BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyện ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyện ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

TRĂNG LU - Truyện ngắn của Ngô Hương Thủy





            TRĂNG LU
                                                                              Ngô Hương Thủy

Xóm Xẻo Lờ. Cái tên khiến những người nhạy cảm dễ đỏ mặt. Nhưng có hề chi. Nó được đặt và quen miệng từ thời cha ông… Nào là xóm Cầu Bà Banh, Cầu Bà Tành, Xẻo trầu, Xẻo Lờ…mộc mạc, giản dị như con nước ngày hai buổi lên xuống, như chuyện trai gái xưa nay, như chuyện của Út Năm và Bé Gái bây giờ.
Hai đứa biết nhau từ hồi còn ở truồng theo mấy ông anh chạy nhong nhong ngoài bờ ruộng hớt cá lia thia. Lớn chút nữa thì chơi trò vợ chồng làm nhà chòi đằng sau mấy đụn rơm. Cho đến khi biết mắc cở trong một lần tắm sông nhìn qua ngực Bé Gái thấy hai cái chũm cau phập phồng… Từ đó là những câu nói trỏng giữa hai đứa “Lấy cái gỗ đựng mấy con cá gô mới bắt đem về cho bà già kho tộ nè” hay “Ăn gau cải không? Non lắm. Tui bứt nghen.”

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

NHƯ MỘT CHUYỆN TÌNH - Huỳnh Công Toàn


             
                                      Tác giả Huỳnh Công Toàn


                NHƯ MỘT CHUYỆN TÌNH

Chị Thảo là bệnh nhân đầu tiên của tôi, năm đó tôi học năm thứ tư trường Y, tôi gặp chị khi thực tập lâm sàng ở khoa Nội. Chị Thảo hơi gầy, dáng mảnh mai, mái tóc dài ngang lưng, khuôn mặt thanh tú, một chút kiêu sa. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ giọng nói của chị, giọng nói "rất Huế" mà sau này tôi thường giật mình khi nghe giọng Huế đó trên cao nguyên lộng gió này, chị mới tốt nghiệp đại học sư phạm và sắp sửa đi nhận nhiệm sở ở xa. Có lẽ vì bệnh nên chị chưa đi được.

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

HỐI LỘ - Truyện ngắn của Lão Gàn


        
                    Tác giả Lão Gàn 


                           HỐI LỘ (1)
                                                                            Tác giả: Lão Gàn

Đã hai tháng rồi, chị Hồng tắt kinh. Chị cảm thấy trong người không bình thường; chị thường nôn oẹ. Chị nghĩ là đã có thai.
Lấy chồng hơn mười năm, bây giờ, có con, đáng lẽ mừng, chị lại lo, lại sợ - lo sợ lắm.

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

CÔ SƯỚNG CƯỚI VỢ - Truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến


           
                         Tác giả Đặng Xuân Xuyến


CÔ SƯỚNG CƯỚI VỢ 
(Tặng tình yêu 2 em Ngân - Sướng)

Vâng! Thì hẳn là “cô” Sướng lấy vợ chứ làm sao có chuyện “cô” Sướng lấy chồng! Tuổi “cô” tuy chưa nhiều, nhưng ở cái làng quê này, cỡ tuổi hăm mấy như “cô” mà chưa có nơi có chốn sẽ là nhiều lời đàm tiếu lắm. Vì thế, cụ Bống lo dựng vợ gả chồng cho “cô” năm nay cũng phải.

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

KIM YÊU – Truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến


           
                         Tác giả Đặng Xuân Xuyến


KIM YÊU

Bạn có đẹp trai? Chắc cũng chỉ như tôi là cùng. Thề có bàn phím tôi đang gõ, không ít người ngợi khen tôi đẹp trai, còn gọi tôi là Vinh hoàng tử nữa đấy. Thực ra, tôi cũng ý thức được mình đâu có đẹp, chỉ bình thường thôi, cỡ điểm 5 là cùng. Thế nhưng ở xóm, ở làng, ở xã mọi người cứ tấm tắc khen tôi đẹp, tôi tuyệt vời. Ban đầu tôi cũng đâu dại mà tin, cũng tức giận khi nghĩ tới đôi chân vòng kiềng, cái mũi hếch và đôi môi cong tớn của mình nhưng thằng Chủ cứ một hai bảo cả xã chẳng có ai chân thẳng như tôi, con Kim còn quả quyết mũi tôi thực ra đâu có hếch, môi tôi đâu có cong, nhìn còn đẹp là đằng khác… Nếu xã mình mà tổ chức thi nam thanh nữ tú, thế nào đằng ấy cũng đoạt giải nhất. Như thế không tin sao được. Tôi rộn ràng niềm tin mình đẹp trai nhất xã từ đó, từ hồi mới 13, 14 tuổi.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

DẪU LÌA NGÓ Ý – Ngô Hương Thủy


           
                          Tác giả Ngô Hương Thủy


     DẪU LÌA NGÓ Ý 
                           
     “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”
     (câu 2242 trong Đoạn Trường Tân Thanh)

Nhà thơ ngụ ngôn người Pháp La Fontaine đã nói một câu rất hay về tình bạn: “Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”.
Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
Chúng tôi thân nhau từ thuở nhỏ, lúc còn học trường tiểu học Đoàn Thị Điểm trong Thành Nội. Hai đứa cứ thế lớn dần lên, lần lượt qua bên kia sông Hương học Đồng Khánh rồi Văn Khoa…
Nhà Cát Đằng nằm ở một góc nhỏ trên đường Mai Thúc Loan. Căn nhà cổ xưa như cuộc sống quan cách của gia đình. Ba Cát Đằng làm công chức cao cấp của Ty Ngân khố Thành phố. Ông đặt cho con những cái tên thật đẹp của các loài hoa : Cát Đằng, Đỗ Quyên, Hoàng Lan… Mấy chị em sống khép kín như những con ốc trong bốn bức tường rêu.

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI - Truyện ngắn Đặng Xuân Xuyến


           
                         Tác giả Đặng Xuân Xuyến


              CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI
                                         Đặng Xuân Xuyến

Cu Tố vừa đi vừa khóc, một tay kéo quần, một tay lau nước mắt. Thật tội cho thằng bé, mới tý tuổi đầu mà phải hứng chịu quá nhiều đau khổ. Bằng tuổi nó, con nhà khác thì được học hành đến nơi đến chốn, còn nó, đang học dở cấp 2 phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình. Mẹ nó bỏ làng ra đi dễ đến sáu, bảy năm rồi, còn bố nó là kẻ nát rượu nhất vùng, mỗi khi quá chén lại thượng cẳng tay hạ cẳng chân, trút lên đầu nó tất cả sự hận thù về mẹ nó. Nghe đâu, mẹ nó sau một cuộc mây mưa tình ái với gã hàng xóm, nó được hình thành từ bận ấy. Không phải lão Phục - bố nó - có vấn đề về chuyện chăn gối, mà cái chính để mẹ nó ngoại tình đẻ ra nó là do hoàn cảnh …. Vâng, thì hẳn là do hoàn cảnh, chứ mẹ nó vốn là người nổi tiếng hiền thục nhất làng, đâu muốn lão Phục phải nuôi con người khác. Ngay cả thằng cu Đấu, lão Phục cũng thừa biết là con của lão Q, nhưng vẫn quyết cưới, vẫn hì hì cười: “Cá vào ao ta, ta được”, chứ đâu phải mẹ cu Tố chủ tâm lừa dối. Người làng Trúc Xuân vốn rộng lượng, nhất là trong hoàn cảnh gia đình cu Tố, nên nhiều người có vẻ bênh mẹ cu Tố ra mặt, tất tật mọi chuyện đều đổ lỗi cho hoàn cảnh nó trớ trêu, nó oan nghiệt, không chịu chiều theo ý người …. Vì thế, thượng vàng hạ cám, người làng Trúc Xuân đổ tuột lên đầu lão Phục! Thật tội cho lão, nghe mọi người bóng gió, mỉa mai, lão chỉ biết gượng cười. Lão không thích phân trần, vì đấy không phải bản tính của lão, hơn nữa, nếu có nói, cũng không ai chịu nghe, càng không ai chịu tin. Xưa tới nay, ở cái làng Trúc Xuân này, có ai coi lão ra cái thá gì? Trước mặt thì cười cười nói nói, ra vẻ thân tình, thương mến lắm, nhưng vừa đi khỏi dăm ba bước là những cái bĩu môi, những lời châm chọc chạy theo lưng lão.

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ - Truyện ngắn Đặng Xuân Xuyến


         
                           Tác giả Đặng Xuân Xuyến


            CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ 
                               Đặng Xuân Xuyến

Hắn không biết bây giờ đã mấy giờ, càng không nhớ hắn đã nốc bao nhiêu ly rượu. Hắn không nhớ mà cũng chẳng cần nhớ điều đó làm gì. Mọi người nhìn hắn như nhìn một quái vật. Không sao, chẳng nghĩa lý gì với hắn. Đời mà. Phù thịnh chứ ai phù suy. Hắn đã từng vụt sáng, chói lóa trong mắt mọi người, và bây giờ, hắn tiều tụy, thảm thương còn hơn mèo đi kiết. Hắn không nuối tiếc thời vàng son oai liệt, cũng chẳng ân hận những việc đã làm. Với hắn, cuộc đời như một manh chiếu bạc, người thắng kẻ thua là chuyện thường tình. Thằng nào ngu thì chết. Vậy thôi. Hắn ngu thì phải thua cuộc. Trách ai? Hận ai? Giờ đã là kẻ thất thế, có nói cũng chẳng ai tin, chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Hắn không thích phân trần, càng không thích nhận ở thiên hạ lòng trắc ẩn, sự ban ơn, thương hại. Hắn còn nhiều việc phải làm, đâu rảnh rang mà ngồi oán thán thiên hạ...

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

VIẾT LẠI MỘT CHUYỆN TÌNH BUỒN - Võ Văn Cẩm


                
                             Tác giả Võ Văn Cẩm 


               VIẾT LẠI MỘT CHUYỆN TÌNH BUỒN 
                                   (Tặng Văn Mạnh)
                                                                       Võ Văn Cẩm

Hôm nay không ngủ được, không biết tại sao? 3giờ sáng tôi mở điện thoại lướt một vòng Facebook để tìm đọc thời sự, chuyện vui buồn, những trang thư tình vụn vặt, những mẫu chuyện ngắn, qua trang Đồng môn Nguyễn Hoàng.
Hoa Trương đã truyền tải bài:
“Người con gái đất Duy Xuyên” của Hương Thủy.
Với cái tên tác giả thấy quen quen. Tôi chưa nghĩ là Hương Thủy Bảo Lộc, nàng là học sinh Nguyễn Hoàng, dân Quảng Trị rặc, sao lại viết về người con gái Duy Xuyên Quảng Nam. Chắc nàng có một thời gian ở đó, hay vương vấn chàng trai nào bên dòng sông Thu Bồn?
Thủy là cô giáo dạy văn ở trường cấp 3 Bảo Lộc Lâm Đồng. Người đã viết bài “Người tình phụ” mà tôi đọc một lèo không nghỉ. Tôi đọc đến lần thứ 3 mà chưa chán.
Không biết đời thường cô giáo thế nào? Mà những chuyện tình cô viết lúc nào cũng trắc trở, ngang trái, đau buồn, bi lụy, đau cho thân phận đời người, thế sự, trách cho vận nước ngả nghiêng, trách cho lòng người đen bạc, trách cho số phận hẩm hiu, trách cho tuổi thơ một một quảng đời chinh chiến.
Tôi dùng thời gian đọc hết chuyện tình ngang trái của Hương Thủy kể về người bạn học cùng lớp thời Trung học, câu chuyện khá thật, khá lý thú xảy ra vào thời ly loạn. Trong câu chuyện tình này thấp thoáng, mường tượng chuyện tình không trọn vẹn của tôi, của bạn bè cùng trang lứa.
Tôi chắt lọc, quay chậm những thước phim về cuộc đời mình, nhớ lại một số tình tiết chính chuyện tình của mình để :
“VIẾT LẠI MỘT CHUYỆN TÌNH BUỒN”

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

CHUYỆN ANH CHÀNG ĐÀO HOA NỞ MUỘN - Đặng Xuân Xuyến


                


            CHUYỆN ANH CHÀNG ĐÀO HOA NỞ MUỘN

Anh sinh năm 1953, ở Hà Nội, giàu lắm, có mấy cái nhà mặt phố cho thuê, toàn cỡ vài chục triệu/tháng nhưng đường vợ con của anh thì lận đận lắm. Đến tận năm anh rất luống tuổi mới biết yêu, nên vội cưới. Nghe em rể anh kể, thì “chị” sinh năm 1984, hình thức cũng thuộc diện xinh gái, khéo ăn khéo nói, người Hà Nội, gia đình cũng khá giả, kém anh “chỉ có” 31 tuổi, mà anh là con trưởng, lại ở thế độc đinh, xưa tới đó chưa từng biết chuyện gái gú là gì nên cả gia đình gật đầu tắp lự khi anh đưa “chị” về ra mắt, tuyên bố sẽ cưới “chị” làm vợ. Cưới được hơn năm, “chị” sinh cho anh cậu ấm, giống anh như tạc nhưng chả hiểu sao từ ngày sinh được cậu ấm, “chị” đâm ra đổ đốn: Cãi bạt mạng khi anh nhắc nhở chuyện a, chuyện b trong văn hóa ứng xử; chị còn tự mình đặt ra quy định thế này thế kia với họ hàng ruột thịt của anh trong khi anh là người làm ra tiền, là người đang “cầm chịch” lễ nghi của dòng họ. Cãi nhau vài bận, chị đâm đơn ra tòa. Anh gật đầu cái rụp. Cũng chẳng cần ý kiến của tòa, anh hâm hâm đề xuất: Phụ cấp 10 triệu/tháng cho cậu ấm, đưa luôn cả 17 năm 3 tháng (thời điểm cậu ấm tròn 18 tuổi) cho gọn. “Chị” đề xuất anh chi thêm mấy trăm triệu để “chị” mua tạm ngôi nhà nho nhỏ làm nơi tá túc. Anh gật đầu rụp cái trước tòa, nhất trí chi thêm cho “chị”, tổng cộng tròn 3 tỷ. Mọi người trách anh hâm. Anh cười: Đằng nào cũng chi cho con nên đưa luôn cả thể cho gọn. Mọi người nhắc anh cẩn thận kẻo “người đàn bà” đó lợi dụng cậu ấm để rút ruột, “trả thù”. Anh hô hố cười, rồi mắng mọi người lo xa, khẳng định như đinh đóng cột sẽ không có chuyện đó.

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

CHỊ MÈ - Nguyễn đại Thuật

Một chuyện tình thời chinh chiến, cộng với nghịch cảnh chính là Tôn giáo. Xin mời các con chiên, các phật tử ngoan đạo hãy nằm vắt chân lên trán suy nghĩ về đường lối cư xử trong những trường hợp lương tâm nan giải này

    

       CHỊ MÈ 
         Nguyễn đại Thuật

Đầu năm tôi vào học lớp nhất trường tiểu học, gia-đình tôi có thêm một người giúp việc. Lúc bấy giờ gia đình tôi đã có một chị giúp việc lớn tuổi chuyên lo về công việc đi chợ, nấu ăn, giặt giũ quần áo, lo giữ nhà cửa sạch-sẽ.
Cha mẹ tôi có tất cả năm người con, và trong tương lai gần mẹ tôi sẽ có thêm một đứa con nữa. Có lẽ vì vậy mẹ tôi đã thuê thêm chị Mè. Cha mẹ tôi có một cơ-sở làm ăn tương đối lớn, bận rộn công chuyện suốt ngày, mấy anh chị em chúng tôi thiếu người săn sóc, nên chị Mè được giao cho công việc nầy.
Chị Mè còn trẻ lắm, chị khá đẹp, tóc ngắn ngang vai, kiểu tóc mà thời bấy giờ người ta gọi là tóc thề. Chị gốc người làng Trà-Kiệu, thuộc tỉnh Quảng-nam, cả làng theo đạo Thiên-chúa, nơi người ta nói đã có lần Đức Mẹ hiện ra.

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

CHÀNG LÙN NỂ VỢ - Truyện ngắn Đặng Xuân Xuyến


        

        CHÀNG LÙN NỂ VỢ

Về làm hàng xóm với nhau từ năm 1998, cũng ngót ngét 20 năm. Gặp nhau vẫn tươi cười chào hỏi, đẩy đưa mấy câu thân tình chẳng động chạm tới ai, kiểu con gà nhà em sáng nay bị cúm, con lợn nhà anh tối qua biếng ăn... Đôi khi hứng chí còn đấm lưng nhau thùm thụp, rồi nắc nẻ cười, có lúc bá vai nhau, mời nhau chén trà, điếu thuốc, chú chú anh anh ầm ĩ cả góc phố. Ấy vậy mà anh tên gì, bao nhiêu tuổi, nhà số bao nhiêu lão cũng chịu. Không phải lão ra vành ra vẻ, vì lão chả có gì để lên mặt ta đây. Lão không biết tên tuổi của anh, số nhà của anh chỉ vì bản tính của lão vốn ngại giao tiếp, lại thêm trí nhớ có vấn đề, cứ nhớ nhớ quên quên nên càng ngại quan tâm lý lịch của người hàng xóm. Lão sợ chuyện ông A “muốn yêu vợ” nhưng bị vợ “cấm vận”, lâu ngày, quá bí bách nên đêm đến lẩn ra đường Giải Phóng tìm mấy em có thói quen “tạo dáng bên gốc cây” để “tâm sự” cho “thoáng trên thông dưới” nhầm thành chuyện ông A “cấm vận” vợ khiến bà vợ bứt rứt phải nhảy sang nhà hàng xóm, thách ông hàng xóm “có giỏi thì đọ vòng eo” xem eo ai nhỏ hơn... Nếu thế thì thành to chuyện. Loạn phố Nguyễn Văn Trỗi. Lão chỉ có mỗi một cái đầu, chả dại.

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

BỞI TẾT LÀ TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG CỦA SỰ TRỞ VỀ ! - Truyện ngắn của Hồ Thị Thúy An


     


BỞI TẾT LÀ TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG CỦA SỰ TRỞ VỀ !

Thức dậy vào thời khắc tuyệt đẹp khi ngày mới bắt đầu.Ngày cuối cùng của năm.Bên tai tôi chợt vang vẳng bên tai những câu hát :

"Mùa xuân nói với em điều gì ?
 Mà sao mắt em vui thế..."

Chắc hẳn trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có nhiều nẻo đường để đi nhưng có một nơi để quay về là nhà . Với những người đang sống nơi đất khách quê người thì Tết là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm. Trở về… đó là điều thiêng liêng nhất đối với những người con xa quê. Ở đó, khoảnh khắc trở về hội tụ muôn vàn cung bậc cảm xúc. Những ngày này, có người hối hả hoàn tất công việc, tạm ngưng dời non lấp bể, mọi bon chen nơi đất khách luôn đếm từng ngày trong tiếng gọi thân thương: Trở về... Có những người ngậm ngùi khi phải ăn Tết xa quê với muôn vàn lý do khác nhau song dường như hai tiếng quê hương vẫn luôn trong tiềm thức của họ…

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

TRĂNG LÀ GÌ ? - Truyện ngắn của Tạ Thị Ngọc Thảo

Trên thương trường, chị nổi tiếng là một chủ địa ốc bản lĩnh. Trong văn trường, cái tên Tạ Thị Ngọc Thảo (T.T.N.T) là nhà báo, nhà văn sắc sảo. Thậm chí, nhiều giáo sư uy tín đã gọi chị là một nữ trí thức, một doanh nhân mẫu.

         
                              Nhà văn Tạ Thị Ngọc Thảo


             TRĂNG LÀ GÌ ?
               Truyện ngắn của Tạ Thị Ngọc Thảo         


Gia đình tôi với gia đình “hắn” là chỗ thân tình!

   Cách đây khoảng chục năm, nhân dịp tôi đến khám mắt tại bệnh viện hắn làm việc, hắn say sưa khoe với tôi về nguồn thu nhập hậu hĩnh kiếm thêm từ việc khám và giải phẫu mắt ngoài giờ của mình. Bất ngờ, tôi đặt ra một câu hỏi, chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện hắn say sưa: “Có bao giờ ông dành thời-gian ngắm trăng với vợ, con không? Đến lượt tôi bất ngờ vì câu trả lời của hắn: 'Trăng là gì?'”.

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

ĐEN BẠC GIỮA ĐỜI - Truyện ngắn của Hoàng Đằng


         
                         Tác giả Hoàng Đằng


        ĐEN BẠC GIỮA ĐỜI
         Truyện ngắn của Hoàng Đằng

Anh Đông đi làm đồng về, gần tới nhà, thấy nhà mụ Thòi bên cạnh đông người, hỏi ra mới biết mụ Thòi vừa qua đời.
Anh vô nhà, chưa vội rửa chân tay vấy đầy bùn ruộng, anh xao xác tìm mẹ anh là mụ Thiệt.
Mụ Thiệt đang rút rơm ở góc vườn, nhen lửa nấu bữa ăn trưa. Anh đến bên mẹ, nói nhỏ kẻo sợ người khác nghe:
- Mụ Thòi mất, nhà mình có đi đám không mạ hè?
Ngẩng cái đầu đang chúi khuất ra khỏi lỗ hẵm nơi cây rơm, mái tóc bạc trắng phủ đầy rác rơm, mụ Thiệt khoan thai trả lời:
- Đi … chớ răng … không, con hè?

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

HỘI GÀ TRỐNG NUÔI NHAU - Đặng Kim Oanh


         

             HỘI GÀ TRỐNG NUÔI NHAU

Cãi nhau và li thân. Hay thay chữ li thân, vợ chồng chẳng phải, người dưng cũng không, ai cũng có quyền với ai và cũng chả làm gì được ai. Chán cái cảnh vào ra thấy nhau như thấy cột điện, lão Long đòi chia miếng đất ngoại ô, lên lên xuống xuống ngắm chán rồi cũng đành mua cái nhà gỗ, quyết tâm đi “trấn thủ lưu đồn” xa vùng chiến tranh. Vốn máu mê hội họa, gã bỏ công đì- dai một cái nhà hoàn toàn không giống ai. Tất cả đều ngẫu hứng. Cổng không cao, to, bề thế mà lãng mạn cọc tre, tường không xây, chỉ cắm gỗ khoảng cách vô chừng. Bên trong trồng rong riềng, khoai mỡ, khoai lang…Nhà càng lạ, rất ít tường, chỗ cần che thì lắp kính màu trà kéo rèm, không thì cứ thông thống, ai thích nhìn thì nhìn.
Thời gian chả bận bịu vợ con nên gã nhẩn nha làm nhà. Sai đâu sửa đấy, theo đúng tiêu chí “Quan có cần nhưng dân chưa vội”. Xóm này buồn cười là hầu như không có lớp trung lưu. Người nghèo không chen nổi vào thành phố lên đây từ mười mấy năm trước, mua đất rẻ như cho, chờ sổ đỏ theo kiểu năm ăn năm thua. Đại gia nhà cửa cao tầng đã chán giờ muốn có chỗ treo giò lan, lồng chim… lẻ tẻ lên, sau khi có con đường bê tông rất điệu khéo léo lượn qua xóm. Nhà gã mua từ dạo chưa có chủ quyền nên rộng đến non sào, gần sông, giữa vùng cây ăn trái, rất hợp với người dỗi hết cả làng.

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

CHÚ KHỈ CỘC ĐUÔI – Truyện ngắn của Văn Biển

Nguồn: 
https://vnthuquan.net/mobil/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n3nvnmnqn31n343tq83a3q3m3237nvn



Nhà văn Văn Biển tên thật là Phạm Văn Biển, sinh ngày 15/12/1930. Nguyên quán xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nhà văn Văn Biển cũng là một trong những người sáng lập HNV Việt Nam.



Những tác phẩm chính viết cho thiếu nhi:
- Cô bê 20 xuất bản 1968
- Mười ngày làm khách xuất bản 1972
- Chú bé vô hình xuất bản 1996
- Từ không đến có xuất bản 1998
- Tập truyện ngắn Bé tuyết xuất bản 2001

Truyện CHÚ KHỈ CỘC ĐUÔI này trích trong tập truyện cùng tên "Chú khỉ cộc đuôi" được chọn lọc từ những truyện ngắn hay nhất của nhà văn Văn Biển, người được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu mến nhờ những tác phẩm về kịch bản phim hoạt hình trong trẻo, hấp dẫn. Tập truyện gồm 5 câu chuyện nhỏ: Sự tích hoa nhài, Cuộc truy tìm thủ phạm, Chú khỉ cộc đuôi, ... Với lối viết giản dị, tập truyện mang lại cho người đọc những bài học nhẹ nhàng sâu sắc

            

                           CHÚ KHỈ CỘC ĐUÔI         
                                                           Văn Biển

Chú bé nổi bật trong đàn không phải chỉ nhờ cái đuôi cộc mà còn do sự nhanh trí, can đảm và nhất là tài bắt chước. Chính điều sau này đã gây nên nỗi bất hạnh trong đời chú.
Chú có cô bạn. Cô bé nhỏ nhắn xinh xinh, giải yếm trắng ở ngực. Khi cô bé ở trong đàn thì không lẫn vào đâu được. Đôi bạn như hình với bóng. Dầu là lúc họ dưới đất hay đu chuyền trên cành cao.
Các nương ngô đang mùa kết hạt. Suốt ngày bầy khỉ kéo tới phá phách. Chúng ăn một phá mười. Cộc đuôi thường dẫn đầu cả bọn. Cạnh chú lúc nào cũng có cô bé yếm trắng. Ăn chán chúng lại bày trò vui. Lúc thì Cộc đuôi giả làm bác gấu, đi hai chân, bước những bước lặc lè khệnh khạng, lúc chú đóng vai ông lão chống gậy khập khễnh từng bước một. Thật là vui nhộn.

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

CHỢ PHÂN VAI BÒ - Nguyễn Bàng


       
                     Tác giả Nguyễn Bàng


CHỢ PHÂN VAI BÒ

Hồi tôi còn học tiểu học ở trường làng, thằng Đa bạn cùng lớp và cùng xóm hay rủ tôi đi câu. Dạo ấy ao làng thường thả bèo phổng và bèo cái để lấy cái ăn cho lợn, chỉ vài nhà giàu có ao to mới thả cá, rào bờ ao và luôn canh chừng người câu trộm nên thằng Đa và tôi chỉ đến các ao người ta không cấm câu, tìm một bụi tre có bóng mát rồi rắc thính và thả dây câu. Ấy vậy mà, thằng Đa nổi tiếng sát cá, mới ngồi một lúc nó đã giật được năm bẩy con rô con riếc to bằng ba ngón tay trong ki tôi chỉ giật được hai ba con mài mại hay con cá cờ nhỏ xíu như cái lá tre. Vì vậy nhiều lần, khi ra về thằng Đa thương tình chia cho tôi mấy con rô, con riếc. U nó thấy nó đem giỏ cá về thì nhanh tay đỡ lấy rồi đổ cá ra chiếc chậu sành và tươi cười nói:
- Hôm nay nhà ta lại được ăn cơm với cá rồi
Nhưng thầy nó thì không hồ hởi như u nó. Ông nghiêm giọng bảo vợ:
- Bà chỉ làm hư con thôi. Cái ngón nghề câu cá ấy liệu có nuôi được nó cả đời không hay là sẽ như cổ nhân nói: “Bé đi câu, lớn đi hầu, già làm mõ”. Mà tôi nói cho mà biết, làm mõ cũng không đến lượt nó đâu, mỗi làng chỉ cần một thằng mõ thôi mà vợ chồng thằng mõ làng ta còn trẻ khoẻ lắm. Không chịu khó học hành thì chỉ còn một nước là đi làm phu đổ thùng cho nhà Năm Giệm.

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

ĂN MÀY CỬA PHẬT - Thạch Đà


        
                                      Tác giả Thạch Đà

      ĂN MÀY CỬA PHẬT

      Hắn đã đến Ấn Độ. hắn chiêm bái những Phật tích, nơi Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết Bàn, trong màu áo tu sĩ, hắn nghĩ lại đời mình trôi qua như một giấc mơ, một kẻ cùng đường trong đời sống. Hắn đến với đạo Phật như một sự cứu rỗi về thể xác và tinh thần. Ấn Độ từ thời đức Phật khắc nghiệt giai cấp, mặc dù Phật tạo ra bình đẳng trong giaó lý và giáo đoàn của mình. Nhưng hôm nay Ấn Độ vẫn tràn đầy giai cấp, quá nhiều người nghèo khổ, áp bức, bất công. Sông Hằng vẫn chảy như một niềm tin bất diệt. Thế là hắn trở thành tu sĩ. Hắn đang đứng trên nơi khởi nguồn Phật giáo, một trong ba tôn giáo lớn nhất của nhân loại .
      Thời học trò hắn nổi danh như cồn vì những truyện ngắn và bài thơ đăng báo. Thời đó đăng thơ ở các trang văn nghệ Hà Nội và thành phố Là oách lắm ! Rồi hắn vào sinh viên học ở Huế  khoa Anh văn và Trung Văn

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

CHÙM TRUYỆN CỰC NGẮN CỦA TRẦN MAI NGÂN


   
                           Tác giả Trần Mai Ngân 

BẾN
Bến. Nơi người đợi đò qua sông, nơi người hẹn chờ người. Tôi cũng đến ngồi đợi. Chiều. Bến vắng, tôi không qua sông. Về !

TRẢ LỜI
Nàng hỏi : Anh còn yêu em không.
Đáp: im lặng.
Có khi là còn và rất nhiều. Cũng có khi ngại nói ĐÃ HẾT!

BONG BÓNG
Bé cầm trên tay quả bóng màu hồng thật chặt. Gương mặt con bé rạng rỡ tươi cười trong hạnh phúc.
Vô tình, vuột tay... Quả bóng bay cao... cao... rồi mất hút.
Nó ngỡ ngàng quá, chưa kịp khóc !

CẦU VỒNG
Cuối chân trời xuất hiện một Cầu Vồng đủ màu sắc thật đẹp và lung linh.
Cô bé ngây ngô chạy đến , muốn chạm vào điều huyền diệu đó.
Đi mải miết, mải miết... Thì ra chỉ là đường chân trời không bao giờ tới. ANH !

                                                            Trần Mai Ngân
                                                                10-7-2018