BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Đằng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Đằng. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

ĐI TÌM NGUỒN VUI PHẦN II - Hoàng Đằng


       
                Thầy Nguyễn Văn Thị người cầm hoa


               ĐI TÌM NGUỒN VUI
                                Hoàng Đằng 
       (Viết về thầy giáo già Nguyễn Văn Thị - Phần 2)

- Ngày ni anh em mình đi chơi nữa hi?
Anh cả gọi về khi tôi đang “nằm gắng” trên giường; lúc đó khoảng 6 giờ sáng 10/3/Giáp Ngọ (09/4/2014). Hàng đêm, anh chỉ ngủ nhiều lắm là từ 21 giờ đến 02 giờ. Anh dậy thắp hương cho chị, rồi đi lui đi tới trong nhà; chân yếu, độ bật của cơ không có, kéo lệt bệt hai bàn giữa sàn nhà, tiếng sột soạt làm cho con cháu không ngon giấc. Rõ khổ ông già nầy!
 Tôi hỏi:
- Đi bằng phương tiện gì rứa anh?
- Đi ô-tô chứ còn gì nữa. Anh tự hào trả lời.
Biết anh không làm gì có thu nhập từ lâu, trong tình anh em, tôi thật thà hỏi:
- Rứa tiền mô mà mới thuê xe đi bữa kia hôm nay lại thuê nữa? 

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

ĐI TÌM NGUỒN VUI PHẦN I - Hoàng Đằng


      
          Thầy Nguyễn Văn Thị, người cầm hoa


                 ĐI TÌM NGUỒN VUI
                                 Hoàng Đằng
      (Viết về thầy giáo già Nguyễn Văn Thị - Phần 1)



Sao đời thì ngắn mà ngày thì dài!”. Dạo này, ông anh cả tôi thường thở than như vậy. Anh già quá rồi, quỹ thời gian trên đời không biết còn bao nhiêu, nhưng chắc chắn ít, không nhiều. Hàng đêm, anh ngủ không ngon giấc, hàng ngày ngồi bên bàn thờ khói hương nghi ngút, không biết làm gì; đọc sách hay xem TV thì mắt đã mờ, cũng khó khăn. Trí óc, lòng dạ anh dành cho những kỷ niệm trong quá khứ rồi ngậm ngùi. Rứa mới khổ!     

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

TRỌN TÌNH VẸN NGHĨA - Hoàng Đằng


Di ảnh cô Lê Thị Dạn


TRỌN TÌNH VẸN NGHĨA

Lúc 11,15 giờ, ngày 27/3/2014 (27/2/Giáp Ngọ), chiếc quan tài đựng thi hài chị Lê thị Nhạn, hiền thê ông anh kết nghĩa của tôi Nguyễn Văn Thị, đã từ từ hạ huyệt tại Nghĩa Trang Nhân Dân thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Đông Hà là nơi chị đã sống gần một nửa phần đời.
Chị không về nghĩa trang làng Bồ Bản, nơi Tổ Tiên chị đã yên nghỉ; chị cũng không vào nghĩa trang bên chân núi Ngự Bình, nơi yên nghỉ của các vị gia tiên chồng chị. Chị nằm đây bên cạnh chỗ nằm của anh đang để chờ; xóm giềng chị giờ đây là những người chọn Đông Hà làm quê hương.
Quả tim chị đã ngừng thở lúc 8,15 giờ ngày 24/3/2014 (24/2/Giáp Ngọ). Chị từ biệt cõi trần trong nỗi ngậm ngùi của người chồng đã chia ngọt xẻ bùi với chị 54 năm qua.   


Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

TỪ TRÒ CHƠI ĐÁ DẾ TRẺ CON ĐẾN TRÒ CHƠI CHỌI CHÓ NGƯỜI LỚN - Hoàng Đằng


         
                              Tác giả Hoàng Đằng


            TỪ TRÒ CHƠI ĐÁ DẾ TRẺ CON 
            ĐẾN TRÒ CHƠI CHỌI CHÓ NGƯỜI LỚN                                                                                        Hoàng Đằng

Bây giờ đang là tháng 2 Âm Lịch, khoảng một tháng nữa, lúc sáng tinh mơ, ai có dịp đi ra đồng, đều nghe được tiếng dế vang lên chỗ này chỗ nọ.
Thuở trước, ở quê lão, trong những trò chơi trẻ con, có trò “đá rế” (rế là tiếng quê lão chỉ con dế). Dế đực mới đá nhau, dế cái thì không. Dế đen gọi là dế mọi, dế vàng gọi là dế lửa, dế có màu giữa đen và vàng gọi là dế pha.  


           

Bọn trẻ làng, cứ trời hửng sáng, chạy ra đồng, lần theo tiếng kêu tìm bắt dế. Dế bắt về được thả vào một hộp rộng; trẻ dùng một cái que đót nhỏ quét nhẹ vào miệng; dế mở rộng 2 càng hàm ra, căng 2 cánh trên lưng, xát kèn kẹt vào nhau, tạo thành tiếng kêu “reng reng” rất vui tai. Nếu trong hộp có 2 con đều được kích động như thế, chúng sẽ xáp đầu đấu. Khi thì húc nhau, con mạnh húc con yếu văng lui, khi thì giao hàm, cắn nghiến nhau. Con thua bỏ chạy, con thắng hùng dũng vừa chạy lui chạy tới, vừa cất tiếng “reng reng”. Thấy cũng “đã mắt”. Lũ trẻ phố thị muốn chơi đá dế, phải mua. Mỗi mùa dế, nhiều trẻ thôn quê kiếm được khá tiền, có thể may được quần áo, sắm được sách vở.



Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

PHIẾM LUẬN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI - Hoàng Đằng







 Ảnh tác giả:
 Thầy Hoàng Đằng (cựu giáo sư trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị và Trung Học Đông Hà Quảng Trị trước 1975)



     PHIẾM LUẬN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
           (Viết nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3)

      “Em ơi có bao nhiêu. Sau mươi năm cuộc đời...”.

      Trong một bữa cơm thân mật tổ chức tại hội trường khu phố, một bác nông dân trạc tuổi 50 lên giúp vui phần văn nghệ với bài hát “Sáu mươi năm cuộc đời” của nhạc sĩ Y Vân. Bác vừa hát vừa nhún nhẩy. 
      Cả đời lăn lộn với ruộng vườn, bác chưa hề học phong cách biểu diễn. Bác biểu diễn tự nhiên như thế là nhờ xem ti-vi; bác đã bắt chước các ca sĩ trên ti-vi. Ở thôn quê bây giờ, nhà nào mà chả có ti-vi!
        Năm bảy phụ nữ đang ngồi uống bia Huda bên dĩa mồi thịt vịt – nói là thịt nhưng chỉ còn lại xương. Họ cầm ly đưa lên ngang mặt rồi chồm tới, đồng thanh la to: “dzô”. Từ dzô này mới tới làng tôi khoảng cuối những năm 50 của thế kỷ trước, nó được số thanh niên đi quân dịch ở trong  Nam, giải ngũ, đem về làng.
       Hơi men đã thấm, họ bỏ ly và đũa xuống bàn, đứng dậy dẹp ghế dành khoảng trống làm sàn nhảy. Họ chen lách nhau, uốn éo thân mình, ngoắt mông qua ngoắt mông về, hai tay gấp khuỷu, đưa lên đưa xuống, trông cũng khá điệu nghệ. Số chị em này xấp xỉ 40, chồng con hẳn hoi, nếu không có kế hoạch sinh đẻ, mỗi người cũng đã chín, mười đứa con.

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

XUÂN PHƠI - Hoàng Hữu Bản và các thi hữu


  

                          
XUÂN PHƠI                    

Bảy mươi cây thọ rực đầy sân                    
Đùa nắng vờn mây giỡn gió xuân                    
Chín cánh hồng tươi khoe nụ thắm                    
Một nhành tùng mướt đáp tình thâm                    
Ơn thiêng Tiên Tổ soi trăng rạng                    
Cửa ấm nhà êm sáng bội phần                    
Phước lộc trời cho vui mấy chốc                    
Như nhiên tâm niệm gắng tinh cần                                  

                 Mồng 3 Tết Giáp Ngọ                                       
                    Hoàng Hữu Bản


HOẠ:     
              
Bài 1:       
                        
NGHÊNH XUÂN                    

Bình minh xiên chiếu nắng vào sân.                    
Thức dậy nhìn ra, ấy ... đã xuân.                    
Đón Tết nhớ hoài người nghĩa cũ.                    
Chào xuân thương mãi kẻ ân thâm.                    
Đốt hương khấn vái hồn Tiên Tổ.                    
Nhờ cháu chở thăm chốn mộ phần.                    
Cảm tạ Đất Trời ban sức khỏe.                    
Tuổi già ... thể dục gắng chuyên cần!    
                                           
                              12/01/Giáp Ngọ
                   Hoàng Đằng
                    

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

TỰ CHÚC MÌNH TRÒN 75 XUÂN - Nguyễn Khôi


     
                 Nhà thơ Nguyễn Khôi

     TỰ CHÚC MÌNH TRÒN 75 XUÂN
     (Tặng Lê Vy và Bùi Huy Phác)          

     Ờ thế mà mình đã bảy lăm
     Vẫn còn khí thế chuyện thơ văn
     Ngày phi xe máy thăm đây đó
     Đêm dậy vào  Mail gõ mấy vần
     Thời thế đảo điên xem cũng khoái
      Đất trời nóng lạnh ngấm vào thân
      Đói no chia sẻ cùng bu nó
      Thất thập bơ phờ vọng cố nhân.

                              Nguyễn Khôi
      Góc thành nam Hà Nội 26-12-2013
      (Sinh ngày 26-12-1938 tại Thị xã Yên Bái)

                           HOẠ:
                 
       Bài hoạ 1

       NGẪM PHẬN GIÀ

       Già rồi, ngọng nghịu nói cà LĂM.
       Cũng gắng làm thơ với viết VĂN.
       Trời lạnh khó nằm... khua múa bút.
       Trăng thanh nổi hứng... dệt nên VẦN.
       Vịnh ngâm viết lách mong vui trí.
       Du ngoạn tắm bơi ước khỏe THÂN.
       Chả nghĩ chả lo... đời mỏi mệt.
       Cốt làm sao... sống đúng điều NHÂN./.

                                       HOÀNG ĐẰNG
                                   Đông Hà - Quảng Trị

        Bài hoạ 2

        ĐƯỢC THÊM TUỔI ĐẤY
        (Tặng bác Nguyễn Khôi)

        Bác tính theo Tây thì bảy lăm
        Mụ cho bảy sáu chẳng thành văn
        Đôi ta xe máy còn vi vút
        Bè bạn "Lời Ai" * đã nghẹn vần
        Lão giả an chi người hưởng thụ
        Website - đám rối vẫn làm thân
        Không giầu, biết đủ ta thường đủ
        Bẩy bẩy cùng ta mấy cố nhân ?

                              Bùi Huy Phác
                 (Phố Vũ, 16h, 26-12-2013)

         * Lời Ai : Điếu văn

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

CHUYỆN THẦY TRÒ QUA ĐƯỜNG GẶP NHAU - Hoàng Đằng

Mời đọc một truyện ngắn, thầy Hoàng Đằng gửi đến chúng tôi qua email
       
               

Thầy Hoàng Đằng, cựu giáo sư trường Trung Học Đông Hà và Nguyễn Hoàng, Quảng Trị trước 1975. Ảnh từ trang Hội ái hữu Công Lập Đông  Hà

  CHUYỆN THẦY TRÒ QUA ĐƯỜNG GẶP NHAU

                         (Truyện ngắn của LÃO GÀN)

Hôm ấy, Thắng đi Đà Nẵng, dự đám cưới đứa cháu gọi Thắng bằng cậu. Thắng diện bộ trang phục oách nhất: quần dài đen sẫm ống phủ lên đôi giày đen bóng, veston đen sẫm khoác lên áo sơ-mi trắng tinh, điểm thêm trước ngực chiếc cà-vạt đỏ tươi.
Đường xa gần 200 cây số. Gió thổi lồng lộng qua cửa xe mở hé, đầu tóc Thắng rối xù. Đến nơi, mới bước xuống xe, Thắng rút từ túi veston chiếc lược nhựa màu nâu. Nhìn vào kính chiếu hậu của chiếc xe vừa đậu, Thắng ngắm nghía mặt mày, nghiêng đầu qua về, chãi lại tóc.  
Bất chợt, trong kính, Thắng thấy một người đàn ông già đang cỡi chiếc xe đạp đèo hai giỏ than hầm hai bên porte-bagages – loại than thường dùng trong các thành phố để nấu nướng vào thời nhiên liệu khan hiếm.  

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

TIẾT VĂN KÉO DÀI 46 NĂM - Hoàng Đằng


     
              Một dãy lầu của trường trung học Nguyễn Hoàng 
              Quảng Trị trước 1975


      TIẾT VĂN KÉO DÀI 46 NĂM 
                                             Hoàng Đằng   
                          
Năm nay (2013), chiều 15/11, tôi được nhóm học sinh cũ Nguyễn Hoàng – Quảng Trị khóa 1963 – 1970 mời dự họp mặt chào mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11) tổ chức tại tư gia anh Đinh Quang Tạo ở 228 Lý Thường Kiệt – thành phố Đông Hà.
Bên ngoài, trời mưa nặng hạt. Từ Thừa Thiên-Huế vô tới Bình Định, lũ lụt rất lớn. Lớn do mưa nhiều, mưa to, do rừng rú đã mất nhiều độ che phủ và do các đập thủy lợi, thủy điện xả nước vì sợ vỡ.
Căn phòng không lớn lắm được trang hoàng cẩn thận: banderole, lẵng hoa, hệ thống âm thanh, đàn organ. Bốn chiếc bàn tròn được xếp ngăn nắp kèm ghế nhựa, cứ mỗi bàn 10 ghế.
Người tham dự, ngoài khoảng 30 anh chị em là chủ, có một số khách: về thầy cô giáo có thầy Đỗ Tư Nhơn, thầy Hoàng Đằng, về đại diện ban liên lạc Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị có anh Nguyễn Lớn, anh Nguyễn Văn Hoàng, chị Lê thị Dũng, về đại diện các khóa bạn có anh Văn Mạnh, anh Đoàn Văn Tầm, anh Lê Đình Phiến. Tất cả mọi người ngồi xây quanh đầy cả 4 bàn.
Anh Đinh Quang Tạo, một cây văn nghệ có tiếng của Nguyễn Hoàng xưa, đóng vai MC. Chương trình họp mặt chia 2 phần rõ rệt:

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

SÔNG HIẾU QUÊ TÔI - Hoàng Đằng




SÔNG HIẾU QUÊ TÔI

Quê tôi là Đông Hà, tỉnh Quảng Trị - nơi có dòng Hiếu Giang chảy qua. Sông Hiếu bắt nguồn từ trên núi rừng Trường Sơn, nơi các đồng bào dân tộc ít người: Pa-Kô và Vân Kiều sinh sống, rồi chảy qua vùng đồng bằng, tưới mát cho ruộng vườn làng mạc của đồng bào Kinh, cuối cùng đổ ra biển Đông. Con sông là dòng kết nối Kinh -Thượng một nhà. 
Sông không tự mình đổ ra biển Đông. Sông chảy khoảng 70 km thì hợp lưu với sông Thạch Hãn ở ngã ba Gia Độ; sông biến thành sông nhánh của sông Thạch Hãn. Nhìn trên bản đồ, dòng chảy của Hiếu Giang và dòng chảy từ nơi hợp lưu về cửa Việt tương đối nằm trên một đường thẳng, còn dòng chảy sông Thạch Hãn vào hợp lưu tạo một nhánh “giằng xay” (gấp khuỷu); đáng lẽ sông Hiếu là sông chính, còn sông Thạch Hãn là sông nhánh. Sông Thạch Hãn được tôn lên làm sông cái vì ngoài bề rộng lớn hơn, sông Thạch Hãn trước đây chảy qua tỉnh lỵ Quảng Trị, nơi ở của quan chức. Ở đời, cái gì nhỏ phải phụ thuộc vào cái to rộng hơn, cái có uy quyền hơn.