BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

KHÚC MƠ XUÂN - Thơ Nhật Quang


   


KHÚC MƠ XUÂN

Ôm nàng xuân
Trong vòng tay ấm áp
Nụ hôn nồng
Rạo rực trái tim anh
Em có nghe?
Khúc tình ca mùa mới
Nắng xuân vàng
Trải nhẹ lối thênh thang

Mây ươm hồng
Màu má môi em thắm
Dáng yêu kiều
Mơn mởn nụ tầm xuân
Khúc giao mùa
Em có nghe nhiều ước mộng?
Dệt thơ nồng
Hong hạnh phúc trào dâng.

                       Nhật Quang
                         (Sài Gòn)

CHUYỆN VUI BUỒN VỀ KHUYẾN HỌC - Võ Văn Cẩm


           
                     Tác giả Võ Văn Cẩm 
                    

           CHUYỆN VUI BUỒN VỀ KHUYẾN HỌC

Tôi tham gia sân chơi Nguyễn Hoàng đã 27 năm, mà 24 năm phụ trách quỹ Khuyến học và tương tế.
Năm 1992, sau 23 năm trường Trung học Nguyễn Hoàng, ngôi trường lớn nhất Quảng Trị, bị chia đàn xẻ nghé, rồi xóa tên. Học trò phải tứ tán nhiều nơi, người lên rừng kẻ xuống biển, kẻ xuôi Nam người về Bắc, kẻ thành thị, người nông thôn, kẻ ở lại, người ra đi tận chân trời, góc bể, khắp năm Châu, kẻ vùi thân nơi núi rừng, người lang bạt tới trời Âu, đất Mỹ. Nỗi vui buồn chồng chất, ai cũng ôm một nỗi đau ly biệt.

GHEN -1 / Thơ Châu Thanh Thủy


      
                                 Tác giả Châu Thanh Thủy


GHEN -1

Đừng ghen với chị chi em
Chị là cuộn khói lấm lem tro tàn
Chị là một phiến băng tan
Chị là một mảnh giữa ngàn mảnh thôi

Đi qua một thoáng phần đời
Anh ấy thích chị - cũng lời vu vơ
Khi nào anh ấy lại chờ
Làn sương khói chưa bao giờ của anh?

Đừng ghen với mộng không thành
Đừng ghen chim đậu trên cành cây cong
Một đời rồi mãi cũng xong
Yêu hay ghét cũng hóa cùng thiên thu...

                              Châu Thanh Thủy

NHẠC SĨ PHẠM DUY ĐÃ PHỔ NHẠC THƠ CỦA LINH PHƯƠNG HAY THƠ CỦA CHUẨN NGHỊ ?- La Thụy




NHẠC SĨ PHẠM DUY ĐÃ PHỔ NHẠC THƠ CỦA LINH PHƯƠNG HAY THƠ CỦA CHUẨN NGHỊ ?

*
Bài thơ
ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI

Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến trận Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt

Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn mầu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở

Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em – anh sẽ cố quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối.

                    LINH PHƯƠNG

*
Bài thơ
KỶ VẬT

Em hỏi
Xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về không bằng Mũ Đỏ Áo Hoa,
Anh trở về không bằng huy- chương chiến-thắng.
Anh trở về trong chiều hoang chiếu nắng,
Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng -ca.
Anh trở về nằm giữa vòng hoa,
Những vòng hoa tang chan-hòa nước mắt.
Anh gởi về cho em vài kỷ-vật,
Đây chiếc nón sắt xuyên mấy lỗ đạn thù.
Nó đã từng che nắng che mưa,
Đã từng hứng cho anh giọt nước.
Chiều dừng quân nơi địa-đầu lạnh buốt,
Nấu vội-vàng trong đó nắm cơm khô.
Anh gởi cho em một tấm poncho,
Đã rách nát theo hình-hài năm tháng.
Lều dã-chiến trên đồi hoang cháy nắng,
Che cơn mưa gió lạnh buổi giao mùa.
Làm chiếc võng nằm nhìn đời lính đong-đưa,
Và….khi anh chết cũng poncho tẫn-liệm.
Nay anh gửi cho em làm kỷ-niệm,
Nhận không em chút tình lính này đây ?
Tình lính đơn-sơ vì chinh-chiến kéo dài,
Nhưng tình lính chỉ lạt phai
Khi hình-hài và con tim biến-thể.

Chuẩn úy NGUYỄN ĐỨC NGHỊ
(Chuẩn-Nghị 1969)

*
Bản nhạc
KỶ VẬT CHO EM

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả
Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã…em ơi…

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về đây kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt không quen
Cố quên đi một lần trăng trối …em ơi…
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

                             Nhạc sĩ Phạm Duy

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

PHẢN HỒI BÀI "BÀN VỀ BA BÀI BÌNH THƠ" “NGHIÊNG” CỦA CHÂU THẠCH - Nguyên Lạc


       
                             Tác giả Nguyên Lạc


PHẢN HỒI BÀI "BÀN VỀ BA BÀI BÌNH THƠ" “NGHIÊNG” CỦA CHÂU THẠCH
                                        Nguyên Lạc

Lời nói đầu
Tôi đã hứa với một người sẽ bỏ qua, không tiếp tục chuyện vô bổ này nữa, nhưng tôi bắt buộc đành phải thất hứa lần cuối vì ông Châu Thạch vẫn tiếp tục tấn công, nhầm hạ uy tín tôi bằng cách dán (paste) những bài viết chủ quan đầy sân si, đầy tính chia rẽ,  đầy tính hơn thua, không xây dựng vào trang Facebook tôi . Những bài viết  rất ít tính lý luận văn hc, ch "vch lá tìm sâu" để cố tình tấn công cá nhân người khác. Dưới bài là những đường links dẫn đến những bài ca ông Châu Thạch.

TÌNH VÀ XUÂN TRONG THƠ TÌNH YẾN LAN – Lâm Bích Thủy


        
                 Tác giả Lâm Bích Thủy


       TÌNH VÀ XUÂN TRONG THƠ TÌNH YẾN LAN
                                                                  Lâm Bích Thủy

Từ trước tới nay, nói về “thơ tình” hay “mùa xuân” thì người ta chỉ nhắc tới Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh... chứ mấy ai biết đến tình và xuân trong thơ linh Lân tức Yến Lan của Bàn Thành tứ hữu của miền đất vang lừng thế võ.

HÀN MẶC TỬ VÀ MAI ĐÌNH - Lâm Bích Thủy


      
          

          HÀN MẶC TỬ VÀ MAI ĐÌNH
                        Trích HK “Về người cha thi sĩ”

Chương: Những người bạn của cha.

 Khi còn ở Hà Nội, tôi thường nghe cha ngâm nga “trời hỡi bao giờ tôi chết đi/ bao giờ tôi hết được yêu vì…/ ai đem tôi bỏ xuống hầm sâu…” lời bài thơ sao tội nghiệp, cay đắng làm vậy, tôi tò mò hỏi cụ, và ông kể cho nghe về người công dân số hai của nhóm thi hữu ở đất Bàn Thành thuộc xứ Nẫu…
Sau giải phóng, năm 1988, ba tôi vào Sài Gòn thăm con và bạn thơ. Ông trình ra một tờ giấy  A4 chi chít tên người và địa chỉ những người cần đi thăm trong dịp này.
Rồi, sau khi thăm nữ sĩ Mộng Tuyết phu nhân của nhà thơ Đông Hồ, đến chú Chế Lan Viên, ông Tôn Thất Kham, ông Nguyễn Bá Tín – em Hàn Mặc Tử; ông bảo với con rể “Mai ta sẽ đến thăm cô Mai Đình, bạn gái chú Tử nghe con”.
Nghe đến tên Mai Đình, tôi ngỡ ông đang nhắc tới một huyền thoại, một nhân vật trong chuyện cổ tích ở tận chân trời góc biển nào đó. Ngờ đâu cô chỉ ở cách tôi có hai phường. Cô ở P.25, tôi P.27- Quận Bình Thạnh.
Tính tôi rất tò mò, mỗi khi nghe tên ai dính đến Hàn Mặc Tử, tôi muốn tỏ tường về những người đàn bà của nhà thơ giàu ngôn ngữ tình yêu nhưng nghèo sức sống này lắm.

TRĂNG RẰM - Thơ Trần Mai Ngân


    


TRĂNG RẰM

Cứ đầy thế, cứ lửng lơ
Cứ treo xanh cuống đợi chờ cô đơn
Xếp hàng nỗi nhớ không tên
Cứ chồng, cứ chất cứ mênh mông dần ...

Khi rất lạ, lúc thật gần
Sáng vàng... toả rộng ân cần đã qua
Cứ treo biền biệt cách xa
Nụ đời thơm mãi gọi là có nhau !

                            Trần Mai Ngân

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

TÌNH XUÂN, DUYÊN, TRÁCH - Thơ Hoa Đăng


     
                     Nhà thơ Hoa Đăng


TÌNH XUÂN

Tiết lạnh xa rồi trở giấc xuân
Tân niên Kỷ hợi đón tài thần
Lộc vào như nước mừng gia đạo
Lời chúc đủ tình kính nghĩa ân
Đổi gió giao mùa thay cảnh mới
Say hồn mượn bút hoạ thơ vần
Phúc trời vui hưởng thêm trường thọ
Con cháu thảo hiền trọn lễ nhân.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

BÀN VỀ BA BÀI BÌNH THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THỤY - Châu Thạch


            
                  Nhà bình thơ Châu Thạch


   BÀN VỀ BA BÀI BÌNH THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THỤY
                                                                                      Châu Thạch
                              
NGHIÊNG

Ai từng chao nghiêng
Chắt lắng hết hương mê
Chừ hoài niệm
Len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức
Tình xưa hẹn ước
Chông chênh rơi mất ánh trăng thề?

                                       La Thụy

Đọc được bài thơ “Nghiêng” rất hay của nhà thơ La Thụy, Châu Thạch tôi nổi máu văn chương cũng muốn viết đôi dòng cảm nhận của mình. Thế nhưng thấy trên diễn đàn đã có nhiều bài bình luận về nó, mình có viết nữa cũng bằng thừa. Thôi thì chơi trội một chút, bình các bài bình viết về bài thơ ấy. Nói chữ “bình” cho oai thế thôi, chứ thật ra con dế hèn mọn nầy chỉ xin có đôi lời bày tỏ cảm giác của mình khi đọc các bài bình mà thôi, mục đích cũng là gáy bá vơ, góp một chút âm thanh trong hương thơm của hương đồng cỏ nội dưới ánh trăng nghiêng của nhà thơ La Thụy.

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

ÁO THẮM- Thơ Hồng Thúy, nhạc Thiên Anh, ca sĩ Tâm Thư, hòa âm Đăng Vương Quân


   


ÁO THẮM

Rũ mềm óng ả
Khoan thai dáng mơ
Thướt tha dài trắng
Dịu dàng nắng khơi

Tung tăng sóng lượn
Gót nhẹ tơ êm
Hồn theo mộng trải
Gởi bao giấc tình

Em đi phố thắm
Hương tóc mượt mây
Gió mềm lụa trải
Chiều lên bước đầy

Tinh hoa dệt gấm
Theo dòng ước mơ
Xuân xanh khép hở
Người thương …cuối trời

Ô! Khuy cài ru tiếng
Dặt dìu điệu lơi
Đây tà áo hội
Chơi vơi hương đồng

Rộn ràng áo nối
Tình nghĩa vẹn đôi
Nhớ xưa ấm lối
Những ngày nắng thơ

Yêu! Áo dài em mặc
Áo tình… thủy chung

                 Hồng Thúy


        

Nhạc: Thiên Anh
Thơ: Hồng Thúy
Ca sĩ: Tâm Thư
Hoà âm: Đăng Vương Quân
Trình bày: Nguyệt Nga

TẾT NGUYÊN TIÊU - Trần Kiêm Đoàn


     

        TẾT NGUYÊN TIÊU

Hình ảnh và nội dung tết Nguyên tiêu vẫn còn là một khái niệm tương đối xa lạ với phần đông người Việt Nam thuộc thế hệ trẻ, nhất là người Việt tại hải ngoại.

Vậy sau tết Nguyên Đán thì tết Nguyên Tiêu là gì?

Tết Nguyên Tiêu - Rằm tháng Giêng Âm lịch - là ngày lễ hội cổ truyền tại Trung Quốc và là tết Thượng Nguyên tại Việt Nam. Lễ hội trăng rằm từ giữa đêm 14 trọn ngày 15 và kéo dài cho đến nửa đêm 15 ( có trăng Rằm vằng vặc) vào tháng giêng âm lịch.

Ở Việt Nam, ngày rằm Tháng Giêng là dịp dân chúng lên chùa cúng sao giải hạn, cầu nguyện điều lành; mặc dầu tín lý nhà Phật không nói đến. Các chùa thường tụng kinh Dược Sư với sự quy tụ quần chúng Phật tử cùng tụng niệm và hồi hướng công đức để thế giới được an lành.

Lễ hội đêm trăng rằm hiện được nhiều nơi Việt Nam khôi phục truyền thống văn hóa cổ, tổ chức đêm Nguyên tiêu của Ngày Thơ Việt Nam. Cho đến nay tinh thần “Thơ Nguyên Tiêu Việt Nam” đã thành nếp sinh hoạt văn nghệ rất đẹp ở nhiều địa phương.

Đặc biệt tại Huế, tết Nguyên tiêu vẫn được duy trì và tổ chức dưới hình thức lễ hội như một ngày truyền thống đầu năm. Hầu hết các chùa đều có có mở Đàn Tràng Dược Sư để cầu an và cầu nguyện sự an vui trong năm mới.

Những năm về sau này, tết Nguyên tiêu ở Huế đã trở thành một lễ hội mang tính nghệ thuật đầy thú vị trong đại chúng. Địa điểm được chọn là núi Ngự Bình. Đêm rằm Nguyên tiêu, thường có rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ văn nghệ Huế, hẹn nhau lên núi Ngự Bình để uống rượu thưởng trăng trên núi Ngự Bình mà người ta thường cho rằng đây là hình ảnh mặt trăng treo trên bầu trời trong sáng và đẹp nhất trong năm. Những hình thức và tục lệ khả ái, mỹ thuật như làm thơ, ngâm thơ, vịnh thơ, bình thơ, thả thơ... cũng được nhiệt tình hưởng ứng.

Theo truyền thống Thả Thơ tại Trung Quốc trong dịp Nguyên tiêu thì phổ thông nhất là thể thơ Đường luật được sáng tác, ngâm vịnh, họa thơ, bình thơ và thả thơ. Thơ được làm ra viết trên giấy thả theo dòng nước hay là thả bay tung lên không gian qua nhiều hình thức khác nhau.

Các vị sính thơ tại Việt Nam thì thường dùng ba hình thức thơ phổ biến nhất là: Thất ngôn Bát cú, Song thất Lục bát và Lục bát. Vẫn có hình thức thơ tự do nhưng còn hiếm.

Sau đây, người viết những dòng này xin thả thơ với một bài Thất ngôn Bát cú “Con Cóc” như sau:

CÓC DẠ NGUYÊN TIÊU

Đêm trăng vằng vặc Tết Nguyên Tiêu,
Cóc nhớ Hằng Nga phải đánh liều.
Ra khỏi hang sâu trăng sáng quá,
Trở về chốn cũ bóng cô liêu.
Da cóc quản chi đời ấm lạnh,
Tâm trong chẳng ngại cảnh tiêu điều.
Cóc dạ Nguyên tiêu nhìn bốn hướng,
Thả thơ tặng bạn với thân yêu.

Tại Hoa Kỳ, California, nơi chúng tôi đang định cư trên 35 năm nay, tục lệ tết Nguyên tiêu thường được tổ chức trong các chùa theo môn phái Đại thừa Tịnh Độ mà các tăng ni chủ trì phần lớn xuất thân từ Huế.
Tết Nguyên tiêu năm nay, tôi được tham dự lễ hội tại chùa Kim Quang. Đây là một trong những ngôi chùa đầu tiên của người Việt Nam tại Mỹ được xây dựng sau 1975. Và theo truyền thống “Đông Tây đề huề” thì bất cứ lễ hội nào, dẫu quan trọng đến đâu tại các nước Âu Mỹ cũng phải tổ chức vào dịp Weekend - cuối tuần, nên “Nguyên Tiêu” năm nay là ngày Chủ Nhật, dẫu mới là ngày 13 tháng giêng Âm lịch.

Sau ba ngày hành lễ Đàn tràng Dược sư, Tết Nguyên tiêu kết thúc với một chương trình văn nghệ đặc biệt của Gia đình Phật tử Kim Quang với hơn 200 đoàn sinh tập luyện công phu từ nhiều tháng trước. Các cháu đã trình diễn khá xuất sắc, thu hút và tạo được sự hưởng ứng, cổ võ nồng nhiệt của đông đảo khán giả ngồi chật sân chùa.

Chào hội Nguyên tiêu và xin chúc mọi người tiếp tục hưởng một Năm Mới Kỷ Hợi 2019 sức khỏe và an vui.

                                                     Sacramento, Nguyên tiêu 2019
                                                                Trần Kiêm Đoàn

ĐỌC BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THỤY - Phạm Đức Nhì


       
                      Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


       ĐỌC BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA LA THỤY

NGHIÊNG

Ai từng chao nghiêng
Chắt lắng hết hương mê
Chừ hoài niệm
Len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức
Tình xưa hẹn ước
Chông chênh rơi mất ánh trăng thề?

                                        La Thụy

Tứ thơ chỉ là một câu hỏi của tác giả “Có ai từng đang ngắm trăng, hồn bỗng chao nghiêng, hương mê lắng đọng, tình xưa hẹn ước, kỷ niệm hiện về, để cuối cùng trời đất cũng chao nghiêng, ánh trăng thề chông chênh rơi mất, chỉ còn ta với những bóng hình xưa?”

Với tôi, La Thụy làm thơ đều tay và chắc tay. Đọc một số thơ anh tôi có cảm tưởng anh “thích” lối dàn quân của Thơ Mới... Nhưng không hiểu sao mấy bài sau này trên VNQT (Hòn Chồng, Mẹ) anh đã mạnh dạn thay đổi số chữ trong câu. Đặc biệt đến bài Nghiêng thì anh lại nổi hứng bứt phá hết những sợi dây trói buộc của thơ truyền thống và Thơ Mới.

Có lẽ khi “chao nghiêng” tâm hồn thi sĩ đang bồng bềnh chơi vơi ở một nơi xa nào đó - đủ xa để “quên hết lời em dặn dò”, ở đây là quên hết luật tắc của thơ và “rơi mất ánh trăng thề”. Nhưng chẳng phải quên như vậy lại là cái hay hay sao?

Có thể nói Nghiêng của La Thụy là bài thơ phá hết mọi lề luật - chỉ giữ lại chút vần. Vần không chỉ thoang thoảng rất vừa độ ngọt mà vị ngọt cũng khác lạ. Không phải cái ngọt bình thường của đường mía hay đường thốt nốt mà hình như là vị ngọt của mật ong nguyên chất từ chốn rừng sâu núi thẳm.

Cách ngắt dòng, dàn trận của Nghiêng, theo tôi cũng rất tuyệt, chứng tỏ tác giả đã nắm trong tay toàn quyền tự do sắp xếp, điều khiển đội quân chữ nghĩa của mình. Chữ “mê” đang lơ lửng trong không gian; “Chừ hoài niệm”“Tình xưa hẹn ước” nên đọc khe khẽ, hơi lướt qua để câu “len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức” được sóng đôi với câu kết “Chông chênh rơi mất ánh trăng thề”. (Cả 2 câu đều 7 chữ). Chữ “mê” đang thơ thẩn đợi chờ, thấy bóng chữ “thề” ở cuối đường, chạy bay lại như gặp người tình trong mộng. “Mê” “thề” ôm ghì chặt nhau trong niềm hạnh phúc vô biên.
Người đọc nào đọc hết bài thơ mà không lây cái niềm hạnh phúc ấy!

Một đặc điểm nữa của Nghiêng là sự cô đọng. Bài thơ chỉ có 30 chữ, nhưng để “tóm tắt” đại ý của tứ thơ tôi đã phải “gói gọn” trong 45 chữ. Sức nén của ngôn ngữ thơ trong Nghiêng thật đáng nể.
Cảm xúc từ tầng 1 (câu chữ) và tầng 2 (thế trận) - đặc biệt là tầng 2 - khá mạnh. Độc giả thật sảng khoái khi bài thơ – lúc ấy cũng là bản nhạc – đi đến giai kết hoàn toàn (cadence parfaite). Chữ “thề”, có âm vang của chữ “mê” trợ lực, trở về chủ âm hết sức ngọt ngào. Vì bài thơ quá ngắn, có cảm xúc ở tầng 3 nhưng rất nhẹ.

Tóm lại, Nghiêng là bài thơ ngắn, ngắn nhưng hoàn chỉnh. Thi ảnh đẹp, thi pháp mới lạ, Chỉ thế thôi cũng đủ làm thi sĩ nở mày, nở mặt với đứa con tinh thần của mình. Hy vọng La Thụy nhận ra thế mạnh từ thi pháp của Nghiêng để khi có tứ thơ hay, cảm xúc dạt dào sẽ cho ra đời những bài thơ bề thế hơn. Và dĩ nhiên, còn hay hơn nữa.

                                                                             Phạm Đức Nhì

BÀN VỀ BÀI BÌNH THƠ “THUYÊN NEO BẾN LẠ” CỦA ĐĂNG XUÂN XUYẾN - Châu Thạch


              
                    Nhà bình thơ Châu Thạch

         BÀN VỀ BÀI BÌNH THƠ “THUYÊN NEO BẾN LẠ”
         CỦA ĐĂNG XUÂN XUYẾN

Nhân được nhà thơ Đặng Xuân Xuyến báo tin cho tôi đọc bài viết “Tưng Tưng bảy chuyện cùng…Nguyễn Đăng Hành” tôi tò mò tìm đọc thêm một vài bài của anh trên trang web dangxuanxuyen.blogspot.com. Nhờ vậy bài bình thơ “Vài suy nghĩ khi đọc Thuyền Neo Bến Lạ của Phúc Toản” đập vào mắt tôi. Cái khiến cho tôi dừng lại để đọc không phải là bài bình mà chính là bài thơ “Thuyền Neo Bến Lạ” của nhà thơ Phúc Toản. Đọc bài thơ xong, xúc cảm với bài thơ đưa tôi đọc tiếp bài bình. Xin mời thưởng bài thơ trước:

THUYỀN NEO BẾN LẠ
          (Gửi NTPT)

Lạnh lùng cơn gió chiều đông
Xô con thuyền nhỏ theo dòng về xa ...
Dây đời buộc tím nhành hoa
Ngày vui ...mà lệ ướt nhòa câu thơ ...

Thật rồi... vẫn ngỡ là mơ
Lấy chồng! Em lấy chồng! Ơ! Lấy chồng...
Gừng cay, muối mặn xát lòng
Nỗi buồn cứ nhói vào trong nỗi mừng...
Một luồng gió thổi sau lưng
Tân bao kỷ niệm, đoạn từng nhớ thương...
Mùa xuân phía trước dâng hương
Đằng sau lạnh buốt một phương trời buồn...

                            Tân Yên, tháng 01.2001
                                  PHÚC TOẢN

Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã viết lời bình ngắn, trình bày lướt qua vài cảm nhận mà anh đã có khi đọc bài thơ nầy. Để bài viết không dài, Châu Thạch xin nêu những ý chính trong bài bình của Đặng Xuân Xuyến và đóng góp những ý kiến của mình như là một cuộc trò chuyện văn chương, hầu góp vui cho bạn đọc thư giản năm, mười phút mà thôi.

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

“LƯU LINH MỘ” - THI HÀO NGUYỄN DU - ĐỨC HẠNH & QUÝ HỮU KÍNH HỌA


   


LƯU LINH MỘ

Lưu Linh tử bất thành tài
Hạ sáp dương ngôn tử tiện mai
Túy lí dĩ năng tề vạn vật
Tử thời hà tất niệm di hài
Thiên niên cổ mộ trường kinh cức
Vạn lí quan đạo đa phong ai
Hà tự thanh tinh khan thế sự
Phù bình nhiễu nhiễu cánh kham ai

                                    Nguyễn Du

LƯU LINH MỘ

Cái gã Lưu Linh chẳng có gì
Bảo người vác cuốc "chết chôn đi"
Khi say vạn vật đều như thế
Lúc chết hình hài tiếc cái chi
Gai phủ ngàn năm ngôi mộ cũ
Bụi bay muôn dặm phủ đường đi
Chi bằng tỉnh thức mà xem xét
Thế sự bèo trôi thảm cảnh ghi !

                        (Hải Đà dịch)