BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn NGUYỄN KHẮC PHƯỚC. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn NGUYỄN KHẮC PHƯỚC. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

NGƯỜI BẠN CŨ


                       Truyện ngắn của Nguyễn Khắc PhướcPhóng tác theo chuyện QT kể.
                       Quý tặng đồng môn Nguyễn Hoàng nhân ngày hội trường 6/2912.
                                  
                                     

      Nếu không có buổi họp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường thì tôi đã không có dịp gặp lại Khoa, người bạn cùng lớp, sau 40 năm cách mặt.
       Khoa ngồi cùng bàn với tôi từ những năm đệ nhất cấp sang đệ nhị cấp, sau đó, khi rời Hội An ra Huế, mỗi thằng học mỗi trường, nó học luật, tôi học sư phạm, ở cư xá khác nhau,  phần tôi túi bụi lo chuyện học hành vì sợ quân dịch nên thỉnh thoảng mới gặp nhau ở quán cà phê đường Trương Định, chỗ sinh viên thường hay lui tới.
       Khi tôi đến dự buổi họp thì không biết Khoa đang có mặt ở đó. Nó ngồi đối diện với tôi nhưng tôi không nhận ra. Chỉ khi anh đại diện ban liên lạc giới thiệu, chúng tôi mới ồ lên ngạc nhiên rồi tay bắt, mặt mừng. Sau buổi họp, tôi mời Khoa ra quán nước để hai người tâm sự cho thỏa.
      Hồi trung học, nó không những là bạn thân của tôi mà nó còn léng phéng tán tỉnh Thúy- cô em gái của tôi - nên thường la cà đến nhà tôi, giả bộ trao đổi chuyện học hành với tôi, nhưng thực ra chỉ để gặp Thúy và tặng thơ tình mà nó hầu như luôn để sẵn trong túi, kể cả khi ở lớp. Thúy thường cho tôi đọc thơ của nó, nhưng vì tế nhị, tôi không bao giờ kể gì với Khoa, với lại, tôi cho đó là việc của trẻ con, không cần quan tâm. Tuy nhiên, tôi không phải là thằng tốt đẹp gì nên  thường tỏ ra có quyền hành với nó, và ngược lại, nó cũng luôn tử tế với tôi.
       Mấy năm ở đại học, vì quá bận học hành nên tôi không biết hai đứa nó có còn liên lạc với nhau không. Nếu hai đứa nó đến được với nhau thì tôi cũng mừng vì Khoa có đến hai giấy hoản dịch, một vì lý do gia cảnh vì nó là con trai độc nhất, một vì lý do học tập. Tôi mà rớt thì phải ra chiến trường, còn nó rớt thì chẳng hề hấn gì, vẫn tiếp tục học thoải mái. Thế nhưng khi tôi sắp hết năm thứ hai thì Thúy buồn bả bỏ ăn mấy ngày, hỏi ra thì Khoa đã bỏ lên rừng theo Mặt trận, chỉ để lại cho Thúy ít dòng. Chuyện sinh viên bỏ lên rừng theo cách mạng là chuyên thường, không làm ai ngạc nhiên. Riêng Khoa, chẳng bao giờ nghe nó nói chuyện chính trị, chỉ biết làm thơ tình, với lại, nó cũng chẳng hoạt động gì nổi trội như viết báo hay tham gia trong ban đại diện sinh viên, và ba nó, vì một chân có tật, phải đi khập khiểng, nên bên nào cũng chê, do đó,  sự ra đi của Khoa làm tôi ngạc nhiên. May mà tôi không phải đi lính, nếu ngược lại, e rằng có lúc hai thằng chúng tôi sẽ bắn vào nhau trên chiến trường.
       Mọi chuyện đều đi vào quên lảng trong cái vòng xoáy của thời cuộc đổi thay nhanh chóng. Chiến tranh thì lo không biết còn hay mất, hòa bình thì lo miếng cơm manh áo, nên trong suốt mấy chục năm, thú thật,  tôi quên phéng nó. Quên cũng là may cho nó bởi nó đã khiến em gái tôi phải sầu muộn một thời gian dài. Chỉ một hai năm gần đây, nhờ công nghệ thông tin nên các bạn cùng lớp lập một danh sách gởi về cho tôi, trong đó, tên Lê Chí Khoa kèm ghi chú: "Nghe nói ở miền Nam, không rõ địa chỉ."
        Bây giờ, thằng Khoa bằng xương bằng thịt với mái tóc muối tiêu dài kiểu nghệ sĩ đang ngồi trước mặt tôi bên bờ sông Hoài và kể về phần đời của nó mà tôi không hề biết tới.
        Khoa kể khi tổ chức đưa nó lên chiến khu (à, thì ra nó thuộc một tổ chức cơ sở hoạt động bí mật ở nội thành mà tôi không hay). Sau một trận đánh nó bị thương nhẹ, được đưa ra Hà Nội chữa bệnh và học tiếp, không phải luật mà là văn. Sau ngày giải phóng, tổ chức phân công Khoa về miền Tây, giữ chức phó ty thông tin. Trước khi đi, Khoa có về thăm nhà và thấy cha mẹ nó đang nuôi một bé trai lai, môi dày, da ngăm, nên nó khá bực tức. Bao năm đi đánh Mỹ bây giờ về nhà lại thấy trong nhà mình có thằng con của Mỹ, thật là trớ trêu. Nó thấy thằng bé cũng dễ thương nhưng lại sợ ảnh hưởng đến lý lịch trơn tru không dính dáng một chút gì đến chế độ cũ của mình, lại thuộc vào thành phần cơ bản, được chiếu cố. Khoa khuyên cha mẹ nên gởi thằng bé lại cho cô nhi viện, nơi cha mẹ nó tản cư đến ở, nhưng lúc đó. một vì phần cô nhi viện nơi nuôi thằng bé đã giải tán, một phần vì cha mẹ nó nhất quyết không chịu, nói: Bao năm ba mẹ không biết con sống chết thế nào, nên cố xin thằng bé về nuôi để sau này nhờ cậy nó, bây giờ để người khác nuôi, sao đành. Với lại, những người phụ trách cô nhi viện đã tin tưởng gởi gắm và mình lại chịu ơn họ nên không thể phụ lòng. Mình đưa nó về nhà mình chớ nó đâu có tự đến. Mình không nuôi nó thì có người khác xin ngay. Hơn nữa, nó khỏe mạnh cùi cụi, dễ bảo, sai đâu chạy đó. học hành thông minh.
         Khoa đành khăn gói lên đường làm nhiệm vụ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình nếu chuyện này lộ ra.
         Chừng hơn mười năm sau, Khoa được tin Minh - thằng em nuôi của Khoa - được xuất cảnh theo diện con lai, và vài năm sau thì cha mẹ Khoa được xuất cảnh theo diện gia đình có con lai. sang sinh sống với Minh ở nước ngoài. Hôm cha mẹ Khoa vào Sài Gòn ở nhà người bà con để chuẩn bị lên máy bay, vợ chồng Khoa và hai con có đến thăm để tiển đưa. Đó là lần Khoa gặp cha mẹ sau cùng và đó là lần cuối. Chừng hai năm sau khi cha mẹ Khoa ổn định chỗ ở, vợ chồng Khoa và hai con được bảo lãnh xuất ngoại. Khoa quyết đinh để vợ và hai con đi, còn Khoa ở lại một mình, nói lúc nào có điều kiện sẽ sang. Lý do mà Khoa không muốn đi là do trước đây Khoa đã lỡ khuyên cha mẹ đuổi Minh, mặc dù Minh không hề biết, nhưng tư cách sĩ khí đâu mà nay lại chịu để Minh giúp đỡ? Điều cha mẹ Khoa mong mỏi trước đây bây giờ trở thành hiện thực và Minh đúng là một người con có hiếu. "Nó là một thằng con nuôi lai nhưng tốt hơn nhiều thằng con ruột không lai, trong đó có tao," Khoa nói.
        Hai lần Khoa cần phải đi nhưng đi không được vì đều đang đi công tác nước ngoài, đó là lúc cha  nó mất đột ngột, rồi không lâu sau, mẹ nó cũng mất đột ngột vì đột quỵ. Rồi vì chờ quá lâu,vợ Khoa làm đơn ly dị và đã lấy chồng khác. Khoa không nói nhiều về chuyện vợ nó ly dị, có lẻ bởi đó là chuyện khó tránh của nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự và tôi cũng tế nhị không hỏi gì thêm.
         "Mấy năm làm việc bân rộn nên không biết buồn, nay về hưu, cảm thấy trống trải quá. Chợt nhớ quê hương, bà con, bạn bè nên bò về thăm," Khoa nói.
         "Tại sao mầy không sang sống với hai con cho sướng?" tôi hỏi.
         "Sướng cái con khỉ chùa cầu thì có! Mầy nghĩ mình không thạo tiếng người ta thì chỉ có mà ngồi nhà xem ti vi suốt ngày. Thì cũng được đi, nhưng oái oăm là thằng rể và con dâu tao đều là người bản xứ, cha chúng nó đều đã tham chiến tại Việt Nam và đều đã chết trận, ai cấm chúng nó nghĩ có thể bố vợ và bố chồng chúng nó đã từng bắn nhau  với cha chúng?" 
         "Người ta đang kêu gọi bỏ qua quá khứ,  cùng nhau hợp tác, hướng đến tương lai, còn mấy cứ ôm khư khư dỉ vảng nặng nề đó   làm gì. Giả dụ như mày có đánh nhau với cha chúng nó cũng là chuyện thường tình của chiến tranh," tôi nói.
         "Biết vậy nhưng đó là chuyện quốc gia, còn riêng mình vẫn cảm thấy khó ở. Trong trường hợp của tao, vì cùng là thành viên của một gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà nên cái tâm của mình không thể thoải mái được," Khoa nói.
         "Nghĩa là bây giờ mày sống tự do một mình bằng lương hưu, lâu lâu có các con tài trợ, phải không? Thỉnh thoảng giao du với em út? Vậy thì có tiên mới sướng hơn mầy, còn đòi gì nữa? "
         "Nhưng vẫn thường trực cô đơn và không biết làm gì cho hết thì giờ," Khoa nói,
         Khoa chuyển đề tài: "Cho tao gởi lời xin lỗi Thúy và cả mầy nữa, dù muộn."
         "Mầy có lỗi gì đâu. Bỏ một người để lo cho triệu người là chuyện chính đáng," tôi nói.
          "Mầy lên lớp chính trị thì thua tao dù mầy là giáo viên dạy văn. Bây giờ Thúy ra sao, đang ở đâu, gia đình thế nào?" Khoa nói.
          "Nó đang ở với con gái trên Đà Lạt. Chồng nó mất lâu rồi."
          "Tôi nghiệp Thúy! Thôi được, mầy cho tao địa chỉ của Thúy. Sau ngày hội trường, tao sẽ đi Đà Lạt."
                                                                                                                   
                                                                                                 Nguyễn Khắc Phước
                                                                                                           18/4/2012

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

VUSI MAKUSI NGƯỜI CHỜ XE BUÝT

Truyện dịch của anh Nguyễn Khắc Phước  được chính tác giả là nữ văn sĩ người Anh Ursula Wills-Jones đăng trên trang web của chị.
Nguồn : http://ursulawrites.blogspot.com/p/vusi-makusi-vietnamese.html?spref=tw


Vusi Makusi, người chờ xe buýt




Truyện ngắn của Ursula Wills-Jones
Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ

Vusi Malusi mắc bệnh lạc quan hết đường chạy chữa. Hắn lạc quan cho dù hắn đang ở một nơi nghèo nhất thế giới, dù hắn chỉ có một bộ đồ mặc trên người, mà chiếc quần thì cũn cỡn chưa tới mắt cá chân.
Sau khi học xong, Vusi Makusi quyết định xin vào làm ngành dịch vụ dân sự. Người phụ trách nhìn Vusi và ngay lập tức biết hắn ta chẳng làm nên trò trống gì.
Hắn khoe : “Mình vừa kiếm được một chức vụ dành cho những thanh niên nhiều tham vọng.”
Vusi ngồi đã khá lâu trên xe buýt. Chiếc xe ì à ì ạch cọc cạch chạy mỗi lúc một sâu vào trong rừng. Cuối cùng nó dừng lại ở một vùng đầm lầy trong thung lủng, bao quanh toàn là rừng.
“Cái thôn đó ở đâu?” Vusi hỏi.
Tài xế chỉ tay về phía những ngọn đồi.
“Khi nào xe trở lại?”
“Thứ Bảy,” tài xế gắt gỏng nói.
Anh ta bực mình vì Vusi đã huyên thuyên với hành khách trên xe suốt hai mươi tiếng về công việc của hắn ta.
Vusi vượt qua nhiều ngọn đồi mới đến được thôn. Hắn gỏ cửa nhà thôn trưởng và ngồi đợi. Dân thôn đến vây quanh tò mò nhìn hắn. Khi thôn trưởng đến, hắn đứng dậy chào.
“Thưa ông, tôi là cán bộ được nhà nước phân công tới công tác ở vùng này. Tôi mang đến hòa bình, thịnh vượng, đoàn kết và giáo dục cho nhân dân. Tôi đến để chứng tỏ sự quan tâm và chiếu cố của chính phủ vĩ đại và giàu lòng nhân ái của chúng ta. Bất cứ người dân cần gì, chẳng hạn như điện, đường, trường, trạm, máy, nước, phân, giống, chính phủ đều sẵn sàng cung cấp. Tôi chỉ việc kê danh sách và tất cả sẽ được mang đến.”
Trưởng thôn trố mắt nhìn hắn rồi bắt đầu cười ha hả một hồi dài. Mọi người xung quanh vổ vai nhau cười thích thú.
Một lúc sau, trưởng thôn lên tiếng: “Này cậu kia! Lâu lắm rồi chúng tôi mới được một nghệ sĩ hài đến viếng.”
“Thưa ông, tôi nói nghiêm túc đấy,”Vusi nói.
Trưởng thôn lại tiếp tục cười nữa.
“Thôi đi, thưa cán bộ. Chú không thấy bà mẹ 83 tuổi của tôi đang đau vì chú chọc cười đó sao? Đừng làm bà cười đến gảy sườn đấy nhé!”
Tối đó hắn được mời ăn uống tử tế. Chỉ đến sáng hôm sau, khi hắn cầm kẹp giấy đi quanh thôn, người ta mới bắt đầu lo.
“Nó là thằng điên và người ta đã tống nó ra khỏi thành phố,” mục sư nói.
“Nó là gián điệp. Nó ghi chép mọi thứ nó có thể lấy cắp,” vợ trưởng thôn nói.
“Tôi nghĩ nó đã bị té giếng hay sao đó nên nó mới kỳ cục vậy,” lão thợ rèn nói.
Sau hai tám ngày, Vusi đến gặp trưởng thôn. Hắn giải thích mình đã làm việc bốn tuần liên tiếp và được tám ngày nghỉ phép, nhân tiện, về thăm mẹ già. Hắn hỏi mượn cái dù của ông thôn trưởng, hứa sẽ mua cho ông một cái dù mới khi đến thành phố nơi hắn được lĩnh lương tháng đầu tiên từ kho bạc nhà nước với thẻ lĩnh lương còn mới cứng.
Ông trưởng thôn lắc đầu nhưng lại đồng ý cho hắn mượn dù. Hắn hỏi bà vợ ông trưởng thôn để mượn một cái mền. Sau đó hắn đi đến nhà lão thợ rèn để mượn một con dao vì đường đi đến trạm xe buýt thì xa mà cỏ đã mọc che hết rồi. Thế rồi hắn đi bộ ra khỏi làng, vai mang chiếc ba lô đã sờn rách.
“Chắc sẽ có người bảo với nó rằng không có xe buýt,” trưởng thôn nói.
Họ đợi mãi đợi hoài. Rốt cục lão thợ rèn xuống thung lủng và thấy hắn đang đợi bên con đường bùn lầy.
“Nó nói xe buýt chắc chắn sẽ đến,” lão thợ rèn giải thích. “Và nó không muốn lỡ chuyến.”
Hai ngày sau, trưởng thôn thân chinh xuống thuyết phục hắn. Trưởng thôn quay về và lắc đầu.
Mục sư xuống và cố gắng nhưng cũng thất bại.
“Cái đầu thằng này chẳng còn biết phải trái là gì,” vợ trưởng thôn nói. “ Thử xem trái tim và con mắt nó ra sao. Ta nhờ cô gái đẹp nhất làng con ông thợ gốm đi xem sao.”
Con gái ông thợ gốm trở về, nhún vai thất vọng.
“Thử nhờ con gái ông mục sư,” lão thợ rèn đề nghị. “Cô này không đẹp nhất nhưng thông minh, sắc sảo, có tài ăn nói.”
Người ta thử sức tất cả các cô gái trong thôn cho tới khi chỉ còn một cô duy nhất.
“Cũng được, để cháu nó thử còn hơn là không.” Trưởng thôn vừa ngáp vừa nói. Rồi ông đi vào lều để ngủ trưa.
Cô gái bực tức ra đi. Cô quá giận vì bị xem là trì độn và cục mịch nhất trong thôn đến nỗi khi gặp Vusi, cô ta liền ném hột xoài cô vừa ăn vào người hắn.
“Đồ ngu! Đồ điên!” cô gái hét . “Muốn làm gì thì làm đi, tui cóc đếm xỉa đến ông. Chẳng ai thèm đoái hoài đến ông dù ông cứ ngồi đó cho đến khi hóa đá!” Cô gái giận đến nỗi cô òa khóc tức tưởi.
Vusi trố mắt nhìn cô gái. Hắn ta quỳ xuống.
“Này cô gái yêu quý ơi, ” hắn nói. “ Em hãy tha lỗi cho tôi. Sự bày tỏ cảm xúc mạnh mẽ thế này là do từ lâu em đã ấp ủ tình cảm dành cho tôi. Nếu tôi đã không để ý đến tình cảm của em chẳng qua vì em đã không bộc lộ đấy thôi. Nếu đã biết em yêu tôi thì làm sao tôi lại có thể vô tình như vậy được. May quá là may! Khi xe buýt đến, tôi sẽ về thăm mẹ và báo cho mẹ biết tôi đã gặp người vợ tương lai của mình rồi. Cám ơn chúa, chờ đợi mãi, nay chúa mới ban chút phước lành cho con.”
Được nghe những lời tỏ tình thế này, cô gái sung sướng biết mấy so với bị xem là trì độn và cục mịch. Cô gái đồng ý cùng với Vusi chờ đợi.
Hắn kể cho cô gái nghe không biết bao nhiêu là thứ, nào là máy cày, trạm xá, trường học, máy bơm nước, bò béo và gà mập, nào là rau củ tốt tươi, người người vui vẻ, mái tôn, truyền hình, nhà xí sạch sẻ, nào là bưu điện, điện thoại, đường tráng nhựa, máy bay, nhà chọc trời, nào là xe buýt chạy đúng lịch và đúng giờ đến mọi miền quê.

Buổi sáng trời bắt đầu mưa. Vusi căng dù của ông trưởng thôn. Trời cứ mưa mãi. Một con khỉ đỏ xuất hiện và ngồi phía bên kia đường. Trông nó buồn rầu và ướt như chuột lội.
“Trông kìa, con khỉ đang chờ để lên xe buýt!” Vusi nói.
“Nhưng nó không có túi xách hay ba lô gì hết,” cô gái nói.
“Em nói đúng,” Vusi đồng ý. “Vậy thì nó đang chờ đón bà con đến bằng xe buýt.”
Một lát sau, con khỉ bắt đầu run.
“Vusi này,” cô gái nói. “Hoặc là để con khỉ vào dù núp mưa hoặc là đuổi nó đi. Em không thể chịu đựng phải nhìn bộ mặt rầu rĩ của nó nữa.”
“Tại sao không, cứ để cho nó vào núp mưa đi,” Vusi nói. “Dù sao con khỉ kia cũng là một công dân của đất nước huy hoàng và vĩ đại của chúng ta.”
Thế là con khỉ, Vusi và cô gái cùng ngồi dưới dù. Trời vẫn mưa liên miên. Một cái ao lớn đã hình thành ở chỗ trủng.
“Đúng vậy,” cô gái chợt hiểu ý nghĩ của Vusi. “Người dân trong đất nước vĩ đại của chúng ta sẽ không chịu phải đợi xe buýt dưới mưa. Anh là một viên chức nhà nước, vậy trong khi chờ đợi, anh nên chặt cành làm lán để phục vụ mọi người.”
“Em không chỉ là một cô gái đẹp,” Vusi gật đầu. “Chỉ có điều nếu xe buýt đến khi anh đang chặt cành, em phải kêu thật to để gọi anh vì anh không muốn làm mẹ già thất vọng.”
Thế là Vusi cầm dao, chặt cành và làm một cái lán.
Vusi và cô gái ngồi đợi dưới lán. Con khỉ ngồi trên mái. Một ngày, một ngày rồi một ngày nữa trôi qua. Trời ngớt mưa. Trưởng thôn đến, lắc đầu rồi đi về. Nước suối đổ vào làm cái ao rộng ra. Vusi bắt được cá để dùng bữa. Không một thứ gì đi lại trên đường, tuyệt nhiên không.

Vusi và cô gái đợi trong lán. Họ đợi lâu quá nên cô gái có con.
“Mẹ anh sẽ sung sướng biết mấy khi bà trông thấy cháu nội!” Vusi vui mừng reo lên.
“Chắc vậy, ông xã ạ!” cô gái nói. Người ta sẽ đến đây đợi xe buýt cùng với trẻ con. Em nghĩ phải có chỗ yên tĩnh cho chúng nằm hoặc ngủ.”
Vusi lấy dao chặt cây và dựng thêm một phòng nữa. Ngoài cửa, hột xoài đã lên cây non, trổ lá. Một con khỉ thứ hai vào ở chung với con thứ nhất. Cặp khỉ cũng có con. Trời vẫn mưa đi mưa lại. Nước suốt dâng lên rồi rút xuống.
“Anh Vusi này,” chị vợ nói. “Có ngày nơi đây sẽ trở thành một bến xe buýt nhộn nhịp. Sẽ có nhiều hành khách, và ai kinh doanh ăn uống sẽ thu bộn tiền đấy. Em nghĩ em nên chuẩn bị trồng bắp để nấu cháo và làm bia. Rồi anh không chỉ là nhân viên nhà nước, và em sẽ là nữ doanh nhân.”
Thế là chị ta cuốc đất bên bờ suối và biến thành một khu vườn. Rồi chị vào lều và sinh một cháu bé nữa.
“Chắc là anh đã nghe nhầm lời ông ấy,” một hôm Vusi nói. “Chắc chắn xe buýt không đến vào thứ Bảy mà phải là tháng Giêng. Chỉ ba năm nay thôi chưa có chiếc nào. Rồi sẽ có ba chiếc đến cùng lúc. Cái hay của xe buýt là thế.”
“Anh Vusi này!” chị vợ nói. “Nếu có ba xe buýt chở đầy người đến đây, em không đủ thức ăn mà bán cho họ. Hơn nữa, một nhà hàng lớn phải có nhiều món. Anh hãy vào rừng bắt đôi gà mình thấy hôm trước về để em nuôi. Làm vậy chúng ta sẽ có đủ thức ăn cho nhiều người.”
“Ý em hay quá,” Vusi nói. “Chỉ có điều khi xe buýt tới mà anh đang ở trong rừng, thì em phải bảo họ đợi.”
Chị vợ chờ ở ven đường. Không ai đi qua. Dân làng cũng không thấy bóng. Sau năm ngày, Vusi trở về, tay cặp hai con gà ri đang vùng vẩy vì hoảng sợ.
“Anh không bỏ lỡ chuyến xe buýt nào chứ?” Vusi lo lắng hỏi. Chị vợ trấn an.
“Thời tiết mấy năm nay thay đổi kỳ cục quá,” Vusi nói. “Anh sợ xe buýt năm nay cũng không đến. Tuy vậy, cũng khó mà đoán chắc chúng có đến hay không, nên bỏ chỗ này mà đi thì xấu hỗ quá. Nhất là mình đã chuẩn bị mọi thứ, kể cả nhà hàng và khách sạn.”
Năm ấy trôi qua.
“Vusi này!” chị vợ nói. “Anh phải làm chuồng nhốt gà. Để chúng bị xe buýt cán là không được đấy nhé.”
Một năm nữa trôi qua.
“Vusi này!” chị vợ nói. “Mùa khô cá đi hết. Nếu xe buýt đến thì làm sao đây? Lấy gì mà bán cho khách. Anh phải xây một cái đập để chắn con suối lại.”
Một năm nữa trôi qua. Chị vợ có thêm một cháu bé nữa.
“Dịch vụ xe buýt kiểu này thì không thể chấp nhận được. Khi xe buýt đến, anh sẽ viết thư gởi cho bộ trưởng giao thông. Chỉ một điều hay là tiền lương anh trong ngân khố mỗi ngày một tăng.”
Một năm nữa trôi qua. Xe buýt không đến. Cây xoài bắt đầu cho trái ngon ngọt. Họ đã chờ đợi quá lâu. Vusi bắt đầu lo lằng về việc kiếm vợ cho thằng con trai lớn.
Thế rồi một hôm có âm thanh lạ trong rừng. Hình như nó cứ dội quanh.
“Xe buýt! Xe buýt!,” mấy đứa con của Vusi kêu ré lên vì chúng thường nghe bố nó nói về con quái vật lạ lùng này.
Trên đỉnh đồi xuất hiện chiếc trực thăng màu trắng có mấy chữ U.N bên sườn. Nó đáp xuống lối mòn và bốn người lính đội mủ bê-rê màu xanh bước ra, nhìn dáo dác. Rồi hai nhà khoa học mặc bờ-lu trắng bước ra, tay cầm kẹp giấy, miệng mang mặt nạ vệ sinh. Tiếp đến là một chính trị gia mặc com-lê, tay cầm khăn che mũi và một ông tướng, tay cầm mũ sắt.
Họ chằm chằm nhìn Vusi xong đến vợ hắn ta rồi mấy đứa con.
“Vậy là hiểu rồi,” Vusi nói. “Họ đang nâng cấp dịch vụ từ xe buýt lên trực thăng. Mất thời gian lâu là vì thế”
“Các người đang làm gì ở đây?” nhà chính trị hỏi.
“Chúng tôi đang chờ xe buýt”, Vusi điềm tĩnh trả lời.
“Nhưng bằng cách nào mà các người đã sống sót sau cuộc nội chiến?” vị tướng hỏi.
“Nội chiến nào?” Vusi ngạc nhiên hỏi.
“Vâng, cuộc nội chiến đã quét sạch nửa dân số đấy,” chính trị gia trả lời.
“Thật sự chúng tôi chưa bao giờ thấy một người lính nào,” Vusi lắc đầu nói.
“Nhưng cho dù các người đã thoát được cuộc nội chiến, làm sao lại thoát được nạn đói đã cướp đi một nửa sinh mạng những người sống sót sau cuộc chiến?” vị đại tướng hỏi.
“Nạn đói hả?” vợ Vusi nói. Chị nhìn quanh những cây xoài, đám kê, chuồng gà với những con gà mập ú.
“Thôi được, cho dù các người sống sót sau cuộc nội chiến, sau nạn đói, làm thế nào các người chống lại được vi-rút?” một nhà khoa học hỏi.
“Vi-rút ?” Vusi nói. “Vi-rút gì?”
“Một loại vi-rút chết người đã quét sạch tất cả những người đã sống sót sau cuộc nội chiến và nạn đói,” nhà khoa học thứ hai nói. “Một căn bệnh quái ác không thể chửa được đã không chừa bất cứ con người hoặc loài linh trưởng nào ngoại trừ các loài vượn cáo tóc đỏ cực kỳ hiếm và gần như bị tuyệt chủng.
Một con khỉ leo lên vai Vusi và bắt đầu cắn tai hắn một cách thân mật. Vusi đuổi nó đi.
“ Các ông nói lạ thiệt” Vusi nói. “Chúng tôi không nhớ có ai trong gia đình đã bị bệnh lần nào.”
“Vusi này,” người vợ huých vào tay chồng, nói. “Mời quý bác ở lại ăn tối nhé. Quý bác là khách hàng đầu tiên của chúng ta đấy.”
“Chắc chắn rồi!” Vusi gật đầu. “Cá hay gà?”
Nhưng những chính trị gia, nhà khoa học, tướng lĩnh và binh sĩ nghe vậy đều khiếp hãi, rút lui về trực thăng.
“Chúng tôi phải đi,” vị tướng nói.
“Chắc chắn chúng tôi sẽ đưa các người ra khỏi đây,” nhà chính trị quả quyết nói. Các người sẽ được cung cấp mọi thứ , sẽ được giúp đỡ và cứu trợ về áo quần, nhà cửa, điện, nhà xí đàng hoàng, nói chung là tất cả mọi thứ. Báo chí sẽ đến phỏng vấn và các người sẽ nổi tiếng.”
“Thế thì cám ơn các bác,” Vusi lễ phép nói. “Nhưng chúng tôi không thể rời bỏ chỗ này. Chúng tôi đang đợi xe buýt. Tuy nhiên, bác có thể giúp tôi một việc. Bác có giấy bút không?’
Vusi ngồi viết vài dòng để phàn nàn về sự không đáng tin cậy của xe buýt ngoại ô và trao tận tay chính trị gia để chuyển cho ông bộ trưởng giao thông.
Sau khi trực thăng bay rồi, Vusi hình như hơi thất vọng.
“Chiến tranh, nạn đói, bệnh tật lại xảy ra trên đất nước xinh đẹp của chúng ta hay sao?” hắn nói.
“Có lẻ họ nói láo,” người vợ gợi ý. Chúng ta hãy lên đỉnh đồi và xem chuyện gì đang thật sự xảy ra.”
Vusi và vợ trèo lên con đường cũ mấy năm không ai đi lại. Đường bị đá lấp, nứt nẻ và hỏng nhiều. Có đoạn bị dòng suối cắt đôi. Cuối cùng họ lên đến đỉnh đồi. Trải dài đến hút tầm mắt của họ là một vùng hoang tàn, cây cối ngã đổ, xe tăng cháy rụi, làng mạc tan hoang, đồng không mông quạnh.
Vusi và vợ trở về, tay trong tay. Vusi im lặng, không nói một câu. Chị vợ đi thổi cơm chiều.
Vusi ngồi và vợ con bao quanh. Hắn có vẻ tư lự. Cuối cùng, hắn nói:
“Này bà xã ơi!” Vusi nói. “Anh biết lâu nay thỉnh thoảng có người cho anh là thằng ngu nhưng anh lại chỉ nghĩ rằng mọi thứ anh làm hóa ra đều là những việc tốt đẹp.”
Vusi tự gắp cho mình một miếng gà to và ăn ngon lành.

Ursula WJ
Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ
Nguyên tác bằng tiếng Anh đăng trên trang East of the Web .

Vài dòng về tác giả:
Ursula Wills-Jones là nhà văn nữ hiện đang sống tại Bristol, nước Anh. Tác phẩm của chị thuộc các thể loại truyện ngắn (được đăng trên trang mạng East of the Web và The Guardian), kịch bản cho nhà hát The Old Vic và truyện dài . Ursula thường xuyên có mặt trên Twitter, và có một trang blog riêng: http://ursulawrites.blogspot.com/ Truyện ngắn của chị thuộc loại fiction, từ nhân vật đến bối cảnh hoặc thời gian đều hoàn toàn tưởng tượng. Trong truyện ngắn trên, tên của nhân vật chính do chị tự đặt, không giống tên bất cứ người thật nào và không có ý nghĩa gì. Chính chủ đề tư tưởng mới là cái cốt lỏi của câu chuyện.