Trang

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

NGUYỄN QUANG THIỀU: TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA - Nguyễn Đức Tùng

                                    
       

  Làm thế nào để biết một nhà thơ đang nói thật?
  Người đi, người đi, người đi. Vừa bước vừa vấp

Tác giả cho phép người đọc đến gần, nhìn thấy những nhược điểm của mình.
Trong văn chương, có hai cách nói thật. Một là thành thật, tức là tự bộc lộ trước người khác. Hai là tuyên bố về sự thật, kể lại sự thật. Như chúng ta sẽ thấy sau đây, nhiều lần Nguyễn Quang Thiều nghiêng về phương pháp thứ nhất, đi đến cùng phương pháp ấy, ngay cả khi có vẻ như anh đang nói về một người khác. Vừa bước vừa vấp ở đâu? Trên đường. Con đường là lịch sử văn hóa, nhưng lịch sử có thể nhầm lẫn, văn hóa có thể là huyền thoại.

       Con đường
       Con đường
       Con đường
       Dắt ta về hồ nước cũ

      Phăng phắc một lá sen già               

Tuyển tập thơ Châu thổ mở đầu với bài Lễ tạ. Chỉ có lá, không hoa. Trước anh một thế hệ:

      Đường ra trận mùa này đẹp lắm
                            (Phạm Tiến Duật)

     Hồn nhiên, thẳng tắp.
     Hoặc, rất khác:

      Con đường đáo nhậm xa như nhớ
                                   (Tô Thùy Yên)

     Phân vân, mờ ảo.
     Ngược lên trước đó hai thế hệ, một người trẻ tuổi từng mơ ước:

       Ngày trở lại quê hương
       Đường hoa khô ráo lệ
                   (Quang Dũng)

Nhưng lệ vẫn chảy trên đường. Con đường là một ý tưởng, nhưng sự xuất hiện tự phát của một hình ảnh không có nguồn gốc, trong ý thức, là điểm khởi đầu của quá trình sáng tạo. Con đường dắt ta về hồ nước cũ là một hình ảnh, hơn thế nữa, trở thành một trong những đầu mối tương thông giữa bài thơ và người đọc, khơi dậy ở người đọc những đường dẫn liên kết họ với nhau, như trong khái niệm ý thức tập thể của Jung. Nguyễn Quang Thiều tạo ra hình ảnh mới, nhiều hơn là tạo ra ngôn ngữ mới. Anh tìm thấy chúng trong môi trường quen thuộc, phát hiện trở lại điều có sẵn, chưa ai nhận ra. Phương pháp của anh giản dị và, do đó, lạ thường:

   Tôi đi tìm vợ tôi
   Người đàn bà cài chiếc cúc đoan trang

Một người đàn bà đoan trang nhưng đã thất lạc? Chuyện gì xảy ra? Khi bỏ lại sự giản dị phía sau để mô tả ý tưởng mới, anh loay hoay với cách dùng chữ:

  Ta giấu một tình yêu chưa giới tính
  Sau nâu nâu vạt áo học trò

Tình yêu chưa giới tính là một chữ mới, nhưng khó lặp lại.
Cũng với ý thức rõ ràng, nhưng anh đã thành công hơn, cũng trong bài Mười Một Khúc Cảm, một trong những bài thơ hay nhất của anh:

   Tiếng người gọi hai bên thiêm thiếp cỏ
   Ta khổ đau lần thứ nhất trên đời

Sức nặng nằm ở câu thứ hai. Nhưng cái mới trong thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn chung lộ ra ở cặp ý tưởng- hình ảnh. Khi đi với nhau, hình ảnh dễ gây chú ý; tuy thế, vẫn có một ý tưởng đơn tuyến xuyên suốt bài thơ, xâu chuỗi. Chính điều này làm cho thơ anh dễ hiểu so với nhiều nhà thơ mới khác, mặc dù anh dùng nhiều chữ, dùng kỹ thuật lập lại, làm nản lòng một số người đọc.
Tôi nghĩ rằng trong tương lai, nếu tiếp tục sáng tạo, thơ anh sẽ phải khó hiểu hơn nữa, dĩ nhiên không phải để đánh đố người đọc. Khó hiểu hay dễ hiểu không phải là đức tính của thơ. Có một sự dịch chuyển trong thơ đương thời, từ chỗ là thơ của công chúng trở thành thơ của cá nhân. Nhà thơ trước đây cần nhiều sự tán đồng của người đọc; hiện nay sự cần thiết ấy không tuyệt đối. Thơ càng riêng tư, gắn bó với một số độc giả chọn lọc, càng đánh mất các độc giả khác. Khoảng cách giữa nhà thơ và số đông ngày càng xa, và cái cầu giữa họ với nhau các nhà phê bình của chúng ta chưa bắc xong. Thơ mới bao giờ cũng có tính thách thức vì chúng chứa các bí mật. Một bài thơ cần được đọc nhiều lần, mỗi lần đem lại một ý nghĩa khác. Muốn biết, đối với bạn, bài thơ thành công hay không, cần đọc lại vài lần. Mặc dù mỗi ngày bạn đến gần hơn, nhìn sát mặt nó, trở đi trở lại như người quen, một bài thơ thành công dù mới hay cũ bao giờ cũng giữ được sự tươi mới lộng lẫy, như một người đàn bà đẹp ngay lúc giận dữ trước số phận vẫn tỏ ra duyên dáng. 

Mày xanh trăng mới in ngần. Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa (Kiều).

*

Thiên nhiên của Nguyễn Quang Thiều vừa là chất liệu sáng tạo, là chủ đề, vừa là môi trường nuôi dưỡng quá trình sáng tạo ấy. Ngày càng trở thành một hiện thực hoảng loạn, thiên nhiên vẫn còn là nơi trú ẩn của tâm hồn giữa những vấn nạn xã hội mà nhà thơ không tìm thấy câu trả lời.

Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được dàn dụa nước mưa sông.

Hình như so với những thế hệ trước, ngày nay tâm hồn chúng ta phức tạp hơn nhiều quá, thiên nhiên buồn hơn, vừa chật chội vừa trống trải; trong những câu thơ của anh đọc thấy nỗi chán chường, mệt mỏi, vừa chối bỏ, vừa tha thiết trở về. Ngày nay có vẻ người đọc cần phải thông cảm với nhà thơ nhiều hơn, kiên nhẫn hơn, chịu khó hơn, “miễn thứ” cho tác giả nhiều hơn, thì mới mở được cánh cửa của thơ mới. Khi đọc:

      Đêm mưa làm nhớ không gian
      Lòng run nghe lạnh nỗi hàn bao la
                                           (Huy Cận)

Khung cảnh hiện ra xa vắng, giá lạnh, tác giả cô đơn, nhưng tâm trạng ấy hoàn toàn có thể hiểu được: trời mưa, vì mưa nên mờ tối, vì mờ tối nên chật hẹp, vì chật hẹp nên làm nhớ không gian, vì nhớ không gian nên đã lạnh càng lạnh thêm vân vân. Mặc dù vắng vẻ cô đơn, cả hai, nhân vật và không gian, vẫn hiện ra như những khái niệm toàn vẹn. Nhưng:

 Đã khóc, chìm vào mê sảng, và bắt đầu nức nở
 Những chiếc lá trên đầu ta mang số phận sẵn rồi

Là một thiên nhiên tuy gần gũi, không xa cách, mà vẫn giá lạnh, là một hiện thực suy tàn mà các nhân vật của thơ anh mắc kẹt vào:

 Trong ký ức buồn bã và mãi mãi thì thầm

Nhịp điệu đẹp, máy móc, lạnh lùng. Người ta ngơ ngác: có một điều gì rất ngăn cách giữa nhà thơ và người đọc, không phải kiến thức, hiểu biết mà là ngăn cách tâm hồn. Họ khác nhau nhiều quá: nhà thơ và người đọc ngày nay có vẻ không thích nhau lắm. Lỗi của nhà thơ hay của người đọc? Cả hai, hay chẳng của ai cả. Lỗi của thời đại, của sự đảo lộn các giá trị, của các cuộc chiến tranh, của khuynh hướng phát triển bằng mọi giá, của các học thuyết, các ảo tưởng về chân lý, của sự dối trá đầy rẫy trong lịch sử chúng ta, giữa chúng ta, bên trong chúng ta. Thơ cố gắng chống lại điều ấy, sự tan rã ấy, làm cho cấu trúc tinh thần của xã hội trở nên chặt chẽ, thế giới bớt tan tác, nối kết vào nhau. Nhưng trong thơ, giải ảo tưởng, giải huyền thoại cũng có những nguy hiểm, vì thơ không thuyết minh, không đặt ra những bước chuẩn bị, lập tức phá tan các vòng đai an toàn, đặt người làm thơ và người đọc vào trạng thái bị chiếu sáng gay gắt. 
*
Có hai loại thơ không thành công: những bài thơ dở của một nhà thơ hay, như là cái bóng của những bài thơ hay của nhà thơ ấy, tuy không hay nhưng có vai trò cần thiết. Loại thứ hai là: những bài thơ dở đứng một mình, không cần thiết cho ai, vì chúng chứa các phẩm chất giả tạo. Nguyễn Quang Thiều là một trong vài nhà thơ đầu tiên chỉ ra một số tính chất căn bản, trước đó vốn là những cấm kỵ văn học, của người cùng thời quanh anh. Một cách nhiều lời:

Họ chạy trốn, không. Không kẻ nào nhìn thấy con đường thật của họ
Bởi thế họ hiện ra trên con đường khác trong cái nhìn của ảo giác đê hèn
Họ chạy trốn, không, họ chỉ nhóm lửa không giống và thì thầm không giống

Khi đạt tới sự trong sáng, gọn gàng hơn, câu thơ đầy sức mạnh:

 Lặng lẽ đi qua cầu
 Chúng ta chọn con đường đến với nỗi sợ hãi

Nỗi sợ hãi của ai? Anh thuộc về truyền thống nào? Thơ anh tách ra khỏi dòng thơ truyền thống, trở thành tiếng nói riêng biệt. Như người đi trong mơ, anh xác lập một hiện thực thứ hai của lịch sử và ngôn ngữ, của khát vọng và hoài niệm, tình yêu nam nữ và tình thương xót đối với phụ nữ, thiên nhiên như vấn đề văn hóa và thiên nhiên như vấn đề môi trường, và từ trên nền của những kết hợp ấy, anh là kẻ phê phán nghiêm khắc nhưng lặng lẽ. Giấc mơ: đó là một đời sống được xem xét kỹ về mặt nghệ thuật; hay cái mà các nhà sinh lý học sáng tạo thường gọi: bán cầu não phải hoạt động mạnh hơn trong các bước nhảy. Cách anh chọn chất liệu là một ví dụ. Các nhà thơ xưa thường chọn chất liệu: mây xưa, hạc cũ, trăng vàng, một đời sống hiền hòa, nhưng sang trọng và xa vắng. Các nhà thơ Thơ Mới gần hơn với đời sống hàng ngày, nếu có lãng mạn cũng là cái lãng mạn cụ thể. Thật ra chính phương cách sử dụng của nhà thơ đối với chất liệu mới làm nên tính đặc trưng của chúng. Chúng ta xét hai trường hợp sau đây trong cùng một bài thơ khá nổi tiếng của anh:

Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi
Bàn tay kia bấu vào mây trắng


Nguyễn Quang Thiều vốn không hẳn là nhà thơ siêu thực. Anh đã chọn phương thức biểu hiện thành công vì ngôn ngữ của anh tham gia vào các hình ảnh, vận động giữa các giác quan như một hình ảnh, tức là một hình tượng. Nhưng khi anh viết tiếp:

      Sông gục mặt vào bờ đất lần đi

Thì không thành công lắm, vì ngôn ngữ biến thành phương tiện diễn đạt. Sông gục mặt không phải là một hình ảnh thuyết phục. Ẩn dụ là dùng một vật này để nói một vật khác, là sự dịch chuyển của ý nghĩa từ nơi này đến nơi khác, nhưng trong trường hợp đạt đến mức nghệ thuật, chúng không được quá xa nhau, mà phải nằm trong các mối liên kết sẵn có từ trước (pre-existing connections), trong tấm lưới của vô thức cộng đồng. Trong bài thơ này, anh không nhận ra điều ấy, và quả nhiên lập lại một lần nữa, ở đoạn gần cuối:

     Và cá thiêng lại quay mặt khóc

Và một lần nữa, khi hạ chữ ngơ ngác, có phần không thích hợp.

   Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi.

Mà đây là bài thơ có khả năng trở thành bài thơ rất hay. Tôi không có ý cho rằng mỗi câu thơ của anh đều phải chứa một hình ảnh quan trọng, mỗi chữ phải là một thông điệp. Thơ cũng như người, cần vận động trong không gian rộng, thoáng, nhiều không khí hơn là giữa chiếu chăn, bàn ghế chật hẹp: nó cần rất nhiều khoảng trống hư từ.


      Bầy kiến đen đi qua bàn tiệc
      Như lang thang qua bãi chiến trường
      Đầy mảnh thịt của gia súc
      Đầy xác chết của rau thơm
      Quả ớt đỏ như lá cờ rách nát

Hiếm khi Nguyễn Quang Thiều có một ngôn ngữ hài hước, châm biếm, trong khi vẫn mượt mà, như thế. Đó là về một bữa tiệc, không khí sau bữa tiệc, chán ngán, thất vọng, phẫn nộ.  Trích từ một trong những bài thơ thành công, tiêu biểu cho phương pháp nhân cách hóa.
Anh viết dàn trải, ngôn ngữ phủ rộng khắp, hơi thơ dàn dụa mạnh mẽ. Nhưng những người có khuynh hướng viết dài có thể thừa chữ, thừa câu và tự lập lại.

Bóng đêm vẫn vây bọc chàng mỗi lúc một dày trong thị xã bé nhỏ này không ai thức cùng chàng
Chỉ có chàng đang ngồi trước một kẻ là chàng, kia những ngón tay thô, kia cặp môi dày luôn luôn nung trong lửa

Thơ trữ tình phát sinh từ cảm xúc, nhưng đôi khi anh cũng rơi vào trạng thái quá mẫn cảm:

   Con ốm đau ngồi ho bên cửa
   Những con thuyền ốm đau nằm đâu

Tập thơ Châu Thổ, sự tuyển chọn lại từ các tập trước đây của Nguyễn Quang Thiều, gồm những bài thơ về cuộc sống hàng ngày, thơ tình, thơ về những chuyến đi xa, về cây cối, mùa màng, về súc vật, về gia đình, người thân, bi ca, thơ tự do, thơ có vần. Những bài thơ thành công của anh có nhịp điệu gần với âm nhạc, như trong hầu hết các bài anh viết về cha, mẹ, con trẻ, người thân yêu, sự vận động của câu thơ dồn dập. Những bài thơ không thành công rơi vào tình trạng: ngôn ngữ nhiều hơn hình ảnh, hình ảnh nhiều hơn ý tưởng, xúc cảm không mạnh, kết thúc có thể đoán được, nhưng anh vẫn ít khi phạm lỗi cliché. Cộng đồng các nhà thơ tiếng Việt là một tập thể rời rạc chia cách, Nguyễn Quang Thiều lại thuộc dòng thơ tách rời khỏi truyền thống, vì vậy sự phát triển của riêng anh, đối với tôi, vừa có nhiều nguy nan, vừa đáng thán phục: anh gần như không dựa vào ai, không xuất phát từ ai, chỉ nối kết về mặt nghệ thuật với một vài nhà thơ cùng thời; trong tình cảnh ấy không có gì đáng ngạc nhiên là, trong một số trường hợp, thơ anh bị chê, được khen vì những lý do ngoài văn học, và thiếu một mạch phê bình dành riêng cho nó. 

*
Đọc thơ cần có cảm hứng. Cảm hứng đến từ đâu? Từ hai phía, người đọc và bài thơ. Người đọc không nhất thiết đi tìm toàn bộ các ý tưởng, tổng số hình ảnh, nhưng kẻ ấy phải mở được đường vào. Đường vào bài thơ có khi như cánh cửa, có khi là toàn bộ bài thơ xuất hiện cùng lúc, trong giây phút ấy người đọc tiếp nhận tất cả kinh nghiệm. Trường hợp Nguyễn Quang Thiều, đối với tôi, gần như bao giờ cũng là hình ảnh. Vì sự tiếp nhận ấy không đầy đủ, nên tôi muốn trở lại. Mỗi lần đọc, bài thơ của anh xuất hiện một cách khác. Tác phẩm có thể được sáng tạo nhiều lần, có thể được viết trong năm phút hay trong năm năm, điều ấy chẳng hề chi. Vì vậy mà trong văn chương, chuyện xuất khẩu thành thơ, đi bảy bước làm bảy câu thơ, chỉ có tính cách giai thoại mua vui. Điều quan trọng là mỗi lần đọc, bao giờ cũng là một lần đọc mới, ở thì hiện tại. Bởi vì thơ trữ tình được viết ở thì hiện tại.

  Cỏ đuôi chó em tết con chó nhỏ
  Ta xa nhau chó héo đuôi rồi

Hình ảnh đẹp, ý đẹp, nhưng anh lập lại ba lần một chữ khó, hơi vụng về. Thế mà tôi vẫn cứ quay lại với hai câu thơ này, vì nếu người đọc được dẫn dụ, anh ta sẽ đi ngược thời gian, tìm cách sắp xếp lại các sự kiện. Khuynh hướng của một số nhà thơ hiện nay là sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện biểu đạt cho sự làm mới, vốn là nhu cầu tất nhiên của sự phát triển. Sau khi thoát khỏi những ràng buộc chặt chẽ của các quy luật của thơ truyền thống, sau khi chính những kẻ cầm cân nảy mực cho các quy luật ấy cũng sa vào trạng thái mơ mơ hồ hồ, ngơ ngác, vì hệ quy chiếu thẩm mỹ của họ đang bị đe dọa sụp đổ, thì những người viết mới như chim sổ lồng sung sướng bay lên bầu trời tự do, nhưng họ không bay xa vì quên để ý đến vần điệu, tức là quên đập cánh thường xuyên, vốn là một thứ lao động đơn điệu và nặng nhọc, không lãng mạn chút nào.
Vần điệu trong thơ là thứ làm ổn định, làm cho các yếu tố gắn bó với nhau, các quan hệ bớt lỏng lẻo, trở nên chặt chẽ. Nhờ nén lại như thế mà không gian của bài thơ mở rộng ra. Thơ tự do dàn trải, như thơ của Nguyễn Quang Thiều và các nhà thơ mới khác, khi cởi bỏ các ràng buộc của thơ truyền thống, lập tức đối diện với thử thách mới: họ phải làm cho không gian của bài thơ rộng ra hơn nữa trên một nền đã giãn nở, một công việc khó khăn hơn so với các nhà thơ trước đây. Đôi khi họ nhận ra điều ấy; đôi khi không. Bài thơ của Nguyễn Quang Thiều thường khởi đầu bằng một ý tưởng mạnh và kết thúc bằng một hình ảnh hoặc là ngược lại, làm cho khả năng triển nở của bài thơ trở nên dễ dàng hơn. Như khi anh mở đầu:

  Tôi tựa lưng vào bức tường xám mốc

Và kết thúc:

 Tôi sẽ ngủ với họ thế nào

Có những trường hợp khác, anh cố gắng đem nhiều thứ vào một câu. Vì vậy mà câu cuối bài thơ Cánh đồng:

 Xa tít một lưỡi cày mơ tên gọi vì sao

Là một hình ảnh phức, hoặc hai hình ảnh, mà mối liên kết giữa chúng lỏng lẻo, hoặc là một cấu trúc rối. Thơ có thể mờ nhưng không nên rối. Câu kết thúc một bài thơ thường là điểm “hạ cánh” quan trọng, từ đó nhìn ngược lại có thể thấy toàn bộ quá trình sáng tạo của bài thơ. Thơ Nguyễn Quang Thiều có những đoạn kết gây cảm giác thỏa mãn, mở ra, dồi dào ý tứ như sau đây, nhưng chúng không xuất hiện đều đặn.

   Hình như có một bậc cửa cho tôi bò qua
   Nơi ấy sóng trăng đang vật vã.
*
Thơ Việt Nam mấy mươi năm qua có phải là người làm chứng của thời đại mình? Tôi nghĩ là không. Hầu hết các nhà thơ của chúng ta im lặng hoặc chọn im lặng trong tác phẩm trước những sự kiện xã hội, khi ngôn ngữ bị giày vò, thoái hóa. Khi đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, như trong tập Châu Thổ, tôi có một thứ ảo giác, ngày một dâng lên, như sương khói. Các ý nghĩa của bài thơ khi mờ khi tỏ, các phần khác nhau của bài thơ có liên hệ mật thiết nhưng không kém bất ngờ, đó là mối liên hệ giữa ý thức và vô thức, giữa bán cầu não trái và bán cầu não phải, chỗ lằn ranh của quầng ánh sáng một ngọn đèn trong đêm tối. Đọc thơ anh là sự thách thức, là cảm giác sợ hãi trước số phận con người, là cảm giác đứng trước thương tổn. Anh là trường hợp điển hình của cố gắng vượt ra khỏi đám đông, bằng ý thức, trong khi chính anh tự nguyện hoặc bắt buộc phải bước vào đám đông ấy, sống với họ mỗi ngày, vật vã, trả giá, để giữ được bản sắc, một thứ bản sắc vừa nhân bản vừa hoang dại.

   Đó là những từ vựng mệt mỏi và đổ đốn
   Nhưng có một buổi trưa
   Tôi phải chung sống
   Như chúng ta từng chung sống với ruồi

Những vấn đề cấp thiết đương thời không thể hiện trực tiếp trong thơ Nguyễn Quang Thiều, mặc dù vậy phía sau mỗi bài thơ của anh, bất kỳ anh viết về đề tài nào, với chất liệu gì, đều trang trải một nỗi buồn nhân thế rất chín, rất dày, những suy tư gần chạm tới triết lý về con người.

Những con chim xanh của tâm hồn nàng đập cánh không ngưng nghỉ
Tìm lối thoát ra khỏi thân xác của nàng

Đó là ngôn ngữ đẹp, vô tội, ngôn ngữ thân phận. Tuy thế, thỉnh thoảng đối với tôi, như trong một ngày đầy tin dữ, chúng vẫn toát ra vẻ đẹp phù phiếm. Bạn có thể hỏi: nhưng liệu thơ có phục vụ cho một mục đích cụ thể nào không? Chính trị, luân lý, giáo dục, gợi ý cho các giải pháp xã hội hay môi trường? Các nhà thơ của chúng ta hiện nay có nhiệm vụ gì? Hay họ đã được người đọc cởi bỏ khỏi tất cả các nghĩa vụ rồi?

  Và lúc đó có người đứng dậy
  Đi vào bóng tối
  quay nhìn lại
  Thấy mình mẩy chúng ta cắm đầy giáo
  Phóng tới từ một đấu trường khác


Kết thúc mạnh mẽ, nhưng nội tâm hóa, phi xã hội. Các nhân vật “chúng ta” của bài thơ có trích đoạn trên đây không lên tiếng phản đối nhưng từ chối tham dự vào trò chơi của lịch sử, từ chối làm kẻ đồng phạm: anh đang tiến dần tới một nền văn chương của nạn nhân.

Họ chạy trốn không nguyền rủa, không tuyên bố, không hoảng hốt, chỉ đau đớn, chỉ có chuẩn bị.

Tôi cho rằng trong khi việc đòi hỏi nhà thơ phải phục vụ xã hội là một đòi hỏi hoặc ngây thơ hoặc quá độc đoán, người đọc vẫn có quyền chờ ở họ sự lắng nghe, chia sẻ. Các nhà thơ Canada Lorna Crozier và Patrick Lane, trong một lần đến thăm Chile, đã nghe người dân nói: “chúng tôi kể cho các bạn nghe chuyện này vì các bạn là người nhạy cảm, vì các bạn là những nhà thơ” (“we are telling you this because you are sensitive people, because you are poets”). Có phải Nguyễn Quang Thiều đã chọn cách trả lời riêng cho anh về vấn đề này: như một nạn nhân, trở về với sự cứu rỗi?

Hỡi Chúa Trời, xin cho con được quỳ dưới chân người, xin cho con được cất lời cầu nguyện

Ngôn ngữ thơ ca chỉ biểu hiện một trong ba thứ sau đây: sự đau khổ của con người, đối thoại giữa những người đau khổ ấy, và sự thăng hoa. Tập thơ Châu thổ có nhiều yếu tố của khuynh hướng siêu nghiệm (transcendence), trong bối cảnh thiên nhiên thơ mộng và sụp đổ, vượt lên từ  chứng nghiệm cá nhân. Dịu dàng đối với cuộc đời, ít hài hước, ít châm biếm, thơ Nguyễn Quang Thiều buồn rầu nhưng không nghiêm khắc. Ở trên tôi có nói rằng, Nguyễn Quang Thiều đã chọn phương pháp thứ nhất để nói lên sự thật. Thật ra, nhiều hơn một lần, anh đã viết khác. Khi đó, anh gây ngạc nhiên ở người đọc, làm họ bực bội, như chúng ta có thể đọc rải rác đây đó.

Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
Người họ bọc kín bởi những lớp vải nâu và đen
Chỉ đôi tay, đôi chân và đôi mắt lộ ra

Anh đã giản lược hóa các nhân vật, tối thiểu hóa các xúc cảm thành hình ảnh của thị giác (khác với hình ảnh trong tâm trí), lột hết phần hồn của họ, đi rất xa về hướng hậu hiện đại, vốn không phải là trung tâm của thơ anh, ít nhất là cho đến nay. Anh là người kháng cự lặng lẽ.

*
Nhiệm vụ quan trọng nhất của một bài thơ là chỉ ra cho người đọc cách đọc nó.
Nhưng người đọc đi tìm điều gì trong thơ? Họ đi tìm sự bù đắp cho một tâm hồn thiếu sót, lời cắt nghĩa cho một vết thương, sự toàn hảo cho thế giới không toàn hảo. Họ đi tìm lại giấc mơ trong đêm bị xóa dưới mặt trời, sự tò mò hăm hở đối với vạn vật, lời an ủi trước khi nhắm mắt, bàn tay đặt lên cuộc tình lầm lỗi, sự phẫn nộ trước nghịch cảnh, tội ác. Khi những nhu cầu ấy của người đọc không được thỏa mãn, họ bỏ sách xuống, bài thơ thất bại. Họ hứa quay trở lại, nhưng bạn tin tôi đi, never, jamais. Người ta than phiền: thơ mới ngày càng khó hiểu và tối tăm.
Khó hiểu và tối tăm là hai tính chất khác nhau.
Khó hiểu là đặc trưng của thơ mới, tối tăm là đặc trưng của thơ dở. Khi một vật đập vào mắt ta, đánh thức sự lãnh đạm của người quan sát, sẽ làm bật lên sự chú ý. Sự chú ý có thể xảy ra trong chốc lát rồi biến mất, có thể kéo dài nhiều ngày, hay biến mất rồi trở lại. Khi nào sự chú ý này trở thành nỗi ám ảnh, dù đó là hình ảnh, âm thanh hay ý tưởng, lúc đó sự chú ý mới chuyển thành trạng thái khác là cảm xúc có tập trung.
Hình như cho đến nay dư luận báo chí đối với thơ Nguyễn Quang Thiều chỉ chú ý đến sự khác lạ của cách dùng chữ của anh, ví dụ:

 - Cầu thang gỗ đến giờ đau răng, rên rỉ
 - Những chân trời gập khúc xuống mùa đông
 - Những sư tử, những báo gấm, những hổ của rừng mang dáng vẻ kỳ vĩ đang mục ruỗng từ bên trong

Nhưng sự khác lạ này, ngay khi hoàn toàn thích hợp, như vẫn thường xảy ra, không phải là tính chất cốt tủy của sự làm mới. Đó là sự khác lạ của các thủ thuật tu từ, vốn có tính chất bài tập, và sẽ dễ dàng bị vượt qua bởi các nhà thơ đến sau và dĩ nhiên, trước hết bởi chính anh.  Nhưng khi sự làm mới nằm sâu hơn, như trong bài thơ dưới đây, nó sẽ gây rung động như câu chuyện được bồi hồi nhớ lại vào buổi sáng tinh sương:

 Thức dậy từ cơn mơ, cả cúc áo cũng không cài hết
 Cả tóc không kịp buộc, không kịp cả dặn dò
 Tôi và em chạy về từ hai miền xa lạ
 Qua những cánh đồng, cỏ bần bật run lên

Một giấc mơ trong một giấc mơ.
Có một yêu cầu chung đối với các nhà thơ làm mới đương thời: khả năng tự làm trống rỗng mình.
Không còn căn cước nữa.
Nguyễn Quang Thiều không viết nhiều thơ tình, nhưng hình ảnh người phụ nữ bàng bạc trong thơ anh. Anh mô tả họ với tình yêu nồng nàn và bao giờ cũng với lòng thương xót, nghĩ ngợi, với một niềm hối hận mà tôi không rõ nguyên cớ từ đâu.

    Đêm nay anh không biết em ở đâu
    Nhưng chúng ta cùng chung một cơn mưa

Đó là nghệ thuật của tính riêng tư. Khi anh nói về phụ nữ, ngôn từ tìm được sự giản dị, bộc lộ trước hết trong nhịp điệu. Thơ Nguyễn Quang Thiều có nhịp dồn dập vì anh có nhiều gánh nặng: gánh nặng của đời sống đô thị, gánh nặng của giấc mơ đầy tình yêu con người, và gánh nặng của quá khứ, của những người khác. Tôi có cảm giác anh không hoàn toàn miễn nhiễm trước một thứ gì như là sự ngưng trệ quanh anh, như vũng lầy của đời sống, nhưng anh, như một người thừa bản sắc tốt đẹp, mãi mãi, mỗi ngày, tìm cách vượt lên khỏi chúng. Gánh nặng quá khứ trong anh là gì? Đó là sự chia sẻ các truyền thống, là sự kế thừa các giá trị ngắn hạn và dài hạn do hoàn cảnh riêng. Từ rất sớm, anh đã bước đi trên mảnh đất của văn hóa đương thời, nhưng mặt khác thỉnh thoảng vẫn quấn chân vào đám cỏ dại ven đường, vốn là thứ cũng thân thuộc. Nếu phải chọn hình ảnh tập trung nhất, nỗi ám ảnh thường xuyên, tôi sẽ chọn cánh đồng và người phụ nữ.
Thiên nhiên và phụ nữ. Đó là hai mối nương tựa chính yếu của thơ anh, bao giờ cũng gắn bó mật thiết với ký ức nông thôn, với bụi bặm kinh thành, với mối thương yêu mà trời ban cho để anh sống qua những thời kỳ đen tối của trí tuệ cộng đồng. Có một quan hệ, một đường dẫn truyền về hình tượng cắm sẵn trong vùng sáng tạo, khiến chúng ta quay đi rồi trở lại, có thể đi thật xa mà không lạc đường, khi nào mối quan hệ ấy trở thành chất liệu, chúng ta thấy ngôn ngữ và ý nghĩa được sắp xếp đẹp đẽ.

 Da thịt nàng là buổi hừng đông, tóc nàng lấp lánh
 Ta không thể tin đêm qua nàng thiếp ngủ bên ta

Nguyễn Quang Thiều viết nhiều về sự khổ đau, sợ hãi, bóng tối, nhưng thơ của anh cũng đầy hạnh nguyện và tình yêu đời. Bằng cách di chuyển mau lẹ, băng qua những lối tắt, trong những bài đạt tới, anh có thể tìm kiếm lại dấu vết con đường chúng ta đi qua. Nếu đọc lại thơ anh, đọc chậm, thong thả, đặt mình vào tâm trạng người viết, tự cho phép mình can dự vào hành động của các nhân vật, chúng ta có khả năng nhìn thấy cánh cửa, những cánh cửa khác nhau, trong một bài thơ của anh. Khác với nhiều người hiểu, đọc thơ không phải là một hành vi thụ động, đọc là quá trình vận động, một hành vi có chủ ý. Thơ mới ngày nay cần nhiều sự can dự của người đọc, vì bài thơ bao giờ cũng là gợi ý, là dàn bài, là sự phóng chiếu của các cuộc đối thoại lẽ ra đã có thể xảy ra, điều mà anh muốn nói và điều mà anh thực sự đang nói, điều mà chúng ta đọc và điều mà chúng ta thực sự muốn đọc, bởi vì bài thơ không đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng, như nơi ngã ba đường người bộ hành hoang mang lựa chọn. Người đọc phải đi qua ngã ba ấy nhiều lần, lắng nghe, nhìn ngắm, tìm kiếm, đặt câu hỏi với văn hóa đã mất, nương tựa vào bài thơ để thăm dò sự im lặng, phá vỡ sự im lặng, quay về với im lặng, tìm đường trở lại mái nhà xưa, đôi khi bằng cách dấn bước về phía tương lai.
                                                                                                                                                 Nguyễn Đức Tùng
                                                                  Vancouver, Phục sinh 2012

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

ĂN CƠM VIỆT NAM

Có hai yếu tố chính tạo thành món ăn của mỗi dân tộc trên thế giới: sản phẩm có sẵn trong nước và nền văn hóa chính của người dân trong nước ấy. Tuy nhiên, mỗi nước có nhiều vùng khác nhau về địa lý, chất đất, khí hậu, lượng nước, và sinh vật (thú vật và cây trái) khiến cho mỗi vùng trong nước có thể có những sản phẩm địa phương khác biệt.  Đồng thời, người dân sống trong một vùng có thể có một nền văn hóa riêng tư trong vùng ấy.  Những yếu tố này khiến xuất hiện những "món ăn vùng" đặc biệt tại những vùng trong cùng một nước.
Ở Việt Nam, quan niệm về "vùng" và "văn hóa trong vùng" được thấy rõ trong 10 "món cơm" khác nhau dưới đây.  Mỗi "món cơm" gồm có cơm - có thể được nấu theo những cách khác nhau - và những "món ăn" đi kèm với cơm để tạo thành "món cơm" thật "đẹp," thật "ngon miệng," thật "địa phương" và thật "văn hóa vùng." 

1. Cơm lam


Cơm lam là loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre, giang, nứa v.v. và nướng chín trên lửa.
Cơm lam bỏ trong những ống tre, đốt trực tiếp trên lửa, khi ăn chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài. Cơm lam ăn ngon, lạ miệng, hương vị khác hẳn cơm thường, chỉ cần bỏ ống cơm ra đó thấy mùi thơm rất hấp dẫn. Bẻ miếng cơm lam, chấm muối vừng hoặc muối lạc cho vào miệng, ta sẽ thấy ngon, thơm, dẻo, rất đậm đà, ngoài hương thơm của gạo nếp còn thoảng hương vị thơm thơm của nứa rừng qua lửa.
Cơm Lam là món cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam, Tây Nguyên.

2.Cơm niêu đập


Theo văn hóa của người Việt cho rằng nồi đất là nồi nấu ăn ngon nhất. Gạo Tám mà nấu bằng nồi đồng hoặc bằng các thứ nồi khác đều không thể có hương vị như nấu bằng niêu đất.
Cái niêu đất nung nâu sẫm be bé, miệng hơi khum to hơn tô canh một chút đậy nắp kín với đôi đũa cả gác một bên. Ăn cơm đập ở các nhà hàng, khi niêu cơm được bê lên, người phục vụ mới gõ nhẹ chiếc búa nhỏ vào niêu, những mảnh đất nung vỡ vụn rơi xuống đất còn lại trên tay là ổ cơm chín mịn màng ở giữa nhưng chung quanh là một lớp cháy ròn đều vàng mỏng.
Thường, cơm niêu được ăn kèm với cá kho tộ, cà pháo chấm mắm tôm, canh cua mồng tơi... 

3. Cơm cháy Ninh Bình


Tương truyền, cơm cháy Ninh Bình được hình thành hơn 100 năm (từ cuối thế kỷ 19), do một chàng thanh niên người Ninh Bình tên là Hoàng Thăng học được và phát triển từ một món ăn của người Hoa, sau đó mở rất nhiều tiệm ăn ở Hà Nội lẫn Ninh Bình. Từ đó món cơm cháy được lưu truyền, phát triển và trở thành một đặc sản của vùng đất Cố đô.
Để làm món cơm cháy thơm ngon, người Ninh Bình dùng gạo nếp hương, chọn hạt gạo tròn và trong để nấu. Khi nấu phải nấu bằng than củi và dùng nồi gang thì mới có miếng cơm cháy vàng thơm, vừa dẻo vừa ngon. Cháy lấy ra từ nồi mang ra phơi từ hai đến ba nắng. Cơm cháy cần được bảo quản nơi khô ráo, tuyệt đối tránh ẩm mốc, lúc gần ăn thì mới mang ra chiên giòn. Nếu chiên để qua buổi hay qua ngày thì cơm đều bị hôi dầu, ăn sẽ không ngon.
Ăn cùng cơm cháy có thể là thịt bò, tim, cật lợn xào với các loại rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua... ăn đến đâu, chan lên miếng cơm cháy đến đó. Miếng cơm kêu xèo xèo, bốc khói, toả ra mùi thơm. Khi ăn, cơm giòn tơi, chứa nhiều hương vị của món ăn thập cẩm nóng sốt mà đậm đà. 

4. Cơm hến Huế  


Người Việt Nam bao giờ cũng ăn cơm nóng, còn cơm hến của xứ Huế lại được chế biến từ cơm nguội đánh tơi nhưng cơm hến được nấu từ thứ gạo ngon nên mềm dẻo. Ăn cơm hến tưởng như là một món trộn với những nguyên liệu phong phú mà đơn giản như cơm nguội cùng hến luộc, nước hến, hoa chuối thái rối, khế chua, rau răm...
Cơm hến hòa cùng vị bùi của đậu phộng, vị cay của ớt, vị đậm đà của mắm ruốc, tạo nên một món thanh đạm.
Cơm hến là món ăn cay, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi. Cơm của cơm hến là cơm nguội, mùi ruốc mặn nồng thơm nức mũi, vị chua thanh của khế, mùi thơm ngây ngất của rau thơm, chuối bắp, bạc hà, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ, vị cay đến xé lưỡi, đến phỏng miệng của ớt tương... Người ăn cơm hến đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có, còn cắn thêm trái ớt tươi" rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon của cơm hến.

 5. Cơm Âm phủ Huế


Cơm Âm phủ là một món ăn có từ lâu đời của đất cố đô, rất đậm "chất Huế" gồm nhiều nguyên liệu tạo thành, đa màu đa sắc nhưng lại rất bình dân. Cái tên nghe rất lạ, tạo cho thực khách vẻ "sờ sợ" nhưng lại là một món ngon độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực Huế.
Cơm Âm phủ gồm các nguyên liệu như: cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua... , cách làm cũng khá công phu. Cơm là thành phần chính nên việc chọn gạo để nấu là rất quan trọng. Để cơm ngon phải chọn gạo thơm, có chất lượng tốt.
Cơm Âm phủ có trong bốn mùa. Nếu có dịp đến thành phố Festival Huế, đắm chìm trong khung cảnh thơ mộng của nơi đây, du khách hãy thưởng thức món cơm đậm chất Huế này.  

6. Cơm gà Hội An


Chưa ăn cơm gà xem như chưa tới Hội An. Cách nói có phần cường điệu ấy có lẽ xuất phát từ lòng tự hào khi đề cập đến cơm gà - một thứ hương vị quê nhà bình dị, khó quên của người dân phố Hội.
Cơm gà đơn giản là cơm nấu ăn với gà luộc nhưng cái đặc sắc là những yếu tố trong món ăn bình dị này như cơm, gà, nước chấm, đồ chua ăn kèm đều mang hương vị, phong cách ẩm thực rất riêng của miền Trung.
Cái đặc biệt của món cơm gà xứ Hội bắt nguồn từ nét riêng của cách chế biến thịt gà theo "gu" miền Trung, nghĩa là gà xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị. Cái khéo của người làm là khiến miếng thịt mang thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bở thịt và mất mùi gà.
Nước dùng gà được dùng để nấu cơm nên hạt cơm không trắng mà ánh một sắc vàng nhẹ, căng tròn, ngọt lịm vị gà. Với phong cách nhỏ nhẹ của người miền Trung, món cơm gà được bày trong chiếc đĩa nhỏ chỉ đủ làm lưng bụng thực khách. Đĩa cơm thường trang trí thêm ít lá bạc hà, rau răm, những lát hành tây trắng nõn, tương ớt đỏ tươi, muối tiêu lấm chấm, ăn kèm với loại tương ớt sền sệt, cay xé lưỡi theo khẩu vị của người địa phương.
Có một cách khác làm món cơm gà, nhưng người vùng Tam Kỳ - Quảng Nam hay Đà Nẵng mới thường chế biến theo cách này. Thịt gà không xé sợi mà chặt thành từng miếng vừa phải, vàng ươm. Gà không chỉ luộc, đôi khi còn được chiên giòn. 

  7. Cơm Tấm Sài Gòn


                                                  Cơm tấm bì sườn chả
Cơm tấm vốn là món đặc sản truyền thống của người dân miền Nam mà đặc biệt là người Sài Gòn. Xưa kia, người dân thường sử dụng món ăn này trong bữa sáng, vừa đơn giản mà thuận tiện. Nhưng nay, món cơm tấm độc đáo này được dùng trong nhiều cửa hàng, quán xá, nhà hàng, khách sạn như một món cơm chính trong bữa trưa, tối...
Cơm tấm là món ăn độc đáo bởi lẽ đây thứ cơm được nấu từ những hạt gạo vỡ nhỏ, vụn. Những mảnh hạt gạo vỡ được sàng riêng và nấu chín lên bằng bếp củi.
Cơm tấm có hương vị thật nhẹ nhàng nhưng rất đặc biệt và hấp dẫn người thưởng thức. Một đĩa cơm tấm ăn kèm với sườn, bì, chả, trứng và nước mắm sẽ khiến cho các vị giác của bạn phải trầm trồ bởi vị ngon mà không ngấy.

8. Cơm Dừa Bến Tre


Xứ dừa Bến Tre không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm kẹo dừa, rượu dừa, qua bàn tay tinh tế của người dân nơi đây biến món cơm dân dã hằng ngày trở thành một đặc sản lạ lẫm với người ăn bằng món cơm dừa.
Nấu cơm dừa cầu kỳ. Để được món cơm dừa ngon phải mất gần hai giờ đồng hồ. Những trái dừa xiêm được cắt ngang một phần trên đầu quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy lại. Gạo ngon vo sạch bằng nước rồi sau đó vo lại nước cuối cùng bằng nước dừa, để ráo nước. Cho gạo vào trong trái dừa rồi đổ lượng nước dừa vào vừa đủ, đậy nắp lại cho kín.
Cơm dừa nấu với nước dừa được hấp cách thủy trong nồi nên hương thơm, vị ngọt đều kết đọng lại trong mỗi hạt cơm. Khi cơm chín hơi ngả màu vàng nhạt do bị thấm hơi dầu từ cơm quả dừa. Cơm dừa ăn có vị beo béo nên ăn nóng mới ngon.
Cái thú khi ăn cơm dừa là ăn trực tiếp trên trái dừa, không phải ăn bằng chén. Với trái dừa xinh xắn trắng ngà, mùi thơm của dừa hòa quyện cùng làn khói bốc lên làm cho tất cả các giác quan đều hưởng trọn vẹn hương vị của món ăn.

 9. Cơm Nị


Cơm nị một món ăn truyền thống của người Chăm, Châu Giang, An Giang. Cơm nị thường là gạo nấu với sữa nhưng có người lại thích thêm nho khô vào để tăng thêm khẩu vị.
Người Chăm hay ăn Cơm nị với cà púa là món ăn được chế biến từ thịt bò rất độc đáo. Hai món ăn này thường bổ sung cho nhau tạo nên hương vị độc đáo và cầu kỳ mang khẩu vị người Chăm.
Cơm nị - cà púa mang mùi ngọt béo của sữa, vị bùi của đậu phộng, vị mặn ngọt của thịt bò cùng với vị cay xè của ớt, vị ngọt của nho khô làm ngẩn ngơ lòng thực khách. Tất cả đem lại cho người ăn một cảm giác thơm ngon, thật lạ miệng, no bụng mà chẳng thấy ngán.

10. Cơm Ghẹ Phú Quốc


Cơm ghẹ là món ăn ngon, giàu chất đạm, vị lạ đặc trưng rất ấn tượng và cũng rất khó quên khi đặt chân đến Phú Quốc.
Thành phần chính của cơm xào ghẹ Phú Quốc là cơm trắng, thịt ghẹ bóc sẵn, hành tây xắt lát mỏng, tỏi, ít tương cà vàng, dầu ăn. Thịt ghẹ khoảng 300g bỏ vào chảo xào sau khi phi tỏi vàng cùng với hành tây, cơm trắng khoảng một ký cho năm người dùng. Tương cà giúp cho món ăn có màu sắc đẹp, nêm gia vị vào để có hương vị ngon, khi chế biến cũng thể dùng hạt nêm Knorr thay thế cho gia vị.
Cơm xào ghẹ Phú Quốc khi chế biến có màu vàng ươm của tơ vàng óng ánh rất đẹp. Cơm khi xào xong được ăn kèm với dưa leo xắt nhuyễn, rau tươi, cà chua xắt lát dùng với nước mắm pha chế sẵn

                                                  Theo Yeudulich        

                                     
                                                                         

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

DÁNG XƯA


    


DÁNG XƯA
(Cảm đề "Dáng ai" thơ VTT)                                      

Em đi gót nhỏ kiêu sa                                  
Nghiêng che vành nón, nắng pha má hồng                                  Se se bấc lạnh chớm đông                                 
Chân chim nhẹ bước gió bồng tóc em                                       

Dáng xưa tóc mượt cài trâm                                 
Lòng gương ý lược em thầm mơ ai?                                        
Ờ, em kiều diễm trang đài                                 
Để ta xanh mộng dệt hoài tương tư                                        

Gởi hồn theo với ngàn mây                                 
Dáng xưa thoáng hiện vơi đầy trời mơ 
Chừ đây sóng đã xa bờ                                 
Nụ tình ươm thắm hoá thơ tặng người

                                              La Thụy                                  

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

CÁI HỘP GIẤY


Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị, hiện là bác sĩ - nhà văn sống ở Canada. Anh làm thơ, dịch thuật, viết phê bình rồi đăng tải trên các trang mạng và các tạp chí văn học trong và ngoài nước. Thơ Nguyễn Đức Tùng thâm trầm và giàu chất suy tưởng về sự vật, hiện tượng và con người xung quanh. Năm 2009, anh công bố cuốn sách “Thơ đến từ đâu” - trước đó đã đăng dài kỳ trên Talawas, bao gồm những bài phỏng vấn các nhà thơ đang sống ở trong nước và ngoài nước về thơ Việt mà đã được đăng rải rác trên các trang mạng văn chương. Cuốn sách ngay lập tức đã trở thành một hiện tượng văn học trong năm đó, và được thảo luận sôi nổi giữa các nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu.
             La Thu xin giới thiệu tu bút CÁI HỘP GIẤY  mà  anh vừa mới gửi qua  email. 
                                                                                        

                                  CÁI HỘP GIẤY
                                                                  Nguyễn Đức Tùng


        Vừa lái xe ra khỏi siêu thị đông đúc ồn ào chiều cuối tuần, hai ngày trước lễ Giáng sinh, đang lúng túng, tôi giật mình nghe tiếng kêu của một gã lái xe chạy vụt qua. Không hiểu hắn ta nói gì, đoán là tiếng chửi thề của bọn thanh niên nóng tính. Trời cuối năm lạnh căm căm, mọi vật sáng lên một lúc như vẫn thường thấy khi bắt đầu đổ tuyết, sáu tháng sau khi tôi lấy bằng lái xe, một năm sau ngày đến Canada. Chạy thêm một quãng, lần này một chiếc xe khác ghé sát vào, chậm lại, cô gái ngồi ghế trước bên phải quay hẳn kính xuống, la: Cái hộp! Cái hộp của mày trên trần! Tóc cô quấn cao, môi son đỏ mọng.
         Tôi giật mình tạt vào lề. Quả nhiên một cái hộp giấy vẫn còn nằm yên trên trần xe.
         Đó là cái hộp không.
         Hồi ấy bà con thường dùng những hộp giấy cứng để đóng thùng gửi quà về Việt Nam. Những người muốn giúp đỡ gia đình hay gặp rắc rối trong việc gửi tiền mặt, phần vì hệ thống chuyển tiền chưa thuận tiện như bây giờ, phần vì sự phản đối trong dư luận. Cách tốt nhất là gởi thuốc Tây, lý do nhân đạo, vẫn dễ hơn. Ngày nghỉ cuối tuần, thay vì đi câu cá hay đi nhảy đầm với bạn bè, uống bia trong các pub house, tôi cặm cụi vào hiệu thuốc tìm mua đủ loại, nhét đầy hộp. Đối với kháng sinh và thuốc đặc biệt, tôi phải đến bác sĩ để xin toa vì không thể mua ngoài thị trường. Những thứ khác, nhất là dầu khuynh diệp xanh lá cây hiệu con Ó, thơm nồng, cay mắt, tôi mua tự do. Cứ mười ve dầu đóng gói trong một hộp lớn, cũng màu xanh. Tôi mua sẵn để dành, gởi lần hồi. Người nhà tôi bị bệnh gì mà phải dùng đến kháng sinh, thuốc hồi dương, steroids, thuốc nấm móng tay, trị lao phổi, chống ung thư nhiều thế?
           Họ chẳng có bệnh gì cả. Mà nếu bệnh, họ cũng chỉ uống thuốc rễ cây, uống nước rau má, xông hơi lá chanh lá sả ngoài hè, chứ chẳng hề dám nghĩ tới thuốc Tây sang trọng. Đến tay người nhận, chỉ vài ngày sau thùng thuốc đã nằm ngoài chợ trời. Ôi chợ trời. Tôi đã đi qua Hàm Nghi, dọc đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Gia Long, chợ Cồn Đà Nẵng, Hố Nai, Tây Lộc Huế, Đông Hà. Ở đâu chợ Trời cũng nhộn nhạo, vui vẻ, nhớp nháp, vừa héo vừa tươi. Ngươi đã nuôi sống bao nhiêu người khốn khó, cưu mang nhiều kiếp lạc loài. Bao người lương thiện nhờ ngươi mà sống sót, bao kẻ lưu manh nhờ ngươi mà thành quý tộc.
           Xếp hàng bưu điện cuối năm đông người, vật lộn với những thùng giấy, những sợi dây bện, những cuộn băng keo đến toát mồ hôi, luống cuống cân đo, bị cô nhân viên mặt đầy mụn trứng cá khó đăm đăm trả đi trả lại vì ghi sai địa chỉ, trả tiền lệ phí, ra khỏi bưu điện trong siêu thị tôi thở phào mừng quýnh. Nghĩ đến những người thân bên kia biển Thái Bình sắp nhận thùng quà của mình, tôi vui quá nên quên trước quên sau. Nghĩ đến quang cảnh tòa nhà Bưu điện Sài gòn sơn xanh cũ kĩ nhưng uy nghi, duyên dáng, với đàn chim bồ cây trắng bay lượn mỗi chiều khi mưa vừa tạnh. Mặt bàn cà phê nhỏ xinh có mùi hành tỏi, mùi tương ớt của tô bún ốc ai vừa bưng đi. Nhớ người thiếu nữ sinh viên sư phạm mái tóc đen tuyền thả ngang vai, nhà ở gần đường Lạc Long Quân, chiều chiều đạp xe dưới hàng cây sầu đông qua trường đua Phú Thọ, về quận mười một, sắp nhận được cục xà phòng Camay thơm thơm, gói thật kỹ, nhét trong hộp thuốc tây, tôi sướng rơn người, tay run lên.
           Rồi lan man nghĩ đến bức thư nhận được tháng trước của đứa cháu gái, con đầu lòng của ông anh họ đi tập kết. Hai vợ chồng anh tôi có bốn đứa con nhỏ, nó là đứa lớn nhất, mười ba tuổi, đứa em nhỏ mới sinh. Thư kể: bốn tháng nay nhà cháu không có cái ăn. Em bé mới sinh, mẹ khắt sữa không có gì bú, tối nào cũng khóc đến kiệt sức, cháu dỗ mãi mà nó không nín. Con bé đi học về liền ném cặp sách, xắn quần lội ruộng, mò cua bắt óc, nhưng trời nắng hạn, bùn khô quánh lại, có gì ăn được thì thiên hạ đã bắt hết. Anh tôi hình như là trưởng phòng công nghiệp huyện. Anh than: sắp sụp đổ rồi em ơi. Đó là những năm tám mươi. Đọc thư, tôi thương các cháu quá.
         Và nghĩ đến mẹ tôi ở Nhan biều, chiều chiều ngồi dưới gốc cau già bên hiên duy nhất còn sót lại sau chiến tranh, giữa giàn lá trầu cả gió rụng sớm, đổ vàng. Tôi lấy cái hộp giấy nhân tiện ném vào băng ghế sau rồi tàn tàn lái đi tiếp. Đang mở cassete trên xe nghe tiếng hát Hương Lan Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, sau một khúc quanh, lại nghe tiếng một người lái xe hét lớn: Cuộn băng! Cuộn băng keo của mày! Tôi hấp tấp dừng xe lần nữa, bước xuống coi đi coi lại, thì ra sau khi lấy cái hộp trên trần tôi vẫn còn sơ ý để quên cuộn băng keo lớn, khá nặng, ở trên mui phía sau. Cuộn băng keo màu xám, trong vắt, nằm ở đó lửng lơ nhưng không rớt dù xe đã chạy cả giờ đồng hồ, như một người hành khách lên trễ xe đò sợ bị đuổi xuống liền cố sức bám chặt vào mặt thép trơn, lạnh.
           Thỉnh thoảng trên đường ta nghe một người lái xe hét lớn: Nắp xăng! Nắp bật ra! Dành cho một người lái xe có chuyện vội vàng quên đóng nắp xăng, mùi xăng bốc ra nửa thơm nửa gắt ngạt mũi. Và khi chiều về, mặt trời tắt sau núi, bỗng nghe một người lái xe khác chạy vút qua vui vẻ kêu lên: Ly cà phê! Ly cà phê trên trần! Có thể đoán kẻ lái xe là một người đãng trí, bị bệnh mất ngủ, thường uống cà phê, vì cái ly còn nóng. Hoặc lúc ấy hắn ta đang thất tình? Hay đang bâng khuâng nhớ nhà, nhớ nước, tưởng tượng đạp xe qua thong thả dưới hàng cây sầu đông hoa nhỏ tím một người muôn năm cũ, mái tóc ngang vai thơm xà phòng Camay, hay cánh tay để trần thoảng mùi dầu khuynh diệp?
                                                                                        Nguyễn Đức Tùng
                                                                                      bachnguyen@shaw.ca