BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRƯỜNG XƯA THẦY BẠN CŨ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRƯỜNG XƯA THẦY BẠN CŨ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

NGƯỜI BẠN CŨ


                       Truyện ngắn của Nguyễn Khắc PhướcPhóng tác theo chuyện QT kể.
                       Quý tặng đồng môn Nguyễn Hoàng nhân ngày hội trường 6/2912.
                                  
                                     

      Nếu không có buổi họp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường thì tôi đã không có dịp gặp lại Khoa, người bạn cùng lớp, sau 40 năm cách mặt.
       Khoa ngồi cùng bàn với tôi từ những năm đệ nhất cấp sang đệ nhị cấp, sau đó, khi rời Hội An ra Huế, mỗi thằng học mỗi trường, nó học luật, tôi học sư phạm, ở cư xá khác nhau,  phần tôi túi bụi lo chuyện học hành vì sợ quân dịch nên thỉnh thoảng mới gặp nhau ở quán cà phê đường Trương Định, chỗ sinh viên thường hay lui tới.
       Khi tôi đến dự buổi họp thì không biết Khoa đang có mặt ở đó. Nó ngồi đối diện với tôi nhưng tôi không nhận ra. Chỉ khi anh đại diện ban liên lạc giới thiệu, chúng tôi mới ồ lên ngạc nhiên rồi tay bắt, mặt mừng. Sau buổi họp, tôi mời Khoa ra quán nước để hai người tâm sự cho thỏa.
      Hồi trung học, nó không những là bạn thân của tôi mà nó còn léng phéng tán tỉnh Thúy- cô em gái của tôi - nên thường la cà đến nhà tôi, giả bộ trao đổi chuyện học hành với tôi, nhưng thực ra chỉ để gặp Thúy và tặng thơ tình mà nó hầu như luôn để sẵn trong túi, kể cả khi ở lớp. Thúy thường cho tôi đọc thơ của nó, nhưng vì tế nhị, tôi không bao giờ kể gì với Khoa, với lại, tôi cho đó là việc của trẻ con, không cần quan tâm. Tuy nhiên, tôi không phải là thằng tốt đẹp gì nên  thường tỏ ra có quyền hành với nó, và ngược lại, nó cũng luôn tử tế với tôi.
       Mấy năm ở đại học, vì quá bận học hành nên tôi không biết hai đứa nó có còn liên lạc với nhau không. Nếu hai đứa nó đến được với nhau thì tôi cũng mừng vì Khoa có đến hai giấy hoản dịch, một vì lý do gia cảnh vì nó là con trai độc nhất, một vì lý do học tập. Tôi mà rớt thì phải ra chiến trường, còn nó rớt thì chẳng hề hấn gì, vẫn tiếp tục học thoải mái. Thế nhưng khi tôi sắp hết năm thứ hai thì Thúy buồn bả bỏ ăn mấy ngày, hỏi ra thì Khoa đã bỏ lên rừng theo Mặt trận, chỉ để lại cho Thúy ít dòng. Chuyện sinh viên bỏ lên rừng theo cách mạng là chuyên thường, không làm ai ngạc nhiên. Riêng Khoa, chẳng bao giờ nghe nó nói chuyện chính trị, chỉ biết làm thơ tình, với lại, nó cũng chẳng hoạt động gì nổi trội như viết báo hay tham gia trong ban đại diện sinh viên, và ba nó, vì một chân có tật, phải đi khập khiểng, nên bên nào cũng chê, do đó,  sự ra đi của Khoa làm tôi ngạc nhiên. May mà tôi không phải đi lính, nếu ngược lại, e rằng có lúc hai thằng chúng tôi sẽ bắn vào nhau trên chiến trường.
       Mọi chuyện đều đi vào quên lảng trong cái vòng xoáy của thời cuộc đổi thay nhanh chóng. Chiến tranh thì lo không biết còn hay mất, hòa bình thì lo miếng cơm manh áo, nên trong suốt mấy chục năm, thú thật,  tôi quên phéng nó. Quên cũng là may cho nó bởi nó đã khiến em gái tôi phải sầu muộn một thời gian dài. Chỉ một hai năm gần đây, nhờ công nghệ thông tin nên các bạn cùng lớp lập một danh sách gởi về cho tôi, trong đó, tên Lê Chí Khoa kèm ghi chú: "Nghe nói ở miền Nam, không rõ địa chỉ."
        Bây giờ, thằng Khoa bằng xương bằng thịt với mái tóc muối tiêu dài kiểu nghệ sĩ đang ngồi trước mặt tôi bên bờ sông Hoài và kể về phần đời của nó mà tôi không hề biết tới.
        Khoa kể khi tổ chức đưa nó lên chiến khu (à, thì ra nó thuộc một tổ chức cơ sở hoạt động bí mật ở nội thành mà tôi không hay). Sau một trận đánh nó bị thương nhẹ, được đưa ra Hà Nội chữa bệnh và học tiếp, không phải luật mà là văn. Sau ngày giải phóng, tổ chức phân công Khoa về miền Tây, giữ chức phó ty thông tin. Trước khi đi, Khoa có về thăm nhà và thấy cha mẹ nó đang nuôi một bé trai lai, môi dày, da ngăm, nên nó khá bực tức. Bao năm đi đánh Mỹ bây giờ về nhà lại thấy trong nhà mình có thằng con của Mỹ, thật là trớ trêu. Nó thấy thằng bé cũng dễ thương nhưng lại sợ ảnh hưởng đến lý lịch trơn tru không dính dáng một chút gì đến chế độ cũ của mình, lại thuộc vào thành phần cơ bản, được chiếu cố. Khoa khuyên cha mẹ nên gởi thằng bé lại cho cô nhi viện, nơi cha mẹ nó tản cư đến ở, nhưng lúc đó. một vì phần cô nhi viện nơi nuôi thằng bé đã giải tán, một phần vì cha mẹ nó nhất quyết không chịu, nói: Bao năm ba mẹ không biết con sống chết thế nào, nên cố xin thằng bé về nuôi để sau này nhờ cậy nó, bây giờ để người khác nuôi, sao đành. Với lại, những người phụ trách cô nhi viện đã tin tưởng gởi gắm và mình lại chịu ơn họ nên không thể phụ lòng. Mình đưa nó về nhà mình chớ nó đâu có tự đến. Mình không nuôi nó thì có người khác xin ngay. Hơn nữa, nó khỏe mạnh cùi cụi, dễ bảo, sai đâu chạy đó. học hành thông minh.
         Khoa đành khăn gói lên đường làm nhiệm vụ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình nếu chuyện này lộ ra.
         Chừng hơn mười năm sau, Khoa được tin Minh - thằng em nuôi của Khoa - được xuất cảnh theo diện con lai, và vài năm sau thì cha mẹ Khoa được xuất cảnh theo diện gia đình có con lai. sang sinh sống với Minh ở nước ngoài. Hôm cha mẹ Khoa vào Sài Gòn ở nhà người bà con để chuẩn bị lên máy bay, vợ chồng Khoa và hai con có đến thăm để tiển đưa. Đó là lần Khoa gặp cha mẹ sau cùng và đó là lần cuối. Chừng hai năm sau khi cha mẹ Khoa ổn định chỗ ở, vợ chồng Khoa và hai con được bảo lãnh xuất ngoại. Khoa quyết đinh để vợ và hai con đi, còn Khoa ở lại một mình, nói lúc nào có điều kiện sẽ sang. Lý do mà Khoa không muốn đi là do trước đây Khoa đã lỡ khuyên cha mẹ đuổi Minh, mặc dù Minh không hề biết, nhưng tư cách sĩ khí đâu mà nay lại chịu để Minh giúp đỡ? Điều cha mẹ Khoa mong mỏi trước đây bây giờ trở thành hiện thực và Minh đúng là một người con có hiếu. "Nó là một thằng con nuôi lai nhưng tốt hơn nhiều thằng con ruột không lai, trong đó có tao," Khoa nói.
        Hai lần Khoa cần phải đi nhưng đi không được vì đều đang đi công tác nước ngoài, đó là lúc cha  nó mất đột ngột, rồi không lâu sau, mẹ nó cũng mất đột ngột vì đột quỵ. Rồi vì chờ quá lâu,vợ Khoa làm đơn ly dị và đã lấy chồng khác. Khoa không nói nhiều về chuyện vợ nó ly dị, có lẻ bởi đó là chuyện khó tránh của nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự và tôi cũng tế nhị không hỏi gì thêm.
         "Mấy năm làm việc bân rộn nên không biết buồn, nay về hưu, cảm thấy trống trải quá. Chợt nhớ quê hương, bà con, bạn bè nên bò về thăm," Khoa nói.
         "Tại sao mầy không sang sống với hai con cho sướng?" tôi hỏi.
         "Sướng cái con khỉ chùa cầu thì có! Mầy nghĩ mình không thạo tiếng người ta thì chỉ có mà ngồi nhà xem ti vi suốt ngày. Thì cũng được đi, nhưng oái oăm là thằng rể và con dâu tao đều là người bản xứ, cha chúng nó đều đã tham chiến tại Việt Nam và đều đã chết trận, ai cấm chúng nó nghĩ có thể bố vợ và bố chồng chúng nó đã từng bắn nhau  với cha chúng?" 
         "Người ta đang kêu gọi bỏ qua quá khứ,  cùng nhau hợp tác, hướng đến tương lai, còn mấy cứ ôm khư khư dỉ vảng nặng nề đó   làm gì. Giả dụ như mày có đánh nhau với cha chúng nó cũng là chuyện thường tình của chiến tranh," tôi nói.
         "Biết vậy nhưng đó là chuyện quốc gia, còn riêng mình vẫn cảm thấy khó ở. Trong trường hợp của tao, vì cùng là thành viên của một gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà nên cái tâm của mình không thể thoải mái được," Khoa nói.
         "Nghĩa là bây giờ mày sống tự do một mình bằng lương hưu, lâu lâu có các con tài trợ, phải không? Thỉnh thoảng giao du với em út? Vậy thì có tiên mới sướng hơn mầy, còn đòi gì nữa? "
         "Nhưng vẫn thường trực cô đơn và không biết làm gì cho hết thì giờ," Khoa nói,
         Khoa chuyển đề tài: "Cho tao gởi lời xin lỗi Thúy và cả mầy nữa, dù muộn."
         "Mầy có lỗi gì đâu. Bỏ một người để lo cho triệu người là chuyện chính đáng," tôi nói.
          "Mầy lên lớp chính trị thì thua tao dù mầy là giáo viên dạy văn. Bây giờ Thúy ra sao, đang ở đâu, gia đình thế nào?" Khoa nói.
          "Nó đang ở với con gái trên Đà Lạt. Chồng nó mất lâu rồi."
          "Tôi nghiệp Thúy! Thôi được, mầy cho tao địa chỉ của Thúy. Sau ngày hội trường, tao sẽ đi Đà Lạt."
                                                                                                                   
                                                                                                 Nguyễn Khắc Phước
                                                                                                           18/4/2012

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

NGÀY THƠ ẤU ƠI - Nguyễn Đặng Mừng


 Nguyễn Đặng Mừng sinh năm 1953.  Quê quán: Cổ Lũy, Hải Ba, Hải Lăng, Quảng Trị.  Làm thơ viết văn. Sáng tác đăng trên các báo Văn Nghệ, Tia Sáng, Người Đại Biểu Nhân Dân, Sông Hương, Kiến Thức Ngày Nay, Nhịp Cầu Đầu Tư…, các diễn đàn văn học tiếng Việt trong và ngoài nước.



Tác phẩm đã xuất bản:      
 Bóng Chiều Hôm, nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 2009.


      NGÀY THƠ ẤU ƠI
      Tặng bạn bè Nguyễn Hoàng xưa)
                                                    
       Năm 1972,  dân Quảng Trị chạy vào Đà Nẵng, thời đó gọi là tị nạn chiến tranh. Lớp tôi con trai đi lính hầu hết, trong đó có bạn thân là D. Trong thời gian chờ nhập ngũ, chúng tôi thường đi ngang trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng để đến trung tâm 1 trình diện hàng tuần.  Thấy bạn bè tiếp tục đi học mà buồn chi lạ. Chúng tôi, những đứa “giã từ áo trắng” thường rủ nhau đi uống cà phê, nghe nhạc giết thời gian. Không đứa nào biết đến bia rượu, thuốc lá. Một lần đi ngược chiều N, tôi đánh bạo băng qua đường tặng N tập nhạc của Cung Tiến có đề tặng câu: “Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa” *. Tôi linh cảm đây là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. D đứng lại bên kia đường nhìn sang, mắt buồn vợi. Linh cảm về sau này không vận vào tôi mà lại là D. Chúng tôi có một bạn gái cùng lớp thân nhau, cả ba hơi bị “yêu yêu”. Yêu thời đó là nhìn nhau, chớp mắt và đôi khi thở dài. Cô bé có thiện cảm với  cả tôi và D. Chúng tôi cùng ở trại tạm cư, nơi doanh trại của lính Mỹ để lại. Gọi là tạm cư nhưng đôi chỗ còn cả máy lạnh. Một lần D bị sốt thương hàn, tôi hẹn với cô bạn đi thăm. Tôi đi Honda đến nhà thấy cô ấy đã mặc áo dài và hộp sữa trong tay. Lần đầu chở “người yêu”, hồi hộp lắm. Vậy mà khoảng đường 5 cây số tới nhà D chẳng ai nói câu nào, sau lưng “không nghe tin tức” gì. Chắc ai nhìn thấy là ngộ lắm - Cô ta ngồi cách một khoảng “an toàn” quá mức cần thiết.

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

TẢN CƯ - Trần Kiêm Đoàn

   Nhân dịp trường TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ  sắp tổ chức họp mặt kỷ niệm  60 năm thành lập  trường. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết TẢN CƯ của thầy Trần Kiêm Đoàn -  cựu giáo sư của trường trước 1975

        

        TẢN CƯ

        Từ nhỏ, đi học ở Huế, tôi thường nghe người lớn than thở rằng, Huế là xứ sở đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương. Thời đó tôi không tin vì mỗi tuổi thơ đều có một bầu trời xanh và một cồn nắng ấm cho ước mơ tuổi dại theo diều căng gió mà nghe tiếng hát của Thằng Cuội ngồi gốc cây đa. Những cơn mưa thâm trầm và những trận lụt trùng trùng nước bạc của Huế đã khiến tôi nghĩ rằng, Huế là đất "đi để mà sợ, ở để mà kinh!".

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

BÀI THƠ LÀM KHI SAY RƯỢU - Phan Phụng Thạch

                   
   


 BÀI THƠ LÀM KHI SAY RƯỢU

(Gởi Lê Lợi, Trần Văn Lữ và Hà Mẫn Luyện để nhớ buổi tối uống rượu ở trại 5 Non Nước Đà Nẵng)

Buổi tối tiêu sầu - chai rượu đắng
Tri âm này hãy uống cho say
Lỡ mai có chết - không ân hận
Vì đã ngồi chung một chiếu này

Thằng bạn chưa già nhưng tóc bạc
Bụng đầy Kinh Lễ với Kinh Thư
Chuyện đời hư ảo xin mày gác
Không lẽ mày là Ngũ Tử Tư?

Hay mày muốn làm một Nhan Hồi
Thôi ! Hãy vì nhau uống mềm môi
 Đã biết đời người cơn gió thoảng
Thì mau, kẻo rượu sẽ bay hơi.

Bên ta có cả người Lê Lợi
Hình như chưa biết một lần say
Đêm nay cũng thấy lòng như mới
Cất tiếng cười vang giọng ngất ngây

Còn nữa, thằng kia sao mầy khóc?
Nhớ em hay buồn nghĩa thầy trò?
Nếu đã chọn lầm nghề dạy học
Hãy xem tình ấy cũng như tro.

Xem ta hơn nửa đời lưu lạc
Bắt chước Tú Xương với Tản Đà
Ta cũng có người yêu bội bạc
Mà có bao giờ ta nói ra?

Còn nốt chút này xin cạn hết
Say mèm sẽ ngủ suốt đêm nay
Uống đi! nếu lỡ mai ta chết
Thì cứ coi là chiếc lá bay


 PHAN PHỤNG THẠCH 

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

SLIDESHOW VỀ SINH HOẠT ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG LA GI - HÀM TÂN

Ừ! Đã qua tuần giỗ 49; 50 ngày -  tưởng nhớ ngày mất của  thầy Lê Văn Quýt  (vị giáo sư cao niên đã dạy trường trung học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị từ lúc thành lập trường - những năm đầu thập niên 1950 của thế kỷ 20) rồi. Mới đó, ngay đầu năm Tân Mão (2011) này thôi, quý cựu giáo sư  - cựu học sinh  Nguyễn Hoàng khắp nơi về Hàm Tân, cùng hoan hỉ mừng đại thọ 90 tuổi của thầy. Thế mà bỗng chốc Thầy đã về cõi vĩnh hằng ! Còn biết bao nhiêu thầy bạn cũ, giờ cũng hóa thành người thiên cổ! Ngày mai , biết ai còn, ai mất! Lòng rưng rưng xúc động, mình tải lại slideshow SINH HOẠT ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG HÀM TÂN – LA GI đã thực hiện trước đây, bâng khuâng ôn kỷ niệm một thời còn chưa xa.
        Rất cám ơn anh Lê Bảo Lâm đã hỗ trợ hết sức nhiệt thành về phần kỹ thuật vi tính  khi thực hiện slideshow này  

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

VỀ THĂM QUÊ - Đoàn Minh Phú


               
                                    
            “Hai mươi năm chưa hề trở lại
             Nợ áo cơm dặm đường xa ngái
             Lòng hẹn lòng tôi nhé về quê”


      Những câu thơ của Tạ Nghi Lễ gieo vào hồn mình nỗi nhớ quê khắc khoải. Ừ ! Cũng đã nhiều năm mình chưa trở lại quê nhà. Bà con , bạn bè mỗi lần điện thoại thư tín đều thôi thúc, réo gọi mình về. Nhất là thằng Bình , bạn học cũ lớp 10A3, cứ mỗi lần điện thoại là hắn cứ châm biếng đọc thơ Tạ Nghi Lễ rồi gây với mình một cách gay gắt. Phải về thăm lại quê hương thôi! Quyết định xong, rứa là ngày 28/5/2011 mình bắt xe vào Sài Gòn dự đám cưới con gái của Cường - Thắm (bạn học cũ lớp 10A3 NH niên khóa 1972 – 1973). Trong tiệc cưới, mình gặp lại một số bạn học NH cũ như Hoàng Đức Nghiêm, Hoàng Văn Ân, Thuận Thân, Mỹ Trúc, Hường, Mú, Cúc, Hoa,…


        

                                Phú, Hùng, Cường, Thắm, Trúc


             

               Cúc, Trúc, Thân, Hường, Thắm, Hoa, Mú, Cường, Ân