BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn HỒI KÝ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn HỒI KÝ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

AI VỀ QUẢNG TRỊ ĐÔNG HÀ - Trần Kiêm Đoàn

Kỷ niệm 35 năm Mùa Hè Đỏ Lửa (1972-2007), viết tặng các học sinh Nguyễn Hoàng và thanh niên Hồng Thập Tự Quảng Trị

                                                                                  Trần Kiêm Đoàn


      
                 Tác giả Trần Kiêm Đoàn bên bờ Bắc cầu Bến Hải 
                                          – Mùa Hè 2007


AI VỀ QUẢNG TRỊ ĐÔNG HÀ 

Ai về Quảng Trị Đông Hà,
Hỏi o lòng thả, heo bà… lặt chưa ?!

Hồi còn làm trưởng Thanh Niên Hồng Thập Tự Quảng Trị thời Hồi Cư năm 1973, các em học sinh và đoàn sinh của tôi vẫn thường đặt bày hát “đía” như thế để chọc mấy em nữ sinh bán quán lòng thả ở Hải Lăng, Diên Sanh. Và nghe đâu, giới giàu kinh nghiệm món lòng thả cho rằng, giống heo đực lặt… tiệt sau ba tháng, đem nấu lòng thả mới ngon tuyệt cú mèo (?).

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

CA SĨ THANH THÚY VIẾT TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ TRÚC PHƯƠNG: KHI CUỘC ĐỜI CHIA HAI LỐI…

Nguồn:
https://nhacxua.vn/thanh-thuy-viet-tuong-niem-nhac-si-truc-phuong-khi-cuoc-doi-chia-hai-loi/?fbclid=IwAR1STJ4SwoX1ohPiy1WJTzcQnC2nk3IlwXN-9GrUaIaCQwzf5nr8VFifu0E



        

Anh và tôi không hẹn, nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi anh và tôi như đã gắn liền với nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy.
Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điểm anh say mê sáng tác, và tình cờ trở thành vị sứ giả đem tâm sự anh đến mọi người, những người không nhiều thì ít cùng mang một tâm sự với anh. Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa (dù trong bối cảnh đau thương của đất nước),về chuyện tình dở dang, về cuộc đời…

      

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

THẦM LẶNG - Lê Nguyên Tuấn

Bài viết này như những lời tâm sự của tôi dành cho người mẹ thân yêu của mình, không trau chuốt văn chương vì tôi không có năng khiếu đó. Tôi chỉ biết viết bằng con tim của một người con yêu thương mẹ.
Hôm nay khi cơn bệnh alzheimer quái ác đang làm cho mẹ mất đi nhiều trí nhớ, tôi chỉ ước mong khi nghe hay đọc bài nầy mẹ sẽ cảm nhận được một phần trong những gì tôi ấp ủ là tôi thật sự hạnh phúc lắm rồi.
                                                                                 Lê Nguyên Tuấn




THẦM LẶNG

Người ta hay cảm tác thơ chứ ít ai cảm tác đoạn văn hay là bút ký, nay tôi lại làm chuyện lạ lùng đó .Chung quy là tôi đang “feeling”, đang cảm nhận rất sâu lắng từ bài viết của người con gái nhà văn Doãn Quốc Sĩ viết về mẹ mình.
Thật là một sự khập khiễng khi so sánh với sự nghiệp của nhà văn Doãn Quốc Sĩ, nhưng ba mẹ tôi vẫn có những sáng ngời trong nhân cách sống và dấn thân với xã hội.
Tôi viết bài này để dâng tặng người mẹ yêu thương của tôi, đồng thời thể hiện sự đồng cảm với con gái của nhà văn Doãn Quốc Sĩ khi cả hai bà đang lâm vào căn bệnh alzheimer quái ác. Hôm nay, tôi viết với tất cả thổn thức, đau nhói trong trái tim và cay xè trên đôi mắt. Nước mắt chỉ chực trào ra khi những kỷ niệm của hàng chục năm về trước chợt tràn về.


Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

ĐƯỜNG TÔI ĐI HỌC – Nguyễn Văn Quang


       
                 Tác giả Nguyễn Văn Quang


         ĐƯỜNG TÔI ĐI HỌC 
                     
Quê tôi - làng An cư, là một ngôi làng nhỏ thuộc xã Triệu Phước. Làng nằm cạnh một dòng sông, đoạn cuối của hợp lưu hai sông Thạch Hãn và sông Hiếu đổ ra cửa Việt. Tên làng, tên xã nghe thì bình yên, hạnh phúc thế, nhưng quả thực dân chẳng an cư và chẳng được phước lộc là bao!
Sống nơi nước mặn đồng chua, dân thuần nông không đủ gạo ăn, phải đi làm thuê khắp bốn phương trời. Nghe câu hát của Duy Khánh (một người con của làng) thì đủ thông cảm:

Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn!

Nhà tôi không đến nỗi ba đời ăn củ chuối nhưng cũng ba đời đi ở đợ, làm thuê! Ông nội tôi lên làm thuê tận trên vùng sơn cước, Cha tôi và hai chú tôi phải đi ở giữ trâu, phụ cày cho nhà giàu tại ba xã khác nhau; tôi mồ côi cha lúc bảy tuổi, hai em tôi chết từ nhỏ vì thiếu ăn và bệnh tật không có thuốc chữa. Mẹ tôi đi làm thuê, tôi đi mót lúa, mót khoai để nuôi nhau sống qua ngày! Thế nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn ước ao được đi học!

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

QUÊ NGOẠI - Đào Dân


           
                        Tác giả Đào Dân


             QUÊ NGOẠI

Ông ngoại mất khi tôi chưa đầy năm tuổi sau một trận càn của Tây, vậy là căn nhà của ông ở làng Tài Lương tỉnh Quảng Trị gần như không còn ai. Các cậu Bí, Khôn, Du, đã lần lượt thoát ly ra vùng kháng chiến sau khi cậu Giải bị Việt Minh bắt đi mất tích. Các dì khác và mẹ tôi đã đi lấy chồng, chỉ còn dì Phồn út thì cũng phải “thoát ly” lên Tỉnh để tránh bom rơi đạn lạc và sống nương nhờ ở nhà ông Thị, người em út cuả ông ngoại đã về hưu sau mấy chục năm làm việc cho chính phủ Nam Triều.

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

BÁNH BÈO VÀ TUỔI THƠ... - An Nguyen


      
                                 Tác giả An Nguyen 


         BÁNH BÈO VÀ TUỔI THƠ...

Một ngày Quảng Trị.
Trời oi ả, cơn nắng chiều còn gay gắt đổ xuống con đường Duy Tân loang loáng bốc khói nhựa đường. Ở đây không có hàng cây ca, rợp bóng mát trưa Hè như một số con đường trong thị xã.
- Ai... Bánh bèo không ?
Tiếng rao bánh bèo của người đàn bà cất lên từ xa, đang vọng lại, lời rao kéo dài ra như những hồi tàu, của con tàu lửa ngược xuôi mỗi lần qua Cầu Ga Quảng Trị vọng về.

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

LỚP TÔI VÀ CÔ GIÁO CHỦ NHIỆM - Nguyễn Ngọc Luật


    
                    Hình lớp 10C trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị 
                                        (Niên khoá 1970 -1971)            
   

        LỚP TÔI VÀ CÔ GIÁO CHỦ NHIỆM

Phải nói rằng những năm tháng tươi đẹp nhất trong đời người là những năm tháng học trò,vì nó đã để lại trong ta những dấu ấn khó phai. Riêng tôi giờ đây đường đời đã đổ dốc về phía hoàng hôn và dòng sông đời đã trôi về khúc cuối, bình tâm nhìn lại thấy bên cạnh những nghiệt ngã mà tình đời đã phủ lên số phận thấy mình còn có nhiều điều thật may mắn khi có được những năm tháng hoa niên thật êm đềm dưới mái trường Nguyễn Hoàng và được là học trò của lớp 10C NK66-72 mà cô Hồng là cô giáo chủ nhiệm. 

       

MẸ GÀ - Đinh Hoa Lư


       
                                  Tác giả Đinh Hoa Lư


           MẸ GÀ
            (Riêng về những ai đã xa bóng mẹ)
                                              Đinh Hoa Lư

Gần tết, vùng biển Hàm Tân gió chướng thổi mạnh. Bao làn không khí hanh khô từ hướng đông bắc liên tục thổi tận vùng này. Ngư dân úp thúng ngồi vá lưới chờ trời lặng. Họ mong trời chỉ ngơi gió sóng bớt mạnh là bơi thúng ra xa bờ một ít kiếm vài ba mớ cá vụn chứ không ai dám đi xa trong mùa này.

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

THỜI GIAN - Nguyễn Thị Vĩnh Phước


      


         THỜI GIAN                                                               
                                                        Nguyễn Thị Vĩnh Phước

“Thời gian không đo lường bằng năm tháng mà bằng những gì chúng ta làm được.” (H.Cason)                                                                                                                                                                     
Trời cuối hạ với những cơn mưa chiều bất chợt đôi khi làm tôi xốn xang nhớ về những cơn mưa của tháng ngày xa xưa. Ngày ấy, đối với tôi có khi như vừa mới hôm qua, cũng có khi như đã quá xa xôi trong miền dĩ vãng… Giã từ quê nhà Lam Thủy tôi theo gia đình chồng vào miền Nam tìm kiếm cuộc mưu sinh. Bước thẳng vào cuộc sống mới toanh - ở cái nơi chốn mà chưa hề hình dung ra được trong trí tưởng tượng của tôi. Đó là một vùng đất bỏ hoang lâu ngày nên cỏ tranh và lau sậy ngút ngàn.  
 

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG TÔI - Nguyễn Quang Lập

Nguồn:
http://khovanbolap.blogspot.com/2017/12/sai-gon-giai-phong-toi.html

         
                   Tác giả Nguyễn Quang Lập


            SÀI GÒN GIẢI PHÓNG TÔI
                                      Nguyễn Quang Lập

Mãi tới ngày 30 tháng 4  năm 1975 tôi mới biết thế nào là  ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến  mỗi kì chuyển cấp. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.

NGÀY ẤY NGẬM NGÙI - Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Nguồn:
http://son-trung.blogspot.com/2018/07/nguyen-thi-vinh-phuoc-ngay-ay-ngam-ngui.html


          NGÀY ẤY NGẬM NGÙI
                        Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Tháng 5 năm 1976 - mùa gặt chính. Đây cũng là thời điểm đầu tiên tôi bỏ lại sau lưng tất cả những mộng ước một thuở áo trắng học trò để bước chân vào đời trong vai trò mới. Tôi trở thành lao động chính. Nghề nghiệp: Trồng cây lương thực. Nơi làm việc: Hợp I - tên gọi tắt từ mấy chữ Hợp tác xã Nông Nghiệp số I của đội sản xuất quê nhà Lam Thuỷ - nơi mà mẹ con tôi dắt díu nhau trở về sau ngày 30/4/1975. Ngày đầu tiên tôi tham gia lao động đúng vào mùa gặt. Đó là một ngày mùa hạ đầy nắng gió.
Những cơn gió Lào quăng quật rát bỏng vào mặt, vào những bước chân non nớt của tôi đang cùng đoàn người tay cầm đòn xóc, tay cầm vằng (lưỡi hái) hướng về phía ruộng trũng có tên là Bàu, Đội. Ruộng ở đây sâu nhất làng, quanh năm ngập nước. Bao năm rồi chiến tranh, ruộng đồng bỏ hoang. Nghe đâu thời giao tranh ác liệt đã có không ít xác người nằm lại nơi đây mà chẳng được mai táng. Có lẽ đó là lý do để Bàu là nơi tích tụ nhiều thứ ô nhiễm nên bất cứ ai một lần lội xuống đó đều bị ngứa, gãi trầy da tróc vảy đến tận xương mà chưa “đã” ngứa...

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

HỒI ỨC MIÊN MAN - Phan Quỳ


             
                            Tác giả Phan Quỳ


            HỒI ỨC MIÊN MAN 
                                      Phan Quỳ

Quê mình ở bên nầy dòng sông Thạch Hãn, bên kia là làng Như lệ. Làng mình là An Đôn. Ngôi làng hiền hòa dọc theo vùng đất ven sông và có bãi cát vàng trồng bắp nếp và khoai có mùi thơm ngon rất lạ, hầu như ai cũng thích. Thời đó trước năm 1972, mình còn nhỏ, đi học ở lớp của nhà thờ với các soeur, sau đó chuyển sang trường nữ rồi vào trung học Nguyễn Hoàng.
Nhà mình đông lắm. Ông nội có hai bà là hai chị em ruột (hồi đó lạ nhỉ) và có được mười lăm người con, mười nữ và năm nam (chao ôi là nhiều). Dù nhỏ mình vẫn nhớ hình ảnh các bà O của mình da đẹp, tóc đen dày và thật là dài, nhưng hầu như đều phận mỏng và lắm truân chuyên. Bác và các chú cũng đẹp. Bác làm Khuông hội trưởng, dáng người cao lớn, khuôn mặt chữ điền, đội khăn đóng áo dài, trông thật uy nghi mỗi khi mình theo bác vào lễ Phật. Chú thì làm công chức của sở công chánh. Mình nhớ lúc nào sang chơi cũng thấy chú dùng một mâm cơm riêng ở nhà trên, thím và các em ở nhà dưới. Nhà ngăn nắp, nề nếp và bày biện đẹp mắt, không như nhà mình vì ba mẹ đều làm nông. Ba mình bảo ngày xưa bác và chú học giỏi thì cứ tiếp tục còn ba thì làm ruộng để có thêm lúa gạo cho cả nhà (!)

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

NHỚ THƯƠNG PHẠM CÔNG THIỆN - Đặng Tiến

Nguồn:
http://www.art2all.net/tho/dangtien/dt_nhothuongphamcongthien.html


    
                       Thi sĩ triết gia Phạm Công Thiện


        NHỚ THƯƠNG PHẠM CÔNG THIỆN 
                                                                  Đặng Tiến

Phạm Công Thiện, mới qua đời tại Houston ngày 8.3.2011, với tôi là chỗ cố tri thân thiết, ngang trang ngang lứa, cùng tập tành bước vào nghề văn những năm đầu thập niên 1960.
Thời đó, Thiện đã có chút ít tiếng tăm vì từ 16 tuổi đã có soạn một từ điển tiếng Anh (Anh ngữ tinh âm Từ Điển, 1957) được Nguyễn Hiến Lê viết lời giới thiệu nồng hậu.

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

CHỒNG CŨ CỦA MẸ - Hoàng Nguyên Vũ

Nguồn:
http://giadinh.net.vn/gia-dinh/chong-cu-cua-me-20150918152051452.htm


 

      Ngày Lễ Phụ Nữ kể về hai người đàn ông...

     CHỒNG CŨ CỦA MẸ 
                  Hoàng Nguyên Vũ

Mẹ tôi và bố tôi đến với nhau khi cả hai cùng có một “tập” riêng, chỉ khác là vợ cũ của ông mất sớm còn chồng cũ của bà thì còn. Có lần mẹ tâm sự, thực ra giữa mẹ và người chồng trước vẫn thương nhau lắm nhưng phía đằng chồng quá quắt đến mức khiến họ không thể sống cùng nhau, mẹ bê hai đứa con nhỏ về với bà ngoại và mấy năm sau mẹ gặp bố tôi để nên vợ nên chồng.

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019

CUỘC ĐỜI NHÀ VĂN DUYÊN ANH – Vĩnh Phúc

Nguồn:  chinhhoiuc.blogspot.com

Nhà văn Duyên Anh qua cái nhìn của một người bạn thân, Vĩnh Phúc - Senior Producer của đài BBC. Đây là bài viết của Vĩnh Phúc từ Luân Đôn. Phần tiểu sử ở cuối bài và hình ảnh trong bài của Nguyễn Ngọc Chính.

          
                           Nhà văn Duyên Anh (trước 1975)


             CUỘC ĐỜI NHÀ VĂN DUYÊN ANH
                                                                   Vĩnh Phúc

Hôm nay, mở e-mail, tôi thấy một bài, tựa đề 20 năm nhà văn Duyên Anh lìa cõi tạm. Tôi ngồi lặng người, để mặc cho bao nhiêu ký ức về Duyên Anh chợt dồn dập trở về.
Tôi còn nhớ như in, chiều ngày 30 tháng chạp năm Bính Tý, từ Luân Đôn tôi bàng hoàng nhận được tin Duyên Anh qua đời ở Paris ngày hôm trước. Tính theo dương lịch thì là ngày 6/2/1997.
Tang lễ cử hành 10 giờ sáng 14-2-1997, hỏa thiêu lúc 14 giờ cùng ngày. Cuối cùng, tôi đi tới quyết định phải kể lại những điều tôi biết về Duyên Anh, để giúp những người ái mộ nhà văn hiểu rõ hơn về anh, đồng thời đính chính những hiểu lầm của người đời, do vô tình hay cố ý.



     

            

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

HÀN MẶC TỬ VÀ MAI ĐÌNH - Lâm Bích Thủy


      
          

          HÀN MẶC TỬ VÀ MAI ĐÌNH
                        Trích HK “Về người cha thi sĩ”

Chương: Những người bạn của cha.

 Khi còn ở Hà Nội, tôi thường nghe cha ngâm nga “trời hỡi bao giờ tôi chết đi/ bao giờ tôi hết được yêu vì…/ ai đem tôi bỏ xuống hầm sâu…” lời bài thơ sao tội nghiệp, cay đắng làm vậy, tôi tò mò hỏi cụ, và ông kể cho nghe về người công dân số hai của nhóm thi hữu ở đất Bàn Thành thuộc xứ Nẫu…
Sau giải phóng, năm 1988, ba tôi vào Sài Gòn thăm con và bạn thơ. Ông trình ra một tờ giấy  A4 chi chít tên người và địa chỉ những người cần đi thăm trong dịp này.
Rồi, sau khi thăm nữ sĩ Mộng Tuyết phu nhân của nhà thơ Đông Hồ, đến chú Chế Lan Viên, ông Tôn Thất Kham, ông Nguyễn Bá Tín – em Hàn Mặc Tử; ông bảo với con rể “Mai ta sẽ đến thăm cô Mai Đình, bạn gái chú Tử nghe con”.
Nghe đến tên Mai Đình, tôi ngỡ ông đang nhắc tới một huyền thoại, một nhân vật trong chuyện cổ tích ở tận chân trời góc biển nào đó. Ngờ đâu cô chỉ ở cách tôi có hai phường. Cô ở P.25, tôi P.27- Quận Bình Thạnh.
Tính tôi rất tò mò, mỗi khi nghe tên ai dính đến Hàn Mặc Tử, tôi muốn tỏ tường về những người đàn bà của nhà thơ giàu ngôn ngữ tình yêu nhưng nghèo sức sống này lắm.

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

BUỔI ĐẦU CỦA NGÔI TRƯỜNG BA THẾ HỆ - Phan Chính





     BUỔI ĐẦU CỦA NGÔI TRƯỜNG BA THẾ HỆ

Sau hiệp định Genève năm 1954, khu căn cứ kháng chiến La Gi-Hàm Tân tuy là một quận lỵ thuộc tỉnh Bình Thuận nhưng còn hoang sơ, đồng không mông quạnh, rừng già giáp với xóm làng. Dân hồi cư tập trung ven sông Dinh và phần đất huyện đường Hàm Tân ngày xưa. Cuối năm 1956, dưới chế độ VNCH tỉnh Bình Tuy chính thức thành lập nhưng hơn một năm sau các cơ sở bộ máy mới xây dựng xong và đưa vào hoạt động, trên khu vực đất trung tâm hành chánh thị xã La Gi ngày nay. Cùng lúc ngôi trường Trung học Bình Tuy ra đời với niên khóa đầu tiên 1958-1959, đặc biệt là chỉ có một lớp Đệ Thất duy nhất - tức lớp 6 bây giờ, gồm 31 học sinh vừa thi lấy bằng Tiểu học được tuyển vào. Tuổi tác có người đã 15-16, vì đây là vùng đất vừa ra trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ. Đây cũng là năm thi tốt nghiệp Tiểu học lần đầu ở La Gi-Hàm Tân, trước đó phải ra Phan Thiết và các xã chỉ có trường sơ cấp đến lớp Nhất mà thôi. Trường có 3 phòng học, sát với một trường Tiểu học liên xã vì có xã không có trường do không đủ số học sinh. Xung quanh trường vẫn còn những cụm rừng nguyên sinh, những gốc cây dầu lông đến hai vòng tay ôm và trước mặt trường là một đầm nước mọc đầy cây tràm trổ hoa thơm ngát.


Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

VỚI ANH VÕ THÌN ! - Võ Văn Hoa




VỚI ANH VÕ THÌN !

Mùa hè đỏ lửa 1972, anh và tôi cùng ở Long Thọ, Huế. Anh học Cử nhân Luật, tôi học Sư phạm. Anh vóc người cao ráo, phong độ, văn võ song toàn. Ngoài giờ học ở giảng đường, về nhà anh còn mở Võ đường Karatedo, võ sinh theo học rất đông.
Với bạn bè, anh sống hết mình, sẵn lòng giúp đỡ mọi người.Nhà thơ Phương Xích lô ở Huế, mất ở An Tiêm, Triệu Thành (2002), anh tâm nguyện tổ chức làm đám tang bạn ở nhà mình và sẵn lòng đem tấm áo đạo sĩ mới may liệm bạn:

Ta còn thêm chút gì không?
Bài thơ định mệnh bên dòng kênh xanh
Bảy năm sau đó Triệu Thành
Võ Thìn đạo sĩ áo lành liệm Phương!

                                       Võ Văn Hoa

Có lần, tôi đang tập huấn ở Huế, vào Hải Lăng không gặp, thế là anh và một số bạn bè tri âm không ngại đêm hôm bươn bả vào tìm gặp, hâm nóng nàng thơ.
Thế đấy, con người anh rất gần gũi, hòa đồng, giai tầng nào cũng mến mộ anh. Đặc biệt anh có một giọng ngâm thơ truyền cảm, sâu lắng dễ đi vào lòng người.

Gần 2 năm trước,vào lúc 3h15 phút ngày 14/10/2008, trên trang triamcac.net tôi đã viết bài thơ VÔ NGÔN tặng anh. Thực lòng, tôi coi anh là sĩ phu, là quân tử thời nay.
Từ đây, tôi, chúng ta những người yêu quý anh sẽ mãi mãi không còn Anh trên đời ! Còn chăng con số 01266544468 mời anh từ cõi âm về nâng ly! Bái biệt!

       

VÔ NGÔN

“Một phút thanh nhàn trong thuở ấy
Ngàn vàng ước đổi được hay chăng”
                                     Nguyễn Trãi

Người đại ngôn
Người im lặng
Chết

“Đạo sĩ” đất Thành Cổ
Sống hết mình
Sống thanh thản
Sống !

Có kẻ sống như chết
Có người chết như sống
Vô ngôn

03h15 ngày 14.10.2008

                                                                              Võ Văn Hoa

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019

CHUYỆN VỀ PHÙNG QUÁN CÂU CÁ TRỘM - Văn Xương

Nguồn:
https://kontumquetoi.com/2019/01/13/chuyen-ve-phung-quan/

       
                                            Nhà thơ Phùng Quán


            CHUYỆN VỀ PHÙNG QUÁN CÂU CÁ TRỘM
                                                                           Văn Xương

Tôi kết bạn với Phùng Quán cho đến tháng 7 năm nay là đúng 33 năm. Phùng Quán 63 tuổi, tôi 70 tuổi. Tôi không phải là bạn văn thơ với Quán, mà là bạn lính. Tôi ở mặt trận Thủ đô, Quán ở Trung đoàn Cố đô.
Sau khi giải ngũ, tôi sinh sống bằng nghề câu cá. Ngày đó quốc doanh cá Hà Nội bán vé câu cá cho dân câu ở hồ Ha-le một vé 2 đồng câu suốt ngày. Những hôm gặp may có thể kiếm được từ 5 đến 7 đồng. Cá câu được tôi đem bán cho một bà có gánh cơm đầu ghế (bây giờ gọi là cơm bụi) ở góc chợ Hàng Bè.
Thỉnh thoảng tôi gặp một thanh niên trạc 27, 28 tuổi mặc quân phục bạc màu, gương mặt xanh xao, hốc hác, ánh mắt buồn rầu u uẩn. Anh ta thường mua một bát cơm cùng bát canh với vẻ lơ đãng như không biết mình đang ăn gì, rồi anh lẳng lặng bỏ đi… Tôi đoán lính phục viên như tôi, không gia đình, nhà cửa, không công ăn việc làm… không hiểu sao dáng vẻ và gương mặt u uất xanh xao của anh gây cho tôi một ấn tượng xót xa, thật nặng nề… và tôi tìm cách làm quen.

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

MỘT GIẤC MƠ HOA - Quang Tuyết


         
                               Tác giả Quang Tuyết

            MỘT GIẤC MƠ HOA

Sinh ra làm người ai mà không có ít nhất một lần mơ. Đó là nói bằng sự khiêm tốn thế thôi, chứ thật ra mơ nhiều lắm đó chứ, không đếm được nữa là khác. Mơ không mất tiền mua, không phải cân đo đong đếm và hầu như không lệ thuộc điều gì. Nhưng cần mơ đúng lúc, đúng thời điểm, và quan trọng nhất là đừng bao giờ đang làm việc... lại đắm chìm trong mơ. Kinh nghiệm xương máu của tôi đấy nhé. Biết rõ cái tính hay mơ màng đoản hậu của tôi... nên bạn thân nhắc nhở hoài:
“Lái xe cẩn thận nghe QT, đang tham gia giao thông mà hồn bay lên mây, phiêu du cùng gió thì sẽ không phản ứng kịp khi gặp tình huống nguy hiểm đó”.
Trong nhà thì rành quá cái bệnh mơ màng của tôi. Có lần tụi nhỏ đi làm về, ngồi vào bàn ăn tối. Bỗng nhiên nhìn nhau rồi quay qua hỏi:
“Hôm nay không có cô, chú nào gọi điện thoại cho me à?”. Tôi vô tình lắc đầu thay câu trả lời. Nó tiếp:
“Chắc me không làm được bài thơ nào vì thiếu đề tài phải không me?”. Tôi ngạc nhiên buông đũa nhìn, nó tiếp:
“Vậy là một ngày trôi qua me không hề có một giấc mơ đẹp nào. Buồn quá me của con hè…”
Tôi ngớ người ra vì chưa kịp hiểu mô tê. Chỉ mấy giây thôi nhé, khi thấy nàng dâu yêu quý nhìn bà mẹ chồng tủm tỉm, còn thằng con trai thì cười phá lên, tôi biết ngay là mình vừa bị tụi nhỏ xỏ lá.
Các bạn có biết vì sao không? Vì hôm nay cơm dẻo ngon tuyệt vời, nồi cá kho không bị cháy, canh bí bùi bùi vừa miệng, chẳng bị tai nạn chế biến hai lần nêm muối, và khô cạn nước vì quên tắt bếp... hì hì. Nó còn bồi thêm một câu ngọt lịm, khi biết Me đã hiểu lý do:
“Chà! Bà Me mình già rồi mà lợi hại thật, chưa bị lẫn chút nào”.
Cái sự cố lỡ khóc lỡ cười ấy tụi nó nhớ hoài, bỡi tôi mãi hầm xương điện thoại đó quý vị (Người ta hầm cháo, còn tui hầm xương luôn mới ngon chứ). Rồi lãng đãng ngồi mơ về nơi xa lắm, nhìn ra cửa sổ nhớ thương về khung trời Quảng Trị có mây bay, lá rụng. Nhớ nắng sân trường của một thời áo trắng ngây thơ... Quên hết mọi chuyện trên đời, chẳng quan tâm thời gian đang dần qua... Đến khi tụi nhỏ về mở cửa lẻng kẻng, mới chợt hoàn hồn tỉnh giấc mơ hoa. Than ôi!... Mọi người dư hiểu chuyện gì xảy ra rồi chứ? Vâng... Kết quả là tối ấy cả nhà phải ăn Cơm Tấm Bụi Sài Gòn. Cô con dâu của tôi có quyền tự hào rằng mình có bà mẹ chồng độc đáo hiếm hoi.