BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn LA THỤY. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn LA THỤY. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

ĐỌC BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THỤY - Phạm Đức Nhì


       
                      Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


       ĐỌC BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THỤY

NGHIÊNG

Ai từng chao nghiêng
Chắt lắng hết hương mê
Chừ hoài niệm
Len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức
Tình xưa hẹn ước
Chông chênh rơi mất ánh trăng thề?

                                        La Thụy

Tứ thơ chỉ là một câu hỏi của tác giả “Có ai từng đang ngắm trăng, hồn bỗng chao nghiêng, hương mê lắng đọng, tình xưa hẹn ước, kỷ niệm hiện về, để cuối cùng trời đất cũng chao nghiêng, ánh trăng thề chông chênh rơi mất, chỉ còn ta với những bóng hình xưa?”

Với tôi, La Thụy làm thơ đều tay và chắc tay. Đọc một số thơ anh tôi có cảm tưởng anh “thích” lối dàn quân của Thơ Mới... Nhưng không hiểu sao mấy bài sau này trên VNQT (Hòn Chồng, Mẹ) anh đã mạnh dạn thay đổi số chữ trong câu. Đặc biệt đến bài Nghiêng thì anh lại nổi hứng bứt phá hết những sợi dây trói buộc của thơ truyền thống và Thơ Mới.

Có lẽ khi “chao nghiêng” tâm hồn thi sĩ đang bồng bềnh chơi vơi ở một nơi xa nào đó - đủ xa để “quên hết lời em dặn dò”, ở đây là quên hết luật tắc của thơ và “rơi mất ánh trăng thề”. Nhưng chẳng phải quên như vậy lại là cái hay hay sao?

Có thể nói Nghiêng của La Thụy là bài thơ phá hết mọi lề luật - chỉ giữ lại chút vần. Vần không chỉ thoang thoảng rất vừa độ ngọt mà vị ngọt cũng khác lạ. Không phải cái ngọt bình thường của đường mía hay đường thốt nốt mà hình như là vị ngọt của mật ong nguyên chất từ chốn rừng sâu núi thẳm.

Cách ngắt dòng, dàn trận của Nghiêng, theo tôi cũng rất tuyệt, chứng tỏ tác giả đã nắm trong tay toàn quyền tự do sắp xếp, điều khiển đội quân chữ nghĩa của mình. Chữ “mê” đang lơ lửng trong không gian; “Chừ hoài niệm”“Tình xưa hẹn ước” nên đọc khe khẽ, hơi lướt qua để câu “len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức” được sóng đôi với câu kết “Chông chênh rơi mất ánh trăng thề”. (Cả 2 câu đều 7 chữ). Chữ “mê” đang thơ thẩn đợi chờ, thấy bóng chữ “thề” ở cuối đường, chạy bay lại như gặp người tình trong mộng. “Mê” “thề” ôm ghì chặt nhau trong niềm hạnh phúc vô biên.
Người đọc nào đọc hết bài thơ mà không lây cái niềm hạnh phúc ấy!

Một đặc điểm nữa của Nghiêng là sự cô đọng. Bài thơ chỉ có 30 chữ, nhưng để “tóm tắt” đại ý của tứ thơ tôi đã phải “gói gọn” trong 45 chữ. Sức nén của ngôn ngữ thơ trong Nghiêng thật đáng nể.
Cảm xúc từ tầng 1 (câu chữ) và tầng 2 (thế trận) - đặc biệt là tầng 2 - khá mạnh. Độc giả thật sảng khoái khi bài thơ – lúc ấy cũng là bản nhạc – đi đến giai kết hoàn toàn (cadence parfaite). Chữ “thề”, có âm vang của chữ “mê” trợ lực, trở về chủ âm hết sức ngọt ngào. Vì bài thơ quá ngắn, có cảm xúc ở tầng 3 nhưng rất nhẹ.

Tóm lại, Nghiêng là bài thơ ngắn, ngắn nhưng hoàn chỉnh. Thi ảnh đẹp, thi pháp mới lạ, Chỉ thế thôi cũng đủ làm thi sĩ nở mày, nở mặt với đứa con tinh thần của mình. Hy vọng La Thụy nhận ra thế mạnh từ thi pháp của Nghiêng để khi có tứ thơ hay, cảm xúc dạt dào sẽ cho ra đời những bài thơ bề thế hơn. Và dĩ nhiên, còn hay hơn nữa.

                                                                             Phạm Đức Nhì

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THỤY, CÁI TÔI TRONG SÁNG TÁC THƠ VĂN - Nguyên Lạc


     
                                Tranh Nguyen Son


     CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THỤY
     CÁI TÔI TRONG SÁNG TÁC THƠ VĂN
                                                                                Nguyên Lạc 

Theo quan niệm riêng tôi về thơ văn, trong con người có hai cái tôi: Cái tôi lý trí và cái tôi cảm xúc:
1. Cái tôi lý trí do lý trí chi phối, mang tính hơn thiệt, đúng sai, được thua vân vân... Trong cái tôi này có chứa cái tôi "teo chim", có nghĩa là cái tôi sợ hãi. Biết rằng mình không thích, biết rằng dối gian... nhưng vẫn phải làm, phải lèo lách... Đây là cái tôi không thực trong thơ văn.
2. Cái tôi cảm xúc: Đây là cái tôi thực sự, cái tôi nhân bản, cái tôi của thương yêu, cái tôi cảm nhận sự thua thiệt, không cần danh tiếng tiền tài ... vân vân và vân vân. Nhà thơ cần cái tôi này
Một bài thơ hay khi nào cái tôi cảm xúc lên làm chủ, đè cái tôi lý trí xuống. Do đó người ta thường nói: Tình yêu thường "mù quáng", nghĩa là lý trí "đi chỗ khác chơi". Thơ mà chỉ có lý trí, chỉ sắp xếp chữ, không có cảm xúc thì thơ chắc không gây một hiệu ứng nào đối với người đọc và chắc sẽ bị mau quên.

*
Tình cờ tôi đọc được một bài thơ tôi rất thích, một bài thơ đầy cảm xúc. Một bài thơ mà "cái tôi cảm xúc, cái tôi đích thực" lên làm chủ, dành quyền “đạo diễn”, đuổi "cái tôi văn hóa / lý trí" vào bóng tối. Bài thơ "Nghiêng" của La Thụy. Một bài thơ ngắn chỉ ba mươi chữ. Đây là bài thơ:

NGHIÊNG

Ai từng chao nghiêng
Chắt lắng hết hương mê
Chừ hoài niệm
Len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức
Tình xưa hẹn ước
Chông chênh rơi mất ánh trăng thề?

                                         La Thụy

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

CHÚC MỪNG NĂM MỚI KỶ HỢI 2019

 Kính chúc quý thi văn hữu, quý thân bằng quyến thuộc 
        năm mới Kỷ Hợi 2019 an khang hạnh phúc !


       

       




Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THUỴ CÙNG TÔI VÀ ÁNH TRĂNG THÁNG CHẠP... - Trần Mai Ngân


 


    BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THUỴ CÙNG TÔI 
    VÀ ÁNH TRĂNG THÁNG CHẠP...

Tháng Chạp con trăng cuối !
Ở trên tầng cao tôi đọc bài thơ NGHIÊNG của nhà thơ LA THUỴ .
Qua khung cửa sổ trước mặt tôi là con trăng trắng toát và rất tròn đầy. Trăng 16 - con trăng cuối của năm.
Tôi nhìn ánh trăng đăm đắm và cảm thấy “chông chênh rơi mất ánh trăng thề” xa xưa... Dường như vậy, một sự trống rỗng và lặng im đến ngạt thở nơi này. Phải vậy không. Không lên tiếng thì chắc là đã quên không còn nhớ nữa!
Không còn nhớ những “chắt lắng...hương mê” nữa. Tất cả đã rơi vào “hoài niệm” rồi sao ?
Tôi tiếc nuối xót xa , buồn đang “Len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức” giờ đã tan theo “mối tình xưa hẹn ước” ...

Con trăng lên cao, xa tôi hơn, ngút nhỏ dần và cô đơn giữa thành phố, nhạt nhoà giữa đèn sáng đêm nay. Chẳng ai nhớ tới trăng ở nơi này...
Đêm thật sâu thật lặng lẽ. Chỉ mình tôi cảm nhận khoảnh khắc cô đơn tuyệt đẹp này.
Bài thơ NGHIÊNG của nhà thơ LA THUỴ chỉ với ba mươi chữ trong một tứ mà đã làm tôi thao thức đêm nay !
Đêm NGHIÊNG cùng tôi và ánh trăng buồn tháng Chạp !

Xin được cảm ơn nhà thơ đã sáng tác.
                                                                                   Trần Mai Ngân


    


NGHIÊNG

Ai từng chao nghiêng
Chắt lắng hết hương mê
Chừ hoài niệm
Len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức
Tình xưa hẹn ước
Chông chênh rơi mất ánh trăng thề ?

                                          La Thuỵ 


* Trích trong tập thơ THƠ ĐỜI NGÂN VỌNG

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH - La Thụy cùng thi hữu


       


NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH

Sáu tư vừa tới : chửa phai xuân
Tàn cuộc chơi rồi mới tỏ phân
Thơ túi rượu bầu bay bướm mãi
Cờ bàn sách kệ thảnh thơi dần
"Trồng người" một thuở đang nhìn quả
"Gieo hạt" bao năm đã chọn nhân
Quá nửa đời a! Còn xanh mộng
"Vô vi" đỡ nhọc đến phàm thân

                                 La Thuỵ

 HỌA:

  CỰC THÂN GIÀ

 Bảy lăm sắp mãn: úa tàn xuân
 Mở ngón lần tay: ấy rõ phân
 Tóc trắng thân gầy đau mỏi mãi
 Da nhăn má hóp rệu long dần
 U mê một thuở đang thành quả
 Uế tục bao thời đã tạo nhân
 Đã hết đời ư ! Tàn cuộc mộng
Đêm nghe chuyển tiết cực già thân

                            05.8.2017
                     Hương Thềm Mây
                (GM.Nguyễn Đình Diệm)


MỘT NÉT SON ĐỜI

Một nét son đời tỏa cánh xuân
Tình yêu sự nghiệp chẳng li phân
Vườn tình hoa mộng luôn tươi sáng
Cảnh vật trang thơ mãi thắm dần
Dạy học thành tâm trao đạo nghĩa
Yêu người quảng đại tỏ hiền nhân
Sáu tư… suối ngọc còn dâng sóng
Vẫn thấy hương trời trải bản thân.

                                     Đức Hạnh

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

NGÔI TRƯỜNG CŨ, ƠI 10A3 - Video clip La Thụy ngâm thơ




NGÔI TRƯỜNG CŨ - ƠI 10A3

Gần bốn mươi năm rồi, phải chăng thế
Ơi, mái tôn vách ván sân trường xưa
Ơi bè bạn ! Thẹn thò ngày mới lớn
Ghế cầm tay thắm dệt đóa hoa mơ

Nguyễn Hoàng (*) ! Thôi vời vợi ngôi trường cũ
Ngăn phên gót vẫn thích hơn tường vữa
Tiếng học ồn ta vẫn thấy véo von
Còn chăng hương má cốm đến thơm giòn ?

Mắt mở lớn lũ học trò thuở ấy
Những Cường, Oanh, Bình, Phú… lộng hồn trai
Chân chập chững vẫn vào đời mạnh bước
Ươm mơ hồng luôn dự phóng tương lai

(Còn măng sữa nhưng tưởng rằng vượt lớn
Bàn sự đời “từng trải” đến ngây ngô !
Thơ vụng dại cho rằng tài xuất chúng
Xô tượng thần đạp ngã những ngai thờ

“Cánh sen vàng”, “cành trúc” thơ ngày cũ
Đám trai non háo hức cố thi tài
Gieo vần họa, tôn xưng làm tam tuyệt
Ơi cuồng kiêu ! Thơ dại hơn loài nai )

Thương thắm thiết lớp 10 xưa cũ đó
Tảng đá buồn rêu phủ tên A3 ?
Thương Non Nước hang sâu cùng dốc núi
Mây bay về ai nhắn kể chuyện ngày qua

(Lan và Thắm còn than chăng chân mỏi
Hường Trúc ơi, vẫn ngọt nước dừa tươi
Trên đỉnh núi nhấm hoài vắt xôi dẻo
Thoáng mắt nhìn Thân có thấy bồi hồi )

Và Phi Hải cát vàng chao sóng vỗ
Ta ngày xưa nồng ấm đẹp hồn mơ
Chưa yêu thương sao lòng hoài rộn rã
Ơi Thuận Thân ! Ơi ngày tháng xa đưa !

Trường học cũ giờ tan thành cát trắng
Thầy cô xưa mù biệt với ngàn khơi
Thời “tản cư” chập chờn vương hư ảnh
Khói sương mờ hay kỷ niệm lên hơi

Thoáng kỷ niệm về bơi trong đáy mắt
Ta trầm ngâm hoài tưởng cả trời xưa
Nghe vang vọng dư âm bao tình mất
Thoảng bay cao diệu vợi những giai thừa

                                               LA THỤY

(*) Mùa hè đỏ lửa 1972, theo chân người tản cư Quảng Trị, trường Nguyễn Hoàng dời vào trại 5 Non Nước, Hòa Long, Hòa Vang, Đà Nẵng (gần Ngũ Hành Sơn – tức núi Non Nước). Cơ sở vật chất của trường thiếu thốn trăm bề, học sinh phải xách ghế đi học

      

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

TÂY TIẾN - Video clip La Thụy ngâm thơ Quang Dũng




    

TÂY TIẾN

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Ai đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi !
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi


Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

                     QUANG DŨNG
              (Phù Lưu Chanh, 1948)

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

CẢM ĐỀ SƠN NỮ - Video clip ngâm thơ La Thụy


   


CẢM ĐỀ SƠN NỮ
(Truyện ngắn của Lương Minh Vũ)

Ngày tháng lặng buồn tênh vòng cơm áo
Ta chồn chân mỏi gối với đời mòn
Thu mình lại ẩn thân vào ốc đảo
Chút khẽ khàng liệm kín khối tình son.

Tóc đà bạc sao lòng còn hoài vọng
Một đời ta luôn dõi mắt tìm trông
Em hồn hậu trong ta thành vang bóng
Mắt môi xưa đọng ngấn ngát hương lòng.

Rồi lãng đãng gần xa, huyền dáng mộng
Nét thơ trinh vằng vặc ánh trăng ngần
Em thoáng hiện cho thơ đời ngân vọng
Ta ngậm ngùi nhìn lại - Đã tàn xuân.

                                           La Thụy

                             
        

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

HÒN CHỒNG... - Thơ La Thụy


    
      Quần thể Hòn Chồng, Hòn Vợ ở biển Nha Trang


HÒN CHỒNG...
(Tặng Võ Văn Nhơn)

Dải cát vàng óng ả
Trải dài bên biển cả
Bâng khuâng ngắm Hòn Chồng…

Hòn Chồng
Đá chồng lên đá
Dấu tay hằn sâu từng thớ
Chứng tích nghìn năm
Tình chồng nghĩa vợ
Gắn bó keo sơn
Mặc cho sóng dập gió vùi
Xác thân phàm, chìm sâu biển thẳm
Đến chết không lìa xa

Tình mãi thăng hoa
Hóa thân thành tượng đá
Anh, Hòn Chồng
Em, Hòn Vợ
Sừng sững giữa trời cao biển rộng
Nghìn năm tình chồng vợ vẫn sắt son

                                             La Thụy

        Bàn tay người chồng bấu trên vách đá còn lưu dấu

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

LAN MAN VỀ CÁC NHÀ THƠ HUY CẬN, XUÂN DIỆU, VƯƠNG BỘT... CÙNG CÁNH CÒ HAY CÁNH VỊT TRỜI - La Thụy


   

      LAN MAN VỀ CÁC NHÀ THƠ HUY CẬN, XUÂN DIỆU, 
      VƯƠNG BỘT... CÙNG CÁNH CÒ HAY CÁNH VỊT TRỜI

Rảnh, mình đọc bài Tràng Giang - thơ Huy Cận, lòng man mác cùng mây trời, hoàng hôn và chim chiều nghiêng cánh

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
                                              (Huy Cận)

Bất chợt liên tưởng mấy câu trong bài "Thơ Duyên" của Xuân Diệu

Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
                                 (Xuân Diệu)

Rồi lan man với lời bình thơ của Hoài Thanh:

“Từ cánh cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự cách biệt hơn một ngàn năm và hai thế giới”  (Thi nhân Việt Nam)

“Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc”
                                     (Vương Bột)


Ai đó đã dịch thành:

 (Chiếc cò cùng với ráng sa
 Sông thu cùng với trời xa một màu)

Và cứ thế lan man đến Đằng Vương Các Tự của Vương Bột. Ôi chao, cái ông thi sĩ thời Sơ Đường này, ông đã lưu dấu ấn lại trong truyện Kiều của Nguyễn Du qua một câu thơ điển tích thật hay:

“Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa”
                                         (Kiều)

Và trong một câu thơ điển tích khác cũng thật hay của Tô Đông Pha:

Thời lai phong tống Đằng Vương Các

Hai câu thơ điển tích của hai nhà thơ lớn ấy bắt nguồn từ giai thoại:
"Con của vua Cao Tông nhà Đường bấy giờ làm Thái Sử ở Hàng Châu, được phong là Đằng Vương, có dựng một cái gác bên sông Tầm Dương gọi là Đằng Vương Các. Lúc Diêm Bá Dư ra giữ chức Đô Đốc Hàng Châu, đặt tiệc tại gác Đằng Vương để thết tân khách. Muốn khoe tài chàng rể, bảo làm trước một bài tự, rồi mời tất cả các nhà quyền quý, các mặc khách tao nhân xa gần đến dự; và yêu cầu mỗi người làm một bài tự ngay bữa tiệc.
Vương Bột lúc bấy giờ, tuổi vừa 15, 16. Hay tin ấy, nhưng vì đường xá xa xôi có mấy trăm dặm, không đến họp được, lấy làm tiếc. Một ông già khuyên chàng cứ sửa soạn thuyền buồm, tự nhiên sẽ có gió thổi. Quả nhiên đêm đó có gió lớn. Vương cho thuyền khởi hành, và hôm sau tới Đằng Vương các vừa kịp lúc vào tiệc. Và một cuộc thi tài văn học xảy ra, bài Đằng Vương Các Tự đã xuất sắc đoạt giải”

           

Bài tự "Đằng Vương Các" viết theo thể biền ngẫu, dùng nhiều chữ cầu kỳ, nhiều điển khó hiểu nhưng lời thì khá đẹp mà rất khó dịch. Trong bài, Vương Bột nhắc qua địa lý và nhân vật ở quận, nơi xây gác Đằng Vương, rồi tả chủ khách trong tiệc, phong cảnh chung quanh khi ngồi trong gác trông ra, sau cùng kể cảm tưởng của chính mình.

Cuối bài, có 8 câu tuyệt diệu, nhất là 4 câu cuối:

        Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
        Vật hoán tinh di, không độ thu?
        Các trung đế tử kim hà tại?
        Hạm ngoại trường giang không tự lưu.

    Nghĩa:

       Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi,
       Mấy phen vật đổi với sao dời.
       Đằng Vương thuở trước giờ đâu tá?
       Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài.
                            (Tương Như dịch)

Trong văn nghiệp sáng rực của một cuộc đời ngắn ngủi, tác phẩm làm cho tên tuổi Vương Bột trở nên bất tử lại chỉ là hai câu thơ tả cảnh tuyệt bút, cùng một đoạn thơ tám câu ở cuối bài Đằng Vương Các Tự. Hai câu thơ tả cảnh tuyệt tác đó là:

“Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc”

Hai câu thơ tuyệt bút ấy lại bị người đời sau cho là thừa chữ "dữ", "cộng" ("dữ, cộng" cùng nghĩa “với”,“cùng”).  Nếu bỏ hai chữ này thì càng tuyệt hơn, vừa gọn vừa thanh thoát, lại nhất khí:

 Lạc hà cô vụ tề phi,
 Thu thủy trường thiên nhất sắc.

Lạc hà là ráng chiều buông xuống, cô vụ tề phi là con vịt trời cô đơn đang cùng bay. Thu thuỷ là sông nước mùa thu, trường thiên nhất sắc là trời rộng mênh mông, chỉ có một màu.
Con vịt trời cô đơn này không lẽ cũng là chú Uyên Ương gãy cánh của Kahlil Gibran đang trải mối sầu lẻ bóng vào ráng chiều ?
VỤ (鶩) trong từ  Hán Việt là con vịt trời (dã áp  野 鴨). Khổ một nỗi, các dịch giả Việt Nam đã chuyển ngữ “cô vụ” là “Chiếc cò, cánh cò cô lẻ” nên gây nhầm lẫn trong trí nhớ của một số người, khi họ đọc câu thơ Hán Việt theo hồi ức, thành “Lạc hà dữ cô LỘ tề phi”. Vì LỘ  là con cò (Lộ diệc vũ trùng trung chi nhất - Thơ Nguyễn Công Trứ).

Đằng Vương Các Tự là bài giới thiệu về Gác Đằng Vương, còn được gọi tắt là bài Đằng Vương Các.

Gọi như vậy để phân biệt với “bài thơ Đằng Vương Các”. Cái gọi là “bài thơ” Đằng Vương Các, thật ra chỉ là đoạn thơ cuối cùng trong bài Đằng Vương Các Tự. Tuy chỉ là một đoạn thơ, một bộ phận trong bài Đằng Vương Các Tự, nhưng 8 câu thơ cuối thật hay. Nếu tách riêng ra thì 8 câu thơ này là một bài thơ hoàn chỉnh. Vì vậy, nó được nhiều văn nhân thi sĩ tán dương và ngâm ngợi. Tám câu thơ cuối bài còn được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và trở nên “bài thơ Đằng Vương Các” và cụm từ vật hoán tinh di ” (vật đổi sao dời) được sử sụng như thành ngữ. Mời thưởng thức!

ĐẰNG VƯƠNG CÁC

Đằng Vương cao các lâm giang chử
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Họa đống triêu phi Nam phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây Sơn vũ.

Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại ?
Hạm ngoại Trường giang không tự lưu.

 DỊCH:

Gác Đằng cao ngất bãi sông thu,
Ngọc múa vàng gieo nay thấy đâu ?
Nam Phố mây mai quanh nóc vẽ,
Tây Sơn mưa tối, cuốn rèm châu

Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi,
Mấy phen vật đổi với sao dời.
Con vua thuở trước giờ đâu tá ?
Sông lớn hoài hiên luống chảy hoài.

                        TƯƠNG NHƯ dịch

Lan man rồi lại lan man, nhưng cũng đến lúc hết lan man…

                                                                             La Thụy

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

CHUYỆN TA CHUYỆN MÌNH - Video clip La Thụy ngâm thơ Chu Vương Miện


          
 
                    Thơ: Chu Vương Miện.
                    Giọng ngâm: La Thụy
                    Video clip: Phú Đoàn





CHUYỆN TA CHUYỆN MÌNH

vô tội thì lội xuống sông
hữu tội đứng chán chổng mông mà gào
trong thơ hoa mận hoa đào
trong đời chó cắn mèo cào sứt da
chuyện đàn ông chuyện đàn bà
chuyện người chuyện ngợm chuyện ta chuyện mình
chuyện người trố mắt làm thinh
chuyện ngợm thì nhảy lên rừng mà coi
chuyện ta ôi chán mớ đời
chuyện mình váy ngắn váy dài váy ơi

                             Chu Vương Miện