Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

THÁNG SÁU THÁNG KHÔNG CÓ MƯA - Trần Vấn Lệ



Tháng Sáu tháng không có mưa, chỉ có nắng gió, cây dừa xiêu xiêu... Nắng tinh sương, nắng tới chiều, chim không hót nổi mà kêu thì thào...
 
Bốn mùa không thể giống nhau, trời sinh ra thế:  Cái Màu Thời Gian!  Coi kìa, Bến Hải - Hiền Lương, nửa bên đỏ, nửa bên vàng, thấy chưa?
 
Xe bus vàng chở học trò, tháng Sáu không chạy, bây giờ ngủ đi!  Có hai đứa bé thầm thì, đợi xe bus khách mình về công viên!
 
Hai đứa bé và bầy chim cùng nhau tránh nóng đi nhìn cỏ hoa...Ở đâu còn chút sương nhòa, còn thương yêu nhé, còn ta còn mình...
 
Trời ơi ai khiến tôi nhìn cái Duyên mùa Hạ, cái Tình mùa Xuân?  Cái gì Có cũng là Không, nhà Sư Minh Tuệ  có lòng Tỉnh Mê!
 
                                                                                      Trần Vấn Lệ

LÊ - MẠC TƯƠNG TRANH DƯỚI THỜI MẠC MẬU HỢP (P1) – Hồ Bạch Thảo



Trong giai đoạn này, Lê, Mạc tiếp tục tương tranh. Phía Lê tướng Trịnh Kiểm chết, hai con Cối, Tùng tranh quyền. Rốt cuộc, Cối hàng Mạc, riêng Trịnh Tùng vẫn giữ vững cơ đồ cho nhà Lê.
 
Mạc Phúc Nguyên mất, con là Mạc Mậu Hợp nối ngôi, trị vì 32 năm, lần lượt dùng 6 niên hiệu: Thuần Phúc [1562-1565], Sùng Khang [1566-1577], Diên Thành [1578-1585], Đoan Thái [1586-1587], Hưng Trị [1588-1590] Hồng Ninh [1591-1593].
 
Tháng Giêng năm Thuần Phúc năm thứ 1 [4/2-4/3/1562], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 5, Minh Gia Tĩnh năm thứ 41, Mạc Mậu Hợp tuổi còn nhỏ lên nối ngôi, Nhập nội phụ chính Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng ẵm Mậu Hợp ra coi chầu. Tôn ông chú là Khiêm Vương Mạc Kính Điển là Khiêm Đại Vương, Hoa quận công làm chưởng Triều Đông vệ, Phò mã đô uý Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn chưởng Phù Tây vệ, Thạch quận công Nguyễn Quyện chưởng Phù Nam vệ, Phò mã tông chính thái bảo Ninh quận công chưởng An Bắc vệ.
 

HAI ĐẦU NỖI NHỚ - Thơ Nhật Quang


  
 

HAI ĐẦU NỖI NHỚ
 
Cần Thơ nắng ấm không em?
Anh hong nỗi nhớ… mượt mềm tóc xanh
Sợi hồng se kết duyên lành
Cột vầng mây trắng vào nhành tương tư
Đong đưa gió níu hương thu
À…ơi! Em ngủ anh ru… mộng vàng
Vấn vương tình nặng đa mang
Biết yêu rồi cũng muộn màng lặng câm
Vần thơ vận ngữ âm thầm
Trăm năm duyên số có gần được nhau?
Thẫn thờ ôm mối tình ngâu
Hai đầu nỗi nhớ tiếng sầu chơi vơi
Sài Gòn mưa đẫm Hạ rơi
Thầm mơ màu nắng vợi vời Cần Thơ.
 
                                        Nhật Quang

OẢN LÀ GÌ ? – La Thụy sưu tầm và biên tập



Tương truyền, khi vua Lê Trung Tông mất không có người nối dõi, Trịnh Kiểm định soán ngôi nhà Lê nhưng chưa dám quyết nên đã sai người tới hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ông cũng không nói năng gì mà dẫn sứ giả ra chùa thắp hương bảo: “Mấy năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo”. Rồi Trạng lại sai chú tiểu quét dọn chùa sạch sẽ và nói: “Giữ chùa thờ phật thì ăn oản”, ý nói giữ làm bề tôi của các vua Lê thì tốt hơn.
Trịnh Kiểm nghe theo liền sai người đi tìm tôn thất nhà Lê đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng nhà Lê nhưng thực chất nắm quyền điều hành chính sự, hai bên cùng tồn tại tới hơn 200 năm. Vì thế mà có câu: Lê tồn, Trịnh tại.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

VẪN TRỜI MỜ HƠI SƯƠNG – Trần Vấn Lệ




Vẫn trời mờ hơi sương... vẫn là buồn thường lệ...chưa bao giờ buồn thế... hai Thế Kỷ buồn ơi! (*)
 
Thơ tôi làm cho tôi, coi như có công chuyện để cho mình lưu luyến mình thêm, mình từng ngày...
 
Tôi tin lát nữa đây sương tan trời quang đãng.  Tôi tin nguồn ánh sáng chứa chan vầng mặt trời...
 
Tôi nghĩ em, đấy thôi...
 
có thể còn nằm bệnh, có thể đang hành lang, có thể quét lá vàng trên cái sân lát gạch...
 
Tôi rất nhớ Đà Lạt.  Đâu phải mới bây giờ?
 
*
Tháng Sáu không hề mưa ở Cali ngộ thiệt.  Sáng sáng có chút rét đủ cho mình bâng khuâng?
 
Em!  Chỉ em Giai Nhân.  Tôi vẽ vời yêu dấu.  Con chuồn chuồn mà đậu... chỉ vì nó thấy vui? (**)
 
Em có nghĩ đến tôi, con chuồn chuồn, là một?   Em, chuyến tàu chạy suốt dặm trường xuyên Bắc Nam...
 
Ôi tôi lại lang thang.  Sương mơ màng, cũng phải! Tà áo dài con gái.  Tà áo thời Nữ Sinh...
 
                                                                                     Trần Vấn Lệ
(*) 1975 - 2025...
 
(**) Ca dao:  Thân em phận mỏng cánh chuồn khi vui thì đậu khi buồn thì bay...

TIẾNG CÒI TRONG SƯƠNG ĐÊM – Nhạc Lê Trực, ca sĩ Thanh Thúy trình bày


       


TIẾNG CÒI TRONG SƯƠNG ĐÊM 
 
Bến nước gió rét đò thưa khách sang
Lau xanh ven sông mờ run bóng trăng
Đêm nay không gian chìm trong giá băng
Con đò sang ngang...
Kể lúc vắng bóng người chinh chiến xưa
Đã cắm giữa gió mùa thu thổi đưa
Đêm nay đông sang mà tin vẫn chưa ...
đưa đò ...về ... xưa
Mà đoàn hùng binh âm thầm xông lướt trong sương
Hồi còi còn vang như hòa lẫn theo người lái đò ru:
Tiếng còi trong sương đêm
Tiếng còi trong sương đêm theo gió đưa ôi buồn, nghe vi vu oán than
Thôi toán quân đi rồi, thôi toán quân đi rồi ...
Hơ hờ hơ ...hơ hơ hơ đi rồi ...
Con ơi lòng mẹ ủ ê thương cho chồng mấy dặm sơn khê
Khi ra đi có hứa thu nay về
Mà hôm nay lá thu đã rơi tràn,
Rồi mùa đông sang qua luôn mòn mỏi trong đau buồn
Hò hơ hớ ... Hò hơ hớ ...
Tiếng còi trong sương đêm
Tiếng còi trong sương đêm theo gió đưa ôi buồn
Nghe vi vu oán than
Thôi khóc chi đau lòng, con cứ an giấc nồng
Hơ hờ hơ ...hơ hơ hơ bên lòng ...
 
                                                             Lê Trực

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

PHONG CÁCH TÁN TỤNG TRONG PHẬT GIÁO VIỆT NAM – Giáo sư Trần Văn Khê



Trên thế giới về cách tán, tụng có ba trường phái:

Bắc tông, hay Ðại thừa gồm có Ấn Ðộ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Kinh văn bằng tiếng Phạn (Sanskrit) để nguyên tiếng Phạn, phiên âm ra bằng tiếng Trung Quốc, đọc theo cách phát âm của người Trung Quốc, thì gần giống âm tiếng Phạn, nhưng khi đọc chữ phiên âm theo cách đọc của mỗi nước Triều Tiên, Nhật Bản hay Việt Nam thì rất xa âm tiếng Phạn, như bài chú Vãng sanh (Nam mô A di đà bà dạ v.v….) Có khi tiếng Phạn dịch ra tiếng Trung Quốc viết lại bằng chữ Hán như A Di Ðà kinh, Tâm kinh Bát Nhã v.v…
 
Nam tông hay Tiểu thừa gồm các nước Sri Lanka (Tích Lan), Thái Lan, Cao Miên (Campuchia), Lào. Kinh chép bằng chữ Pàli đọc theo âm Pàli, không dịch ra tiếng bổn xứ.
 
Mật tông (Tây Tạng, Mông Cổ) kinh gồm những mật ngôn đọc theo một giọng thật trầm.
 

CÔ GÁI NHỎ - Thơ Trần Vấn Lệ


   
 

CÔ GÁI NHỎ
 
Tôi gọi em là Cô Gái Nhỏ.
Em cười cười Em Lớn Rồi Chớ Bộ!
Tôi xin lỗi em Thế Anh Gọi Em Là Gì?
Em cười cười Cứ Gọi Em Là Cô Gái Nhỏ!
 
Chuyện như vậy hai-trăm-năm-rồi đó!
Hai Thế Kỷ rồi, Trời ạ bao lâu?
Chu Mạnh Trinh xưa từng có ý định xây lầu
rước người ngọc... còn tôi sao nhỉ?
 
Có một trăm năm tôi làm Chiến Sĩ,
Chừ một trăm năm tôi làm kẻ lưu vong!
Tôi nhớ em!  Tôi nhớ núi nhớ sông...
Nhớ quá chừng những cánh đồng cò bay mỏi cánh...
 
Nhớ như mới đây tự dưng trời lạnh lạnh,
Tôi nghe nói quê nhà cũng lạnh bỗng nhiên!
Tôi nhớ em cái miệng cười duyên
Cái mái tóc đẹp như là con suối...
 
Em bao giờ đã là con dế nhũi,
Em bao giờ có ai đuổi theo không?
Ai mà không thương hai má em hồng?
Ai mà không thương em nói như con dế nói...
 
Em nói rằng "Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi theo" (*)
Em nói một buổi chiều
Khói bếp xanh um mái rạ...
 
Có thể là tôi nhớ thương em quá,
Khói cơm chiều dờn dợn sóng hoàng hôn... (**)
Hai trăm năm qua ai chẳng hóa linh hồn (***)
trong gió núi trong trùng dương em hỡi?
 
Phải chi tôi có cánh bay về thấy em bên Ngoại
trong vườn cau chiều ngó những trái cau non,
gió phù sa chải mướt cỏ trên cồn
con thuyền đậu lắc lư sóng vỗ...
 
Em ơi em muôn năm Cô Gái Nhỏ
giữa một thời chinh chiến động lòng tôi!
Hai trăm năm tôi nhớ miệng em cười,
Nhớ cái răng khểnh, nhớ bàn tay em vuốt tóc...
 
Con suối nào cũng là con suối cô độc
Anh ngồi xuống nhìn em rửa chân nha?
Cũng toan dựng tháp ngọc lầu ngà...
Cũng toan mà...cũng toan mà...ứa lệ!
 
                                      Trần Vấn Lệ
 
(*) Thơ thấy trong Chinh Phụ Ngâm Khúc.
(**) Thơ Huy Cận: Lòng quê dờn dợn vời con nước, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà!
(***) Thơ Chế Lan Viên:  Khi ta ở đất là khu đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.

PHẢN BIỆN VỀ NHỮNG SAI LẦM CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH CHÂN TÍNH - Vũ Thế Ngọc

TS Vũ Thế Ngọc học Triết học, Văn học và Khoa học xã hội ở Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn trước năm 1975. Sau sang Mỹ học tiếp, tốt nghiệp Cao học xã hội, Tiến sĩ Nhân chủng học và tiến sĩ Kinh tế, Đại học California Santa Barbara. . Ông là tác giả và dịch giả của một số tác phẩm triết học Đông phương: Trí tuệ giải thoát, Lão Tử Đạo đức kinh, Thế giới thị ca thiền hàn, Trà kinh,...
Ở Việt Nam vào năm 1981, giáo sư Vũ Thế Ngọc đã dịch và giới thiệu một phần. Đến tiết thu phân Quý Mùi giáo sư đã dịch toàn bộ tác phẩm Đạo Đức Kinh – bản Mã Vương Đôi ở trên ra Việt ngữ dưới dạng: Hán – Hán Nôm – Việt ngữ – Anh ngữ.

TS Vũ Thế Ngọc 


Vừa qua, nhân sự kiện sư Thích Minh Tuệ nổi tiếng trên mạng xã hội, TT Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, đã có bài nói chuyện, tuy ít người chú ý nhưng tôi cho rằng đó chính là cơ sở lý luận học thuật của GHPGVN và của những người không đồng ý với pháp tu Đầu Đà khất thực của sư Minh Tuệ.
    
Trước hết bài của TT Thích Chân Tính đã sai lầm khi cho rằng giáo pháp Đầu Đà là giáo pháp tu hành khắc kỷ quá khích của ngoại đạo mà Thái tử Tất Đạt Đa đã từ khước nên sau đó mới trở thành Đức Phật với giáo lý Trung Đạo. Trong bài nói chuyện này, vô tình hay cố ý TT Thích Chân Tính đã cho rằng hạnh Đầu Đà (dhutanga) mà sư Minh Tuệ đang hành trì “không phải là giáo pháp Phật giáo chính thống vì chính Đức Phật đã khước từ bỏ để theo giáo pháp Trung Đạo nên mới chứng ngộ giải thoát”. Điểm quan trọng là lời giảng này của TT Thích Chân Tính lại trùng khớp với tuyên cáo “Ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo” trong thông báo của TT Thích Đức Thiện, nhân danh GHPGVN, bố cáo với toàn thể tổ chức GHPGVN và đồng bào để nhờ chính quyền can thiệp.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

NHÌN NHẬN VỀ TÁC PHẨM THỦY HỬ - Giáo sư Bill Jenner

Cuốn tiểu thuyết được dựng thành không biết bao nhiêu phim, truyện tranh, trò chơi điện tử... Đến nay, các nhân vật trong truyện vẫn là đề tài ưa thích mà người Trung Quốc (TQ) sôi nổi bàn tán. Giáo sư Bill Jenner ở Đại học Quốc gia Australia trả lời phỏng vấn tạp chí Khoa học và Văn hóa Trung Quốc về tác phẩm này.
 
Hình: Bìa cuốn Thủy Hử được nữ văn sĩ Pearl S. Buck dịch sang tiếng Anh

- Theo ông, nên nhìn nhận như thế nào về tác phẩm Thủy Hử?
- Tôi thấy đây là một vấn đề rất thú vị, vì nó liên quan tới nền văn hóa và trạng thái tâm lý của xã hội TQ từ triều Minh cho đến ngày nay. Một mặt, sự chém giết lẫn nhau trong Thủy Hử rất chi là nhộn nhạo; mặt khác, người ta không thể không hỏi rốt cuộc vì mục đích gì mà những người ấy vung tay chém giết như vậy? Cái gọi là các anh hùng hảo hán trong sách ra tay choảng nhau thường gây ra tổn thương cho bản thân và người nhà, chỉ vì để chứng tỏ võ công của mình mà họ sử dụng bạo lực, làm hại kẻ khác. Xét về ý nghĩa ấy thì Thủy Hử là một bộ tiểu thuyết bệnh hoạn. Trong đó việc tuyên truyền ca ngợi quan niệm bạo lực và nghĩa khí anh em (Thủy Hử từng được nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel Pearl S. Buck dịch ra tiếng Anh là All men are brothers - Tất cả là anh em - ND) kiểu lưu manh thì không có chút ý nghĩa xây dựng nào cả.

ĐỌC TẬP THƠ “THÌ THẦM VỚI CỎ” CỦA NHÀ THƠ VẠN LỘC - Châu Thạch



Lần nầy, xuất bản tập thơ thứ 12, nhà thơ Vạn Lộc lấy tựa đề “Thì Thầm Với Cỏ” là tựa đề của một bài thơ mà bà vừa ý. Trong bài thơ ấy bà viết “Với cỏ ta chỉ biêt thì thầm/ Như muôn đời cỏ thì thầm với gió” hay là “Cũng như thế một mai ta về làm cỏ/Sẽ hồn nhiên xanh xanh đến vô tư/Tự rút ruột mình để mình xanh biếc/Rồi bâng quơ hát khúc sa mù”.
 
 Vậy cỏ với Vạn Lộc không phải là loài thực vật tầm thường mọc dại dưới bước chân đi, mà cỏ là một loài cây tri kỷ với trời đất, với không gian với thời gian và với con người.  Cỏ thì thầm với càn khôn vũ trụ và nhà thơ Vạn Lộc hạnh phúc biết bao khi lại thì thầm với cỏ một cách “Miên man xanh dưới trời xanh bất tận” để mỗi bài thơ của bà đẹp biết bao, đẹp như “Chợt bay lên chấm trắng một cánh cò” trên cánh đồng cỏ xanh mơn mởn ấy.

HỔ XÔNG VÀO ĐÀN TRÂU RỪNG, ĐOẠT MẠNG TRÂU CHỈ SAU MỘT NHÁT CẮN...

Con hổ Bengal liều lĩnh lao vào giữa đàn trâu rừng để săn mồi, lập tức phải hứng chịu sự phản kháng mạnh mẽ từ phía những con mồi cỡ lớn…


Khoảnh khắc hổ Bengal săn mồi được một du khách ghi lại tại Vườn quốc gia Bandipur (bang Karnataka, Ấn Độ), cho thấy một con hổ Bengal đực lao vào giữa đàn trâu rừng để truy đuổi con mồi.
 
Chỉ bằng một cú cắn mạnh vào cổ, hổ đã có thể nhanh chóng hạ gục một con trâu rừng cỡ lớn. Tuy nhiên, "chúa sơn lâm" không thể dễ dàng thưởng thức thành quả chuyến đi săn của mình.
 
Khi thấy đồng loại bị hổ tấn công, những thành viên khác trong đàn trâu rừng đã quay trở lại, liều lĩnh mạng sống dùng sừng phản công kẻ săn mồi để giải cứu cho bạn.
 
Hổ đã cố gắng xua đuổi đàn trâu rừng, nhưng sự chênh lệch về số lượng đã buộc "chúa sơn lâm" phải chấp nhận rút lui.

TẤT CẢ LẶNG LẼ ĐI NHỮNG CON SÔNG NGÀY THÁNG – Trần Vấn Lệ


 
Bắt đầu nghe than van:  "Sao mùa Hè nóng thế?  Không buồn mà ứa lệ?  Mắt cũng chứa mồ hôi?"
 
Nghe than... thật buồn cười!  Chỉ con người than thở, chớ kia kìa hoa cỏ / đâu có than gì đâu!
 
Việt Nam, những con trâu / vẫn cày, bừa chăm chỉ!  Trong rừng, những con khỉ, đâu cần báo, ti vi...
 
Tất cả lặng lẽ đi - những con sông ngày tháng!  Có lẽ vì lãng mạn, con người có văn chương?
 
Người ta nói Tú Xương, thơ Ông đều trào phúng... mà sao đọc cảm động / như bài Kiếp Chồng Chung!
 
Tưởng Ông nói lung tung, té ra Ông nói tục!  Sự đời toàn chuyện dóc... cái chăn bông... đoạn trường!
 
Lời thơ Ông oán, thương.  Ông nói ra hờn, dỗi.  Tại sao Ông phải nói?  Văn Học Sử cần chăng?
 
*
Mùa Hè mới đi ngang, nhiều người đã than thở.  Tôi mơ mình thành gió / tung tăng tà áo ai...
 
Tôi mơ mình thành mây, tụ thành mưa phơ phất.  Nhưng... mà mơ duy nhất:  hôn giọt mồ hôi em!
 
Em phải đi làm thêm / trên tám giờ thường lệ... Tôi biết em bớt ghé / chợ, vì vật giá leo thang...
 
Tôi hôn em, Quê Hương / má hường trưa nắng Hạ.  Em bềnh bồng tóc thả / mây mùa Thu, chừng nao?
                                                                                    Trần Vấn Lệ

VÀI TÂM SỰ VỀ XEM TƯỚNG TAY QUA ẢNH - Đặng Xuân Xuyến



Khuya 27/05/2024, khoảng 21 giờ 30, chuẩn bị thoát Faebook để đi ngủ thì tôi "gặp" ảnh bàn tay của Nhà giáo Dương Diên Hồng với dòng chia sẻ: "Mình cũng có bàn tay chữ nhất như thầy Minh Tuệ. Lẽ nào có số tu?"
 
https://www.facebook.com/100025581380424/posts/1516814145847950/
 
1 - VÀI THẮC MẮC VỚI CHỦ NHÂN ẢNH BÀN TAY
 
Tò mò về ảnh bàn tay của Nhà giáo Dương Diên Hồng, tôi dừng lại quan sát và giật mình khi "nhìn thấy" ở gò Kim Tinh một nguồn nước "hình như là một con sông" cũng khá lớn đang cuộn chảy phía trước ngôi nhà của chị, tôi vội comment hỏi: - Con sông gần (cạnh) nhà Chị tên là gì thế Chị?
 
Rất may 11 phút sau (21 giờ 44) tôi nhận được hồi âm từ chị: - "Là sông Tây Ninh (một nhánh của sông Vàm Cỏ) đó em.".
 
Tôi dùng chữ "rất may" bởi mỗi lần nhìn bàn tay hoặc ảnh bàn tay ai đó mà tôi như bị một ma lực hối thúc buộc phải xem thì lúc đó ở khu gò Kim Tinh như (tôi nhấn mạnh chữ như bởi những lúc đó tôi không làm chủ được cảm giác của mình) lần lượt hiện ra những hình ảnh "na ná" khu nhà đất (Dương trạch) và Phúc âm (được vong linh nào phù hộ và ngôi mộ của vong linh đó nằm ở địa thế như thế nào?) của chủ nhân bàn tay đó và cảm giác như thế thường chỉ diễn ra trong khoảng 10 đến 15 phút, sau đó sẽ không còn tâm trạng bị hối thúc phải xem bàn tay nên tôi không thể "nhìn thấy" để "đọc" được Dương trạch và Phúc âm trên bàn tay đó! Nhưng thật tiếc, vì chờ khá lâu (10 phút) mà chưa thấy chị Dương Diên Hồng hồi âm tôi đã thoát facebook nên không đọc được phản hồi lúc 21 giờ 44 từ chị: - "Là sông Tây Ninh (một nhánh của sông Vàm Cỏ) đó em.", để xem tiếp những "bí mật" ẩn giấu ở gò Kim Tinh khi tôi còn trong tâm trạng vô thức buộc phải xem ảnh bàn tay của chị.
 

CÓ CẢ ĐẠI DƯƠNG TRONG TRÁI TIM EM, CÓ LẼ - Thơ Khê Kinh Kha


   
                  Nhà thơ Khê Kinh-Kha

 
CÓ CẢ ĐẠI DƯƠNG 
                 TRONG TRÁI TIM EM
 
có giọt lệ nào trong trái tim anh
có nụ tình nào trong ngưỡng hồn em
có xót xa nào giữa đời mưa nắng
có nụ hoa nào vừa nở trong tim ?!?
có tim của ai đang khóc cho ai
có tim của tôi cúi xin tình người
có những con đường tôi qua rất vắng
có tình em nở nụ hồng sáng nay
có cả trời trong trong trái tim em
và vạn hoa nở thơm  ngát giữa hồn
có cả bao la của bao triều mến
có cả đại dương trong tình của em
 
có cả đời ta trong vạn trăm năm
và tình lứa đôi trên bước đường trần
có git yêu thương trong đời mưa nắng
có cả đại dương trong tình cua em
có em giữa đời cho nụ tình nở
có em nên đời có một con tim
có tôi nhỏ bé trong tình em lớn
có cả đại dương trong tình của em
 
có giọt lệ nào trong trái tim anh
có nụ tình nào trong ngưỡng hồn em
có mộng yêu thương xây đắp cưộc tình
có xót xa nào giữa đời mưa nắng
có nụ hoa nào vừa nở trong tim ?!?
 
có tim của tôi nở tình yêu ai
có hồn của tôi ôm trọn tình người
có những con đường trãi đầy mộng ước
có tình em nở nụ hồng sáng nay
 
có cả trời trong trong trái tim em
và vạn hoa nở thơm ngát giữa hồn
có cả bao la của bao triều mến
có cả đại dương trong tình của em
 
có cả đời ta trong vạn trăm năm
và tình lứa đôi trên bước đường trần
có git yêu thương trong đời mưa nắng
có cả đại dương trong tình cua em
 
có em giữa đời cho nụ tình nở
có em nên đời có một con tim
có tôi nhỏ bé trong tình em lớn
có cả đại dương trong tình của em
 

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

NỘI CHIẾN LÊ MẠC DƯỚI THỜI MẠC PHÚC NGUYÊN (1546-1561) - Hồ Bạch Thảo



Thời Phúc Nguyên sau khi dẹp tan nội loạn Mạc Chánh Trung, phe Mạc chia rẽ, quyền thần Lê Bá Ly mang quân theo nhà Lê. Kế đó danh tướng Trịnh Kiểm mấy lần xua quân ra Bắc, tướng Mạc Kính Điển cũng mang quân vào đánh Thanh Hóa. Trong lúc hai hổ đang tranh hùng, thì Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa, ngấm ngầm mài nanh dũa vuốt, trở thành hổ thứ ba trong tương lai.
 
Ngày mồng 8 tháng 5 năm Quảng Hoà năm thứ 6 [5/6/1546], Mạc Phúc Hải chết, lập con trưởng là Phúc Nguyên lên làm vua. Phúc Nguyên giữ ngôi 16 năm, lần lượt dùng 3 niên hiệu: Vĩnh Định, Cảnh Lịch, Quang Bảo, lấy năm sau [1547] là năm Vĩnh Định thứ nhất.
 
Lúc này Phúc Nguyên còn nhỏ tuổi, chưa biết định đoạt, bao nhiêu công việc lớn nhỏ đều ủy cả vào chú ruột là Khiêm Vương Kính Điển phân xử.
 
Khi Mạc Phúc Hải chết, viên tướng Tứ dương Hầu Phạm Tử Nghi bàn rằng:
 
“Hiện trong nước đương lúc nhiều nạn, nên lập vua lớn tuổi. Con Vua Đăng Dung là Hằng Vương Chánh Trung đã nhiều phen cầm quân, và thường thắng trận. Vậy xin dựng lên nối ngôi”.

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

CÂU THƠ NÀY LÀM CHỨNG – Trần Vấn Lệ



Đêm nào cũng thuốc ngủ, tôi ngủ không nằm mơ, sáng thức dậy làm thơ cho em bình minh, đó!
 
Buổi sáng thường không gió nên thơ không bay đi.  Chỉ có hoa dậy thì nở như em bên Ngoại...
 
Cây cau sắp ra trái, hoa hương thơm như em.  Trái bưởi tôi nâng lên thấy môi mình có dấu...
 
Tôi giống con bướm đậu trên trái tim em sao?
Good morning, anh chào:  Em vui ngày mới nhé!
 
*
Thơ tôi vẫn thường lệ nói với em thầm thì.  Thơ tôi hương bay đi tóc em thề bên suối...
 
Em, đôi chân đang duỗi, gót chân em hoa hồng.  Dĩ nhiên là suối trong!  Anh yêu em biết mấy!
 
Nói như là hồi ấy thấy em đi trong vườn... Nói rất là dễ thương!  Câu thơ này làm chứng...
 
                                                                                      Trần Vấn Lệ

SAO TÌNH MÌNH LONG ĐONG – Thơ Quách Như Nguyệt, nhạc Mộc Thiêng, ca sĩ Hà Huệ Mẫn trình bày

   


              
 

SAO TÌNH MÌNH LONG ĐONG
 
Đôi khi em thắc mắc
Sao tình mình long đong?
Đang đậm sâu vững chắc
Sao đổ vỡ giữa dòng?
 
Em hỏi em, tự hỏi
Em hỏi trăng hỏi sao
Chỉ thấy trăng mờ ảo
Sao lấp lánh trời cao
 
Em hỏi em trong nắng
Em hỏi mây, mây trắng
Em hỏi hoa, hoa héo
Em hỏi anh, em khóc
“Sao tình mình long đong?”
“Sao tình mình long đong?”
 
Anh tặng em hồng vàng
Mầu vàng mầu phản bội
Anh tặng em hoa tím
Hoa có hình trái tim
 
Hoa rụng rơi nằm im
Tim héo tàn tội nghiệp!
 
Em hỏi em trong gió
Gió chẳng chịu trả lời
Em hỏi mưa, bão tố
 
Tình hoen ố, rụng rời!
Dẫu yêu anh mãi miết
 
Dẫu yêu anh tha thiết
Vẫn là tình hoài vọng
Mình có duyên không phận
Nên tình mình long đong
 
        Quách Như Nguyệt

CHỢT, TÌNH – Thơ Nhã My, nhạc: Phan Ni Tấn, ca sĩ Tuyết Mai trình bày.

   
               
                                                           Nhà thơ Nhã My.


        

CHỢT, TÌNH
 
Cứ ngỡ tim mình hóa đá
Lăn qua những nhánh tình buồn
Lăn qua phố đời vội vã
Về nằm lạc giữa cô đơn
 
Cứ ngỡ tim mình hoang lạnh
Nhánh tình trôi giữa xa xăm
Lăn buồn trong khoang đời rỗng
Cuộn vào nỗi khát khô nằm
 
Chiều thả lòng theo tiếng hát
Tim mềm như giấc mơ đêm
Vạt nắng ngủ trên bờ mộng
Xuyến xao một phút êm đềm
 
Tiếng sóng vỗ bờ ru ngọt
Gió đang tình tự chờ mong
Bất ngờ áo em lồng lộng
Chợt nghe tình chảy cuộn dòng
    
                                     Nhã My

GIÔNG – Thơ Lê Phước Sinh


  

 
 GIÔNG
 
Một góc đang mắc nghẹn,
từng cụm mây nuốt vào.
Bình thản gió ve vuốt
coi chuyện này ra sao...
 
Rồi oi bức kéo đến,
nước bục tràn dầm dề.
Để thiên hạ biết mặt
xem bà trời xả nư.
 
Cỏ cây cười ha hả,
tốc váy cô đi đường...
 
        Lê Phước Sinh