BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyện ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyện ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

XÓM “LÂM TẶC”


                    

Trần Duệ hiện ở Tánh Linh, Bình Thuận và đang sinh hoạt trong hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Thuận, xin giới thiệu truyện ngắn XÓM LÂM TẶC của  anh đến cùng bạn đọc


                                      XÓM “LÂM TẶC”

                                                                              Tác giả : Trần Duệ

    Nghe nói cái xóm nhỏ này đã hình thành từ lâu lắm rồi, tôi có biết ông nội, ông ngoại của tôi đến sống ở đây lúc còn trai tráng. Hồi mới đầu lập xóm chỉ có khoảng vài chục nóc nhà nhưng người đi, kẻ đến rồi sinh đẻ thêm, nên đến nay cả xóm có hơn trăm nóc nhà đang sinh sống. Trước đây người ta gọi xóm này là Xóm Rừng, bởi vì chung quanh là rừng và cách đường lớn của huyện  hơn chục cây số và phải đi qua bốn con suối lớn, nhỏ. Vào mùa mưa, nước ở những con suối này chảy cuồn cuộn nhưng chưa bắc cầu qua suối nên người đi đường  chỉ biết đứng nhìn chứ không ai dám lội qua. Cái tên xóm “ Lâm Tặc” được hình thành từ lúc người ta nghe trên đài và mấy cán bộ huyện gọi những người làm nghề rừng là lâm tặc. Nghe hoài cũng quen, nên nhiều người đã quen gọi tên xóm nhỏ này là “ Lâm Tặc” và hầu như ít ai nhắc đến cái tên do chính quyền đặt cho là xóm Năm hay xóm Sáu gì đó! Gọi là làm nghề rừng nhưng thật ra người dân trong xóm chỉ vào rừng những tháng mùa nắng, còn mùa mưa thì họ lên rẫy để trồng lúa, trồng bắp…

   
   Có một buổi sáng mùa khô, cả xóm vui như hội. Mới tờ mờ sáng đã có bốn chiếc xe to chạy vào trong xóm.Tiếng còi xe inh ỏi. Từng đoàn người mặc đồng phục, đội mũ trắng, tay xách, vai đeo cây kèn Tây sáng bóng, trông thật đẹp. Một lúc sau bà con mới vỡ lẽ ra đây là đoàn đưa đám ma. “ Đám ma con Mơ”. Có người ngỡ ngàng, có người tiếc rẽ: “ Con Mơ đẹp gái vậy mà chết sớm thì uổng quá !”. Người lớn lũ lượt kéo nhau đến thăm đám ma, con nít và đám thanh nhiên choai choai say mê những bản nhạc do nhóm nhạc công cất lên. Họ thổi đủ các loại nhạc, có lúc “ Oan ta là mê ra” nghe vui vui, lúc thì chùng xuống thật lắng dịu “ Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Bọn nhỏ đang nhìn thấy một đám ma lạ lùng, không giống với những đám ma trước đây chỉ biết thổi những điệu nhạc ọ e, ọ e  nghe muốn não lòng. 
     Tin Mơ chết đến với tôi là một sự bất ngờ quá lớn. Nhà Mơ ở cách nhà tôi mấy cái nhưng thật ra cách cũng khá xa do nhà nào vườn cũng rất rộng. Chúng tôi cùng học cấp hai, cấp ba ở trường huyện. Mơ học không giỏi nhưng rất chăm. Trong xóm chỉ có có tôi và Mơ học đến cấp ba nên nhiều người trong xóm cũng quý chúng tôi. Trường chúng tôi học nằm ở dưới huyện, nên hàng tuần chúng tôi cùng đi bộ về thăm nhà một lần, do vậy tôi và Mơ chơi thân với nhau. Nhiều thanh niên thấy chúng tôi đi về cùng nhau mà thèm thuồng mong được như tôi. Điều dễ hiểu là Mơ rất đẹp. Nhìn đôi mắt màu nâu sáng nằm giữa những quầng đen tự nhiên quanh đôi mắt làm cho đôi mắt của Mơ như một màu nhung đen. Nụ cuời của Mơ như toả những nét tươi vui, hiền hậu. Nói thật lòng, đối với tôi dù Mơ có cười hay không tôi cũng thấy đẹp. Có những chiều thứ bảy chúng tôi từ trường về nhà. Trời mưa, nước suối dâng cao, tôi phải dìu Mơ qua suối. Áo quần chúng tôi đều ướt. Mơ mắc cỡ. Tôi nói: “ Không sao !”.
      Đến năm lớp 11, Mơ phải nghỉ học vì mẹ của Mơ bị chết do sốt rét ác tính. Biết được tin mẹ mất lúc chúng tôi còn đang ngồi học bài. Mơ khóc. Những giọt nước mắt chảy thấm đẩm trang sách. Tôi thấy Mơ đẹp và thánh thiện hơn ngày bình thường. Cha của Mơ là một người đàn ông bị mù do tai nạn trong một lần đi khai thác gỗ. Mơ ở nhà chăm sóc cha mình và thay mẹ đi làm rẫy. Nhà của Mơ lợp tranh nằm khuất ở góc rừng, vốn đã buồn bây giờ chỉ có hai cha con nên trông càng buồn hơn. Ngày tôi trúng tuyển vào trường Đại học Kinh tế thì nghe tin Mơ đã có người yêu. Nghe nói người này lớn tuổi và chuyên nghề mua bán gỗ. Ông ta mua gỗ của bà con trong xóm “ Lâm Tặc” khai thác được, rồi chở về xuôi để bán. Từ chỗ mua một nhưng lại bán bán năm, bán mười nên ông ta rất giàu. Ai cũng thầm khen Mơ may mắn gặp được người giàu có để sớm thoát khỏi cái xóm rừng này. Học xong năm thứ nhất, tôi nghỉ hè về và được biết Mơ đã sinh được một đứa con gái. Còn lão đầu nậu gỗ kia đã chuyển đi mua gỗ ở nơi khác và không trở lại làm đám cưới với Mơ như đã hứa. Cuộc sống của Mơ cứ khổ chồng lên khổ. Mơ tránh gặp mặt tôi
       Còn tôi, một anh sinh viên học mãi mà không ra trường được. Học hết năm thứ hai, trong nhà không có tiền đóng học phí, tôi xin được bảo lưu kết quả để về nhà vào rừng cưa gỗ, kiếm tiền rồi năm sauvào học tiếp. Cứ hết đợt bảo lưu này đến đợt bảo lưu nọ mà đã bảy năm, tôi vẫn còn làm sinh viên. Đến khi đứa con của Mơ được năm tuổi, Mơ vào Sài Gòn may thuê cho một công ty nào đó. Tôi có đến thăm nhưng hình như Mơ không muốn gặp tôi.  Đám tang của Mơ chắc là sang trọng nhất từ trước tới nay ở cái xóm này. Có người nói “ con Mơ chết mà gặp may”. Nghe kể là vào lúc 9 giờ đêm, Mơ đi làm tăng ca về, trên đường cò một tốp thanh niên đua xe. Một tên đã tông Mơ văng sang bên đường. Đám đua xe chạy mất dạng. Mơ tắt thở tại bệnh viện ngay trong đêm đó. Sáng hôm sau, một người đàn ông trung niên đi cùng hai cán bộ công an đến nhận xác Mơ. Sau này nhiều người biết được rằng người đàn ông đó là cha của người thanh niên đua xe, gây ra tai nạn. Anh thanh niên này đi chơi về khuya, người cha ra mở cổng, thấy đứa con có thái độ khác thường. Ông ta gặng hỏi. Người con nói thật với cha là đã gây tai nạn rồi bỏ chạy. Thấy lòng day dứt, ông điện thoại cho công an ngay trong đêm đó và sẵn sàng nuôi dưỡng và đền bù cho người bị nạn. Nhưng ông không ngờ nạn nhân lại không thể sống được.




     Đám tang Mơ thật là đông người, thật ồn ào. Cha của Mơ được người ta dắt lên xe tang, mặt ông chng vui, cũng chng buồn. Đứa con gái của Mơ lăng xăng chạy theo đội kèn trống để nhìn, để nghe những âm thanh lạ tai. Khi chuẩn bị hạ huyệt, tôi nhìn sang một góc xa của nghĩa địa, thấy thằng Khang đang ngồi quay lưng lại với đám đông đang ồn ào trước huyệt mộ. Tôi thấy vai thằng Khang rung lên, giật giật liên tục, hai tay hắn đang ôm đầu. Thằng Khang cũng khóc ư, đối với nhiều người thì đó là điều lạ. Chính tôi cũng ngạc nhiên về chuyện này.Trước đây Khang là thằng uống rượu suốt ngày. Vốn tính nó đã ngang tàng nhưng khi nốc rượu vô thì trông mặt hắn còn dữ hơn, nên ai trong xóm cũng sợ hắn. Sau đám tang, cha của người gây tai nạn đã giao cho cha Mơ 10 cây vàng và xin ông làm giấy bãi nại. Ở cái xóm rừng này 10 cây vàng là to lắm, bởi vì người dân ở xóm tôi dù có lặn lội quần quật suốt đời trong rừng cũng không thể làm ra số vàng nhiều như vậy. Người đàn ông mù lòa lăn tay vào một tờ đơn người ta đã soạn sẵn. Mắt ông nhìn vào khoảng không một cách vô hồn.
Xóm “Lâm Tặc” dù còn rất nghèo, nhưng mỗi ngày mỗi đông thêm bởi vì đây chính là nơi để những mảnh đời nghèo khổ, phiêu dạt từ đâu đó tìm đến nương thân. Bà con trong xóm còn nhớ cách đây gần hai chục năm, có một người đàn bà ăn mặc rách rưới có dắt theo một đứa con trai còn rất nhỏ về xóm này. Bà ta nấu cơm thuê cho những người thợ cưa gỗ thuê. Bà cứ  đem thằng nhỏ đi theo đám thợ cưa từ cánh rừng này qua cánh rừng khác. Không hiểu sao, sau đó bà đi theo một người thợ cưa góa vợ, bỏ lại thằng Khang bơ vơ. Thằng Khang lớn lên như rong rêu, như bọt bèo ở trong cái xóm này. Nhiều ông chủ đầu nậu gỗ thấy hắn hung dữ nên luôn thuê hắn để trừng trị những thợ rừng muốn bỏ chủ cũ để sang làm cho chủ mới. Thằng Khang đã trở thành một đại diện của luật rừng ở đây. Ông chủ của hắn thấy công lao cống hiến của hắn cũng khá nhiều, nên thưởng cho một chuyến về thành phố thăm chơi. Chủ của hắn dắt hắn đi chơi đĩ. Hắn bị bệnh lậu. Ông ta cho hắn uống mấy viên thuốc thì lành bệnh và không quên dặn hắn nếu ăn thịt gà thì bệnh sẽ tái phát. Từ đó thằng Khang sợ thịt gà như người ta sợ nó. Biết được chuyện này đàn bà, con gái trong xóm sợ hắn như sợ rắn. Sau này, có một lần tôi uống rượu với Khang ở trong rừng, hắn nói với tôi là có thời gian nó rất buồn vì không biết chữ. Nhưng bây giờ hắn đã biết đọc được chữ trên tờ báo và viết được tên của chính mình là do Mơ dạy cho.
Sau đám tang của Mơ, cả xóm như buồn hẳn đi. Tôi đã kiếm đủ tiền đóng học phí để vào học tiếp. Thằng Khang đổ ra uống rượu nhiều hơn. Những “ lâm tặc” chính hiệu bây giờ không còn sợ hắn nữa nhưng vẫn thích mời hắn uống rượu. Trong xóm có Hoàng – một thợ cưa lành nghề - một lâm tặc khôn khéo nổi trội. Có một lần hắn nhậu ở một quán thịt chó ngoài huyện, nghe đánh lộn hắn nhảy ra can. Lúc đó có đông người quá, hắn chẵng biết ai lại ai. Có một người xông ra, hắn tức giận vì tự dưng lại đánh vào đầu hắn. Hắn vung tay đấm vào mặt người kia một cái thật mạnh. Máu chảy tràn mặt, người đó bất tỉnh. Ngày hôm sau công an đến bắt hắn vì tội đánh người thi hành công vụ. Lúc đó hắn mới biết người bị hắn đánh là một cán bộ của huyện. Có người đến nói với hắn là cứ yên tâm nhận tội đánh người thi hành công vụ thì sẽ được gia đình anh cán bộ đó chu cấp trong những ngày ở tù. Hồi đầu hắn cũng ưng bụng nhưng nghĩ lại sợ người ta không giữ đúng lời hứa thì thêm khổ. Tòa xử hắn một năm tù ở vì tội đánh người gây thương tích. Hắn không kháng án. Sau khi ra tù ít ngày, hắn đến nhờ tôi viết cho người yêu hắn một lá thư báo tin hắn đã hết hạn tù và xin được cưới cô ta làm vợ. Hắn tâm sự với tôi là thời gian ở trong tù, mấy bạn tù khen hắn là can đảm và công bằng. Nếu trước tòa, hắn nhận tội chống người thi hành công vụ thì người cán bộ đó sẽ trở thành thương binh, trong khi vết thương do hắn gây ra không đáng là bao. Hoàng huyênh hoang tuyên bố mình là thằng đã từng vào tù, ra tội làm cho mấy thằng thợ rừng có máu mặt phải kiêng nể. Những tay buôn gỗ giàu có cũng biết sợ Hoàng. Hắn đảm nhận việc bốc gỗ lên xe cho các chủ gỗ. Thằng Khang cũng được Hoàng thu nhận vào đám bốc gỗ của hắn. Chủ gỗ trả cho Hoàng bao nhiêu tiền một xe gỗ khi đã bốc lên thì không ai biết, người ta chỉ biết nhận tiền công từ Hoàng trà mà thôi. Kiếm được tiền kha khá, Hoàng cưới vợ, mua xe tải để chở gỗ thuê, sắm dàn Karao ké để mỗi tối cho đám bốc vác hát thoải mái, khỏi trả tiền. Thằng Khang trước đây mang tiếng dữ dằn vậy mà cũng lép vế trước Hoàng. Theo tôi biết máu lạnh của thằng Khang không thua gì Hoàng nhưng chỉ có điều là Hoàng khôn ngoan hơn.
      Cái số thằng Khang đã nghèo thì đành chịu nhưng không hiểu sao nó lại lây lan cái nghèo cho người khác mới đáng buồn chứ ?.  Trong một cuộc nhậu, đang dở chừng thì Hoàng sai Khang đi mua thêm rượu, thêm mồi. Khang tính đi bộ nhưng Hoàng bảo cứ lấy xe máy của Hoàng mà đi cho nhanh. Một lúc sau đám nhậu tan rã do có người chạy đến báo tin là Khang đã gây tai nạn cho người đi đường. Nạn nhân là một thằng bé và vết thương cũng khá nặng. Ác thay, thằng nhỏ là con của một “ lâm tặc” bữa đó, bữa no ở trong xóm. Người ta đưa thằng bé về bệnh viện huyện, rồi chuyển lên bệnh viện tận trên Sài Gòn. Ba thằng nhỏ phải đi vay tiền của những đầu nậu gỗ để có tiền đưa con đi bệnh viện và cam đoan sẽ trả bằng gỗ khai thác trong rừng. Công an bắt thằng Khang trong ngày hôm đó, ngay trong lúc hắn còn nồng nặc mùi rượu.
    Công an bắt Khang cũng là điều may mắn cho hắn. Ai cũng biết thằng Khang chỉ có “trên răng dưới rứa” thì biết lấy cái gì mà bồi thường cho người ta. Nếu hắn còn ở ngoài chắc cũng khó sống với bà con thằng nhỏ mà hắn gây tai nạn. Điều may mắn cho Khang là thằng nhỏ không chết.
    Thằng Khang đang ở trong tù thì nghe cán bộ trại giam thông báo là hắn được lệnh tha. Được ra tù mà hắn lại không muốn ra. Hắn xin ở lại trong tù cho yên thân. Anh công an nói với hắn là cứ yên tâm, do gia đình thằng bé đã làm đơn xin bãi nại cho hắn rồi. Chân hắn bước không muốn nổi để ra khỏi trại giam khi hắn nghe anh công an nói là có một người đàn ông bị mù trả toàn bộ tiền bồi thường cho gia đình thằng nhỏ mà nó gây tai nạn. Ra khỏi cổng trại giam thằng Khang gào lên thật to: “ Ba ơi”
     Đến nay nhà nước đã xây cầu qua bốn con suối ở trên đường đến xóm “Lâm Tặc”. Tôi đã ra trường và làm ở một cơ quan của huyện. Thằng Khang về ở với cha của Mơ. Hoàng bị kết án ba năm tù vì tội phá rừng. Hôm tôi đến thăm Hoàng trong trại giam, Hoàng nói đi, nói lại với tôi một câu nói đã trở thành lời nguyền: “ Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”./.