BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn BÌNH THƠ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn BÌNH THƠ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

CHUYỆN NHỚ THƠ NHẬN NGƯỜI - Châu Thạch


         
           Nhà bình thơ Châu Thạch 

      CHUYỆN NHỚ THƠ NHẬN NGƯỜI
                                                 Châu Thạch

Đây là câu chuyện có thật, hai người trong cuộc vẫn còn sống sờ sờ, họ còn làm thơ và còn có dịp say bí tỉ cùng nhau.
Chuyện là cách đây gần 50 nắm, có hai chàng thanh niên sống ở miền Nam đất Việt. Họ có học và đến tuổi nên bị động viên đi lính, vào trường võ bị sĩ quan Thủ Đức. Trong thời gian là sinh viên sĩ quan, họ không biết nhau. Trải qua chín tháng quân trường gian khổ, hai người ra bãi tập, đi giây tử thần, chạy đoạn đường chiến binh. Nói chung họ làm cái việc theo khẩu hiệu lúc bấy giờ là “Thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu”. Sau đó họ ra trường mang quân hàm Chuẩn Úy.  Cả hai tân sĩ quan được binh chủng Pháo Binh tuyển dụng. Họ được đưa qua quân trường pháo binh Dục Mỹ, Nha Trang để tiếp tục tôi luyện tay nghề bắn súng loại nặng. Tại đây, họ ở chung  cùng một trung đội. Một hôm, trong giờ nghĩ giải lao, chàng sĩ quan có máu làm thơ nầy nổi hứng, ứng khẩu đọc to một bài thơ sáng tác đột xuất cho các bạn mình nghe. Bài thơ đó, tuy chỉ nghe một lần nhưng lại nhập tâm trong lòng, nằm mãi trong ký ức của một chàng sĩ quan có máu làm thơ khác.

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

NGẪM CHIỀU - BÀI THƠ ĐỘC ĐÁO CỦA BÙI CỬU TRƯỜNG / Đặng Xuân Xuyến


   

    NGẪM CHIỀU - 
    BÀI THƠ ĐỘC ĐÁO CỦA BÙI CỬU TRƯỜNG

    Ngẫm Chiều là bài thơ của nhà thơ, bác sĩ Bùi Cửu Trường, được sáng tác vào ngày 02 tháng 03 năm 2018 nhưng mãi tận chiều qua, 16 tháng 06 năm 2018 tôi mới có cơ duyên được đọc Ngẫm Chiều trên trang facebook của bà.
Ngay từ những câu đầu của khổ đầu bài thơ, Ngẫm Chiều đã gây ấn tượng đặc biệt với người đọc qua những chấm phá khá độc đáo:

“tơ nhện thả mành
nà nuột
mưa rớt giọt
lộp độp hè cánh đỏ phượng rơi.”

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

PHIẾM ĐÀM : THỦ THUẬT "NÓI NGƯỢC" TRONG THƠ- Nguyễn Khôi


                
                          Nhà thơ Nguyễn Khôi
          
  PHIẾM ĐÀM : THỦ THUẬT "NÓI NGƯỢC" TRONG THƠ
              (Tặng Bạn thơ Châu Thạch - Đà Nẵng)

Xuất phát từ "tiếng Trung / Hán ngữ", người Hoa họ nói ngược: từ cái nhìn thấy đầu tiên để tạo ra chữ "tượng hình"... Ví dụ : nhìn ra bãi đất vàng "hoàng thổ" thấy một con vật to (ngưu) đấy là con Bò (Hoàng Ngưu), trông xuống ao hồ (thủy) thấy một con vật to (ngưu) đấy là con trâu (Thủy Ngưu). Tiếng Hoa nói mục đích trước rồi mới hành động : "Ngã đáo Đồ Thư Quán khứ" - Tôi (vì) đến Thư Viện (nên mới) đi... Vì thế Thơ cổ Trung Hoa (Đường thi) thường diễn tả (nói) ngược so với cách diễn tả (nói) xuôi của tiếng Việt ta :

Đình xa tọa ái Phong lâm vãn
Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa
( Dừng xe chiều ngắm rừng Phong thẳm
Lá đỏ hơn hoa giữa tháng hai )
               Sơn hành - Đỗ Mục

Bạch vân thiên tải không du du
(Mây trắng nghìn thu lởn vởn hoài)
         Hoàng Hạc lâu - Thôi Hiệu

Cái độc đáo của Thơ cổ Trung Hoa (Đường thi) là "ý tại ngôn ngoại"- ý ngoài lời, đã được ông cha ta vận dụng khá tuyệt vời vào Thơ Việt ( một cách "nói ngược" cũng dễ gây nhầm lẫn với người không sành Thơ )
Ví dụ một câu Kiều :
"Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu"

Đúng ra phải là : đêm đêm Nguyên tiêu, ngày ngày Hàn thực... nhưng đó là nói xuôi, ở đây Tố Như tiên sinh nói ngược là có ý : ngày đêm nào cũng được vui như những ngày ấy.
Cách viết "Văn ngược" này được các Thi sĩ Thơ mới tiếp thu cộng thêm với tính Tượng trưng của thơ Pháp đã đưa hình tượng Thơ Việt hiện đại lên đỉnh cao, gây ấn tượng mạnh mẽ :

*Ô ! hay buồn vương cây Ngô đồng
Vàng rơi ! vàng rơi ! thu mênh mông
                                        Bích Khê
*Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
                    Tràng giang - Huy Cận
*Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả ?
Trơ vơ buồn và không biết kêu ai
                              Hàn Mạc Tử
* Gươm thiêng lấp lánh bên lưng nhẹ
Ngựa hí vang lừng trận gió may
                                 Thái Can
*Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
                          Quang Dũng
* Cái đêm hè ấy ai ra tắm
Để cả bầu trời phải tắt trăng
*"Thác dải yếm" cởi tung hàng Cúc bướm
Thỏa đằm mình tắm suối với Người yêu
                                        Nguyễn Khôi

Chao ôi, khả năng mạnh nhất của Thơ là khả năng biểu cảm. Một câu Thơ hay thường phải đạt 4 yếu tố là "ý mới, tứ lạ, hình tượng Thơ sống động, ngôn ngữ Thơ tinh luyện ,nhạc điệu Thơ truyền cảm, có tính đột ngột tạo được ấn tượng mạnh mẽ.". Nghệ thuật chỉ làm nên bài Thơ, còn Trái tim mới thành Thi sĩ "...
Thơ là Thơ là thế ? !

                                                          Hà Nội 17-6-2018
                                            Đêm xem World Cup - Nguyễn Khôi

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

TÌNH XƯA, NHỚ - Thơ Tịnh Đàm


         
                   Nhà thơ Tịnh Đàm


TÌNH XƯA

Tôi về,
Chiếc bóng cùng đêm.
Chân quen bước chậm...
Nghe mềm lối trăng.
Tình xưa,
Người biết cho chăng ?
Trải bao tan hợp...
Cầm bằng như không !


NHỚ
(Gởi H.để nhớ miền sông nước)

Trà suông,
Một chén tôi dùng
Chén không tay rót...
Vui cùng bạn xưa.
Giờ này,
Bạn đã về chưa ?
Bến sông,
Đã rộn người đưa ...
Sang bờ !

TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn, TP. HCM)

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2018

BÀN VỀ CÂU THƠ “ĐÊM ĐÊM HÀN THỰC, NGÀY NGÀY NGUYÊN TIÊU” - Châu Thạch


              
                 Nhà bình thơ Châu Thạch


    BÀN VỀ CÂU THƠ
    “ĐÊM ĐÊM HÀN THỰC, NGÀY NGÀY NGUYÊN TIÊU
                                                                           Châu Thạch

Gần đây học giả  Lại Quảng Nam có viết một bài đề cập đến câu thơ “Đêm đêm Hàn Thực ngày ngày Nguyên Tiêu” của Nguyễn Du. Trong bài viết nầy học giả Lại Quảng Nam có nhắc lại những điều tôi xin tóm tắt gọn lại sau:
Ông Vân Hạc Lê văn Hòe (1953) với quyển Truyện Kiều Chú-Giải rất nổi tiếng trong văn giới và trong giới giáo dục. Ông dừng rất lâu lại tại câu Kiều thứ 942 này, với ưu tư là tại sao Nguyễn Du lại viết "Đêm đêm Hàn Thực, ngày ngày Nguyên Tiêu", mà lại không viết "ngày ngày Hàn thực, đêm đêm Nguyên tiêu". Cụ Lê Văn Hoè viết "Lý ra phải viết như thế này thì mới đúng:"Đêm đêm Nguyên tiêu, ngày ngày Hàn thực", bởi tất cả lễ lạc đông người dành cho quần chúng do triều đình Tàu sắp đặt đều xảy ra, ban ngày cho Hàn Thực, ban đêm cho ngày Nguyên Tiêu. Cụ Lê văn Hòe nhận định thêm: "Có lẽ vì nhu cầu vần thơ"

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

HAI CÂU CA DAO VỀ MẸ - Nguyên Lạc


        
                       Tác giả Nguyên Lạc

            HAI CÂU CA DAO VỀ MẸ                         
                                        Nguyên Lạc

Ngày dành cho Mẹ - Mother's Day - tình cờ tôi gặp hai câu ca dao trên web

    Mẹ già như chuối chín cây
   Gió lay mẹ rụng, con rày mồ côi

Thật ra thì hai câu này được rút gọn từ bài ca dao dân gian về mẹ sau đây:

   Mẹ già như chuối ba hương
   Như xôi nếp mật, như đường mía lau
   Đường mía lau càng lâu càng ngát
   Cơm nếp mật ngào ngạt hương say
   Ba hương lây lất tháng ngày
   Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi
   Mẹ già như áng mây trôi
   Như sương trên cỏ, như lời hát ru
   Lời hát ru vi vu trong gió
  Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan
   Mây trôi lãng đãng trên ngàn
   Gió đưa tan, hợp, hợp, tan, nao lòng.
                                (Ca dao dân gian)

Theo tôi, chỉ hai câu ca dao rút gọn tuyệt vời trên đã đủ làm người xao xuyến nhói lòng, nhiều thêm khó nhớ. Chỉ cần đọc hai câu giản dị này bao nhiêu cảm xúc về mẹ cũng đã dâng trào
Với niềm trân trọng tình mẹ, tôi xin  phép viết lại theo dòng cảm xúc tôi

   Mẹ già như chuối chín cây
   Gió ơi đừng động khiến tôi điếng hồn!
                                          (Nguyên Lạc)

Sẵn dịp tôi xin được BÌNH hai câu ca dao tuyệt vời trên và giải thích vài hàng về câu thơ cảm xúc của tôi

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

THI HÀO DÂN TỘC NGUYỄN KHUYẾN TRONG MẮT NHÀ THƠ CHU VƯƠNG MIỆN - NGUYỄN BÀNG


              

MẤY CẢM NHẬN NHÂN ĐỌC CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỂ TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ

Từ trước tới nay, trên thế giới và ở nước ta đã có rất nhiều người viết chân dung văn học, viết về một nhà văn nhà thơ nào đó, có người đang còn sống và có cả người đã mất. Với người đang còn sống, đó là những bài viết có tính cách thông tin, giới thiệu hoặc một phỏng vấn, trò chuyện với họ. Với nhà văn nhà thơ đã mất, đó có thể là những bài viết về tiểu sử và văn nghiệp và cũng có thể là những cuộc phỏng vấn trò chuyện giả tưởng. Nhờ những bức tranh ngôn từ ấy mà người đọc hiểu về con người và giá trị văn thơ của các tác giả được nói tới.
Những bức tranh chân dung ấy có thể là một bài báo, một áng văn xuôi, một bài thơ hay chỉ là một vài câu thơ phác hoạ một nhà văn nhà thơ với hình dáng và văn nghiệp đồng thời cũng làm bật lên tính cách riêng của tác giả ấy, qua đó thể hiện tình cảm và cách đánh giá nhà văn nhà thơ của người viết.

           

                  Tác giả Nguyễn Bàng

Gần đây, những người yêu văn chương thấy xuất hiện trên mạng qua những trang blog được đông đảo người đọc mến mộ như Chu Vương Miện, Hải ngoại phiếm đàm, Trang Đặng Xuân Xuyến, Văn Nghệ Quảng Trị những chùm thơ viết về các thi hào Việt Nam của Chu Vương Miện, cũng là cách viết chân dung nhưng hoàn toàn khác lạ cách viết của nhiều người đi trước từ Lê Ta (Thế Lữ). Tứ Linh (Hoàng Đạo), Tú Mỡ thời Tự Lực Văn đoàn đến ông đồ tân thời Xuân Sách hồi thập kỷ 60 của thế kỷ trước và gần đây nhất Nguyễn Khôi, Đức Hoàng.
Nó khác lạ là ở chỗ nó là một chùm thơ từ dăm ba bài đến cả chục bài không chỉ dừng lại ở chỗ phác hoạ vài nét đặc sắc về tác giả và tác phẩm mà đọc xong cả chùm ta thấy hiện lên những đoạn đường đời đặc trưng nhất của tác gia ấy trong bối cảnh xã hội của thời ấy và thông qua đó, người viết là Chu Vương Miện bầy tỏ những cảm xúc cùng những liên tưởng của mình về một kiếp người, một thời cuộc.

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

ĐỌC “NHẤP SÓNG HOÀNG HÔN” THƠ CA DAO - Châu Thạch


          
         Nhà bình thơ Châu Thạch


       ĐỌC “NHẤP SÓNG HOÀNG HÔN” THƠ CA DAO

 Chỉ cần đọc cái đầu đề bài thơ đã cho ta một sự thú vị rồi: “Nhấp sóng hoàng hôn”. Ta hãy nghe một vài câu thơ có chữ “nhấp”:

   “Khướt mềm cũng bởi nhấp cùng ai
   Tri kỷ ngày đêm cạn chén hoài”
       (Rượu cùng Em- Hải Rừng)

  “Một sáng nhấp môi mấy tách trà
  Hương thơm thoáng thoảng quyện bay xa”
                         (Trà Trần Bảo Kim Thư)

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

ĐỌC THƠ ÁI KHANH - Châu Thạch


        
                       Nhà thơ Ái Khanh

            ĐỌC THƠ ÁI KHANH
                                Châu Thạch

Nhà thơ Ái Khanh, tên trên facebook Nguyễn Hương và có lẽ cũng là tên thật của tác giả, một thi hữu tôi kết bạn đã lâu trên mạng nhưng chỉ mới được đọc thơ lần đầu tiên sau ngày hội ngộ tại chùa Pháp Bảo Hội An. Thật ra tôi là con dế gáy dưới cỏ nên tầm nhìn hạn hẹp, vì thế khó mà thấy hết được vô số bông hoa rạng rỡ quanh mình. Về nhà đọc thơ chị, tôi như đi lạc vào một vườn thơ rất đẹp, ở đó có những đóa Đường thi thanh nhã, những hoa thơ mới, thơ lục bát chứa đựng màu sắc rất dễ nhìn với hương thơm vị lạ ngọt ngào.
Đầu tiên ta hãy nói về Đường thi của Ái Khanh. Hình như nhà thơ Ái Khanh chuyên về Đường thi, chị sáng tác rất nhiều đề tài . Với tôi thơ Đường của Ái Khanh được xếp vào vị thứ thượng thừa. Xin đơn cử một vài bài tiêu biểu để thấy cái chất “đường” trong thơ tác giả:

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

CHIA TAY ĐẦU TRĂNG MẬT - Thơ Minh Huệ, Nguyễn Khôi sưu tầm và giới thiệu


     
             Nhà thơ Minh Huệ

Nhớ một bài thơ của Minh Huệ:

CHIA TAY ĐẦU TRĂNG MẬT

Lời thưa : Nhà thơ Minh Huệ (1927- 2003), tên thật là Nguyễn Đức Thái, sinh ở Bến Thủy/ Tp Vinh / Nghệ An. Ông nổi tiếng  với bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" (1951).
Tuy vậy hồi 1953, Nguyễn Khôi tôi (15 tuổi) đang học lớp 6 Trường cấp 2 huyện Phổ Yên/ Thái Nguyên - Chiến khu Việt Bắc, được Thầy giáo cho chép 2 bài thơ của Nhà thơ Minh Huệ:
- Bài "Đêm nay Bác không ngủ" để học làm bài Giảng Văn  (thời ấy chưa có sách Giáo khoa, tất cả là chép tay, học thuộc lòng...)
- Bài "Chia tay đầu Trăng mật", bài này Thầy cho chép để các Trò yêu Thơ "biết Thơ Minh Huệ thực hay đến chừng nào ? Bài này ĐẸP nhất là câu "Óng ánh tóc buông 19 tuổi"... Còn bài thơ "bị cấm" là vì anh Bội đội vào Chiến dịch Thu đông 1953 quyết thắng mà lại viết "Anh bàng hoàng lên hỏa tuyến Thu Đông" là làm nhụt chí khí chiến đấu ! Câu "Chiến tranh. Nghe mới nặng nề sao !" là "Tư tưởng cầu an - Hòa Bình chủ nghĩa "... ảnh hưởng Xét lại Liên Xô / TBT. Chủ tịch Nikita Khơ rút sốp "Chiến tranh là mất hết !"
 Bài thơ chép tay đến nay đã 65 năm, nhiều đêm Nguyễn Khôi tôi nằm thao thức nhẩm đọc cảm nhận: có lẽ sau Tây Tiến / Quang Dũng, Màu tím hoa Sim / Hữu Loan (đều bị cấm) thì bài thơ "Chia tay đầu Trăng mật/ Minh Huệ" là rất đáng đọc... Nguyễn Khôi xin chép lại để các Bạn thơ cùng thưởng thức:

                                            Hà Nội 12-3-2018 - Nguyễn Khôi

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

TÂM SỰ NGƯỜI Ở LẠI TRONG THƠ LÊ ĐÌNH HẠNH VÀ THẾ LỘC - Châu Thạch


           
           Nhà bình thơ Châu Thạch
 
         TÂM SỰ NGƯỜI Ở LẠI 
         TRONG THƠ LÊ ĐÌNH HẠNH VÀ THẾ LỘC
                                                                      Châu Thạch

Sau cuộc chiến dài 20 năm gây ra biết bao nhiêu tang tóc cho đất nước Việt Nam. Đến tháng 4 năm 1975, phe miền Nam thua, phe miền Bắc thắng. Những chiến binh của quân đội miền Nam, lính thì cải tạo ngắn ngày rồi trở lại đời thường sinh sống, quan thì từ giả vợ con lên núi cao cải tạo nhưng thực chất thì mang một kiếp sống tù binh, lao động khổ sai phá rừng để trồng trọt, đốn cây lấy gỗ trong điều kiện khó khăn, đói khổ. Có kẻ vài năm, có kẻ trên mười năm lao dịch khổ sai. Thế rồi đến một ngày họ được “phóng thích”  được trở về với gia đình. Một số trong họ khi trở về, đã theo chân những đoàn người vượt biên, vượt biển đào tẩu vượt thoát  rời bỏquê hương và may mắn được đặt chân đến đất người. Một số khác, hạnh phúc hơn, được sự thỏa thuân của hai phía cho họ rời bỏ quê hương hợp pháp, tái định cư ở nhiều miền  khác nhau bên trời Âu Mỹ. Xấu số hơn là những người ở lại, họ có cảm tưởng mình như những con chim ở trong lồng, dầu đó là lồng son.  Những con chim đó còn bị mang trên cổ mình chiếc vòng rất nặng, đó là cái  lý lịch ba đời: đời họ, đời con họ và đời cháu họ. Họ mừng cho bạn  được ra đi, như con chim tung cánh bay về miền đất hứa mà nó yêu thích, nhưng tất nhiên trong lòng  cũng có một nỗi buồn trĩu nặng. Họ cảm thấy xót xa bởi nhận thấy sự bất công làm đè nặng tâm hồn. Cùng một hòan cảnh, cùng một kiếp nạn mà người thì được ưu tiên, người thì bị bạc đãi. Lê Đình Hạnh và Thế Lộc là hai sĩ quan trong quân đội miền Nam bị ở lại. Họ là thi nhân. Họ có những bài thơ chất chứa tâm sự mà đọc nó, ta hiểu được phần nào những gì xảy ra trong lòng họ. Trước hết hãy đọc bài thơ “Vòng Đời” của Lê Đình Hạnh:

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

CÒN ĐƯỢC CHÚT TÌNH, KHÔNG ĐỀ - Thơ Tịnh Đàm


      
            Nhà thơ Tịnh Đàm


     CÒN ĐƯỢC CHÚT TÌNH

     Ngõ hồn tôi
     Mãi trâm tư
     Bao nhiêu ước vọng
     Đã như... sương mù !
     Lặng nghe
     Đời khát lời ru
     Bông hoa nào
     Rụng
     Nẻo phù vân... xưa ?
     Sầu đong
     Biết mấy cho vừa
     Một tôi
     Tung tẩy...
     Nắng mưa phận mình !
     Cũng may
     Còn được chút tình
     Về thương lại
     Kiếp nhân sinh...
     Vơi đầy.

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

ĐỌC “TRÊN BỤC GIẢNG NGÀY NÀO” THƠ LÃNG UYỄN CHÂU - Châu Thạch


                 
                Nhà bình thơ Châu Thạch


                  ĐỌC “TRÊN BỤC GIẢNG NGÀY NÀO” 
                                          THƠ LÃNG UYỄN CHÂU 
                                                                    Châu Thạch


Hôm nay là một ngày hạnh phúc với tôi. Buổi sáng đọc được bài thơ “Người lính già chống gậy đón xuân” của Dư Mỹ. Cảm động viết ngay lời bình. Buổi trưa nằm trên giường chơi facebook qua chiếc điện thoại. Vừa lim dim muốn ngủ thì chợt tỉnh ngay bởi bài thơ “Trên bục giảng ngày nào” của Lãng Uyển Châu. Bài thơ lạ ở chổ nói về nhà giáo mà chẳng thấy gì là mô phạm, nghĩa là nó không chịu cái chuẩn mực của những bài thơ viết về nhà giáo. Tất nhiên tác giả cũng phải dùng những cụm từ như bục giảng, phấn trắng, sân trường để nói đến quãng đời dạy học. Tuy nhiên những cụm từ đó được đặt trong một lồng kính lạ của những tứ thơ rất mới, thoát cái xác khô cứng đạo mạo của vị thầy và hóa hình họ vào trong những vẻ đẹp thắm tươi đầy thơ mộng và đầy sinh lực. Bài thơ chỉ có ba khổ thơ, khổ thơ đầu đưa ta bước vào một mùa khai giảng:

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

SUY NGHĨ VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG THƠ (THẨM THƠ CÁNH ĐỒNG -NGUYỄN ĐỨC TÙNG) - Nguyên Lạc



              Tác giả Nguyên Lạc

 Phần I  
SUY NGHĨ VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG THƠ
                            
Xin được sơ lược về quan niệm thơ và những điều cần thiết cho sự thẩm nghiệm (BÌNH) thơ của riêng tôi.

THƠ LÀ GÌ?

Ngài Bùi Giáng đã nói đại để như sau:
"Con cá thì ta biết nó lội, con chim thì ta biết nó bay, nhưng thơ là gì thì đó là điều mà ta không biết được" 
Ngài nói chơi chứ biết quá đi thôi. Tính ngài ưa giỡn nên "lửng lơ con cá vàng" như vậy!
Thôi tui đành nhờ ông Nguyễn Hưng Quốc vậy:
"Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm. Thơ là tiếng nói một người nhân danh tất cả mọi người trong hoàn cảnh ấy, số phận ấy."
Và ông giải thích thêm:
[ Đó là sự đồng cảm giữa con người với nhau nói chung. Đó là mối "tương liên" giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa thế kỷ này với thế kỷ khác. Đó là những giọt nước mắt con người ứa ra qua những "tam bách dư niên hậu". Lại nhớ đến Nguyễn Du.
 Nguyễn Du viết về Đỗ Phủ:

Dị đại tương liên không sái lệ
(Khác thời đại thương nhau ứa nước mắt)

Đỗ Phủ sinh năm 712 và mất năm 770 ở Trung Hoa. Nguyễn Du sinh năm 1766 và mất năm 1820 ở Việt Nam. Tính theo năm sinh, Nguyễn Du ra đời muộn hơn Đỗ Phủ 1.054 năm. Thế nhưng hai người gần nhau biết mấy. Đêm đêm hồn Nguyễn Du vẫn nằm mộng trong những vần thơ Đỗ Phủ (Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi). Bao nhiêu khoảng cách bỗng bị xoá nhoà. "Cách hàng ngàn năm gặp gỡ, tâm sự vẫn giống nhau"(Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi).

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

ĐỌC “KHOẢNH KHẮC ĐỜI TÔI” TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA VĂN THANH - Châu Thạch


          


              ĐỌC “KHOẢNH KHẮC ĐỜI TÔI” 
              TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT CỦA VĂN THANH
                                                                        Châu Thạch

 Nhà thơ Văn Thanh tên thật là Trương văn Thanh nên ông còn có bút danh là Văn Thanh Trương và trên dòng facebook của ông cũng lấy tên ấy.
Văn Thanh ở độ tuổi trên thất thập cổ lại hy hơn mười niên nhưng còn rất đa tài và minh mẩn. Ông thường tạo dựng những tập video  thơ nhạc đầy màu sắc và âm thanh tuyệt vời, gây nhiều ấn tượng cho người thưởng thức. Một lần đi cùng nhà thơ Kha Tiệm Ly về Tây Ninh để thăm Ban Biên Tập trang web datddung.com, nhà thơ Kha Tiệm Ly đã nói thẳng với Châu Thạch: “Thơ Đường Luật của anh còn thua thơ anh Hai nhiều lắm”. Anh Hai tức là nhà thơ Văn Thanh. Tôi không cảm thấy giận dỗi gì mà còn vui vì sự thật là như vậy. Văn Thanh chuyên sáng tác thơ Đường  Luật nhưng ít đăng trên diễn đàn mạng mà chỉ giao lưu chủ yếu với thi hữu trong  nhóm thơ “Hoàng Gia”. Cái tên “Hoàng Gia” của nhóm chi là để dí dỏm nói ngược chữ “Già Hoang”.Tuy thế các thi hữu của nhóm thơ nầy quả thật là những cột trụ Đường Luật  và là những cây bút tài hoa của thể thơ khác. Nam thì có những cây bút như Võ Làng Trâm, Võ Sĩ Quý , Lê Hoàng, Độc Hành, Từ đức Khoát..vv, nữ thì có Sông Thu, Hoài Hương Xưa, Thy Lệ Trang, Như Thu, Ca Dao Như Thu, Lê Liên..vv.Thi hữu của nhóm nầy ở khắp quả địa cầu và kiến kỳ thanh nhau nhiều hơn kiến kỳ hình. Tuy vậy họ rất gắn bó yêu thương nhau vì chung một dòng máu thi ca. Bây giờ nói đến thơ Đường Luật của Văn Thanh
Nhà thơ Văn Thanh vừa cho ra đời tập thơ “Khoảnh Khắc Đời Tôi”. Đời tôi mà là một khoảng khắc thì ta biết ngay đây là một quan niệm bi quan , cho cuộc đời như là một bóng câu qua cửa sổ. Thế nhưng đọc tòan bộ trên 200 bài thơ của ông, “Khoảnh Khắc Đời Tôi”chứa đầy những tư tưởng lạc quan trong cuộc sống. Nhà thơ quan niệm rằng đời chỉ là khoảnh khắc, nhưng trong khoảnh khắc đó ta  hạnh phúc trong vần thơ chén rượu:

     Đời là khoảnh khắc đấy mà thôi
     Phút chốc trăm năm đã hết rồi
     Danh vọng phù vân sao mệt mõi
     Tình yêu say đắm mãi xa xôi
     Mặn mà chi lắm thêm sầu khổ
     Ân ái sâu đầy lắm nổi trôi
     Quên hết tháng ngày trong quá khứ
     Vần thơ chén rượu mãi vui thôi
                           (Khoảnh Khắc)


Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

ĐỌC TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT “ĐỜI” CỦA VĂN THANH - Châu Thạch

               
                  Châu Thạch                               Lê Văn Thanh

   ĐỌC TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT “ĐỜI” CỦA VĂN THANH
                                                                                Châu Thạch

Những năm gần đây thơ Đường luật lại thịnh hành trên đất nước ta. Nhờ có các trang web, amail và facebook mà các nhà thơ có cơ hội phổ biến sáng tác của mình, giao lưu xướng họa nhộn nhịp trên diễn đàn văn thơ, tạo nên một sân chơi Đường thi với nhiều đề tài, cảm hứng và thi pháp rất mới.
Nhà thơ Văn Thanh là một trong những lLão Đường thi tại vùng đất Bà Rịa- Vũng Tàu được thi hữu và bạn đọc mến mộ bởi bút pháp và văn tài của ông. Nhà thơ đã cho ra đời tập tác phẩm Đường thi “Vô Quái Ngại” rất được giới yêu văn chương khen ngợi. Nay ông lại tiếp tục đem tặng đời tập tác phẩm cũng mang tên “Đời” của ông, như là những sợi tình đã dệt nên lụa, thành quả của con tằm miệt mài năm tháng nhả tơ.

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

“VỌNG KHÚC CHIỀU”, THƠ LƯƠNG MINH VŨ: TIẾNG HÁT TRÔI VỀ QUÁ KHỨ BƠ VƠ - Châu Thạch


                         
                          Nhà bình thơ Châu Thạch


         VỌNG KHÚC CHIỀU”, THƠ LƯƠNG MINH VŨ: 
                 TIẾNG HÁT TRÔI VỀ QUÁ KHỨ BƠ VƠ
                                                                    Châu Thạch

Đêm nay tôi không làm được gì ngoài việc đọc bài thơ “Vọng Khúc Chiều” của Lương Minh Vũ rồi nghe đi nghe lại bản nhạc “Hát Bên Bờ Suối” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Mai phổ nhạc từ bài thơ nầy qua giọng hát của ca sĩ Huỳnh Lợi. Cả ba người nầy tôi không hề biết nhưng sao tôi thấy mình quá gần với họ. Thấy quá gần với họ vì cả ba (thơ, nhạc và tiếng ca) khiến hồn tôi dậy lên biết bao cảm xúc. Bài thơ đã hay, bài hát xáo từng câu rồi ghép lại, phối thành âm thanh tuyệt vời, và giọng ca thì vang vọng như tiếng gió trong rừng vi vu bao lời kể lể. Tôi không rành âm nhạc, chỉ biết nghe, không biết phân tích nên xin chỉ nói về thơ, cảm ơn thơ đã đưa tôi vào hưởng thụ những hương hoa của nhạc.
Đầu đề bài thơ là “Vọng Khúc Chiều” đã được nhạc sĩ phổ vào bản nhạc có tên là “Hát bên Bờ Suối”. Tôi thích đầu đề nầy hơn vì chỉ nghe cái cụm từ nầy ta đã thấy ngay tính cách lãng mạn và nên thơ của nó.
Khổ thơ đầu đẹp làm sao khi cho ta hình ảnh một người ngồi hát bên bờ suối:

           Ta ngồi hát bên bờ suối
           Rừng đổ chiều cây lá ngủ mang mang
           Ngày buông cánh, chim về non bạt gió
           Bài ca buồn từng phiên khúc gian nan

THI CA THI NHÂN: XUÂN LÝ BĂNG - Chu Vương Miện & M.Loan Hoa Sử


   


       THI CA THI NHÂN: XUÂN LÝ BĂNG 
               Chu Vương Miện & M.Loan Hoa Sử

Nhà thơ Xuân Lý Băng hay Đức Ông LM JB Lê Xuân Hoa hiện đã về hưu dưỡng ở Tòa Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Ông tên thật là Lê Xuân Hoa, sinh ngày 23 tháng 4 năm 1926 tại Diễn Châu tỉnh Nghệ An, ông thường theo học ở Diễn Châu, Nghi Lộc, Hà Nội, Sài Gòn, Gia Định. Ông được thụ phong chức Linh Mục vào ngày 19-7-1959.
Đến ngày 25-1-1998 được phong Giám Chức danh dự của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Đệ Nhị
Các tác phẩm đã xuất bản :
    1- Nỗi Niềm
    2- Hoa Vàng Sa Mạc
    3- Thơ Kinh
    4- Hương Kinh
    5- Hình Thơ
    6- Xin Một mảng chiều
    7- Kinh Trong thời gian
    8- Sẽ như thế nào
    9- Sử thi
   10- Thơ từ chuỗi ngọc
   11- Tuyển Tập thơ  Xuân Lý Băng

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

NGẪM MÀ HỔ THẸN VỚI "CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN ĐƯƠNG ĐẠI" CỦA NGUYỄN KHÔI - Lê Mai


           
                    Nhà văn Lê Mai


NGẪM MÀ HỔ THẸN VỚI "CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN ĐƯƠNG ĐẠI" CỦA NGUYỄN KHÔI

 Chẳng hiểu sao, đột nhiên trên "mạng" @ và trong xã hội hồi này lại ồn ĩ lên chuyện "Chân dung các Nhà văn"... hết Xuân Sách, đến Trần Nhương, Đỗ Hoàng rồi lại Nguyễn Khôi... Lê Mai tôi thấy có cái gì đó bức xúc, không bình thường trong đời sống xã hội, mà cụ thể là trên Văn đàn đương đại của ta  hôm nay. Đó là ngẫu nhiên hay tất nhiên của dòng chảy lịch sử ? Thiển nghĩ, văn chương của cái thời minh họa - trại lính- "tố cáo", "nâng bi" lừa mị đến trơ trẽn... thứ văn chương đó đã đóng góp được gì cho Nhân dân, cho Tổ Quốc ?có xứng đáng cho người đời khắc họa Chân dung các Nhà văn. Phải chăng đó là hiện tượng "tự sướng", đầy ngộ nhận của các Văn nghệ sĩ?
  Tuy nhiên,  khi ta đọc Xuân Sách và Nguyễn Khôi (cách nhau 25 năm,mỗi người một vẻ) thì tưởng vậy mà không phải vậy!

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

BIÊN CƯƠNG HÀNH - Thơ của Phạm Ngọc Lư và cảm nhận của Huỳnh Xuân Sơn

Anh Phạm Ngọc Lư sinh năm 1946 (Bính Tuất) ở Vĩnh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên. Ngụ cư Đà Nẵng từ 1994. 
Cựu sinh viên Hán Học Viện và Đại học Văn khoa Huế. 
Tốt nghiệp trường Quốc gia Sư phạm Quy Nhơn.
Bước vào con đường văn chương (viết trên các tạp chí Văn, Khởi Hành, Ý Thức, Bách Khoa) trong những năm sống và dạy học ở Tuy Hòa trước năm 1975.
Anh vừa mới đi về miền miên viễn ngày 27-5-2017 tại Đà Nẵng.

            
           
                 BIÊN CƯƠNG HÀNH

                 Biên cương biên cương chào biên cương
                 Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
                 Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
                 Núi chập chùng như dãy mồ chôn
                 Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
                 Thổi lấp rừng già bạt núi non
                 Mùa khô tới theo chân thù địch
                 Ta về theo cho rậm chiến trường
                 Chiến trường ném bẹp núi
                 Núi mang cao điểm binh như vãi đậu
                 Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
                 Lớp lớp chồm lên đè ngút oan hờn
                 Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
                 Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
                 Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
                 Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
                 Biên cương biên cương đi biền biệt
                 Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
                 Trông núi có khi lầm bóng vợ
                 Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
                 Thôi em, sá chi ta mà đợi
                 Sá chi hạt cát giữa sa trường
                 Sa trường anh hùng còn vùi dập
                 Há rằng ta biết hẹn gì hơn?
                 Đây biên cương, ghê thay biên cương !
                 Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
                 Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
                 Mùa mưa về báo hiệu tai ương
                 Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
                 Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
                 Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
                 Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn
                 Cô hồn một lũ nơi quan tái
                 Có khi đã hóa thành thú muông
                 Cô hồn một lũ nơi đất trích
                 Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
                 Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
                 Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

                 Đây biên cương, ghê thay biên cương!
                 Tử khí bốc lên dày như sương
                 Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
                 Rừng núi ơi ta đến chia buồn
                 Buồn quá giả làm con vượn hú
                 Nào ngờ ta con thú bị thương
                 Chiều hôm bắt tay làm loa gọi
                 Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
                 Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?
                 Ai người thiên cổ tiếc máu xương?
                 Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
                 Hồn theo mây trắng ra biên cương
                 Thôi em, yêu chi ta thêm tội
                 Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
                 Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
                 Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông
                 Thôi em, chớ liều thân cô phụ
                 Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
                 Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
                 Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
                 Há một mình ta xuôi biên tái
                 “Nhất khứ bất phục phản” là thường!

                Thôi em, còn chi ta mà đợi
                Ngày về: thân cạn máu khô xương
                Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
                Hề chi! Buổi chinh chiến tang thương
                Hề chi! Kiếp cây rừng đá núi
                Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.

                                           PHẠM NGỌC LƯ
                                             Tháng 5. 1972