BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

BÂNG KHUÂNG CÙNG NỖI NIỀM NẮNG MƯA - Phan Quỳ


       

BÂNG KHUÂNG CÙNG NỖI NIỀM NẮNG MƯA

Đã qua rồi những ngày nắng rát và bây giờ là mưa sâu. Mưa nhiều lắm. Mưa như trút nước vào lòng người xối xả. Mưa đan dày cả màn trời như che kín nỗi chờ mong. Cây cỏ ngại ngần chịu đựng, rạp mình dưới từng hạt nặng mà nghe đầy nhớ thương làn nắng ấm hôm nao.

Thế đó, con người và vạn vật cùng đổi thay với trời đất bất chợt hay quy luật bốn mùa thì cũng khó khăn nhiều phải trải.

Ta đi qua một ngày để rồi hoài vọng thêm một chút. Ta mong bình yên trong tâm tưởng như cầu an hoà cho trời đất ngoài kia.

Ta đi qua một giờ để nuối tiếc thêm thật nhiều. Một lần vui cho ta niềm tự tin hơn với đời, với mình. Một lần buồn mang lại nhiều ngậm ngùi chua xót cùng thế nhân.

Có thể nào ta lý giải được hồng trần với muôn nỗi đa đoan? Dẫu biết thế ta vẫn hoài trăn trở băn khoăn. Một tấm chân tình rộng mở có đến đc với người vô tâm, Ta chờ đợi gì cho dài thêm sâu thẳm chờ mong?

Ta vẫn mãi phân vân giữa hoài nghi và thấu đạt. Con nước xuôi dòng và thân phận lững lờ trôi. Trong im vắng ta nghe như lời thầm gọi, ta lần tìm trong ước vọng xa xôi...

                                                                                          Phan Quỳ

ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN THƠ ĐỖ TƯ NGHĨA CỦA MỘT NGƯỜI HỌC TOÁN - Hồ Sĩ Khang


       
                          Tác giả Khang Hồ


           ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN THƠ ĐỖ TƯ NGHĨA 
           CỦA MỘT NGƯỜI HỌC TOÁN
                                                                     Hồ Sĩ Khang

Cuộc sống hôm nay có những điều kỳ diệu, nhất là với những người thích sống một mình hoặc vì điều kiện khác, họ không thể tiếp xúc được với những con người thật trong cuộc đời. Nhưng chỉ cần có internet họ có thể kết nối với vạn vật. Tôi là một trong số đó. Trong thế giới điện tử này tôi gặp nhiều người bạn và đọc rất nhiều thơ của họ. Thơ của họ hay, mỗi người mỗi cảm xúc.
Tôi đã bắt gặp một Phan Quỳ với tâm hồn rất lãng mạn nhưng phảng phất một sự  mỏi mệt cùng thân xác, tôi  thấy một  “con ong thợ ” Hoàng Chẩm miệt mài làm thơ, đếm đong cảm xúc, chắt lọc ngôn từ rất hay. Một Liên Hưng có những giây phút thăng hoa bay bổng. Một nhóm Sông Quê với tháng ngày hoài niệm, cứ đến hẹn lại lên trên lối cũ ta về. Còn nhiều nữa…

CƠN LỤT THÁNG MƯỜI - Đinh Hoa Lư






Lời dẫn :
Mỗi độ nước lụt về ngang thành phố Quảng Trị, mặt hồ bao quanh Thành Cổ tràn đường Duy Tân, Lê thái Tổ, Phan đình Phùng, Lê văn Duyệt. Thành phố Quảng Trị xưa có các đồng ruộng Thạch Hãn phía Nam, Quy Thiện phía Đông, Hạnh Hoa Cổ Thành phía Bắc. Mỗi lần lụt tràn Thạch Hãn, nước thuờng theo nhánh sông Vĩnh định băng qua cầu Rì Rì tràn vào đồng Cổ Thành Hạnh Hoa đầu tiên. Cái đập Rì Rì không bao giờ ngăn được múc nước. Riêng về con đường Gia Long, còn gọi là đường Bờ Sông, chạy nắp theo thành phố Quảng Trị thường bị lụt tràn qua, có khi vào đến Chợ. Cầu Ga coi vậy nhưng rất kiên cố, chưa bao giờ bị nước lụt cuốn trôi, ngoại trừ sụp đổ do cuộc chiến 1972 thôi.

Sau 1975 lụt không còn vì sông Thạch Hãn bị ngăn làm một cái đập có tên là Đập Trấm. Tuy vậy lụt vẫn xảy ra được nếu người ta xả lũ theo cách của thời sau này. Đây là nạn lụt do người tạo ra. Còn những trận lụt thiên nhiên do 'trời làm ra' thì chỉ còn trong ký ức của người QT, những "Cơn Lụt Tháng Mười" như tựa đề của người viết vậy.

Bài này tuy đã đăng, sau khi được hiệu đính và tái đăng để gửi đến bạn bè của người viết từng lớn bên những con đường thân quen xung quanh ngôi THÀNH CỔ.

                                                                Đinh Hoa Lư (15/4/2015)

MONG SAO ÁP THẤP CHÓNG TAN …! - Thơ Văn Thiên Tùng


   


MONG SAO ÁP THẤP CHÓNG TAN* …!

Mưa rả rích hạt vơi hạt nhặt
Gió rì rào lay lắt vần mây
Những điều gì đến nữa đây
Chớ đừng như những tháng ngày hạ vơi

Nắng lửa thiêu đất trời bỏng cháy
Nước kiệt dòng đâu đấy cạn khô
Nguồn gềnh thác đập đáy trơ
Cỏ cây khát nước xác xơ đợi chờ

Tháng sáu về mong nhờ thu ẩm
Thèm giọt ngâu tưới tẩm thế trần
Tưởng rằng tiết khí tới gần
Mưa hòa gió thuận mây vần nắng xao

Có ngờ đâu ào ào sóng gió
Áp thấp vần sau đó bão vô
Từng cơn đổ bộ vào bờ
Thượng nguồn lũ quét đồi trơ bãi bồi

Tình nhân thế bao nơi khốn đốn
Thiên đà gieo chẳng chốn nương thân
Mới qua thu đã bao lần
Bốn cơn bão tới bấy phần lụy bi

Bắc - Tây Bắc chẳng khi nào ngớt
Bấy hoàn lưu tiếp rớt xuống đây
Trung bộ đồng cảnh vạ lây
Lũ lùa lốc cuốn bấy ngày khổ thay

Ôi ! Thiên họa… đọa đày nhân thế
Cứ đùng đùng đâu kể nguồn cơn
Kéo mưa đẩy gió trút hờn
Biển đông sóng dậy từng cơn bão gầm

Bấy ngày rày ì - ầm sấm gió
Áp Thấp đôi vần võ ngoài khơi
Mong rằng bão tố vơi vơi
Đừng gây thêm lắm cảnh đời tang thương.

                        Mai Vân Văn Thiên Tùng
                                    04/9/2019

* Áp thấp kép nguy cơ hình thành cơn bão số 5 hướng đổ bộ vào Trị - Thiên hoặc Đà Nẵng.Nhưng sau đó nó đồng quay lưng ra lại biển Đông.

CHÙM THƠ KHÓC CON (2) - Thơ Phạm Ngọc Thái


       
                    Phạm Ngọc Bảo
               (7.3.1992 - 22.7.2019)


RU CON
                              
Muốn nhắn nhủ gì với cha không ?
Giữa trời đất rộng, gió mênh mông
Không sao ngăn được dòng nước mắt
Xót đứa con trai sụp đáy lòng.

Đã mấy mươi ngày, con đi xa    (*)
Hỡi ôi ! Vũ trụ vẫn bao la
Ngẩn ngơ bố tưởng không chỗ đứng
Còn bao nhiêu việc phải cần cha ?

Nên đành gắng sống đó, thôi con !
Lo cho đầy nghĩa chốn trần gian
Thêm việc dìu con vào Đất Thánh
Sống mãi cùng cha với nước non.

Coi con đã trọn bổn phận rồi
Hãy đi thanh thản nhé, con ơi !
Quan Âm rước con về ở tạm
Đợi lúc cha lên... xếp chỗ ngồi...

Từ nhỏ con có đôi tai Phật
Họ hàng thường hay nói đùa chơi
Ai ngờ Thánh đón con đi thật
Nay con cũng đã hết kiếp người.

Sống đây mà bố ngỡ chiêm bao
Lòng cha xâu xé... chửa hết đau...
Chỉ tiếc cõi người con ngắn quá
Đang tuổi xuân xanh, hồn bay cao

Viết mấy dòng thơ mặc máu trào
Con nghe tiếng mẹ võng ru theo
Cha dắt con đi như hồi nhỏ
Sang đền Quán Thánh thắp hương kêu...

                                 Phạm Ngọc Thái
                                       31.7.2019

  (*) Sửa "mấy mươi ngày" là để thời gian con mất hợp với khi đăng. Còn lúc viết bài thơ này, con mới đi được đúng 9 ngày.

VÌ NGHĨA VỢ CHỒNG, VÌ TÌNH MẪU TỬ CỦA CON MÀ MỞ LÒNG ĐỘ LƯỢNG - Hạ Vinh Thi



           
               Tác giả Hạ Vinh Thi


VÌ NGHĨA VỢ CHỒNG, VÌ TÌNH MẪU TỬ CỦA CON MÀ MỞ LÒNG ĐỘ LƯỢNG, HÙNG À.

Dọn tủ sách, thấy bài tôi tham gia làm "quân sư quạt mo" ở mục tâm sự trên Express.net: VỢ TÔI NGOẠI TÌNH VỚI NGƯỜI NHIỄM HIV (15/07/2007), chia sẻ để mọi người cùng đọc.

Hùng mến!

Tôi đọc những dòng tâm sự của bạn (Tôi đoán bạn chỉ trên dưới 30 tuổi), thấy đắng lòng vì cuộc sống sao có nhiều oái oăm, nghiệt ngã đến vậy!

TẢN MẠN VỚI BÀI THƠ “SAO BÁC CHÊ THƠ TUI?” CỦA NGUYỄN KHẮC PHƯỚC - Châu Thạch


      
                  Nhà văn Nguyễn Khắc Phước  
     

SAO BÁC CHÊ THƠ TUI?
(Đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Cười và trang web Đất Đứng)

sao bác lại chê thơ tui?
một người về hưu vẫn còn chút trí
chút lương còm nhưng tâm không hoen rỉ
bác gáy tồ tồ tui cũng đập cánh cho vui

chim bay ngang trời diều bay tới bay lui
lá chanh ướp thịt gà lá mơ ôm thịt chó
kéo cày bò to chịu thui bê nhỏ
pi-a-nô là đàn tơ-rưng gọi là chi?

nếu rượu bác ngon tui uống vài ly
mồi tui xoàng vẫn chưa đồ bỏ
rim nhật rim tàu ra đường em ngó
vi vút dập dìu em biết mê ai?

thơ tui đang gói miếng khô nai
đốt lên nướng mùi nghe thơm phức
thơ bác báo đăng, xin chúc
nhuận bút đâu rồi? đi lẹ kiếm chất cay.

                         Nguyễn Khắc Phước

CHIẾC BẪY TÌNH ANH ĐẶT - Thơ Quách Như Nguyệt


       
            Nhà thơ Quách Như Nguyệt


CHIẾC BẪY TÌNH ANH ĐẶT

Anh đặt chiếc bẫy tình
Anh âm thầm dương bẫy
Anh đặt đã lâu rồi
Rất kiên nhẫn ngồi chờ
Tôi lớ ngớ vào chơi

Chiếc bẫy tình êm ái
Bằng sắt bọc cỏ nhung
Tôi rơi vào thư thái         
Nào biết khó vẫy vùng
Một khi vào chiếc bẫy
Biết khi nào thoát thân?

Anh giả vờ tới cứu
Lấy được trái tim cừu
Con cừu non ngơ ngác
Người đặt bẫy âm mưu

Chiếc bẫy tình đặt sẵn
Rình mò đã từ lâu
Anh ngấm ngầm ngăn chặn
Bít kín ngỏ quay về
Tôi vô tình chẳng biết
Nên ngây ngốc hẹn thề

Tôi rơi vào chiếc bẫy
Ngỡ thiên đàng chơi vơi
Đâu ngờ là nước mắt
Chiếc bẫy tình xiết chặt
Đau đớn đến rụng rời!

Anh là người đặt bẫy
Sao lại rớt vào đây
Sao cố tình vào bẫy
Sao cùng chịu đọa đầy?!
Anh đặt chiếc bẫy tình
Ngọt ngào anh dương bẫy
Kiên nhẫn ngồi chờ đợi
Tôi lớ ngớ vào…chơi

Kinh nghiệm anh có thừa
Trời nắng cũng như mưa
Tôi: mồi non hí hửng
Mắc bẫy buổi hè trưa

Chiếc bẫy tình êm ái
Bằng sắt bọc cỏ nhung
Tôi rơi vào thư thái
Nào biết khó vẫy vùng?

Khi rơi vào chiếc bẫy
Biết khi nào thoát thân?
Anh giả vờ tới cứu
Lấy được trái tim cừu

Chiếc bẫy tình nên thơ
Quà đẹp có thắt nơ
Nụ cười tình quyến rũ
Làm tim tôi lòa mù  

Chiếc bẫy tình anh đặt
Càng ngày càng xiết chặt
Vì yêu anh đậm đà,
nên khó thể thoát ra

Anh ngấm ngầm ngăn chặn
Bịt kín ngỏ quay về
Tôi vô tình chẳng biết
Nên ngây ngốc hẹn thề

Tôi rơi vào chiếc bẫy
Ngỡ thiên đàng chơi vơi
Chiếc bẫy tình xiết chặt
Đau đớn đến rụng rời!

Anh là người đặt bẫy
Sao lại rớt vào đây?
Sao cố tình vào bẫy?
Cùng chịu kiếp đọa đầy?!

Quách Như Nguyệt


     

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG – ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN - Nguyên Lạc


     


TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG – ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN 

                                                                                   Nguyên Lạc

Phần dẫn nhập
Trong phần Lời Kết của bài Về Nguồn Gốc Của Thơ Lục Bát [1] – tôi có viết: “Giống như một số người cố tình cho Đoạn Trường Tân Thanh là truyện thơ diễn dịch từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên China mà ra, sao không nghĩ ngược lại?”. Rất nhiều người, kể cả các trường đại học, trung học Việt Nam đã cho rằng thi hào Nguyễn Du dựa theo cốt truyện một tiểu thuyết chương hồi, bằng văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân bên China để viểt ra Đoạn Trường Tân Thanh. Thí dụ:

[ … Nguyễn Du viết dựa theo cốt truyện một tiểu thuyết chương hồi bằng văn xuôi của Trung Quốc có tên là Kim Vân Kiều truyện (truyện về Kim Trọng Thúy Vân Thúy Kiều) của một tác giả hiệu là Thanh Tâm Tài Nhân. Trong thời đại của Nguyễn Du các nhà thơ sáng tác thường dựa theo một tác phẩm của Trung Quốc như thế. Nói chung Nguyễn Du dựa khá sát vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân khi viết lại Truyện Kiều: Cụ thể là những nhân vật trong Truyện Kiều của ông đều là những nhân vật lấy từ Kim Vân Kiều truyện; những tình tiết biến cố cốt truyện trong Truyện Kiều hầu hết đều có trong KIm Vân Kiều truyện…] 
 [Trường THCS Nguyễn Viết Xuân- Thị xã An Khê- Tỉnh Gia Lai]

Xin ghi thêm vài lời của ông GS “bạn vàng phương Bắc” Đổng Văn Thành:

“So sánh truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam” trên “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng” GS. Đổng Văn Thành – China cho rằng: “Nguyễn Du chẳng những chỉ mượn đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc mà dường như bê nguyên xi […] Nguyễn Du không có bất kỳ một sáng tạo mới nào, chỉ chuyển thuật khá trung thực nội dung tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân…” 
[ Theo Phạm Tú Châu “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”]

Thêm nữa, mời các bạn đọc những lời này:

 “Thế nhưng chẳng những bài viểt trên mạng, sách giáo khoa của các vị TS, PTS Giáo sư Việt Nam ta đọc đều thấy viết đại để: Nguyễn Du đã vay mượn cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên China, diễn dịch ra quốc âm dưới dạng thơ lục bát, sáng tạo ra truyện Kiều. Nguyễn Du là thiên tài của nước Việt đã biến một tiểu thuyết “tầm thường” trở thành một tác phẩm thi bất hủ.

Biết bao lời ca ngợi Nguyễn Du, trên cơ sở khen ông nhào nặn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân bên China. Thực ra những lời khen đó là sáo rỗng, vì những người viết như thế vô trách nhiệm với văn hoá dân tộc đã đành; đồng thời, trong những lời ca ngợi đó đã kết tội Nguyễn Du “đạo văn”, tức là mượn cốt truyện người ta mà giấu. Mặt khác các vị cho rằng Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là tiểu thuyết tầm thường mà sao từ năm 1926, tên tác phẩm và tác giả đã đưa vào “văn học sử Trung quốc” và đến 1984 đến nay nó lại át cả Hồng Lâu Mộng China? Các vị không thấy có cái gì là lạ ở đây sao? Có bao giờ các vị đặt một câu hỏi liệu China có định chiếm đoạt văn hoá như đã, đang và sẽ chiếm cho được lãnh thổ người Việt không?”

Có vị bào chữa rằng ta mượn cốt truyện thì có gì phải tự ái, miễn là về mặt tư tưởng và nghệ thuật truyện Kiều đạt tới đỉnh cao là tự hào rồi! Nghĩa là trong thâm tâm những vị đó vẫn cho rằng Nguyễn Du đã đạo văn và đạo văn chẳng có gì xấu hổ. Còn tư tưởng thì hệt tiểu thuyết Kim Vân Kiều chứ khác chỗ nào mà gọi là cao hơn? Nghệ thuật cao hơn ư? Cao là cao đối với thơ Việt Nam.

Nói cho cùng là: Nguyễn Du đã đạo văn và diễn truyện Tàu bằng thơ rất hay đối với người Việt. Người Việt tự hào về điều đó.! Thử hỏi người nước ngoài mà nghe kết luận như vậy thì có cười vào mặt người Việt không? Có là nỗi tủi nhục cho quốc hồn và quốc sĩ của ta không?
                                                                      [Viết theo lời Lê Nghị]

ĐỌC “KHÔNG KHÓC Ở ĐÂY” THƠ TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG - Châu Thạch


       Nhà thơ Trương Đình Phượng


KHÔNG KHÓC Ở ĐÂY…

1.
suỵt. im lặng.
không khóc ở đây

2.
ngủ quên rồi những miền não bộ
hãy để yên tôi khâm liệm hồn thơ.
sáng hôm nay
tôi đã thấy những màu hoa đột tử
trên ngọn đồi có ngôi nhà hoang phế
đan dày rêu mưa

3.
suỵt. im lặng.
không khóc ở đây
đã đến lúc một cộng một chẳng bằng hai
mà bằng ba hay bốn hoặc vô hạn
kiếp người.
người lao công già vừa đem đi những quan tài chứa đầy linh hồn rác thải
cùng xác một con chuột bị cán nát đêm qua
phố trở lạnh
những thằng bé đựng giấc mơ ấm vào tà áo mỏng tanh
cơn gió bấc thốc ngang khe sườn
gầy rược
cướp đoạt hình hài hi vọng.
suỵt
không khóc
ở đây.

4.
hãy để yên tôi xây những nấm mồ
đời chúng ta sầu hơn những phố hoang.

                          Trương Đình Phượng

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

TÌNH BẠN, TÌNH THƠ TRONG CƠN SAY - Đoàn Minh Lợi


                
                           Tác giả bài viết Đoàn Minh Lợi


   TÌNH BẠN – TÌNH THƠ TRONG CƠN SAY
                                                                Đoàn Minh Lợi

                    (Viết tặng anh Lương Minh Vũ)

Tôi gặp Lương Minh Vũ trong đám giỗ đứa cháu ruột. Gặp anh tôi buột miệng phẩm bình bài thơ “Đêm say cùng La Thụy” của anh. Nào ngờ anh thích lời bình của tôi. Anh đề nghị tôi viết thành bài bình thơ. Anh còn dặn phải viết như đã nói trong bữa nhậu đám giỗ. Có nghĩa là giữ nguyên lời khen và lời chê.

ĐÊM SAY CÙNG LA THỤY

Rót mông lung xuống bôi đầy
Đường lô nhô bóng, phố gầy guộc đêm.
Trăng bơi đáy chén trăng mềm
Thơ ai gẫy vận bên thềm khuya rơi.

Rót hỗn mang xuống mộng đời.
Lăn qua cho hết cuộc chơi khóc cười.
Rót quạnh hiu xuống cõi người
Sông xưa cuốn hết xanh tươi dấu nguồn.

Rót niềm vui xuống nỗi buồn
Dù mai cuối sóng đầu truông cũng về.
Rót ta chảy xuống tràn trề.
Trăng say, còn bạn cận kề dìu nhau.

                  Lagi tháng 6 năm 1996
                       Lương Minh Vũ

MỘT SỐ TỪ NGỮ CỔ VIỆT NAM HIỆN NAY VẪN CÒN DÙNG CẦN HIỂU

Từ thời xa xưa, ngôn ngữ Việt Nam đã rất đa dạng, phong phú. Nhất là những từ ngữ cổ bởi chúng có thể diễn tả sâu sắc nội tâm của con người, diễn tả chi tiết về sự vật, hiện tượng…. Cho đến ngày nay, chúng vẫn tồn tại nhưng lại thường bị mất nghĩa hoặc bị hiểu sai.
Dưới đây là một số từ cổ tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại có ý nghĩa rất bất ngờ và thú vị.

       MỘT SỐ TỪ NGỮ CỔ VIỆT NAM 
       HIỆN NAY VẪN CÒN DÙNG CHÚNG TA CẦN HIỂU



           
 * YÊU DẤU

Chúng ta vẫn thường nói, em yêu dấu, ‘yêu’ thì hiểu rồi, nhưng ‘dấu’ nghĩa là gì?
‘Dấu’ là một từ cổ, sách Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giảng: ‘dấu’ nghĩa là ‘yêu mến’. Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (1651) cũng giải thích ‘dấu’ là một từ cổ để chỉ sự thương yêu. Ông cho ví dụ: Thuốc dấu là ‘bùa để làm cho yêu’.

Tục ngữ Việt Nam nói ‘Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu’, còn Hồ Xuân Hương trong bài thơ Cái quạt giấy (bài hai) thì viết ‘Chúa dấu vua yêu một cái này’. Có thể thấy, ‘dấu’ và ‘yêu’ là hai từ có ý nghĩa tương đương, ngày xưa dùng hai từ độc lập, nhưng bây giờ ta có thể thấy từ ‘yêu’ vẫn còn được viết hay nói một mình, còn từ ‘dấu’ thì không ai dùng một mình nữa. Giờ đây, thay vì ‘anh yêu em’ mà nói ‘anh dấu em’ thì không khéo lại bị hỏi ‘anh giấu cái gì?’.

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

THỦ PHÁP SHOW, DO NOT TELL - Nguyên Lạc


          


          THỦ PHÁP SHOW, DO NOT TELL
                                                           Nguyên Lạc

Lời nói đầu:
-- Show, Do Not Tell được nhà bình thơ Phạm Đức Nhì giới thiệu, Nguyên Lạc tôi đồng cảm với anh về thủ pháp (kỹ thuật) nầy nên bỏ công tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu thêm rồi đúc kết thành văn bản chia sẻ cùng các bạn, với hy vọng độc giả tìm thấy được một vài điều hữu ích.
-- Để tránh bị hiểu lầm là "sính ngoại" tôi xin giải thích tại sao dùng cụm từ "Show, Do Not Tell" (Show, Don't Tell): -- Người Việt rất giỏi trong việc hội nhập cái hay của nước khác. Thí dụ như các từ: Cà-phê, xe cyclo .v.v..Thay vì nói "thức uống màu nâu đỏ, vị đắng, có nguồn gốc từ Arab (Arabic), uống vào gây phấn khởi và tỉnh táo, ta chỉ cần nói cà-phê (café, coffee) là ai cũng hiểu ngay. Cũng vậy, thay vì nói :" Bày tỏ, hiển thị ra, gợi ra, không cần kể lể; để độc giả tự đoán ra, tự kết luận", ta để nguyên cụm từ "Show Do Not Tell" là người sẽ biết, chỉ đơn giản thế thôi

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

XA CÁCH - Thơ Phan Quỳ, nhạc Võ Triêm


        
                          Nhà thơ Phan Quỳ


LỜI BÀI HÁT:

Anh và em ở hai đầu con gió
Hun hút một nẻo về, biền biệt mấy sơn khê
Em và anh sao mai và sao hôm
Bừng lên rồi chợt tắt, giữa đỉnh trời đêm khuya.
Em và anh ngày đông cùng tháng hạ
Nắng rát và mưa sâu, vẫn còn đó niềm đau
Em và anh nơi đầu ghềnh cuối bãi
Nhịp cầu vắng trên sông, còn mãi gọi tên nhau
Em và anh trong lạnh lùng nỗi nhớ
Trong thiên đường đắng ngắt,
Trong khắc khoải niềm thương.
Em và anh tìm nhau từ muôn kiếp
Đợi mãi đến ngàn sau
Em về đâu, anh đâu.


       

Lời: Nhà thơ Phan Quỳ
Nhạc: Nhạc sĩ Võ Triêm
Trình bày: Ca sĩ Hồng Nhiên
Thu âm: Nhạc sĩ Võ Công Diên
Biên tập: Thục Đoan