyễn Văn Quang… khi duyệt bài thì bảo rằng: “Không đăng được vì quá dài, mà cắt ngắn thì không nỡ”. Hơn nữa, đã có anh Đỗ Tư Nhơn viết về thầy Bá nên Ban Biên tập đề nghị tôi nên viết về thầy cô cấp II. Tôi tự ái trả lời: “Thế thì tôi sẽ viết luôn một loạt bài về quý thầy cô, các bạn muốn đăng sao thì đăng”. Nói là làm, tôi viết liên tục về bảy thầy cô. Sau khi đọc xong các bạn khuyên tôi không nên đăng vào tập san chung nữa mà in riêng thành một tập dành tặng cho quý thầy cô, các bạn cùng lớp và cho cả chính tôi. Trong quá trình viết, tôi nhận được rất nhiều niềm vui trong đó có sự động viên của hiền nội tôi - Cao Thị Thanh Nhàn, công đánh máy của con gái và con dâu tôi (dù tôi biết các cháu đôi lúc cũng thấy phiền vì sự lẩm cẩm của ba chúng), cũng không quên ơn cô Thoa – một người bạn vui tính – đã đánh máy cho tôi khi các con tôi bận. Tôi chắc sẽ không quên vẻ mặt nhăn nhó của Đào Văn Nhẫn khi phải đọc và sửa lỗi các trang viết qua email, tranh cãi về trích dịch tiếng Pháp từ nguyên tác dù đây là ký ức chứ không phải tôi dịch hay sáng tác. Còn Nguyễn Đình Hạnh thì hứa mà chỉ sửa sơ lược phần thi ca trong bài. Đỗ Tư Nghĩa thì lười. Nguyễn Văn Quang, Tống Văn Thụy thì tế nhị, cả nể. Nguyễn Thắng thì bận rộn khám bệnh, Nguyễn Văn Hóa chịu khó đọc lại các bản nguyên tác Hán - Nôm để sửa, không những về từ ngữ, dấu chấm phẩy mà còn lo cả phần kiểm duyệt (Đúng là nguyên thầy giáo chuyên văn kiêm giám đốc nhà in!). Riêng cảm ơn Nguyễn Trường Thi, học trò cũ của tôi, đã giúp đính chính những thiếu sót, thêm vào một số nguồn có liên quan đến Anh ngữ và về thầy Gary Carkin, trình bày vi tính, dàn trang và đề nghị khổ sách… trước khi gởi bản thảo cho nhà xuất bản. Cũng không quên cảm ơn nhà tài trợ chuyến đi Đà Lạt - Nguyễn Thắng, do thua cá cược 10 triệu đồng nên tháng 3/2017 đã cùng vợ vào Sài Gòn đưa Đình Hạnh, Mậu Minh, vợ chồng tôi, Võ Cẩm, cô Thoa đi Đà Lạt thăm Đỗ Tư Nghĩa để tiêu cho hết tiền thua độ. Tiếc là Mậu Minh không đi được.
Ôi qua bao nhiêu năm mà tôi vẫn còn được trở về “tuổi thơ chí chóe cùng chúng bạn”. Thật diễm phúc biết bao!

MƯỜI NĂM VỀ LẠI QUÁN XƯA - Thơ Hoàng Yên Lynh


         
                  Nhà thơ Hoàng Yên Lynh

MƯỜI NĂM VỀ LẠI QUÁN XƯA                      
                   (Nhớ TNL)
1-
Đèo nghiêng, nghiêng ánh trăng gầy
Chỉ tôi góc quán gánh đầy thời gian
Bạn đi ừ, đã mười năm
Còn tôi cũng đã úa tàn bạn ơi
Đọc tình thơ bạn gởi tôi
Sinh ly tử biệt ngậm ngùi trang thơ
Người đi lạnh bước bơ vơ
Người về quán vắng vẫn chờ đợi ai
Mong một lần tay nắm tay
Mà sao xa thẳm mây bay lạnh lùng
Bạn ơi mơ cuộc trùng phùng
Âm dương thôi chỉ nghìn trùng cách xa
Tôi về mòn gót bôn ba
Đèo cao hiu hắt quán cà phê xưa
Khói sương... mù thẳm cơn mưa...

2-
Mười năm về lại quán xưa
Bạn ơi buồn lắm cơn mưa lưng đèo
Chỉ còn tôi với cô liêu
Cảnh xưa còn đó mây chiều vẫn trôi
Cà phê nhỏ giọt mình tôi
Biết ai chia sẻ đầy vơi nỗi lòng
Mười năm rồi bạn nhớ không
Ở nơi xa thẳm chạnh lòng bạn ơi
Đèo nghiêng từng hạt mưa rơi
Gọi người năm cũ biết người nơi đâu
Thơ này viết chẳng tròn câu...

                             Hoàng Yên Lynh

CHÙM THƠ VỀ THIỀN CỦA CHU VƯƠNG MIỆN


      


1.THIỀN

Người toạ gốc bồ đề 
Ánh trăng treo đỉnh nuí 
Chiếu qua ngôi chùa cổ 
ngồi dưới gốc cây 
tâm thẳng
bóng nghiêng
-
thời cổ lỗ sĩ
tiến vi quan thoái vi sư
thời chừ tiền vi quan
thoái vi tù
chuyện không ai muốn
tự dưng tới lù lù
người xuất ngoại
kẻ xuất thế
người ngồi uống cà phê
coi chuyện phù du


2.THIỀN

Thân thế là cát bụi
hồng trần là hư vô
nhang đèn toàn ảo ảnh
vòng lại là bến bờ
 -
tám phương trời mù mịt
Sóng dạt thuyền cứ đi
Lênh đênh trên mặt biển
Cái tâm và cái ta ?
Cúi đầu cõi phong ba
Mây trờì mưa vần vũ
Nhưng cội lòng toàn hoa


3

Càng to càng nhỏ
Càng lớn càng dài
Càng buồn càng vui
Càng khóc càng cười
Càng cao càng thấp
-
ngựa lớn chó con
làm quan đi ngựa
làm dân di chân
làm quan mặc áo
làm dân cởi trần

Chu Vương Miện

LẬP LOÈ HOA LỰU ĐỎ... - Trần Mai Ngân


     

     LẬP LOÈ HOA LỰU ĐỎ...
    
     Căn nhà lúc ấy nhỏ và chật chội so với số người ở trên một mét vuông nhưng thật ấm áp và hạnh phúc lúc nào cũng đầy tiếng cười vui...

     Sút tôi trồng duy nhất một cây Lựu ở phía ngoài ô cửa sổ to. Bên ngoài nữa là một khoảng không rộng của một hãng sản xuất nước tương Bông Sen. Cây Lựu không to lớn nhưng dáng rất đẹp cho hoa và trái quanh năm.
     Tôi thích ngồi trên thành của ô cửa đó ngắm trời xanh, mây trắng bay ngang qua bông Lựu đỏ lập loè... Cùng ngồi với tôi có cô Mèo lười cùng tuổi và cùng ngày sinh với tôi mà Sút rất cưng nó !
     Khi tôi đi xa, Sút tôi nhìn cô mèo và nhớ đến tôi. Mắt Sút tôi màu nâu nên đa cảm và mênh mang lắm !
     Sút tôi khỏe mạnh và yêu thuơng chăm lo thật tốt cho gia đình.

     Nhưng cuộc đời khó định đoán ! Cơn bệnh của Sút diễn biến rất nhanh. Để chỉ còn nghe tiếng Sút gọi tên tôi qua điện thoại nghẹn ngào và đứt quãng...

     Mùa Xuân sắp về !
     Tôi nhớ mênh mang về ngôi nhà thân yêu đó. Nhớ cây Lựu đỏ bên ô cửa và cả dáng cô Mèo nằm lim dim...
     Mơ hồ tôi nghe giọng Sút tôi:  Con mèo cùng tuổi với Nị đó ! Nị bao nhiều năm thì nó bao nhiều tuổi...
     Mơ hồ tôi thấy đôi mắt nâu nhìn tôi trìu mến, yêu thương...
     Và thật sự tôi thấy mắt mình đang cay, dòng lệ rơi quanh ! 
     Sút ơi ! Con nhớ người vô hạn !

                                                                        Trần Mai Ngân

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2018

BÀN VỀ CÂU THƠ “ĐÊM ĐÊM HÀN THỰC, NGÀY NGÀY NGUYÊN TIÊU” - Châu Thạch


              
                 Nhà bình thơ Châu Thạch


    BÀN VỀ CÂU THƠ
    “ĐÊM ĐÊM HÀN THỰC, NGÀY NGÀY NGUYÊN TIÊU
                                                                           Châu Thạch

Gần đây học giả  Lại Quảng Nam có viết một bài đề cập đến câu thơ “Đêm đêm Hàn Thực ngày ngày Nguyên Tiêu” của Nguyễn Du. Trong bài viết nầy học giả Lại Quảng Nam có nhắc lại những điều tôi xin tóm tắt gọn lại sau:
Ông Vân Hạc Lê văn Hòe (1953) với quyển Truyện Kiều Chú-Giải rất nổi tiếng trong văn giới và trong giới giáo dục. Ông dừng rất lâu lại tại câu Kiều thứ 942 này, với ưu tư là tại sao Nguyễn Du lại viết "Đêm đêm Hàn Thực, ngày ngày Nguyên Tiêu", mà lại không viết "ngày ngày Hàn thực, đêm đêm Nguyên tiêu". Cụ Lê Văn Hoè viết "Lý ra phải viết như thế này thì mới đúng:"Đêm đêm Nguyên tiêu, ngày ngày Hàn thực", bởi tất cả lễ lạc đông người dành cho quần chúng do triều đình Tàu sắp đặt đều xảy ra, ban ngày cho Hàn Thực, ban đêm cho ngày Nguyên Tiêu. Cụ Lê văn Hòe nhận định thêm: "Có lẽ vì nhu cầu vần thơ"