Trang

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

NHÂN VẬT THẠCH SÙNG TRONG LỊCH SỬ - Trần Hưng


Tranh vẽ Thạch Sùng ngồi nghe Lục Châu thổi sáo tại Lũng Kim Cốc. (Họa sĩ Hoa Nham, 1732, Wikipedia, Public Domain)
 
Rất nhiều người Việt thế hệ trước đều biết câu chuyện cổ tích Thạch Sùng, nhưng ít người biết rằng đây là một người có thật trong lịch sử. Trong Tấn thư có “Thạch Sùng truyện”, ghi chép rất rõ về nhân vật giàu có nhưng độc ác này.
 
Thạch Sùng tự Quý Luân, hiệu Tề Nô, người Thanh Châu, sống vào thời nhà Tây Tấn. Khi làm Thái thú Dương Thành, ông lập công trong việc đánh Đông Ngô nên được phong An Dương hầu, thăng chức Ích Châu thứ sử kiêm Hiệu uý Giao Chỉ thái phòng sứ, đây là chức vụ chỉ huy đội quân thường trực ở Giao Chỉ. Có lẽ vì vậy mà chuyện Thạch Sùng từ chính sử được lưu truyền trong dân gian nước ta, cuối cùng trở thành chuyện cổ tích.
 

TẢN VĂN VIỆT, HÀNH TRÌNH MỘT THẾ KỈ - Lê Trà My



Nếu tính từ thời điểm xuất hiện những bài tản văn viết bằng chữ quốc ngữ của một số tác giả như Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà đăng trên Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí thập kỉ thứ hai thế kỉ XX (những năm từ 1913 đến 1917) đến nay, tản văn hiện đại đã có hành trình một thế kỉ.
 
Một trăm năm đối với lịch sử một thể loại không phải là dài, song đối với tản văn, điều này rất có ý nghĩa. Từ một thể loại khởi đầu cho những sáng tác văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ ở miền Bắc, tản văn những thập kỉ sau có lúc trở nên mờ nhạt, gần như đi ngoài lề đời sống văn học, ít có tiếng nói trên văn đàn, thậm chí nhiều người còn không có ý thức về sự tồn tại của nó. Có lẽ không ai có thể dự đoán, một thể loại “xếp chiếu dưới”, chỉ để những người muốn trở thành nhà văn “tập dượt” viết lách, hoặc chỉ là một thứ “sân sau” để các nhà văn chuyên nghiệp thỉnh thoảng tạt ngang ngòi bút, đến đầu thế kỉ XXI lại có bước chuyển mình mạnh mẽ, đánh dấu sự “bùng nổ” của thể loại đến vậy.
 

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

BÓNG HỒNG NGHÌN TRÙNG XA CÁCH TRONG NHẠC PHẠM DUY - Tuy Hoà



Nói đến chuyện yêu đương của nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) thì không biết bắt đầu và kết thúc thế nào cho đầy đủ.
Tuy nhiên, có một mối tình rất mơ mộng kéo dài suốt 10 năm từ 1959 đến 1969, đã mang lại cho công chúng nhiều ca khúc hay, đặc biệt là tuyệt phẩm “Nghìn trùng xa cách”.
 
Trong hơn ngàn bài hát mà nhạc sĩ Phạm Duy từng công diễn, có một ca khúc có tên gọi “Tôi đang mơ giấc mộng dài”. Ngay khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 1970, bản nhạc đã được ghi rõ ràng: “Nhạc: Phạm Duy - Thơ: Lệ Lan”. Đây là một điều lạ, bởi lẽ Phạm Duy vốn lãng đãng nên ít khi nhớ tên tác giả lời thơ mà mình phổ nhạc. Lệ Lan là ai mà được chiếu cố như vậy?


Trên thi đàn, Lệ Lan hoàn toàn vô danh. Về khách quan, ca khúc “Tôi đang mơ giấc mộng dài” dựa theo bài thơ “Năn nỉ” của Lệ Lan in trên tạp chí Bách Khoa xuất bản năm 1969. Về thực tế, bài thơ này đã được chính tác giả trao tay cho Phạm Duy trước đó nhiều năm.
 

TA VỀ - Thơ Phan Quỳ


   


TA VỀ
 
Ta về gom lại vần thơ
Gom từng sau trước mà ngơ ngẩn buồn.
Ta về ước mộng tương phùng
Nghe trong im vắng chập chùng bước qua
 
Ta về đếm lại gần xa
Đếm sương trên lá, đếm tà dương bay.
Ta về mưa nắng có hay
Tàn phai mấy độ, hao gầy mấy thu.
 
Tìm đâu giữa cõi sương mù
Bóng in đường cũ, dặm mờ lau thưa.
Ai đong sầu nhớ cho vừa
Bên cầu lơ lững nước chưa về nguồn
 
Mưa sa từng hạt mưa tuôn
Nghiêng bàn tay nhỏ, nhịp buồn buông lơi.
Mộng tràn giấc điệp đầy vơi
Mây ngàn gió nổi giữa trời mênh mông
 
Ta ơi về chốn vô cùng
Nhân duyên thôi hãy chỉ ngần ấy thôi...
 
                                           Phan Quỳ

KIẾP DÃ TRÀNG – Từ Công Phụng sáng tác và trình bày


Chúng ta có câu thành ngữ:

“Dã tràng se cát biển Đông,
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”

(Trên internet ghi là “xe”)
 
Dã tràng là một loại cua biển, sống trên cát ẩm. Nó đào hang, rồi dùng chân, càng và miệng để se cát, nắn cát thành những viên có dáng hình tròn để che chắn bảo vệ hang. Nhưng mỗi khi có sóng biển lớn tràn tới thì cả công trình của nó bị san bằng. Thật tội nghiệp.
 
NS Từ công Phụng đã mượn sự tích này để nói tới những cuộc tình nhiều khi được vun đắp cẩn thận nhưng cuối cùng có lúc lại không may bị tan vỡ...

“Một mình ta đứng nhìn mối tình duyên tan theo
Ngàn con sóng gào bạc đầu
Nhẹ sầu lên dấu chân ghi cuộc tình nhòa trên cát
Lời người nghe đã chợt lạc loài
Trên thân dã tràng tủi phận
Hoài công tháng năm se cát biển Đông”.
 
         

Trong âm nhạc, Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ rất đặc biệt, bởi viết bất kỳ ca khúc nào ra, ông cũng thích mình là người trình bày nó, rồi đến sau đó, ai yêu thích và đề nghị xin được hát thì ông mới gửi đi. Cũng chính vì vậy, Từ Công Phụng là nhạc sĩ sáng tác nhưng lại được mời lưu diễn rất nhiều để trình bày những ca khúc của mình như một ca sĩ chính, bên cạnh các ca sĩ khác, dù nổi tiếng nhưng vẫn là phụ họa cho ông.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

ĐÂU TÌM – Thơ Trần Mai Ngân


  

 
ĐÂU TÌM
 
Ghế bàn im thin thít
Khi chúng ta ngồi cạnh nhau
Khoảng cách chênh chao - là mùa hè hay thu
Khoảng cách là mưa hay sương mù…
 
Em chợt nhận ra, anh cũng chợt nhận ra
Những điều không nói không hò hẹn
Nên chẳng bao giờ bị phản bội hay chia xa
Tất cả còn nguyên trong trái tim ta nóng hổi
 
Cũng có lúc em muốn mình nông nỗi
Ôm chặt anh ngã vào bờ vai rộng
Rồi hôn anh cho tan hết thương nhớ trong lòng
Niềm nhớ thật dài trôi chảy một dòng sông
 
Nhưng
Chúng mình vẫn ngồi giữa mênh mông
Im lặng đến rõ từng giọt mưa thánh thót
Có tiếng chim “trong bụi mận gai” hót
Chỉ một lần rồi vĩnh viễn lặng im…
Đâu tìm!
 
                                        Trần Mai Ngân

NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ CUNG TỬ TỨC – Đặng Xuân Xuyến


(Trích từ TỬ VI VẤN ĐÁP của Đặng Xuân Xuyến; Nhà xuất bản Thanh Hóa 2009)

Con cái là điều kiện của đời người, vì thế, những quan tâm đặc biệt của nhiều người tới cung Tử Tức là điều dễ hiểu.
 
Bài viết này soạn theo dạng hỏi đáp những quan tâm của bạn đọc về đường con cái: nhiều con hay hiếm muốn? con cái thành đạt hay hoang đàng? sinh con trai đầu lòng hay con gái đầu lòng?... Hy vọng NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ CUNG TỬ - TỨC sẽ giải đáp được phần nào thắc mắc của bạn đọc yêu thích môn Tử Vi.

*
Thắc mắc:
Anh ơi cung Tử Tức Vô Chính diệu thì đường con cái như thế nào ạ?
Giải đáp:
Cung Tử Tức Vô Chính diệu là bất lợi đầu tiên về vấn đề con cái.
 
Tử Tức Vô Chính diệu thường sẽ rơi vào các trường hợp: không có con, ít con, hoặc chậm con, hoặc không nhờ cậy được con, hoặc con đầu lòng sinh ra sẽ khó nuôi. Trường hợp này rất cần có Tuần, Triệt án ngữ thì đương số chậm có con hoặc sinh con ban đầu khó nuôi nhưng sau này con cái rất khá giả. Nếu lại được thêm Nhật Nguyệt sáng sủa hợp chiếu thì đương số sẽ thuận lợi, may mắn về đường con cái và con cái sau này thường khá giả, quí hiển.
Trường hợp Tử Tức Vô Chính diệu mà có Hung tinh đắc địa độc thủ thì con cái khá giả nhưng khó nuôi con hoặc muộn sinh con, hoặc con cái không hợp với cha mẹ.
Nếu Tử Tức cung Vô Chính diệu mà Mệnh lại Vô Chính diệu nữa thì chắc chắn đương số cả đời vất vả về đường con cái, rất dễ rơi vào khả năng tuyệt tự, không con.
 

CẢ ANH LÀ CẢ EM, CẢ EM LÀ CẢ ANH – Thơ Khê Kinh Kha



 
 
CẢ ANH LÀ CẢ EM, CẢ EM LÀ CẢ ANH                                                       
                                                         (Cho DP)
 
Nếu anh có thể gom hết ánh trăng vàng để kết thành vòng hoa cài lên mái tóc em
Anh sẽ làm mỗi khi chúng mình ngồi ngắm trăng trên đại dương.
 
Nếu anh có thể hái hết hoa Xuân để lót đường cho đôi ta tay trong tay bước qua cuộc đời tạm bợ này
Anh sẽ dành hết thời gian đời mình để xây dựng con đường tuyệt vời này cho cuộc đời đôi ta.
 
Nếu anh có thể vương tay vào không gian để hái một ngôi sao cho mỗi nụ cười em dành cho anh chứa đầy tình âu yếm, ân cần và nồng say trong suốt những năm tháng chúng mình sẻ chia
chắc sẽ không có đủ sao trong vũ trụ cho anh hái.
 
 
Nếu anh có thể ôm em và hôn em hàng ngàn lần mỗi ngày
trong mỗi năm chúng mình bên nhau
Và nếu anh có thể ôm em cả triệu năm để lấp đầy hơi ấm yêu thương của em
Anh vẫn không thể nào bày tỏ hết tình yêu trong trái tim anh dành cho em.
 
em ơi!
bởi vì em là thế giới đời anh
là hạnh phúc đời anh
là tất cả mọi thứ trong đời anh
Đôi ta quyện vào nhau như mưa với nước
như đại dương với sóng
như mây với gió
như mùa thu với lá vàng khô
và bởi vì em ơi!
cả em là cả anh
cả anh là cả em
cả đôi ta trong tình yêu vĩnh cửu
 
                               khê kinh kha

TRÁI TIM TƯỢNG ĐÁ – Thơ Tịnh Bình


   


TRÁI TIM TƯỢNG ĐÁ
 
Đậu trên tượng đá vô tri
Chú chim thầm nguyện điều gì sáng nay
Lời chim nho nhỏ tỏ bày
Trái tim Bồ Tát liệu Ngài cảm nghe...?
 
Vườn chùa khẽ ngọn gió se
Bạch y phơ phất chở che con khờ
Trái tim Bồ Tát vô bờ
Biết đâu ngằn mé bến bờ đại dương
 
Từ bi hỷ xả yêu thương
Không hình không tướng mà dường kề bên
Đôi khi con dại trót quên
Sông mê bể khổ nổi nênh gọi Người
 
Hoa thơm chợt hé môi cười
Ngàn lời cây lá xanh tươi nhu mì
Chú chim vỗ cánh bay đi
Trái tim tượng đá thầm thì nam mô...
 
                                        Tịnh Bình
                                        (Tây Ninh)

MỘT GIẤC MƠ DỄ THƯƠNG - Trần Vấn Lệ



Hồi tối tôi nằm mơ Một Giấc Mơ Hiền Hậu - tôi đang cầm trái ấu bỗng nó tròn như trăng.
 
Tôi đưa cho em ăn, em cười như trăng sáng.  Một chuyện tình lãng mạn từng chút mây bay qua...
 
Tôi hôn em chỗ mà em không ngờ tới được.  Em chỉ nói "làm phước cho anh đó nha nha!"
 
Em là một đóa hoa chưa bao giờ đẹp thế. 
 
*
Bài thơ này chuyện kể Một Chuyện Tình Trong Mơ!
 
                                                                                         Trần Vấn Lệ

THÁI ĐỘ CHUNG CỦA XÃ HỘI VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH – Vũ Thị Hương Mai



Sự phát triển của xã hội hiện đại mang lại quan niệm và nội dung mới cho hệ thống giá trị truyền thống, nhiều quan niệm cổ hủ không hợp lý bị đả kích mạnh mẽ, thậm chí bị đào thải. Tình cảm, tình yêu, giới tính và hôn nhân là các lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cả, quan niệm giá trị mới đang trong quá trình đổi mới và hình thành một cách nhanh chóng. Trong quá trình thay đổi quan niệm diễn ra hết sức quyết liệt này, dùng quan niệm giá trị gì để giáo dục con cái, nhất là con gái là vấn đề khiến các bậc phụ huynh gặp nhiều mắc mớ. Một mặt, chúng ta không còn giáo lý và nguyên tắc sẵn có do đời trước lưu truyền lại để noi theo, mặt khác, quan niệm mới đang không ngừng tiếp tục đổi mới và hình thành, chưa có một hệ thống và quan niệm rõ ràng, nhưng cái quan trọng nhất có lẽ là sự bối rối và nghi ngờ của bố mẹ trước các quan niệm giá trị, rút cuộc xã hội tương lai sẽ là một xã hội như thế nào, mọi người phải tuân thủ chuẩn mực hành vi gì, đó còn là một ẩn số. Và ngày nay, có lẽ cả bố mẹ cũng đang chơi vơi trong vòng xoáy của quan niệm mới: có cần phải chung thủy với hôn nhân của mình không, có cần giữ gìn trinh tiết không, có nên nghi ngờ sự tồn tại của tình yêu chân chính không… Tất cả những cái đó chả dễ gì mà suy xét cho rành mạch, càng không dễ gì mà giải thích cho rõ ràng. Nhưng chúng ta có nguyên tắc cơ bản để tuân thủ, có quan niệm đạo đức cơ bản để làm cơ sở lựa chọn. Chúng ta không thể và cũng không nên để con cái lớn lên trong sự hỗn độn, không thể để cho chúng thiếu một cái khung quan niệm giá trị cơ bản và rõ ràng để tuân thủ… Để rồi phải tiêu tốn thời gian và tình cảm quý báu và những thứ quý giá nhất của cuộc đời con trẻ trong sự tự mò mẫm trên đường đời, đó là sự thiếu trách nhiệm của người làm cha mẹ.

NHÀ NGHIÊN CỨU & PHÊ BÌNH VĂN HỌC THÁI DOÃN HIỂU, NGƯỜI TÁI SINH THƠ TÔI – Đồng Thị Chúc


Trái sang phải: Thái Doãn Hiểu, Trương Nam Hương, Trần Huyền Nhung, Nguyễn Trọng Tạo, Giáng Tiên, Trần Mạnh Hảo, Phương Hà  - Ảnh: Lê Minh.
 
Với nhà nghiên cứu văn học Thái Doãn Hiểu tôi coi như người Anh của mình. Trong bài này được nhà nghiên cứu cho phép, tôi xin dùng đại từ “Anh” để viết những gì tôi biết về Anh.
 
Tôi được sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông con ở vùng nhiều đồi núi. Cha cho đi học vì thương con gái sức vóc mảnh mai – ông muốn con gái kiếm được nghề dậy học để thoát khỏi nghề nông vất vả. Việc học của tôi vô cùng gian nan thiếu thốn nhưng do ham học, nhất là môn văn nên đã trở thành học sinh giỏi văn nhất nhì của trường. Tôi vẫn nhớ như in những con số 4+ và 5 thật to mà thầy tôi đã điểm cho những bài văn của tôi (thời đó điểm cao nhất là 5) và những giờ thầy đọc những bài văn đó trên lớp trong không khí im lặng đến cảm động.

SỢI TÌNH – Thơ Lê Kim Thượng


  


Sợi Tình 1 - 2
 
1.
Tơ tình mình cột với nhau
Sợi thương, sợi nhớ, sợi sầu… lắng sâu
Nắng mai lấp lánh mắt nâu
Thương sao cái thuở ban đầu… chút chăm
Vẫn là đôi mắt Lá Răm
Long lanh bóng nước, trăng rằm chênh chao
Áo Bà Ba thắm lụa đào
Dịu dàng ánh mắt, ngọt ngào bờ môi…
Bên nhau chiều xuống bồi hồi
Bên em thề thốt một đời thương em
Ru tôi bằng cánh môi mềm
Mối tình thơ trẻ êm đềm, bình an
Bên nhau, đêm ngắn vội vàng
Lời tình chưa dứt vội tàn năm canh…
Em đi, thôi thế cũng đành
Quay lưng là đã bỏ anh … thật rồi!
Tiễn em, lòng dạ rối bời
Miền xa, quê vắng, góc trời bão giông
Em qua sông rộng, đò đông
Mang theo con Sáo sổ lồng… bâng khuâng…
 
2.
Em xa… không chút phân vân?
Qua cầu dòng nước ngại ngần… tình buông
Em đi ngày ấy mưa tuôn
Bỏ tôi nắng quái, mưa cuồng chênh chông
Cánh diều bay bỗng mênh mông
Gió không còn gió, tình không còn hồng
Cà phê giọt đắng ngấm lòng
Ếp trang vở cũ… Phượng Hồng ngày xưa
Câu thơ Lục Bát gió đùa
Nhớ em mưa nắng mấy mùa xa xôi
Người yêu… của người ta rồi!
Để người còn lại nhân đôi… ê chề
Vườn yêu, em hẹn tôi về
Nắng day dứt nhớ… Mưa mê mãi buồn
Tình đầu còn nỗi nhớ suông
Tan trong chớp bể, mưa nguồn chơi vơi
Xin em lần cuối em ơi
Nhớ câu chung thủy một thời chung đôi
Bây giờ cách biệt phương trời
Nợ duyên Có - Có… giữa đời Không - Không…
      
                                 Nha Trang, tháng 7. 2024
                                         Lê Kim Thượng

CƠN GIÔNG –Thơ Trần Mai Ngân


  
 

CƠN GIÔNG
 
Chiều nay cơn giông lớn
Níu chúng mình bên nhau
Thôi thì khui thêm rượu
Vang sóng sánh ngọt ngào
 
Mưa to đến mưa rào
Phong kín đường về lại
Đôi bàn tay ngần ngại
Nửa muốn nắm, muốn buông…
 
Nhắc lại chuyện xưa buồn
Em giấu đi tiếng nấc
Anh quay mặt không nhìn
Cả hai im thin thít
 
Bão giông rồi cũng tạnh
Mình chia tay đi về
Hai phương trời giá lạnh
Hai cõi hồn tái tê
 
Đêm nay dài lê thê…
 
Trần Mai Ngân
 
21-7-2024 Những ngày áp thấp nhiệt đới.
Chia tay mà cũng “cười” tươi là Khúc Thụy Du

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2024

BAY ĐI MỘT ĐÔI BAY VỀ CHỈ MỘT – Trần Vấn Lệ



Hai con chim bồ câu.  Sáng chúng bay đi. Chiều nay chỉ một con bay về.  Một con...
 
Hai con chim bồ câu.  Một cặp vợ chồng son... Nhìn thấy là thương.  Bách niên giai lão!
 
Hai con chim bồ câu như cái quần cái áo bay trong bầu trời ảo... Ảo huyền mây với sương...
 
Chiều nay chim bay về.  Bồ câu còn một con.
Một con không còn thấy.  Tôi, nước mắt muốn chảy...
 
Tôi thường ngồi chỗ ấy.  Góc sân vườn Xuân Thu.  Một đôi chim bồ câu thường bay qua trên đầu.
 
Chiều nay sông như sâu và biển sầu đầy ắp.  Một đôi là một cặp.  Chiều nay sao cô đơn?
 
Chiều nay... đang hoàng hôn.  Trời mù sương tim ngắt.  Tôi nghe lạnh con mắt.  Tím ngắt chiều mù sương...
 
Một con chim cô đơn chắc nó buồn lắm nhỉ?  Bài thơ buồn thâm thúy chở nỗi buồn rất sâu...
                                                                                      Trần Vấn Lệ

CHUYỆN TÌNH CỦA PHẠM THIÊN THƯ VÀ NGÀY XƯA HOÀNG THỊ - Tuy Hòa



Ngày xưa Hoàng Thị đã trở thành ca khúc quen thuộc với công chúng, nhưng ít ai tỏ tường người đẹp Hoàng Thị Ngọ từng tạo cảm hứng cho nhà thơ Phạm Thiên Thư.

“Ngày xưa Hoàng Thị” từ một bài thơ của Phạm Thiên Thư, đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng.  Khi nhắc đến những bản tình ca mơ mộng tuổi học trò, có lẽ nhiều người sẽ nhớ đến ca khúc “Ngày xưa Hoàng Thị” với những câu hát “Em tan trường về, anh theo Ngọ về/ Chân anh nặng nề, lòng anh nức nở/ Mai vào lớp học, anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ”
 

ĐÊM PHỐ, NGÀY KHÔNG ĐƠN ĐỘC – Thơ Tịnh Bình


  

 
ĐÊM PHỐ
 
Chiều thị thành rộn rã
Về đâu bầy chim xa
Người và xe hối hả
Phía trời quê nhạt nhòa
 
Hàng dừa xanh trước ngõ
Giàn bí bầu đương hoa
Chuối vườn sau trĩu quả
Bếp quê nỗi nhớ nhà
 
Chiều thị thành nghèn nghẹn
Da diết khói đồng xa
Phố muôn màu lấp lánh
Khuất trăng sao quê nhà
 
Đêm trở mình nghe phố
Tiếng chổi khua xạc xào
Ngỡ như bàn tay mẹ
Quét lá ngoài hiên sau
 
Vọng trời quê đêm phố
Giấc mơ nghiêng chòng chành
Lòng ta neo phía ấy
Tạ lỗi nhé thị thành...
 
 
NGÀY KHÔNG ĐƠN ĐỘC
 
Chào tôi bằng lời ban mai trong vắt
Tiếng hót trong vòm lá khép hờ
Bầy sẻ tinh nghịch vờ giấu mặt
Mùa thu xòe nở những li ti hoa vàng
Đâu đó mùi hương ổi chín
Tôi đếm những thanh sạch đang ùa vào lồng ngực
Đám mây trời đang chầm chậm mỉm cười
 
Đôi khi niềm hạnh phúc thật giản đơn
Khi lặng ngắm từ xa dáng mẹ ngồi cùng cha tỉ tê câu chuyện buổi sáng
Trong gian bếp chật chội thơm lừng vị cà phê
Tôi vờ làm chú mèo lười ngái ngủ
Trộm nghe những câu chuyện không đầu không cuối
 
Trong khu vườn của riêng mình
Gạt bỏ những giấc mơ trời trăng
Này hỡi bầy cổ tích một thời lung linh huyễn ảo
Tôi biết mình đang chạm tay vào một điều có thật
Ngân dài những hồi chuông...
 
                                                               Tịnh Bình
                                                               (Tây Ninh)

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

NHỮNG GIAI THOẠI VỀ TIỂU THUYẾT KIM DUNG– Phan Nghị




(Vietkiemhiep) - Sài Gòn mới lại cho in lại một số tiểu thuyết của Kim Dung như “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, “Anh Hùng Xạ Điêu”, “Ỷ Thiên Kiếm/Đồ Long Đao”, “Lộc Đỉnh Ký” mà người dịch là Vũ Đức Sao Biển và vài dịch giả khác. Mỗi bộ gồm bốn cuốn, bìa các tông bán với giá gần 400,000 đồng. Sách Kim Dung có còn được người ta ưa chuộng, mê say như cách đây hơn 30 năm không?
Điều này cũng dễ phối kiểm khi nhìn thấy chúng được xếp thành từng chồng cao ngất ngưởng trên quầy của những nhà sách mà sức tiêu thụ chỉ nhỏ giọt!
 
Nhân đây, xin ghi lại một số giai thoại về tiểu thuyết của Kim Dung ở Sài Gòn vào những năm cuối của thập niên 1960, để coi như là một sự ôn cố tri tân.
 

HƯƠNG THU – Thơ Phan Quỳ


  

 
HƯƠNG THU
 
Thu đã ngập ngừng chuyển sang đông,
Hay thu còn đó cho hương nồng?
Ngày qua, ngày qua, rồi qua nữa
Một chút vàng phai giữa mênh mông
 
Hương thu còn đọng cõi trời không,
Rớt xuống trần gian lẫn bụi hồng.
Người đến người đi như thác lũ.
Một kẻ bên đời mãi ngóng trông.
 
Rực rỡ cô đơn ngập cõi lòng
Hân hoan tay níu giọt mưa trong
Rả rích từng hạt ươm đời lệ
Rơi xuống hiên nhà một dòng sông.
 
                                        Phan Quỳ

 

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

“BÀI CA HỌC TRÒ”, HAI BẢN NHẠC ĐƯỢC YÊU THÍCH TRONG GIỚI SINH VIÊN HỌC SINH HUẾ CỦA HAI NHẠC SĨ KHÁC NHAU (Phan Ni Tấn và Nguyễn Quyết Thắng) - La Thụy

Trước năm 1975, giới sinh viên học sinh miền Nam chúng tôi ở Huế rất thích 2 bản nhạc BÀI CA HỌC TRÒ của 2 nhạc sĩ Phan Ni Tấn và Nguyễn Quyết Thắng.
 
Đặc biệt 2 bản nhạc có phong cách và nội dung đặc thù thể hiện tâm trạng giới trẻ của chúng tôi thuở đó.
 
- “BÀI CA HỌC TRÒ” (1) – Nhạc và lời của Phan Ni Tấn, xuất phát từ bài thơ “Kính thưa thầy” ký bút hiệu N.D được đăng trong tờ Văn của nhà văn Mai Thảo trước khi nó chuyển thành nhạc phẩm “Bài Ca Học Trò” do chính tác giả bài thơ Phan Ni Tấn phổ nhạc. Bản nhạc “Bài Ca Học Trò” nói lên tâm trạng u uất của giới trẻ chúng tôi trước cuộc chiến nồi da nấu thịt dai dẳng, đau thương trên quê hương Việt Nam thuở đó.
 
Nhạc sĩ Phan Ni Tấn

- “BÀI CA HỌC TRÒ” (2) – Vốn là bài thơ “Những tối hoa xưa” của Đoàn Bằng Hữu được nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng phổ nhạc. Bản nhạc này nói lên tình cảm yêu đương trong sáng, thơ mộng của thanh niên chúng tôi. Bây giờ các trang mạng đều trả lại tên gốc bản nhạc là “Những tối hoa xưa” như tựa đề của bài thơ.
 
Nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng

Nhạc sĩ Phan Ni Tấn và nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng đều tham gia phong trào du ca Nguyễn Đức Quang trước 1975. Hiện cả hai nhạc sĩ đều định cư ở nước ngoài.
 
1/
“BÀI CA HỌC TRÒ” – Nhạc và lời của Phan Ni Tấn
 
Kính thưa thầy đây bài chính tả của con
Bài chính tả viết về nước Mỹ
Con viết hai lần sai chữ "America"
Con viết hai lần sai chữ "communist"
Con viết hai lần sai chữ "liberty".
 
Làm sao được, làm sao được bởi anh con vừa chết
Kính thưa thầy đây bài luận triết của con
Một căn nhà và một trái phá
Một đám cưới hồng bên cạnh một đám ma
Một kiếp sống tàn dưới biển người no ấm
Ôi tiếng hát nào bên lệ em tuôn mau.
 
Làm sao thuộc bài con học để vinh thân đời sau
Kính thưa thầy đây là bài toán của con
Những đường cong, đường thẳng đều có gài mìn
Từ trong thành phố có bar, có Mỹ, có con gái học trò
Đường vào rừng có hầm hố cá nhân
Đường vào đời có xương máu căm hờn.
 
Con đã chứng minh nhiều lần
Đường ngoằn ngoèo qua Mỹ, qua Paris thật ngắn
Nhưng không thể nối liền Sài gòn, Hà Nội
Nhưng không thể nối liền thành phố với làng quê
Con không đậu tú tài để đi sĩ quan Đà Lạt
Con không đậu tú tài để thành bác sĩ, kỹ sư.
 
Kính thưa thầy đây bài thuộc lòng của con
Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến
Một trăm năm Pháp thuộc, hai mươi năm đoạ đày
Làm sao con thuộc được truyện Kiều, Nguyễn Du.
 
Những bài thơ mùa thu Nguyễn Khuyến
Những bài công dân sử địa
Những bài học con ngại ngùng không dám đọc to
Trên đường phố hay những vùng ngoại ô.
 
Kính thưa thầy đây là quyển vở của con
Suốt một năm chưa một tờ có chữ
Con để dành ép khô những dòng nước mắt
Của cha con, của mẹ con, của chị con và của chính con.
 
                                                                    Phan Ni Tấn
 
Thơ & nhạc: Phan Ni Tấn - Elvis Phương hát

https://www.youtube.com/watch?v=NL2kVyX3fxo
 
Nhạc sĩ Phan Ni Tấn trình bày bản nhạc BÀI CA HỌC TRÒ do chính ông sáng tác

2/ “BÀI CA HỌC TRÒ” –  Thơ Đoàn Bằng Hữu. Nhạc Nguyễn Quyết Thắng
 
NHỮNG TỐI HOA XƯA
 
Năm mười, mười lăm hai mươi
Tôi che mắt kiếm em cười rất trong
Con trăng sớm biết mặn nồng
Bay ngang một sợ mây hồng như mơ ơ ơ...
 
Thương em xé vở học trò
Đêm khuya cắn bút làm thơ tỏ tình
Trên giòng lục bát mông mênh
Gọi mưa về lá hồn nhiên ngủ vùi
 
Năm mười, mười lăm hai mươi...
Còn người xanh tóc yêu người tóc xanh
 
                              Nguyễn Quyết Thắng
 
 
Thơ Đoàn Bằng Hữu. Nhạc Nguyễn Quyết Thắng. Cung My hát

Nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng và ca sĩ Vành Khuyên trình bày bản nhạc NHỮNG TỐI HOA XƯA


                                                                                         La Thụy