BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

DÒNG SÔNG THÁNG GIÊNG - Thơ Đoàn Thuận


         
                      Tác giả Đoàn Thuận



DÒNG SÔNG THÁNG GIÊNG               

Tháng giêng đến và dòng sông vẫn chảy               
lau trắng bờ hoa dại nở ngàn năm               
người đã đến đã quên dòng sông ấy               
ta về treo nỗi nhớ dưới bóng râm.               

Tháng giêng đến dòng sông về xa thẳm               
gộp đá xanh hồn nhiên thêm xanh rong               
người đã đến tạc thơ vào hồn đá               
từng lời chiều thả lạnh xuống hư không.               

Tháng giêng đến dòng sông không tiếng sóng               
dưới chân ngày hoa cỏ mờ bên đồi               
sợi khói mỏng vắt ngang lời đã cũ               
một thoáng buồn chạm nhẹ xuống dòng trôi.                                                          

                                                 Đoàn Thuận


Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

CHÙM THƠ XUÂN LA THUỴ

  


   TÂN NIÊN KHAI BÚT
                   
   Nâng chén hòa vui ấm giọng ca
   Ý tình thao thiết bút thêu hoa
   Mai e ấp nụ ươm vàng nắng
   Sen khẽ khàng hương ủ đượm trà
   Bấc lạnh nỗi niềm đông tận nhỉ!
   Rượu nồng sắc vị xuân khai a!
   Lâng lâng thi tứ tươm trào giọt
   Cánh mộng dần bay vào thẳm xa.
 
 
   THƯỞNG XUÂN
 
   Mai vàng đào thắm toả hương hoa
   Tết đến vui xuân nào chỉ ta
   Cùng hát cùng đàn , vài cốc rượu
   Cũng ngâm cũng vịnh , dăm ly trà
   Xôn xao tình gợn hồn đang trẻ
   Xao xuyến thơ ngân ý chửa già
   Khai bút lòng bừng bao nắng ấm
   Bên thềm lãnh lót yến oanh ca.
 
 
  TÌNH XUÂN
 
  Bướm vàng điểm phấn má hồng nhung
  Thánh thót cung đàn gọi cõi không
  Xôn xao nhựa chuyển run cành lá
  Phơi phới tình xuân phả nhạc lòng.

  Thấm đẫm sắc trời ngây ngất biếc
  Thời gian chao cánh dậy mầm thơ
  Thu tàn đông tạ quay tròn đất
  Mây nước hồi sinh rạo rực mùa.

  Gió khẽ vương hương hồn cây cỏ
  Oanh yến hòa ca ấm điệu vần
  Ờ thiên kỷ hết ta còn đó
  Vật đổi sao dời xuân vẫn xuân.

                                   La Thuỵ

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

XUÂN TẠ… - Nguyễn Hùng Dũng


   com-img

    XUÂN TẠ...

    Tờ lịch cuối, hững hờ rồi khép lại
    Phút giao thừa, man mác đón xuân sang
    Tuổi năm mươi, còn lắm chuyện ngổn ngang
    Chuyến tàu đó, trăm năm mà vô định.

    Ta thắp hương, xông trầm đêm trừ tịch
    Hái lộc non, sắm chút lễ lòng thành
    Ngước lên trời, đêm nay sao tĩnh mịch
    Các thần tiên, bận chếnh choáng hơi men.

    Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân
    Ta nam nhi, sao trôi giạt trần thân
    Ba mươi năm chưa một lần quy cố
    Ta trở thành kẻ phụ bạc vong ân.

    Hơn nửa đời theo sơn tràng, hạ bạc
    Chả được gì, cho tới cả hôm nay?
    Rượu cuối năm, sao lạt thếch thế này
    Hay cũng thể, đời ta lắm tẻ nhạt.

    Mãn Giác bảo: Xuân khứ bách hoa lạc
    Rồi lại thêm: Xuân đáo bách hoa khai *
    Xuân chỉ là luân hồi theo nhà Phật
    Lẽ thường tình, xuân đến, rồi xuân đi.

    Đêm thiêng liêng, cả trời đất vu qui
    Tạ tổ tiên, cả phụ mẫu sinh thành
    Tạ vợ con, cả bè bạn xung quanh
    Tạ luôn cả ta bà trong cõi thế…

    Hoa đào rơi, hay hoa mai rụng hết
    Sinh ký, tử quy mới có buổi về
    Bỏ cả trăm năm, mà vượt cõi mê
    Mùa xuân đó, thì mênh mang vô tận.

                            Nguyễn Hùng Dũng

    *Xuân đi trăm hoa rụng
     Xuân đến trăm hoa cười.

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

NGÀY TẾT VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở QUÊ TÔI - Hoàng Đằng


                            Tác giả Hoàng Đằng


       NGÀY TẾT VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở QUÊ TÔI
                                                                        Hoàng Đằng

       Trong ngôn từ, Tết thường đi theo với sự nghỉ ngơi, sự vui chơi, sự hưởng thụ – nghỉ Tết, chơi Tết, hưởng Tết. Tuy nhiên, phần lớn người ta nghỉ Tết là chỉ ngưng công việc mưu sinh; nói phần lớn mà không nói tất cả vì một số người vẫn tận dụng dịp Tết để kiếm thu nhập: tham gia gian hàng ở hội chợ, chủ sòng bài, xem bói … 
       Thực tế trong ngày Tết, những người lớn tuổi phải làm những công việc tổn hao sức lực, đôi khi với nhịp độ còn cao hơn ngày bình thường.
      Mỗi người cứ tự ngẫm trường hợp bản thân của mình. Riêng tôi,  một người cao tuổi ở vùng quê, thì nhiều việc lắm, mệt mỏi lắm. Mời bạn đọc nghe tôi kể nhé!
Tôi chỉ giới hạn thời gian trong ngày MỒNG MỘT THÁNG GIÊNG.
        Từ tối hôm trước (30 tháng Chạp) cho đến giờ giao thừa, người cao tuổi quê tôi không ngủ, loay hoay chuẩn bị lễ cúng: têm cau trầu, xếp vàng bạc, giấy áo … bên cái TV bật sẵn để theo dõi tin tức đón Tết từng giờ ở các địa phương trong nước và trên thế giới, chờ nghe lời chúc đầu năm của vị nguyên thủ quốc gia; lời chúc Tết này quan trọng lắm vì đó là thông điệp phác họa những hướng đi của quốc gia trong thời gian tới. Chúng ta hãy ngẫm lại: Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lời chúc đọc giao thừa Tết Mậu Thân, có mấy câu “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua; thắng lợi tin vui khắp mọi nhà …” là qua ngày mồng một nổ ra cuộc tổng công kích vào các đô thị miền Nam.
          Con dâu nấu xong lễ cúng giao thừa, ra mâm ra dĩa: xôi, chè, cháo thánh - ở nhiều nhà, thêm con gà trống tơ để nguyên con luộc chín, lấy giò, cúng xong, xem quẻ đầu năm. Lễ cúng bưng đặt ở 2 nơi: bàn thờ gia tiên trong nhà và bàn thờ đặt bên ngoài, giữa trời, nên dân gian dùng từ “Cúng Giữa Trời”, “cúng giữa trời” dâng lên các vị thần linh điều hành mọi việc trong năm mới, các âm hồn cô hồn vãng lai, hay quanh quẩn trong vườn ngoài ngõ. Kể một chuyện “hơi tệ” nhưng có thật: Trước đây, kinh tế khó khăn, việc ăn uống thiếu thốn, cúng xong lễ này, con cháu đang ngủ say, các cụ cao tuổi lợi dụng cơ hội xử nguyên cả con gà cho “đã thèm thịt”. Bây giờ thì khác rồi, các cụ bưng vô đặt giữa bàn ăn, tìm lồng bàn đậy lại, sáng mai ai xử thì xử, rồi nằm xuống nghỉ lưng cho đỡ mỏi.
        Sáng mồng một Tết, các cụ dậy hơi trưa hơn thường ngày vì do thiếu ngủ, rửa ráy mặt mày, bận quốc phục vào, ngắm lui ngắm lại, xem đã tề chỉnh chưa, bật căng dù che lên nếu trời có mưa xuân lất phất hay nắng gắt, nếu không mưa thì xếp dù cầm ở tay; từ các đường xóm, các cụ ra đình làng, đốt hương, lễ bái thần linh của làng, rồi đi thăm các cơ quan công quyền đóng trên lãnh thổ địa phương: Ủy Ban Xã, Trạm Xá, Trường Học. Ở những nơi này, vị đứng đầu cơ quan thường có mặt đón tiếp; có nơi, các cụ còn nhận được tiền lì xì – người ta gọi là tiền mừng thọ - đựng trong phong bì đỏ do các trưởng cơ quan trao tặng. Các cụ hãnh diện lắm, mừng lắm, vì có thêm tiền để chơi cờ sau này; chốc nữa, về đến nhà, các cụ khoe ngay với các cụ bà.
          Nhận phong bì xong, cụ nào thuộc họ nào thì về từ đường họ của mình, đốt hương, lễ bái Tổ Tiên.  Các cụ cũng làm như vậy  ở các nhà thờ chi, phái; nếu chưa có nhà thờ chi, phái thì đến các nhà đang thờ gia phổ chi, phái.
          Tới lúc này, nếu còn khỏe, các cụ đi thăm nhà con cháu nội ngoại; sự xuất hiện của các cụ ở nhà con cháu nào thì con cháu ấy rất tự hào; các cụ là biểu tượng của “Ông Thọ” – một trong 3 biểu tượng cho 3 điều ước của mọi nhà: Phúc, Lộc, Thọ. Nếu đã mệt, các cụ về nhà, ngồi tiếp các cụ bạn đồng trang lứa, người thân thích, con cháu tới thăm, chúc Tết. Những con cháu “ăn nên làm ra” đều không quên chuẩn bị sẵn phong bì lì xì cho các cụ. Nhờ thế, cái túi của một số cụ tối đến là căng đầy. Các cụ đưa tay xoa túi, rồi mỉm cười ra vẻ hạnh phúc lắm.
         Đến xế chiều, các cụ trở lại tập trung ở nhà thờ họ để cúng đưa Tổ Tiên. Tổ Tiên đã được rước về trong lễ cúng sáng 30 tháng Chạp. Lễ đón Tổ Tiên thường có cỗ bàn để dân họ liên hoan tất niên; còn lễ đưa, xưa kia có bánh trái, bây giờ chỉ hương, đèn, cau trầu và rượu. Việc sắm sửa các lễ cúng ở nhà thờ họ, ngày trước có định mức rõ ràng, lấy từ hoa lợi của ruộng hương hỏa do Tổ Tiên khai phá, tậu mua để lại, bây giờ, ruộng hương hỏa không còn vì đã đưa vào hợp tác xã, thành thử, dân họ, đến dịp, đóng góp; được nhiều thì lễ cúng sắm nhiều; được ít thì lễ cúng sắm ít. Theo đà tiến hóa của xã hội và theo cách nghĩ của các lớp trẻ sau này, việc cúng tế Tổ Tiên chắc chắn càng ngày càng giảm dù người ta đang có chủ trương duy trì “bản sắc văn hóa” truyền thống. Mỗi thời đại mỗi thay đổi; đó là cái đà lịch sử, ai mà cản được!
          Ngày đầu tiên của Tết trôi qua như thế. Ngoài việc đi thăm và tiếp đón khách, các cụ phải 3 lần - sáng, trưa và tối - cúng mứt, trà, bánh, trái trên bàn thờ gia tiên. Người ta quan niệm: Sau lễ cúng “lên nêu” ngày 30 tháng chạp năm trước, gia chủ đã mời gia tiên về cùng ăn Tết, thế nên đến bữa phải dọn mời các Ngài. Trước đây, phụ nữ trong mỗi gia đình phải nấu cơm, đồ ăn để dâng cúng từng bữa, nay, phần đông các gia đình đã cho qua việc nấu cúng. Kể ra đó cũng là một điểm đáng ghi nhận trong công cuộc giải phóng phụ nữ.
          Những điều viết trên đây là dựa vào phong tục tập quán ở quê tôi. Có thể mỗi nơi mỗi khác. Bài viết chỉ để chia xẻ và trao đổi.
                                                          Hoàng Đằng
                                 11/02/2015 (23 tháng Chạp năm Giáp Ngọ)

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

CHÀO ĐÓN NĂM MÙI - La Thuỵ và các thi hữu


           


               ĐÓN NĂM MÙI       

               Tân niên rộn rã bước Dương ông
               Chào đón xuân tươi, vẫy nắng hồng
               Tô Vũ lưu danh bền dạ thép *
               Bá Hề nức tiếng vững gan đồng **
               Dán sừng lệ tết ca vang xóm
               Chuốc chén tình xuân tỏa ấm phòng
               Sáng giá “đầu dê” hàng chính hiệu
               Năm Mùi sung mãn đẹp lòng không?
                                                         La Thụy

*Vâng mệnh vua Hán Vũ Đế, Tô Vũ đi sứ sang Hung Nô. Ông bị vua Hung Nô đày đến đất Bắc giá lạnh hoang vu, không có người ở, để chăn dê rất cực khổ. Sau 19 năm, nhờ sự can thiệp của Hán Vũ Đế, ông mới được thả trở về Hán.
** Bá Lý Hề  bị nước Sở bắt làm nô lệ. Tần Mục Công biết Hề là người có tài, đem năm tấm da dê xin chuộc. Tần Mục Công chuộc được Bá Lý Hề đem về, phong ngay làm Tướng Quốc và ông Tướng Quốc này đã làm cho nước Tân thành giầu mạnh một thời và được mệnh danh là “ Ngũ Cổ Đại Phu”, nghĩa là ông Tướng Quốc năm bộ da dê.

                             CHÀO XUÂN
                 Buốt lạnh tàn đông rồi cũng qua
                 Khoan thai xuân đến ấm bao nhà
                 Bâng khuâng nắng mới lừng hương tết
                 Biêng biếc chồi xanh thắm sắc hoa
                 Danh lợi: chán chê vòng tục lụy!
                 Rượu thơ: ngây ngất thú yên hà!
                 Thả hồn bay bổng cùng trăng nước
                 Hào sảng hát vang khúc túy ca.
                                                    La Thụy
       

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

HÀN SĨ NGHINH XUÂN PHÚ - Kha Tiệm Ly


    

     
     HÀN SĨ NGHINH XUÂN PHÚ

     Tiền viết mướn chỉ đủ mua gạo lẻ lưng nồi,
     Nhà ở thuê kiếm đâu ra mai vàng trước ngõ!

     Nghĩ thân ta,

     Te  tua mái lá, mặc tình gió bấc mưa nam,
     Quạnh quẽ bàn thờ tủi thân ông sơ bà cố!
     Mua xôn giày dõm, lê mấy bước thì hả miệng hả mồm
     Ráng sức xe cùi, đạp vài vòng cứ trật sênh trật chó!
     Không hoa không quả, không nhang đèn, Trời Phật, Chư Thiên dù chẳng sân si,
     Chẳng chuối chẳng chè, chẳng hương khói, Ông Địa Thần Tài đếch thèm gia hộ!
     Tiền nhà tiền điện, chạy sút quần mệt bở hơi tai,
     Nợ mẹ nợ con, há tét miệng chửi banh ngoài ngõ!


     Thế nhưng,

     Cơm lưng bụng, quân tử cần chi hải vị sơn hào,
     Quần sờn mông, hảo hán chẳng màng chi tơ tằm vải bố!
     Dẫu nghèo tiền nghèo bạc, mà ba miền tao nhân mặc khách dẫy đầy,
     Lại giàu bạn giàu bè, cùng bốn biển, khí phách đệ huynh vô số!
     Từ người cửa rộng nhà cao,
     Đến kẻ đầu đường xó chợ!
     Luôn xa lánh phường chém chú đâm cha,
     Lại xót xa bọn trộm trâu trộm chó!
     Lòng như nước trong leo lẻo, mặc bấy người đổi trắng thay đen,
     Mặt tợ trăng sáng ngần ngần, dễ cho ai trét vôi trét lọ!

     Ô hô!

     Dù răn con khuyên cháu, chớ theo văn hóa bọn rợ Tàu.
     Mà ngứa bút khua nghiên, lại xổ văn … gừng vài câu đối.

     Đối rằng:

     Trong nhà năm xe sách vở mối mọt lăm nhăm,
     Ngàn dặm bốn hướng sông hồ anh em lố nhố.

     Cho nên,

     Đầy bè đầy bạn, lo chi chén tạc chén thù,
     Không vợ không con, sợ gì tiếng chày tiếng cối !
     Dăm lít rượu rừng rượu đế, sớm chiều mặc tình tỉnh tỉnh say say,
     Ba bữa cơm nguội cơm ôi, sáng tối chẳng sợ no no đói đói.
     Gạo rau phun thuốc, dại gì mà dộng cành hông,
     Rượu đế pha cồn ai nói chẳng say tới bến?

     Mắt nhìn hí hí, xem cuộc cờ, ung dung nâng chén uống râm ri,
     Lời thốt tràn tràn, luận anh kiệt, hào sảng vỗ bụng cười hô hố.                                              
     Đất cằn cây lớn, nơi hàn môn xuất hào kiệt  tàng tàng,
     Chùa rách Phật vàng, trong áo vá tỏa phong nghi lồ lộ.

     Xét mình:

     Dù chữ Dũng nào dám sánh Tăng Sâm,
     Còn chữ Hiếu vẫn thua xa Tử Lộ.
     Đức mỏng, đâu dám đo cùng bậc thánh, bậc hiền.
     Tài hèn, chẳng đủ bàn chuyện kim, chuyện cổ!

     Chẳng qua:

     “Phú quý do thiên”
     Quan trường tại số.
     Cam La má tròn phinh phính đã đạt công khanh
     Bá Lý tóc trắng phơ phơ mới ngồi trướng hổ!
     Trên cao chót vót mà dòng suối rộng được mấy tầm?
     Dưới thấp lè tè nhưng biển khơi sâu hơn nghìn bộ!
     Nơi quyền môn có khi thừa kẻ vô lại tham tàn.
     Chốn thảo lư lại chẳng thiếu bậc tài hoa đức độ!
     Chớ gặp khi thất thời mà dấm dứ dấm da,
     Đừng cậy lúc thượng phong mà xí xa xí xố!

     Chỉ tiếc cho:

     Núi cao nghìn trượng mà chẳng còn đá cứng gươm mài,
     Trời rộng thênh thênh lại chẳng dung đại bằng cánh vỗ!
     Chua xót lắm! Bụng kinh luân  mà giống túi đựng cháo đựng cơm,
     Cay cú thay! Vai thao lược lại thành giá máng quần máng áo! *
     Thả cần sông Vị. mà vắng người Văn, Vũ; chỉ hoài công chờ vận đợi thời,
     Đốt lửa non Lương, lại bặt tăm Tiều, Tống; đành phí sức đốn cây cưa gỗ!
     Cái lợi cái danh, từ xưa kèo cựa một mớ ba đồng,
     Cái đức, cái tài, ngày nay xa cạ một đồng ba mớ!
     Nghênh ngang ngọn bút, mà hùng tâm chưa vọt thấu chín tầng,
     Sang sảng lời thơ mà khẩu khí còn nằm im mấy độ !

     Tâm đắc quá:

     “Bần tiện bất năng di
      Uy vũ bất năng khuất”

     Thì sá chi câu:

     “Tiểu nhơn đắc thế tợ điểu phi thiên,
     Quân tử thất thời như ngư vô thủy”

     Hôm nay,

     Ngà ngà men rượu, hứng chí viết dăm chữ lăng nhăng,
     Thân thiết bạn hiền, vui miệng nói vài câu nhí nhố.
     Chúc mọi người an lạc bốn hướng đông tây,
     Hưởng mùa xuân hạnh phúc nhất nhì kim cổ!

                                                      Kha Tiệm Ly

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

DÁNG HOA - Thơ La Thuỵ


           


                    DÁNG HOA

                    Thuỳ mị trong chiều
                    Bên cầu soi bóng
                    Ta như lóng ngóng
                    Tim đập liên hồi
                    Thoáng nhìn đôi môi
                    Thắm trời hạ đỏ
                    Rặng mi biếc cỏ
                    Khoé mắt hồ thu
                    Hồn ta vỗ sóng
                    Chiều đông gió lộng
                    Đồng vọng âm ba
                    Diễm tuyệt dáng hoa
                    Bến bờ viễn mộng
                    Trùng khơi tình động
                    Man mác u hoài
                    Trầm mặc liêu trai ...

                                   La Thuỵ

          

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ - Võ Công Diên


             
                Nhạc sĩ Võ Công Diên


       

                      Nhạc & lời:  Võ Công Diên
                      Tiếng hát: Ngọc Quỳnh
                      Video clip: Phú Đoàn


    QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ 

    1. Tìm lại tuổi thơ đi qua
     Nơi tôi sinh ra bên giòng Thạch Hãn
     Tìm bóng con đò chiều trôi êm ả
     Dong buồm về Cửa Việt chiều nay.

     Tìm lại những dấu chân quen
     Con đường xưa qua một thời đi học
     Hình bóng quê nhà trăng nghiêng thành cổ
     Để ta về Quảng trị quê hương.

     Tôi tìm về tìm lại tuổi thơ tôi
     Đây thôn Lam bên giòng sông Vĩnh Định
     Nhớ mỗi chiều về em thường ra sông gánh nước
     Dưới cội ngô đồng một dáng nón che nghiêng.

     Tôi tìm về tìm lại tuổi thơ tôi
     Đây Gio Linh mùa gió Lào cháy bỏng
     Nhớ đêm Gia Môn chia tay người ở lại
     Để bây giờ tiếc hoài tuổi thơ qua.

     2. Tìm lại tuổi thơ đi qua
     La Vang nơi đây Thánh Đường chiều buồn
     Ta nhớ năm nào dìu em sánh bước
     Con nguyện cầu Đức mẹ hiển linh.

     Tìm lại một chút hương quê
     Nỗi buồn tha phương một đời lưu lạc
     Nơi ấy quê nhà em thơ chờ đợi
     Ngày anh về thăm lại quê hương.

     Tôi tìm về tìm lại tuổi thơ tôi
     Bên kia sông những ngày tôi đi học
     Ngắm cánh phượng hồng sân trường mỗi trưa im lắng
     Đứng đợi anh về vạt áo trắng em bay.

     Tôi tìm về tìm lại tuổi thơ tôi
     Đây Thi Ông người thương giờ vẫn đợi
     Nhớ đêm trăng non chia tay người ước hẹn
     Để bây giờ tiếc hoài một vầng trăng.

                                         Võ Công Diên

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

TA TRỞ LẠI CON ĐƯỜNG XƯA ÁO LỤA - Phan Phụng Thạch, Cao Hữu Điền, Trần Quang Lộc


                  Kỷ niệm 40 năm ngày mất (1973 - 2013)

                  Nhà giáo - thi sĩ PHAN PHỤNG THẠCH



                  



  



                     Thơ: Phan Phụng Thạch.

                     Nhạc: Cao Hữu Điền.

                     Tiếng hát: Trần Quang Lộc.

                     Video clip: Phú Đoàn.



         TA TRỞ LẠI CON ĐƯỜNG XƯA ÁO LỤA



          Ta trở lại con đường xưa áo lụa

          Hàng cây cao đứng đợi các em về

          Các em chưa về cây già bóng xế

          Ta cũng buồn đi giữa nắng lê thê



          Những chuyến đò ngang qua về Thừa Phủ

          Còn chở tình bên nớ tới bên ni

          Ta mỗi bước càng thêm dài nỗi nhớ    

          Những chiều mưa sớm nắng các em về



          Từ bờ bên ni nhìn qua Thành Nội

          Phượng đã tàn rụng xuống buổi đầu thu

          Làm sao quên những ngày qua bóng tối

          Lửa kinh thành ngùn ngụt khói âm u



          Ta trở lại giữa sân trường ngày cũ

          Lòng hoang vu nhớ cỏ dại ven đường

          Ôi những con đường cây già lá úa

          Có điều chi muốn nói với quê hương



                                       Phan Phụng Thạch

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

ĐÁM CƯỚI NHÀ QUÊ - Thơ Nguyễn Khôi


Tác giả Nguyễn Khôi. Sinh 1938.
Quê: Phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đ/c: 39/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. 
 Email: khoidinhbang@gmail.com




          ĐÁM CƯỚI NHÀ QUÊ
          (Bức tranh quê đương đại)
              Nhớ Nữ sĩ Anh Thơ

          Xứ Bắc được ngày rét mướt
          Miền quê  hôn lễ tưng bừng
          Pháo hoa nổ tung đầu ngõ
          Mưa phùn gió bấc rưng rưng

          Cô dâu áo "voan" lết thết
          Chú rể cà vạt - com lê
          Nhạc Mỹ xập xình Híp - Hóp
          Xe hoa... ai bảo Nhà Quê ?
                   
          Cỗ bày trăm mâm ú ụ
          Lợn quay, tôm biển, gà đồi
          "Trái tim - tiền mừng" đỏ ối (1)
          Hân hoan quan khách tươi cười
                    
          Đâu rồi quê hương Quan Họ ?
          Ai người nón thúng quai thao ?
          Miếng trầu têm hình cánh Phượng
          Xem chừng lạc lõng mời chào .
                    
          Đâu rồi thuần phong mỹ tục ?
          Tóc em theo mốt Đại Hàn
          Áo em ngỡ Nàng Dâu Pháp
          Bay vèo hương sắc An Nam ? !
                   
          Đây mới là quê Kinh Bắc
          Thủ Đô tiến vọt đi đầu
          Đám cưới đăng cai khách sạn
          Khiêng về một khoảnh trời Âu ?
                    
          Nao nao ơi dòng sông Đuống
          Chẳng còn đò chở sang ngang
          Qua cầu lên đường cao tốc
          Đón Dâu vun vút về làng.

          Quê xứ Bắc 11-1-2015, rét 8- 0C
                              Nguyễn Khôi

                ----

          (1) Hòm đựng tiền mừng hình trái tim

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

THƠ VUI: VỀ QUÊ ĂN CƯỚI - Nguyễn Khôi

  Tác giả Nguyễn Khôi. Sinh 1938.
  Quê: Phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
   Đ/c: 39/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. 
   Email: khoidinhbang@gmail.com



        THƠ VUI: VỀ QUÊ ĂN CƯỚI
        "Gái lớn nào ai chả lấy chồng"

        Sắp tết vui về quê "ăn cưới" 
        Gái làng "xuất" khỏi lũy tre xanh 
        Chẳng Sài Gòn cũng phải là Hà Nội 
        Dại gì không ra ở Đô thành !?!

        Ừ, phong tục giờ đang "đổi mới":
        - Đón dâu hai lần, khá nặng về "măm",
       "Một trăm mâm"... tôm hùm, chả mực
        Của "hồi môn" một chiếc Dylan (1)...
                  
        Ừ, cái Bướm bây giờ đắt thật
        Kém chi Hoa Hậu với Em Xi (M.C) ?
        "Quan Họ" hát chi dăm bảy triệu
        Chụp ảnh chơi chục triệu xá gì !?!
              
       Gái Đình Bảng ai mê thì "rước"
       Vào thương trường tài sắc khó chê
       "Nữ doanh nhân" nay Xinh, mai Thái (2)
        Qua thời "Vật thú Đình Bảng Thê".  (3)
                 
        Mình là Bác về quê ăn cưới
        - Mừng cháu tôi hạnh phúc dài dài
        Có xây thêm villa, trang trại
        Đón Bác vào "ẩm thực" lai rai ...?

         Viết tại quê Đình Bảng 6 -1- 2015
                            NGUYỄN KHÔI
          ......

        (1) Xe tay ga Dylan giá 30-40 triệu đồng.
        (2) Đi buôn bán tới Singapore, Thái Lan...
        (3) Bốn điều hèm xưa ở các nơi danh tiếng :


      *1- BẮC NINH TỨ VẬT

         Vật giao Phù Lưu hữu
         Vật thú Đình Bảng thê
         Vật ẩm Đồng Kỵ thủy
         Vật thực Cẩm Giang kê.

         (Chớ đánh bạn với người làng Phù Lưu - chợ Giầu
         Chớ lấy con gái Đình Bảng- kẻ Báng làm vợ
         Chớ uống nước làng Đồng Kỵ
         Chớ ăn thịt gà làng Cẩm Giang)


         *2-ỨNG HÒA (HÀ ĐÔNG) TỨ VẬT

          Vật thú Vân Đình thiếp
          Vật giao Hòa Xá hữu
          Vật thực Tử Dương kê
          Vật thính Bà Lâm thuyết

          (Chớ lấy con gái Vân Đình làm vợ bé
          Chớ kết bạn với người Hòa Xá
          Chớ ăn thịt gà Tử Dương
          Chớ nghe lời người Bà Lâm)


        *3-SƠN TÂY TỨ MẠC

         Mạc tranh Đại Đồng trưởng
         Mạc thú Tào Thương thê
         Mạc giao Đông Sàng hữu
         Mạc thực Mỹ Lương kê.

         (Chớ tranh trưởng với dân Đại Đồng
          Chớ lấy con gái Tào Thương làm vợ
          Chớ kết bạn với người Đông Sàng
          Chớ ăn thịt gà Mỹ Lương).


         *4-NGHI XUÂN (HÀ TĨNH) TỨ VẬT

          Vật hành Dương Gián lộ
          Vật giao Mỹ Dương nho
          Vật thú Tả Ao thê
          Vật bằng Cộng Khánh hữu

          (Chớ đi đường Dương Gián
          Chớ giao du với nhà Nho ở Mỹ Dương
          Chớ lấy con gái làng Tả Ao về làm vợ
          Chớ kết bạn với dân Cộng Khánh).


        *5- THỪA THIÊN TỨ BẤT

          Bất giao Nguyệt Biều hữu
          Bất thú Dạ Lê thê
          Bất ẩm Thạch Hàn thủy
          Bất thực Lương Quán kê.

         (Chớ kết bạn với dân Nguyệt Biều
         Chớ lấy con gái Dạ Lê
         Chớ uống nước ở Thạch Hàn
         Chớ ăn thịt gà Lương Quán.)

      

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

THƠ VUI "NĂM MỚI CHÚC NHAU" - Thơ Nguyễn Khôi

 



Tác giả Nguyễn Khôi. Sinh 1938.
Quê: Phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đ/c: 39/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội.
Email: khoidinhbang@gmail.com



     THƠ VUI "NĂM MỚI CHÚC NHAU"                                                    (Nhái thơ Tú Xương)                  
          Ra phố mà nghe chúng chúc nhau
          Chúc nhau trẻ mãi nhẵn đầu râu
          Phen này ông quyết đi buôn mũ
          Muốn ĐẸP phải mua chụp kín đầu.
            
          Ra phố mà nghe chúng chúc sang
          Mua bằng, chạy chức tót làm Quan
          Phen này ông nhập toàn xe xịn
          Chúng nó tranh mua phải xếp hàng.
                    
          Ra phố mà nghe chúng chúc giầu
          Chia nhau "dự án" thiếu gì đâu
          Phen này ông mở thêm chứng khoán
          Lùa chúng vào chơi... tớ vào cầu.
                     
          Nó lại máu "chơi" cỡ tuổi con
          "Chân dài", "đĩ đực" ngực môi tròn
          Ra mãi ngoại thành xây Nhà Nghỉ
          Cưa sừng làm Nghé thỏa tơ non.
                    
          Bắt chước "Xếp", ta chúc mấy lời
          Chúc cho bọn ÁC sớm đi đời
          Siêu cường, Bành trướng thi nhau chết
          Để được an vui cả loài người.

          Góc thành nam Hà Nôi, 1-1-2015
                                   Nguyễn Khôi

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

VIDEO CLIP "ĐỐI DIỆN QUÂN THÙ PHÚ" - Kha Tiệm Ly, Nguyễn Hữu Tân


            

Sau khi đăng tải ĐỐI DIỆN QUÂN THÙ PHÚ của anh Kha Tiệm Ly:
http://phudoanlagi.blogspot.com/2014/05/oi-dien-quan-thu-phu-kha-tiem-ly.html
     
Chúng tôi tình cờ lên Youtube search nhạc, bỗng chợt thấy bài phú này được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân phổ nhạc, hoà âm và trình bày đoạn cuối (ngày 31/5/2014), nên đã làm video clip này.

Mời quý bạn thưởng thức:


                  


                               Phú: Kha Tiệm Ly
                               Tiếng hát: Nguyễn Hữu Tân
                               Video clip: Phú Đoàn

Đoạn cuối ĐỐI DIỆN QUÂN THÙ PHÚ được phổ nhạc:

 Anh em ơi!
 Giặc đã đến rồi!
 Giặc đã đến rồi!
 Ta nhân nhượng cũng có mức có chừng
 Chúng hung hăng ngày tự tung tự tác.
 Thương giống nòi, chân mạnh bước hiên ngang,
 Vì tổ quốc, máu sôi lòng bất khuất.

 “Đánh cho để răng đen,
  Đánh cho luôn dài tóc”.

  Đống Đa gươm khua chan chát, máu thù dơ bước chân voi,
  Đằng Giang sóng cuộn ầm ầm, xác giặc còn tanh mũi cọc.
  Diên Hồng vang rền “Sát Thát”, quyết bảo toàn hải phận, biên cương,
  Như Nguyệt sang sảng lời thơ, không để mất ngọn rau, tấc đất.
  Lao thân đạn lửa, mới biết ai dũng ai hèn,
  Đối diện quân thù, mới rõ ai vinh ai nhục!
  Dù máu đỏ loang lòng biển, quyết bảo toàn hạt cát quê hương,
  Dù xương trắng chất đầu non, không để mất bờ cây tổ quốc.

  Hỡi anh em!
  Vung tay lên, trăm triệu chung lòng!
  Trước giặc thù, một còn một mất!
                                               
                                 Kha Tiệm Ly

 ........................................................

 Kha Tiệm Ly
 99/5 Đinh Bộ Lĩnh Phường 2, tp Mỹ Tho Tiền Giang
 Tel: 0987 701 952 - 01229 880 130
  Email: khatiemly@gmail.com